Trang trong tổng số 6 trang (54 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

@ Bác letam,

Vừa rồi bác có giới thiệu tài liệu về nhà mồ người K'Tu, khiến tôi nhớ đến một bài thơ rất hay của Nguyễn Thị Hồng, cũng nói về nhà mồ. Tôi chép tặng bác đây:


Lời tượng nhà mồ


Ơ cái hồn!
mình biết nhau mấy đời rồi
để kiếp này dù thoảng như giấc mộng
mình đã bỏ đi mà ta còn sống
nên ta hóa tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư…

Ta không nghe nữa tiếng chiêng cồng đêm hội
không thấy nữa ngọn lửa hồng chiều tới
vầng trăng vàng hoang dại đêm nào
và vòm trời đầy sao
đã tắt!

Ta đặt lên nhà mồ của mình quả bầu
để chiều chiều mình lại xuống dòng xanh gùi nước
ta đặt lên nhà mồ của mình ché lớn
đêm đêm ta cùng m’nhum
cho núi rừng chung chiêng

Ơ cái hồn!
ché lớn ché nhỏ ta đã khiêng ra đây
gùi lớn gùi nhỏ ta đã cõng ra đây
bầu lớn bầu nhỏ ta đã gùi ra đây
ta ra đây nốt
nơi góc rừng hoang vu
hồn ta hóa tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư…

Ơ cái hồn!
cuộc đời thì ngắn mà tình ta thì dài
làm sao sống được khi mình lẻ loi
dưới ba tấc đất hồn mình đơn côi
trên ba tấc đất hồn ta đơn côi
cồng đâu còn vang khi mình đơn côi
bếp đâu còn ấm khi mình đơn côi
nếp đâu còn thơm khi mình đơn côi
ta ra cùng mình để không lẻ đôi
hồn ta hóa tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư

Hồn ta hóa tượng bên mồ
trong bóng chiều trầm tư…

Nguyễn Thị Hồng

(Sa Thày, 12.1983)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Theo dấu mít nài

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=113128



SGTT.VN - Tôi vừa cột trâu ở gốc cây xộp bước vô nhà, má đã kêu: “Đưa nón đây coi!” Tôi ngửa chiếc nón cời ra. Má đổ xoà một cái. Ôi má ơi, mít nài rang! Không kịp rửa tay, tôi ngồi trên thềm đất bóc hạt nhai rào rào như tằm ăn rỗi.

Những hạt mít nài to bằng cái trứng thằn lằn, cháy vàng vàng thơm tận óc. Mặt trời đã lặn từ lâu trên đỉnh núi trước nhà. Một mùa hè nữa sắp trôi qua. Tôi từ lớp sáu lên lớp bảy, tự coi như chàng trai trẻ đã trưởng thành, một mình thả trâu vô núi theo dấu mít nài và bắt chim chèo bẻo.

Nhà tôi ở xứ cận sơn, vườn toàn trồng mít. Những buổi trưa êm, tôi ra vườn thăm mít, trèo lên cây vỗ trái nào kêu bịch bịch mắt liền sáng lên. Cây nào mít nghệ, mít dừa, mít mật, mít ướt… nhìn nước da biết liền. Khi mít vườn chín, trên núi xa mít nài cũng chín. Thằng Thương, thằng Thanh Bắc, anh Soạn và tôi cho trâu ăn ở Hóc Trao. Nửa buổi sáng cả bọn bỏ trâu theo dấu mít nài mọc ở rừng sâu. Những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt, nhiều dây leo, chui dưới tán cả ngày cũng không biết trên đầu mình cây gì. Chỉ tới mùa mít chín, rúc vô rừng ngửi mùi thơm ở đâu thì mò tới đó.

Cảm ơn đàn chồn dơi ở Hóc Trao ban đêm mắt xanh lè như lũ quỷ bay từ cây nọ tới cây kia ăn trái mít nài. Những trái chín bị chồn ăn dở rụng xuống đất thơm không giấu nổi. Nhờ chồn, chúng tôi tìm ra những cây mít nài mới để mùa sau cứ nhắm mắt đi tới tận gốc. Chúng tôi bứt mấy sợi dây mấu bện thành cái nài hình số tám, móc vô hai bàn chân trèo lên thoăn thoắt. Mít nài thường chín rộ, trái già đều bị hái sạch sành sanh. Mỗi đứa cởi áo đùm một bịch, đem ra bìa rừng bẻ lá sầu đông ủ thành một ụ chung.

Trái mít nài lớn hơn nắm tay, ủ trong lá ba bốn ngày thì chín bủn. Múi mít nhỉnh hơn ngón tay trỏ, mùi thơm lạ lùng; mỗi đứa ăn nửa trái đã nghe đầu ong ong. Múi mít nài ăn nhiều nó say còn hơn say rượu. Ngon nhứt vẫn là hạt mít. Chúng tôi chặt giang, bện thành cái rổ, đem cả đống mít nài xuống suối bỏ vô rổ đạp nát nhừ ngay dòng nước chảy xiết. Múi mít tan trôi đi, chỉ còn hạt. Hạt mít nài đem phơi hai nắng, đổ cát vào nồi khuấy đều rang lên. Những người dè sẻn, đem hạt mít nài bỏ trên giàn bếp. Đêm đông lạnh, lấy hạt từ giàn bếp ra rang ngồi nhìn nước lụt, nỗi cô đơn bỗng thơm ngát.

Tôi vào lớp bảy trường Cây Phượng, thằng Qua từ xã trên chuyển về ngồi bên. Nhà Qua nghèo thê thảm nhưng… xa xỉ. Mỗi bữa đi học nó mang theo một bụm mít nài rang, chia cho tôi một nửa. Sau này mới biết, nhà nó không ruộng không trâu, tới mùa nào vô rừng hái thứ ấy đem về bán ngoài chợ phiên. Đêm hè lớp bảy, nó đi mãi không về. Ba nó kêu mấy người hàng xóm thắp đuốc đi tìm. Sáng ra người ta thấy xác nó tím bầm nằm dưới gốc mít nài ở Hóc Trao. Nó chết vì bị một con rắn hổ mây xanh lục nấp trên cây mít nài cắn và rơi xuống đất. Chỉ mấy đứa trẻ cùng lớp với nhau đi đưa tang. Lũ trẻ khóc không ra khóc cười chẳng ra cười.

Năm đó tôi mười hai tuổi và đã biết cuộc đời chưa chắc vui. Buổi sáng tôi đi giữ trâu, buổi chiều đi học. Mùa hè cả ngày thả trâu, cả bọn vô Hóc Trao theo dấu mít nài, bắt ổ chim chèo bẻo. Thỉnh thoảng ba tôi vô núi, mang về một gùi hạt mít. Những đêm vừa ngủ vừa ăn, mùi thơm lan tới cả giấc mơ. Tỉnh dậy mới biết bàn tay phải còn nắm cả một mớ hạt…

Mít nài, tên khoa học là Artocarpus rigidus, thuộc họ dâu tằm Moraceae có nhiều ở miền Đông Nam bộ và Quảng Nam. Tuổi thơ ở xứ Quảng mùa hè lớn lên trong mùi thơm của nó. Sau này tôi có quen một thiền sư, ông nói mít, tiếng Phạn cổ có nghĩa là Phật. Tôi không biết có chính xác hay không vì chỉ thấy người ta lấy lõi cây này về nhuộm áo cà sa và làm tượng Phật trong chùa. Nếu quả thật đó là cây Phật, tôi cầu xin cho linh hồn người bạn xấu số của tôi mãi mãi ẩn náu dưới bóng từ bi, bốn mùa toả hương thơm ngát.


bài Nguyễn Minh Sơn
ảnh Phùng Mỹ Trung
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Hội thảo về Léopold Cadière



Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp của Léopold Cadière do Ủy ban văn hóa Hội đồng giám mục VN và Tòa tổng giám mục giáo phận Huế tổ chức đã bế mạc tại Huế.

Có 14 tham luận của các nhà nghiên cứu, linh mục được trình bày và hàng chục ý kiến thảo luận trong ba ngày diễn ra hội thảo. Phần lớn trong đó đều nêu bật những thành tựu khoa học và những cống hiến vô cùng to lớn của Léopold Cadière đối với văn hóa - lịch sử, ngôn ngữ, nghệ thuật, triết học... của Việt Nam và Huế.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=446756
Tượng L. Cadière khánh thành vào sáng 8-9 tại Đại chủng viện Huế (Ảnh: THÁI LỘC)



Léopold Cadière (1869-1955) là linh mục giáo phận Huế thuộc Hội Thừa sai hải ngoại Paris. Ông là nhà nghiên cứu về Huế, nhà VN học nổi tiếng giai đoạn đầu thế kỷ 20, là người sáng lập Hội Đô thành hiếu cổ vào năm 1913.

Đặc biệt, giai đoạn 1914-1944, Léopold Cadière đã chủ xướng tập san Bulletin des Amis du Vieux Hué (tạm dịch: Những người bạn cố đô Huế, hoặc Đô thành hiếu cổ). Đây là bộ sách nghiên cứu đồ sộ và nghiêm túc, được xem là “bách khoa thư” nghiên cứu về VN, đặc biệt là về Huế.

Đồng thời tập san là nguồn tư liệu quý giá, được xem đặt nền móng vững chắc cho công cuộc nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu văn hóa Huế về sau này...

Tại hội thảo, nhiều người đã đề xuất đặt tên đường Cadière ở Huế, tái lập thư viện mang tên Cadière (vốn do Cadière thành lập ở đồi Thiên An, bị bom tàn phá năm 1968), thành lập quỹ giải thưởng Cadière để trao định kỳ cho những công trình nghiên cứu xuất sắc về Huế...

THÁI LỘC

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Về quê ăn canh Nó bún



AT - Tôi sinh ra ở vùng núi cao phía tây nam Nghệ An, nơi sinh sống chủ yếu của những bản mường người Thái.

Các món ăn ngon và "độc" của người Thái Trắng quê tôi, phải kể đến canh bon, hó moọc hay gà rừng nướng sả với những gia vị nêm cũng rất đặc biệt như hạt mák khén, hạt dổi. Món ăn tôi được mẹ thết đãi trong ngày đi xa trở về rất đặc biệt, như chính tên gọi của nó: canh Nó bún.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=449864
Cây mây rừng để nấu canh Nó bún



Cây mây ở quê tôi có hai loại, một loại là mây thân rất dẻo, ít gai hơn, thường dùng đan rổ rá hay như người miền xuôi vẫn đan bàn ghế mây xuất khẩu. Một loại là mây nhiều gai, thường mọc dưới những tán cây rừng tái sinh sau vài mùa phát rãy. Thân cây rất mềm và dễ gãy. Cũng chính nhờ yếu tố đó đã làm nên một món ăn không những ngon mà còn rất bổ, có thể thay thế bữa cơm trong những ngày nhà gần hết gạo.

Để lấy được phần nõn thật non trong thân mây, mẹ đã phải rất vất vả vì đây là loài cây rất nhiều gai, chỉ mọc ở những vùng núi cao và hiểm. Ngay khi lấy được ngọn mây xuống, mẹ tách luôn phần vỏ đầy gai ra, lấy được 15-20 ngọn mây là vừa một nồi canh dùng cho 5-6 người. Công việc trước tiên là thái và ngâm mây. Từ khi mang trên rừng về, nõn mây dài khoảng hai gang tay, xếp bó. Mẹ dặn tôi khi thái nõn mây nên thái dài khoảng ba đốt ngón tay, bởi nếu thái ngắn quá khi tách nõn mây ra sẽ rất nhỏ, và khi ăn canh cũng không cảm nhận hết được vị ngon. Nõn mây được ngâm qua nhiều nước cho hết nhựa đỏ, đến nước cuối cùng thì cho thêm chút muối cho bớt đi vị chát.

Khi nấu canh Nó bún, thứ không thể thiếu trong món ăn này chính là gạo tấm. Gạo mới xát về bao giờ mẹ cũng dùng cái sàng để lọc gạo. Những hạt gạo bị vỡ sẽ lọt qua rất nhiều khe nhỏ của chiếc sàng, mẹ nhặt sạch sạn và thóc rồi cất đi chỗ gạo ấy đợi có khi dùng đến. Mỗi lần định nấu canh Nó bún, bao giờ mẹ cũng dặn tôi trước đó một buổi ngâm gạo cho mềm rồi sau đó mới có thể giã nhuyễn. Chờ nõn mây ráo nước, mẹ đem xào với dầu ăn, nêm muối, bột ngọt và một ít hạt dổi, sau đó thêm nước và cho gạo đã giã vào đun cùng. Đun đến khi gạo đã thành cháo, nõn mây cũng mềm và quyện với cháo là đạt. Sau đó bắc ra và thêm hành, lá lốt, một ít tiêu cay rừng là có ngay một bữa ăn gia đình quây quần bên nhau.

Canh này có thể ăn kèm với một số rau thơm lấy ở trong rừng. Nõn mây khi kết hợp với gạo tấm tạo ra vị ngọt, vị ngậy không gì bằng. Món này cũng rất hợp cho người ăn chay mà vẫn không lo thiếu dinh dưỡng. Ăn canh Nó bún rất tốt cho những người đang suy nhược về sức khỏe như người già, người ốm. Ngoài ra, đây cũng là món chính trong thực đơn của các chị, các cô đang có bầu trong bản.  

