Những người sống độc thân là những người có một tình yêu say đắm nhất. Họ không yêu ai bằng chính yêu bản thân họ, và chỉ tương tư chính họ:
“Những người quyết chẳng lấy ai
Là người chỉ quyết một hai lấy mình
Tương tư trong mọi mối tình
Là tương tư chính bóng hình của ta”
Còn những người sống ly thân nơi trần thế đâu phải họ chán yêu. Vì quá yêu say đắm con người, để tôn trọng tình yêu ấy, họ phải ly thân để kính nhi viễn chi:
“Vì yêu tha thiết con người
Cho nên mới lánh về nơi không người
Quạnh hiu ngay giữa đất trời
Còn hơn hiu quạnh giữa người thân thương”
Đi tìm người yêu là con đường tìm về chính nội tâm mình. Yêu là mình yêu mình, cuộc hành trình vào bên trong của tâm linh:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Cuộc hành trình này hành giả nào cũng cô độc. Người hành giả lữ thứ đều thấy yêu là đến với đớn đau. Cuộc hành thiền khám phá bên trong đều cô đơn, đều phải tự hoá giải:
“Không ai mang bệnh giúp mình
Không ai hôn hộ người tình giúp ta
Không ai mua được ngây thơ
Chẳng ai bán được dại khờ cho ai”
Yêu là đạo, đạo ngây thơ. Chúng ta hãy đi vào ngôi đền tình ái như đứa trẻ thơ, mỗi bước đi là một bước đến, vì thân thể thường minh triết hơn lý trí. Khi thân thể tự đồng nhất với lý trí, ta sẽ ngộ được tình yêu, ngộ được trong dâm có tình, trong tình có dâm.
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo” cũng là công án thiền, như Tôn Ngộ Không cũng từng cô đơn trèo qua vạn núi, lội đến nghìn sông để tìm gì? Khi Tôn Ngộ Không hỏi người tiều phu chỗ ở của sư phụ, thì người tiều phu chỉ tới chỗ gọi là linh đài, phương thốn. Linh đài là huyệt đạo trên đỉnh đầu, phương thốn là huyệt đạo cách rốn 3cm. Linh đài, phương thốn là bản thân mình. Đi tìm đạo, đi tìm người yêu là tìm mình:
“Tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội
Cửu thập đèo cũng qua
Đã yêu chẳng quản gần xa”
Là cuộc hành thiền, cuộc phiêu lưu lữ thứ cô đơn tìm về nội tâm:
“Tôi là người bộ hành phiêu đãng
Đường trần gian xuôi ngược để mua vui”
Tình yêu cũng phải chịu nỗi khổ nhục như hành đạo. Hồn ma đi đầu thai kiếp khác phải mất 7*7=49 ngày. Hành đạo phải chịu 9*9=81 nạn. Tìm tình yêu cũng vượt qua phải đủ tam tứ núi, thất bát sông và cửu thập đèo:
“Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Thằng bé u ơ khóc dưới hông
Tất tả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông”
Sự mệt mỏi nào kém gì Tôn Ngộ Không bị lửa dục tam muội của Hồng Hài Nhi thiêu đốt. Cảnh yêu nhau tam tứ núi cũng trèo phảng phất hình tượng thái tử Tất Đạt Đa cô đơn cưỡi con ngựa Trắc Kiền bỏ ngôi vua tìm về nơi rừng hoang núi vắng để tìm ra chính mình, sự cùng huyền, tắc diệu của Tạo hoá. Cũng là hình ảnh của Rô-bin-sơn, I-li-át Ô-***-xê, Sin Bát trong “Nghìn lẻ một đêm” là cuộc hành thiền. Họ không khám phá ra cái bí mật của đại dương, mà họ đi tìm cội nguồn tình yêu của chính họ. Họ đi thật xa để thấy cái ngay trong họ:
“Kính đeo ngay trước mắt mình
Nhiều khi vẫn cứ đi tìm loay hoay
Cửa đời chìa khoá cầm tay
Mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”
Đông-ky-sốt khật khưỡng, điên khùng đi tìm người đẹp. Mà người đẹp là ai, là nàng Đuyn-xi-nê ở xóm Tô-bô-dô. Cô ta là hàng xóm của Đông-ky-sốt. Sác-lơ đi tìm hạnh phúc, sau khi đi hết quả địa cầu, anh chàng si tình Sác-lơ cũng trở về lấy cô hàng xóm. Hạnh phúc ngay trước mắt: “cửa đời chìa khoá cầm tay, mà sao vẫn cứ loay hoay đi tìm”. Anh chàng quý tộc Nga trong truyện “Phục sinh” lẽo đẽo hành trình theo cô gái điếm Maslôva đến tận Si-bê rét âm dưới 400, cũng là một hành giả đi tìm chính bản thân. Mọi cuộc hành thiền vào nội tâm, thiền nhân đều cô đơn.
Tìm người yêu là hành giả tìm chính mình. Người yêu là tâm trí của chính mình. Cho nên, khi ta bỏ người vợ hoặc người yêu trước lấy người vợ sau thì bản thể người vợ sau cũng chỉ là người vợ trước, có khác chăng chỉ là ở cái tên. Vì người vợ trước và vợ sau đều là bản ngã của chính mình. Chê mẹ chồng trước đánh đau, lại gặp mẹ chồng sau mau đánh. Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa:
“Trao nhau nhẫn cưới ước mong
Đeo vào bỗng hoá thành vòng kim cô
Lại mong lại ước lại chờ
Tháo ra rồi lại ước mơ đeo vào”
Chối bỏ người yêu, người vợ là chối bỏ chính bản thân mình. Ta là dương bản thì vợ là âm bản. Cũng như có người ngủ mê choàng tỉnh dậy, thấy tên cướp hung dữ trước mặt, anh ta hô hoán ầm lên. Mọi người xông tới cứu, hoá ra anh ta đang soi gương. Hình ảnh ta trong gương cũng chính là hình ảnh bản ngã của ta. Cho nên, người làm sao, của chiêm bao làm vậy. Thơ làm sao thì bồ của họ là vậy:
“Muốn so thơ dở thơ hay
So bồ của họ biết ngay thôi mà”
Cho nên, quan điểm coi người yêu là một nửa của ta. Tìm người yêu là tìm cái một nửa. Định nghĩa này không đúng. Đây không phải là cái bánh chia đôi, mà người yêu là một dòng chẩy tự nó vào chính nó để trở thành nó. Tình yêu là sự tự đồng nhất. Tình yêu không là một nửa mà tình yêu trong toàn thể.
“Phía trước người anh hùng vĩ đại
Đều có hình người đẹp phía sau
Phía trước những anh chàng đại bại
Đều có hình vợ dại phía sau”
Tình yêu như đạo. Đạo ngây thơ. Chúa dậy ta: “Hãy đi vào ngôi nhà của Chúa như đứa trẻ thơ”. Lão Tử dậy: “Vô vi để vạn pháp tự biến hoá”. Phật dậy: “Niết bàn cực lạc là vô ngã”.
Vô vi, vô ngôn là hãy đến với tình yêu một cách tự nhiên, như nhiên. Hãy vứt bỏ duy ý chí sang một bên để hưởng thụ toàn thể sự cực khoái của đồng nhất, của hiện hữu. Khi chưa có lời, thì mọi cách tỏ tình đều chân thật:
“Nghĩ về em, anh là nhà triết lý
Cảm về em, anh chỉ để làm thơ
Còn khi yêu, em vừa thực vừa mơ
Không triết lý, chẳng làm thơ mà hiện hữu”
Tất cả mọi mưu mô tính toán đều thua ngây thơ. Ngây thơ là vô tư, vô ngã, là thiền. Khi ta thiền, ta sẽ không hiểu thiền là gì, cũng như người cố ngây thơ chỉ là ngây thơ cụ. Người khôn quá sẽ không được lên xe hoa:
“Em đừng khôn quá em ơi
Không quá không chọn được người mình yêu”
“Chiến trường thích cựu chiến binh
ái tình thích kẻ chiến chinh lần đầu”
Tất cả mọi mưu mô chống lại thiên nhiên, ngược lại quy luật của Tạo hoá, tính toán duy ý chí thường sẽ thất bại:
“Cố tình trồng hoa, hoa không nở
Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”
Kant – nhà triết học Đức – trước khi lấy vợ đã nghiên cứu rất kỹ về vợ chưa cưới của mình. Nghiên cứu tất cả mọi sách vở để đúc kết triết lý: có nên lấy vợ hay không. Sau khi kết luậtn mình nên lấy vợ, thì lúc đó người yêu đã lấy chồng và có ba con rồi.
Tình không bất biến, tình yêu là vô thường. Hai người yêu nhau chân thật, thề sống với nhau đến thuở bạc đầu. Khi ghét, học cũng chân thật đòi bỏ nhau càng nhanh càng tốt:
“Đôi ta trên một con đò
Vạch thuyền đánh dấu ai ngờ sông trôi
Hẹn lời thề giữ lấy lời
Biết đâu lời của mỗi người là sông”
Không bao giờ loài người được dừng lại. Sống là sự đi tìm. Đạo là con đường dẫn ta đi. Dừng lại là chết. Cho nên, ta mãi mãi phải tìm tòi, khám phá trong tình yêu. Cũng như mãi mãi Tam Tạng phải trên đường thỉnh kinh:
“Đi mà không đến là Tây Trúc
Đến mà chẳng được, ấy Đào Nguyên”
Ta vừa là kẻ đi tìm, vừa là người được tìm. Đi tìm là vĩnh cửu:
“Tôi đi gõ cửa tìm sư
Quy y tam bảo thấy sư đang tìm”
Hết tìm tòi, hết khám phá là tình yêu chết trong phai tàn:
“Quanh năm trăng sáng trăng tròn
Thì rằm tháng tám đâu còn trung thu
Khi tình tuyệt đẹp như mơ
Thì tình yêu đến phút giờ biệt ly”
Phan Bội Châu hô hào: “Nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”, kẻ sỹ ba ngày gặp nhau phải nói cái mới. Thiền viết: “Nhất hồi niêm xuất, nhất hồi xuân”. Người Pháp có câu: “Touts beaux touts nouveaux”- tất cả cái mới đều là cái đẹp. Hạnh phúc tình ái là gì? Là ở chỗ sắc sắc không không. Là ở chỗ hình như, ở nơi dang dở, ở chỗ nửa có nửa không, ở chỗ lúc nào cũng đang là. Trung Quốc có công ty đi tìm mối tình đầu. Ai đó muốn biết cách đây vài chục năm, người yêu cũ của mình ra sao? Công ty đi tìm mói tình đầu sẽ cung cấp thông tin.
Thật ra, nên luôn luôn khám phá sáng tạo về nhau thì tình nào chả là tình đầu. Tình yêu thật không bao giờ cũ. Ta ngồi với người yêu lúc 7giờ khác lúc 8 giờ, 8 giờ khác lúc 9 giờ… Hay nói như thiền, khi ta yêu thì trong từng sát na đều mới. Tình yêu không mới không gọi là tình yêu.
“Tình nào cũng mối tình đầu
Không ai đến được nơi đâu hai lần
Không gì cũ như mùa xuân
Mỗi lần xuân đến vẫn lần đầu tiên”
Và sau mấy triệu năm thành loài người thì người yêu không bao giờ cũ cả:
“Nhân loại dù tiến bao xa
Hôn nhau vẫn cũ như là ngày xưa
Dù người làm được nắng mưa
Thì em vẫn mới ta chưa hiểu gì”
Tìm cái lạ trong cái quen là thiền, tìm cái lạ trong cái lạ là kẻ điên Trâu Quỳ. Học đạo hay học yêu như học thiền. Đầu tiên thấy núi là núi, sông là sông. Sau đó, thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Cuối cùng, lại thấy núi là núi, sông là sông.
Khám phá, tìm tòi cái mới trong tình yêu vĩnh cửu là ngộ lẽ vô thường. Quy luật của khám phá cái mới là:
“Những cái nghĩ mãi mới ra
Đều là những cái người ta nghĩ rồi
Những cái nghĩ mãi trên đời
Khi ta nghĩ lại khác người nghĩ ra”
Sáng tạo, khám phá về tình yêu là làm cũ cái mới và làm mới cái cũ. Đấy cũng là học thiền, là ngộ lẽ vô thường, vô ngã. Phải luôn đổi mới tình yêu, nếu không sẽ thành chán, vì:
“Sống một ngày đất lạ thành quen
Sống một đời người quen thành lạ”
Có nhiều cặp vợ chồng già ngạc nhiên nghĩ: không hiểu vì sao ngày xưa họ lại yêu nhau? Yêu nhau là thật, lấy nhau thì tình yêu thành giả và trở thành đạo vợ chồng. Yêu là thật, lấy nhau thành yêu giả, nhưng nếu không có giả thì không có thật:
“Trượt chân mà té xuống bùn
Chiếc quần tụt xuống anh hôn chỗ nào
Hôn em ở chỗ má đào
Để dành chỗ ấy cắm sào dừng chân”
“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Tình mất vui nhưng đạo vợ chồng lại siêu việt lên:
“Đàn ông như thể cánh diều
Đàn bà cầm sợi tơ điều trong tay
Đừng già néo, kẻo đứt dây
Thả chùng xuống để diều bay đúng tầm”
Hoa Đà kê đơn cho vợ cả Tào Tháo: đàn ông thích trăng hoa, đàn bà cả ghen. Nếu Tào Tháo tiết dục, vợ bớt ghen, bệnh sẽ tự khỏi. Vợ chồng phải biết chín bỏ làm mười. Chồng giận thì vợ làm lành, tay chào miệng hỏi rằng anh giận gì. Thời báo Nữu ước tổ chức cuộc thi: thế nào là người chồng dẹp nhất. Câu trả lời trúng giải: “Người chồng đẹp nhất là người chồng chết ngay sau giây tân hôn”. Vì tuyệt đối không có tuyệt đối gọi là tuyệt đối. Chồng bát phải có lúc xô:
“Muốn cho chồng bát khỏi xô
Thì đem chôn xuống đáy mồ dưới sông
Người chồng đẹp nhất trong lòng
Đã chết ngay phút động phòng tân hôn”
Có chuyện ông thầy bói ngồi sau cửa phòng đăng ký kết hôn. Đôi nào nhờ thầy bói, thầy chỉ trả lời một câu: “Muộn rồi!”. Cưới nhau là kết thúc tình yêu, là muộn của tình ái, mà là bắt đầu của đạo, đạo vợ chồng. Có chuyện anh chồng khoe với mọi người lần đầu tiên anh ta đi với vợ quãng đường dài mà không cãi nhau. Đó là lần anh ta đi đưa đám vợ.
Vậy, vợ chồng suy nghĩ gì về nhau? Thiền bàn gì về đạo vợ chồng?
“Vợ là thánh chỉ vua ban
Có sao dùng vậy không bàn đúng sai
Quỷ thần chứng cả hai vai
Vợ là thiên tạo trần ai miễn bàn”
Theo thiền, trong đạo vợ chồng thì chúng ta không thoát ra bên ngoài sự vật để chứng ngộ sự vật. Đối với mâu thuẫn gia đình, thiền nhân không thoát tục rồi ngồi kiết già trên đỉnh núi cao nhìn mọi người oanh kích vào nhau tự cho là ta cao đạo. Siêu thoát tuyệt đối là chấp nhân hiện hữu một cách toàn thể. Coi vợ là một hiện hữu, ta chấp nhận và cộng sinh. Kẻ nào đòi thay đổi hoàn toàn vợ mình là kẻ điên:
“Chối bỏ cách sống một người
Là mình chối bỏ cái trời sinh ra
Chối bỏ cách nghĩ người ta
Là mình tự cắt thịt da của mình”
Chỉ biết mượn thơ để giải sầu.