Khoe khoang. Hơ hơ
ĐÀO CÔNG ĐIỆN: NGƯỜI NHẬT TỤNG THƠ“Anh – Câu kinh nhật tụng
Nguyện suốt mùa tin yêu “
( bốn khúc rời – Trần Duy Trung)
Đúng vậy, tôi có thể gọi nhà thơ Đào Công Điện là người nhật tụng thơ. Bởi vì với anh, chỉ cần một cơn mưa bất chợt cuối chiều, một lọn gió heo may đầu mùa, một chiếc lá vừa rơi hay một hình ảnh, một nét mặt, một cô gái dại điên vô thức anh gặp trên phố cũng đủ làm trái tim anh thổn thức và rung cảm. Dường như với con người tài hoa này, mỗi một phút giây trôi qua anh có thể nhìn ra tính thơ ở khắp nơi bằng một tâm hồn nhạy bén và đầy nhân hậu.
Để rồi mỗi phút giây ấy là ăm ắp những ý tưởng và câu chữ vỡ oà:
“Hãy cho tôi được rụng
Chạm đất dẫu một lần
Để tròn kiếp phiến lá
Qua đời rất ung dung “
( Ước Nguyện Nhỏ)
“Cô gái không son phấn
Lúc đời nghiện hoá trang
Vải vóc chỉ vướng bận
Em trần truồng rất ngoan”
( Cô Gái Khoả Thân)
Thế đấy, với Đào Công Điện chẳng cần phải đao to búa lớn, thơ chỉ như những khuôn hình anh chụp nhặt được bằng con mắt thơ giản dị mà đầy sống động mà anhbất chợt bắt gặp đâu đó xung quanh. Càng đi sâu vào thơ của anh, tôi càng hiểu vì sao anh lại viết được nhiều mà hay đến thế. Chân thành đến thế và giầu cảm xúc đến thế. Bởi vì anh có quan niệm thơ hoàn toàn khác, quan niệm của người thơ nghiệm sinh sâu sắc, anh viết trong sự phù phiếm của danh phận, trong sự tĩnh lặng của tung hô xưng tụng.
“ câu thơ này của tôi
làm ơn giùm
đừng giỡn hớt với những vũ điệu uốn éo ma mị nữa
mà hãy đưa chân bước xuống
ngổn ngang đời “
( Rót cho đầy)
Đôi lần tôi đã ngớ ngẩn mà hỏi anh rằng: “ Làm thế nào mà anh viết nhiều mà không bị trùng lặp đến thế? “ Có lẽ không chỉ mình tôi ngớ ngẩn như vậy. Bởi vì anh viết cả vài nghìn bài thì không tránh khỏi làm người ta ngạc nhiên thắc mắc và rồi than phục thật sự.
Thì đây: “ Hãy đưa chân bước xuống / ngổn ngang đời “- cái quan niệm thơ hết sức đơn giản này đã trải dài suốt con đường thơ của anh. Để rồi anh sống và hát lên những rung cảm tâm hồn đi qua những ngày tháng yêu thương, những vùng đất và phận người bé mọn. Và có lẽ trên hết, anh viết thơ như một sứ mệnh của mình mà không có cách nào chối bỏ.
“ Chối bỏ ngôn từ
Ai nói hộ mình đây? “
( chối bỏ)
Nói thật rằng, tôi cũng là người cầm bút ( viết nghiệp dư thôi nhé) nên tôi càng hiểu những gì anh gửi gắm trong hai câu thơ kia của mình. Anh yêu cái cuộc sống ngày, cái ngổn ngang của đời này nên anh sợ, anh sợ một ngày nhìn vào đôi mắt trẻ thơ nơi góc phố co ro và lạc lõng, anh sợ chiếc lá đau rơi cuối mùa khắc khoải, sợ những sớm cong vênh mưa nắng qua đi khi vừa thức dậy, sợ chính tâm hồn mình như căn nhà hoang vắng không yêu thương, không ai về gọi cửa:
“Tâm hồn tôi là căn nhà bỏ hoang
Mỗi chiều tắt phập phồng chờ gọi cửa “
( kinh khuya)
Đọc thơ anh, tôi luôn có cảm giác anh còn muốn yêu thương cuộc sống này nhiều hơn thế, anh sợ tâm hồn mình không đủ, đôi lúc muốn tự làm rỗng mình để lại rót đầy, rót đầy. Chính ý niệm đó đã luôn mang lại cho anh những cảm xúc mới lạ để viết trước muôn màu và góc cạnh của cuộc sống. Mỗi lần bắt gặp một bài thơ của anh là tôi lại giật mình bắt gắp một ý tưởng mới, một cái nhìn mới và một hơi thở mới
“thân xác này của tôi
rỗng đến độ nhiều khi
không có đủ tâm hồn
rót đầy cho nó “
( Rót cho đầy)
“ như mọi ngày tôi cặm cụi làm thơ
những ước mơ dưỡng nuôi bằng mộng ước
những cấu tứ tuổi nghìn năm trứng nước
từ Lạc cha trai lơ và Âu mẹ chưa chồng
như mọi ngày tôi hớn hở lại băn khoăn
xa róc rách bỏ bầy phương sóng nọ
dòng sông biếc chảy về đâu, chẳng rõ
nẻo đường nào đến được tâm hồn em “
( Con Đường Nào)
Để khắc hoạ một chân dung thơ Đào Công Điên thi tôi là kẻ bất tài, bất tài trong sự cảm nhận hạn hẹp và ngôn ngữ nông rỗng của mình. Bởi vì thơ anh có quá nhiều cái hay và những ngụ ý triết lý sâu xa:
“ Đi hết một chân trời
Có thể sẽ gặp chân trời khác
Đi đến cuối giọng cười
Thường nghe giọt rơi nước mắt”
( Bước Song Song)
“ ánh sáng bị nuốt bởi bóng tối
đêm chảy tan vào ngày “
( Kinh mùa đông)
Triết lý, hiện sinh, và đầy chất suy tưởng tuyệt hay như thế này thì có lẽ tôi chỉ còn biết đứng vỗ tay mà thôi. Cái vỗ tay của một cậu học trò háo hức vô cùng…
Và một trong những câu thơ của anh đã làm thay đổi rất nhiều ý thức thơ của tôi:
“ Chỉ cần thêm vào từ Mẹ
Câu thơ cũng đủ nên người ‘”
( Chỉ Cần)
Thế nên, trong bài viết ngắn này, tôi chỉ mạn phép viết về điều đã làm tôi ngạc nhiên và rất đỗi thán phuc. Hay đúng hơn là cái tài viết thơ như viết nhật ký: từng phút là thơ, từng ngày là thơ và cả trong từng hơi thở là thơ của anh nữa…
Trần Duy Trung
đôi khi muốn bỏ cuộc chơi
nghe người còn nói tiếng người, nên thương ...