Phạm Thôn Nhân đã viết:
Tường Thụy đã viết:
Xin chúc mừng anh Phạm Thôn Nhân đã vượt qua cơn hiểm nghèo, di chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc.
Cầu chúc những điều tốt lành nhất đến với anh.
(Em cũng là một cựu chiến binh, cầm súng trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến)
CHÀO TƯỜNG THUỴ - ĐỒNG ĐỘI CỦA THÔN NHÂN.
Cảm ơn TƯỜNG THUỴ đã quan tâm và động viên.TN đã khá hơn rồi.TN mong TT luôn ghé chơi cùng TN nha.
Mình có một truyện ngắn (1500 từ) về sự ko bị nhiễm thói vô cảm đời nay của những người lính từng trải qua mất mát. TN rất muốn gửi cho TT đọc mà ko biết gửi vào đâu! Nếu TT biết, mách cho TN nha.
................................
Thôn Nhân tìm ra chỗ để thực hiện lời hứa rồi Đ/C Tường Thuỵ ơi!
HAI CHÚ CHIM GÁY THỜI HẬU H5N1
Truyện ngắn
Hôm nay lạnh. Bệnh xương khớp lại dán tôi xuống giường. Linh cảm sắp có khách, làm tôi vui hẳn lên. Hai con cu gáy của tôi bỗng xục xạo, càng khẳng định linh cảm của tôi là đúng.Tôi định tung chăn dậy, thì nghe hai chú chim cùng gù:
- Gù...gù...gù...
-Gù... gù... gù...
Tiếng bác Tùng gù theo hai chú chim, thay cho lời chào tôi và hai chú chim của tôi. Dựng xong chiếc xe đạp, bác Tùng vẫn giọng ăn sóng nói gió thời lính:
-Dậy! Dậy! Đau cũng dậy.Cho tôi ấm trà ra đây. Hôm nay ta ngồi ngoài này nhé.Tôi đi từ sớm, chỉ để nghe chú Thổ đồng của bác gáy thôi.
Vụ dịch cúm gia cầm vừa qua, vùng quê bác có ổ dịch, nên thiệt hại nặng. Việc tiêu huỷ mấy con chim gáy, mà bác Tùng coi như bạn tri âm, làm bác thẫn thờ hàng tháng.
Bác Tùng rất sành trà và cũng là một chuyên gia về chim gáy. Nhờ bác, tôi mới hiểu đôi chút về loài chim mà nghe tiếng gáy của nó, mọi cảm xúc bộn bề ập đến với tôi. Đặc biệt làm tôi xao xuyến nhớ quê.
Tôi, Thuần và Tùng là sinh viên khoa hoá cùng xung phong nhập ngũ sau sự kiện vịnh bắc bộ 1964. Suốt thời lính, chúng tôi sát cánh bên nhau trong một đơn vị. Cả đại đội, thường gọi chúng tôi là bộ ba"xe, pháo, mã". Trận đường 9, chúng tôi vĩnh biệt bốn đồng chí thân yêu, trong đó có Thuần. Nỗi đau dai dẳng bám chặt đơn vị tôi hàng năm trời. Và bộ ba của chúng tôi chỉ còn "xe, mã" (Đó là bác Tùng và tôi). Hai chúng tôi chiến đấu bên nhau cho tới ngày xuất ngũ. Thật ngẫu nhiên, sau khi tốt nghiệp, tôi và Tùng về công tác tại nhà máy, cách nhà bác Tùng chục cây số. Nay cả hai đều đã nghỉ hưu. Chúng tôi tự cho mình là người may mắn và hạnh phúc nhất, mặc dù hai chúng tôi chỉ có ba cánh tay cùng nhiều căn bệnh trầm kha. Kể cũng hiếm, từ lúc còn trẻ, nay về già vẫn được cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui.
Bác Tùng nâng chén trà toả khói, đưa đi đưa lại trước mũi tận hưởng hương trà, mắt đăm chiêu nhìn tia nắng cuối thu lọt qua khóm trúc chiếu vào tấm vải phủ lồng chim tạo thành những chấm loang lổ lung linh. Nét mặt bác tư lự... -Này! Thổ đồng sắp gáy. Cổ anh bạn đang cúi nhẹ, lông hơi xù. Nó sắp nói chuyện với chúng ta đấy. Quả nhiên, chú chim hất nhẹ đuôi và cất tiếng:
- Cù- cúc cu...cu... Cù - cúc cu...cu... Cù - cúc cu...cu...
- Con này giọng hay. Ta ngồi gần mà nghe tiếng vang như từ xa, nhưng rất rành rọt. Thế mới tuyệt! Còn đẹp mã nữa chứ. Đầu thon. ức mầu ngói lửa, nở đều. Nhưng tiếng gáy thua con của tôi trước đây một chút. Này nhé - Con của tôi, tiếng "cù" đầu câu nhẹ nhưng vang, còn tiếng thứ hai thứ ba: "Cúc cu..." giọng thổ vang vọng. Đến tiếng thứ tư chuyển giọng thổ đồng thật là âm...
-Mình là bậc cao niên, là cựu chiến binh... Ta quá hiểu: chiến tranh và dịch đâu phải trò đùa! phải hy sinh thôi, chứ thực tình tiêu huỷ mấy con chim tôi buồn lắm...
Tôi lặng im, không muốn quấy rầy dòng suy nghĩ của bác. Bỗng bác hạ giọng như tự nói với mình:
-Bác nhớ năm Mậu Thân, khi đơn vị tập kết ven rừng sát biên giới. Cũng heo may cuối thu, cũng nắng hanh hao. Bỗng nghe tiếng chim gáy vọng từ phía bìa rừng. Tôi liền thao thao những kỷ niệm đẹp về loài chim và tiếng gáy của nó. Cả tiểu đội bỗng trầm đi vì nhớ nhà. CậuTân, cậu Hoà lính mới còn thút thít khóc. Nghĩ lại tôi thấy mình thật vô ý. Nhất là trong hoàn cảnh lính mới sắp vào trận lần đầu.
- Lúc đầu, mọi người đua nhau kể về quê mình. Nhưng chỉ lát sau, cả tiểu đội lặng đi. Còn tôi, lúc đó nhớ quê gia diết. Một vùng quê yên ả, quanh năm sóng lúa rì rào. Tôi nhớ, thường vào lúc gần trưa, từ phía rặng xoan vườn nhà một tiếng cu gáy, gáy sôi lên như đón tôi từ trường học về. Tôi bắt đầu chú ý và yêu thích tiếng chim gáy từ cái buổi ở bìa rừng hôm đó. Dọc nẻo hành quân, mỗi khi nghe tiếng chim gáy, bác lại giảng giải cho tôi thế nào là giọng kim, giọng thổ, giọng thổ đồng... Lại còn phân biệt tướng mạo của chúng...
Bác Tùng nhấp một chút nước, chúm miệng gáy rất sôi. Mắt bác bỗng sáng, lanh lợi như những đốm nắng lung linh đùa rỡn trên những chiếc lá trúc xanh biếc, mắt hướng về phía con giọng kim nghe nó gáy đối đáp:
- Cúc -cù cu...cu... Cúc -cù cu...cu....
Để phá đi không khí trầm mặc, cũng để bác đỡ buồn nhớ những chú chim thân yêu của bác, tôi quyết định tặng bác con Thổ đồng của tôi:
- Bác Tùng, Bác đem con Thổ đồng về nuôi.Tôi nuôi con Kim. Lâu nay chúng ta không làm thơ đấy. Lần sau, nhất định mỗi người phải có một bài rồi đem bình cho vui.
Bác Tùng ngần ngừ một lát, rồi vui vẻ đồng ý. Bác cho lồng chim lên xe đạp, bắt tay tôi, từ biệt ra về.
*
Kể cũng lạ, từ ngày bác Tùng mang con Thổ đồng đi, con Kim của tôi không gáy. Cu cậu ủ rũ buồn ra mặt. Mấy ngày đầu tôi không chú ý, nghĩ cũng là lẽ thường. Nhưng qua một tuần, cu cậu không những không gáy, mà ăn uống cũng kém. Tôi biết nó buồn, nhớ bạn phát ốm. Bác Khương hàng xóm là người kinh doanh chim cảnh bảo tôi:
- Bác cứ hay lo nghĩ, con cu gáy của bác không ốm đau gì sất! Vô tư đi. Còn nó không gáy ư. Vài hôm quen hết. Không đáng quan tâm. Con chim ấy mà!
Mọi khi tôi chỉ "gù" một tiếng, nó đã gù theo. Khi tôi cho nó ăn, nó còn mổ, và day tay tôi, đùa nghịch với tôi giai dẳng. Thậm chí tôi đã bỏ tay nó còn thò đầu đòi tôi chơi tiếp. Mấy hôm nay tôi cho cu cậu món đậu xanh khoái khẩu, nó thờ ơ. Tôi "gù" gọi, đưa ngón tay đùa với nó, nó cũng mổ tay tôi, nhưng tôi nhận ra sự gượng gạo, buồn buồn. Lòng tôi nặng chĩu...
- Chú mày có tâm sự phải không? Tao cũng buồn lắm. Nhớ Thổ Đồng lắm. Chú mày tưởng, chỉ có chú mày...
Tôi đang chuyện với con Kim thì bác Tùng đã dừng xe, ghếch chân lên trụ đặt khóm trúc, cánh tay duy nhất giơ lồng chim có con Thổ đồng, miệng nói tiếp câu mà tôi đang nói giở:
- Chỉ có chú mày buồn thôi ư! Tao cũng đang nẫu ruột ra đây... Bác ạ, con Thổ đồng về với tôi, nó buồn, nhớ bạn, hệt như chú Kim của bác. Mà thôi...
- Này anh bạn, tôi đem bạn anh về với anh đây nhé!
Bác Tùng nhẹ nhàng treo chú Thổ đồng vào chỗ cũ. Lặng lẽ bày chiếc ghế đẩu làm bàn. Bác lấy chiếc bình tông, vẫn còn lớp vỏ bọc nhưng ngả mầu vàng ệch, đặt lên ghế, và giục tôi lấy chén. Tôi lặng lẽ làm theo. Hai chén được rót đầy rượu, chúng tôi cụng chén. Không gian tĩnh mịch. Cả những đốm nắng cuối thu cũng đậu im phắc trên lá trúc và trên mặt sân. Giọng bác Tùng xa xăm:
- Chiến tranh, sự vô tình, ích kỷ, và tính vô cảm của con người... Đó là sự huỷ diệt. Huỷ diệt cả thế giới hữu hình và vô hình! Bác xem kìa, hai chú chim linh lợi hẳn lên khi gặp nhau... Chú Thổ đồng buồn khi xa bạn đã gợi cho tôi ý thơ. Tôi đọc bác nghe nhé. Bài thơ viết gởi cho "Pháo" của chúng ta đấy:
Ai Lao. Gió Lào.
Trời Tây. Viễn xứ.
Mịt mù. Gió hú.
Lao Bảo, Đèo cao.
Buồn nao nao,
Đất khách…
Đìu hưu, lau lách,
Rừng chiều…
chạnh lòng,
Thương nhớ.
Linh thiêng,
Theo gió.
Về đây!
Câu thơ,
Từ mắt, Cay cay.
Ta ngâm ngợi,
Để cùng say,
Gió Lào...
Nghe đến đây, tôi lặng lẽ vào lấy thêm chiếc chén. Bác Tùng rót ba chén đầy. Ba tay ba chén cụng đánh cạch, nhẹ mà vang. Tôi lặng lẽ rót một chén xuống đất. Cứ như vậy, chúng tôi đứng lặng im uống ba chén liền... Mùi rượu từ sân toả lên thơm lựng. Cả hai chúng tôi như quyện vào hương rượu bay lên bồng bềnh ... Hai chú chim cũng cất tiếng gáy đưa chúng tôi về với cánh rừng thủa nào của một thời lính trẻ...
.
Thiên trường địa cửu vô chung tất