Trang trong tổng số 18 trang (173 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ huong nhu:  Ở Ngọc Chiến có một bản(làng) Người Hmong (Mèo),NK đã công tác nhiều năm Ở Sơn la, sống chung với đồng bào nên đã khái quát hoá về cái độc đáo phi thường của Dân tộc này bằng một bài thơ(đã được đưa vào tuyển tập thơ Việt Nam):
       
      NGƯỜI HMONG
Như con ngựa phi trên đỉnh núi
Chân người Hmong không biết mỏi bao giờ;
Như con Gấu ở đầu ngọn suối
Nhà người Hmong ở giữa sương mù;
Như mật trời cất trong hang tối
Đời người Hmong xưa bếp lửa âm u.

Đã đi cày phải cày lật đất
Đã đi săn phải bắn được Nai
Đã đi chợ phải ăn"thắng cố"
Đã yêu ai phải "cướp" được ai
Đã đi học phải hay con chữ
đi đó đây
kể cả nước ngoài.
Cãi lý với người Hmong phải mệt
một ông Đồ Nghệ hoá thành hai.

Người Hmong mình hiên ngang lắm chứ
vai đeo "lù cở"
tay súng dài...
Đã trèo dốc
đá tai mèo phải vỡ
Đã xay ngô thành bột mới thôi
Tay kéo bễ khoan nòng súng thép
Rèn lưỡi gươm chẳng sợ cường quyền
Với đồng chí bà con thân thiết
Người Hmong ta khẳng khái dịu hiền.
Cắt khúc nứa cất thành tiếng Sáo
Chúm làn môi thành một tiếng đàn
đưa ánh mắt dang vòng tay thành múa
Chắp những đoạn tre thổi rộn rã tiếng khèn...

Người Hmong mình bỏ cây thuốc phiện
tìm cái cây đổi mới cuộc đời
đuổi ma đói,xây Mường Bản mới
Vườn cây xanh điện sáng ngang trời

Ôi Mường Bản quê hương Mèo Vạc
từ Bắc Hà đi tới Quế Phong
Ở đâu xanh cánh rừng mới mọc
Ngựa hí vào Mường Bản người Hmong.
        Nguyễn Khôi-Sơn La 1993
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

huongnhu

@ Chú: Hay ghê ạ. HNhu đọc mấy lần luôn đó chú. HNhu cảm ơn chú nhiều.
HNhu thích như hai anh, chị mà chú nói. HNhu thì gan cùng mình, chỉ có điều, HNhu hông có anh nào giống như anh trai nọ.
Cho nên, HNhu sẽ tới Ngọc Chiến theo cách của HNhu. :D
Thế nhân một đoá Vô thường, hiếm hoi!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

NanLan

Chúc bạn Hoa núi một mùa Giáng vui vẻ đầm ấm nhé. Chúc bạn cùng gia đình đón năm mới may mắn bình an

              Merry X-mas & Happy New Year!
Có ai quay lại mùa Thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ hoanui 74 & huongnhu:
Ở ngoài Bắc có câu"Chè Thái(Nguyên)-Gái Tuyên(Quang)có nghĩa là:Chè Tân Cương 0wr Thái Nguyên là ngon,Gái Tuyên Quang là đẹp,chả thế mà NK trong bài thơ " Gửi Tuyên Quang" c0s 2 câu:
   đêm HaNoi đã nhạt mùi hoa sữa
   tưởng tóc ai phảng phất hương rừng...
Tuy nhiên, Gái Sơn La: da trắng nõn nà,đôi mắt đen lấp lánh,với:
   Ngực như đồi đưa bầu trời lại
   Suối tóc buông tiếng gió thì thào...
thật đúng là Hoa hậu Xứ Mường,để NK đã phải đặc  tả :

      NGƯỜI ĐẸP SƠN LA

Người đẹp Sơn La khác xa người đẹp nơi khác
Người đẹp Sơn La
               mời rượu
là say
dìu múa
      đủ xoay ba vòng núi
Cho ăn nếp xôi
            đủ sức đi Bộ đội.
Người đẹp Sơn La
              tình tự
                     như đưa ta lên đỉnh Pu Luông ( úi cao).
Người đẹp Sơn La
Không chỉ là Mẹ
         là chị
         là vợ
         là em
mà còn đi làm cán bộ
         tung cánh CÒN
                     đưa Mường Bản vào xuân.
Tôi yêu Người đẹp Sơn la
từ buổi đầu mới gặp
cùng trèo núi
           thả gió vào nương
Gieo
   một mùa hạnh phúc.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

@ Khoi Dinh Bang
Bài thơ hay quá, cháu đọc mà thấy tâm hồn bay bay chú ah.
Kỷ niệm chú nhớ nhất ở Sơn La là gì ạ? Cháu rất tò mò ạ.:)
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

LỄ HỘI HOA BAN Ở SƠN LA

  Mùa xuân về, cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông trở nên ngọt ngào hơn. Ánh mặt trời trải toả lên những vùng đồi núi trùng điệp và đám mây từ từ tan loãng. Đó là khi những bông hoa ban nõn nà đua nhau nở trên nền thảm xanh tươi của núi đồi Tây Bắc.

  Hoa ban bắt đầu nở từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 Dương lịch. Vào mùa hoa nở rộ thì trên cây không còn chiếc lá nào mà chỉ còn toàn hoa là hoa. Những cánh hoa trắng nõn nà, hương thơm dịu mát, ngọt ngào, đem lại cho mọi người sự phấn khởi, tươi vui của mùa xuân mới. Rừng cây, suối nước bỗng trở nên đẹp hơn. Tiếng chim muông rộn ràng ca hát. Cảnh sắc, con người rực rỡ trong mùa hoa ban.

  Đối với người Thái trắng ở Sơn La (và người Thái trắng nói chung) hoa ban là loài hoa của tình yêu - hạnh phúc, của đạo hiếu và lòng biết ơn. Bởi vậy, khi núi rừng đã ngập tràn sắc trắng của hoa ban, mọi người lại cùng nhau bước vào ngày hội chơi núi hái hoa ban.

  Cây ban, giống như cây sim rừng, nơi nào đất núi, đất sỏi là nơi đó ban mọc và nở nhiều hoa trắng đẹp. Con trai, con gái vùng Sơn La hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa ấy là hoa ban, tiêu biểu cho quê hương vùng Tây Bắc. Hoa ban là hoa của tình yêu, hoa của ước mơ trường thọ và là hoa của những con người trẻ mãi không già... họ ao ước như cánh chim bạn xinh đẹp kia!

CHUYỆN TÌNH HOA BAN

  Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường - vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái Sơn La lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xoè và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thuỷ như đôi Ban - Khum.

Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi
Mỗi mùa bạn lại thêm trẻ ra, không già...


TÌNH CA THÁI

  Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng. Xưa kia Hội Hoa Ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái, ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ. Hoa ban nở đều khắp cả suối, cả đồi, cả rừng là năm ấy trời không mưa dai quá mà không nắng gắt quá! Và năm đó người ta ít lo lắng về nắng hạn cũng như lũ lụt.

  Từ sáng sớm, khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng. Người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Ăn uống no say, mọi người cùng đổ ra rừng tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trong trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng của tình yêu trai gái.

  Do yêu hoa, con trai con gái Tây Bắc lặn lội trong những cánh rừng mờ sương ngắm nhìn những bông hoa sáng rực như hạt ngọc, họ hái hoa cài lên tóc, họ còn đem hoa về biếu cho người thân quen nhất để mở tiệc ăn mừng mùa hoa ban nở.

  Hội hoa ban được mở đầu bằng đám rước từ nhà tạo mường ra đình với đầy đủ cờ, lọng, trống chiêng… Các chức sắc của mường dẫn đầu đoàn rước, tiếp đó là các cụ già khăn đỏ, áo vàng, quần chàm, mang theo cung nỏ. Cuối cùng là một số thanh niên trong mường ăn mặc sặc sỡ, mang gươm giáo. Tới đình, sau khi thầy mo cáo thần xong sẽ bắt đầu lễ hiến sinh bằng việc mổ thịt một con trâu mộng ở cạnh đình. Các trò vui cùng các tiết mục ca nhạc của thanh niên nam nữ cũng bắt đầu cho đến khuya.

  Hôm sau, mường vào hội thì bắn súng hoả mai và cung nỏ với mục tiêu là một quả bưởi lăn trên con dốc. Nếu thí sinh bắn đạt cả ba lần sẽ được thưởng một mâm cỗ đầy do chính tạo mường chuẩn bị. Khẩu súng bắn trúng đích được tạo mường đem cáo thần cùng một con dao mới, chuôi bằng ngà voi bên mâm cỗ. Sau đó, cỗ được hạ xuống, mời người thắng cuộc và tạo mường công bố chính thức trước thần linh và bà con dân bản, trọng trách "tuần mường" từ nay sẽ thuộc về người bắn giỏi.

  Ngày thứ ba là của các trò vui: ném còn, ca hát, thổi kèn, thi trâu béo… Đây cũng là đêm cuối cùng nên cũng là đêm vui, lưu luyến nhất của trai gái. Họ vui chơi, truyện trò và dành cho nhau những tình cảm đằm thắm nhất, tặng nhau các vật kỷ niệm: tấm vải thêu, vòng bạc, rượu và cả trầu cau. Sau mỗi hội hoa ban, những tình cảm còn mãi, nên không ít đôi nên vợ nên chồng, và có những cặp, hẹn nhau mùa ban nở sang năm lại tìm về trao lời thương, câu nhớ.

  Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa đẹp trên bàn thờ như thể biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong trắng và thương tâm, thủy chung của chàng Khum và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca:

Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ
Ta yêu nhau khi ban nở trên cành
Ban sẽ héo, mong ban trở lại cành
Ban sẽ rụng, mong ban rụng về gốc

  Ở đây không có cái say của những cuộc hát đối đáp mà chỉ có nỗi niềm tâm sự, những mơ ước chân thành về hạnh phúc thật bình dị .

Hoa ban nở, hoa ban tàn
Tình ta đẹp như hoa ban
Còn dài lâu thì như hoa nào
Hỡi người ta yêu...


  Trai gái rủ nhau lên rừng và rủ nhau ra bờ suối hát giao duyên bên những con thuyền đuôi én. Trong ngày hội trên dòng Nậm Na thường diễn ra các cuộc hát giao duyên giữa nam và nữ trên những con thuyền đuôi én thả trên dòng nước. Các cô gái thì cầm ô (dù) ngồi ở mũi thuyền bên cạnh những đóa hoa ban tươi thắm. Còn các chàng trai thì ngồi ở đuôi thuyền vừa đánh đàn tán gẫu vừa thổi sáo.

  Tiếng đàn tiếng hát cứ quyện vào nhau, trôi theo dòng nước lững lờ vào cõi mộng. Nếu thuyền tấp vào bến nào, thì chàng trai cô gái sẽ nhảy lên bờ cùng nhập vào dòng người mà đi vào rừng ban, cùng ca hát, nhảy múa đón năm mới tốt lành. Những cánh hoa ban đẹp nhất được chọn riêng, xếp cạnh nhau trên bãi. Thế rồi, tiếng khèn và tiếng trống cất lên như mời gọi. Tất cả cùng nắm tay nhau bước vào điệu xòe cứ mỗi lúc mỗi rộng thêm khi có nhiều người nhập cuộc.

  Tiếp theo điệu xòe vòng, các cô gái với dải lụa đỏ thắm trên vai duyên dáng trong điệu xòe khăn, rồi tiếp đến xòe quạt, xòe nón... cuốn hút mọi người.Tan cuộc xòe, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản dự cuộc vui uống rượu cần truyền thống. Hội Hoa Ban cũng là hội cầu mùa cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về cuộc sống thanh bình, no ấm, đồng thời cũng là dịp lễ để trai gái gần gũi, tìm hiểu nhau qua tiếng hát, tiếng đàn, điệu múa ngày xuân.
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

hoanui74

http://infomap.vn/userfiles/image/article/vn/NgheThuatTruyenThong/78_82_khanpieuthai-netvanhoadoc_2008222163044.jpg

http://vovnews.vn/Uploaded_VOV/vuhanh/20090220/Det-vai.jpg

http://lh4.ggpht.com/_7Q1zr-Vh6Cg/SUt9Q9wxCoI/AAAAAAAACk8/uAVz-dMFUVs/IMG_0339.JPG
THỔ CẨM SƠN LA

  Cơm lam, rượu cần, múa xòe... là những đặc sản nổi tiếng bạn sẽ có dịp thưởng thức khi lên với Sơn La. Một thứ "đặc sản" khác của vùng đất này mà du khách không thể không nhắc tới, đó là thổ cẩm - món quà kỷ niệm quý giá, mang đậm nét đẹp của vùng sơn cước.

  Sơn La nổi tiếng với những cô gái Thái xinh đẹp, múa xòe hay. Hơn thế nữa, họ còn rất khéo tay trong việc dệt thổ cẩm. Ðến nơi nào của Sơn La bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc khung cửi dệt vải thổ cẩm. Các cô gái Thái trước khi về nhà chồng phải biết dệt thổ cẩm và thêu thùa. Bằng chứng là trước khi về làm dâu họ phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng một bộ chăn đệm, trong đó có một chiếc khăn Piêu tặng mẹ chồng. Ðiều đó chứng tỏ, người Thái coi thổ cẩm là một phần trong đời sống vật chất và tinh thần của mình.

  Ðến bản làng dân tộc vào thăm một gia đình người Thái, bạn có dịp chiêm ngưỡng những chồng chăn đệm sặc sỡ, được trang trí bằng thổ cẩm. Ðó là kết quả công sức bao tháng ngày của các bà, các chị, các mẹ. Người Thái tự hào vì sản phẩm vải thổ cẩm của mình.

  Cầm trên tay mảnh vải thổ cẩm bạn có thể cảm nhận được mầu xanh của cây cối, mầu vàng, trắng, hồng, đỏ của hoa rừng, mầu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Những đường nét hoa văn thể hiện nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Thái.

  Những người phụ nữ Thái, hằng ngày vất vả với việc làm nương rẫy, ruộng vườn, có thời gian rảnh rỗi là họ dành cho việc làm thổ cẩm. Vì thế mỗi đường nét thêu trên mảnh vải còn thấm đượm tình yêu lao động, yêu quê hương, đất nước của người phụ nữ Thái. Ðó còn là đức tính cần cù, hay lam, hay làm và khéo léo của người Thái. Vì thổ cẩm được dệt hoàn toàn bằng tay nên độ chặt, lỏng, mềm cứng của sản phẩm đều có thể theo ý muốn của người làm ra nó. Họ có thể dệt nên những miếng thổ cẩm để trang trí cho từng loại sản phẩm mà họ cần. Tính cách và tuổi tác được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của người Thái. Với những cô gái Thái đang yêu thì không thể giấu nổi tình cảm của mình bằng những gam mầu sáng chủ đạo. Còn những người phụ nữ lớn tuổi thì thiên về những gam mầu trầm, về những đường nét rắn rỏi và đậm nét suy tư.

  Nghề dệt thổ cẩm của người Thái Sơn La đã có từ rất lâu đời. Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, sản phẩm thổ cẩm được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng, một phần để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình.

  Ngày nay, kinh tế thị trường đã phát triển, thổ cẩm đã có mặt trên thị trường, thậm chí nó còn được người tiêu dùng ở các thành phố lớn yêu thích. Nhưng không phải lúc nào người tiêu dùng ở thành phố cũng có thể mua được thổ cẩm của những người dân tộc, đặc biệt là của người Thái. Vì nhiều sản phẩm thổ cẩm đang bán ở các thành phố được dệt bằng các thiết bị công nghiệp nên chất lượng kém, chỉ dùng một hai lần đã có hiện tượng xô vải, bạc mầu... Trong khi, thổ cẩm của người Thái dùng đến lúc sờn đường thêu và hỏng vải nhưng các đường nét hoa văn vẫn gần như còn tốt.

  Thổ cẩm của người Thái và nhiều dân tộc khác chất lượng khá tốt nhưng lại không đủ để cạnh tranh trên thị trường. Vì hầu hết các sản phẩm thổ cẩm đều được làm thủ công. Khung dệt thổ cẩm thô sơ, được các bà, các chị tạo nên từ những thanh tre, ống nứa. Cách làm, công cụ thủ công như vậy nên sản phẩm tạo ra không được nhiều. Phần lớn chỉ là mặt chăn, mặt gối, riềm chăn đệm, ri-đô, khăn Piêu...

  Thổ cẩm của người Thái Sơn La với những họa tiết hoa văn phong phú, nhã nhặn đã chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng trong nước và quốc tế. Nhưng hiện nay, Sơn La chưa có được những làng chuyên dệt thổ cẩm. Do sản xuất còn manh mún, tự phát nên nhiều sản phẩm tạo ra không phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Hội khoa học kinh tế tỉnh Sơn La đã cùng với các bản làng có nghề dệt thổ cẩm tìm ra hướng đi mới cho ngành sản xuất này. Trước hết là việc đầu tư có hiệu quả vào trang thiết bị sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm trên cơ sở những mô tuýp truyền thống, kết hợp với những nét hiện đại, tạo cơ hội để các gia đình các làng bản có nghề truyền thống được tham gia các hội chợ để tham khảo nhu cầu thị trường, thị hiếu tiêu dùng, nhằm cho ra đời các sản phẩm thích hợp.

  Giữ được nghề dệt thổ cẩm là giữ được những nét văn hóa cổ truyền của người Thái. Nếu biết kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm ở Sơn La sẽ tạo được những mặt hàng kinh tế cao, có giá trị trên thị trường. Người Thái Sơn La tự hào vì có sản phẩm thổ cẩm. Qua bao đời nay đã chứng tỏ một điều thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái. Nó là biểu tượng của văn hóa Thái.
"Loài hoa núi sắc và hương dịu lắm
Với thời gian năm tháng chẳng phai màu"...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ hoanui 74 : Kỷ niệm sâu đạm nhất của NK ở Sơn La là "Tình yêu"-Năm 1964 NK là chàng kỹ sư 26 tuổi bị 1 cô nữ sinh 17 tuổi hớp hồn,Một tình yêu sét đánh (đi suốt cuộc đời).Đây là bài thơ tỏ tình:
          ĐÊM TRĂNG CẦU TRẮNG
        Trăng hé lên.Anh đợi đến...trăng tàn
        Anh ngồi với ánh trăng ôm ấp
        Khi em đến Mặt trăng vừa lặn  mất
        Em lại thành ánh sáng một vầng trăng.
                   (trên suối Nậm La 1964)

           HOA LAY ƠN
        Dịu dàng một đoá Lay ơn
        Đêm trăng hè ấy bên vườn em trao
        Gió sương chừng cũng ngọt ngào
        Để con suối nhỏ thì thào cùng yêu.
             (T.X Sơn La 1964)

         ĐỈNH ĐÒI BAN TRẮNG
        Đỉnh đồi Ban trắng chờ ta
        Rung rinh cánh bướm ,la đà mắt ong
        Hát ru ai đó bình bồng
        Để Khăn Piêu trải nằm cùng ngắm hoa.

Và tuần trăng mật ở Chiềng Ly (Thuận Châu):
        ...không ở rể mà vẫn là rể quí
        để mỗi năm lại lên tết Chiềng ly.
             (bản Chiềng Ly-1966) NK

Và để rồi: Đêm Hà Nội đã nhạt mùi hoa sữa
          Tưởng tóc ai phảng phất hương rừng...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ hoanui : nhân cảm về thổ cẩm Sơn La
        
            
                                                                                                                                                                                                                            

@ hoanui 74 : Nhân cảm về thổ cẩm Sơn La
       LŨNG LUÔNG
  Hoa mận hoa đào nở sáng Lũng luông
  Tiếng khèn thổi chập chùng nghe mới mẻ
  Váy cô gái Hmong sặc sỡ thế
  Để người già trẻ lại muốn yêu đương.
          (Mộc châu 1980).
       QUA CHÂU YÊN
  Chập chùng đồng đất Châu Yên
  Muỗm xanh xít miệng lại mềm mùi măng
  Liêu xiêu mấy choác rượu cần
  Những say thổ cẩm vang âm tiéng khèn.
             (1966)
       HÁT LÓT
  Lại về Hát Lót cùng em
  Đêm nghe suối hát êm đềm tiếng ru
  Phố đông chợ búa tháng tư
  Vào mùa nhót chín ngọt lừ tiếng chim.
           (1972)
       CẦU BẢN CÁ
  Cầu bản Cá ngàn năm còn xanh đá
  đưa gót son sang bản Cọ,bản Hài
  Em có về làm dâu bản Bó
  Nhớ tiếng chày suối giã gạo hôm mai
               (1971)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Khoi Dinh Bang

@ hoanui 74: nên xem bài "Núi Mường Hung-dòng sông mã"của Cầm Giang và "Tây tiến" của Quang Dũng,có bài viết của NK về 2 Nhà thơ này.Xem xong xin cho cảm nghĩ...?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 18 trang (173 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối