Đọc bực mình thế nhể! Tức quá, mình phải gửi vào đây trích đoạn về Thày của mình lấy ở blog, Thày dạy Văn của mình ở trường cấp III.. Tất nhiên là chỉ một đoạn nhỏ thôi vì nhiều cái riêng tư quá :P
Thày Túc và môn Văn trong trường phổ thông.Dế con vẫn thường gọi “Ông Túc, bà Châu” đấy. Thày nay già đi nhiều rồi, yếu đi nữa. Những năm vừa rồi, thày ốm nặng nhiều lần. Lần nào nhận được tin Thày ốm, tôi cũng đau nhói ở tim cũng một cảm giác sợ hãi mà tôi từng gặp trong giấc mơ ấy.
Nhớ ngày đầu tiên gặp Thày trên lớp – một người giản dị vô cùng, đội chiếc mũ “bán phở” màu trắng rất buồn cười, giọng ấm và hơi… khê vị thuốc lá. Thày hút thuốc lá nhiều kinh khủng. Đúng là một thói quen rất “hư” của Thày.: Thày hút cả khi đang dạy học, à tất nhiên là sau khi đã xin phép các trò. Nhưng chả đứa nào dám “không cho phép” cả! Hôm đầu thú thực tôi không thích mùi khói thuốc, lại còn ngồi bàn đầu nữa chứ, nhưng cắn răng chịu đựng. Song, khi Thày cất giọng giảng bài được độ 10 phút, thì tôi bắt đầu thấy cái mùi thuốc lá này thật dễ chịu! Hì hì.
Buổi đầu tiên, thày đưa ra một cuộc trắc nghiệm thú vị. Thày vẽ lên bảng cảnh một góc nhà: một chiếc đi văng, phía trên là bức tranh biển, trên nữa là ngọn đèn nêông… Thày vẽ nhanh và đẹp lắm. Vừa vẽ, vừa tả tỉ mỉ bức tranh với cảnh bình minh trên biển, tả màu tường, tả góc nhà… Rồi thày ra đề: “Hãy viết một câu tả chiếc đi văng”.
Hôm ấy, khối đứa trong lớp chúng tôi bị lừa: đi văng không tả, lại cứ lan man cảnh biển cảnh trời. Tôi thì sáng suốt lắm, chẳng bị lừa, nhưng câu văn tôi viết Thày phê là: “Dài dòng… Nhưng không lạc đề và đầy cảm xúc!”
Dài dòng thì đúng rồi. Câu ấy tôi tả chiếc đivăng cũ kỹ đã sờn đặt trong góc nhà mới sơn lại, như một hợp âm trầm trong cả bản nhạc đang dâng.. gì gì đó… Đại để là có đến năm sáu cái dấu phẩy.
Cái lời thày phê tôi ấy nó đúng đến tận bây giờ. Cố tật của tôi là viết rườm rà, kề cà, kể lể… nhưng cũng vẫn như thày nói, đầy cảm xúc . Mà có lẽ vì nhiều cảm xúc quá nên không biết bỏ cái gì, nói cái gì… đâm ra cái gì cũng nói. Và cũng vì thế mà tôi chẳng hợp với một nghề nào cả: tôi chìm đắm trong những cảm xúc của mình, không biết dùng lý trí để nhặt ra những cái cần, cái đủ, không biết kiềm chế tình cảm, vì thế mà luôn luôn “đi bên cạnh cuộc đời”là vậy!
Buổi đầu làm quen với Thày, chỉ mới một buổi thôi, tôi đã thấy mình lúc thì cười, lúc thì muốn khóc. Thày có giọng nói ấm áp và nhỏ nhẹ chứ không hùng biện như thày Vĩnh trên lớp, nhưng cách nói của Thày, nói những điều sâu sắc thì làm người nghe bồi hồi, mà nói đến những chuyện dí dủm thì lại luôn tạo hiệu quả “bất ngờ”, khiến cả lớp cười nghiêng ngả. Đêm ấy về nhà, tôi kể mãi kể mãi cho bố tôi nghe về Thày… đến nỗi cụ tò mò quá, sau này đến làm quen với Thày bằng được!
Từ bé đến lớn, tôi vẫn được mệnh danh là học sinh giỏi văn, hì hì. Nhưng, chỉ đến khi học Thày Túc, tôi mới sáng mắt ra rằng tôi chẳng hiểu gì về môn Văn cả! Tôi thích tưởng tượng, viết bằng trí tưởng tượng là nhiều. Thày Túc dạy cho tôi biết nhìn nhận môn Văn như một môn khoa học, chẳng khác gì môn Toán. Bài giảng của Thày luôn bắt đầu bằng mục: “Cơ sở khoa học”… Nhờ có Thày, tôi biết cách mở bài logic, không sa vào thói trích dẫn lằng nhằng vô nghĩa như trước đó tôi từng làm. Thậm chí sau đó, với mỗi đề bài, tôi luôn tìm được 2, 3 cách vào đề khác nhau, và… dán nó thêm vào bài làm để Thày… tham khảo hì hì. Nhờ có Thày, tôi biết cách vạch ra luận đề , luận điểm một cách cụ thể, biết cách tự lên một barem để chấm bài cho mình. Nhờ có Thày, tôi hiểu rằng, nếu nhìn nhận môn Văn trong trường phổ thông một cách đúng đắn, thày cô giáo có thể cho học sinh điểm số tuyệt đối, không khác gì môn Toán. (Rất nhiều thày cô ở cấp 2 cho điểm môn Văn thường giới hạn ở điểm 8 – khiến đôi khi có cảm giác, môn Văn là một môn khó học thành tài được!).
Và tôi bắt đầu trò chơi: thầm cho điểm bài làm của mình, xem có khớp với điểm thày chấm không. Rồi tôi thầm tự hào rằng điểm tôi tự cho mình ấy thường chỉ chệch với thày độ ½ điểm!!! Lại khoe khoang một tí: Thi thử Đại học môn Văn, tôi được 9 ¾ điểm mà chẳng quá mất công ngồi ôn tập! Chẳng là hồi đó, học tập bố tôi, ghi bài trên lớp, khi nào tôi cũng lăm lăm trong tay 3 cái bút: Màu xanh, màu đỏ và bút chì! Thói quen này của tôi bị cái Yến nó trêu suốt vì vở tôi đủ thứ màu. Nếu đưa đi thi vở sạch chữ đẹp, chắc bị xếp hạng bét. Bù lại, tôi có một cuốn vở còn đầy đủ hơn sách giáo khoa. Lề để rất rộng (theo lời khuyên của Thày) để tôi ghi chép thêm những gì tìm hiểu được hoặc những điều còn ngờ vực, dành để hỏi lại thày. Bút chì dùng để ngoáy những ý Thày nói mà tôi không kịp viết đủ, về đến nhà, từ những nét bút chì ấy, tôi mới viết thêm ra cho đủ. Bút đỏ dùng để viết những ý nhấn mạnh. Tóm lại, chưa bao giờ tôi phải ôn bài môn Văn khi đến mỗi kỳ thi. Những nét xanh đỏ lòe loẹt ấy đã in dấu đậm trong đầu rồi mà!
Đáng tiếc là sau một thời gian đi xa, về đến nhà, những cuốn vở Văn yêu quý đã bị đem ra đồng nát. Nghĩ đến thì đau lòng, nên tôi cố không nghĩ đến nữa… Cả những tập bài làm văn của tôi nữa, cũng mất mát nhiều, giờ chỉ còn một tập có 5, 6 bài gì đó… Còn những bài viết năm lớp 12 thì đã không cánh mà bay!
Thày tôi... Thày giảng bài thấm thía lắm, và biết cách gợi cho học sinh suy nghĩ chứ không áp đặt.. cứ đọc đều đều cho trò ghi ở dưới như nhiều thày cô khác. Thày còn khuyến khích giờ nghỉ, có câu hỏi nào là mang ra hỏi thoải mái. Thật là tội cho thày, có mấy phút giờ nghỉ mà thày phải trả lời đủ các câu hỏi của lũ trẻ con, luôn khen ngợi nếu có câu hỏi nào sâu sắc và ... hóc búa. Cách dạy ấy của Thày cho chúng tôi niềm say mê với môn học tưởng chừng rất mông lung này. Môn Văn đối với tôi không còn mơ hồ nữa, nó đúng là một môn khoa học, hơn thế, lại là khoa học về con người, và học cách làm người!
TA. Trường PTTH Hà Nội _ Amsterdam
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."