Trăn trở đờn ca tài tử
* NHẬT HỒ - CẨM THUÝ
Năm 2007 là thời điểm đánh dấu một “mốc son” quan trọng đối với phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) của Bạc Liêu nói chung và huyện Phước Long nói riêng: 5 nghệ nhân của huyện được mời biểu diễn tại một lễ hội văn hóa ở Hoa Kỳ.Điều đó chứng tỏ thế mạnh phong trào của huyện so với các địa phương khác. Nhưng ngay tại nơi được xem là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân như Phước Long cũng vẫn còn lắm điều trăn trở khi nghĩ đến ngày mai...
Nhân tài rụng dầnGần 10 năm trước, nếu tìm hiểu về ĐCTT của huyện Phước Long sẽ được giới thiệu “nghe không hết” những cái tên thuộc hàng tiền bối như: Sáu Nem, Tư Ri, Út Huề, Sáu Mai, Hai Thành...; về sau có Ba Toại, Tư Loan, Hoa Gương, Thanh Sử, Minh Khương (nhóm nghệ nhân được chọn biểu diễn tại Hoa Kỳ). Ấy nhưng, giờ đây điểm lại sẽ thấy nhiều người trong số đó gần như đã “bỏ cuộc chơi”. Có nhiều lý do khác nhau nhưng dễ nhận ra nhất chính là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tài năng thì sẵn có, nhưng không ai đeo đuổi nó, bởi cái nghiệp này từ xưa đến nay dường như chẳng có ai... hái ra tiền đủ sống. Chỉ tính chi phí cho mỗi đợt tham dự liên hoan ĐCTT, nhiều nghệ nhân phải đắn đo, cân nhắc. Đi thi dù “đậu” đi nữa, giải thưởng cũng chẳng đủ bù chi phí những lần đi tập dượt.
Họ là anh nông dân, chú thợ hồ, chị bán hàng sén... nên hàng ngày còn phải lo chén cơm manh áo. Như Hoa Gương - cô con gái “rượu” của nghệ nhân Ngân Tài (một trong hai người sáng lập đoàn hát Ngân Tài-Ngọc Đính trước năm 1975) - giọng hát chủ lực của phong trào ĐCTT huyện Phước Long một thời giờ đã “bỏ cuộc chơi” để lo chuyện làm ăn. Nhiều người tuổi cao sức yếu nên chỉ chơi quanh quẩn ở nhà, ở các đám tiệc trong xóm giúp vui văn nghệ. Ngay cả chú Ba Toại - một thành viên từng biểu diễn ở Hoa Kỳ - hiện cũng rất hiếm khi tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ĐCTT huyện vì điều kiện sức khỏe, đường xa. Nhiều anh tài khác vì hoàn cảnh riêng tư cũng đã giã từ cái nôi ban đầu của mình...
Trăn trở về một ngày maiPhát huy giá trị của ĐCTT trên vùng đất sản sinh ra nhiều nghệ nhân đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Đó là việc thành lập và duy trì hoạt động ĐCTT ở các xã, thị trấn (mỗi xã, thị trấn đều có CLB ĐCTT)). Riêng CLB của huyện, từ năm 2000 cũng đã được ra mắt; đến năm 2008 CLB này lại được tái lập với “guồng máy” mới để hoạt động hiệu quả hơn. Với hơn 20 thành viên chính và nhiều người yêu thích cùng tham gia sinh hoạt định kỳ 1-2 lần/tháng, CLB đã trở thành điểm đến của những tâm hồn tài tử.
Ở đó có bác Phạm Văn Tánh - biết ca từ năm 15 tuổi đến nay đã 65 tuổi vẫn còn... mê. Anh thợ hồ Nguyễn Quốc Hưng mê và nhiệt tình đến mức được “bầu” làm phó chủ nhiệm. Rồi anh Lê Tấn Hoạch - một bác sỹ biết ca tài tử, không chỉ tham gia mà còn là nhà tài trợ chính cho CLB. Ngay cả Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Hà Văn Tưởng - người từng đoạt giải ba ca vọng cổ tại một hội thi do ngành tổ chức ở Hà Nội năm 2007 - cũng tham gia CLB. Và có cả những gương mặt trẻ măng như Hoàng Long, Sử Thị Nhi...
Tuy nhiên, sàng lọc để chọn ra một đội hình ĐCTT chuyên nghiệp cho huyện thì không dễ. Với họ, ĐCTT vẫn chỉ là một loại hình giải trí, chơi theo kiểu hợp tan. Trong khi đó, chuyện đầu tư, đãi ngộ làm sao để xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp kế thừa thì vẫn còn bỏ ngỏ. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-TDTT huyện Dương Minh Khương nhìn nhận: “ĐCTT hiện nay vẫn chơi theo kiểu cây nhà lá vườn, có gì chơi nấy. Nhiều người thậm chí không vào CLB vì ngại đóng phí sinh hoạt. Việc đầu tư phát triển loại hình này vẫn chưa chú trọng về nguồn nhân lực, chỉ đầu tư về trang thiết bị, âm thanh chắc chắn chưa đủ”.
Phục vụ du lịch: Không dễThành lập từ năm 2007, đến nay 3 CLB ĐCTT phục vụ du lịch ở Bạc Liêu đã ổn định về mặt tổ chức và đi vào hoạt động. Đó là CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT thị xã Bạc Liêu (hoạt động tại khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu), CLB ĐCTT thuộc UBND xã Hiệp Thành (hoạt động tại khu vườn nhãn, xã Hiệp Thành) và CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Giá Rai (hoạt động tại khu di tích lịch sử đồng Nọc Nạng). Năm 2008, lại có thêm 2 CLB nữa ra mắt: CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Phước Long (hoạt động tại khu vườn chim thị trấn Phước Long) và CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Đông Hải (điểm hoạt động là khu di tích lịch sử Bia chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh).
Tuy nhiên, thành lập là một chuyện, hoạt động hiệu quả hay không lại là chuyện khác. Hiện một số CLB ĐCTT đang rơi vào tình trạng “cá mắc cạn”. Còn một vài CLB ĐCTT tại các điểm du lịch thì hoạt động không hiệu quả. Điển hình như CLB ĐCTT xã Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu) dù được trang bị khá hiện đại, nhưng sau một thời gian hoạt động, do vắng khách nên đứng trước nguy cơ “chết yểu”.
Có nhiều lý do dẫn đến các CLB hoạt động không hiệu quả. Nhưng có thể thấy, những CLB ĐCTT này hoạt động chưa bài bản; đã vậy ngày càng nhiều thành viên lại đặt nặng về lợi ích bản thân nên tham gia không nhiệt tình. Bà Lê Thị Ái Nam - Giám đốc Sở VHTTDL - cho rằng: “Các thành viên tham gia vào các CLB ĐCTT đã có quyền lợi hơn những người khác rồi, vì có nhiều người muốn vào CLB mà không được. Nhiệm vụ còn lại của CLB ĐCTT là tổ chức sinh hoạt có hiệu quả trong thời gian sắp tới. Tổ chức sinh hoạt định kỳ để vừa duy trì các CLB, vừa phục vụ miễn phí cho bà con thì sẽ có phong trào hơn”.
Trong bối cảnh nghệ thuật chưa nuôi được nghệ thuật thì chuyện thăng trầm của loại hình ĐCTT âu cũng là chuyện đương nhiên!
(Nguồn: http://www.laodong.com.vn...20107/192047.laodong)Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)