Sông Mê Kông chờ phán quyết
Số phận của sông Mê Kông cùng hàng chục triệu cư dân sinh sống trên lưu vực, đặc biệt là vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tùy thuộc vào phán quyết cho dự án đập thủy điện Xayaburi trong tháng 4.2011.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa để 4 nước thành viên của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đưa ra quyết định cuối cùng về việc tiến hành xây dựng con đập Xayaburi nhưng những người dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án gây tranh cãi này cho rằng họ nhận được quá ít thông tin cần thiết. Các tổ chức phi chính phủ về môi trường cũng đặt dấu hỏi về quá trình tham vấn dư luận của MRC về đập thủy điện này.
Đặt người dân vào thế đã rồi?
Bà Ame Trandem, thành viên của Tổ chức International Rivers, nói với phóng viên Thanh Niên: “MRC bắt đầu công bố tiến trình Quy chế về thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) cho dự án đập Xayaburi vào tháng 9.2010. Đây là tiến trình kéo dài trong 6 tháng và là khuôn khổ pháp lý cho các phiên tham vấn dư luận liên quan. Tuy nhiên đến tận cuối tháng 12 MRC mới đưa ra những giải thích cụ thể về việc triển khai và mới cho biết là sẽ có tham vấn dư luận. Và mãi đến tận tháng 1.2011, chỉ 3 tháng trước khi ra phán quyết cuối cùng, MRC mới thông báo về thời gian diễn ra tham vấn. Lẽ ra, các cuộc tham vấn trên phải được hoạch định ngay từ tháng 9.2010”.
"Nếu đồng ý cho xây dựng đập thủy điện Xayaburi sẽ tạo một tiền lệ xấu cho những công trình còn lại"
Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT
Trả lời Thanh Niên qua e-mail về vấn đề trên, Giám đốc điều hành Ban Thư ký của MRC, ông Jeremy Bird, nói: “Tất cả những thông tin liên quan đến thiết kế con đập và quan ngại về hệ lụy môi trường - xã hội của nó đã được chúng tôi trình bày cặn kẽ đến mọi thành viên tham dự các phiên tham vấn ở từng nước. Chúng tôi cũng vừa được Ủy hội sông Mê Kông Lào thông báo là nghiên cứu khả thi của con đập Xayaburi đã được cập nhật trên website Xayaburi.com”.
Tuy nhiên, bà Trandem cho rằng báo cáo trên không chuyển tải đầy đủ các thông tin quan trọng về dự án đập Xayaburi. “Điều quan trọng là báo cáo chỉ mới được công bố gần đây, sau rất nhiều phiên tham vấn dư luận và chỉ được thể hiện bằng tiếng Anh, thì liệu nó có đến được với hàng triệu người đang sinh sống ở lưu vực sông Mê Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi con đập này hay không?”, bà đặt vấn đề.
Phát biểu trên tờ Cambodia Daily mới đây, Giám đốc Diễn đàn NGO Campuchia, bà Chhit Sam Ath cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu các thông tin dự án được công bố.
Bảo vệ cho vựa lúa của thế giới
Ông Roãn Ngọc Chiến, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Vĩnh Long, nói: "Không nên cho khai thác thủy điện trên dòng chính và cần bảo vệ quan điểm này tới cùng vì tác động của nó đến sản xuất nông nghiệp là điều không thể tránh khỏi, trong khi ĐBSCL có tới 80% dân số sống bằng nghề nông và 70% diện tích đất nông nghiệp. Vì vậy, bảo vệ ĐBSCL cũng có nghĩa là bảo vệ cho vựa lúa của thế giới".
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, trong mùa nước nổi năm nay, mực nước cao nhất ở vùng ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm đến 40 cm là một dấu hiệu rất đang lo ngại. Nếu nước từ thượng nguồn bị giữ lại thì tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở hạ nguồn sẽ càng gay gắt hơn. Còn khi ở thượng nguồn xảy ra lũ, các đập thủy điện đồng loạt xả nước thì vùng hạ nguồn cũng sẽ lãnh đủ. Như vậy, ĐBSCL sẽ chịu tác động kép giữa cường độ dòng chảy của sông Mê Kông và tình trạng nước biển dâng.
Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mê Kông VN, khẳng định: “Xây dựng các công trình trên dòng chính sông Mê Kông sẽ gây ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ đối với khu vực hạ nguồn. Nếu đồng ý cho xây dựng đập thủy điện Xayaburi sẽ tạo một tiền lệ xấu cho những công trình còn lại. Chúng tôi sẽ đề nghị MRC quốc tế nghiêm túc xem xét vấn đề này một cách cẩn trọng. Trước tiên là lùi thời hạn ra quyết định cho phép xây dựng các đập thủy điện để nghiên cứu thêm”.
Ẩn họa Xayaburi
Đập Xayaburi nếu được chấp thuận sẽ nằm cắt ngang sông Mê Kông, thuộc phần lãnh thổ của Lào ở vị trí cách ĐBSCL
1.930 km, cách biên giới Thái Lan về phía nam (tỉnh Chiang Rai) 365 km. Diện tích bề mặt hồ chứa rộng 49 km2, chiều dài đập 820m, độ cao đỉnh đập 280m, công suất lắp máy 1.285 MW, khả năng xả lũ (thiết kế) 47.500 m3/giây. Theo dự kiến con đập sẽ xây dựng trong 8 năm, tức hoàn thành vào năm 2019. Chủ đầu tư là Công ty SEAN & Ch.Karnchang Public (Thái Lan).
Theo các tổ chức môi trường, nếu đi vào vận hành, đập Xayaburi sẽ hủy hoại vĩnh viễn môi trường sống và hệ sinh thái của sông Mê Kông, đẩy 41 loài cá tới nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng tới phương kế sinh nhai cũng như an ninh lương thực của hàng chục triệu người trong khu vực.
Trong hội thảo tham vấn được tổ chức tại TP Cần Thơ vào giữa tháng 1.2011, các nhà khoa học đều nhất trí không nên xây dựng bất cứ con đập nào trên dòng chính sông Mê Kông, hay ít nhất là lùi thời hạn xây dựng đập để nghiên cứu một cách nghiêm túc hơn.
Theo dự kiến ngày 22.4 năm nay, MRC sẽ có quyết định cuối cùng về con đập Xayaburi.
Thiếu thông tin
Trên thực tế, hội thảo tham vấn quốc gia về công trình thủy điện Xayaburi tổ chức tại TP Cần Thơ hôm 14.1.2011 cũng chỉ có hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học và lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL, hoàn toàn không có đại điện của những cư dân sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án này.
Trong kế hoạch hội thảo ngày 22.2 tới tại Quảng Ninh cũng chỉ lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan quản lý môi trường, các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành, cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và một số đại diện các hiệp hội ngành nghề liên quan, không có sự tham dự của người dân vùng ĐBSCL.
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Ủy ban (UB) sông Mê Kông VN cho rằng, tài liệu về đập Xayaburi còn thiếu nhiều thông tin chi tiết về kỹ thuật và đánh giá tác động; không xem xét đánh giá tác động lũy tích và xuyên biên giới, thiếu thông tin về các biện pháp giảm thiểu. Còn đánh giá chi tiết từng nội dung của tài liệu thì đều không đầy đủ, thiếu cơ bản và thậm chí nhiều nội dung không có trong báo cáo. Trước mắt, UB sông Mê Kông VN sẽ yêu cầu cung cấp những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất để làm cơ sở đánh giá.
Theo ông Nguyễn Thanh Nguyên, thành viên UB sông Mê Kông VN, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, thì “chỉ nên đồng ý cho xây dựng khi có những luận cứ khoa học đầy đủ chứng minh nó không gây ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu”.
Nên hoãn lại 10 năm nữa
Trao đổi với Thanh Niên, TS Tô Văn Trường (Ban chủ nhiệm Chương trình KC08/06-10 của Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết: “Hiện nay, Thường trực Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo nhưng theo quy trình thủ tục thông báo tham vấn trước và thỏa thuận trong MRC, phía Lào đã chuyển tài liệu cho VN từ tháng 10.2010 thì đến tháng 4.2011 (sau 6 tháng) phía VN phải chính thức trả lời. Trách nhiệm chính tham mưu cho Chính phủ là Bộ TN-MT và UB sông Mê Kông VN. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đang gấp rút hoàn thành báo cáo dự án Quy hoạch tổng thể thủy lợi ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng”.
Về dự án thủy điện Xayaburi, ông nói: “Tôi ủng hộ giải pháp hoãn lại 10 năm để tiếp tục nghiên cứu”.
Mai Hà
PGS-TS Hà Thanh Toàn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ có ý kiến: Để tăng tính khách quan và độ chính xác trong việc nghiên cứu những tác hại mà các đập thủy điện có thể gây ra đối với môi trường và hệ sinh thái vùng hạ lưu, MRC cần thành lập một hội đồng khoa học gồm các nhà nghiên cứu có kinh nghiệm lâu năm của các nước tham gia, cũng như sử dụng các tài liệu nghiên cứu chính thống của các quốc gia thành viên.
Mai Hà - Chí Nhân
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm