Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

TRÁI CAM VÀ HÒN BI

Bài của Giáo sư Đặng Tiến
Giảng viên Văn học Việt Nam Đại học Paris 7.
In trong "Thơ - Thi pháp và chân dung", NXB Phụ nữ - 2009.

1.Thơ gắn liền với bản sắc tiếng nói của từng dân tộc nên khó chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, dịch thơ là việc cao quý, đọc thơ dịch là một lý thú, cả hai việc đều cần thiết để tìm hiểu, so sánh văn học, văn hóa và ngôn ngữ, từ dân tộc này sang dân tộc khác.
Lấy một ví dụ để suy nghĩ: câu thơ nổi tiếng của Paul Eluard (1895-1952) trong bài Tình yêu Thi ca (L’Amour dela Poésie, 1928):

 La terre est bleue comme une orange
 (Quả đất xanh như một trái cam)


Dịch như vậy thì không phải là sai, nhưng không lột hết ý nghĩa câu thơ. Đã có rất nhiều học giả uyên bác giải thích câu thơ một cách cao siêu, nhưng cách giải thích đơn giản và “sư phạm” nhất là: Quả đất xanh tròn như trái cam và ý “tròn” ẩn đi. Nhưng tái lập nó thì câu thơ không dở nhưng mất đi phần nào ma lực của nó. Chữ khó dịch trước tiên là tính từ bleu , tiếng Pháp chỉ một màu chính xác, “màu của vô cùng…nói rằng quả đất xanh như một trái cam là nối liền hư không hạnh phúc với trọng lượng của địa cầu, hai tiếng reo mừng đã tạo dựng thiên đàng trong hạ giới” (Jean Omnimus).(1) Giảng như thế là hay quá, nhưng khi ta dịch bleu thành xanh, thì người đọc VIệt Nam không biết màu xanh nào: da trời hay lá cây – trong câu thơ dịch, màu lá cây lại có phần lấn lướt.
Câu thơ mạnh nhờ lối so sánh nghịch lý, xanh như cam, vì cam của phương Tây không phải màu xanh mà là màu… cam, một loại vàng gạch, vàng nghệ. Nhưng cam Việt Nam thì lại xanh. Câu thơ siêu thực hóa ra hiện thực. Cũng không hẳn là dở, chỉ yếu đi và khác đi thôi.
Quả đất và trái cam đồng dạng hình cầu. Nhưng đây là lỗi suy diễn của thầy giáo tìm lối giải thích cho học sinh chóng tiếp thu. Đoạn trên, chúng tôi thêm vào chữ tròn  là lếu láo. Nhưng dù không dùng chữ tròn thì câu tiếng Việt hai loại từ quả (đất) trái (cam) cũng đã bao hàm tròn trịa hình dáng của hai thực thể. Như vậy, tiếng Việt vốn nhiều hình tượng đã khai thị cho một câu thơ bí hiểm, mặt khác, đáp ứng với quan niệm sáng tác của Eluard, thời đó từ chối màu sắc. “Ai đề cập đến màu sắc với tôi, tôi không nhìn nữa. Hãy nói với tôi về hình thể, tôi đang rất cần hoang mang”  (Littérature, tháng 2-3.1923, tr.16).(2). Một câu thơ dịch, nói lên đúng ý tác giả, nhưng chính tác giả không trình bày ý ấy trong câu thơ, vậy là dịch sai hay dịch đúng? Đối tượng của người dịch là câu thơ, trong kích thước nhất định của nó; nhưng lắm khi phải đi quá câu thơ mới đến được nó: đó là kinh nghiệm thơ dịch của Tản Đà.
Màu sắc đối với chúng ta là cụ thể, tuyệt đối; trắng ra trắng, đen ra đen. Nhưng trong các ngôn ngữ, bảng tên màu sắc lại không giống nhau. Cái ta thấy xanh thì người Pháp thấy 2 màu bleu và  vert; cái người Pháp thấy bleu, thì người Nga thấy sinii và  golouboi khác nhau. Những từ thông dụng trong tiếng Việt như nâu, chàm, đà, thì người Pháp không biết dịch là gì, có khi gọi là màu “củ nâu” (couleur cunau), sông Đà thì dịch là   Eivière Noire ,  đối lập với sông Lô là Rivière Claire, lẽ ra phải là sông… Đáy. Tên của màu sắc là một vấn đề gay go trong cấu trúc ngữ nghĩa của lý thuyết ngữ học, mà nhiều chuyên gia đã đề cập. Màu sắc, trong từng nền văn hóa, lại mang tính cách biểu tượng kiểu  thương xanh núi, nhớ tím trời (Xuân Diệu) lại làm người dịch thêm rối trí.

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
13.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

(Tiếp "Trái cam và Hòn bi")

2.Cách đây mươi năm, tôi đã có dịp ca ngợi câu thơ Tản Đà trong bài  Tiễn ông công lên Trời (Ngày nay số 99, 1938),  tâm ký không kém Eluard:

 Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc (a)
 Chán cả giang hồ, hết cả ngông (b)


Câu (a) sắc sảo vì từ xanh  láy lại ở vị trí trọng yếu và đối xứng, laị đối lập với  bạc , làm nổi bật nghịch lý  xanh như ngựa : ngựa nhiều màu, mỗi màu chữ Hán Việt lại có tên riêng, nhưng không xanh. Cần hiểu đại khái: ngày như ngựa, ngày nhanh như ngựa. Lấy ý cổ văn:  bạch câu quá khích , ngựa trắng thoáng qua kẽ hở; chữ ngày xanh lại đối lập với điển cố về màu ngựa. Ngụ ý ở đây là tốc độ của thời gian, chữ  nhanh chìm trong câu thơ, làm một thứ trầm châu, cùng vần với chữ nổi – Nguyễn Tuân gọi là chữ gánh – là  xanh, có nghĩa là tuổi trẻ. Tản Đà sáng tạo từ ngữ một cách hồn nhiên, nhưng cách chơi chữ này đáp ứng với nhiều quy luật ngữ học hiện đại.
Câu thơ Eluard và Tản Đà xuất sắc ở nghịch lý. Nhưng ở đời không phải ai ai cũng thưởng thức nghệ thuật trong nghịch lý. Bằng cớ là Nhà xuất bản Văn học, trong Tuyển tập Tản Đà, 1986, tr.187, dòng thứ ba đã đổi câu chữ cho thuận lý:

 Ngày xuân như ngựa đầu xanh bạc

Thành ra một cái gì đó, phi ngưu phi mã.


Về hình ảnh địa cầu nhìn từ xa, Xuân Diệu có câu thơ hay, làm năm 1957, thời điểm Liên Xô mới phóng vệ tinh lên trời

 Trái đất – ba phần tư nước mắt
 Đi như giọt lệ giữa không trung


Câu thơ hay và có giá trị tổng hợp: đi từ thực tế địa lý – biển chiếm ba phần tư địa cầu – đến tình cảm – nước mắt cuộc đời, của tình yêu, và bất công, của chúng sinh theo hình tượng nhà Phật. Và giọt lệ vẫn thường long lanh trong thơ Xuân Diệu,  “đã vỡ vì nước mắt”; cuối cùng đi đến tưởng tượng – giọt lệ giữa không trung. Hình ảnh tuyệt vời, bao la, trong sáng, như hóa giải được mọi cuộc trầm luân. Nhưng nỗi khổ đau hóa thân thành ánh sáng.
Tôi chợt nhớ, chợt đau xót, chợt nghĩ đến người bạn vong niên khác, Vũ Hoàng Chương, mà trầm luân dường như siêu thoát:

 Từ phen trái đất ra đi
 Lệ chia phôi đã xanh rì đại dương


Cùng trong đề tài này, Trinh Công Sơn có bài hát làm cho thiếu nhi, khoảng 1979, một trọng điểm khác trong khoa học không gian:

 Như một hòn bi xanh
 Trái đất này quay tròn


So với những câu thơ đã viện dẫn, đặc sắc của lời hát Trịnh Công Sơn là vui, có phần tếu, nhưng vẫn thâm trầm, cao siêu. Trong một băng nhạc thu âm khoảng 1980, tác giả tự hát bài này và tự thuyết minh hình ảnh  “trái đất nhìn từ xa như một hòn bi nhỏ nhắn, sông nước xanh màu lá, màu xanh cây cỏ”. Các tác giả khi tự mình giải thích thơ mình, ít khi giải thích hay, kể cả trích tiên Tản Đà và “thợ bình” Xuân Diệu. Nhất là khi đãi đưa trong một băng nhạc thương mại. Hình ảnh hòn bi xanh thâm trầm hơn nhiều, nó phản ánh thân phận phi lý của cuộc đời. Trái đất chỉ là trò chơi nhỏ nhoi trên đầu ngón tay tạo hóa, thì thân phận con nguời còn phù phiếm đến bao nhiêu? Con người, anh là cái quái gì mà đa mang đa sự thắc mắc cái này, đòi hỏi cái kia? Cụ Ôn Như Hầu đã nhận xét:

 Quyền họa phúc trời tranh mất cả
 Món tiện nghi chẳng trả phần ai
 Cái quay búng sẵn trên trời
 Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm


Cái quay, hay con cù, con vụ của cụ Ôn Như còn khá khẩm, chững chạc hơn hòn bi lông lốc của Trinh Công Sơn, tầm thường, rẻ rúng, vô định.
Nhưng mỗi câu thơ đều giống con người: quả cam của Eluard là Eluard, ngựa xanh là Tản Đà, giọt lệ của Xuân Diệu là bản thân Xuân Diệu, hòn bi là bản chất Trịnh Công Sơn, tếu, hồn nhiên. Lời hát nhắc đến cái ngất ngưởng của Tản Đả:

 Đất say  đất cũng lăn quay
 Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười

    (Lại say, 1921)

Trên bản chất nghệ sĩ, những đớn đau đã biến Trịnh Công Sơn thành một thứ triết nhân, với triết lý “cõi tạm” “đời cho ta thế”. Nghiệm cho cùng, con quay và hòn bi còn may mắn hơn con người, vì nó chỉ mang trọng lượng của bản thân, đã giảm đi nhiều với lực dính (force adhesive) và lực ma sát (force de frottement), còn con người, ngoài trọng lượng của xương thịt, lại còn đèo thêm cái tâm hồn, với trăm thứ bà giằn: nào là lịch sử, dân tộc, có khi đèo cả ái tình, mà sức cọ xát thì vô cùng vô tận. Chỉ những tâm hồn cổ kim hãn hữu như Tản Đà mới đạt tới thái độ sinh khoái:

 Nở gan cười một cuộc suy
 Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không

    (Xuân sầu, 1936)

Trở lại với hòn bi xanh. Khi Trịnh Công Sơn giải thích là xanh lá cây, thì thật ra, anh không đặt vấn đề gì. Như Nguyễn Bính đã làm thơ:

 Xanh cây xanh cỏ xanh đồi
 Xanh rừng xanh núi da trời cũng xanh

    (Xanh, 1939 (?))

