Pham anhoa thân mến!
Cuối năm 2009 mình đọc được bài "Điếu Hà Tây tỉnh" ghi tác giả là Phạm Việt Long, chả biết có đúng không. Mình đọc xong cũng thấy bùi ngùi. Mình vốn dân Hà Tây quê "nụa" nên càng đồng cảm, vì thế đọc xong cũng làm một bài để tỏ lòng ái mộ bác Long (Nay đăng ở đây). Để hiểu được các địa danh của Hà Tây, mình đã phải bỏ mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu (Cả trong mạng và đi thực tế). Riêng việc chú thích về các địa danh đó còn dài hơn cả 2 bài thơ của bác Long và mình. Mình sẽ post dần vào trong này để hoa và ai quan tâm đến danh thắng Hà Tây giành thời gian đọc nhé.
TTT
Xin gửi nén tâm nhang
Kính gửi đến bác Phạm Việt Long
Với tấm lòng ái mộ qua Điếu Hà Tây tỉnh
Bác Long ơi ! Ới bác ơi !
Bác hờ mất tỉnh đến giời cũng thương (1)
Vốn trong ngoài cõi vô thường
Hợp tan, tan hợp đoạn trường cứ trôi
Thế gian vật đổi sao dời
Hôm nao là vũng nay đồi còn đâu
Qua bãi biển, mai nương dâu
Đến giời còn chẳng biết đâu mà lần
Huống hồ chuyện dưới cõi trần
Tách ra nhập lại muôn phần giản đơn
Bác đừng rầu rĩ lệ tuôn
Ngày ba nhập một, ai buồn ai vui ?
Xưa nay thì vẫn thế thôi
Khi cần thì nhập, chán rồi tách ra
Việc này chiến lược quốc gia
Ẩn sâu quốc kế cùng là dân sinh
Quốc phòng gắn với an ninh
Được cho muôn một, có mình có ta…
Một vùng trời đất bao la
Đã sang tên mới ai mà để không
Đất còn hơn cả vàng ròng
Một sinh ngàn lãi thoả lòng mới nghe
Nếu còn để xó nhà quê
Những anh đã chót… cũng chê rằng đần
Nhập vào mưu tính như thần
Miền quê xa lắc nay thành Thủ đô
(Nếu xơi vùng sát cửa ô
Còn bao xương xẩu đợi chờ ai kham)
Làm chi lòng phải nát tan
Sông Đà, sông Tích, Nhuệ giang vẫn còn
Ba Vì, đỉnh Tản chon von (2)
Mấy ngàn năm cũng chỉ mòn tý thôi
Tây Phương La Hán vẫn ngồi (3)
Anh em Vũ Khắc… chưa thôi tịnh thiền (4)
Phù sa bồi bãi Tự Nhiên (5)
Đường Lâm đất kết nên miền hai vua (6)
Thường Tín nổi tiếng từ xưa
Sáu ba tiến sĩ vẫn chưa phai nhòa
Muôn năm khang thái quê ta
Hàng Vân nhất phẩm lụa là Hà Đông (7)
Tám thơm Chợ Cháy vẫn nồng (8)
Nón Chuông ai đội nghiêng hồng má ai (9)
Khung thêu Quất Động trúc mai (10)
Dậy hồn Duyên Thái sơn mài mộng mơ (11)
Sơn Đồng đồ gỗ vẫn chờ (12)
Hữu duyên Trạch Xá mở cờ áo bay (13)
Phú Vinh kết sợi tre mây (14)
Mộc Chàng Sơn vẫn điểm bầy cõi thiêng (15)
Ốc, trai khảm đẹp làng Chuyên (16)
Tiếng thoi Phùng Xá rắc miền quê ta (17)
Bàn tay Thượng Hiệp tài hoa (18)
Tiếng đàn Đào Xá, tiện là Nhị Khê (19)
Ngọt, thơm trắng sữa Ba Vì (20)
Toà sen Đạo Hạnh vô vi chùa Thầy (21)
Chùa Hương, dài nhất hội này (22)
Ai cần tiền gạo, ai say nối giòng ?
Thánh thiêng Đồng Tử- Tiên Dung (23)
Một trong bốn thánh danh lừng nước Nam
Quảng Nghiêm chùa ấy trăm gian (24)
Tuyết Sơn tượng quý còn làm lòng ngây (25)
Ao Vua, thành cổ Sơn Tây (26)
Thanh gươm lấy nước, thành xây chống thù (27)
Khoang Xanh, Bằng Tạ, Đồng Mô (29)
Quan Sơn, Suối Ngọc tha hồ hát ca (29)
Đẹp thay mảnh đất quê ta
Giang sơn quyến rũ ông cha xây nền
Cháu con tiếp bước đi lên
Gậy Trường Sơn in dấu miền gần xa (30)
Tiến lên theo bản hùng ca
Dẫu hy sinh, đặng nước nhà vinh quang
Hôm nay sự nghiệp sang trang
Nếu không còn lũy tre làng có vui ?
Sáo diều sẽ bặt tiếng thôi
Thay bằng kèn trống chơi vơi thương trường
Đoài Đông ngơ ngác phố phường
Gái quê hiền dịu chẳng lường sang sông
Quan trường kẻ ngóng người trông
Dân quê ruộng đất còn không cắm dùi ?
Nhà cao cửa rộng ngậm ngùi
Người giầu cũng khóc bao đời vẫn ghi
Thế thời thời cũng một khi
Đáo giang tùy khúc phải ghi vào lòng
Tích, Đà giăng lụa mênh mông
Quốc Hương ...bóng chiếc...vẫn nồng lời ca
Hà Tây một dải gấm hoa
Không đi đâu mất mà là lên hương
Dù ai chín nhớ mười thương
Không bằng rộng mở muôn đường làm ăn...
Hà Nội 12/2009
Thái Thanh Tâm
CHÚ THÍCH của Thái Thanh Tâm:
(1) Theo tinh thần của tác giả Phạm Việt Long thì tỉnh Hà Tây “ mất” ngày 1.8.2008.
(2) Ba Vì: Là một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha nằm ở ba huyện Ba Vì (Sơn Tây), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách trung tâm Hà Nội chừng 60 km. Ba Vì được coi là núi tổ của Đại Việt, nơi ngự trị muôn đời của Sơn Tinh.
Trên Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên (Còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn). Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản. Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh(Đức Thánh Tản). Ngoài Tản viên, trên Ba Vì còn các ngọn núi cao là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi, Ngọc Hoa- đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ 18, được gả cho Sơn Tinh, núi Vua. Núi Vua cao nhất, tới 1296 m. Trên đỉnh núi vua có đền thờ Hồ Chí Minh.
(3)Chùa Tây Phương: Tên chữ là Sùng Phúc Tự, là một ngôi chùa ở trên ngọn núi Tây Phương thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyên Thach Thất, Hà Tây. Chùa có 72 pho tượng các loại bố trí ở nhiều nơi, trong đó có 18 pho tượng La Hán.
(4) Chùa Đậu: Tên chữ là là Thành Đạo Tự. Ngôi chùa ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Tây. Vì chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ nên chùa được gọi là chùa Đậu và còn có tên là Pháp Vũ tự.
Đặc biệt trong chùa còn hai pho tượng của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã tu ở chùa vào khoảng thế kỷ 17, được tạo thành bằng cách bó sơn ta rồi quang dầu ra ngoài chính thi hài các nhà sư. Đầu năm 1993, Bảo tàng lịch sử Việt nam đã giao nhiệm vụ lập phương án thiết kế và thi công trùng tu hai pho tượng này. Khi chiếu tia X-quang, các nhà nghiên cứu còn thấy rõ xương cốt bên trong thi hài và kết luận rằng: Không có vết đục đẽo, không có hiện tượng hút ruột, hút óc và các khớp xương dính chặt với nhau như thể tự nhiên. Đây là hai vị thiền sư đắc đạo tại chùa, để lại toàn thân xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan.
Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh đã được tu bổ với các kỹ thuật truyền thống như: bó, hom, lót, thí, mài và thếp với các nguyên liệu như sơn ta, vải màn, giấy dó, mạt cưa và đất. Tổng số lớp sơn và thếp vàng là 14 lớp. Trước khi tu bổ, tượng nặng 7 kg, sau khi tu bổ nặng 7,5 kg.
Pho tượng Vũ Khắc Trường đã bị hỏng nặng vào khoảng năm 1983 do am đặt tượng bị ngập sau trận lụt lớn. Tượng hồi đó đã được ông Vũ văn Tuyền, cháu của thiền sư Vũ Khắc trường đắp lại bằng đất sét và sơn ta. Tượng đã được các nhà nghiên cứu sắp xếp lại những xương bị gẫy, xông thuốc 2 lần và phủ xương bằng dung dịch PVC và đưa lại xương vào trong tượng rồi bao kín tượng bằng sơn ta, giấy bản, vải màn, mạt cưa, đất và thếp bạc, chỗ dầy nhất tới 22 lớp. Toàn bộ pho tượng sau tu bổ nặng 31 kg.Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook