CHUYỆN CÁI CÒITôi đọc trong “Bauxite Việt Nam” thấy có câu chuyện vui “Đoàn tàu xã hội chủ nghĩa”. Chuyện kể về một đoàn tàu mới xuất xưởng do các ông Các Mác, Lê Nin, Xtalin thiết kế, chế tạo. Nhưng khi phát lênh khởi hành thì đoàn tàu chỉ rú lên mấy hồi rồi ỳ ra tại chỗ. Ông Mác, ông Lê Nin rồi ông Xtalin lần lượt kiểm tra và cho nổ máy thử lại thì tình trạng vẫn thế trong khi thiết kế chế tạo không hề sai. Đến khi một công nhân kiểm tra thì phát hiện ra lỗi là tại hệ thống cung cấp năng lượng. Đáng lẽ các đường dẫn năng lượng phải cung cấp cho các bánh xe thì người ta lại dồn hết cho cái còi nên chỉ có cái còi kêu to còn bánh xe lại không chuyển động được.
Liên hệ đến Việt Nam ta thấy cũng không thiếu những chuyện tương tự. Nhưng ở đây tôi chỉ suy ngẫm đến chuyện viết lách hoặc viết và lách.
Nói tới việc viết, người ta thường nghĩ ngay đến Hội nhà văn. Mà sao lại gọi là Hội nhà văn nhỉ, vì hội ấy đâu phải chỉ dành cho nhà văn mà còn những nhà thơ, dịch giả và các “nhà” khác nữa.
Theo Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và đối thoại” thì Hội nhà văn hồi ấy có chừng 600 vị nhưng lại tới 80% số hội viên nhà văn không có tác phẩm. Nhà văn mà không có tác phẩm, kể cũng lạ. Có thể số đó không có thời gian viết hoặc không viết được nhưng chắc là rất quan trọng cho Hội. Bây giờ đã là trên 800 vị và có lẽ tỉ lệ không có tác phẩm đã được cải thiện.
Tôi được biết bây giờ, ai muốn vào Hội trước hết phải có hai đầu sách đã in có chất lượng. Tuy vậy, hiện nay có thuận lợi là việc cấp phép xuất bản và in ấn lại khá dễ dàng, chỉ cần anh có đủ tiền và đừng ăn nói “phản động” là được. Tiền in hai đầu sách thì không khó kiếm lắm, nếu là thơ nghe đâu chừng 25, 30 triệu, chỉ bằng chi phí cho việc "chạy" một cái "sổ đỏ". Còn chất lượng ư? Anh bảo không hay, tôi bảo hay, chả chết ai. Điều kiện tiên quyết coi như xong.
Rồi vận động hành lang, miễn là anh có chịu chơi hay không, có theo đuổi mục đích đên cùng hay không. Thế là trở thành hội viên, nghĩa là anh đã có cái còi.
Còi kêu rồi, anh tha hồ được ngưỡng mộ. Đi đâu được giới thiệu là hội viên Hội nhà văn, ai chẳng khiếp.
Tuy vậy, đối với anh em trong nghề hoặc quan tâm đến sự viết lại là chuyện khác. Khi chưa phải là hội viên thì ít người để ý nhưng đã là hội viên rồi, người ta lập tức tìm tác phẩm của anh để đọc. Và không thiếu những trường hợp họ thất vọng. Mỗi lần như vậy, ngôi đền Hội Nhà văn bớt thiêng đi một chút.
Văn học mạng đã góp một phần rất đáng kể trong đời sống văn nghệ hiện nay, làm cho dàn hòa tấu thêm những âm thanh mới, réo rắt, vui tai. Nhiều bài thơ công bố trên mạng mà thơ in trên hai tờ báo văn nghệ còn phải nể.
Nhưng dù là mạng ảo, vẫn có những người thích có cái còi.
Họ viết, họ say sưa với những comment khen ngợi bài viết của họ. Họ lâng lâng. Nhưng chưa đủ, có người còn tạo ra những nick khác nhau để … tự sướng, ca ngợi chính bài viết của mình. Rồi lại phải trả lời cho những cái nick ảo ấy. Chuỵện này ở làng chơi blog không hiếm. Có bài thơ của nhà thơ tên tuổi chỉ một hai người vào viết cảm nhận thậm chí không nhưng lại có bài thơ làng nhàng mà tới 60, 70 comment cứ như là một hiện tượng văn học. Chỉ phục vụ cho cái còi mà người ta phải nhọc công đến vậy.
Để còi to hơn, người ta tìm cách chê bai (chứ không phải góp ý) những bạn viết. Người chưa hiểu thì bảo chắc họ phải giỏi giang lắm thì mới dám chê người khác. Tất nhiên cũng ít kẻ nhầm, hiệu quả cũng không được là bao.
Ngay cả những cuộc thi do các website tổ chức, cũng có chuyện tìm mọi cách để đoạt giải. Mục đích không phải là giá trị của giải thưởng mà là để khẳng định đẳng cấp của mình so với bạn viết.
Nhưng bài viết có hay thật không, còn chỗ nào dở và làm thế nào để viết hay hơn, nghĩa là làm cho bánh xe nó chạy thì họ lại không quan tâm. Họ chỉ lo cho mỗi cái còi.
Xem ra cái danh cái vị ở đời vẫn làm cho con người khổ sở đến thế, cho dù chỉ là cái danh ảo.
6/5/2010
NTT
Giá mà đừng lạc lá thư
Tôi đừng vụng dại, vần thơ đừng buồn