PHẠM THỊ NHUNG
(K11, ĐH Văn hóa Hà Nội)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Xác định bản Dạ cổ hoài lang chuẩn

* Thạc sĩ HUỲNH KHÁNH



Bản Dạ cổ hoài lang (nay là bản vọng cổ) do nghệ nhân Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919 tại Bạc Liêu. Không bao lâu, bản Dạ cổ hoài lang trở thành điệu thức chính trong âm nhạc tài tử Nam bộ, thay cho vị trí tứ đại oán trước đó. Chính tính độc đáo đó mà các nghệ sĩ, nghệ nhân trong giới đã cải biến từ nhịp 2 đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32, là bản vọng cổ thông dụng. Chính bản vọng cổ đã giúp cho nhiều nghệ sĩ thành danh như: NSƯT Út Trà Ôn, Tiến sĩ NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Kim Huệ... Bản vọng cổ đã chấp cánh cho sân khấu cải lương suốt mấy mươi thập kỷ qua càng bay cao, bay xa hơn, bởi “Không vọng cổ bất thành cải lương”.


Bản Dạ cổ hoài lang chiếm lĩnh được lòng yêu mến của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nên trong những thập niên đầu, sau khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, một số nghệ sĩ, nghệ nhân thêm hoặc bớt ca từ sao cho phù hợp với chất giọng. Tính đến nay, Sở VH-TT&DL Bạc Liêu đã sưu tầm được 7 bản Dạ cổ hoài lang dị bản, không kể 1 bản in trong sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trịnh Thiên Tư, xuất bản năm 1962 (có nhạc và lời), có xác nhận của nghệ nhân Cao Văn Lầu và 1 bản do nghệ nhân Cao Văn Lầu viết tay năm 1973 (có lời, không có nhạc). Các dị bản gồm:

   - Bản do cô Ba Vàm Lẽo (Bạc Liêu) ca năm 1921
   - Bản của Nhà xuất bản Đĩa hát Việt Nam - Hà Hội, thập niên 1950
   - Bản in trong Nguyệt san Bách khoa, số 62, ngày 13.8.1950, của tác giả Nguyễn Tử Quang.
   - Bản in trong Đặc san Quý Dậu năm 1993 của Hội Ái hữu Bạc Liêu tại bang Califonia, Hoa Kỳ.
   - Bản do nghệ sĩ Hương Lan ca ở hải ngoại và trong nước.
   - Bản của GS, TS Trần Văn Khê đưa ra tại cuộc hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang”, ngày 29.7.2009.
   - Bản do thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh cung cấp. Còn nhiều dị bản nữa, chưa sưu tầm hết.

   Nhìn chung các dị bản trên chỉ khác nhau đôi chút về ca từ, nhưng âm nhạc hoàn toàn không thay đổi. Vẫn giữ được cái hồn, không pha tạp, không lai căng, không mất gốc.

   Năm 1989, UBND tỉnh Minh Hải đã tổ chức cuộc Hội thảo “Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhân 70 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang”. Và năm 2009, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo “90 năm, bản Dạ cổ hoài lang”. Hai cuộc hội thảo trên đều khẳng định bản Dạ cổ hoài lang là bản nhạc lòng bất hủ của nghệ nhân Cao Văn Lầu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân Việt trong nước và đang sinh sống ở nước ngoài, nó tồn tại và đang trong xu hướng phát triển mãnh liệt hòa cùng dòng chảy của âm nhạc truyền thống Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”.

   Tuy nhiên, qua hai lần hội thảo trên, đã phát hiện “Bản Dạ cổ hoài lang có rất nhiều dị bản, cần phải tìm bản Dạ cổ hoài lang chuẩn”. Chính vì vậy UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cho Sở VH-TT&DL Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM và Văn phòng đại diện Bộ VH-TT&DL tại TP.HCM tổ chức cuộc tọa đàm vào ngày 16.8 vừa qua. Tham dự tọa đàm có hơn 10 nghệ sĩ, nhạc sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu am hiểu sâu về âm nhạc truyền thống, sân khấu cải lương, tài tử Nam Bộ, đặc biệt là hiểu sâu và tâm huyết với bản Dạ cổ hoài lang, ở TP.HCM, Bạc Liêu và Cà Mau.

   Qua hơn 10 lượt ý kiến trao đổi, tranh luận trong buổi tọa đàm đi đến ý kiến thống nhất chung là: Chọn 2 bản Dạ cổ hoài lang được in trong sách của nghệ sĩ Trịnh Thiên Tư năm 1962 và bản Dạ cổ hoài lang do chính tay nghệ nhân Cao Văn Lầu viết năm 1973 để điều chỉnh bổ sung cho nhau. Những ca từ khác nhau thì nên chọn ca từ nào hay và có ý nghĩa phù hợp để điều chỉnh bổ sung, nhằm có được bản Dạ cổ hoài lang chuẩn.

   Là người nhiều năm nghiên cứu âm nhạc tài tử Nam bộ và bản Dạ cổ hoài lang, tôi xin đưa ra phương án “Bản Dạ cổ hoài lang chuẩn”, nhịp hai như sau:

BẢN DẠ CỔ HOÀI LANG CHUẨN

1. Từ là từ phu tướng
2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
3. Vào ra luống trông tin nhạn
4. Năm canh mơ màng
5. Em luống trông tin chàng
6. Ôi gan vàng thêm đau
7. Đường dầu xa, ong bướm
8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
9. Đêm luống trông tin nhạn
10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
11. Vọng phu vọng luống trông tin chàng
12. Lòng xin chớ phụ phàng
13. Chàng là chàng có hay
14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
15. Bao thuở đó đây sum vầy
16. Duyên sắc cầm đừng lợt phai.
17. Là nguyện cho chàng
18. Hai chữ an - bình an
19. Trở lại gia đàng
20. Cho én nhạn hiệp đôi.


   Đó tâm huyết của tôi sau khi dự buổi tọa đàm, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác khi lựa chọn ca từ so với hai bản Dạ cổ hoài lang được coi như bản gốc. Rất hy vọng được đón nhận ý kiến góp ý từ các nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu để chúng ta cùng góp phần với quê hương Bạc Liêu xác định cho được bản Dạ cổ hoài lang chuẩn.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

...Về trông sương nhạt



TTCT - 1. Dòng suối Lạch nguyên khởi lại hiện ra kể từ ngày người ta xả hết nước hồ Xuân Hương, dù cộng đồng Lạch (Lat) bản địa từ lâu đã lùi sâu vào tận chân núi Lang Bian cách đấy vài chục cây số. Ai nhớ con suối nguồn cội xứ sở, muốn xem hình hài của nó thì hẳn đây là dịp.

Đã gần 200 ngày vắng nước, đủ để cỏ dại mọc xanh dưới đáy hồ, liếm ra dòng suối cổ xưa vùi sâu như vừa ”sống lại”, êm ái và thản nhiên chảy với nước từ thượng nguồn Hòn Bồ rong ruổi về lúc đục lúc trong theo từng ngày mưa nắng. Nhưng ở phố núi này ai cũng biết số người nhớ con suối Lạch kia hẳn sẽ ít hơn nhiều so với số người nhớ hồ nước Xuân Hương, vì làng Lạch nép vào chân núi xa xa kia sau nhiều chục thế kỷ nay chỉ lèo tèo dân số đôi ngàn.

Mà có khi người Lạch cũng không còn nhớ về con suối Lạch này nữa, dù cái tên “Đà Lạt” (Da là nước, là suối; và Lat hay Lach là người Lat, người Lạch) đã thành tên của cả xứ sở, của một đô thị du lịch lừng danh, nơi khách sạn cùng thị dân xe cộ soi bóng. Sau tên “Grand Lac” do người Pháp gọi, rồi người Việt gọi bóng bẩy hơn là “Xuân Hương”, thì cái tên “Lat” dù là suối hay hồ, nước hay nguồn, vẫn gợi nhớ thương một cội rễ thăm thẳm non ngàn.

2. Người Đà Lạt có từ “ra phố”. “Ra phố” ấy là khi ngang qua hồ Xuân Hương. Thiên hạ bảo hồ Xuân Hương là “trái tim Đà Lạt”, là “con ngươi“, “chiếc gương soi” của phố núi là vì vậy. Phố núi bé như một bàn tay, trăm thứ dồn về chỗ trũng nhất là đây. Cái “trái tim” đô thị bé bỏng này làm người ta chạm mặt nhau, lạ hóa quen, quen hóa thân (nên muốn ngoại tình cũng khó!), và nói quá một chút rằng cứ như thiên hạ ở đây quen biết nhau cả.

Vì vậy, những ngày hồ Xuân Hương không còn là hồ như thế này, mọi người hình như hẫng đi, một cảm giác thiêu thiếu, trống vắng, chơi vơi, như mất lực hút, mất điểm tựa, bởi xứ sở bỗng buồn tênh đến hoang vắng, lành lạnh, vơi cạn sức sống.

Gặp các chủ khách sạn, họ tự tình: “Nguồn khách cũng cạn, hẻo theo sự biến mất của hồ Xuân Hương”. Còn ông bạn già đánh xe ngựa ở đồi Tây Đức mấy tháng nay gác chiếc xà ích vào xó vườn vì “hết nước là hết... lãng mạn, chả du khách nào “khùng” mà ngồi lên đấy vòng quanh hồ làm gì!”.

Tình huống éo le này vỡ ra, làm ta sáng mắt rằng vì sao mấy nàng Sài Gòn muốn lên Đà Lạt hay gọi điện: “Hồ Xuân Hương có nước lại chưa anh?” (như thế họ vì Đà Lạt chứ vì chi ta!).

Hình như không chỉ tổn thương du khách, hồ Xuân Hương cạn nước, Đà Lạt còn mất cả... thơ. Ông Hàn Mặc Tử lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) đến Đà Lạt vào mùa đông năm 1933 từng làm bài thơ duy nhất của ông về xứ sở này chẳng nhắm ngay trái tim hồ Xuân Hương mà dào dạt thổn thức đó sao: Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/...Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều/ Để nghe dưới đáy nước hồ reo/ Để nghe tơ liễu run trong gió/ Và để xem trời giải nghĩa yêu (Đà Lạt trăng mờ).

Lại có anh nhạc sĩ chân chất từ Bảo Lộc lên, buông xả cảm xúc viết ra thứ ca từ tỉnh queo về hồ Xuân Hương: ...là nhụy...; là sương khói quê nhà. Cứ theo anh chàng nhạc sĩ này thì hồ Xuân Hương mà khô cạn cũng làm ảnh hưởng đến nền nghệ thuật nhiếp ảnh.

3. Lắm người hằng ngày qua lại cứ ném vào những lời trách cho ai đã tháo cạn hồ và phá cầu Ông Đạo (cây cầu ngăn dòng suối Lạch mà hình thành nên hồ nước Xuân Hương) để làm một đường cầu - cống mới (dù đường cầu cũ người Pháp thiết kế và xây dựng khá đặc biệt, chưa hề có dấu hiệu hư hỏng), thi công đủng đỉnh, dầm dề suốt từ mùa khô sang mùa mưa vẫn không xong (và cũng không biết đến bao giờ kết thúc).

Đã ngót sáu tháng người ta đủng đỉnh trầy trật thi công, xúc đất, chở bùn nơi hồ Xuân Hương là ngần ấy thời gian cô bác phố núi “tắm” trong bụi, thay vì mù sương yêu dấu. Nhiều cửa hàng, cửa hiệu ở đường Phạm Hồng Thái, Yersin, Mimosa... đóng cửa để tránh bụi. Đừng bảo tốn kém gần 120 tỉ đồng tiền thuế của dân mà chính cảm giác hồi hộp, mỏi mòn, ngóng trông, thành phố mù sương hóa thành “thành phố bụi” kéo dài mới là sự hao tổn không thể bù đắp.

Ông kiến trúc sư người Pháp Enesrt Hébrard - người đưa ra ý tưởng ngăn con suối Lạch ngõ hầu tạo hồ nước cho Đà Lạt thành đô thị thanh cảnh, và ông kỹ sư công chánh Labbé - người đứng ra ngăn đập trên suối - quả làm “khổ” trái tim người Đà Lạt đến tận ngày nay. Hai vị đã thành người thiên cổ từ nửa thế kỷ trước, nhưng hồ Xuân Hương đã thành thân thể, ruột gan Đà Lạt, như một thứ di sản đô thị sống động vĩnh cửu, hồn vía một xứ sở.

NGUYỄN HÀNG TÌNH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thực trạng đời sống văn hóa ĐBSCL - Quay về văn hóa... tại gia



Cùng với sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong nhiều năm qua, bộ mặt văn hóa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều chuyển biến. Người dân đã có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận, tham gia các loại hình văn học nghệ thuật, vui chơi giải trí. Tuy nhiên tại đây cũng đã bộc lộ một số bất cập đáng quan tâm. Nhìn lại để có định hướng phát triển là mục đích của loạt bài này.

http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2010/08/images345647_X1c.jpg
Nghệ sĩ Bạch Tuyết trong một lần biểu diễn tại Lung Cột Cầu - Hậu Giang



Nhiều nỗ lực ở đất chín rồng
ĐBSCL là nơi sinh sống của cộng đồng bốn dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Đó là vùng đất của lễ hội, của nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, bộ mặt văn hóa đất chín rồng ngày thêm khởi sắc.

Sóc Trăng có đến 30% dân số là người dân tộc Khmer, có 65/94 điểm chùa Khmer toàn tỉnh được công nhận là tụ điểm văn hóa; vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa là điểm bảo tồn văn hóa phi vật thể và thường xuyên nhận được hỗ trợ về kinh phí, sách, trang thiết bị, lưu diễn nghệ thuật... An Giang đang dự kiến xây khu vui chơi mới trên Núi Cấm.

Cần Thơ vừa khởi công Trung tâm văn hóa Tây Đô lớn nhất đồng bằng, quy mô rộng 172,81ha - tổng vốn đầu tư 5.410 tỷ đồng nhằm “hội tụ văn hóa vùng Mekong” với nhiều hạng mục độc đáo chưa từng có ở vùng đất này.

Các siêu thị sách ngày càng trụ vững, lan rộng tại nhiều địa phương. Mô hình “Xã nông thôn mới” Vị Thanh (Vị Thủy – Hậu Giang) chứng minh một hướng đi tích cực nâng chất cuộc sống văn hóa người dân vùng sâu, được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khen ngợi, biểu dương.

Các hội thi người đẹp sông Tiền, sông Hậu, Festival Lúa gạo, Festival Văn hóa – Du lịch cấp quốc gia hay vùng, địa phương đều là những sự kiện văn hóa thu hút đông đảo người dân.

Hoạt động văn học nghệ thuật đã có những chuyển động mới, tích cực. Hàng trăm nhóm đờn ca tài tử có mặt ở từng bờ kênh, con rạch, miệt vườn, khu dân cư cho thấy nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của người dân luôn dâng đầy.

Thành tựu trên minh chứng sự quan tâm và nỗ lực không ngừng từ Trung ương xuống cơ sở để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa châu thổ sông Cửu Long trong tiến trình đi lên của vùng đất này, đặc biệt sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới.

Còn nhiều nỗi lo
Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ trần tình: Các tỉnh lỵ miền Tây đua nhau lên cấp thành phố nhưng thị dân tìm đỏ con mắt cũng không ra nơi vui chơi, giải trí. Các khu du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước lại quá quen thuộc, nhàm chán, thiếu cái mới. Hầu hết cung thiếu nhi, nhà văn hóa, công viên không thu hút được thanh thiếu niên vì hoạt động đơn điệu, mặt bằng đắc địa được cho thuê mở quán, dịch vụ kinh doanh.

TP Mỹ Tho (Tiền Giang), đêm xuống, hàng trăm chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau lòng vòng theo các tuyến đường; chưa tới 10 giờ đêm, quán xá đóng cửa. Anh Tình, lái xe taxi nói: “Mỹ Tho quá ít chỗ vui chơi, giải trí dù được công nhận đô thị loại 2 đã nhiều năm”.

Dưới danh nghĩa “xã hội hóa công viên”, hơn 10 năm qua, người dân thị xã Tân An (hiện là thành phố) hưởng lợi “quá khiêm tốn” từ việc lên thành. Nhà hát Cao Văn Lầu, rạp chiếu phim 1/5 và Học Lạc (Bạc Liêu) luôn vắng khách. Phú Quốc được quy hoạch thành nơi nghỉ dưỡng quốc tế nhưng chưa đến 21 giờ đường sá đã vắng lặng, “buồn thúi ruột”...

Mỗi tỉnh trong khu vực có ít nhất 20 nhà văn hóa, 300 nhà thông tin nhưng khoảng 90% số nhà thông tin xã, ấp hoạt động cầm chừng hoặc thường xuyên đóng cửa. Càng về vùng sâu vùng xa, sách báo càng trở thành “hàng xa xỉ”.


http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2010/08/images345649_X1e.jpg
Du khách nước ngoài tham dự chương trình đờn ca tài tử ở Bến Tre. (Ảnh: T.N.)




“Đau” nhất là ngay cả cải lương, đờn ca tài tử là hai loại hình nghệ thuật truyền thống vốn được coi là “cái nôi”, tạo nên hồn châu thổ cũng đứng trước áp lực rất lớn để tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Có hiện tượng “chảy ngược”, khi giải cải lương được Hội sân khấu TPHCM đưa về miền Tây tổ chức “nhằm khơi dậy sức sống cho loại hình truyền thống miền Tây Nam bộ” và sân khấu đồng bằng chỉ “đỏ đèn”, sôi động nếu có các đoàn trên TPHCM về diễn.

Khá nhiều lễ hội lớn được thuê mướn, đặt hàng “người ở trển” từ kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật, nghệ sĩ… Nghệ thuật Rôbăm, dù kê đặc sắc của người Khmer đứng trước nguy cơ mai một. Đờn ca tài tử chưa thực sự được nâng lên thành một sản phẩm văn hóa du lịch như quan họ phía Bắc, ca Huế miền Trung.

Phai lạt thời vàng son
Thập kỷ 80-90 thế kỷ trước là thời hoàng kim của văn hóa Tây Đô. Mô hình thuyền văn hóa, xây dựng văn hóa cơ sở được nhiều nơi đến tham quan học tập. Bảo Yến, Nhã Phương (nhạc), Hoàng Đông, Thanh Đời, Ngân Tâm, Chiêu Hoàng (cải lương)… khởi đầu sự nghiệp tại đây.

Có hơn 13 rạp chiếu phim, sân khấu; cải lương có 3-4 đoàn, ra tận miền Trung miền Bắc phục vụ; rồi ca múa nhạc (2 đoàn), hát bội, xiếc mô tô bay... Rạp Minh Châu ngày diễn 3 suất, vé không đủ bán dù tiền vé ngang 1 chỉ vàng. Dân vùng sâu chèo ghe thắp đèn đi coi cải lương như hội. Người dân “bội thực” thưởng thức văn hóa bởi có lúc 40-50 đoàn Nhà nước, tư nhân dồn về đây xếp hàng biểu diễn.

Đến nay, Đô thị loại 1 đầu tiên của đồng bằng (2009) vẫn không có quảng trường, chỉ còn một hai nơi chiếu phim nhưng địa điểm mượn, không đúng công năng, không có “công nghệ chiếu phim mới” (rạp 3D) và nơi sản xuất băng đĩa hình… Đoàn cải lương Tây Đô mỗi năm chỉ diễn 50 suất không doanh thu đã muốn “hụt hơi, kiệt sức” trong khi ngày trước diễn đến 80 suất/năm và “phây phây” xuất tỉnh...

Sau hàng chục năm, Nhà hát Hậu Giang mới được nâng cấp, trở thành Nhà hát Tây Đô. Sáng tác biểu diễn thì theo soạn giả Nhâm Hùng, “đụng đâu cũng có vấn đề”, từ rạp cho đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên… “Bao giờ cho đến… ngày xưa”?

Phải chăng tốc độ của cuộc sống công nghiệp, vật lộn mưu sinh đã cuốn hút, triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa? Kết quả từ cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - ĐH Cần Thơ (2007) cho thấy người dân đồng bằng đòi hỏi được đáp ứng thông tin văn hóa xã hội rất cao, chiếm 69% số người được phỏng vấn, chỉ đứng sau sự quan tâm về kỹ thuật, giá cả nông sản, vệ sinh ATTP; trên cả thông tin về pháp luật, môi trường, quy hoạch và chính sách…

Vì thế, “văn hóa tại gia” (chủ yếu qua sóng truyền hình, phát thanh, internet) chính là đặc điểm hưởng thụ văn hóa của người dân ĐBSCL hiện nay. Điều đó thể hiện đời sống văn hóa tinh thần tại đây vẫn còn nghèo nàn, chỉ khuôn hẹp trong phạm vi gia đình.

VŨ THỐNG NHẤT (Báo SGGP)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Để câu vọng cổ bay xa



Một xã hội phát triển cân bằng, bền vững, tăng tốc kinh tế luôn phải song hành với tăng trưởng dân trí, dân sinh, mức thụ hưởng văn hóa. Trên lĩnh vực “tinh thần”, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng cần một quyết sách.

http://www.sggp.org.vn/dataimages/original/2010/08/images345742_5b.jpg
Đờn ca tài tử - bản sắc văn hóa đồng bằng.




Vì đâu nên nỗi
Hơn 20 năm qua, khi nước ta bước vào nền kinh tế thị trường, văn hóa truyền thống đứng trước thách thức rất lớn. Cộng đồng nông thôn Nam bộ đã biến động, đổi thay sâu sắc cả về môi trường sống và con người trong môi trường đó. Biết bao nông dân sáng ra vụt trở thành thị dân? “Nhà đá, nhà đạp” ngày càng ít đi nhưng áo mỏng hai dây đã nhấp nhô đường làng? Chợ quê chân chất tần tảo nay “xảm” thêm tiệm game tiệm chát với đặc tính hai mặt của loại hình mới pha lẫn với tiếng thét gào karaoke khiến bao “Lời ru thêm buồn”?

Rõ ràng chưa bao giờ người làm công tác văn hóa đồng bằng lại khó tìm hướng đi trong bối cảnh phức tạp như vậy. Đã xuất hiện một số lệch chuẩn về giá trị văn hóa trong một bộ phận cư dân. Thay đổi, định hình văn hóa trong tình hình mới không thể diễn ra theo đường thẳng, một sớm một chiều mà đầy nhọc nhằn, trăn trở. Mức sống và trình độ dân trí thấp của ĐBSCL cũng là một trở ngại lớn cho việc tiếp cận, hưởng thụ văn hóa. Người ta phải phân vân lắm mới có thể bỏ ra (chỉ) 15.000 đồng mua một cuốn sách vì số tiền đó có thể mua được 2-3 kg gạo, nuôi cả gia đình/ngày. Vở opera “Người giữ cồn” đình đám mới đây “thể nghiệm loại hình mới” có bao nhiêu người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” được coi?

Thưởng thức, hưởng thụ văn hóa trước tiên cần có “cái nền văn hóa”. “Ông này là ai?”, một sinh viên năm thứ hai Khoa Ngữ văn Đại học Cần Thơ sống ngay tại “trung tâm đồng bằng”, được nhận học bổng và nằm trong Ban cán sự lớp hỏi vậy khi GSTS Trần Văn Khê, cây đại thụ âm nhạc dân tộc xuống Cần Thơ giao lưu! Rất nhiều sinh viên “bứt tóc”, không nói được tác giả của bản “Vọng cổ hoài lang” day dứt tâm can châu thổ hơn 80 năm qua hay ĐBSCL có bao nhiêu dân tộc sinh sống… Sự quan tâm đến tri thức, đến văn hóa của những trí thức tương lai đồng bằng làm người ta chạnh lòng nhớ đến khói nhang cuộn tròn bên mộ phần cụ Cao Văn Lầu của một nghiên cứu sinh nước ngoài làm luận văn tiến sĩ về cải lương Nam bộ.

Mấy năm trước, kinh phí đầu tư cho giáo dục ĐBSCL rất thấp. Kinh phí thấp, quỹ đất teo tóp khiến quá ít “sân chơi văn hóa” thì thanh thiếu niên nông thôn rủ nhau gầy sòng... nhậu và không hiếm chuyện quậy phá. Và cũng “quá khó” để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa” (14-8-2003), quy định rõ mỗi năm các đối tượng chính sách được xem miễn phí mấy buổi biểu diễn nghệ thuật, tham quan bảo tàng…

Kinh phí chưa phải là yếu tố quyết định đến phát triển văn hóa. Vì sao nhiều năm dài sau giải phóng lúc đất nước còn nhiều khó khăn vẫn có những dấu son? Những người hoạt động văn hóa khi đó hầu hết “trong rừng” ra, số có trình độ đại học “đếm trên đầu ngón tay”. Làm gì có được “toàn ngành có đến 17 thạc sĩ, 293 người có trình độ đại học, 33 người cao đẳng, 349 người trung cấp…” (Sở VH-TT-DL Cần Thơ). Mỗi thời đều có cái mới, cái khó nảy sinh nhưng thời nào người làm văn hóa (bên cạnh năng khiếu) cũng cần có cái Tâm, cái Tầm để trăn trở, sáng tạo trong hoàn cảnh của mình.  Những năm gần đây vắng bóng ngày càng nhiều cán bộ, chuyên viên có kinh nghiệm hoặc văn nghệ sĩ có “tên tuổi” trong khi lực lượng kế thừa chưa đủ sức đảm đương thế chỗ. Nhân lực cho văn hóa cơ sở xã ấp, nơi trực tiếp triển khai phong trào, thiết chế văn hóa đang rơi vào hụt hẫng, đáng quan ngại. Ở nơi có “trăm đầu việc” này mà định mức biên chế chỉ có một với thu nhập 600-700 ngàn đồng/tháng chắc khó ai có thể an tâm gắn bó hết mình với phong trào?   

Đến nay, trong khu vực vẫn chưa có tỉnh, thành phố nào xây dựng được một khu vui chơi giải trí, một trung tâm hội nghị tầm cỡ đủ để phục vụ hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế. Các dịch vụ như mua sắm, giải trí, giao lưu chưa đáp ứng được nhu cầu. Mạng lưới giao thông vẫn chưa đồng bộ, chủ yếu theo trục dọc, thiếu những tuyến đường ngang đủ tiêu chuẩn nối các tỉnh, thành trong vùng.

Rất cần quyết sách
ĐBSCL rất cần một quyết sách để tạo bước đột phá cho văn hóa phát triển. Đột phá từ tư duy, nhân lực, đầu tư kinh phí đến cả cơ chế chính sách để đủ sức đủ lực lay động, lan tỏa rộng. Và đối tượng hưởng thụ của sự đột phá đó chính là người nông dân, chủ thể của “tam nông”, những người hưởng lợi ít nhất từ “chiếc bánh tăng trưởng” và đang gánh chịu  quá nhiều sức ép từ những cơn bão giá.

Hưởng thụ văn hóa là khâu cuối nếu xét văn hóa là một quy trình (sáng tạo - sản xuất, phân phối - tiếp nhận) và phải tìm bằng được lời giải cho sự gặp nhau giữa người “cung cấp” và “tiếp nhận” sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Nâng cao mức sống, chất lượng giáo dục, trình độ dân trí là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thăng hoa văn hóa và hưởng thụ văn hóa. Một đội ngũ cán bộ văn hóa “biết làm văn hóa”, nhiệt tâm với nghề, nhiệt tình với dân, nhạy cảm với phong trào chính là yếu tố quyết định. “Cần có sự quan tâm, tập trung hơn nữa, từ trên xuống tận cơ sở”, một cán bộ văn hóa Cà Mau phát biểu. Được như vậy chắc các phong trào, danh hiệu văn hóa sẽ đi vào thực chất, sẽ không có “Gia đình văn hóa” mà chủ hộ trong một thời gian dài không biết mặt trưởng khu vực hay “Ấp văn hóa” ẩn chứa trường gà, quán nhậu mọc nhanh và nhiều hơn tụ điểm văn hóa…

Đẩy mạnh nghiên cứu KHXH và cập nhật thông tin xã hội (Làm gì để giữ được di sản di tích, văn hóa truyền thống giữa cơn lốc thị trường, để trở thành thế mạnh văn hóa thời hội nhập; sự thay đổi nhu cầu, thị hiếu văn hóa trong bối cảnh mới…) sẽ giúp việc định ra kế hoạch, chiến lược, mục tiêu xây dựng con người văn hóa mới căn cơ, khoa học, thích hợp, thiết thực. Trong bối cảnh phức tạp, thông tin đa chiều hiện nay “dịch vụ công” (các cơ quan tổ chức hoạt động văn hóa Nhà nước) phải tiếp cận sâu rộng hơn với người thụ hưởng nhằm giữ vững tính định hướng, kịp thời loại bỏ các yếu tố, sản phẩm văn hóa độc hại, sai trái. Qua đó “văn hóa tại gia” có điều kiện bung ra hòa nhập với văn hóa cộng đồng, làm phong phú hơn đời sống văn hóa và nâng cao nhu cầu hưởng thụ của họ.  ĐBSCL là nơi sớm tiếp nhận nhiều nền văn hóa, con người ở đây phóng khoáng, chân tình nhưng cũng đầy bản lĩnh để chắt lọc cho mình những gì tinh túy nhất.

“Kích cung” có thể bắt đầu từ ngay cơ chế của Nhà nước qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản, đặc biệt cần có chính sách ưu tiên xây dựng khung giá sách, sản phẩm văn hóa “mềm” cho ĐBSCL. Những đợt bán sách giảm giá, những ngày hội sách cho vùng nông thôn, mô hình thư viện lưu động, đọc sách miễn phí, kho sách luân chuyển là một giải pháp có hiệu quả trong điều kiện ngân sách hạn hẹp... Bài học đã qua cho thấy nông thôn ổn định, có nền tảng văn hóa vững chắc là điều kiện cơ bản để cả xã hội ổn định, đất nước phát triển bền vững.

VŨ THỐNG NHẤT
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Di tích lịch sử chịu cảnh hẩm hiu



Đến TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang du khách được giới thiệu nhiều di tích lịch sử có giá trị, nổi tiếng nhất là đình thần Nguyễn Trung Trực, ngoài ra còn có các di tích cổng tam quan, bảo tàng tỉnh, chùa Tam Bảo, đình Vĩnh Hòa, mộ nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt, di tích kiến trúc nghệ thuật mộ hội đồng Suông...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462391
Di tích đình thần Vĩnh Hòa - (Ảnh: H.C.Hùng)




http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=462390
Di tích lịch sử mộ nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt luôn đóng cửa im lìm - (Ảnh: T.Thọ)




Tuy nhiên, cũng như bảo tàng tỉnh thường xuyên đóng cửa, di tích mộ nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt, đình Vĩnh Hòa, mộ hội đồng Suông... cũng chịu cảnh hiu quạnh, lãng quên.

Mộ nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt, người có bài điếu Nguyễn Trung Trực với những vần thơ bất hủ: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa; Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần, tên ông đã được trân trọng đặt cho trường THPT chuyên duy nhất của tỉnh, hiện nằm trên đường Lâm Quang Ky đối diện công an đường thủy.

Mộ bao bọc bởi nhà dân và luôn đóng cửa im ỉm, khách tham quan chỉ biết đứng bên ngoài nhìn vào. Đây là di tích lịch sử được xếp hạng, thời gian qua di tích này đã được tu sửa, nhưng sau khi tu sửa lại mất hết nét cổ kính.

Mộ hội đồng Suông - một công trình điêu khắc, nghệ thuật được đánh giá vào loại hiếm, lạ và độc đáo của đồng bằng sông Cửu Long (được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh) - hiện nằm khuất trong hẻm 906 đường Nguyễn Trung Trực, phía trước là những khối nhà cao tầng che khuất lại không có bảng chỉ dẫn nên người muốn tham quan phải hỏi kỹ mới tìm đến được, bên trong khu di tích này có dấu hiệu xuống cấp theo thời gian.

Trong khi đó đình Vĩnh Hòa, tọa lạc trên đường Nguyễn Hùng Sơn, một ngôi đình cổ trước đây thường tổ chức các hoạt động cúng đình, hội hè của cư dân thì nay sân đình được tận dụng làm chỗ đậu xe tải, bán hàng rong, làm mất vẻ trang nghiêm của ngôi đình.

Mong rằng các cơ quan chức năng sớm triển khai kế hoạch bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, góp phần phát triển nguồn tài nguyên du lịch của Kiên Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

T.THỌ  (Bạn đọc báo Tuổi Trẻ)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Sông nước trong tiếng miền Nam



SGTT.VN - Nam bộ là vùng đất sông nước, ruộng vườn. Sông rạch chằng chịt gắn bó bao đời với sinh hoạt, chi phối đời sống kinh tế cũng như đời sống tinh thần của con người. Bài viết này muốn nhấn mạnh tác động của thiên nhiên đến môi trường sống, đến tính cách, tâm lý của con người và tính cách, tâm lý đó sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ đặc trưng của mỗi vùng, miền.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=119877
Sông nước là một phần, nếu không nói là phần quan trọng nhất của sinh hoạt người miền Tây Nam bộ. Ảnh: Duy Khương




Nam bộ là miền đất nhiều sông lắm rạch. Số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vì vậy vô cùng phong phú, là nguồn đóng góp của phương ngữ Nam bộ vào ngôn ngữ toàn dân (NNTD): rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng, vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng…; nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương…; ghe, tam bản, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng... Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân vùng đất này, là yếu tố cấu tạo của nhiều địa danh mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu hát dân gian và là mảnh đất tốt để nhà văn, nhà thơ khai thác.

Ngoài những ý nghĩa chung phản ánh những sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên, nhiều từ ngữ sông nước còn được dùng theo nghĩa phái sinh để gọi tên những sự vật, hiện tượng khác theo cách mở rộng nghĩa. Năm 1895, Huỳnh Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quốc âm tự vị đã định nghĩa từ bùng binh: “khúc sông rộng phình tròn ra”. Đến năm 1970, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ghi nghĩa từ bùng binh là “khu đất rộng nối các trục đường trong thành phố”: bùng binh Ngã Sáu, bùng binh Ngã Bảy… Như vậy một từ chỉ sông nước đã được dùng để gọi tên giao lộ của các con đường trong thành phố.

Nếu phương ngữ Bắc bộ gọi loại ôtô lớn chở hành khách trên các tuyến đường dài, thường là các đường liên tỉnh là ôtô ca (hay xe ca, xe khách) thì phương ngữ Nam bộ gọi là xe đò theo nghĩa đò là “thuyền chở khách trên sông nước theo một tuyến nhất định”.

Trong Từ điển tiếng Việt (viện Ngôn ngữ học), quá giang là “đi đò ngang qua sông”. Ngoài nghĩa đó, phương ngữ Nam bộ còn có thêm cách dùng phổ biến “đi nhờ một phương tiện vận tải nào đó” (vẫy xe xin đi quá giang một đoạn).

Khi thuyền chở đầy và nặng, không thể chở hơn được nữa, người ta nói là thuyền khẳm: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm...” (Nguyễn Đình Chiểu). Phương ngữ Nam bộ còn mở rộng nghĩa của khẳm là “quá nhiều, quá sức chứa”. Ví dụ: tiền vô khẳm, lời khẳm, thêm một ly nữa là khẳm… Chìm xuồng cũng thường được dùng ở nghĩa bóng: “cố ý bỏ qua, không đề cập tới nữa”: vụ đó kể như xử chìm xuồng rồi.

Phần lớn làng xã ở Nam bộ đều nằm hai bên bờ sông rạch. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt địa danh gắn liền với sông nước. Nhiều địa danh ở các tỉnh Nam bộ và TP.HCM mang tên nhóm từ sông nước này: Bàu Mây, Cồn Phụng, Cù Lao Dài, Giồng Trôm, Giồng Quéo, Láng Cò, Rạch Cá Trê, Rạch Cá Lóc, Rạch Bà Mụ… (Bến Tre); Vàm Cỏ (Long An); Vàm Cống (An Giang); Tắt Thủ (Cà Mau); Bàu Nai, Bàu Cát, Giồng Ông Tố, Bưng Sáu Xã, Rạch Chiếc, Rạch Miễu, Láng Le, Láng Thé, Rỏng Tràm, Rỏng Bàng, Vàm Sác… (TP.HCM).

Nếu so sánh địa danh ở các tỉnh Nam bộ với địa danh ở các tỉnh Bắc và Trung bộ, chúng ta dễ dàng nhận thấy tính bình dị, dân dã của địa danh Nam bộ, trong đó các địa danh có từ ngữ sông nước kết hợp với danh từ chỉ động vật, thực vật, tên người nổi tiếng trong vùng… chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Những hình thức văn học dân gian như ca dao, hò, lý, cải lương… cũng đã khai thác và phản ánh những hình tượng thiên nhiên, tâm tư, tình cảm con người… qua những từ ngữ sông nước này. Trong ca dao Nam bộ, hình ảnh ghe xuồng, sông rạch xuất hiện với tần số cao.

Trong số các nhà văn Nam bộ, nhà văn lão thành Sơn Nam đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp sáng tác và khảo cứu về vùng đất và con người Nam bộ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết về Sơn Nam: “Là nhà văn, đi đâu anh cũng quá giang theo xuồng ghe của thương hồ. Anh đi sông lớn, sông nhỏ, theo kinh theo rạch, anh đi khắp cả sông nước miền Tây” (tạp chí Sông Hương, số 235, 9.2008). Bởi thế không lạ gì khi những từ ngữ sông nước xuất hiện nhiều trong các truyện và ký của Sơn Nam:

– Con rạch quá nhỏ, uốn ngoằn ngoèo như ruột ngựa, nối liền qua những lung, bàu, tròn tròn méo méo như hình mấy cái bao tử, gan, lá lách… (Hương rừng, tập Hương rừng Cà Mau).

– Dưới sông, từng dề lục bình trôi theo ngọn nước ròng (Giấc mơ ngoài bãi tha ma, tập Hương rừng Cà Mau).

– Bấy lâu nay, ở vùng sông nước chằng chịt với chợ làng, chợ nổi ven sông, đêm thanh vắng nghe những câu hò, câu lý xen nhau dài theo con rạch, con kinh dường như vô tận, qua khúc loi, khúc vịnh, về đêm, trên nhánh bần gie có đóm đậu sáng ngời. (Từ U Minh đến Cần Thơ, Hồi ký).

Một nhà văn khác – nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – sớm thành công và nổi tiếng với những sáng tác đậm chất Nam bộ, cũng viết về vùng đất và con người Nam bộ với ngôn ngữ vừa bình dị vừa tinh tế. Trong các tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, những từ ngữ sông nước cũng được sử dụng khá nhiều và giàu giá trị biểu cảm.

PGS.TS TRẦN THỊ NGỌC LANG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 6 trang (54 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối