PHÉP KHAI PHƯƠNG CÓ TỪ BAO GIỜ
Tiểu phẩm – Tặng các bạn mê số đề
Chắc các bạn đều cho rằng phép khai phương ra đời cùng với sự phát triển của toán học. Vâng, tôi cũng đã từng quả quyết như thế. Nhưng gần đây tôi lại ngờ rằng nó đã có từ thủa khai thiên lập địa, do các bậc thần thánh “nghiên cứu” ra, sau này mới truyền bá kiến thức ấy cho loài người.
Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện sau:
Từ khi vợ tôi du nhập bộ môn “số đề học” về, nhà tôi bắt đầu huyên náo lên bởi các lời bàn cãi, tranh luận của nàng và các bạn nàng, cứ như là sở chỉ huy tác chiến vậy. Máy thuê bao bắt đầu tăng số. Tôi cũng dần quen với các thuật ngữ chuyên môn như đổ, lộn, bệt, bạch thủ ...
Một hôm, nàng mang về một quyển sổ mơ, bắt hai đứa con thay nhau chép. Tôi đọc qua, đại loại: mơ thấy rắn, rết, gặp đám ma, thấy người bị kẹp ô tô, gặp bạn cũ ... thì nghiệm với số nào. Tôi không chịu: “Thế mơ đi với người yêu cũ, nó ứng tới ba chục số, biết chọn thế nào? Nàng phát cho tôi một cái đau điếng: “Chỉ được mỗi cái đó là nhớ nhanh. Thế mới phải “nghiên cứu”.
Từ đó, nàng tập nằm mơ. Lần đầu tiên, nàng luyện thói quen ngủ trưa. Có hôm nàng đang chìm đắm trong giấc mơ thì hai đứa trẻ cãi nhau chí chóe làm mẹ thức giấc. Tất nhiên chúng được ăn đòn.
Rồi nàng tìm mua thơ đề. Năm trăm đồng một tờ. Đó là những tờ giấy xé từ vở ô ly của học sinh phô-tô ra: vài nét chữ nguệch ngoạc, cây cau, cây dừa, con chim con cá gì đó. Có chữ thì nhỏ li ti, lại có chữ to như ông bụng phệ. Tôi đánh vần mãi rồi cũng luận ra được:
Con cua tám cẳng hai càng
Chồng cầy, vợ cấy rõ ràng một đôi.
Cún con què cẳng đâu rồi
Đến đây dường như cạn vần, “thánh” còn chua thêm ở dòng cuối: “số đẹp: 54, 67”
Lúc này, thấy tôi đã nắm được kiến thức cơ bản của bộ môn “số đề học”, nàng quyết định bồi dưỡng tiếp:
- Này nhé, hôm nay có khả năng liên quan nhiều đến số 2 bởi chữ “hai càng” và “một đôi”, coi chừng “đầu” 2 hoặc “kép”, “tám cẳng” có thể là “đít” 8. Câu cuối, chắc ý "thánh" bảo mình phải chú ý đến số 3 vì chó què chỉ còn 3 chân lành. Tất nhiên không thể bỏ qua "số đẹp". Còn mấy hình này, “thánh” đều có thâm ý cả đấy. Lại phải kết hợp với giấc mơ nữa. Đặc biệt, mơ gặp người đã chết thì phải điều tra chính xác xem người đó chết năm bao nhiêu tuổi...
Tôi cãi: “Ngộ có hôm nó về 99 thì họ nhà mình có cụ nào thọ đến tuổi đó đâu mà gặp". Nàng trừng mắt: “Đừng có báng bổ thánh thần. Chả trách vợ chẳng bao giờ được ăn lộc".
Quả vậy, nàng cứ trật hoài như vồ trạch. Tỉ như khi mua số 71, nó lại "đổ" 70, ấy là do nàng quên, không khóa đầu khóa đuôi để nó xổng mất. Có khi dúng hôm sau thì nó về. Một hôm, nàng mua số 37, tối đến, kết quả lại là 73. Cũng bởi tại nàng tiếc tiền không lộn. Mà đánh đề không lộn thì chỉ có ăn ... cho trẻ con. Nàng xuýt xoa tiếc rẻ. Lại có hôm nàng đánh giải đen nhưng chỉ mua có 99 số (làm gì có chuyện hai con số không cả). Vậy mà “thánh” cứ như đùa dai với nàng: hai quả bóng mang số không thay nhau chui tọt vào những cái lồng chỉ hai số cuối cùng. Nàng càng cay cú tợn. Tóm lại theo nàng, “thánh” không sai nhưng "ngài" không bao giờ cho ăn thẳng, chỉ có người trần mắt thịt không hiểu được ý “thánh” mà thôi.
Một hôm ngủ dậy, nàng vui vẻ lắm. Nàng quyết lấy lại số tiền mà thằng chủ đề “giữ tạm” của nàng. Vét túi cả hai vợ chồng và tịch thu nốt tiền mừng tuổi của hai đứa con được sáu chục, nàng lẩm bẩm: “sáu bảy bốn hai, bốn triệu hai, đủ rồi, không nên tham quá”, rồi đi "đánh bạch thủ” con 49.
Tối đến, cả nhà tôi thấp thỏm chờ đợi một cuộc đổi đời, không ai thiết ăn uống gì. Thời gian nặng nề trôi.
Cuối cùng thì chuông điện thoại cũng reo. Nàng chồm đến, giật lấy ống nghe trong tay tôi.
Mặt nàng tái dần ...
Rồi nàng ngồi phịch xuống ghế, một tay nắm đặt xuống bàn, một tay chống khuỷu bóp trán ra chiều suy nghĩ lung lắm. Ba bố con tôi im lặng, không ai dám cử động mạnh. Hai đứa trẻ nhìn mẹ chúng sợ hãi. Chúng thì thào phân công nhau dọn mâm bát để lập công ... tránh tội. Chưa bao giờ chúng ngoan đến thế.
Bỗng nàng đập tay xuống bàn đánh rầm, rít lên:
- Trời ơi! Ngu ơi là ngu...u...u...
Tôi dướng mắt lên dò hỏi. Nàng nhìn cái bộ mặt ngây dại của tôi giải thích:
- Này nhé, trưa nay em mơ gặp chú Tấn. Chú ấy chết năm 49 tuổi. Thì quả nhiên hôm nay nó "đổ không bảy”. Thế nhưng mình không biết lối mà khai căn ra. Đã bảo mà, thánh có sai bao giờ đâu, chỉ tại mình là đồ người trần mắt thịt./.
NT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn