Trang trong tổng số 6 trang (54 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hà Như

@ HXT
Đồng ý và Cám ơn.
Hà Như
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

Người Chăm & truyền thống gia đình đặc biệt  

Dân tộc Chăm vốn sinh tụ ở duyên hải miền Trung Việt Nam từ rất lâu đời, đã từng kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ với ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ. Đến nay, người Chăm vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng, trong đó có “dấu ấn” ứng xử của nếp nhà truyền thống…

Chế độ mẫu hệ


Với dân số khoảng 76.000 người, sống chủ yếu ở Ninh Thuận, Bình Thuận..., dân tộc Chăm là một trong số các dân tộc ít người lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng cho nền văn hóa truyền thống của các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cũng như nhiều dân tộc khác trong khu vực Đông Nam Á, trước khi tiếp nhận những ảnh hưởng của văn hóa bên ngoài, dân tộc Chăm đã có một nền văn minh tương đối cao của chính mình, đặc biệt trong đời sống sinh hoạt.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/c10.jpg

Tái hiện sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm tại Lễ hội Hành trình di sản Quảng Nam. Ảnh: H.X.H

Trong lịch sử, Chăm là một trong những dân tộc có trình độ phát triển xã hội khá cao. Họ đã sớm hình thành một nhà nước riêng. Các làng đơn vị cư trú tiêu biểu cho xã hội truyền thống Chăm không phải là những công xã huyết tộc, bởi nó bao gồm nhiều dòng họ. Truyền thuyết giải thích về nguồn gốc của dân tộc Chăm có thể kể đến nữ thần Inư Nưgar (còn được gọi là thần xứ sở) -  vị thần sáng thế đầu tiên. Chính bà là người sinh ra lúa gạo, sinh ra gỗ trầm hương và hoa Chămpa - biểu tượng của dân tộc Chăm. Trong những cuộc tế lễ để tưởng nhớ công ơn của bà được tổ chức tại các lăng, tháp, người dân Chăm hát rằng: "Người là nữ thần mẹ của vương quốc, người tạo dựng vùng đất cho cây cối, người tạo ra giống lúa và dạy dân trồng lúa". Rất nhiều nơi thờ cúng bà ngày nay được coi là những di tích văn hóa nổi tiếng như tháp Bà (Nha Trang), lăng bà ở Hữu Đức, Lạc Tri... Người Chăm thờ nữ thần Inư Nưgar không chỉ vì bà là vị thần tổ tiên đã tạo ra các cộng đồng người Chăm, mà còn là tổ mẫu của nghề nông, nghề dệt…

Có lẽ xuất phát từ nguồn gốc trên, mà chế độ mẫu hệ đã tồn tại dai dẳng ở các xã hội tộc Chăm. Và gia đình, với tư cách là đơn vị hợp thành xã hội, cũng chịu ảnh hưởng lâu dài của chế độ ấy. Với nền tảng của chế độ mẫu hệ, các khuôn mẫu ứng xử trong gia đình người Chăm có nhiều khác biệt so với các khuôn mẫu ứng xử được xây dựng từ nền tảng của chế độ phụ hệ. Sự khác biệt chỉ thể hiện giữa vai trò xã hội được thiết lập trên cơ sở sự phân lập, đối lập giữa hai giới nam - nữ, trong đó, vị trí của người phụ nữ được khẳng định và quan trọng hơn. Mọi công việc tổ chức trong gia đình đều được sắp đặt dưới sự chỉ huy của của người mẹ. Do đó người mẹ bao giờ cũng được mọi người trong gia đình coi trọng. Khi người vợ mang thai thì hầu như không phải làm bất cứ một công việc nặng nhọc nào. Lúc ấy, người chồng ngoài công việc ruộng vườn còn phải có trách nhiệm đi tìm kiếm các rễ cây thuốc phơi khô chờ khi vợ sinh nở làm thuốc uống, tìm bà mụ vườn đến nhà để cùng chăm sóc vợ. Nếu bỏ bê những công việc này, anh ta sẽ bị gia đình và cộng đồng chê trách. Gần ngày vợ sinh, người chồng còn phải sửa soạn một lễ cúng Nữ thần xứ sở Inư Nưgar để cầu xin mẹ tròn con vuông…

Cho đến nay, việc thừa kế tài sản ở các gia đình người Chăm vẫn thuộc về con gái. Con gái út bao giờ cũng được ưu tiên hơn trong việc chia tài sản, bởi cô có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ già. Tài sản được chia thường là ruộng đất hay trâu bò. Nhưng đồ dùng phục vụ cho việc cúng tế được coi là tài sản quý như áo quần, nồi đồng, mâm đồng thì không được chia mà được giao cho cô con gái út để thờ cúng cha mẹ lúc về già. Vào những ngày đầu tiên của các lễ, tết, giỗ, mọi người trong gia đình thường tụ tập tại nhà của người chị cả để cúng tổ tiên. Đến ngày thứ hai thì ở nhà chị kế, rồi đến nhà cô em gái út. Con trai trong gia đình truyền thống của Chăm không có quyền thừa hưởng tài sản của gia đình, dù họ được xem là người thay mặt cho dòng họ thực hiện giáo luật của đạo và thực hiện các cuộc tế lễ trong gia đình.

Gia đình Chăm - những giá trị riêng

Do theo chế độ mẫu hệ nên trong hôn nhân của người Chăm quyền chủ động thuộc về người con gái hoặc nhà gái. Khác với lễ cưới của người Việt, người Chăm không có tục rước dâu mà thay vào đó là rước rể. Lễ cưới của người Chăm hàm chứa nhiều khuôn mẫu văn hóa, là những mực thước về liên hệ xã hội nhằm đảm bảo sự hiện tồn không chỉ riêng dòng họ có lễ cưới mà còn đảm bảo cho sự phát triển của cộng đồng Chăm. Những nghi thức mang tính biểu tượng được thực hiện ở lễ cưới không chỉ dành riêng cho cô dâu - chú rể mà còn có ý nghĩa quan trọng với cả hai dòng họ và cộng đồng xung quanh. Đó là những chuẩn mực xác định những cách ứng xử của cá nhân trong những vai trò xã hội nhất định, cũng như trách nhiệm bổn phận của từng người trong những vai trò xã hội ấy.

Trong đêm tân hôn đầu tiên, bên bếp lửa, đôi vợ chồng trẻ ăn cùng một mâm cơm với nhau. Đây là hành vi mang ý nghĩa “mở màn” cho việc “hợp đồng” ăn cơm chung với nhau cả đời, cùng nhau gánh vác việc gia đình: đói, no, vui, sướng, khổ, cực…

Trong bữa cơm đầu tiên của vợ chồng trẻ có mặt của hai ông mai. Sự tham dự của hai ông vừa là để xóa đi những ngại ngùng e lệ buổi ban đầu, vừa là để giảng giải đạo lý cho đôi vợ chồng trẻ. Sau bữa cơm, hai ông mai rút lui để đôi vợ chồng trẻ nghỉ trên chiếc giường có ba ngọn nến cháy sáng cùng khay trầu cau làm ranh giới phân cách hai người. Chú rể nằm hướng đông, cô dâu nằm bên hướng tây. Hai người chỉ được nói chuyện với nhau mà không được chạm nhau. Sau ba đêm liên tiếp như thế, đến đêm thứ bốn thì nến và khay trầu cau mới được cất đi, cô dâu chú rể chính thức nhập phòng. Sau đêm nhập phòng, nhà gái mổ lợn giết gà làm tiệc đãi hai họ.

Hiện nay, những ứng xử được thực hiện ở các gia đình người Chăm vẫn là những ứng xử truyền thống, luôn chứa đựng một ý nghĩa xã hội nào đó, vì thế được coi là những khuôn mẫu văn hóa. Ứng xử này, một mặt biểu thị những nét văn hóa đặc thù, mặt khác cho thấy tầm quan trọng đặc biệt đối với đời sống của cá nhân, gia đình người Chăm. Ở một chừng mực nhất định, hệ thống các khuôn mẫu ứng xử truyền thống đã góp phần ổn định và phát triển của các gia đình cũng như xã hội trong lịch sử và trong tương lai. Với một truyền thống vững chắc như thế, các khuôn mẫu ứng xử truyền thống chắc chắn đóng một vai trò tích cực trong việc điều chỉnh các mối quan hệ của xã hội người Chăm đương đại.

Việc kế thừa các khuôn mẫu truyền thống của tộc Chăm càng trở nên thiết thực trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

BÙI HỮU CƯỜNG
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trăn trở đờn ca tài tử

* NHẬT HỒ - CẨM THUÝ



Năm 2007 là thời điểm đánh dấu một “mốc son” quan trọng đối với phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT) của Bạc Liêu nói chung và huyện Phước Long nói riêng: 5 nghệ nhân của huyện được mời biểu diễn tại một lễ hội văn hóa ở Hoa Kỳ.

Điều đó chứng tỏ thế mạnh phong trào của huyện so với các địa phương khác. Nhưng ngay tại nơi được xem là cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ nhân như Phước Long cũng vẫn còn lắm điều trăn trở khi nghĩ đến ngày mai...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=113082




Nhân tài rụng dần

Gần 10 năm trước, nếu tìm hiểu về ĐCTT của huyện Phước Long sẽ được giới thiệu “nghe không hết” những cái tên thuộc hàng tiền bối như: Sáu Nem, Tư Ri, Út Huề, Sáu Mai, Hai Thành...; về sau có Ba Toại, Tư Loan, Hoa Gương, Thanh Sử, Minh Khương (nhóm nghệ nhân được chọn biểu diễn tại Hoa Kỳ). Ấy nhưng, giờ đây điểm lại sẽ thấy nhiều người trong số đó gần như đã “bỏ cuộc chơi”. Có nhiều lý do khác nhau nhưng dễ nhận ra nhất chính là “cơm áo không đùa với khách thơ”.  Tài năng thì sẵn có, nhưng không ai đeo đuổi nó, bởi cái nghiệp này từ xưa đến nay dường như chẳng có ai... hái ra tiền đủ sống. Chỉ tính chi phí cho mỗi đợt  tham dự liên hoan ĐCTT,  nhiều nghệ nhân phải đắn đo, cân nhắc. Đi thi dù “đậu” đi nữa, giải thưởng cũng chẳng đủ bù chi phí những lần đi tập dượt.

Họ là anh nông dân, chú thợ hồ, chị bán hàng sén... nên hàng ngày còn phải lo chén cơm manh áo. Như Hoa Gương  - cô con gái “rượu” của nghệ nhân Ngân Tài (một trong hai người sáng lập đoàn hát Ngân Tài-Ngọc Đính trước năm 1975) - giọng hát chủ lực của phong trào ĐCTT huyện Phước Long một thời giờ đã “bỏ cuộc chơi” để lo chuyện làm ăn. Nhiều người tuổi cao sức yếu nên chỉ chơi quanh quẩn ở nhà, ở các đám tiệc trong xóm giúp vui văn nghệ. Ngay cả chú Ba Toại  - một thành viên từng biểu diễn ở Hoa Kỳ - hiện cũng rất hiếm khi tham gia các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ĐCTT huyện vì điều kiện sức khỏe, đường xa. Nhiều anh tài khác vì hoàn cảnh riêng tư cũng đã giã từ cái nôi ban đầu của mình...

Trăn trở về một ngày mai

Phát huy giá trị của ĐCTT trên vùng đất sản sinh ra nhiều nghệ nhân đã được chính quyền  địa phương, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Đó là việc thành lập và duy trì hoạt động ĐCTT ở các xã, thị trấn (mỗi xã, thị trấn đều có CLB ĐCTT)). Riêng CLB của huyện, từ năm 2000 cũng đã được ra mắt; đến năm 2008 CLB này lại được tái lập với “guồng máy” mới để hoạt động hiệu quả hơn. Với hơn 20 thành viên chính và nhiều người yêu thích cùng tham gia sinh hoạt định kỳ 1-2 lần/tháng, CLB đã trở thành điểm đến của những tâm hồn tài tử.

Ở đó có bác Phạm Văn Tánh - biết ca từ năm 15 tuổi đến nay đã 65 tuổi vẫn còn... mê. Anh thợ hồ Nguyễn Quốc Hưng mê và nhiệt tình đến mức được “bầu” làm phó chủ nhiệm. Rồi anh Lê Tấn Hoạch - một bác sỹ biết ca tài tử, không chỉ tham gia mà còn là nhà tài trợ chính cho CLB. Ngay cả Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Hà Văn Tưởng - người từng đoạt giải ba ca vọng cổ tại một hội thi do ngành tổ chức ở Hà Nội năm 2007  - cũng tham gia CLB. Và có cả những gương mặt trẻ măng như Hoàng Long, Sử Thị Nhi...

Tuy nhiên,  sàng lọc để chọn ra một đội hình ĐCTT chuyên nghiệp cho huyện thì không dễ. Với họ, ĐCTT vẫn chỉ là một loại hình giải trí, chơi theo kiểu hợp tan.  Trong khi đó, chuyện đầu tư, đãi ngộ làm sao để xây dựng được một đội ngũ chuyên nghiệp kế thừa thì vẫn còn bỏ ngỏ. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-TDTT huyện Dương Minh Khương nhìn nhận: “ĐCTT hiện nay vẫn chơi theo kiểu cây nhà lá vườn, có gì chơi nấy. Nhiều người thậm chí không vào CLB vì ngại đóng phí sinh hoạt. Việc đầu tư phát triển loại hình này vẫn chưa chú trọng về nguồn nhân lực, chỉ đầu tư về trang thiết bị, âm thanh chắc chắn chưa đủ”.

Phục vụ du lịch: Không dễ

Thành lập từ năm 2007, đến nay 3 CLB ĐCTT phục vụ du lịch ở Bạc Liêu đã ổn định về mặt tổ chức và đi vào hoạt động. Đó là CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT thị xã Bạc Liêu (hoạt động tại khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu), CLB ĐCTT thuộc UBND xã Hiệp Thành (hoạt động tại khu vườn nhãn, xã Hiệp Thành) và CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Giá Rai (hoạt động tại khu di tích lịch sử đồng Nọc Nạng). Năm 2008, lại có thêm 2 CLB nữa ra mắt: CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Phước Long (hoạt động tại khu vườn chim thị trấn Phước Long) và CLB ĐCTT thuộc Trung tâm VHTT huyện Đông Hải (điểm hoạt động là khu di tích lịch sử Bia chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh).

Tuy nhiên, thành lập là một chuyện, hoạt động hiệu quả hay không lại là chuyện khác. Hiện một số CLB ĐCTT đang rơi vào tình trạng “cá mắc cạn”. Còn một vài CLB ĐCTT tại các điểm du lịch thì hoạt động không hiệu quả. Điển hình như CLB ĐCTT xã Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu) dù được trang bị khá hiện đại, nhưng sau một thời gian hoạt động, do vắng khách nên đứng trước nguy cơ “chết yểu”.

Có nhiều lý do dẫn đến các CLB hoạt động không hiệu quả. Nhưng có thể thấy, những CLB ĐCTT này hoạt động chưa bài bản; đã vậy ngày càng nhiều thành viên lại đặt nặng về lợi ích bản thân nên tham gia không nhiệt tình. Bà Lê Thị Ái Nam - Giám đốc Sở VHTTDL  - cho rằng: “Các thành viên tham gia vào các CLB ĐCTT đã có quyền lợi hơn những người khác rồi,  vì có nhiều người muốn vào CLB mà không được. Nhiệm vụ còn lại của CLB ĐCTT là tổ chức sinh hoạt có hiệu quả trong thời gian sắp tới. Tổ chức sinh hoạt định kỳ để vừa duy trì các CLB, vừa phục vụ miễn phí cho bà con thì sẽ có phong trào hơn”.

Trong bối cảnh nghệ thuật chưa nuôi được nghệ thuật thì chuyện thăng trầm của loại hình ĐCTT âu cũng là chuyện đương nhiên!

(Nguồn: http://www.laodong.com.vn...20107/192047.laodong)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nếp nhà Nam bộ

* PHAN TRUNG NGHĨA

http://daidoanket.vn/Pictures/bao%20tuan/_2010/165/2010_165_10_HauGiang.jpg



Trong góc lòng sâu thẳm của nhiều người chúng ta, ai cũng có một miền cố hương để hoài nhớ. Để khi chớm hạ, mưa thu, ta nghe khắc khoải, đau đáu về cội rễ của mình. Miền cố hương đó có thể là một miền quê ngoại xa xăm, với những mái nhà nhỏ nằm cạnh hàng cau rợp bóng mát. Và khi chiều buông, quê ngoại ta chìm trong sương chiều lãng đãng, mờ ảo như miền cổ tích. Đó cũng có thể là một quê nội có con sông chảy lững lờ ôm cái làng nhỏ hiền hòa, đìu hiu dưới những mái lá nằm dưới rặng dừa soi bóng nước... Mỗi miền cố hương riêng của chúng ta có thể khác nhau về đường nét, cảnh vật, nhưng có một thứ hoàn toàn giống nhau. Đó là những mái nhà hai mái truyền thống hình chữ V ngược (^). Những mái nhà đó chính là nét chấm phá cơ bản tạo ra cái dáng quê hiền hòa thơ mộng của làng quê miền Tây sông Hậu. Nó đi vào thơ ca và vào tâm thức chúng ta. Nó tạo ra một nét văn hóa riêng trong văn hóa ở của vùng đất này.

30 năm trước, tôi từ giã làng quê heo hút của mình. 30 năm sống đời kẻ chợ, có những đêm mưa tôi giật mình thổn thức, nghe trong tiềm thức tiếng mưa thu rắc nhẹ trên mái lá nhà xưa. Trong những đợt gió bấc se lạnh khi cận Tết, tôi lại nghe âm thanh một ngọn gió xuân len lén kéo về làm xào xạc mái lá ở hai đầu song nhà... Đó có phải là tiếng quê, là hồn của đất đang hòa nhập với tiếng lòng của những đứa con xa xứ?! Thế là tay chân bủn rủn, muốn rũ bỏ tất cả mà về lại nhà xưa.

Làm nhà là một trong ba việc lớn của một đời người nông dân. Thế nhưng, đa số nông dân Nam Bộ đều gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì họ xuất phát từ những người cơ nhỡ, tha phương cầu thực. Ba, bốn trăm năm trước, họ vào đây khai phá với cảnh một thân trơ trọi, không có sự giúp đỡ của dòng tộc. Hơn nữa, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ là đất đai của địa chủ, tá điền chỉ làm ruộng thuê và sống trên mảnh đất ấy. Chủ ruộng không cho trồng cây lâu năm. Khi chết, người thân phải mang trầu cau đến lạy xin đất để chôn, thì lấy đất đâu mà làm nhà. Cho nên, nhà nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu hết là tạm bợ.

Còn những người khá giả như địa chủ thì cất được một căn nhà lớn cũng không phải dễ. ĐBSCL vốn không có gỗ quý để cất nhà, họ phải thuê dân đinh đi ghe lườn qua tận Nam Vang (Campuchia) để mua loại gỗ căm xe đem về, một chuyến đi mất mấy tháng trời. Sau đó rước nhóm thợ ở Huế với bầu đoàn thê tử vào chạm lộng cột kèo, khánh thờ... đến 2, 3 năm trời, xong nhà rồi mới đi. Vì vậy, ở ĐBSCL từ đầu thế kỷ 20 trở về trước, rất ít có nhà đẹp, nhà kiên cố, chủ yếu là nhà lá, cây rừng.

Từ kiểu làm “cây nhà lá vườn” tạm bợ này đã hình thành một kỹ năng làm nhà, một tập quán sinh hoạt rất đẹp của nông dân Nam Bộ. Ở làng tôi, ngày xưa, cứ bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch (nghĩa là khi trời chuẩn bị sa mưa) là cả làng chộn rộn làm nhà, sửa nhà. Gia chủ đốn lá phơi khô, vớt cây dưới đìa lên sẵn và đi xem ngày lành tháng tốt để định ngày dựng nhà. Cứ thế, cả xóm đến giúp, chủ nhà chỉ lo ba bữa cơm và có một tí “cay cay” vào buổi chiều, khi kết thúc công việc. Thậm chí, bà con họ hàng còn đến trước mấy bữa phụ tiếp che lều, bào cây... Ngày xưa, làm nhà “cột cặm lá rừng” không nghe ai mướn bao giờ. Bà con lối xóm đến giúp chí tình và làm rất thành thạo. Họ làm tất cả những công việc từ dựng sườn, lợp nhà, tề lá, làm buồng. Ở quê tôi xưa, 100% thanh niên trong làng đều biết làm nhà, vì đó là công việc thường xuyên. Nếu 7, 8 tuổi chưa biết lợp nhà thì đi giúp lối xóm đưa lá để học cách lợp nhà. Một thanh niên lợp được ly lá đẹp thì được người của làng đánh giá rất cao về sự khéo léo. Các bà cũng lấy đó làm tiêu chuẩn để kén rể.

http://i974.photobucket.com/albums/ae227/ssunyata/VHVN/nhansac1.jpg

Căn nhà hai mái truyền thống của ĐBSCL góp phần sản sinh ra đời sống văn hóa, thể hiện tính cách của cư dân địa phương. Nhà rường có chiều cao phổ biến là 3,6 mét, thế nhưng, nhà hai mái ở Nam Bộ thường có chiều cao 5,4 mét, thậm chí có nhà cao đến 6,3 mét. Điều đó cho thấy nó thoáng mát hơn. Nhà rường và nhà hai mái chỉ giống nhau ở chỗ: gian giữa để thờ Cửu huyền thất tổ, còn lại cách bài trí hoàn toàn khác nhau. Nếu ngôi nhà rường chiều ngang bằng với ngôi nhà hai mái Nam bộ thì chiều dài của nó lại ngắn hơn một nửa. Do đó, nhà hai mái Nam Bộ rất rộng, dễ bài trí và diện tích sử dụng gấp đôi. Thường thì một ngôi nhà ba căn ở ĐBSCL, tính từ tâm nhà ra sau, được bố trí hai phòng ngủ ở hai căn hai bên, còn căn giữa là nơi sinh hoạt chung của gia đình, sau vách bàn thờ. Còn một nửa của ba căn phía trước thì căn giữa đặt tủ thờ, một bộ bàn ghế tiếp khách, hai căn hai bên người ta đặt hai bộ ngựa gõ dày cả tấc. Chính ngôi nhà ba căn, hai mái của ĐBSCL đã góp phần hình thành và thể hiện được tính phóng khoáng, hiếu khách đặc biệt của người Nam Bộ.

Sự cai quản, phân định ngôi thứ trong căn nhà ba căn xưa của nông dân Nam Bộ rất rạch ròi, trở thành nếp của gia đình. Người đàn ông chủ hộ thì ở ngôi nhà lớn phía trước, người vợ thì ở phía sau và con gái thì ở chái bếp. Điều này thấy rất rõ: khi có khách của gia đình đến chơi thì uống nước, ăn cơm ở nhà trước; còn khách riêng của đàn bà thì ra nhà sau; khách của con gái thì dẫn ra chái bếp; còn nếu không có khách thì cả nhà quây quần buổi cơm chiều ở nhà sau hoặc chái bếp.

Tôi viết bài ký này khi nhận ra nguy cơ những căn nhà ba căn, hai mái đặc biệt của ĐBSCL đang bị mất dần. Ở Bạc Liêu, do cuộc sống ngày càng được cải thiện nên có đến 60 - 70% nhà ở của nông dân được xây dựng cơ bản và bán cơ bản. Tuy nhiên, gần như 100% loại nhà mới này là nhà một mái. Đó là loại nhà được biến tấu từ ngôi nhà một mái tạm bợ ở miền Nam trước năm 1975. Đó là một thứ văn hóa kiến trúc ngoại lai. Loại nhà này có thể phù hợp với cảnh quan đô thị, còn nếu đặt nó ở nông thôn thì trở nên kệch cỡm, thừa thãi. Nó tạo ra trong nông thôn một cảnh quan “ba chè”, thành thị không ra thành thị, nông thôn không ra nông thôn. Nó xóa dần nét văn hóa đặc trưng của ĐBSCL, làm chết dần cái hồn quê duyên dáng, nên thơ mà ta đau đáu một đời.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

         DI SẢN DÒNG HỌ  

Từ bao đời nay, người Triêng vẫn giữ được nét văn hóa hết sức độc đáo, đó là mối quan hệ trong dòng họ và cộng đồng. Điều này góp phần tạo nên những giá trị riêng biệt của người Triêng trong cộng đồng các dân tộc nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ.


http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ds24710.jpg

Người Triêng miền núi Nam Giang tỉnh Quảng Nam xem mối quan hệ trong cộng đồng luôn mật thiết với nhau.

Truyền thuyết

Truyền thuyết kể rằng: Xưa, vùng người Triêng sinh sống có hai anh em tên Jơ Moi và Jơ Ma, con trai của ông tổ Triêng, vốn có sức khỏe phi thường lại vô cùng thông minh, dũng cảm. Trong lúc đi săn, nhờ được Jông (trời) giúp đỡ nên họ thường bắt được rất nhiều thú rừng. Một hôm, Jơ Moi đi săn về, chẳng may trời nổi trận cuồng phong, mưa bay chớp giật làm cho tất cả những con thú mà anh bắt được đều chạy mất hết. Jơ Moi căm phẫn đòi được giao chiến với Jông. Nhìn thấy hai anh em, Jông hết sức sợ hãi, bèn cho chó thần, heo thần, trâu thần ra giao chiến. Cuộc chiến diễn ra rất dữ dội. Quân của Jông dùng cả búa sấm, búa sét, kiếm lửa làm vũ khí nhưng vẫn không làm cho anh em Jơ Moi và Jơ Ma nao núng. Jơ Moi nách kẹp cổ chó thần, tay móc họng heo thần, chân đá liên hồi, đất đá bay mù mịt. Jơ Ma vật nhau với trâu thần, làm cho trâu thần gẫy hai sừng, què bốn chân, rồi lăn đùng ra chết. Thấy vậy, Jông vội vàng thu quân, đóng cửa thành, không dám tiếp tục giao chiến, mặc cho Jơ Moi, Jơ Ma chế nhạo. Sau trận đó, dân làng rất khâm phục và tôn Jơ Moi là Triêng Lân (tức là lớn hơn trời) và Rơ Ma là Triêng Var (tức là chế nhạo trời)...

Từ bấy giờ trở đi, người Triêng được chia thành hai dòng là Triêng Lân và Triêng Var. Dòng Triêng Lân được chia thành 3 nhánh nhỏ là Bloong Tro, Bloong Bưng, Bloong Hăng. Mỗi Bloong đều có người đứng đầu có biệt tài và khả năng nổi trội nhất. Bloong Tro có tài thu phục tù binh. Bloong Bung bị câm nhưng có nhiều mưu mẹo, thông minh, tài trí hơn người. Bloong Hăng có tài đánh cọp.

Dòng Triêng Var được chia thành 6 nhánh là Choong Brôn, Choong Chưn, Choong Un, Choong Tông, Choong Ăc, Choong Ve. Choong Brôn giàu lòng thương đồng loại, đánh chết gấu thần để cứu người. Choong Chun có công tìm ra nguồn nước, đánh bắt cá đem về chia cho dân làng. Choong Un có công tìm ra lửa, dạy dân làng, con cháu cách dùng lửa để nấu nướng, đốt rẫy để gieo trồng lúa bắp. Choong Tông có tài trí, lại thông minh đặc biệt, được nhái thần chỉ đường, giúp sức, nên trăm trận trăm thắng, thu phục được nhiều tù binh về làm tôi tớ. Choong Ăc là người trông coi nương rẫy, gài chông, đặt bẫy, khiến cho chim thú không dám đến phá hại mùa màng. Choong Ye là người giỏi giang, thông minh. Như vậy, tính cả hai dòng và 9 nhánh, người Triêng có tới 11 họ truyền lại tới ngày nay.

Già làng Ch'râm Ớn (78 tuổi, dân tộc Triêng hiện sống tại thôn Đắc Rế, xã La Dêê) cho biết: “Làng của người Triêng gồm nhiều dòng họ cùng sinh sống như: Cặp năng, Eđuồt, Naxó, Bluông, Bruốt, K'hôông… Số thành viên trong làng không cố định mà phụ thuộc vào sự di chuyển liên tục của các gia đình nhỏ trong một gia đình lớn. Vì vậy, những người cùng dòng họ không được có quan hệ hôn nhân với nhau, nhưng lại gắn bó mật thiết trong một cộng đồng”.

Dấu ấn quan hệ cộng đồng

Cũng theo già làng Ch'râm Ớn, theo truyền thuyết nói trên, chỉ có hai dòng Triêng Lân và Triêng Var có quan hệ huyết thống với nhau (vì Jơ Moi và Jơ Ma là hai anh em). Vũ trụ quan và thế giới quan của người Triêng cũng có phần khác với một số dân tộc khác ở Tây Nguyên. Trong khi các dân tộc khác coi tất cả vạn vật đều do các vị thần sinh ra (ví dụ như thần lửa, thần nước, thần nông nghiệp, thần núi, thần rừng...) và coi trời là vị thần to nhất, lớn nhất, thì người Triêng từ đời Jơ Moi, Jơ Ma đã đánh nhau và chế nhạo trời (Jông). Các trưởng nhánh (họ) đều là những người khác họ hợp lại do tôn vinh mà nên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếu như ở người Kinh, dòng họ mang tính huyết thống sâu sắc thì người Triêng, dòng họ chỉ mang tính ước lệ, thể hiện ước muốn của con người vươn tới chinh phục thiên nhiên, làm chủ xã hội, xác lập niềm tin, giữ gìn nòi giống và phát triển cộng đồng. Chính vì thế, tuy đang tồn tại nhưng các dòng, nhánh (họ) của người Triêng rất mong manh và sự phân biệt cũng rất mờ nhạt. Vai trò trưởng họ của người Triêng hầu như không có. Người Triêng không bao giờ sinh hoạt dòng họ theo kiểu giỗ tổ hay xây dựng nhà thờ họ, mà chỉ sinh hoạt cộng đồng theo làng. Nếu trong một làng cùng tồn tại các họ thì tất cả mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào sự điều khiển của già làng.

Trong hôn nhân, tính trung gian giữa mẫu hệ và phụ hệ trong gia đình của người Triêng dựa trên sự bình đẳng nam nữ. Con trai sinh ra mang họ bố, con gái theo họ mẹ; đó là những nét nổi bật trong hôn nhân và gia đình của người Triêng nơi đây. Người Triêng cũng cấm sự kết hôn cùng huyết thống trong phạm vi 3 đời như người Kinh, nhưng được phép từ đời thứ 4 là người cùng dòng hoặc chéo dòng.
Trong xã hội người Triêng ở, dòng họ luôn đóng góp một phần quan trọng vào sự tồn tại hoặc suy vong của cộng đồng và nó còn có mối quan hệ mật thiết với nhau ảnh hưởng lớn đến đời sống, lao động sản xuất, tín ngưỡng dân gian… Song hành với sự biến đổi tích cực của cuộc sống mới, nhiều nét đẹp truyền thống - trong đó dòng họ và mối quan hệ cộng đồng người Triêng ở đã và đang góp phần làm nên những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

NGUYỄN VĂN SƠN
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi


Có nhất thiết “Người Nghệ phải nói tiếng Nghệ” thì mới giữ được bản sắc văn hoá xứ Nghệ?


* NGUYỄN PHƯƠNG THOAN
(Tạp chí Văn hoá Nghệ An)



Tạp chí Văn hoá Nghệ An số 174 (ra ngày 10/6/2010), trong tiết mục “Diễn đàn văn hoá xứ Nghệ” có đăng bài “Người Nghệ phải nói tiếng Nghệ” của tác giả Thái Hữu Thịnh. Sau khi đọc kỹ, chúng tôi xin có vài thiển ý trao đổi như sau:

Trước hết phải thừa nhận rằng nếu không có một tình yêu sâu nặng, thắm thiết với quê hương xứ sở thì không thể có được bài viết như thế. Tuy nhiên, có lẽ vì quá yêu quý và tự hào về “quê choa” nên tác giả có phần cực đoan trong nhận xét, đánh giá về tiếng Nghệ, kể cả ngôn từ.

Thứ nhất: “Tiếng Nghệ chính là thành tố văn hoá quan trọng bậc nhất, là giá trị có ý nghĩa bản sắc của văn hoá xứ Nghệ. Tiếng Nghệ chắc, nặng. Nhưng tiếng Nghệ rất có uy lực, khoẻ khoắn mà nhẹ nhàng, uyển chuyển mà linh hoạt, mộc mạc mà chân tình, không khách sáo mà chung thuỷ sâu nặng... bởi nó chứa chất trong lòng sức nặng ân tình... Tiếng Nghệ đã tự cất cánh bay lên một tầm cao thẩm mỹ”. Đoạn văn nghe thật nặng “quốc hồn quốc tuý”, liệu tiếng Nghệ có hội đủ những tinh hoa tuyệt vời như nhận xét, đánh giá của tác giả Thái Hữu Thịnh? Thiết nghĩ, từ “tiếng Nghệ” nói ở đây được hiểu là cách phát âm (thổ âm) của người Nghệ (bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) thì về mặt ý nghĩa nó cũng như tiếng (phát âm) của cư dân ở mọi vùng miền khác. Nếu cho rằng nó có biểu cảm thì sự biểu cảm đó chỉ thể hiện ở âm thanh là nặng hay nhẹ, trong hay đục, chứ làm sao mà biết “nó chứa chất trong lòng sức nặng ân tình” và nhất là: “ Tiếng Nghệ đã tự cất cánh bay lên một tầm cao thẩm mỹ”!?. Luận về tiếng Nghệ, cách nay 200 năm, Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1758 – 1827) đã viết trong sách “Nghệ An ký rằng (dịch nghĩa): “Thổ âm người Nghệ An đục và nặng (trọc) nhưng đều có thể bắt chước tiếng khác được. Vì rằng, nặng thuộc âm cung (một trong ngũ âm) mà âm cung thì thuộc hành thổ, hành thổ thì không phải chính ngôi (ngôi cố định) và không thành tính (tính cố định) đều có thể nhờ ở bốn hành mà vượng lên, cho nên hiện ra âm thanh cũng thế. Nhưng người các xã Hoàng Trường, Vạn Phần, Hạnh Lâm, Cao Xá thuộc huyện Đông Thành (nay là Diễn Châu), thổ âm thiên về âm thương và âm chuỳ thì không thể bắt chước tiếng ở nơi khác được. Còn như người các xã Kim Nguyên, Ngô Trường huyện Chân Phúc (nay thuộc TP Vinh) và xã Hà Linh huyện Hương Sơn thì âm rất nặng, tức là hành thổ niêm trệ thì không thể biến hoá được”. Nhận xét trên của Bùi Dương Lịch là chính xác nếu chúng ta để ý thì thấy rằng rất nhiều con em người Nghệ đi ra xứ người đã học rất nhanh tiếng (thổ âm) địa phương đó, hoàn toàn không ai biết để mà trách cứ “chửi cha không bằng pha tiếng”. Ngay ở Đài TNVN và Đài THVN có một số phát thanh viên là người Nghệ chính gốc nhưng đọc và nói rất chuẩn mà điển hình là Sĩ Lương (Hồ Sĩ Lương) người xã Quỳnh Châu, Quỳnh Lưu – phát thanh viên Đài THVN – có giọng đọc “hút hồn” người nghe!

Thứ hai: “ Cái đáng chê là người Nghệ không hiểu biết tiếng Nghệ. Phải chăng họ đã quên mất mình là người Nghệ. Người Nghệ thì phải nói tiếng Nghệ (......). Người Nghệ, xứ Nghệ cần giữ gìn bản sắc văn hoá của mình là tiếng Nghệ nếu không muốn bị hoà tan mất gốc”.
Thiết nghĩ, trừ những người gốc Nghệ nhưng sinh sống ở xứ người từ tấm bé lại ít có điều kiện về thăm quê quán thì “không hiểu biết tiếng Nghệ” là thường tình; còn thì chẳng ai là người Nghệ với nhau mà khi trao đổi, chuyện trò lại phải vay mượn tiếng địa phương khác để mang tiếng “họ đã quên mất mình là người Nghệ”?! Và nữa, xưa nay chẳng ai lại buộc “Người Nghệ thì phải nói tiếng Nghệ” – có thể dùng từ “nên” thay cho từ “phải” thì còn dễ xuôi tai hơn. Nếu hễ “Người Nghệ phải dùng tiếng Nghệ” thì khi đi ra làm ăn ở các vùng, miền xa khác chắc phải thuê “phiên dịch”, nếu không, cứ ở nhà mà giữ lấy “bản sắc văn hoá của mình là tiếng Nghệ...”!... cũng cần nói thêm là coi bản sắc văn hoá của người Nghệ là tiếng Nghệ thì liệu có chính xác? Tiếc là do khuôn khổ của bài viết nên chưa thể trao đổi được.

Thứ ba: “... Chúng tôi đề nghị Đài PTTH Nghệ An, trong các buổi phát thanh, truyền hình, nhất là chương trình thời sự, phải phát âm bằng tiếng mẹ đẻ, tiếng Nghệ, cụ thể là tiếng Vinh...”.

1. Hiểu thế nào là “tiếng mẹ đẻ”? Theo cách hiểu của chúng tôi thì  “thì tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ của dân tộc mình, chứ không phải là tiếng địa phương, vùng miền. Cho nên, tuy cùng người Nghệ An nhưng “tiếng mẹ đẻ” của người Kinh khác người Thái, H’ Mông.v.v...

2. Vinh là nơi đô hội, hiện tập hợp nhiều cư dân ở các vùng miền khác (không chỉ riêng Nghệ An) đến sinh sống nên âm thanh giọng nói của người Vinh hiện nay thật đa dạng, không thể nói rằng “Âm sắc tiếng Vinh nhẹ, hay nhất, chính xác nhất”. Nếu nói là tiếng Vinh gốc chưa bị pha trộn nhiều thì đó là phát âm của người Hưng Dũng gốc. Nhưng tiếng Hưng Dũng lại chẳng khác mấy tiếng Nghi Lộc vốn dấu ngã, dấu hỏi thì đều đọc thành dấu nặng mà Bùi Dương Lịch đã nhận xét là “âm rất nặng, tức hành thổ niêm trệ thì không thể biến hoá được”. Theo chúng tôi, đúng là đội ngũ phát thanh viên Đài PTTH Nghệ An còn có giọng đọc chưa thật chuẩn, rất cần được uốn nắn nhưng bằng cách thức và biện pháp nào thì đang là cả một vấn đề “lực bất tòng tâm”.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

        Tìm thấy 3 sắc phong quý thời vua Minh Mạng

Các cán bộ Bảo tàng Quảng Nam vừa sưu tầm được 3 sắc phong quý có từ thời vua Minh Mạng được lưu giữ tại nhà ông Trần Ngọc Minh (thôn Thuận An, Tam Anh Bắc, Núi Thành).


Qua sự giới thiệu của ông Trần Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Núi Thành, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Trần Ngọc Minh (hay còn gọi là Kinh, sinh năm 1931), một cựu chiến binh đang lưu giữ 3 sắc phong quý có từ thời vua Minh Mạng. Qua trao đổi và thuyết phục, ông Minh đã đồng ý giao 3 sắc phong này cho Bảo tàng Quảng Nam để bảo quản và trưng bày vào ngày 31-7-2010.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/sp.jpg

Bảo tàng Quảng Nam trao giấy chứng nhận cho gia đình ông Minh.         Ảnh: A.T

Dù đã trải qua gần 180 năm nhưng các sắc phong may mắn vẫn còn nguyên vẹn và được ông Minh ép plastic bảo vệ. Ba sắc phong đều có kích thước 27cm x 40cm, chữ Hán viết trên giấy dó bằng mực xạ, dấu triện màu đỏ vẫn còn khá rõ nét. Đặc biệt cả 3 sắc phong đều được vua Minh Mạng phong cho ông Trần Văn Thống - cụ tổ sáu đời của ông Trần Ngọc Minh.

Cụ thể, các sắc phong này được vua Minh Mạng ban cho ông Trần Văn Thống vào các ngày mùng 5 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), 12 tháng 4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) và 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16 (1835). Sắc phong cũng ghi rõ: ông Trần Văn Thống quê ở xã Phước An Tây, huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành). Ông tòng quân phục vụ trong quân đội triều Nguyễn lâu năm, được vua Minh Mạng phong làm Chủ tướng thủy quân thống suất quân đội trong đội phòng vệ thủy binh (gồm có 5 đội). Sau đó ông Trần Văn Thống tiếp tục được cử làm quyền đội trưởng, rồi được phong làm đội trưởng của Đội thủy binh thứ nhất. Do lập được nhiều công trạng, công vụ cần mẫn nên ông tiếp tục được phong bổ sung làm đội trưởng Đội phòng vệ thủy binh, có quyền sai khiến cả 5 đội; rồi được phong làm Võ tướng trung doanh cơ kiêm quản lãnh thủy quân.

Thông qua 3 sắc phong này phần nào cho thấy vua Minh Mạng coi trọng việc tăng cường quân bị, xây dựng lực lượng hải quân, có tư tưởng quân sự lấy thủy quân làm trọng…; về tầm quan trọng của việc bảo vệ vùng biển nước ta vào những năm nửa đầu thế kỷ XIX. Đồng thời, triều đình nhà Nguyễn nói chung, vua Minh Mạng nói riêng cũng quan tâm đến an ninh và phòng thủ biển, cắt cử và chọn người tài giỏi để thành lập những đội phòng vệ thủy quân.

                                                       AN TRƯỜNG

           ST
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam

         Độc đáo nhà mồ của người Cơ Tu  

Ở miền núi phía tây Quảng Nam, người Cơ Tu chiếm đại đa số và chủ yếu tập trung ở 2 huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang. Trải qua quá trình sinh sống lâu đời, họ vẫn giữ lại những di sản văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, trong đó có thể kể đến việc tạo dựng nhà mồ (ping plâng). Đây là một công trình kiến trúc mang tín ngưỡng dân gian, phản ánh những khía cạnh xã hội, quan niệm cổ truyền hướng về tổ tiên, nguồn cội.

Nhà mồ truyền thống của người Cơ Tu tất cả được chế tác từ gỗ, với những dụng cụ thô sơ như rìu, cưa tay, rựa, đục… những nghệ nhân Cơ Tu tạo dựng nhà mồ bằng việc lắp đặt các thanh gỗ bằng mộng, ngoàm sau khi đã chạm khắc và không hề có sự can thiệp của đinh hay keo dán.

Trong đó độc đáo nhất là việc điêu khắc các tượng gỗ rất sinh động, thể hiện tấm lòng nhớ thương, hiếu đạo của con cháu với người đã khuất. Nhà mồ vừa gắn liền với nghi lễ cúng tế ma chay vừa chứa đựng đồng thời giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ Tu.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/dd8810.jpg

Ngôi nhà mồ bằng gỗ (xã ATing - Đông Giang) có thể xem là cổ nhất, đặc sắc nhất của người Cơ Tu.

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/dda_8810.jpg

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ddb_8810.jpg

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ddc_8810.jpg

http://i960.photobucket.com/albums/ae81/lethitam/ddd_8810.jpg

                                               Nguyễn Cường
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Huế và văn hoá Huế trong ‘Từ điển tiếng Huế’

* NGUYỄN THỊ HÒA (Tạp chí Sông Hương)

http://tapchisonghuong.com.vn/images/news/1009010tdthue1.jpg




Không cần phải bàn cãi, Từ điển tiếng Huế của Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức là một tác phẩm Từ điển.
Một quyển từ điển về phương ngữ địa phương Huế mà dày dặn, công phu, với 2050 trang, thể hiện công sức nghiên cứu miệt mài của một vị bác sĩ - nghiệp dư với nghề ngôn ngữ, nhưng đầy nhiệt tình và khá chuyên nghiệp trong nghiên cứu.

Cảm giác khi tra cứu công trình này của tôi là một sự ngạc nhiên và rồi thích thú trước lượng kiến thức mang ý nghĩa nhân học - văn hoá phong phú phơi bày trong tác phẩm. Đây là một khía cạnh thể hiện đặc biệt của tác phẩm, mà theo tác giả đó là tánh cách bách khoa của Từ điển tiếng Huế.

Sự thú vị mang nghĩa nhân học bắt nguồn từ ý nghĩa rằng, các mục từ trong tác phẩm không chỉ là một bản thống kê tiếng Huế, mà nó là một hệ thống ngôn từ của người Huế, trong đó hàm chứa những tư tưởng, kiến thức, quan niệm, tình cảm, lối sống..., hay khái quát hơn là chứa đựng tính đa dạng của nền văn hoá Huế thông qua ngôn từ. Về điều này, tác giả cũng đã nhận thức một cách chủ động trong suốt quá trình biên soạn Về bức tranh văn hoá Huế lồng trong Từ điển tiếng Huế.

Sự thú vị càng ấn tượng khi tôi được tiếp xúc với các yếu tố mà tác giả gọi là Văn hoá đối chiếu(1) trong Từ điển tiếng Huế. Ở góc cạnh này, một số điểm nhấn văn hoá riêng của Huế bàng bạc trong bối cảnh văn hoá tổng thể của quốc gia, của thế giới, đã được tác giả tìm kiếm, chắt lọc, lựa chọn, để rồi so sánh trên từng khái niệm, từng sự vật, hiện tượng, với mục đích muốn nêu lên những nét đặc thù về văn hoá của xứ Huế. Và rồi không chỉ thú vị, tôi cảm thấy tự hào về Huế của mền.  

Trong khi nghiền ngẫm, quả thật chất nhân học thấm đẫm trong mỗi một chi tiết của tác phẩm.

Đó là sự thống kê, phân loại một hệ thống các dạng loại văn hoá đặc trưng của xứ Huế, của người Huế, bao gồm trong các sự vật, hiện tượng của văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần lẫn văn hoá xã hội, cụ thể với các loại bánh, các loại áo, các loại bún, các loại muối, các loại cá, các loại chè, các loại chợ, các loại cơm, các loại củ, các loại cửa, các loại gạo, các loại giếng, các loại hoa, các loại trầu, các loại lúa, các loại ớt, các loại hột, các ngôi làng xứ Huế, các loại lăng, các loại nhà, các loại nước mắm, các loại rượu, các dòng sông, các loại thành quách, các loại tiền, các loại trống, các loại trứng, các ngôi trường, các loại xe, các loại cúng, các loại ma, các vị phật, các vị thầy, các loại hò, các điệu múa, các kiểu ngủ, các loại vè...

Sự phong phú trong thống kê, phân loại mới chỉ phản ảnh một chừng mực. Quan tâm đến những mô tả, lý giải, phân tích về từng sự vật, từng yếu tố văn hoá trong tác phẩm, đó mới chính là phần hồn của Từ điển tiếng Huế.

Chẳng hạn cách lý giải của tác giả rất đậm chất Huế, mang bản sắc đặc trưng con người Huế. Khi mô tả bánh nậm, tác giả dùng các tư... hẩm hẩm, nhuỵ tôm thịt...(2)Dạ! chỉ người Huế mới nói nước ấm là nước hẩm hẩm và chỉ người Huế mới nói nhuỵ tôm thịt, rất gần với nhuỵ bông, không giống với nhưn tôm thịt, mà không là nhưn hoa khi người miền Nam nói về điều này.

Không chỉ có lời, nhiều hình ảnh, hình vẽ đặt cạnh lời, tôn vinh giá trị của sự giải thích. Tôi thích thú với tấm ảnh đậm chất nhân học Vật võ làng Sình(3), bức tranh Chự vịt, Con nấc cụt, mẹ dán lá trầu trước trán(4), Chơi bài chòi(5)... kể cả tấm ảnh gần đây của cố nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba(6) - vị thầy giáo dạy đàn của tôi.

Nhiều vật dụng, nếp sinh hoạt của người Huế cổ xưa, kèm theo cách gọi Huế cổ của nó cũng được tác giả tái hiện, mô tả, phân tích khá hóm hỉnh, sâu sắc như kiểu ngồi xếp bè he(7) với câu vè: Muốn ăn khoai nướng, muốn ăn khoai nấu, ngồi xếp bè he(8). Hay, sự lý giải một cách khoa học về cây thầu đâu (Azadirachta indica A. Juss, họ xoan Meliaceae)(9) mà sau này được gọi theo kiểu hoa mỹ sầu đông. Hoặc, các phân tích về chiếc chẹ(10) một vật họ của chiếc chiếu, khiến tôi chợt nhớ đến câu hò của cư dân các làng Huế ven sông Ô Lâu, ranh giới phía bắc của xứ sở này:

...Đêm năm canh đặt mình xuống chẹ, chẹ chẳng dính lưng,
Ngày sáu khắc bưng bát cơm ăn, mà hai hàng châu lệ, giọt đầm như mưa(11)...

Cũng với cây thầu đâu, tác giả còn vận dụng thủ pháp đối chiếu, dẫn dắt người đọc đến với cây xoan của người miền Bắc, cây sầu đông của người miền Nam ở Việt nam; hoa Lilas Nhật Bản của Âu Mỹ; loài cây Neem của Phi Châu. Và rồi, lại nói đến tác dụng chữa sâu răng từ chiết xuất của loại cây này ở người Ấn Độ... Sự phong phú và thú vị chung quanh vấn đề cây thầu đâu khiến hấp dẫn tôi muốn góp phần mình, rằng: người M’dhur ở khu vực 3 tỉnh DakLak, Gia Lai, Phú Yên Việt Nam, gọi loại cây cùng họ với loại cây này là teng leng. Cư dân thích dùng lá cây teng leng (hlă teng leng) hơ lửa cho dịu đi chất đắng, xắt sợi mỏng hoặc giã nhỏ trộn với kiến vàng và muối ớt để ăn. Đây là một trong những món đặc sản được yêu thích của cư dân tộc người này. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy nhiều mô tả so sánh thú vị khác trong Từ điển tiếng Huế, khi tác giả viết về ngựa Thượng tứ(12)của Huế với horse around của Mỹ, Royal Mews của nữ hoàng Anh. Hay, giải thích bộ phận cơ thể của người phụ nữ nhũ hoa(13) (vú đàn bà) của người Việt liên quan đến quan niệm tính dục của người Mexico...

Hiện trạng đa diện, đa sắc trong Từ điển tiếng Huế, phản ánh kiến thức uyên bác của một người Huế cao niên viết về Huế, phản ánh lý do khiến tác phẩm có thể đạt đến độ dày hằng ngàn trang. Như vậy, Từ điển tiếng Huế càng dày, sự thể hiện đặc trưng Huế và văn hoá Huế càng đa dạng hay chính xác hơn là ngược lại. Bởi thế, là một người Huế, tôi trân trọng những đóng góp cho Huế, về Huế của tiến sĩ, bác sĩ Bùi Minh Đức, tự hào dõi theo độ dày của Từ điển tiếng Huế theo thời gian.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

letam


@ Người Quảng và có thể là người miền Trung cũng vẫn thường nói hâm hẩm là nước ấm ấm hoặc nước muối hay mắm măn mẳn là không mặn quá đấy ạ!
 Vui là chính - Chính là vui!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 6 trang (54 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối