Hai câu thơ này là danh cú của Lục Du, được lưu truyền khá rộng rãi. Bài thơ này Lục Du làm khi "được" bổ dụng làm tri phủ Nghiêm Châu. Trước khi nhậm chức, ông đến Lâm An (nay thuộc Hàng Châu, Chiết Giang) hầu kiến hoàng thượng, trú tại nhà trọ bên Tây Hồ. Ông là người có lòng thiết tha với vận mệnh của đất nước, nhưng buồn vì quanh quẩn chỉ được làm những chức quan nhỏ. Trong khi chờ yết kiến vua, ông buồn bã mà làm bài này. Bài thơ này mang rất nhiều hàm ý, nhưng ý chủ đạo của bài thơ là buồn rầu vì không được trọng dụng.
2 câu đầu nêu hoàn cảnh ông phải "lên kinh", năm mới lên kinh gặp vua mà lại không vui, có phần trách cứ "vị đời năm mới bạc bẽo như tơ, vì lệnh ai mà ta phải lên chốn phồn hoa này". Đó chính là vì chỉ được làm chức quan nhỏ, tri phủ Nghiêm Châu. Cần phải hiểu rằng khi đó Lục Du đã 63 tuổi, chứ không phải một thanh niên chưa biết vị đời bạc bẽo là gì.
Hai câu 3-4 chính mang nhiều thâm ý nhất. Lầu nhỏ suốt một đêm nghe mưa xuân, tới sáng nghe vẳng tiếng người mua hoa hạnh từ trong ngõ thẳm. Lầu nhỏ chính nói nhà khách ở bên Tây Hồ. Một đêm nghe mưa xuân, cái này muốn nói suốt đêm ông thao thức không ngủ được. Tiếng mưa xuân rất nhỏ, tiếng người mua hạnh từ ngõ sâu hẳn cũng rất bé. Nó chứng tỏ LD phải chú ý lắm mới nghe được những âm thanh đó. Cái đó ám chỉ LD đã suy xét rất sâu tận trong một đêm, xuy xét từ những cái nhỏ nhất. Lý Thương Ẩn có câu thơ nhớ bạn "Thu âm bất tản sương phi vãn, Lưu đắc hạnh hà thính vũ thanh" (Mưa thu không tan, sau khi sương bay hết, chỉ còn một mình nghe tiếng mưa trên hạnh và sen). Ở đây hai câu thơ của LD cũng tỏ ý u hoài.
Câu 5-6 cũng mang ý sâu xa. Câu 5 LD nhắc tới điển tích Trương Chi đời Hán rất giỏi thảo thư, tuy nhiên người đời lại thấy ông hay dùng khải thư nên hỏi tại sao thì ông trả lời "Vì vội mà không viết thảo" (thông thông bất hạ thảo), ý ông là viết thảo thư rất công phu, phải khi nào có thời gian rảnh rỗi mới viết được. Ở đây LD lại nói mình viết thảo, ám chỉ mình "rảnh rỗi", ý không được trọng dụng, chỉ làm những việc chơi chữ, chơi trà.
Câu 7-8: áo đẹp (sạch) đừng có lại than vì bụi bặm nữa, vì thanh minh là có thể về nhà rồi. Ý ông ở đây nhắc tới câu "Kinh Lạc đa phong trần, Tố y hoá vi truy" (Kinh đô Lạc Dương lắm bụi bặm, Áo đẹp hoá thành lụa thâm) của Lục Cơ đời Tây Tấn. Câu của Lục Cơ ám chỉ ở kinh đô cũng nhiều loại người trong đục khó lường. Còn Lục Du thì lại bảo áo đẹp chớ phải than phiền một lần nữa, thanh minh đã có thể về nhà rồi, ý ông là ông không có việc gì quan trọng ở chốn phồn hoa này cả, áo đẹp không đợi đến ngày phải vấy bụi. Cuối cùng vẫn là ám chỉ việc không được trọng dụng.
PS: Thắc mắc là thơ Nguyễn Trãi "Tịch mịch u trai lý, Thâm tiêu thính vũ thanh" không rõ là có chịu ảnh hưởng của 2 câu thơ này không.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.