Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9]

Ảnh đại diện

Tuấn Khỉ

Quyền Lực Bất Minh

Cầm cân, nảy mực không nghiêm
Càng cầm, càng nảy càng thêm lệch đời.
Coi thường tính mạng con người
Ấy là quyền lực đến thời bất minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy


MÀY THÌ THIẾU D. GÌ TIỀN


Tiểu phẩm



Ba mươi năm tôi mới trở lại hòn đảo tự do bên kia Thái Bình Dương. Ngồi trên máy bay, tôi tưởng tượng ra đủ chuyện khi gặp lại cảnh cũ người xưa, lòng rạo rực khôn tả. Hảnh khách cùng chuyến bay đã ngủ gà ngủ gật hết cả. Ngồi hớn hở một mình cũng vô duyên, tôi cố dỗ giấc ngủ để lấy sức cho những ngày vui chơi sắp tới.

Chúng tôi quá cảnh tại Pari rồi nhằm đích bay thẳng.

Đất nước Cu Ba tươi đẹp đã hiện ra trước mắt. Máy bay lượn mấy vòng rồi từ từ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Hô-xê Mác-ti (Lahabana).

Năm nay, kỷ niệm 30 năm ra trường, chúng tôi tổ chức họp lớp. Chẳng biết trên thế giới này có lớp nào họp mặt cầu kỳ như chúng tôi không. Không phải ở Hà Nội hay tỉnh thành nào đó, cũng không phải ở một nước láng giềng mà là ở tận Cu Ba xa xôi bên kia bán cầu. Không nói, ai cũng biết đi họp như vậy là tốn kém thế nào rồi. Cũng may vợ tôi làm giám đốc một công ty sân sau cho mấy ông lớn nên kinh tế cũng không đến nỗi ngặt nghèo lắm. Thị đưa cho tôi mười nghìn đô:

-    Thôi anh cứ đi. Cả đời mới đi chơi một chuyến xa, không sao. Biết đến khi kỷ niệm 40 năm có còn sức mà đi không. Coi như đi du lịch, nhất cử lưỡng tiện. Sang đó chơi mươi, mười lăm ngày cho nó thông thoáng đầu óc.

Lớp tôi hồi ấy có 32 đứa sinh viên thuộc khoa xây dựng dân dụng nhưng đủ các quốc tịch. Việt Nam thì có mình tôi, các nước khác có Bungari, Rumani, Triều Tiên, vài thằng ở châu Phi như Ma rốc, Angola … Tất nhiên là sinh viên Cu Ba đông hơn cả.

Trong số sinh viên Cu Ba lần này về họp mặt có một thằng thân với tôi nhất. Tên Cu Ba của nó dài lắm nên tôi đặt cho nó cái tên Việt Nam để dễ gọi là Kều vì nó cao nhất lớp. Bọn Cu Ba chơi thân với sinh viên Việt Nam vì hai nước đều là tiền đồn của phe XHCN, thay nhau canh giữ hòa bình thế giới. Nấp sau chúng tôi hô hào, cổ vũ, đôn chúng tôi thành lương tâm thời đại rồi tuồn vũ khí sang cho chúng tôi đánh nhau là Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên cùng 7 nước anh em khác ở Đông Âu. Cũng vì vậy mà bọn Cu Ba hòa hợp với chúng tôi rất nhanh. Đến năm thứ 3 thì thằng nào cũng nói được tiếng Việt, lại biết cả văng tục nữa mới kinh. Từ khi có mạng Internet, chúng tôi liên lạc với nhau thường xuyên hơn, lập ra hẳn một trang web của lớp. Qua đó, tôi mới biết thằng Kều sau khi ra trường được mấy năm thì trốn sang Mỹ, định cư luôn ở đó. Sau này, nó thành Cu kiều yêu nước, đi về như đi chợ, được Chính phủ Cu Ba đón tiếp trọng thị (không biết người Cu Ba nhập quốc tịch ở nước ngoài thì gọi là gì, nên tôi tạm gọi theo kiểu của Việt Nam).

Họp lớp lần này có 15 đứa. Trong hoàn cảnh sinh viên ở khắp nơi trên thế giới mà có mặt được từng ấy là thành công lắm rồi. Gặp nhau mừng rỡ vui vẻ như thế nào, điều này khỏi phải kể ra đây cho dài dòng.

Chúng tôi ở chung một khách sạn. Hàng ngày đi chơi, ăn uống cùng nhau. Có một điều tôi rất khó hiểu là mỗi khi ăn uống xong, đứa nào cũng thản nhiên đứng dậy, chả băn khoăn gì về chuyện thanh toán, kể cả thằng Kều công dân Mỹ – nước giàu nứt đố đổ vách cũng lờ tít. Còn trơ lại một mình, tất nhiên là tôi phải nhận lấy cái hãnh diện được bao chúng nó.

Hồi còn sinh viên, chúng nó thương tôi lắm. Biết là Việt Nam vừa nghèo, vừa phải đánh Mỹ cho cả nhân loại nên mỗi lần rủ nhau đi uống nước hay đi ăn cái gì đó, chúng nó không bao giờ để tôi phải góp tiền. Có cái gì chúng nó cũng dấm dúi cho tôi, từ cái bánh bao ăn trộm được của nhà bếp đến khúc mía bẻ ở nông trường trong lúc vắng người. Hay là vì thế mà bây giờ, chúng nó tìm cách trừ nợ? Hôm đầu tiên, tôi nghĩ thôi thì đã từng 5 năm cùng ở ký tuc xá, cùng học với nhau, cho nhau cóp bài thi, bây giờ chẳng lẽ chỉ vì vài ngàn đô mà mất đi tình bạn. Mà từ giờ đến lúc chết, đã chắc gì còn có cơ hội gặp nhau nữa.

Qua năm ngày ăn chơi thì tiền tôi chỉ còn đủ mua vé bay về, góp tiền phòng và mua cho vợ mấy món quà. Kiểu này có khi chúng nó bắt mình bao cả tiền phòng chứ chẳng chơi. Khoản tiền này tôi quyết định không chi nữa, dành để phòng thân. Tôi cố lấy giọng tự nhiên:

-    Hôm nay quốc vương Căm Pu Chia chi nhé. Mỗi thằng năm chục đô đưa đây.

Tất cả 14 cặp mắt trố ra nhìn tôi như nhìn một kẻ keo kiệt, bủn xỉn. Thằng Kều bảo luôn:

-    Mày thì thiếu đ. gì tiền.

Thì ra chúng nó tưởng tôi nhiều tiền lắm. Tôi làm gì có gan khoét ngạch vào ngân hàng phá két. Tôi đành giở cái bài ca muôn thủa ra thanh minh, nào là nước tao 30 năm chiến tranh, nào là xuất phát điểm tiến lên CNXH lạc hậu, nào là nước tao thu nhập quốc dân không bằng một phần trăm nước Mỹ chúng mày. Mày không có tiền thì thằng nào có …

Hình như chẳng đứa nào thèm nghe. Vẫn giọng thằng Cu kiều:

-    Nước mày hạnh phúc thứ nhì thế giới, trên chúng tao những 103 bậc. Tiền chúng mày thiếu đ. gì.

Trời ơi! Tôi hiểu ra vì sao rồi, tay buông cái ly rượu rơi xuống nền vỡ choang. Tôi ngồi phịch xuống ghế để định thần. Không may ngồi trượt, tôi ngã chổng kềnh ra sàn. Mấy mảnh thủy tinh vỡ nhân cơ hội cắm ngay vào mông. Tôi cố nén đau, hốt hoảng túm chặt túi áo ngực, nơi giấu mấy nghìn đô còn sót lại, sợ chúng nó xông vào cướp đến nơi, la lớn:

-    Tiên sư cái thằng NEF nhá. Tổ chức quốc tế đ. gì chúng mày. Chúng mày hại ông rồi.

Vợ tôi nhỏm dậy:

-    Anh làm cái trò gì thế! Bỏ tay ra. Già rồi mà còn dửng mỡ!

Tôi choảng tình, thấy mình đang túm chặt ngực vợ. Tôi xấu hổ vội buông tay, quệt mồ hôi đang vã ra khắp trán:

-    Anh xin lỗi, anh vừa nằm mơ. Sợ quá!

-    Cái gì? Mơ làm sao?

-   Anh mơ bị chúng nó trấn lột. Chúng nó tưởng nhà mình giàu thứ nhì thế giới.



18/6/2012

TƯỜNG THỤY

Mời xem lại tin sau:

“Việt Nam là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới”


Việt Nam được đánh giá là nước hạnh phúc thứ 2 thế giới, do người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao, và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation- NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh, công bố ngày 14/6, Việt Nam chỉ xếp sau Costa Rica trong danh sách 151 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát.

HPI được xây dựng căn cứ 3 tiêu chí mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình khi mới sinh và dấu chân sinh thái.

Chỉ số HPI được công bố lần đầu tiên năm 2006 và lần thứ 2 vào năm 2009. Việt Nam đã liên tục được thăng bậc tại các lần xếp hạng, từ vị trí 12 năm 2006 lên vị trí thứ 5 năm 2009 và vị trí thứ 2 năm 2012, với điểm đạt được lần lượt là 61,2; 66,5 và 60,4 (trên thang điểm 100).

Trong topten của bảng xếp hạng năm nay, trừ Việt Nam, các nước còn lại đều thuộc khu vực Mỹ Latinh và Caribe.

Theo ông Saamah Abdallah, chuyên gia phân tích của NEF, tại Mỹ Latinh vẫn còn cảnh nghèo khổ và bất công về kinh tế, thế nhưng có một yếu tố khác không bao giờ được xuất hiện trong các chỉ số kinh tế: đó là vốn xã hội, giá trị của mối quan hệ con người với con người và của những sáng kiến cộng đồng, điều cho phép các nước này có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng.

Trong một thông cáo, NIF khẳng định kết quả chỉ số HPI năm nay cho thấy con người vẫn chưa được sống trong một hành tinh hạnh phúc. Sở dĩ các nước thu nhập cao có điểm số thấp là do có dấu ấn về sinh thái cao. Còn các quốc gia có thu nhập kém ở châu Phi bị xếp hạng chỉ số HPI thấp bởi mức độ hài lòng cuộc sống và tuổi thọ của người dân không cao.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ở vị trí thứ 14, Thái Lan thứ 20, Philippines thứ 25, Lào thứ 37, Myanmar thứ 61, Malaysia thứ 84, Campuchia thứ 85, Singapore thứ 90. Trong số các nước lớn ở châu Á, Ấn Độ xếp thứ 32, Trung Quốc ở vị trí 60 và Hàn Quốc 63.

Trong nhóm G8, Anh có thứ bậc cao nhất (41), đứng trên Nhật (45), Đức (46), Pháp (50), Italy (51), Canađa (65), Mỹ (105) và Nga (122).

Theo ông Nic Marks, người sáng lập chỉ số trên, HPI đo những gì thực sự quan trọng, đó là cuộc sống thọ và hạnh phúc trong hiện tại và tiềm năng cuộc sống tốt đẹp trong tương lai.

Kết quả xếp hạng căn cứ HPI cho thấy con người vẫn có thể sống thọ và hạnh phúc nhưng ít tác động đến môi trường. Theo một số chuyên gia, đánh giá mức độ hạnh phúc theo HPI tích cực và hiệu quả hơn so với đánh giá căn cứ vào chỉ số GDP bình quân đầu người và HDI (Chỉ số phát triển con người), bởi HPI nhấn mạnh tới yếu tố tuổi thọ, mức độ thỏa mãn với cuộc sống của người dân và khai thác tài nguyên bền vững, tức là một sự hạnh phúc bền vững, thay vì chú trọng tới khía cạnh giàu có về kinh tế.

Đây là lần thứ 2 Costa Rica dẫn đầu bảng xếp hạng. Trong lần xếp hạng đầu tiên, quốc gia Trung Mỹ này đứng thứ 3, sau Vanuatu và Colombia.

10 nước hạnh phúc nhất thế giới theo chỉ số HPI năm 2012:

1. Costa Rica
2. Việt Nam
3. Colombia
4. Belice
5. El Sanvador
6. Jamaica
7. Panama
8. Nicaragua
9. Venezuela
10. Guatemala

Quang Sơn/Buenos Aires (Vietnam+)

Theo: TTXVN
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Không dám dẫn ra tiêu chí gì. Sao không cho là nhất cho nó oai. Xếp thứ hai cho nó ngứa...
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tường Thụy

Thị Nở nhà tôi với ngày của phụ nữ

Tiểu phẩm
   Vào dịp "ngày của chị em" đã lâu rồi, trên đường đi làm về, tôi chọn một bó hoa đẹp nhất sạp, lựa loài hoa, màu hoa cẩn thận để tặng vợ. Lòng hân hoan, tưởng tượng ra cảnh gương mặt vợ rạng rỡ, nhìn chồng tình tứ, tràn ngập hạnh phúc: “Em cảm ơn anh”.
    Nhưng chẳng hiểu sao, về đến nhà, thị trân trân nhìn tôi đang ôm bó hoa như nhìn một sinh vật lạ. Tôi trao hoa cho thị, nhe răng ra:
     -    Anh tặng em …
    Mặt thị tái đi. Thị lùi lại, bước sang phải nửa bước cho thẳng với lối thoát ra cửa rồi rón rén bước lên một bước rất là cẩn thận, sờ lên trán tôi xem có bị làm sao không. Hình như thị còn định dắt lũ trẻ con ù té chạy hay sao ấy. Thực ra, sau này tôi mới nhớ lại như thế chứ lúc ấy, tôi không để ý. Tôi biết là mình không bị điên, điều đó tôi rõ lắm. Bằng chứng là chương trình phát thanh do tôi biên tập hôm ấy được sếp ký duyệt cái roẹt, chỉ thêm mỗi một dấu phảy.
    Có vẻ cháy kịch bản đến nơi nhưng tôi cố vớt vát:
    -    Anh tặng em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Anh chúc em …
    Hình như lúc này, thị mới để ý đến chuyện ngày mai là 20/10. Thị nhìn bó hoa, dửng dưng:
- Bao nhiêu?
Với người khác có lẽ tôi phải hỏi lại xem bao nhiêu cái gì? Bao nhiêu bông hoa hay mất bao nhiêu thời gian để chọn nó. Nhưng với thị, tôi biết chắc là thị hỏi đến giá tiền. Tôi đã định khai rút đi nhưng chợt nghĩ, mình vẫn dạy con không được nói dối nên đành khai thật với thái độ của đứa trẻ mắc lỗi:
    -    Năm chục.
    Thị buông một câu:
    -     Phí tiền.
    Thị xót. Khổ thân thị chưa. Năm chục nghìn hồi ấy vào tay thị thì đã đong được hơn một yến gạo hoặc mua được một cân rưỡi thịt.
    Thằng Nhỡ muốn giải thoát bố khỏi tình cảnh ấy; nó đỡ lấy bó hoa cắm vào lọ, bảo:
- Mẹ xem này, hoa đẹp chưa. Bố con khéo chọn nhỉ.
Thế rồi nó hồn nhiên thả ra một câu:
- Bó hoa này cũng phải tới ba chục chứ không ít.
Câu nói của thằng Nhỡ vô tình khoét đúng vào nỗi đau của thị. Thị nói như sắp khóc:
-    Ba chục là giá chợ. Còn giá đối với bố mày nó khác. Nhìn bố mày thế kia, đứa nào chẳng muốn lừa.
    Có lẽ thị biết là mình lỡ lời. Đằng nào thì cũng mua rồi. Vả lại, ngoài việc tiếc tiền ra thì thị vẫn cảm nhận được tình yêu của chồng qua việc mua hoa tặng thị. Thị ngồi xuống ngắm:
     -    Ừ, hoa đẹp đấy. Nhưng cái Nhớn về, cứ bảo là bố mua cho hai mẹ con nhé.
    Thị nhắc rất khéo về sai sót của tôi. Nhưng thị không muốn để tâm lý băn khoăn về việc ấy kéo dài. Thị xuê xoa, hóm hỉnh:
     -     Em cứ tưởng anh tặng con bé nào, nó không nhận rồi mới mang về tặng vợ chứ.
    Còn một lần nữa tôi tặng hoa cho vợ. Đó là dịp kỷ niệm ngày cưới. Không thấy kêu phí tiền nữa nhưng thị nói trong thổn thức:
- Thôi, từ nay anh đừng tặng gì cho em nữa. Anh đã tặng cả cuộc đời anh và tất cả những gì anh có được cho em rồi còn gì. Tình cảm của anh, em cảm nhận được hàng ngày mà.
    Lần này thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Trời ơi! Tôi cứ ngỡ thị đọc câu nào đó trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Đấy là câu nói văn hoa duy nhất của thị kể từ ngày chúng tôi lấy nhau đến giờ.
    Ngoài hai lần tặng hoa ấy ra, tôi chẳng tặng cho vợ cái gì cả, trừ mấy món quà nho nhỏ nhưng là khi còn đang chim chuột thị. Bảo là tôi không ga lăng, không quan tâm đến vợ thì oan cho tôi quá. Điều cốt lõi của chuyện này là tôi không bao giờ giữ tiền riêng, còn thị thì không muốn phí tiền vào những thứ mà thị cho là phù phiếm khi vợ chồng còn chật vật. Tiền lương hay khoản thu nhập thêm nào đó, tôi đều đưa hết cho vợ. Thấy tôi cần gì, thị mua về, kể cả thuốc lá và những lon bia. Tôi đi đâu thì thị đưa tiền cho, không loại trừ đi dự sinh nhật, tặng quà cho bạn nữ. Thị cũng không cần hỏi tiêu gì, còn bao nhiêu. Còn tôi cứ lôi ra cả nắm tiền lẻ còn lại đưa hết cho thị. Cái đó đã thành thói quen.
    Chuyện đóng học, may sắm cho con cũng không vì thế mà ảnh hưởng vì thị chăm cho chúng lắm. Tôi vừa đỡ phải giữ tiền, vừa giải tỏa được nỗi nghi ngờ của vợ.
    Điều quan trọng là thị thấy mình có quyền. Khi giữ tiền, thị cảm thấy đó là tiền của thị, chi tiêu trong nhà hoàn toàn do thị quyết định. Vì vậy, thị phải lo cho cái túi tiền của thị. Chồng đã thế, thị không lo thì ai lo. Nếu tôi không mua bó hoa năm chục nghìn thì có phải số tiền ấy vẫn còn trong túi của thị không. Lấy tiền của thị để mua quà tặng thị là một điều vô nghĩa.
    Chính vì thế mà thị khổ nhưng thị không bao giờ để ý. Có lần lĩnh được hai triệu tiền nhuận bút, tôi không đưa cho thị mà rủ thị đi siêu thị, bắt thị mua sắm cho bằng hết. Thứ thì thị chê xấu, thứ chê đắt. Cuối cùng, thị chọn hai món đồ vặt, hết một trăm nghìn. Vậy là túi tiền của thị tăng thêm được một triệu chín nữa.
    Trong suy nghĩ của thị, cái ăn mới là thiết thực. Nó cung cấp dinh dưỡng cho con người ta. Cái gì thị cũng sợ thiếu. Nhà có việc, y như rằng thừa mứa thức ăn. Bữa sau, thị chỉ mua thức ăn cho chồng và lũ trẻ, còn thức ăn cũ thì thị hâm lại, ăn rất ngon lành. Còn mặc ư? Theo thị, áo quần không thể mang lại chất bổ cho con người, chỉ cần ấm là được. Dù có đẹp hay xấu, nó cũng không làm cho con người thị khác đi. Nhưng với chồng con thì khác. Nhìn chồng con mặc đẹp, thị cũng thấy tự hào vì đấy là bộ mặt của thị. Cái lối nghĩ này của thị ai cũng biết là mâu thuẫn nhưng nếu không như thế thì đã không phải là thị.
    Thị có một cái áo khoác dài ngang đầu gối, kiểu như áo ba-đờ-xuy của ông Tây ngày xưa. Nguyên cái áo ấy trước đây thị mua cho cái Nhớn, sau nó chê lỗi mốt, bỏ đi. Thị không dám vứt. Thị chỉ biết là thị mua cho nó hết nửa chỉ vàng. Ai lại vứt nửa chỉ vàng đi bao giờ. Thị tiếc, trong khi đem cho chưa chắc đã có ai nhận. Mà giá có ai chịu nhận thì thị đã không tiếc. Vì vậy, cái sứ mạng không được lãng phí đặt lên vai thị. Mùa rét, đi đâu thị cũng mặc nên tôi gọi cái áo ấy là áo Trạch Văn Đoành. Thoạt đầu, thị không hiểu nên không nói gì. Đến khi tôi đưa truyện ngắn "Đôi móng giò" có nhân vật Trạch Văn Đoành ra cho thị đọc, bị thị chửi cho một trận. Thị dí ngón tay trỏ vào trán tôi làm tôi suýt ngã ngửa, may có thành ghế đỡ được:
    -     Em không thấy thằng nào đểu như anh.
    Rồi thị cấu, thị véo vào sườn chồng, cười rinh rích, có vẻ như hãnh diện về cái áo của mình lắm.
    Không phải là thị không có áo mới. Hôm tết vừa rồi, cái Nhớn học ở bên Hàn về, mua tặng mẹ cái áo khoác rất đẹp, thị mắng:
     -     Tao không cần, mày để mà mặc. Phí tiền (lại điệp khúc phí tiền).
     Cái Nhớn van nài:
    -     Con mua rẻ ấy mà, tính ra tiền Việt chỉ ngang với … năm mươi nghìn thôi.
     Mãi rồi thị cũng chịu nhận nhưng cất đi. Có lẽ thị đợi đến khi nào cái áo Trạch Văn Đoành nát mới chịu lôi cái áo kia ra dùng. Mà 20 năm nữa chưa chắc đã nát vì nó bền lắm.
     Thị lấy cái sự tự làm khổ mình để tự hào. Lúc nào, thị cũng cậy mình nhà quê. Thị cho như thế là hay ho lắm. Đấy là điều tôi ghét nhất. Có cho thị sang Mỹ sống vài chục năm thì vẫn cứ thế thôi.
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn


Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 9 trang (84 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9]