.
“Đạo người' trong thơ Lê Thánh Tông
(Tiếp theo)
Đối với “lễ”, “nhân” là chất, là nội dung được biểu hiện ra hình thức là lễ nghĩa, lễ nghi trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của xã hội. Cũng như những người theo đuổi mục tiêu “đức trị”, Lê Thánh Tông rất coi trọng lễ nghĩa. Nhiều khi chỉ xét đến lễ nghĩa cũng đủ để kết luận phẩm chất, đức hạnh của một người là tốt hay xấu. Thậm chí, ông còn coi “lễ” là tiêu chí cao nhất để phân biệt giữa con người có tính người với loài cầm thú: “Trẫm nghĩ, người ta sở dĩ khác giống cầm thú là vì có lễ làm khuôn phép giữ gìn. Nếu không có lễ thì tình dục bừa bãi, phóng đãng xằng bậy, không gì không làm” (Sắc dụ 18/7/1469 niên hiệu Quang Thuận thứ 10)[[12]]. Đương nhiên, “lễ” ở đây là những quy phạm, những chuẩn mực đạo đức nhằm điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội. Song nếu đề cao một cách cực đoan “lễ” thì chỉ là hình thức sáo rỗng mà thôi, biểu hiện ra ngoài là sự rườm rà lễ nghi, nghi thức gây nên nhiều phiền toái, tiêu cực trong xã hội. Nhận thức được điều đó, Lê Thánh Tông quan niệm đạo đức gắn với đời sống vật chất: “Lễ nghĩa để sửa tốt lòng dân, nông tang để có đủ cơm áo. Hai điều đó là việc cần kíp của chính sự, là chức trách của các quan nuôi giữ dân”[12]. “Phục Lễ vi Nhân” trên thực tế đã được Lê Thánh Tông vận dụng uyển chuyển trong cả tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị, coi đó như là phương tiện chủ yếu để giáo hoá con người.
Tiếp thu tư tưởng Nguyễn Trãi về “Nhân - Trí - Dũng”, Lê Thánh Tông với cương vị một bậc quân vương, rất nhấn mạnh trí và dũng, coi đó là một cặp song hành không thể thiếu trong một con người biết hành đạo. Muốn đạt được đức Nhân, con người cần phải có trí dũng. Bởi vì chỉ có như thế, con người mới có khả năng và bản lĩnh xét đoán sự việc, phân biệt phải trái, hiểu thấu đạo lý; từ đó mà hành động hợp với “thiên lý”. Nếu “nhân” là cây tùng, cây bách thì “trí” và “dũng” là huyết mạch, cành lá của cây, giúp cây hút dưỡng chất, thở khí trời mà sum suê, xanh tốt. “Trí” bao hàm “tri”, song “trí” không chỉ là sự học rộng hiểu sâu mà còn là năng lực vận dụng sáng tạo những điều hiểu biết đó vào trong cuộc sống của con người. Lê Thánh Tông rất trọng việc học, từng ra
Chiếu khuyến học khuyên dụ học trò, sĩ tử, nho sinh trong cả nước ngày đêm chăm lo đạo học của mình.
"Từng nghe:
Người quân tử được tiếng là “thành đức”, quý ở chỗ có đủ cả “thể” lẫn “dụng”;
Bậc Nho giả cầu cái học vì mình, quan trọng ở chỗ có thuỷ có chung.
Nếu sớm tối không cần cù;
Tất công phu sẽ gián đoạn".
Đó rõ ràng không thể là cái học hời hợt mà phải là sự đào sâu suy nghĩ, rèn luyện chuyên cần, “sôi kinh nấu sử”, tìm hiểu cái mới... - thì mới thực là trí.
"Ngồi ngay ngắn, đứng trang nghiêm, học rồi thường xuyên luyện tập;
Tâm ngay chính, ý chân thành, đức mong ngày càng thêm mới.
Đào sâu kỹ những điều đã biết;
Hăng say tìm những lẽ chưa thông".
Ông cũng chỉ ra nội dung thiết thực, có ích cho nhân sinh xã hội, phê phán sự học chỉ chuộng phù phiếm hình thức, tầm chương trích cú, đẽo gọt câu văn. "Thực học" phải là "Lập tâm ngay chính, giữ nếp nhà êm đẹp, theo đạo ấy một cách nhất quán/ Khác hẳn hạng chỉ biết đẽo gọt, tranh nhau sự kỳ lạ/ Vì người hay vì mình là điều phải phân biệt trước tiên/ Mong trở thành bậc thánh, bậc hiền cốt là ở sự hiểu biết thấu đáo". Thực học ấy mới giúp cho kẻ sĩ
một phong cách đầy đặn trở nên bậc
chân Nho, có như thế mới
giữ cho triều đại nên sự nghiệp lớn.Đó là “học để biết” không tách rời với “học để làm”. Đối với giới nho sĩ, tầng lớp trí thức thời phong kiến, hoài bão giúp dân, giúp nước, giúp đời bằng chính sở học của mình luôn đeo đẳng trong tâm trí họ. Không phải ngẫu nhiên mà quan niệm “học để ra làm quan” trở thành tiêu chí cho mọi thế hệ nho sinh. Bản thân Lê Thánh Tông cũng là một người miệt mài học tập đến độ
trống dời canh còn đọc sách, cho nên ông có kiến thức quảng bác để nung nấu ý chí
tìm tòi kế sách xây đời thịnh. Một mặt, Lê Thánh Tông coi trọng tri thức sách vở (sách
Thánh hiền ), xem đó là cốt lõi của sự hiểu biết (tri); mặt khác, ông cũng không coi khinh tri thức thực tiễn. Nếu chỉ trông vào một lý lẽ mà bàn suông thì dễ đi đến sai lầm trong nhận thức, giống như chỉ nhìn thấy một cánh chim thôi mà dám ngang nhiên đàm đạo bừa bãi từ xa về cả bầu trời. (
Thục tương nhất điểu vọng đàm thiên, Giang hành ngẫu thành - kỳ thập nhị ).
“Dũng” là bản lĩnh của con người trong hoạt động thực tiễn. Nó bao gồm sự tỏ rõ chính kiến, sự tự chủ bản thân, sự uy vũ khi cần thiết và sự khắc phục khó khăn không nao núng. Lê Thánh Tông từng nhiều lần thân chinh cầm quân ra trận, đánh dẹp các tộc Chiêm, Ai Lao, Bồn Man. Cái dũng đó được ghi lại trong CTKH như:
Quân vương thiên lý viễn tồ chinh, Quân vương vạn lý nhất nhung y, Quân vương giá ngự tư quần sách, v.v... Kết hợp hài hoà tuỳ theo hoàn cảnh giữa việc dùng văn hay dùng võ cũng là cái dũng của kẻ trí, nhất là trong việc trị nước. Khi đất nước đã thái bình thì “chính là lúc sửa sang việc văn, tạm dẹp việc võ” (
Ngự chế Thiên nam động chủ đề, Châu cơ thắng thưởng thi tập bài thứ 6 [CCTT-6]). Nhưng ông cũng cảnh báo rằng “người xưa sai lầm vì lúc an cư yên ổn lại lơ là việc binh” (CTKH-14). Dù là người chủ trương “đức trị”, Lê Thánh Tông trọng văn nhưng không khinh võ. Ông từng viết: “Cầu bậc tài giỏi rộng khắp, phô văn đức/ Hỏi han việc binh nhung, coi trọng tướng quyền” (
Ngự chế Quân đạo thi, QUCC-2). Bên cạnh đó, “dũng” còn là sự thẳng thắn chỉ ra sai lầm và nhận sai lầm nếu mình mắc phải. Lê Thánh Tông thường dụ các triều thần rằng: “Ta có lỗi lầm gì, hãy thẳng thắn chỉ ra, chớ quen thói giấu giếm”[[13]]; thể hiện ý thức tự chủ, một tinh thần cầu thị.
Mối quan hệ giữa trí và dũng là mối quan hệ tương hỗ tạo nên một con người vừa có tài vừa biết sử dụng tài năng của mình vào việc hữu ích. Có trí mà không có dũng thì khó làm được việc mà trí bị bỏ phí, còn có dũng mà không có trí thì làm việc dễ thất bại (hữu dũng vô mưu). Người nào hội tụ đủ ba đức cần thiết: Nhân, trí, dũng - ấy là người có sức mạnh làm nên nghiệp lớn. Do đó, không phải vô cớ mà Nguyễn Trãi - ngôi sao sáng nhất của thế kỷ XV- đã tập trung xây dựng hệ thống giá trị “nhân - trí - dũng” trên cơ sở kế thừa quan niệm “ngũ thường” của Nho giáo làm thước đo cơ bản để đánh giá con người. Đến Lê Thánh Tông, “nhân - trí - dũng” một lần nữa được khẳng định là một hệ thống có thể tồn tại độc lập tương đối với “ngũ thường”: “Đạo trời mạnh chí cương, đạo đất thuận vô lường, làm vua đủ trí dũng, cho nước được phồn xương”[[14]].
----------------------
Chú thích:
[1] “Theo thể lệ quy định năm 1477 thì chỉ bà con của nhà vua và quan lại từ tứ phẩm trở lên mới được cấp lộc điền”. Xem Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên),
Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.265.
[2] Theo Vũ Minh Giang, Mấy suy nghĩ về chính sách ruộng đất thời Lê Thánh Tông. Trong
Lê Thánh Tông (1442-1497) - con người và sự nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 1997, tr.206.
[3] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy (biên soạn),
Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.393.
[4] Nguyễn Khánh Toàn (chủ biên), sđd, tr.269.
[5] Xem Mai Xuân Hải, Khoa cử thời Lê Thánh Tông. Trong
Hoàng đế Lê Thánh Tông - nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr.313-338.
[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy (biên soạn),
Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tr.240, 319, 358.
[7] Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 6, 1997, tr.25.
[8] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy (biên soạn), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.174, 318.
[9] Những tác phẩm của Lê Thánh Tông trích trong bài này chúng tôi lấy theo:
- Mai Xuân Hải,
Lê Thánh Tông - thơ văn và cuộc đời, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 1998.
- Mai Xuân Hải (chủ biên),
Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
[10] Hoàng Thị Kim Quế, Một số vấn đề về sự điều chỉnh pháp luật nhà Lê trong
Quốc triều hình luật. Trong
Hoàng đế Lê Thánh Tông- nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.122.
[11] Xem Vũ Huy Phúc (khảo cứu), Nguyễn Ngọc Nhuận, Nguyễn Tá Nhí (dịch),
Quốc triều hình luật (luật hình triều Lê), Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1991, tr.33-35, 40-41, 41-42.
[12] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.438, 497.
[13] Lê Văn Hưu (1985), sđd, tr.405.
[14] Lê Văn Hưu (1993), sđd, tr.440.
Còn tiếp...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..