Rõ ràng là tác giả  Mây Tần  (1951) không phân biệt hai màu xanh cỏ và xanh da trời. Khi ta nghe Tản Đà nói xanh như ngựa thì ta nhạc nhiên, nhưng khi nghe tóc xanh, đầu xanh, mắt xanh thì không để ý đến nghịch lý. Tâm hồn Á Đông chịu nặng ảnh hưởng của thiên nhiên, đặc biệt là của cỏ cây. Từ xanh gợi ý tuổi trẻ, vì trái xanh đối lập với trái già, trái chín; lá xanh đối lập với lá vàng, lá rụng. Từ đó, ta có những khái niệm tuổi xanh, ngày xanh, xuân xanh, và tính từ xanh trở thành sáo mòn trống nghĩa, khó sử dụng để dịch những màu sắc cụ thể như trong Baudelaire:

 Cheveux bleux, pavillons des ténèbres tendues
 (Tóc lam, cờ lộng bóng đêm căng…)

    (La Chevelure)

Chữ bleu gợi ra cảnh trời xa biển rộng, kết hợp thành chuỗi âm láy  cheveux blues  khó dịch thoát, dù câu thơ dịch đã mang nhiều âm láy, và chữ  lam nhắc đến thơ Nguyễn Bính:

 Da trời ai nhuộm màu lam

Và nhất là thơ Bích Khê:

 Sương lam phơi màu thu muôn nơi

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
11.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

(TRÁI CAM VÀ HÒN BI
Tiếp theo và hết)

3.Câu thơ Apollinaire trong bài vô đề bắt đầu bằng Au-tomne malade et adoré – Mùa thu đau yếu và mến thương:

 Des nixes nicettes aux cheveux verts et naines
 (Những tiên đồng tiên cô tóc xanh lè người lùn tịt)


Tiếng Pháp cheveux verts tạo cảm giác yêu quái lẫn giữa cỏ cây mà chữ Việt tóc xanh không tạo được nên phải thêm bổ từ lè. Nhưng cũng có khi bản dịch không sát nguyên tác như với câu thơ Baudelaire:

 Le vert paradis des amours enfantines
 (Thiên đường xanh những mối tình thơ dại)


Ở đây chữxanhtrong bản dịch có phần súc tích hơn tính từ  vert  trong tiếng Pháp vì lơ lửng giữa màu thăm thẳm từng trên của thiên đường và  màu cỏ non xanh rợn chân trời   của tuổi thơ.

Le terre est bleue comme une orange

Tản Đà chắc không biết câu này. Nhưng Xuân Diệu, Trịnh Công Sơn thì biết, vì họ đều sành thơ Pháp. Giọt lệ giữa không trung và hòn bi xanh quay tròn  thì giống thơ Eluard quá.
             Về câu thơ này, Henri Méschonic đã có một bài báo uyên bác và xuất sắc, cho biết là Eluard đã mượn ý một bài thơ tiếng Nga của Vladimir Maiakovski làm 1922:

 Một nửa trái đất
 tròn trịa
 trên đầu tôi
 lai láng đại dương bán cầu
 Nhìn xa
 y như một trái cam
 Nhưng trái nọ vàng
 trái này xanh.


Phiên tự sang chữ Latinh: Míra polovína – krúglenẺkaja takája – podo mnój, okenánami s polusárija. Ízdali soversénno víd appelẺsínij; tólko tot zóltyi, a etot sínij.

Dịch ra tiếng Pháp:

 La moitié du monde
 si ronde
 est au dessus de moi
 ruisselant des océans d’un héminsphère
 De loin
 tout à fait un air d’orange
 Seulement celle-là est jaune et celle-ci est bleue.


Chỗ khác nhau là: câu thơ Eluard dựa vào màu sắc(biểu ý: xanh)và hình dáng(ẩn ý:tròn)còn câu thơ Nga lại dựa vào ngữ âm. Từ sinij xanh, đã nằm trong tính từ apel’sinij thuộc về cam bắt nguồn từ danh từ apel’sin quả cam, từ tiếng Hà Lan appelsina táo tàu, tiếng Đức Apfelsine. Cấu trúc láy âm là do Maiakovski cố tình, thậm chí còn viết lệch chính tả, dùng tính từ sinij   trong khi bình thường phải viết apel’sin-nỵ hay anpel’sin-ovyi. Vấn đề đặt ra ở đây là:

- sự nảy sinh một ý thơ – một tứ thơ,
- trong Maiakovski ý thơ nảy mầm từ vỏ âm thanh , do thính giác tiếp thu,
- sự đầu thai của ý thơ vào Eluard dựa vào màu sắc nghịch lý, tạo sự liên tưởng về hình thể,
- dịch ra tiếng Việt câu thơ vẫn còn hay, còn súc tích, nhưng từ lực kém đi.
Nhưng thưởng thức câu thơ bằng tâm hồn Việt Nam trong những luyến ái riêng với địa cầu và cây trái lại có sinh thú khác.


Thơ là những đặc sắc của ngôn ngữ được khai thác triệt để, được phát triển đến tận cùng, được quy hoạch thành những định luật khi ẩn khi hiện nhưng lúc nào cũng chi phối. Nhưng trong hiện tình thơ Việt Nam thì chỉ mới có một số người làm thơ lí luận về thi pháp áp dụng quan niệm này. Đa số người đọc thơ chỉ thưởng thức qua xúc cảm, tưởng tượng và kỉ niệm, yêu thích những câu thơ êm tai, thuận tai, quen tai. Ngày xanh như ngựa đã là cái gì lạ tai, nếu không phải là trái tai.
Xưa, thơ là một nhu cầu xã hội. Nay, thơ là một sinh hoạt trí thức. Đây là quy luật phát triển của toàn thế giới, thơ Việt nam cũng phải vào quỹ đạo. Nhưng, nhiệm vụ của người giới thiệu, phê bình thơ là đưa cái xa lại gần với quần chúng và đẩy cái quen thuộc đến chân trời tưởng tượng, như con Ngựa say thời nào của Lưu  Trọng Lư:

 Ta say ngựa cũng tần ngần
 Trời cao xuống thấp, núi gần lên xa.


       20.1.1997

Giáo sư ĐẶNG TIẾN.
“THƠ-Thi pháp và Chân dung”,  NXB Phụ nữ 2009, tr.101.
-----------------------------------------------------------
Chú thích:

1. Jean Omnimus,Les images d’Eluard, Annales de la Faculté des Lettres d’Aix-en-Provence, tr.37, 1963, Lucien Schelẻr  trích lại trong lời tựa Eluard toàn tập, Pléiade, tr.14.
2. Henri Meschonnic tríchLes Etats de la Poétique,P.U.F.,Paris, 1985, tr.255 và 241, 247, 248.
3. Câu thơ này, nhà nghiên cứu văn học tuổi trẻ tài cao Trần Ngọc Vương cho là làm ở Quảng Yên (Văn nghệ Quân đội, số 6-1995, tr.95 ). Tôi cho là làm ở Hà Trì (Hà Đông). Hay ta cùng đi thực địa?
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Thơ là gì?

1.       Dưới tiêu đề tổng quát này, chúng tôi mở đầu một loạt bài biên khảo về thơ, trên bình diện lý thuyết

        Đề tài không phải là mới mẻ; từ thời Khổng Tử san định Kinh Thi, từ thời Aristote luận về thi pháp đến nay, hơn hai mươi thế kỷ đã nghiêng mình xuống ngôn ngữ thi ca. Tuy nhiên, cho đến nay, những bình luận về thơ chỉ dừng lại ở mức cảm thụ, nghĩa là cái phần trực giác bén nhạy giúp ta linh cảm chất thơ; thậm chí có người đưa ra những quan niệm thần bí về thơ, như nhóm  Xuân thu nhã tập trước đây, và một số tác giả khác hiện nay tại miền Nam.
        Giới văn học Tây phương cũng đã lúng túng rất lâu trong việc định nghĩa thi ca. Năm 1925 trước năm Viện Hàn lâm họp đại hội đồng tại Paris, Henri Bremond, trong bài diễn thuyết về “thơ thuần túy” (1) đã đưa ra một quan niệm huyền nhiệm về thơ, làm lung lạc cả thế giới khảo cứu của Pháp. Nhưng từ ấy đến nay, nếu các lý thuyết về tiểu thuyết, kịch,… không tiến bộ bao nhiêu thì kiến thức về thơ của Tây phương đã phát triển rất nhanh; nhất là từ hai mươi năm nay, bộ môn “thi pháp” (poétique) trở nên thời thượng, nhờ những lý thuyết thẩm mỹ nói chung, nhờ sự đóng góp của các triết gia như Heidegger Bachelard, Sartre,… và nhất là nhờ những tiến bộ vượt bực của ngành ngôn ngữ văn học, từ de Saussure đến Jakobson  và bộ môn nhan chủng học từ Sapir đến Lévi-Strauss. Năm 1962, Jakobson và Lévi-Strauss, mỗi người đã mang những kiến thức nghiêm túc của mình để cùng giải thích bài thơ Mèo (Les Chats) của Baudelaire, có sự đóng góp của nhà ngữ học Benveniste. Bài giải thích này là bước tiến quyết định trong việc phá vỡ huyền thoại về thơ (2).
        Tại Việt Nam 1973, có lẽ vì hoàn cảnh, nên chưa có những biên khảo thật nhất quán và khoa học về thơ, tại miền Nam cũng như miền Bắc. Đây là việc cẩn phải làm vì ai cũng biết người Việt Nam yêu thơ và ngôn ngữ Việt Nam rất giàu thi tính. Vì vậy mà chúng tôi không ngại kiến thức hẹp hòi, đưa ra một số suy nghĩ trong loạt bài sắp tới: thơ và văn xuôi khác nhau ra sao, tương quan giữa ý thơ và lời thơ, đặc tính của lời thơ, khả năng của khoa học áp dụng cho việc hiểu thơ… Để thoát ly khỏi quỹ đạo kiến thức tây phương, chúng tôi sẽ trình bày quan niệm của tổ tiên ta về thơ, thi tính của ca dao, và sẽ phân tích một vài thi phẩm cổ kim của ta; một lý thuyết về thơ chỉ có giá trị nếu ta có thể áp dụng để phân tích rất nhiều tác phẩm cụ thể, thuộc nhiều hình thức và thể loại khác nhau, trong nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới, như Jakobson đã đề xuất và thực hành.
        Việc này, chúng tôi không viết thành sách, mặc dù có lời yêu cầu của một vài nhà xuất bản; tôi chỉ muốn trình bày trên báo để góp ý với nhiều giới độc giả, dù biết rằng khó trình bày được toàn bộ lí luận qua dăm mười bài viết rời rạc.
        Viết loạt bài, chúng tôi đứng trước bốn khó khăn: thứ nhất, sự khảo cứu chỉ mới ở bước đầu; thứ nhì, thiếu tài liệu về thơ Việt Nam, nhất là về lí luận Việt Nam xưa về thơ; thứ ba, muốn trình bày một đề tài chuyên môn bằng ngôn ngữ bình dị; thứ tư, viết về thơ mà không văn vẻ thì đọc chán, mà văn vẻ thì giảm bớt tính khoa học.
        Bạn đọc sẽ nhận thấy những khuyết điểm  do các khó khăn nói trên tạo ra.

        Trong bài đầu tiên này, chúng tôi nêu lên nguyên lý cơ bản: Thơ khác với ngôn ngữ thường ra sao? Vấn đề này nhà văn, giáo sư Nguyễn Văn Trung, cách đây khá lâu, đã trình bày mạch lạc (3) nay tôi chỉ nói lại vắn tắt và cụ thể. Ngôn ngữ nói chung, là một trong nhiều hệ thống ký hiệu, được loài người dùng làm phương tiện để truyền đạt tin tức, mệnh lệnh, tư tưởng, tình cảm. Mỗi từ ngữ không có giá trị tự tại, mà chỉ là công cụ để chỉ một đối tượng: con mèo, con chó chẳng hạn. Khi từ ngữ vượt khỏi công dụng thông tin ấy, để biểu hiện giá trị thẩm mỹ tự tại thì theo Jakobson, nó có chức năng thi pháp (function poétique). Đó là thơ.
        Nói khác đi, thơ là ngôn ngữ vậy nó cũng truyền đạt một tình, một ý. Nhưng đặc tính không nằm trong thông điệp truyền đi, mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng. Ngôn ngữ thơ không chỉ là dụng cụ mà còn là thể chất. Nó vừa là nội dung vừa là hình thức: nội dung đôi khi chính là hình thức của nó. Cho nên khi so sánh thơ với ngôn ngữ thường, ta có thể nói quá đi một chút như lời Jakobson: thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh, trong khi văn xuôi, hay lời nói thường, chỉ là những ký hiệu bày tỏ sự vật bên ngoài. Trình bày cách khác: nói, là nói cái gì, còn làm thơ, là nói để được cái thú nghe lời mình nói, như chàng Trúc ở dòng đầu truyện Đôi bạn của Nhất Linh “nói xong và nghe tiếng mình nói, Trúc nhớ lại rằng câu ấy chàng đã thốt ra nhiều lần, năm nào cũng vậy ...”
        Từ cuối thế kỷ 19, Mallarmé đã bảo: “làm thơ với từ ngữ, chứ không phải với ý tưởng”. Nguyễn Văn Trung có trình bày thêm quan niệm cuả Valéry, Breton, Sartre (4). Nhưng mãi đến vài mươi năm gần đây, các nhà khảo cứu mới chú tâm đặc biệt đến thơ như là một ngôn ngữ tự tại, như hội họa, như âm nhạc, chứ không chỉ là một công cụ. Thật ra, từ 1921, Jakobson đã chủ trương: “thơ chỉ là một ngôn để nhắm vào biểu thức (un énoncé visant l’expession), có thể nói, vận hành trong quy luật nội tại; chức năng truyền đạt, đặc biệt của ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ truyển cảm, bị giới hạn đến mức tối đa. Thơ dửng dưng với đối tượng của lời nói”(5). Ông còn so sánh “nếu hội họa là cách tạo hình bằng những chất liệu của thị quan có giá trị tự tại, nếu âm nhạc là cách tạo âm bằng chất liệu thuộc tính quan có giá trị tự tại, nếu vũ điệu tạo hình bằng chất liệu cử động của thân thể có giá trị tự tại, thì thơ là cách tạo hình với từ ngữ có giá trị tự tại. Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó” (la poésie est la mise en forme du mot à valeur autonome… c’est le langage dans sa fonction esthétique) (6). Hơn mười năm sau, cũng tại Prague, ông lại định nghĩa “thơ là gì” và nói rõ “thi tính thể hiện ra sao? – Thể hiện bằng cách: từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của tình cảm; nó thể hiện bằng cách: những con chữ, và cú pháp, và ý nghĩa, và hình thể ngoại tại và nội tại, không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, trái lại những con chữ đó có trọng lượng riêng, có giá trị riêng”(7).
        Mãi về sau này, khi Jakobson được xem như bậc thầy của khoa ngôn ngữ học thế giới, các nhà biên khảo mới khai thác triệt để tư tưởng của ông, một phần cũng nhờ sự đóng góp của phong trào cấu trúc (structuralisme) với Lévi-Strauss.
        Trong một ngành khoa học khác, môn nhân chủng học, Lévi-Strauss cũng đi đến một kết luận như Jakobson: “chúng ta đều thừa nhận từ ngữ là những ký hiệu, nhưng giữa chúng ta, thi sĩ là những kẻ cuối cùng còn sót lại biết rằng từ ngữ, xưa kia, cũng là những giá trị” (8).
        Từ quan niệm: thơ là một ngôn ngữ trong ngôn ngữ theo lời Valéry, các nhà khảo cứu xây dựng một nền khoa học mới, môn “thi pháp” (la poétique) với những quy luật chuyên môn, thậm chí ngày nay, có người không còn xem thơ như một lãnh vực của văn chương như ta vẫn quan niệm mà là một hệ thống ký hiệu riêng, không mấy quan hệ với văn chương: “Ngày nay, chúng ta không còn có thể đề cập đến sự kiện thi ca bằng cách sát nhập thơ vào lý thuyết tổng quát của văn chương, ví dụ xét thi phẩm như một phần của văn học nói chung, (…) vì cấu trúc của thơ không thể nới rộng đến ý niệm về văn chương”.(9) Ngược lại, có người xem thi ca như một bộ môn của ngành ngôn ngữ học, họ khảo sát lời thơ như khảo sát tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Mường... Chúng tôi chưa có điều kiện để phê phán hay áp dụng những kiến giải chuyên môn đó, mà chỉ dừng lại ở những nguyên lý tổng quát, để người đọc tham khảo.


        Chúng ta thử so sánh một cách nôm na ngôn ngữ thường ngày (ngôn ngữ dụng cụ) với thơ. Ví dụ muốn châm điếu thuốc, tôi hỏi: “anh có diêm không?” thì đó là một câu hỏi thông thường, nó không có giá trị gì ngoài nói một cách khác: anh có lửa? anh có hộp quẹt? anh có bật lửa? anh cho tôi mồi điếu thuốc… Nói sao cũng được, miễn là đạt tới kết quả. Vậy ngôn ngữ nói chung chỉ là một phương tiện; chỉ có thi ca mới là một ngôn ngữ riêng, tự lấy mình làm mục đích. Ví dụ, cùng một câu xin lửa, mà tôi nói:

       “Cho tôi xin chút lửa
       Lửa tắt.
       Cho tôi xin nước mắt
       Nước mắt chua”

  ...
       Thì tôi không còn xin lửa để đốt điếu thuốc, nhen bếp cơm, mà nói để có cái thế được nói một câu đồng dao đẹp. Câu đồng dao đó là đối tượng của nó, nó không nhằm mục đích gì hết: Đứa bé lên năm chơi rồng rắn, thì xin nước mắt làm gì?
        Cũng chú bé đó, khi bập bẹ tập nói, học những tiếng con mèo, con chó…  để có dụng cụ chỉ hai loại gia súc nọ; lớn lên chút nữa nó dùng từ chính xác hơn: con vện, con tam thể, để chỉ cùng đối tượng: dụng cụ ngôn ngữ của nó dồi dào hơn. Trước kia nó chỉ có một con dao, bây giờ nó có con dao bổ dừa, con dao cau để bổ cau, nhưng ngôn ngữ vẫn là dụng cụ. Mai kia nó lớn lên sẽ gọi tình nhân là mèo, tình địch là chó, thì dụng cụ thay đổi so với sự vật, như là nó dùng dao cau để rọc thư tình nhân và dao bổ dừa để chém đầu tình địch. Hai ví dụ kể trên chứng minh hai điều: Mèo, chó là ngôn ngữ dụng cụ, trong ngôn ngữ đời thường, từ ngữ (cái biểu hiện) và đối tượng (cái được biểu hiện) là hai cái khác nhau, tạm gọi cái trước là hình thức, cái sau là nội dung. Ta có thể dùng hai từ cùng nghĩa (mèo, con tam thể) hay một từ hai nghĩa (mèo gia súc hay mèo tình nhân).
        Trong Thơ thì khác. Chú bé bắt chước mẹ, hát nghêu ngao:

       Con mèo con chó có lông
       Bụi tre có mắt, nồi đồng có quai

        (Ca dao)

        Hai chữ con mèo, con chó, và cả câu ca dao không có đối tượng. Ai chả biết cây tre có mắt, và nồi đồng (miền Trung) có quai? Vậy nói ở đây, không phải là để nói lên cái gì, mà để được cái thú nghe lời mình nói, với một câu mà mình cho là hay. Thế nào là hay, thì lại tuỳ người, tùy lúc, là chuyện khác.

(còn tiếp phần 2)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Thơ là gì
(tiếp theo 1)

2.Các nhà biên khảo đã đi đến chỗ đồng thuận: Về lý thuyết,  ngôn ngữ nói chung và văn xuôi nói riêng nhằm phục vụ một đối tượng trong đời sống hàng ngày. Thơ trái lại là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng. Về thực tế, khi đưa quan niệm này vào việc phân tích thi ca chúng ta lại phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn khoa học không những cần phân tích hợp lý, mà còn cần tổng hợp nhất quán; lối nhìn đó là cần, nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ.
        Nói thơ là một ngôn ngữ tự tại không có nghĩa rằng: thơ không cần có ý nghĩa. Vì một từ ngữ, một câu bao giờ cũng có nghĩa nếu nó muốn là ngôn ngữ. Không làm gì có câu nói thật sự vô nghĩa.
        Cũng không hàm ý rằng thơ không tương quan gì đến thực tế là thực tại xã hội. Không thể cô lập một câu thơ, và con người với xã hội, tách nó ra khỏi đời sống. Đây là hai điểm chính yếu, ta không nên ngộ nhận.
        Những câu thơ ta cho là hay, dễ nhớ vẫn là những câu có nghĩa, có ý, có tình. Ở Tây phương, đã có nhiều trường phái chủ trương thơ vô nghĩa, đều bị bế tắc. Câu thơ phải có nghĩa mới là câu nói, mới làm ta chú ý. Ta có chú ý rồi mới thấy hay, càng đọc càng thấy hay, lâu ngày nhớ lại vẫn thấy hay.  Nhưng câu thơ hay đó tuy có ý nghĩa, nhưng không hay vì ý nghĩa,  mà hay vì hơi nói, giọng nói. Khi câu thơ hay vì ý nghĩa thì có cái hay của văn xuôi (beauté prosaique) như một lời văn hoa mĩ, một lời nói khéo, ví dụ câu này của Hàn Mặc Tử:  

       Sao bông phượng nở trong màu tuyết,
       Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu.


         Câu thơ này dịch ra tiếng nước ngoài khó, vì nhiều tu từ pháp, tiếng nước nào cũng có sẵn.

       Nói khác đi, tương quan lời/ ý, cái biểu hiện/ cái được biểu hiện, (sigifiant/signififié) bị đảo lộn: trong lời nói thường và văn xuôi, lời là phương tiện của ý,  “được ý phải quên lời, như được cá quên nơm” (Trang Tử). Trong thơ, ý là phương tiện của lời trên hai phương diện: trong cấu trúc, ý nâng lời, tạo tương quan cho từ ngữ; ngoài cấu trúc ý làm môi giới giữa lời thơ và người đọc, người nghe. Câu thơ không có ý thì không có xương sống và không có độc giả, thơ không có ý  “như thuyển không lái, như ngựa không cương”, nhưng lái không phải là thuyền, cương chỉ là thành phần không chính yếu của ngựa. Thơ hay không phải tại ý, như ngựa thiên lý không phải nhờ vào dây cương, cho dù dây cương là cần thiết. Vì vậy mà thơ xưa từ Đông sang Tây, quay chung quanh các đề tài tuyết nguyệt phong hoa. Điều chính yếu trong thơ không phải là nói cái gì, mà là nói ra sao.
        Vì trong thơ, ý là phương tiện của lời, nên người bình giảng thơ cần đặt lại chính xác quan hệ nội dung và hình thức. Nhất là khi bình giảng thơ trong nhà trường. Các thầy giáo, cô giáo từ bậc tiểu học phải biết dạy thơ. Con em lớn lên mới biêt yêu thơ, xã hội mới có thơ hay. Và đời sống con người tinh tế hơn.
        Theo lối giảng thông thường của SGK, thì nội dung của bài  Thu điếu của Nguyễn Khuyến là việc đi câu cá mùa thu. Đúng không? dụng tâm của Nguyễn Khuyến khi làm bài thơ ấy có phải là để kể chuyện đi câu? hay ông chỉ mượn việc đi câu, mượn luôn cả cảnh ao thu, để làm một bài thơ đẹp? Phái duy lí có thể bẻ lại: Nguyễn Khuyến làm bài thơ đó để nói lên tâm hồn kẻ sĩ; vì tâm hồn cao đẹp nên bài thơ hay. Nghe không ổn, vì có phải thánh nhân đều là thi sĩ cả đâu. Và bao nhiêu thi sĩ Tư Mã Tương Như, Baudelaire chẳng hạn, là kẻ tầm thường, có khi còn tội lỗi. Vả lại, anh thích bài thơ đó, vì anh thích đi câu, anh thích mùa thu, hay vì bài thơ đó hay? Tóm lại, nội dung của bài thơ Thu điếu là bản thể của lời thơ, hình thức của nó là ao thu, phương tiện của nó là đi câu.
        Nói như trên  có vẻ nghịch với lẽ thường. Nhưng chính  thơ là ngôn ngữ nghịch với lẽ thường. Vầng trăng làm sao mà “sẻ làm đôi” được? Làm sao có thể “gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao” được? Thi sĩ là kẻ phá vỡ tương quan của ý tưởng và thay thế vào đó tương quan của từ ngữ. Sự hoán chuyển phương tiện – mục đích, vẫn thường xảy ra trong thực tế; trở lại với thí dụ đi câu: con rô diếc là đối tượng của bác thợ câu, nhưng là phương tiện của ông Lã Vọng, đi câu là để đi câu. Cô hái chè lúc vươn tay thì cành chè là đối tượng; cô đứng chụp hình, tay vươn cành  chè, thì cành chè là phương tiện để cô có bức hình đẹp. Cô đứng tự nhiên thì bức hình không tự nhiên, phải giả vờ vin vào cái gì đó thì bức hình mới tự nhiên. Ngôn ngữ thơ cũng vậy: nói tự nhiên, thì không ra thơ, phải nói một cách nào đó mới là thơ. Những câu thơ “tự nhiên thiên thành”, cũng tự nhiên một cách nào đó, trong một bối cảnh nào đó.
  
       Bảo rằng thơ là cách nói, thi sĩ làm thơ để làm thơ, như kẻ đi câu để đi câu, không cần cá, phải chăng là từ chối mọi quan hệ giữa thơ và thực tế xã hội? Không phải vậy, những thi sĩ lớn cũng như những lý thuyết gia ngày nay, không còn mấy ai chủ trương hình thức vị hình thức.
        Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng như nay.
        Thơ có đặc tính riêng, nhưng vẫn bắt nguồn từ xã hội và phục vụ xã hội. Bắt nguồn và phục vụ bằng cách nào thì tùy hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội, và tùy chế độ chính trị, xưa cũng như nay.
        Thơ bắt nguồn từ thực thế vì phải sử dụng ngôn ngữ hàng ngày đủ để chế biến, xáo trộn, vì ngôn ngữ vốn là phản ánh của đời sống. Thơ lại sử dụng những tình ý của con người, thì muốn dù không cũng phản ánh xã hội. Những thi phẩm lớn của ta, như Kiều, Cung Oán, Chinh phụ ngâm, đều mang ít nhiều đặc tính của xã hội. Gần chúng ta hơn, những nhà thơ tiến chiến “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” gặp lúc kháng chiến cũng đã “đốt cháy trong lòng mình những phong cảnh cũ” như lời Nguyễn Tuân, để chiến đấu và sáng tác. Gần hơn nữa, nhà thơ say Vũ Hoàng Chương đã từng sống giữa lòng đời như “cắm thuyền sông lạ”, năm 1963, đã đốt lên ngọn Lửa Từ Bi hùng tráng để soi sáng cho cuộc đổi thay xã hội.
        Và nhìn chung thơ Hy Lạp, thơ Tày, thơ Tây đều mang đặc tính xã hội.
        Thơ không chỉ phản chiếu tiêu cực mà còn ảnh hưởng tích cực đến tâm hồn con người. Bỏ qua quan niệm “thi dĩ ngôn chí” và “văn dĩ tải đạo” của nhà Nho, bỏ qua luôn quan niệm thơ phải phục vụ trực tiếp quần chúng, chúng ta vẫn gặp những nhà thơ lớn ca ngợi giá trị đạo lý của nhân loại Khuất Nguyên qua Đỗ Phủ, cho đến Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến. Những tác phẩm được truyền tụng là những bài Quy Khứ Lai Từ của Đào Tiềm, thơ lánh đời của Nguyễn Bỉnh Khiêm. . Còn thơ xu phụ quyền thế của 28 vì sao trong Tao Đàn thì không mấy ai biết tới. Trong khuôn khổ của xã hội phong kiến và tư tưởng nho giáo khe khắt, thơ vẫn không chịu gò bó trong tam cương ngũ thường, mà vươn tới cái đạo lớn của nhân loại, ca ngợi cái hùng, cái vĩ, bênh vực kẻ yếu, tố cáo bất công. Khi nói đến tình yêu trai gái, thơ gạn lọc tình cảm, cho nên những đoạn Kinh Thi ướt át nhất vẫn ngay thẳng như lời Khổng Tử. Bản chất thơ phải “tư vô tà”, đó cũng là một đặc tính chung cho các bộ môn văn nghệ khi vươn lên làm văn hóa, văn minh.
Vì thế ngày nay tại các nước công nghiệp tiên tiến, thơ vẫn là một bộ môn quan trọng trong chương trình giáo dục, nhất là cấp tiểu học. Trẻ em học thơ để yêu tiếng nói, rồi từ đó yêu quê hương, loài người và cuộc sống.
Dân tộc Việt Nam vốn yêu thơ, thưởng thức thơ từ lúc nằm nôi, nếu thi ca đóng đúng vai trò của nó dĩ nhiên là sẽ có tác dụng rộng lớn
Để kết luận, xin mượn lời Jakobson: “Thi ca, so với những giá trị xã hội khác, tuy không vượt bực, không lấn lướt, vẫn là thành tố cơ bản của ý thức hệ, luôn luôn quy về một đối tượng. Thơ giúp ta khỏi trở thành máy móc, bảo vệ chúng ta chống lại sự han rỉ đang hăm dọa những công thức về tình yêu và thù hận, về phản kháng và hòa giải, về đức tin và phủ nhận”.(10)
Về những đóng góp của Jakobson xin đọc bài tiếp theo.

Dieppe, 7.1973,
đọc lại, Orléans 12.2008
ĐẶNG TIẾN.

----------------------------------------------------------------
Phụ chú 2006
Sách chuyên đề tiếng Việt sau 1973, đã xem lại:
- Hà Minh Đức : Thơ và mấy vấn đề… 1974.
       Một thời đại trong thơ ca, 1996,

       Và nhiều sách khác
- Phan Cự Đệ : Phong trào thơ mới, 1982.
    Văn học Việt Nam, 2004

- Phan Ngọc : Phong cách Nguyễn Du, 1985,
và nhiều sách khác.
-       Nguyễn Phan Cảnh:  Ngôn ngữ thơ,1987
-       Nguyễn Hưng Quốc:  Tìm hiểu nghệ thuật thơ, 1988
                             Nghĩ về thơ, 1990.

- Mai Ngọc Chừ : Vần thơ Việt Nam, 1991.
- Nguyễn Xuân Kính : Thi pháp ca dao, 1992.
- Lê Đình Kỵ : Thơ Mới… 1993.
- Thụy Khuê : Cấu trúc thơ, 1995
- Nguyễn Bá Thành: Tư duy thơ, 1996
- Hữu Đạt : Ngôn ngữ thơ Việt Nam, 2000.
- Trần Đức Các, 1995; Nguyễn Thái hòa, 1997; Phan Diễm Phương, 1998, về thi pháp trong văn học dân gian

Chú thích:

(1) Bremond, La Poésie Pure, Nxb Grasset, Paris 1926
(2) Tạp chí L’Homme, số II, 1, 1962, in lại trong Question de Poétique, Roman Jakobson, Nxb Le Seuil, Paris, 1973, tr.401-419.
(3) Nguyễn Văn Trung, Lược khảo Văn học, cuốn 2, Nam Sơn xuất bản, 1965, tr.72-82. Sài Gòn.
(4) Sđd, tr.16-34.
(5) In lần đầu tại Prague, 1921, in lại trong Question de Poétique, Sđd, tr.14, và trong tạp chí Poétique, số đặc biệt về Jakobson, 7-1971, tr.290.
(6) Jackobson, Question… sđd, tr.16; tạp chí Poétique, sđd tr. 290. Tôi chỉ chú nguyên văn những đoạn chính.
(7) Jackobson, Co-je Poésie, Prague 1933-1934, tr.70 in lại trong Poétique,sđd, tr.308, và trong Question de Poétique, sđd, tr.124.
(8) Lévi-Strauss, Anthropologie Structurale, Plon, Paris 1958, Claude Lévi-Strauss nói “cuối cúng sót lại… xưa kia” vì muốn truy nguyên nguồn gốc và cơ cauas của ngôn ngữ, qua cơ cấu tổ chức thị tộc và hôn nhân các xã hội cổ sơ của Phi Châu, Nam Mỹ, vì theo ông liên hệ thị tộc và hôn lễ cũng là ngôn ngữ.
(9) A.J. Greimas, Essais de Sémiotique Poétique, Nxb Larousse, Paris 1962, trang đầu.
(10) Question de Poétique, Sđd, tr.125
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

             Quang Dũng -
                         Một thoáng mơ phai

1

Với khách yêu thơ, Quang Dũng đã đến giữa lòng cuộc đời, dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi anh lại đi nhẹ nhàng như một thoáng mơ phai. Trên những âm thanh và cuồng nộ của nhân gian anh đến anh đi gần xa trên gót sen vàng lãng đãng, hiện thực như khói mây mà lại mờ ảo như một kỷ niệm. Có một Quang Dũng thịt xương vừa rời khỏi tầm mắt chúng ta và một Quang Dũng khói sương, ghé lại đời ta từ một buổi chiều nào và sẽ còn chờn vờn mãi trong tâm tưởng chúng ta.
Giai thoại văn chương kể lại rằng Lê Thánh Tôn có lần ra chơi chùa Ngọc Hồi, được tiên làm giúp câu thơ:

 Gió thông đưa kệ tan niềm tục
 Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời.


Sở dĩ có giai thoại, vì âm hưởng câu thơ – không biết là của ai – như vang vọng từ một chân trời khác, một bồng đảo xa khơi nào đó. Thơ Quang Dũng cũng vậy. Dù vẫn hiện thực và chân thực, thơ anh đã đậu lại lòng ta trên những cánh mơ. Bạn đã tiếp xúc với Đôi bờ, Đôi mắt người Sơn Tây ở đâu? Trong hoàn cảnh nào mình đã nghe bài  Tây Tiến? Chắc chắn là không qua văn bản, vì cho đến nay Đôi bờ vẫn chưa được in ra. Lại còn:

 Mai chị về em gửi gì không
 Mai chị về nhớ má em hồng…


Bài Kẻ ở, người đời đã gán cho Quang Dũng vì có phong vị Quang Dũng, ngày nay với hàng vạn người yêu nhạc yêu thơ, đã thuộc về thế giới Quang Dũng. Sự gán ghép đó lại nhắc lại câu hồn bướm mơ tiên, mà ngày nay nhiều người cho là của Hồ Xuân Hương; vì có một huyền thoại Hồ Xuân Hương, cũng như có một huyền thoại Quang Dũng. Viết về Quang Dũng cho tách bạch, chính xác, có nghĩa là phá vỡ huyền thoại đó. Việc ấy nên làm hay không, đối với một người lỡ yêu Quang Dũng? Giống như trẻ con chơi bong bóng bọt, người yêu thơ ngại ngần khi phân tích vì e làm òa vỡ giữa lòng mình  một vài bọt bóng mong manh, những ảo ảnh đã nuôi sống chất thơ trên vòm trời tâm tưởng, vì không ai nuôi dưỡng được thơ bằng kiến thức hay luận lý.
       Từ 1983, Quang Dũng bị liệt vì bệnh tim mạch, tôi có lời hứa với anh là xuất bản thơ anh ở nước ngoài và viết lời tựa; rồi lần lần lữa lữa mãi. Như người chèo thuyền, không dám khua mái dầm vì sợ làm vỡ vầng trăng. Vầng trăng nay vừa khuất núi, đôi mắt người Sơn Tây vừa nhắm lại. Chèo thử xem sao.

               Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi.

Ở Hà Nội, sau một tuần rượu, đã có những mái tóc bạc rung lên giọng ngâm, u hoài, tha thiết. Có chút gì trầm thống, như tiếng “gầm lên khúc độc hành”  của một dòng sông nhớ ghềnh nhớ thác. Cứ gì sông Mã, sông nào mà chẳng độc hành? Đó là tâm sự của những người – một thế hệ đam mê – đã tham dự cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày nổi lửa.
Những người bạn lệch tuổi đó, ở Hà Nội, dường như chỉ biết của Quang Dũng có một bài Tây Tiến. Trong các đô thị miền Nam trước 1975, nhiều người thuộc thơ Quang Dũng, nhất là hai bài Đôi bờ và  Đôi mắt người Sơn Tây đã được phổ nhạc chung trong một bài hát. Số người biết đến  Quán bên đường và   Lính râu ria không nhiều lắm. Tình trạng này kéo dài trong giới người Việt ở nước ngoài hiện nay. Nhiều Việt kiều về Hà Nội hỏi thăm, tìm thăm Quang Dũng, làm người Hà Nội ngạc nhiên, vì ít kẻ biết Quang Dũng là ai, ngay trong giới thuộc vài câu Tây Tiến  hoàn cảnh có gì không bình thường : thơ Quang Dũng chủ yếu là thơ kháng chiến, mà ít người cách mạng nhớ đến. Còn kẻ ngâm nga, ngược lại không lấy gì cách mạng cho lắm; họ biết thơ Quang Dũng vì nghe truyền miệng và đã chép tay. Chứ ai mà đi in thơ Quang Dũng? Do đó, thơ Quang Dũng biến thành văn chương truyền khẩu, văn học dân gian gì đó, như truyện Thạch Sanh hay Tấm Cám. Do đó đoạn trước, đoạn sau và câu chữ thay đổi từ đổi theo; Quang Dũng có vài ba tiểu truyện khác nhau, chung quanh một huyền thoại. Có thể lý giải được hiện tượng này: thơ Quang Dũng được truyền miệng từ trong thời kháng chiến chống Pháp, rồi được phổ biến qua những người bỏ về thành, di cư vào Nam năm 1954. Họ nâng niu thơ Quang Dũng như những hoài niệm về một thời son trẻ hào hùng nào đó mà họ vẫn còn tiếc nuối. Và không phải vì tình cờ mà Doãn Quốc Sĩ đã trích dẫn trọn bài thơ  Tây Tiến  trong một cuốn khảo luận về… tiểu thuyết, hay Thanh Nam đã có một cuốn truyện tên là  Dòng lệ thơ ngây, hay người phổ nhạc, rất tài hoa, thơ Quang Dũng là Phạm Đình Chương, kẻ đã xe đạp đèo danh ca Thương Huyền đi… kháng chiến. Rồi thế hệ đến sau, lớp thanh niên đô thị miền Nam, đã yêu thơ Quang Dũng như một giấc mơ, một cuộc viễn du mà mình đã nhỡ đò.

 Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,
 Lên núi Sài Sơn ngóng lúa vàng?
 Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
 Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.


Bao nhiêu thanh niên miền Nam đã yêu đất nước qua điệu thơ trên, mà có biết Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc là đâu. Bao nhiêu người thừa gạo trắng nước trong mà vẫn:

 Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói
 Mai Châu mùa em thơm nếp xôi


Tuy nhiên ta không thể, và không nên, giải thích nghịch lý Quang Dũng bằng tâm lý thời sự đơn giản như vậy, dù nó có phần đúng; và nhất là vì nó đúng, những lý do cục bộ kia có thể gây hiều lầm, vun quén thêm vào những kỳ thị, ganh ghét, tị hiềm, không xứng đáng với tâm hồn cao đẹp của Quang Dũng. Vì chính tâm hồn cao đẹp ấy mới giải thích được tài hoa của Quang Dũng, và vận mệnh lạ lùng của thơ anh. Không nên đi tìm ở đâu khác.
Thơ Quang Dũng: trước sau, là thơ tình. Tình yêu cuộc sống, yêu người, yêu đồng bào đồng đội, yêu đàn bà đẹp, yêu nghệ thuật và yêu đất nước. Không có tình cảm cao đẹp nào thiếu vắng trong thơ văn anh, và mọi tình cảm đều được thể hiện sâu sắc, tế nhị và tài hoa. Và tâm tình ấy luôn luôn bập bềnh trên những đợt sóng cùa lịch sử; nó dạt dào, hay dặt dìu trên những đợt song xưa thổi lọng vào thời đại. Thơ Quang Dũng là vết thương mới trên một hình hài xưa cũ. Một vết thương vừa đủ đau nhức để nhắc nhở ta yêu thương cơ thể của quê hương:

 Em mới thành Sơn chạy giặc về,
 Tôi từ chinh chiến cũng ra đi


Giản dị vậy thôi. Thơ như vậy ai làm chẳng được, nhưng trong toàn bộ văn học Việt Nam hiện đại, chỉ có một mình Quang Dũng đi vào lòng người và ở lại lòng người bằng những câu giản dị như vậy. Và cái dễ thương ở Quang Dũng chính là anh cũng không ngờ và không mong chờ thành đạt đó. Anh không làm thơ để đời hay đi vào lịch sử văn học, mà để ghi lại một khoảnh khắc trong cuộc sống, rồi bỏ xó, giống như Jacques Prévert. Nhờ một ít người thân, bạn bè góp nhặt, truyền tụng, giữ gìn, phổ biến, mà ngày nay người ta còn có thơ Quang Dũng. Và ta nên cảm ơn những người đó, chị Quang Dũng và các cháu, cùng bạn anh, như là Trần Lê Văn. Yêu bài thơ Tây Tiến, ta cũng cần biết rằng Quang Dũng có một hồi ký Tây Tiến mấy trăm trang, do anh vẽ bìa và minh họa, nhưng theo Trần Lê Văn nay bản thảo không biết để đâu (1). Sự vô tâm làm thiệt thòi cho văn học, đã đành, nhưng ngược lại đã đóng góp thêm vào lòng ưu ái mà cuộc đời đã dành cho anh và cho những dấu chân mà Quang Dũng đã hờ hững để lại bên lề văn học sử.
Quang Dũng dáng cao lớn. Đẹp người, đẹp trai và đẹp lão. Tuổi tác, có thể bệnh liệt phần nào, tạo cho anh vẻ tiên phong đạo cốt: tóc bạc phơ, mắt trẻ con, miệng lúc nào cũng sẵn sàng mỉm cười, cầm tay lắc lắc, mắt ướt, miệng cười. Phật sống, Trần Lê Văn đã tả Quang Dũng bên cửa sổ bệnh viện:

 Anh bình lặng trắng  phau ngồi đó
 Hay một đám mây mùa thu mới lạc vào phòng.


Tả như vậy là đúng. Nhiều Việt kiều tại Pháp quen Quang Dũng, chụp chung hình kỷ niệm với anh, nhưng ít dám trưng ra khoe, vì bên cạnh một ông già Hà Nội chậm tiến trong hình, thì khuôn mặt chàng Việt kiều Parisien trông… quê quá! Quê một cách thảm hại. Người Quang Dũng đẹp như thơ anh vậy.

(Còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

(Tiếp)    Quang Dũng -
                           Một thoáng mơ phai

2

Quang Dũng sinh năm 1921, nhiều tư liệu ghi tận 1918, quê ở Phùng, thôn Phượng Trì, xã và huyện Đan Phượng, xưa kia thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, năm 1898 nhập vào phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông mới lập, năm 1965 thuộc Hà Tây, 1975 thuộc Hà Sơn Bình, từ 1978 nhập vào Hà Nội. Dài dòng vì tư liệu về Quang Dũng lung tung và những địa danh kể trên thường hiện ra trong thơ văn anh:  “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc” , là phủ Quốc Oai. Tên trên khai sinh là Bùi Đình Diễm, có nơi ghi là Diệm, anh cho tôi biết thêm tên cúng cơm là Dậu, vì sinh năm Tân Dậu, 1921; thân mẫu tên Hợi, Trần Thị Hợi, và thân phụ tên Bùi Đình Khuê. Trần Quang Dũng là bí danh lúc đầu, Trần là họ ngoại, sau này anh chỉ giữ bút danh Quang Dũng. Anh học trung học tại trường Thăng Long, Hà Nội, và làm nhiều nghề để sinh sống. Thời trẻ anh đã làm nhiều thơ, nay chỉ còn lại đôi bài như Giang hồ làm năm 1942:

 Lá tím lá xanh đường gội nắng
 Hoa vàng nhạt nhạt nhớ phiêu lưu
 Lối đi khắc khoái lời chim nói
 Ve vãn tương tư mảnh gió chiều.


Lịch sử sang trang. Anh tham gia cách mạng và kháng chiến, chiến đấu trong hàng ngũ trung đoàn Thủ Đô bảo về Hà Nội ngày Toàn quốc kháng chiến, 19-12-1946. Trận địa ngắn ngủi này đã hằng sâu vào tâm khảm nhà thơ; sau trường ca Sử một trung đoàn khởi thảo 1947, Quang Dũng còn khơi mãi ngọn lửa tháng chạp trong lòng mình. Năm 1956, anh còn viết:

 Từ những ngày
 Mười chín tháng mười hai
Đêm đầu kháng chiến
Gốc sấu sân trường
  Ngay bên cột điện
Anh nằm sương trắng mười năm
Người lính giữ đầu tiên
  Hà Nội.


Trong những bút ký viết sau 1970, in lại gần đây trong Nhà đồi, vẫn còn chập chờn ánh lửa của những đêm Hà Nội kháng chiến. Và Quang Dũng không phải là một biệt lệ, là người duy nhất, ba mươi năm sau còn ngất ngây trong một cơn say, còn sống chưa tàn một đêm hỏa mộng.
            Trong con người Quang Dũng lúc đó, bao nhiêu ngọn lửa đã cháy bùng lên cùng một lúc: tuổi trẻ hăng say, lòng yêu nước, tâm hồn nghệ sĩ và tinh thần chiến đấu. Khi Trung đoàn Thủ Đô rút ra khỏi Hà Nội, một đêm “tháng chạp màn sương trùm đất nước”, rồi giải thể, Quang Dũng là phái viên phòng quân vụ Bắc Bộ, theo học một khóa quân sự tại Tông (Sơn Tây), rồi gia nhập đoàn quân Tây Tiến, chiến đấu nơi miền rừng núi biên giới Việt-Lào, trong những điều kiện hết sức gian lao mà ta sẽ xét sau. Trung đoàn Tây Tiến giải thể vào năm 1948, Quang Dũng lúc ấy là Đại đội trưởng, được giải ngũ và làm bài thơ nổi tiếng, để  “hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” . Tại sao một sĩ quan có khả năng như Quang Dũng mà phải giải ngũ giữa chiến cuộc căng thẳng lúc đó, thì chúng tôi chưa rõ, nhưng chắc không phải vì vài ba câu thơ bị phê bình. Quang Dũng về làm công tác văn hóa tại Thanh Hóa cho đến 1954 thì về Hà Nội. Anh có dính vào vụ Nhân văn – Giai phẩm vào năm 1957 vì mấy bài ký Bờ Hồ, Xiếc khỉ, nhưng bản án không nặng lắm. Sau đó anh làm biên tập cho Nhà Xuất bản Văn học cho đến tuổi về hưu, khoảng 1980. Quang Dũng đã xuất bản mấy tập truyện ký Đường lên Châu Thuận (1955), Rừng về xuôi (1964), Nhà đồi (1970), tái bản năm 1983 có bổ sung, tập thơ Rừng biển quê hương (1957) in chung cùng  Trần Lê Văn và Mây đầu ô (1986) với nhiều sai sót. Nhà xuất bản Văn học đang chuẩn bị phát hành một tác phẩm chọn lọc của Quang Dũng.

            Quang Dũng là bậc tài hoa. Ngoài tài viết văn, làm thơ, thời thanh niên anh đã từng đánh đàn, kéo nhị cho một gánh hát, và có sáng tác nhạc như bài hát “Ba Vì mờ sao”, anh rất thích. Anh vẽ đẹp và đã từng sống về nghề họa, đã có triển lãm tranh thuốc nước. Hiện nay tôi giữ của anh một bức tranh bột màu “Trưa mùa gặt”, phía sau có ghi: “Ai mở ra xin giữ hộ tôi tranh này. Xin trân trọng cảm ơn. Quang Dũng”. Nghĩa là anh không biết tác phẩm của mình sẽ về tay ai. Phong cách Quang Dũng là vậy.
            Từ 1983 anh bị bệnh tim mạch, đi không vững,, nói không rõ, dần dần bị liệt; anh sống nhờ vào lòng phục vụ tận tụy của chị và hai cháu Phương Hạ, Phương Thảo tại một căn nhà nhỏ khu Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. Bạn bè nhiều người yêu quý anh, vẫn năng lui tới. Anh mất tại nhà lúc 22 giờ ngày 13 tháng mười 1988.

            Thơ Quang Dũng là một thứ ánh sáng biên giới.
            Biên giới giữa thực và mộng, giữa cái chung và cái riêng, kỷ niệm và ước mơ, giữa cảm hứng và kỹ thuật. Sự giao thoa ấy tạo cho anh một thế giới riêng, vừa lung linh vừa rắn rỏi, thướt tha mà tha thiết.
            Hãy xét cảm giác thực và mộng trong thơ Quang Dũng. Lấy Tây Tiến làm ví dụ đầu tiên.

                                  Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
                                  Quân xanh màu lá dữ oai hùm.


Những hình ảnh tỏa ra một ánh sáng truyền kỳ, huyền hoặc, lạ lùng. Những tráng sĩ da xanh như Đan Hùng Tín, đầu trọc như Võ Tòng, tung hoành giữa chốn rừng sâu, ma thiêng và thú dữ. Nhưng câu thơ dựa trên cảnh thực rất đau lòng: đoàn quân rụng tóc và da xanh vì sốt rét và thiếu ăn, thiếu thuốc men; số người chết vì bệnh tật cao hơn số thương vong trên trận địa. Chiến dịch Tây Tiến là một giai đoạn gian nan vào bậc nhất trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1947-1948 ta nhất định chiếm vùng Tây Bắc vì những lý do chính trị, chiến lược và chiến thuật, như theo thư ngày 1-2-1947 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh gửi bộ đội Tây Tiến:  “Nếu trong cuộc kháng Nhật chúng ta đã thành công với khu giải phóng Việt Bắc, thì trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”. Nhưng thành công bằng cách nào khi ta không có hỏa lực, thiếu tiếp vận và nhất là thiếu dân. Chưa kể chiến lược lúc đó không phải là không có sai lầm.

Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Mùa Xuân ấy, là đầu năm 1948, khi đơn vị Quang Dũng phòng ngự ở biên giới Việt – Lào, thì bốn đội vũ trang tuyên truyền mở đường lên Tây Bắc, và ba tháng sau, đại bộ phận đã bị đánh bật trở về. Những người sống sót đều gầy yếu bệnh tật.(2) là giai đoạn trung đoàn Tây Tiến của Quang Dũng được giải thể và nhường nhiệm vụ cho đoàn vũ trang công tác miền Tây (hè 1948). Và khi Quang Dũng ghi lại:

  Áo bào thay chiếu anh về đất
  Sông Mã gầm lên khúc độc hành


Thì không phải chỉ có khí vị tráng sĩ và anh hùng cá nhân, mà có cả thực tại đau thương. Nhiều chiến sĩ yêu tha thiết bài thơ này, không phải chỉ vì văn chương, mà còn vì những âm vang của chiến trận, của máu và nước mắt. Những đau thương thiêng liêng như vậy, mà mười năm sau (4-6-1958) Tố Hữu còn mang ra phê bình cái “tư tưởng sa đọa”, “văn hóa suy đồi”, “Sơn La gái đẹp, sông Mã cọp gầm”.(3)
Riêng với Quang Dũng, Tây Tiến không phải chuyện cọp gầm gái đẹp mà là những kỷ niệm sâu xa. Năm 1963, anh đi dự một hội nghị nông nghiệp tại Thanh Hóa, có dịp về ngang “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, anh đã ghi lại những tình cảm thật cảm động: “Rừng Mai Châu riêng với tôi thực có nhiều kỷ niệm. Từ lúc gặp cây vàng anh, tôi đã nhớ lại tất cả những kỷ niệm mười lăm năm trước, khi chúng tôi hành quân lên giữ vùng biên giới Việt – Lào, ngăn bọn Pháp đang kéo từ Sầm Nưa về. Hôm nay đi dự hội nghị Cánh kiến đỏ, không ngờ lại được trở lại đúng con đường cũ, qua đúng những bản chúng tôi đã đóng quân, đã từng đi ăn cưới, uống rượu cần, diễn kịch lửa trại, mười lăm năm trước, vào mùa xuân năm đầu cuộc kháng chiến. Xe qua phố Vãng. Tôi nhớ lại lúc đóng quân ta rút bỏ phố Vãng đi về Mường Bi thì phố Vãng bốc cháy, giặc ở dốc Bãi Sang đang ào ạt kéo tới, đơn vị ta dàn ra ở cả dốc Văn đợi địch”.(4)
Trích dẫn dài như vậy, tôi mong người đọc hiểu thêm tâm hồn Quang Dũng và thưởng thức văn xuôi của anh, và hiểu thêm đoạn thơ bị kết án là sa đọa:

  Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
  Kìa em xiêm áo tự bao giờ
  Khèn lên man điệu nàng e ấp
  Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
  Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
  Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
  Có nhớ dáng người trên độc mộc
  Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa


Thơ Quang Dũng gieo thoi giữa mộng và thực là như vậy. Tôi chọn ví dụ Tây Tiến vì nhiều người biết và Quang Dũng yêu bài này nhất. Cũng có thể là Đôi mắt người Sơn Tây:

  Từ độ thu về hoang bóng giặc
  Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
  Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
  Em có bao giờ lệ chứa chan


“Hoang bóng giặc”, “điêu tàn”, “ngấn lệ”, “chứa chan” là những từ ngữ kiểu cách, lãng mạn, cho ta có cảm giác khuôn sáo. Nhưng tình Quang Dũng thì chân thật: “đất đá ong” là một ám ảnh thường xuyên của đời anh. Quê anh miền Sơn Tây có nhiều đá ong dùng xây tường sau này những chiến lũy giúp người du kích chiến đấu:

  Chống Pháp
  ngày đêm những tháng ròng
  Đại bác xe tăng không thắng nổi
  Lũy tre Việt Nam
  và tường Sơn Tây đá ong.


Bài này anh làm 1969, hai mươi năm sau  “nhiều ngấn lệ”, vậy những dòng  “lệ chứa chan” trước đó không phải là tùy hứng. Và sau này nữa, trong bút ký  “vào mùa chim ngồi dưới chân Ba Vì”, anh lại tả tỉ mỉ những bức tường đá ong thấm máu và nước mắt đồng bào, đồng chí: “cảnh ở đất Sơn Tây này chỉ đặc biệt có mấy nét đơn sơ: tường đá ong và những bờ giếng đá ong bên những lùm tre đuôi cáo thưa thoáng, điểm một màu xanh mát bên những con đường trung du đất màu son. Tường đá ong xưa… Những bức tường đá ong cao hơn đầu người, cướp nào cũng phải sợ. Đá ấy là loại đá ong đã kết thành khối, đập khỏe lắm chỉ có thể vỡ đôi. Bây giờ tường cũ không còn nữa rồi. Sau trận thứ tư, nó vào được làng và vây đúng một tuần để trả thù cái đất Vật Lại bằng cách đập đổ hết mọi tường đá ong, cứ cái gì cao trên đầu gối là nó cho mìn nổ, kỳ thành bình địa mới thôi…”.
Trong đôi mắt người Sơn Tây, cảnh thật, tình cũng thật đơn giản, cảm động:

  Mẹ tôi em có gặp đâu không?
  Những xác già nua ngập cánh đồng…
  Tôi cũng có thằng con bé nhỏ,
  Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông…


Mẹ đây, con đây là mẹ và con Quang Dũng, mà anh đã giã từ vào mùa xuân 1947 tại làng Phùng khi đi Tây Tiến. “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, nhưng lòng vẫn lo cho mẹ già con dại. Tình cảm tự nhiên nếu không phải là thiêng liêng, do đó mà rung động người đọc. “Em có gặp đâu không”, “bao nhiêu rồi” là những nghi vấn mông lung, nói lên niềm lo lắng; có khi là vô căn cứ, nhưng vẫn cứ lo, vào một thời điểm khó thông tin tức, như Hữu Loan đã tả:

  Ba người anh từ chiến trường Tây Bắc
  Được tin em gái mất
  Trước tin em lấy chồng


Yên Thao cũng mang tâm trạng như vậy khi nhìn sang làng mình bên kia sông, thuộc vùng địch đóng:

  Làng tôi bên kia trại thù quạnh quẽ
  Trông im lìm như một nấm mồ ma
  Có còn không em hỡi mẹ tôi già
  Những người thân yêu khóc buổi tôi xa.


Ở Quang Dũng, hình ảnh mẹ già con dại là một ám ảnh sâu sắc. Mãi về sau, năm 1973, anh có viết bài ký Hoa lại vàng tháng Chạp về  hậu quả khốc liệt của việc máy bay Mỹ B52 ném bom trên phố Khâm Thiên, giữa lòng Hà Nội. Anh đã chọn hai nạn nhân tiêu biểu, là một em bé bị mất một bàn chân, và một bà cụ trên bảy mươi tuổi, quê ở Bố Hạ, bị mảnh bom xuyên qua bụng. Như vậy, hình ảnh mẹ già, con dại đã bám sâu vào tâm tư Quang Dũng và có chức năng cấu tứ, sáng tạo, như một cấu trúc tạo hình (structure générative): đây là một vấn đề cần được đào sâu. Chỉ xét chức năng xúc cảm, thì hai hình ảnh trên gợi lên được cái phi lý tàn khốc của chiến tranh. Khối lửa không tha chừa ai cả, nhưng một bà già một em bé nạn nhân có cái gì tàn nhẫn, vì họ là hình ảnh cuộc sống mong manh mà con người phải bảo vệ. Sau này ta quen ca ngợi gương anh dũng của Bé Lượm, Bé Hòa, Mẹ Suốt, Bà Má Hậu Giang, mà quên rằng đó là hoàn cảnh bất đắc dĩ, do điều kiện tranh đấu bức bách tạo nên, chứ không phải là một tự hào, vì không một dân tộc bình thường nào mà tự hào đã đẩy những em thơ, mẹ già ra chiến địa.
Giữa cơn cuồng nộ của thời đại, bên cạnh tiếng gầm thét của bao nhiêu ghềnh thác, thơ Quang Dũng vẫn giữ cho chúng ta tiếng thầm thì đìu hiu lau lách, còn đang hỏi lại chúng ta:

  Có nhớ dáng người trên độc mộc
  Trôi dòng thác lũ hoa đong đưa


Giờ đây Quang Dũng là nhánh hoa vàng anh đong đưa trên dòng Mai Châu tịch mịch

(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

Chú: HNhu thích Tây Tiến lắm. Thích nhứt câu: " Sông Mã gầm lên khúc độc hành..." hay: " Áo bào thay chiếu anh về đất..."; nghe bi tráng sao đâu! Một thời đi học, cứ như bị Tây Tiến bỏ bùa. Có lẽ, HNhu làm đại bàng sân chường một thuở cũng bởi tại Tây Tiến! ( :D ) Mạo muội đổ thừa cho nhà thơ Quang Dũng. ( Mong đại xá cho HNHu, nhưng, hình như là dzậy đó. )

Lại cũng yêu Đôi mắt người Sơn Tây .
" Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn. Lên núi Sài Sơn ngắm lúa vàng. Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc.Sáo diều khuya khoắc gợi đêm trăng..." ; nghe cứ nao nao. Quả là: " Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây... " ( Lâu lâu gùi hông đọc lại, HNHu hông biết trích thơ có chính xác hông nữa. )

Và thật là lịm cả người trước " những đồi hoa sim để chiều đi không hết...", để, nỗi nhớ nhung da diết mơ hồ một điều gì đó như xa lắm... "biền biệt" lắm.
" Chiếc bình hoa ngày cưới, giờ thành chiếc bình hương... "
Trời ơi! Chiến tranh! Người đi, biết có mấy người đi, trở lại?!

Những bài thơ một thời. Được lưu giữ trong tim HNhu một đời!
Cảm ơn lắm thay, những nhà thơ ngày ấy.
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

           Quang Dũng
                                Một thoáng mơ phai

(tiếp theo 2)

                QUANG DŨNG MŨI SÚNG BÊN NHÀNH CÚC DẠI

3.
       Những nhánh vàng anh đã đưa ta ngược dòng về đến Mai Châu; sẽ có những cánh hoa đào nào đưa ta vào tận Suối Mơ, nguồn sáng tạo của Quang Dũng?

  Đường ấy dừa trăng như cổ tích
  Đường vào những chuyện thưở ngày xanh
  (..) Giếng làng còn ướt trăng trên đá
  Chim ngủ xôn xao động lá cành.


Thực và mộng, nơi đây, cách nhau chỉ một sợi tơ trăng, giữa chuyện cổ tích và giọt nước long lanh trên thành giếng đá. Quang Dũng có tài thắp lên những ước mơ diệu kỳ trong tâm hồn người đọc, vì chính anh sống như mơ

  Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa
  Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ
  Thoáng hiện em về trong đáy cốc
  Nói cười như chuyện một đêm mơ.


Dòng thơ êm xuôi về một chữ mơ cuối nhánh. Ký ức quyện vào lòng sông, như đôi mắt sầu cô quạnh ứa những  dòng lệ thơ ngây. Khói thuốc nâng cánh mộng, và đáy cốc là niềm đón đợi, để hứng lấy một hạnh phúc đang rạn vỡ thành những mảnh vụn nói cười nhọn sắc và nhức nhối. Không gian bầm ứ dưới đáy cốc, một thứ cốc chạm khắc trong ngọc đá Trương Chi. Sông xa lớp lớp. Buổi sớm chớm heo may. Buổi chiều mờ mưa bụi. Rồi đêm. Rồi đêm đêm, “đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ”. Rồi chia ly, cách trở. Xa, xa quá:

  Xa quá rồi em người mỗi ngả
  Bên này đất nước nhớ thương nhau
  Em đi, áo mỏng buông hờn tủi
  Dòng lệ thơ ngây có dạt dào.


Đôi bờ, một giấc mơ đẹp và buồn. Cuộc chia tay giữa người con gái về Tề và người yêu ở lại kháng chiến, đã báo hiệu cho những cuộc chia ly lớn lao hơn nữa của lịch sử, một con đường hai mươi năm, dài bao chia ly.
Người ra đi, mang theo đôi mắt:

  Vầng trán em vương trời quê hương
  Mắt em dìu dịu buồn Tây phương.


Đừng ai hỏi Quang Dũng tại sao cô gái quê hương lại buồn Tây phương! Con sông, đến đó, đổi màu, thế thôi. Hay Tây phương đây là    Xứ Đoài mây trắng lắm  của Quang Dũng, người đã rắc hoa mời cô gái bước vào chung một giấc mơ.

  Đôi mắt người Sơn Tây
  U uẩn chiều lưu lạc
  Buồn viễn xứ khôn khuây
  (…) Em mơ cùng ta nhé
  Bóng ngày mai quê hương
  Đường hoa khô ráo lệ
  (…) Bao giờ ta gặp em lần nữa
  Thưở ấy thanh bình chắc nở hoa


Đôi mắt đẹp, mơ một đường hoa, là giấc mơ trong một giấc mơ. Tuy nhiên những mông ước hướng về tương lai không nhiều lắm trong thơ Quang Dũng; giấc mơ Quang Dũng thường là hồi quang của quá khứ, bài Tây Tiến là một ví dụ. Dĩ nhiên, bài thơ nào mà chẳng là hồi quang, nhưng ở Quang Dũng nó là đặc tính, như một tia sáng xuyên qua màn sương ký ức. Không phải vì tình cờ mà hai bài thơ đắc ý của anh đều bắt đầu trong hơi sương: đoàn quân Tây Tiến dừng chân một đêm sương lấp, trung đoàn thủ đô ra đi trong một đêm sương muối: tháng  chạp màn sương trùm Đất Nước.
Chiến dịch Tây Tiến thăng hoa qua ký ức đã rực lên ánh lửa hùng tráng trong một giấc mơ hoa: Mường Lát hoa về… nước lũ hoa đong đưa… doanh trại bừng lên hội đuốc hoa. Và phải nhìn bằng ảo mộng mới thấy  súng ngửi trời, xiêm áo nàng e ấp, áo bào thay chiếu. Mùa xuân ấy trong bài thơ không phải chỉ là một thời điểm lịch sử đầu năm 1948, mà là mùa xuân của đất nước và tuổi trẻ đầy hoa mộng của một thế hệ hào hùng.

  Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
  Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm


Câu thơ mang tâm trạng một lớp thanh niên đi kháng chiến với  bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa (Chính Hữu), vì vậy dù bị phê bình vẫn được yêu, nhớ và truyền tụng. Và Quang Dũng vẫn e ấp những hình ảnh bay bướm như thế, năm 1956 anh còn ghi lại:

  Tôi hành quân lên đường
  Ngày tháng nhớ chia ly
  Đuôi mắt vời trông  nếp áo


Quang Dũng là một tâm hồn mơ mộng, ngay cả khi cầm súng. Anh thừa biết thơ anh thiếu tác động chiến đấu, không có thép như thời đại đã đòi hỏi, nhưng vẫn làm thơ bằng tâm hồn mình, nghĩa  là bằng nắng lụa trăng tơ, với khói thương sương nhớ. Người ta trách anh đã để cho súng ngửi trời thay vì  “nhắm thẳng đầu thù mà bắn”,  anh biết vậy, mà vẫn mơ màng một lần phục kích:

  Nhớ một con đường biên giới
  Nằm chờ giặc qua
  Mũi súng kề bên nhành cúc dại
  Sương rung  rinh…


Bài thơ làm năm 1954. Cuộc chiến đấu “ba ngàn ngày không nghỉ” để lại trong lòng Quang Dũng một nhành cúc dại: cũng như để lại trong lòng Nguyễn Đình Thi những cành hoa nghệ xôn xao nở tím hồng giữa trận Điện Biên Phủ đất trời mờ sắt thép, chớp giật xé ngày đêm.
Thật sự, khi cầm súng, Quang Dũng và Nguyễn Đình Thi – đánh giặc chưa chắc đã thua ai, nhưng trong thơ, có người đã chê thơ anh thiếu lửa, nhưng chúng ta yêu họ, vì họ còn đủ lương thực để nuôi dưỡng trong tâm tư một vài cành hoa dại.


Giấc mơ Quang Dũng có khi nảy sinh từ thực tại. Nhìn những cô hàng xén ven sông Đáy, anh mơ thấy cả một quê hương ngàn xưa, và đã tạo ra những hình ảnh tuyệt vời:

  Cô hàng xén gánh về
  Tiếng cười khúc khích


hay là:

  Hoa lan vào ngõ tối còn thơm
  Các cô hàng xén về làng


Tiếng cười đầy gánh hoa lan thơm mùi cô hàng xén, thơm cả bóng chiều, là những ẩn dụ tinh tế làm ánh lên màu sắc quê hương:

  Chiều tím cuối mùa xuân
  Sông nước trong xanh
  Những bước chân tròn cát mịn
  Hàng cau chiều phất phơ


Nhìn cảnh Ba Vì quê mình, anh gắn bó với hiện tại qua hơi thở mong manh của vũ trụ:

  Hãy nghe êm ả tiếng mùa xuân
  Thở nhẹ cành non đang nảy lộc


nhưng đồng thời Quang Dũng cùng sống lại huyện sử xa xôi của đất nước:

  Ở đâu phẳng phất khí Phong Châu
Đám cưới Sơn Tinh về bến nào
  Ở đây trong sáng ngày ca dao


Quang Dũng rất yêu rừng và đã viết nhiều bút ký đặc sắc về rừng. Rừng là một tài nguyên của đất nước, rừng lại là nguồn suy cảm bao la, là ký ức, là tương lai cuộc sống.

  Từng cho hơi thở nghìn năm sống
  Từng biếc màu nuôi đất vững bền
  Từng có hôm nay, Rừng vẫn đó
  Tiếng rừng hay tiếng mẹ ru êm?


Rừng là một thực tại cụ thể:

  Đinh, lim, sến, táu tuổi đầy tôi
  Chò chỉ, chò nâu cao sánh núi
  Hôm nay cây chứa đến vai người


Rừng là lịch sử: Rừng Lam Sơn, Rừng Bắc Giang, rừng rộn Tiến quân ca, rừng đi vào Hà Nội: trấn thủ còn mang vị núi đồi.
Rừng hứa hẹn với mai sau:

  Em gái đời sau tìm gỗ quí,
  Buông cưa nguyên tử mắt xa vời:
-“Những cây cổ thụ này
Cha, chú
Đã trồng từ thế kỷ hai mươi”
..........
Em ơi! Công nhân đời mai sau,
Em nghe rừng nổi gió thì thào,
Có tiếng đời nay trong tiếng ấy,
Qua rừng cây trẻ nắng lao xao.


Rừng là một chủ đề mới trong văn học Việt Nam, và chỉ trong khoảng mươi năm, đã tạo được nhiều bài thơ hay – từ Xuân Diệu đến Phạm Tiến Duật, nhưng người mê rừng vào bực nhất là Quang Dũng, vì rừng đáp lại nhiều sở thích của nhà thơ: tình yêu thiên nhiên và đất nước, lòng han thích xê dịch, óc phiêu lưu chuộng cảnh huyền bí bao la. Nhưng anh khó diễn tả được sâu sắc xu hướng ấy qua khuôn khổ của thơ - nhất là thơ theo đường lối, nên anh viết nhiều bút ký về rừng Vũ Lễ, rừng Quỳ Châu; trong ký  Rừng về xuôi, Quang Dũng có ghi mấy câu thơ tả cảnh trồng tre, xoan để gây lại rừng:

  Đêm đêm cựa mình trong đất sỏi
  Mầm cây gốc cỏ đã sinh sôi
  Cá nép treo xoan ngoi bóng mát
  Mương đưa lá rụng nước reo vui.


Muốn thưởng thức đôi mắt tinh vi và óc tưởng tượng phong phú, nét bút tài hoa và hóm hỉnh, lòng yêu người và yêu đời của Quang Dũng, ta cần đọc văn xuôi của anh, ít nhất là đọc tập truyện ký  Nhà đồi ,  Ký ngày đêm và mùa xuân trên Đại Hồ  tả cảnh hồ Thác Bà ở Hà Tuyên, một cảnh nhân tạo có đập nước lớn, nhà máy thủy điện. Quang Dũng tưởng tượng những phong cảnh dưới đáy hồ.
Tôi biết chắc chắn ở dưới đáy, nơi bè đậu này, chính là con đường mà xưa kia người ta gánh cam gánh quýt, gánh bưởi đi về một phiên chợ Ngọc. Cái tiếng a a của một phiên chợ đang đông… Nhưng không, chỉ còn hồ và trăng sáng. Trăng trên hồ bao giờ cũng đẹp. Nó lại gợi chúng ta trăng trên sông. Ở đáy hồ, quãng này là con sông Chảy. Khi nước ngập vào, hồ đã biến dòng sông ở quãng này thành con sông cổ tích nằm dưới thủy cung. Con sông có những vườn cam hai bờ, mùa tháng chạp này, vàng đỏ chĩu cành, như những đốm lửa báo hiệu mùa xuân. Người ta đã hái đĩa cam đầu mùa, thắp hương cúng tổ tiên, rồi đem biếu bà con thân thuộc. Con đường vàng nắng và trắng trụ ấy, giờ cũng nằm sâu đáy nước, cùng với những mùa lúa vàng hai bên. Ở đấy đã từng có những mùa gặt…
Từ mặt hồ, nhà thơ đã hái tặng cho đời bao nhiêu hoa trái! Từ hồ, đến con đường, gánh cam, phiên chợ, dòng sông, vườn cam, bàn thờ, mùa lúa vàng… Những đóa hoa mơ lần lượt nở, từng đóa, từng đóa, nở trắng trên cành thực tại.

  Nhớ một xóm rừng
  Hoa mơ nở trắng
  Xuân về,
  Áo người mới nhuộm chàm xanh


(còn tiếp)
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Quang Dũng-
                     Một thoáng mơ phai

Tiếp theo 3 và hết)

4

Yêu rừng là yêu cây; và yêu người trồng cây. Bài thơ Mười hai cô gái trồng cây làm trong phong trào trồng cây gây rừng tại miền Bắc vào khoảng 1970

  Chim chưa dậy, gà chưa gáy canh đầu
  Rá đã thơm mùi cơm mới dỡ
  Ăn trong lửa bếp nực than hồng
  Còn tưởng bữa ăn trong giấc ngủ


Hơi thơ tự nhiên, hình ảnh bình dị: mùi cơm, ánh lửa, buổi sáng chập chờn, đúng là khí hậu Quang  Dũng. Nhưng thực thế thì đoạn thơ tả cảnh các cô gái phải dậy sớm thổi cơm, còn ngái ngủ và vừa ăn vừa… ngủ gật:  “bữa ăn trong giấc ngủ”  nghĩa là thế, mà hình ảnh vẫn tỏa được chất mơ cho câu thơ. Và cũng những cô gái ấy  “chân đi tất xanh, ủng lâm nghiệp”  đẹp như cô Tấm làm rớt chiếc hài trong chuyện Tấm Cám, tương phản với đôi ủng lao động thô sơ của cơ quan lâm nghiệp một nước nghèo.
Vẫn cái nhìn mơ mộng ấy đã lý tưởng hóa cảnh lao động của công nhân cầu đường mở lối trên đèo Pha Đin:

  Đẹp như sơn thủy tranh đời Tống
  Ầm tiếng xe lu vách đã vọng
  Mờ ảo công trường hiện dưới lau,
  Đôi hạt cầu đường lán lưu động,
  Còn bay than bếp dưới hoa đào.


Khi tả một cánh đồng muối, Quang Dũng đã ghi lại hình ảnh một giếng hoa nở bát ngát bên cạnh những bàn tay lao động cướp nắng làm ra hột muối trắng. Thậm chí chuyện những công nhân lâm nghiệp ăn no rồi ngủ trưa cũng thi vị:

  Độ nghỉ dừng trưa vo gạo suối,
  Ba lạng cơm vàng thịt nướng khô.
  Trưa rồi lau lách chim ru mộng
  Báo rọc lưng vời trong tiếng thơ.


Cần hiểu rằng người ta dùng tờ báo che mặt để… ngủ trưa.


Phân biệt thực và mơ, như chúng ta vừa làm, chỉ là một thủ thuật tùy tiện: áp dụng thành quy mô, nó có tác dụng giản lược nguy hiểm, vì trong thơ, biên giới giữa thực tế và mộng ảo, không dễ gì phân định cho minh bạch. Người mình có chữ thơ mộng rất hay, vì kết hợp hai khái niệm thành một thực tại duy nhất khác với chữ thi vị trong từ trường Hán – Việt. Một phong cảnh có thể đẹp rực rỡ, hùng tráng, ảm đạm hay thơ mộng: một chuyện tình thơ mộng có vẻ đẹp nào đó. Bachelard đã đi sâu vào đề tài này trong nhiều tác phẩm, nhất là cuốn Poétique De La Rêverie làm nổi bật năng lực tạo hình của trí tưởng, và từ đó đi vào bản chất của thơ. Học được nguyên lý đó, chúng ta đỡ mất thì giờ trong công việc phù phiếm của các nhà phê bình hiện thực, chủ trương giải thích văn chương bằng thực tại, xã hội, lịch sử, tâm lý. Họ sẽ chứng minh rằng nhà thơ, nhà nghệ sĩ cũng chỉ là những người thường, sản phẩm của xã hội, trong khi đó phê bình văn học phải lãnh một trách nghiệm khó khăn và lý thú hơn, là giải thích làm sao một con người thường, lại trở thành nhà thơ, nhà nghệ sĩ.
Nghich lý Quang Dũng có thể làm khởi điểm cho một suy nghĩ như vậy. Mơ mộng không phải là chán đời, dù chán chê hay chán ghét. Tản Đà là người làm nhiều thơ chán đời nhất và là người ham sống, sống say sưa nhất. Thơ Quang Dũng thường buồn, có chất gì bâng khuâng, ảm đạm, nhưng anh là người vui tính, yêu đời, yêu cuộc sống, yêu tuổi trẻ. Năm 1983, khi đã có triệu chứng bệnh tim mạch, anh vẫn thích đi chơi, vào tận Lâm Đồng lấy cớ là đi thăm con gái. Xuyên suốt xứ thơ Quang Dũng là những con đường, những  Đường Trăng  và  Đường Chiều Thứ Bảy , Đường 12  mênh mang dấu vết đạn bom, đến  Đường Mai Hà Nội gió xênh xang  với đường xa xa… mơ mơ núi và mây khi rời khỏi  Quán Bên Đường . Con đường là vết chân của loài người còn lưu lại trong ký ức của thiên nhiên – và của nhà thơ:

  Dọc những đường thu nhiều kỷ niệm:
  Đường lên phương Bắc nhớ nhung ai,
  Đường về Nam Bộ bao trông ngóng,
  Hiền hậu non xanh với biển dài.
  Dọc những đường thu muôn nẻo ấy,
  Rất nhiều nghệ sĩ nhớ xa xôi,
  Đường qua gian khổ bao ngày tháng
  Từng nghe thu lại ấm hương đời

     (1962)

Đi, vì ham vui và tham sống. Trên những đường, những lối, những nẻo, những đèo, những dốc  nghìn thước lên cao đến đỉnh ước mơ, hay  nghìn thước xuống  đáy tâm tư, Quang Dũng đã bao lần chia tay một Tản Đà đồng hương và đồng bệnh, một Nguyễn Tuân đồng hội, đồng thuyền?
Tập thơ  Mây đầu ô  trả những cụm hoa về những chân trời. Tập thơ mở ra bằng con đường, qua Kỳ Sơn đầy hoa trẩu rụng, và khép lại bằng con đường qua Hồng Phú, Châu Giang. Nơi đây, Quang Dũng đã chia tay chúng ta. Với lời dặn dò: nhớ một chặng đường


14.1.1989
(Nói chuyện nhân buổi tưởng niệm Quang Dũng tại Paris ngày 4.12.1988)
ĐẶNG TIẾN
-----------------------------------------------------------------------
(1)Trận đánh ba mươi năm - Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1983,tr.285
(2)Như trên, tr.289
(3) Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn – Nxb Văn học, Hà Nội, 1973, tr.157.
(4) Quang Dũng,  Nhà đồi – Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.300
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 3 trang (25 bài viết)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối