.
“Đạo người” trong thơ Lê Thánh Tông
(phần 3) 2.3. “Đạo người” của Lê Thánh Tông không chỉ là những phẩm chất làm người theo khía cạnh đạo đức luân lý mà còn bao quát hơn, là toàn bộ đời sống nội tâm phong phú của con người, của người dân Đại Việt. Ở đó, sáng ngời và hiện diện trong mọi lĩnh vực tình cảm, là lòng thương yêu - hạt nhân của đời sống tâm lý - của mỗi cá nhân. Lòng thương yêu biểu hiện rất đa dạng với nhiều trạng thái, nhiều cấp độ đan xen phức tạp; tựu trung có thể phân chia thành ba nội dung theo mối quan hệ giữa chủ thể tâm lý và đối tượng như sau:
a.
Tình yêu thương con người trong xã hội là nét cơ bản nhất của đời sống nội tâm.
b.
Tình yêu thiên nhiên vạn vật là đặc điểm thể hiện sự hoà hợp với tự nhiên của con người.
c.
Tình yêu quê hương đất nước là mức độ cao nhất của tình cảm cá nhân.
Không đưa ra một định nghĩa cụ thể về “đời sống nội tâm” song Lê Thánh Tông, qua nội dung thơ văn giàu cảm xúc của mình, đã phần nào phản ánh đậm nét những mặt, những chiều hướng và tầng sâu tâm lý tình cảm của con người. “Đạo người” phải chăng bao hàm cả tình người, tình cảm con người với thiên nhiên, vạn vật?”[21].
Lê Thánh Tông là một ông vua đặc biệt yêu mến người hiền tài. Ông từng làm thơ vịnh các nhân vật xuất chúng trong lịch sử Việt Nam và Trung Hoa: Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Trưng Vương, Triệu Ẩu, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi...; Dĩnh Khảo Thúc, Án Anh, Khuất Nguyên, Lão Tử, Giới Tử Thôi, Mạnh Tử, Trang Tử... Lấy tấm gương sáng của người xưa để răn đời nay là việc thường tình trong tâm thức con người. Lê Thánh Tông rất trọng người tài giỏi đương thời. Ông từng khóc than, làm thơ viếng hai trạng nguyên Nguyễn Trực và Lương Thế Vinh.
"Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa".
(
Điếu Cao Hương Lương trạng nguyên)
"Từ đường ở đấy niềm tây lạnh
Dấu cũ càng thơm xạ có hương".
(
Điếu Nghĩa Bang trạng nguyên)
Đối với nỗi oan khuất của dân chúng, Lê Thánh Tông cũng không dửng dưng. Khi tuần du qua miếu “vợ chàng Trương”, ông từng xúc động trước câu chuyện về nàng Vũ Thị Thiết, người con gái Nam Xương, vì chồng nghi ngờ lòng chung thuỷ, trinh tiết mà gieo mình xuống sông tự vẫn; và làm hai bài thơ viếng với những câu thơ đau đáu lòng người:
"Hay lòng phó mặc vầng cao thẳm
Lẻ bóng tìm nơi chốn vẳng thanh
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy
Thương nàng hoà lại trách Trương Sinh".
(
Hoàng Giang điếu Vũ nương)
"Bóng đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ
Cung nước chi cho lụy tới nàng
Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng".
(
Lại bài viếng Vũ thị)
Tuy là một ông vua ở ngôi cao vòi vọi, Lê Thánh Tông vẫn có sự liên hệ với người dân qua những chuyến vi hành. Giai thoại còn ghi nhiều câu chuyện về ông như việc viết câu đối tặng bà hàng nước, tặng bà hàng nhuộm... Ngay việc một vị vua đi cày đầu năm đã là chuyện hiếm có. Ông cảm nhận khung cảnh lao động của người dân với con mắt ưu ái; thơ ông có những hình ảnh so sánh làm bật lên số phận khác nhau giữa các tầng lớp người trong xã hội, thể hiện tấm lòng thực sự cảm động trước dân nghèo.
"Rừng kia bố cốc còn khuya giống
Làng nọ nông phu đã thức nằm
Bóng ác rạng đông trời đã sáng
Tiếng gà sôi nổi, tiếng hàn châm".
(
Ngũ canh)
"Người nằm trướng gấm mồ hôi lạt
Kẻ hái rau tần nước bọt se".
(
Hạ thì)
Nhờ gần dân, ông thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân, bãi bỏ những luật lệ hà khắc, điều chỉnh hoạt động trị nước của mình. Đây là nguyên nhân quan trọng để cho tư tưởng cũng như các chính sách của Lê Thánh Tông đạt được sự hợp lý và dân chủ nhất định. Tình người là điều đáng trân trọng. Hiểu được lẽ đó, Lê Thánh Tông tuy thân làm vua cầm quân ra trận nhưng cũng rất cảm thông với tâm tư của tướng sĩ khi phải xa nhà, ly biệt với người thân. Nỗi nhớ nhà day dứt đeo đẳng họ cũng như hoà nhập với tâm trạng của Lê Thánh Tông tạo nên những hình ảnh thơ xúc động: nắm tay trong gió bấc lạnh lẽo, bóng trăng cô đơn chiếu rọi đỉnh đầu, cánh hoa mai rụng và nỗi buồn xa xứ.
"Biết nắm tay ai cùng đi trong gió bấc lạnh lùng
Đêm sáng như ban ngày, trời cao bóng trăng đơn chiếc
Hoa mai rụng suốt năm canh làm tăng thêm mối hận phải đi xa.
Sầu tới, chỉ một ngày mà như ba thu đằng đẵng.
Hồn có thể len vào giấc mộng, nhưng có còn lưu lại trong tâm trí lúc tỉnh không?
Rượu cũng làm quên hình hài, song tiếc là chưa có bữa say nào?
Muốn hay tin tức của người thân.
Chỉ e không có chim nhạn mang thư tới Thần Châu (kinh đô).
(
Tư gia tướng sĩ)
(Minh lương cẩm tú thi tập bài thứ 14 [MLCT-14])
Trạng thái tình cảm trong bài thơ rất thực, thấm đẫm tình người. Dù cho có ý ca tụng vua chăng nữa, lời bình của Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận, hai Đại học sĩ trong triều, không phải không có tính khách quan: “Thánh thượng ở ngôi cao chót vót, thể tất được nỗi vất vả của kẻ làm tôi đi viễn chinh, miêu tả tình cảm vợ chồng ly biệt một cách u nhã, tha thiết, mới mẻ tân kỳ, kế thừa sâu sắc được phong cách của thơ “Đông sơn”, “Thái vi”... hơn hẳn những sáng tác trên ải trong động của các đời sau”[22].
Không chỉ có thế, Lê Thánh Tông đau lòng thương xót binh sĩ bỏ mạng nơi sa trường: “Luống thương binh sĩ dầm bùn vất vả/ Ngã chết mà trong túi không tiền sắm cỗ ván” (CTKH-19). Những tình cảm ấy đã chứng tỏ quan niệm “yêu quân như con” và minh chứng sâu sắc cho quan niệm về “Đạo người” của ông.
Tình yêu thiên nhiên vạn vật là tâm hồn rung động của con người trước vẻ đẹp kỳ thú của cảnh vật xung quanh. Vẻ đẹp ấy có thể toát ra từ những vật nhỏ bé như thân cây, ngọn cỏ, tảng đá, bóng chim...; cũng có thể là hình ảnh lớn hơn như núi non, sông bể, hang động, chùa chiền... Những cái được tạo thành tự nhiên, do quy luật của tự nhiên mà người xưa gọi là dưới bàn tay thợ hoá (hoá công), những cái được tạo thành theo quy luật khách quan dưới bàn tay con người, tất cả chỉ được coi là cái Đẹp khi được phản ánh bởi chủ thể thẩm mỹ là con người. Nhìn ra, phát hiện mỹ tố của cảnh và vật có thể không khó nhưng thực sự cảm được vẻ đẹp ấy, và hơn nữa, thổi vào cho nó một “linh hồn” sống động thì không phải ai cũng làm được. Làm được điều đó ở mức độ nào thì đó chính là kết quả của sự chắt lọc, kết tinh tạo nên đời sống nội tâm của con người. Sự rung động đó, vì thế, ở mỗi người mỗi khác. Tập hợp lại, nó tạo thành một mặt của đời sống tinh thần xã hội. Quan niệm “Đạo người” của Lê Thánh Tông không loại trừ khía cạnh này; ngược lại, những đóng góp không nhỏ của nó còn làm phong phú thêm đời sống nội tâm của mỗi cá nhân và đời sống tinh thần của xã hội.
Là một ông vua đã đi nhiều nơi: chinh chiến, tuần du, vi hành hoặc thưởng ngoạn, Lê Thánh Tông đã đặt chân lên nhiều địa danh nổi tiếng trên mọi miền nước Việt. Nơi nào phong cảnh hùng vĩ tráng lệ, là những danh lam thắng cảnh hay gắn với di tích lịch sử, ông đều có nhã hứng làm thơ đề vịnh. Cảnh vật đã trở thành thi liệu giúp ông giãi bày tâm sự và cảm xúc của mình. Từ núi Dục Thuý đến động Long Quang, từ Sài Sơn đến Bạch Đằng, từ chùa Phật Tích đến chùa Trấn Quốc, từ núi Chích Trợ đến núi Thần Phù, rồi các cửa biển dọc theo chiều dài đất nước... được ghi lại trong những vần thơ trong sáng, hào hứng và cũng không kém phần lắng đọng. Tỷ như bài
Đông tuần quá An Lão:"Dặm ngàn xa cách mấy non sông
Gió đẩy thuyền xuôi thuận một dòng
Bóng xế long lanh làn sóng nước
Mây bay êm dịu mối tơ lòng
Úa vàng cây cối mùa sương lạnh
Mờ mịt đồng dâu lớp khói lồng
Núi bể mênh mông nhìn tít tắp
Màu xanh lồng lộng khoảng trời không".
(Bản dịch
Hoàng Việt thi văn tuyển)
Những hình ảnh núi rừng, sông biển, đồng dâu, trời nước, gió mây, sương khói,... như trải ra trước mắt một không gian rộng lớn, cho thấy vẻ thái bình của nước Nam. Những hình ảnh quen thuộc ấy dường như cũng chung cho phong cảnh nước Nam. Cho nên, trạng nguyên Nguyễn Trực không ngần ngại phụng bình: “Miêu tả cảnh toàn thịnh trong sáng, thung dung tuyệt diệu, xưa nay ít có”[23].
Còn tiếp...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..