Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Thơ trong mạch nguồn văn hóa Huế



Thiên nhiên và con người xứ Huế đã từ lâu là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca. Đại thi hào Nguyễn Du từng cảm hứng với vầng trăng trên sông Hương: “Hương Giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu” (Sông Hương một giải nguyệt cầm- Xưa nay khôn xiết trầm thâm nỗi sầu). Khi phong trào Thơ Mới bắt đầu gây tiếng vang thì Huế chính là vùng đất để các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh... phát tiết tài thơ và khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn.


           Huế là quê hương của các nhà thơ Tố Hữu, Thanh Tịnh, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ...Thơ đã tự nhiên như khí trời, như cây xanh ven đường hoà dòng chảy của mình vào mạch nguồn văn hoá Huế.  
  
            Cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến hẹn lại lên, đúng vào dịp Tết Nguyên Tiêu dưới ánh trăng tròn lồng lộng của ngày rằm tháng Giêng; những nhà thơ Huế lại có dịp hội ngộ để cùng sống trong hơi thở của thơ ca. Năm nay, với chủ đề Đồng vọng Thi ca, chương trình ngày Thơ của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế, Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế  được tổ chức ở nhiều địa điểm khắp trong tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bắt đầu khởi động từ 15h ngày 12.1 (14/02 dương lịch) với cuộc nói chuyện về Hạnh phúc trong thơ của nhà thơ Cao Huy Thuần tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán. Ngày 13/1 (âm lịch) là đêm thơ của CLB thơ Sông Bồ tại tiền sảnh UBND huyện Hương Trà. Buổi sáng 14/1 (âm lịch), tất cả Hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế tổ chức đi thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh rồi cùng đi viếng mộ các thi nhân, các nhà thơ Hoàng tộc, nhà lưu niệm Phan Bội Châu và cuối cùng là mộ nhà thơ Phùng Quán…

              Đây cũng là lần thứ 3 và đã trở thành truyền thống của những người chơi thơ xứ Huế thể hiện niềm tri ân của văn nghệ sĩ Huế đối với những thi nhân, thi sĩ đã có nhiều đóng góp lớn lao cho nền thơ Việt Nam và thơ Huế.Đặc biệt, vào 19h ngày Rằm tháng giêng (17/1), tại Lầu Tứ phương Vô sự trong Đại Nội Huế, với một chương trình được dàn dựng một cách công phu và hoành tráng sẽ chính thức diễn ra .Đêm thơ Đồng vọng Thi ca cùng với việc tái hiện lại thú chơi Thả thơ tao nhã của người Huế xưa, trình bày các bài thơ Huế qua nhiều thời kỳ, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, của quê hương, khát vọng của dân tộc... trong mùa xuân mới.

              Có thể nói một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam là văn hóa thơ. Thơ đến với người Việt từ khi còn ở trong nôi qua những câu hát ru  của bà của mẹ. Cùng với sự trưởng thành về thể chất và tinh thần, chất thơ trong tâm hồn người Việt đậm đà hơn với ca dao, tục ngữ .Từ thời xa xưa, trong quá trình dựng nước, giữ nước người Việt ta luôn coi thơ là nguồn dinh dưỡng tinh thần trong đời sống hàng ngày, là vũ khí đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Người Việt ta phải yêu thơ nhiều lắm mới nâng tầm thơ ca thành tiếng thơ. Thơ còn là thông điệp, là tấm lòng, là tâm hồn, trí tuệ của con người trong đời sống. Ở khía cạnh nào đó “thơ là lời nói thiêng ở đình” như nhận định của các bậc nho gia. Ở khía cạnh nào đó thơ cũng là câu hát đồng dao cho trẻ nhỏ. Nhưng có một sự thật là thơ ca hiện đại bây giờ đang ngày một mất dần đi công chúng. Cũng như các nhà thơ trẻ ở các thành phố lớn, các nhà thơ trẻ ở Huế cũng đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo để cách tân thơ. Nhưng có lẽ điều cốt lõi của thơ ca vẫn là làm sao đó để người đọc dễ dàng hiểu và cảm nhận được. Những vẫn thơ hay vẫn là những vần thơ làm cho người đọc xúc động.

              Trở lại với thơ Huế, là vùng đất của thi ca nhiều thế hệ nhà thơ ở Huế đã khẳng định được tên tuổi của mình trên văn đàn cả nước. Có thể kể ra đây những nhà thơ Huế đã trưởng thành trong chiến tranh như Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ; những nhà thơ trưởng thành sau chiến tranh như Ngô Minh, Vĩnh Nguyên, Hồ Thế Hà, Mai Văn Hoan... hay lớp thơ trẻ hôm nay như Phạm Nguyên Tường, Đông Hà, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái...Những thế hệ thơ tiếp nối nhau làm cho gương mặt thơ Huế luôn tưoi vui và có nhiều màu sắc; góp phần  làm phong phú cho văn hoá Huế.

               Thơ đến và ở trong người Việt ta một cách tự nhiên. Chính vì vậy, từ xa xưa cho tới nay, người dân bình thường luôn quan niệm thơ là những gì gần gũi thân thiết, mọi thứ thuộc về con người đều không xa lạ đối với thơ nhưng thơ luôn là bạn đồng hành tri âm, tri kỷ hướng người ta tới điều tốt đẹp. Ngày nay và mai sau, cho dù công nghệ giải trí có tràn ngập tới cỡ nào, có siêu phàm đến cỡ nào cũng không thể thay thế cho thơ. Nói như nhà thơ Thanh Thảo: “Ngày Thơ hằng năm vào dịp Tết Nguyên tiêu là một cách nhắc nhở các nhà thơ Việt về trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc mình trong các thi phẩm của họ, và cũng để thầm thì với mọi người Việt Nam từ công chúng yêu thơ tới những người chưa có cơ hội hay điều kiện yêu thơ: thơ, thực ra có trong phần sâu thẳm của mỗi con người. Nó thuộc về số phận của mỗi con người”.

Nguồn TRT

http://vanhocnghethuat-tthue.org.vn/TinTuc1/?f=TinTuc1〈=vn&q=8654&qTL=4
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyệt Thu

Đêm thơ Nguyên tiêu ở Huế với chủ đề: "Đồng vọng thi ca"




           Đêm thơ được bắt đầu vào lúc 20h, được Đài PT-TH TRT của tỉnh TT Huế truyền hình trực tiếp...

            Mới hơn 7h, lối vào cổng Hoà Bình, cổng sau của Đại Nội-Kinh thành Huế, lối vào nới tổ chức Đêm thơ: lầu Tứ Phương Vô Sự, đã xuất hiện khá đông các vị khách yêu thơ. Trời mưa lâm thâm, khí trời đêm khá lạnh vẫn không làm chùng lòng người yêu thơ ở Huế. Tôi cũng hoà vào dòng người, bước lên các bậc thềm rêu để lên lầu xưa, theo sau là các anh chị em thành viên của Câu lạc bộ thơ Hương Thuỷ, mang đến tặng cho đêm thơ những chai rượu gạo Thuỷ Dương-sản phẩm được các anh trong ban tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu Huế gọi đùa là "Quốc hồn quốc tuý" của Hương Thuỷ!

              Lối lên lầu Tứ Phương Vô Sự không được chiếu sáng bằng ánh đèn điện lạnh lùng, ngược lại, ban tổ chức đã bố trí soi sáng lối cho người đi thật thơ: những chiếc hoa đăng đỏ lung linh ánh nến xếp thành 3 chữ Tân Mão niên, mở đầu cho một không gian huyền ảo dẫn đến cõi thơ!




Ảnh: dantri online



           Lầu Tứ Phương Vô Sự-nơi xưa kia các hoàng tử, công chúa lên đây học bài- hiện ra trong đêm, được chiếu sáng bởi những ngọn đèn màu ấm áp. Trước nền sân gạch của Tứ Phương Vô Sự lâu, trên bãi cỏ, ban tổ chức đã bố trí trải từng hàng chiếu với những chiếc tợ nhỏ, trên mỗi tợ là một, hai chai rượu gạo Thuỷ Dương chúng tôi vừa mang đến, đã được ban tổ chức tiếp nhận, đặt lên, góp thêm một nét duyên cho cảnh quan chung...



Ảnh: Từ Nguyễn



           Chương trình sắp bắt đầu, người đến thưởng thơ đã bắt đầu vào chỗ ngồi mà ban tổ chức đã bố trí: những chiếc chiếu trắng trên nền cỏ. Trừ chiếc mái vòm được căng ở giữa không gian dành cho những khách yêu thơ cao niên, số thanh niên và cả những người yêu thơ trung niên tự cảm thấy mình "còn khoẻ" đều quây quần bên nhau trên những manh chiếu đã thấm nước mưa từ lúc chập tối đến giờ nhưng xem ra chẳng mấy ai quản ngại: tất cả đang háo hức chờ để được thưởng thức thơ!



Ảnh: dantri online



Ảnh: dantri online



Phần khai mạc diễn ra ngắn gọn với sự dẫn dắt chương trình của hai MC: Liên Chi, Phi Tuấn, phần phát biếu khai mạc đêm thơ của hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu-Chủ tịch Hội LH VHNT tỉnh TT Huế...



Ảnh: Từ Nguyễn



           Phần được mong đợi nhất của những người yêu thơ được thể hiện thật sâu lắng và đầy chất thơ: Những bài thơ hay như “Hương Giang hiểu phiếm -  Vua Thiệu Trị”; “Thượng Nguyên tịch ngoạn nguyệt (ngắm trăng đêm Rằm tháng Giêng) – Vua Thành Thái”; “Nguyên Tiêu – Hồ Chí Minh”; “Tết của mẹ tôi - Nguyễn Bính” được gửi đến qua những giọng ngâm thơ của các nghệ sĩ chuyên nghiệp được yêu mến của Huế như: Kim Liên, Bạch Hạc, Phong Thuỷ, Thu Hằng..., được minh hoạ bằng các điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng, những tà áo dài Huế thướt tha...




Ảnh: Từ Nguyễn



          Phần đọc thơ chính mình sáng tác trong khuôn khổ hạn hẹp của Đêm thơ, được ban tổ chức bố trí: nhà thơ Hồng Nhu, Mai Văn Hoan mà theo thiển ý của NT là hơi ít ỏi và hơi... phong kiến!:D




Ảnh: Từ Nguyễn



            Xen kẽ là trò chơi cung đình: Thả thơ, đố thơ của Huế, viết và tặng chữ thư pháp cho khán giả trong đêm thơ của nhà thơ Hải Trung...



Ảnh: Từ Nguyễn




        NT cũng được tặng một chữ Hiếu thật đẹp từ chính tay nhà thơ-nhà thư pháp Hải Trung:





Ảnh: Từ Nguyễn



          Đêm thơ kết thúc, mọi người chợt tỉnh ra: trời đã ngừng mưa tự lúc nào! Tất cả ra về trong một cảm giác ấm áp, một tâm trạng nhẹ nhàng vì vừa được chung một niềm vui bên thơ...



Ảnh: Từ Nguyễn



NT, 19/02/2011
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Cuộc thi thơ xuân 2011 của Diễn đàn Nguyệt Viên đã công bố kết quả. Sau đâu là thông báo của Ban tổ chức:



Các anh chị và các bạn thân mến,

Tết đã qua, Xuân đã xa…và cuộc thi Xuân 2011 của chúng ta cũng đang ở những giây phút cuối cùng của thời gian dự định.

Hai tháng cho một cuộc thi, với sự tham gia nhiệt tình của các anh chị và các bạn, BTC đã nhận được 31 bài đường luật và 86 bài cho các thể loại khác. Một số lượng bài không nhỏ đã góp phần làm nên sự thành công của cuộc thi này.

“Tiếng thơ là tiếng lòng”, mỗi bài thơ của các anh chị gởi đến cuộc thi đều là những cảm xúc viết ra từ lòng mình, thật đáng trân trọng. Mỗi bài thơ đã là một bông hoa làm nên một vườn hoa muôn sắc màu cho Vườn Trăng chúng ta.

Sau 3 tuần làm việc nghiêm túc, BGK đã chọn ra những bông hoa đẹp nhất để trao giải. Lữ Khách xin thay mặt BGK và BTC công bố kết quả của cuộc thi Xuân 2011 trên diễn đàn Nguyetvien.net như sau:



1. GIẢI CHO THƠ ĐƯỜNG LUẬT

- Giải nhất:

MXDL - 30: CM4Q

Vọng cố hương

Giao mùa tấc dạ sóng buồn chao
Nhớ Mẹ thương Cha lệ đắng trào
Thưở trước xuân về nô nức vậy
Bây giờ tết đến lạnh lùng sao
Vì không pháo đỏ dư màu tuyết
Bởi chẳng chưng xanh thiếu sắc đào
Cố quận xa vời ôm ảo ảnh
Tương phùng mộng ấy hỏi ngày nao

- Giải nhì:

MXDL - 31: LAO HAC

Ngày Xuân

Gió nhẹ mơn man trải khắp đồng
Xuân về én lượn phía trời đông
Nhành hoa khẽ nở khoe màu thắm
Hạt nắng thầm rơi ửng má hồng
Lá vẫy chồi non xao xuyến đợi
Sương vờn lộc biếc thẹn thùng trông
Muôn loài trở giấc bình minh gọi
Gõ cửa ngày sang thật ấm nồng

- Giải 3:

MXDL - 08: Traveler

Sắc xuân

Rực rỡ vầng dương chiếu rạng ngời
Tràn đầy nhựa sống phủ nơi nơi
Muôn loài tống cựu cùng mây gió
Vạn vật nghinh tân giữa đất trời
Nắng tiễn đông buồn màu thắm điểm
Mai chào cảnh mới sắc vàng rơi
Nàng xuân bất chợt cười duyên dáng
Khiến cả trần gian bỗng tuyệt vời!

- Giải khuyến khích:

MXDL - 25: Pigeon

Sắc xuân

Biển lẫn trời xanh lơ lửng đầu
Mây là bọt sóng trắng phau phau
Nắng tràn chỗ chỗ vàng ươm sắc
Hoa kết nơi nơi đỏrực màu
Rộn rã đào khoe hồng má phấn
Xôn xao liễu trổ biếc mày châu
Người qua phố nọ dù nghiêng tím
Xuân vẽ nên tranh vạn nét làu

MXDL - 06: Tường Thụy

Nhớ thầy
Tặng thầy bcdt

Lòng Người ấm áp, nghĩa sâu xa
Dạy dỗ môn sinh, tận sức già
Chí dẫu xuôi tay cùng thế sự
Đời càng nặng nợ với thi ca.
Ly hương vẫn nhớ tình quê cũ
Biệt xứ còn lo vận nước nhà
Tết đã bên thềm, xuân sắp tới
Trò thành trẻ lạc bặt tin cha.

(Còn tiếp)

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


(Tiếp theo)


2. GIẢI CHO THƠ CÁC THỂ LOẠI

- Giải nhất:

MXTD - 06: Tường Thụy

Một nét xuân

Làm sao mà biết xuân sang
Nếu không chợt thấy trên làn môi em
Làm sao mà biết trăng lên
Mặt em vành vạnh trong đêm, rạng ngời
Làm sao biết được biển khơi
Mắt em thăm thẳm để tôi đắm chìm.
Làm sao biết được tiếng chim
Nghe em lảnh lót, con tim rộn ràng.

Gặp em sang chợ, qua làng
Ngẩn ngơ tôi trước dịu dàng nét xuân
Dõi theo em bóng xa dần
Giữa mưa bay cứ tần ngần mãi thôi.

Giá em buông một nụ cười
Giá tôi dám ngỏ một lời.
Giá như ...

- Giải nhì:

MXTD - 04: o0o_heocon_o0o

Mời anh đến quê em

Mùa Xuân này mời anh đến quê em
Cùng vui ngắm trăng lên, chong đèn đêm nấu bánh
Cùng thả thuyền ước mơ trên dòng Hậu giang phẳng lặng
Cùng em với bạn bè đi xin quẻ vận lúc đầu năm!!

Mùa Xuân này anh hãy đến quê em
Bến Ninh Kiều bao năm dài vẫn luôn tình tự thế
Chợ nổi Cái Răng mỗi sớm vẫn xôn xao dù bao thế hệ
Câu Dạ Cổ mãi đậm đà theo từng nhịp sóng dâng

Một lời mời chân thật gửi tới anh
Từ tận đáy lòng thành của người con sông nước
Giá có thể trải hồn ra để cho anh nếm được
Hương phù sa quê em ngọt mát đến dường nào

Những cánh đồng dài cò sãi cánh trời cao
Sóng lúa lao xao nói cười chào Xuân mới
Em sẽ mặc anh xem chiếc áo bà ba ngày mẹ cưới
Mấy chục năm rồi hương rạ vẫn chưa vơi

Em sẽ chỉ anh xem ấm áp những nụ cười
Những giọt mồ hôi ướt đầm lưng áo mẹ
Những vết chim di, đốm đồi mồi trên đôi tay một thời son trẻ
Đã nhạt sắc thời gian cho em chắp cánh ước mơ đời

….Về cùng em Xuân này nhé người ơi…

- Giải 3:

MXTD - 49: Trần Huy Minh Phương

Nghĩ về cây lúa
Quí tặng Nguyễn Hiếu, Hoàng Cung

Hát về cây lúa
đã bao lần ta nghe lúa khóc …
hát về cây lúa
đã bao lần ta nghe lúa lúa kể …
nổi trôi đời vắt ngọc lấm lem bùn đất
mà hoan ca vàng bóng níu chân người
cây lúa Việt Nam thương dài giọng Việt
câu hò lam lũ chùng nhịp song loan
đi đâu, về đâu mà đằng đẵng đợi chờ
năm nhớ, mười thương
cời lên mốc meo ngày lầm lụi
vẫn nhẹ bàn tay nâng hạt vàng lộng lẫy
đội lúa đêm trăng
xuân giêng lồng lộng
chúm chím hoài nét cười ấy
thơm nắng tảo tần kĩu kịt thủy chung
đong trăm ngày rót vèo vơi ngày lóe rạng
những bước chân nghiêng nghe hồn đất vọng
những bước chân nghiêng nhẹ rón
cho con vào đời
thơm gót chân son …
chồm qua tia chớp
lúa ơi!
đi tròn quả đất …
hát về cây lúa
thương hoài đời lúa
nghìn năm
nghìn năm
tạc mãi dáng vành trăng xòe tua trĩu
thơm mãi lời ru
cánh cò chao chiều về khép mắt ngày
hạt gạo trắng ngần
bong vảy sần qua ngày sàng sẩy
bãi bồi câu hát
lừng hương
lừng hương …
“Ai ơi! Bưng bát cơm đầy
dẻo thơm một hạt
đắng cay muôn phần” …

- Giải khuyến khích:

MXTD - 03: Khungbotinhyeu

Xuân viễn xứ

Chúc mừng mình , sinh nhật ...
Môt mùa xuân
Không bánh quả như ngày xưa trẻ dại
Không áo đẹp không còn như thuở ấy
Chỉ làn sương vương vấn lối đi về

Không lì xì , nhưng vẫn thấy thương ghê
Đôi tóc bạc ôi còn vui khỏe lắm
Ai cũng nói người đi thường lạ lẫm
Bốn mùa qua viễn xứ ...
Tết quê nhà !

Anh giữa lòng thăm thẳm phố Bolsa
Khu đất Việt mang tên Sài Gòn nhỏ
Mấy nẻo người Nam , ta cùng ở đó
Góp lời thơ cho đẹp sắc xuân nồng

Anh vẫn thường xua nhẹ nắng bên song
Nghe em kể mùa hoa vàng nở rộ
Anh cũng nhớ từng đêm dài cả phố
Chúc mùa sang , lại ấm áp tim người !

Xin hãy làm muôn hạt nắng em ơi
Đem hạnh phúc trao cho người bất hạnh
Mang sức khỏe về trên từng ngõ vắng
Để xuân sau ta lại nhớ xuân này !

Con sẽ về ôm lại Mẹ trong tay
Như buổi cuối con lên đường vội vã
Ôi đất Việt , sao mà thương Mẹ quá ...
Tự lòng con , khúc nhạc cứ tuôn trào

Ai đã từng nghe ngọn gió lao xao
Mang giọt máu Rồng tiên người biển núi
Xin hãy nhớ ngày xuân thường ngắn ngủi
Nếu lòng ta không giữ được câu hò ...!

MXTD - 69: Hoatigon208410

Lạc giữa mùa xuân

** Cho tôi, cho em, và cho những chiếc khăn chưa bao giờ hoàn thành : Người ta nói, khi yêu , thì sẽ không được tặng khăn cho nhau, vì như thế có nghĩa là chia tay đấy...

Em đan khăn nhưng chẳng dám tặng người
Bởi em thấy nụ cười mong manh quá
Muộn sầu kia phải chăng là khách lạ
Giữa đường đời muôn ngả chợt dừng chân..

Bởi sợ nên em chẳng dám chuyên cần
Đâu biết được là xuân đang dần tới
Màu nắng vàng ấm giữa trời cao vợi
Cuộn len tròn vẫn đợi để thành khăn..

Em giận mình giận luôn cả mùa xuân
Giận hơi ấm xua tan dần ngày lạnh
Giận đàn én cứ mải dang đôi cánh
Đón nắng về trên mảnh đất quê hương..

Đâu phải người? Em không biết yêu thương
Không thấy vui, vấn vương màu nắng ấy
Mùa đông dài và lạnh lùng đến vậy
Để ai chờ, ai đợi đấy mùa xuân..

Em ngập ngừng đợi cái rét nàng Bân
Chút hơi lạnh lúc nắng dần ấm áp
Chuyện người xưa vô tình em lắp ráp
Để tình mình đi lạc giữa mùa xuân ...


Xin chúc mừng các anh chị và các bạn được giải.

BTC cuộc thi cảm ơn các anh chị và các bạn đã gởi bài tham gia, cảm ơn BGK đã dành thời gian quý báu cũng như công sức và tâm huyết của mình cho cuộc thi.

Lữ Khách hy vọng, cuộc thi đã mang lại cho các anh chị và các bạn cơ hội viết để trau dồi bút lực của mình. Lữ Khách chúc những anh chị và các bạn chưa được giải trong cuộc thi lần này sẽ đạt giải trong cuộc thi lần sau nhé!

Một lần nữa, cảm ơn những tình cảm mà các anh chị và các bạn đã dành cho cuộc thi này!

p/s: Giải của cuộc thi sẽ được trao vào ngày 23/4/2011 tại Hà Nội. Sau ngày đó, những anh chị và các bạn nào ở xa, BTC sẽ gởi giải qua đường Bưu Điện.
Thủ tục nhận giải qua Bưu Điện xin liên hệ với Phale nhé!

Trân trọng
BTC cuộc thi Xuân 2011

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

Hihi, HNhu chúc mừng chú. Quỡn, HNhu thịt thơ chú :D
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

huongnhu đã viết:
Hihi, HNhu chúc mừng chú. Quỡn, HNhu thịt thơ chú :D
Cảm ơn cháu.
Gái nhỏ bình thơ, đọc rất thú vị.
Đưa nốt một số bài đã viết vô đây đi cháu.

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoan1982

Trăng nghẹn
Hoài Tường Phong
(Tác phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long 2009)

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,

Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.

Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,

Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,

Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.

Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,

Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.


Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,

Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.

Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,

Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.


Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,

Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.

Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,

Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.


Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,

Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,

Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.


Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.


Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:

Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,

Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,

Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.


Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,

Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.

Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,

Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.

Nguồn:

http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=931:trng-nghn-&catid=45:sangtac&Itemid=101
Cái gì biết thì chia sẻ.Đừng sợ người ta cười mình hợm hĩnh.Chỉ e người ta không muốn tiếp thu.Cái gì chưa biết thì hỏi.Đừng ngại người ta cười mình dốt.Chỉ sợ mình hoài dốt thật(Ketxu)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

TRUNG QUỐC BÌNH CHỌN 10 NHÀ VĂN XUẤT SẮC NHẤT TRONG LỊCH SỬ
- Báo mạng Trung Quốc www.xooob.com đã giới thiệu những kiểu phân loại văn học từ xưa đến nay ở Trung Quốc và công bố Bảng xếp hạng Mười nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc…

Văn học cổ đại Trung Quốc phân thành Thi và Văn, văn lại phân thành Vận văn  và Tản văn (văn vần và văn xuôi). Văn học hiện đại nói chung phân thành: Thi ca, Tản văn, Tiểu thuyết, Hý kịch, đồng thời gọi là bốn thể tài lớn của văn học. Thơ trữ tình và Tản văn (gọi chung là cổ văn) của Trung Quốc phát đạt từ rất sớm.
Dưới đây là Bảng xếp hạng Mười nhà văn (văn học gia) nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc:
1- Khuất Nguyên
2- Tư Mã Thiên
3- Đào Uyên Minh
4- Lý Bạch
5- Đỗ Phủ
6- Bạch Cư Dị
7- Hàn Dũ
8- Âu Dương Tu
9- Tô Thức
10- Tào Tuyết Cần.
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

HUNGHXH

Trang thơ của Dương Thế Vinh
Xem tại http://thcs-hoangxuanhan.edu.vn
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


Bắt đầu từ ngày 29-4, Báo Người Lao Động mở cuộc thi “Chuyên bây giờ mới kể” trên báo in và báo điện tử dành cho bạn đọc.

Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 1-5-2011 đến hết ngày 31-12-2011.

Các bạn xem chi tiết  TẠI ĐÂY

Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 14 trang (132 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [7] [8] [9] [10] [11] [12] [13] ... ›Trang sau »Trang cuối