Em Trang à,
Đúng, đây là một đề bài rất rộng. Nhưng em vẫn có thể viết khoanh vùng được. Ví dụ, em có thể xây dựng dàn ý đề bài theo kiểu.. Phần đầu nói về ý của mình (lý thuyết) và phần 2, để chứng minh, em lấy một tác phẩm văn học hoặc 1 tác giả có những tác phẩm trực tiếp đả động nhiều đến "tình thương" ấy.. để làm minh họa. Cuối cùng, cái ý mà em nói, chỉ là những liên hệ sau cùng.
1. Trước hết, em phải định nghĩa được:
- Thế nào là tình thương? (Theo em?)
- Tình thương có những khía cạnh nào? (Thương yêu người với người - chạnh lòng khi thấy cảnh thương tâm, thông cảm với nói đau của đồng loại, căm thù cái xấu cũng là 1 khía cạnh của tình thương, muốn chia sẻ, muốn dùng sức mình làm điều tốt cho mọi người...., thương yêu loài vật, thương yêu quê hương đất nước.. vân vân) - Rất rộng, nhưng tuỳ em khai thác, có thể gói gọn trong mấy ý đầu mà chị vừa nêu cũng đủ - nó tương tự như khi nói về lòng nhân đạo vậy)
- Tình thương ấy thể hiện như thế nào? (những suy nghĩ, những hành động...?)
Tất cả những điều trên, em đều có thể dùng tác phẩm văn học chứng minh (tác phẩm VH có thể lấy cả đông tây kim cổ, không nhất thiết là hiện đại. Ví dụ những tác phẩm của Nguyễn Du.. thấm đẫm tình thương con người, chị nhớ hồi xưa được học nhiều bài của Nguyễn Du, em có thể tìm trên Thi Viện). Còn không, em có thể viết những câu chuyện thực mà em chứng kiến.
2. Nói về "cuộc sống hiện đại"
Tại sao đề bài lại nêu "cuộc sống hiện đại" nằm trong tương quan so sánh với Giá trị của tình thương? Phải chăng người ra đề muốn nhấn mạnh rằng hiện nay, một số những giá trị nhân bản như thế đã bị hao mòn đi, bị mất mát đi nhiều trong tâm thức những con người sống ở xã hội hiện đại?
Vậy, nếu em không nghĩ như thế, em hãy phân tích... ở cuộc sống hiện đại, cụ thể là cuộc sống của các em bây giờ, "tình thương" ấy có thể thể hiện như thế nào?
- Xã hội hiện đại có đặc điểm gì? (về cuộc sống, tốc độ sống, tính chất con người trong XH hiện đại có gì khác với xã hội xưa...)
- Nhưng, những điểm chung của xã hội - cho dù là hiện đại hay là không hiện đại - vẫn là những gì? (Bản chất con người hướng tới những điều tốt đẹp hơn, những giá trị tinh thần quan trọng như tình yêu, tình mẫu tử, tình bạn... vẫn là bất biến ---> mà những cái đó là gốc của tình thương...)
- Từ đó em chứng minh, trong xã hội hiện đại ta không thể coi nhẹ giá trị của tình thương, nó là gốc để xã hội phát triển tốt đẹp hơn.
- Em có thể lấy ví dụ những bài thơ, trong đó có nói về tình thương này. Gấp quá chị chưa nghĩ ra nên lấy bài thơ nào, nhưng chị nhớ 1 bài thơ của 1 bạn nhỏ cùng trường chị, viết rất xúc động khi thấy cảnh một cô bé ăn mày đang hát. Chỉ là một niềm xúc động thôi cũng đã nói lên "tình thương" rồi. Khi người ta không biết xúc động trước những cảnh đó nữa, thì lúc ấy, tình thương đã không còn.
Chị chép vào đây cho em bài đó nhé:
VŨ DUY HƯNG
học sinh lớp 10
TIẾNG HÁT NGƯỜI ĂN MÀY
Có cô bé ăn mày
Hát rong trên đường phố
Cô bác người qua chợ
Cũng đứng lại lắng nghe
Cô bé hát say sưa
Quên phận mình hành khuất
Mải mê em hát mãi
Bài hát người ăn mày
Bài hát nghe rất hay
Mà tôi đành lảng tránh
Tôi không dám đưa gì
Sợ lòng em chợt thức...
3. Em mới lấy ví dụ những điều em định nói. Song theo chị, hãy bắt đầu từ những cái nhỏ hơn, đừng vội nhắc đến các nhà hảo tâm.
Ví dụ, phong trào hiến máu..., phong trào mùa hè xanh của sinh viên.. những cái này em biết hơn chị. Nói đến những điều mà lứa tuổi bọn em đã muốn làm, đã làm để chia sẻ với những cảnh đời ít may mắn hơn em.
...
4. Kết luận
Tình thương là một khía cạnh tình cảm rất rộng của con người. Nó là lòng nhân đạo, là cái gốc để hình thành nên phong cách sống của một con người, là cái gốc để làm nên một xã hội có tình người, một xã hội tốt đẹp mà nhiều người chúng ta vẫn mơ ước.
Với xã hội hiện đại và những con người hiện đại, "tình thương" vẫn giữ nguyên những giá trị mà nó đã có trong xã hội xưa. Chỉ có thể, nó được thể hiện khác hơn, nó phải được thể hiện mang tính tích cực hơn. Ví như Nguyễn Du chạnh lòng thương người ăn mày, nhưng ông không thể làm gì để cuộc sống người ấy tốt hơn. Còn các em, trong xã hội mới, các em có thể thương, và còn có thể biến tình thưong ấy thành những hành động... Ví dụ thế...
Em bắt chị trả lời nhanh quá, chưa kịp nghĩ kỹ, nhưng mà, hy vọng cũng gợi cho em được những ý gì hay ho hơn.
:)
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."