Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

NĂM GIÁC QUAN….
(tiếp)


...cho đến một ngày Karen nảy ý chọn nhạc của Ravel để khơi dậy tình yêu của hai người. Chị nói: ”Joey luôn mê nhạc rock, nhưng sau này điệu Bolero đã làm anh vui thícCũng đừng quên những âm thanh khác có thể gợi nên xúc cảm : tiếng sóng biển, tiếng suối chảy róc rách, những tiếng thì thầm êm ái rót vào tai…Amy, 33 tuổi, bảo rằng chị bị tiếng mưa rơi kích thích vì nó làm chị nhớ lại thời kỳ chung sống với chồng, JohnHerdman, 41 tuổi, trên một chiếc thuyền buồm. Họ đã ”chia sẻ” với nhau trong một ca bine dưới boong. Amy giãi bày : “Tiếng mưa rơi trên đầu chúng tôi quá mãnh liệt, đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy được những cảm xúc, khi nghe tiếng mưa”.

Xúc cảm tình dục cũng tiềm ẩn trong những lời lẽ truyền tin . Khi John biết mình không trở về được đúng hẹn, anh đã gửi đi một bức thư mà lời lẽ trong đó không chỉ chứa đựng thông tin, Amy nói: “Khi nhận được thư, tôi biết anh luôn nghĩ đến tôi . Điều đó vừa làm tôi vui, vừa khơi dậy trong tôi cảm xúc yêu đương”.

KHỨU GIÁC :  

Mùi hương cũng là yếu tố quan trọng trong tình yêu. Đó là mùi hương của hoa,xà phòng và nến thơm. Các cặp vợ chồng nên ra cửa hàng để cùng mua loại nước hoa mà mình yêu thích.

KarenShook thích lá dâu tằm phơi khô và mùi của chúng toát lên dưới ảnh hưởng của sức nóng. Khi tạt ngang một cửa hiệu bán nến thơm, hai vợ chồng tình cờ ngửi thấy mùi dâu tằm. Karen nhớ lại : “ Chúng tôi nhìn nhau đằm thắm và… vội trở về nhà sớm hơn dự tính!”.

VỊ GIÁC :

“Một bình rượu , bánh mì và  em”.
Đó là tất cả những ham muốn của nhà thơ Ba Tư OmarKhayyam, ở vào thế kỷ 11, để cảm nhận hương vị yêu đương. Khi mơn trớn, ta đã kích thích sự khoái khẩu và tiếp đó sẽ là những ham muốn ngọt ngào khác xảy ra sau bữa ăn.

Kể từ lúc nếm được những khả năng vô tận của xúc cảm tình dục vợ chồng, ta sẽ dễ dàng hiểu ra sự thoải mái chân thật, không thể tìm thấy được trong mối quan hệ vụng trộm, ngoại tình. Xúc cảm cho phép ta dựng nên mối quan hệ chăn gối và lâu bền, nó nghịch với thứ tình yêu vụng trộm. Nó xây đắp một lòng tin, một sự thanh thản sâu sắc, mà theo lời các chuyên gia, nếu không có chúng ắt sẽ không có sinh hoạt tình dục thăng bằng. Ngay cho dù bạn phát hiện cuộc hôn nhân của bạn bị mất đi hương vị, bạn vẫn có thể tìm lại được xúc cảm tiềm ẩn trong nó. Xúc cảm luôn tồn tại, phải biết vun đắp nó.

Richard Brzeczek là một trường hợp điển hình. Chỉ sau ba năm, Richard chấm dứt mối quan hệ thảm hại đó. Cuộc hôn nhân của ông hồi sinh thật kỳ diệu và nay Liz đã cho ông thấy được mối quan hệ của ông trước kia sẽ không thể nào bền chặt mãi mãi.

Làm thế nào mà Brzeczek phục hồi lại sự lôi cuốn, thú vị trong quan hệ vợ chồng? Họ thường ôm hôn nhau, nắm tay nhau, và cùng xem tivi bên nhau. Đôi lúc Liz bận bịu dưới bếp, Richard vẫn ở bên vợ và nắm tay chị. Thấy chồng dịu dàng, Liz cũng âu yếm vuốt lưng  và vai ông. Richard nói :”Chính những cử chỉ va chạm thân xác rất bình thường này đã làm hồi sinh cuộc hôn nhân của chúng tôi. Nếu tình dục mang lại sự nồng nhiệt cho bạn, thì sự xúc cảm là tia lửa duy trì ngọn lửa trong đời sống “.

Trần Thanh Phong
(Theo Selection)

.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

CÁCH THEO ĐUỔI HẠNH PHÚC
ADAIR LABA



Dường như mỗi ngày có biết bao lời khuyên về cách xây dựng hạnh phúc từ sách, báo, truyền thanh, truyền hình. Thế nhưng hạnh phúc là gì? Định nghĩa một cách đơn giản nhất về hạnh phúc là những điều gì làm cho người ta sung sướng. Những thứ làm cho con người sung sướng trong cuộc sống đó là tiền tài, danh vọng, cơm áo và tình yêu. Và có nhiều người quan niệm rằng hạnh phúc là đạt được những gì ta mong ước, là chọn lựa đúng một sở thích, một hướng đi cho riêng mình...Cặp bài trùng với quan niệm này là ý tưởng cho rằng hạnh phúc sẽ tồn tại vĩnh cửu. Họ bảo rằng hạnh phúc là sự vui thú, sung sướng bất tận, nếu bạn cảm thấy không vui một giây phút nào đó trong cuộc sống thì bạn sẽ không hề có hạnh phúc, hoặc đang có những trục trặc, rắc rối trong niềm hạnh phúc của bạn.

Quan niệm như vậy sẽ đi đến chỗ sai lầm vì hầu hết chúng ta không bao giờ trải qua được sự hạnh phúc vĩnh cửu, trường kỳ. Hạnh phúc là thứ gì đó bình thường hơn và là sự kết hợp giữa nhiều thứ mà theo nhà tiểu luận Hugh Prather thì nó gồm một chút chiến thắng, một chút thất bại, một chút những vấn đề chưa được giải quyết và một chút những thời khắc an bình, thư thái. Nếu bạn thuộc về quan niệm này thì bạn sẽ không cho là bạn đã mất hết niềm hạnh phúc đã đạt được trước đó nếu công ăn việc làm của bạn gặp chuyện rắc rối hoặc tỷ giữa bạn và ông chủ bạn có sự hiểu lầm lẫn nhau. Khi gặp bất cứ chuyện gì rắc rối trong cuộc sống, bạn đừng vội nản lòng mà hãy biết rằng sẽ còn biết bao hạnh phúc khác đến với bạn, chẳng hạn như bằng này tuổi mà bạn đã tạo dựng được sự nghiệp vững vàng cho mình hoặc bạn sẽ gặp lại được người thân yêu đã lâu ngày xa cách, nhớ mong.

Nhưng hạnh phúc sẽ không tồn tại nơi những con người đòi hỏi quá cao, mơ ước hạnh phúc xa rời thực tế ; nó chỉ tồn tại trên các hình thức tương đối giống như FontereILe đã nói :"một trở ngại lớn trên con đường theo đuổi hạnh phúc là trông chờ một hạnh phúc lớn hơn". Hạnh phúc như một vị khách như một bà cô thân yêu mà bạn hằng mong chờ được gặp mặt, đã đến thăm bạn và rồi chợt biến mất đang lúc hạnh phúc của bạn lên cao độ. Bạn không thể ra lệnh cho bà cô xuất hiện, mà bạn chỉ có thể biết bà ta đã đến, có nghĩa là bạn không thể ép buộc hạnh phúc xảy ra nhưng bạn có thể biết chắc nó đã đến.

Vì vậy nếu bạn từ sở làm về nhà với tâm trạng không mấy thú vị, đầy những nỗi lo toan trong cuộc sống thì bạn hãy ráng làm một điều gì đó như nhìn ông mặt trời đang lặn ở phía xa, nhìn những dòng người đang hối hả ngược xuôi với những biểu hiện vui vẻ, sung sướng trên nét mặt của họ, hoặc nhìn lũ trẻ đang vui vẻ nô đùa trong ánh dương đang nhạt dần để tâm hồn bạn trở nên thư thái, hân hoan. Muốn nhận được hạnh phúc, trước nhất phải biết chia sẻ hạnh phúc với mọi người. Như vậy chăm chút, chia sẻ những gì đẹp đẽ, thân thương, đầy tính hướng thượng, khích lệ ngay trong cuộc sống của bạn là cách tốt nhất để theo đuổi hạnh phúc.

Bạn cũng nên nhớ rằng hạnh phúc là một thái độ chứ không phải là một tình trạng . Những sự việc như bạn giặt giũ trong khi nghe nhạc, bỏ ra một giờ thú vị sắp xếp lại căn phòng của bạn hoặc cả gia đình bạn quây quần bên nhau trong bữa cơm tối đều là những biểu hiện của hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là lời hứa hẹn xa xôi "sẽ có một ngày khi...", mà nó sẽ xuất hiện bất cứ khi nào ngay trong giờ phút hiện tại. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, may mắn hơn nếu bạn yêu tha thiết cuộc sống đang ngự trị nơi bạn.

Xét về khía cạnh tình yêu thì trong đời sống lứa đôi, tình yêu không phai nhạt, cả hai người đều biết hướng tâm hồn đến nhau gọi là hạnh phúc ; hoặc mái ấm gia đình hoà thuận , con cái biết vâng lời cha mẹ, vợ chồng biết cảm thông nhau, nhường nhịn lẫn nhau, không nuôi trong lòng tư tưởng phản bội, gọi là hạnh phúc. Muốn theo đuổi hạnh phúc này, điều trước tiên hai vợ chồng phải biết quên mình, đặt trách nhiệm tinh thần lên trên mọi thứ trách nhiệm thông thường trong lòng con người; hai người phải biết hướng tư tưởng của mình đến chỗ hoàn thiện, hoàn mỹ ; đưa tình yêu đến một vai trò thiêng liêng, thiết yếu, phải coi tình yêu là một cứu cánh của cuộc đời ; tính bác ái, tinh thần phục thiện và lòng vị tha phải được khai thác tích cực. Ngoài ra, trong đời sống vợ chồng, phải biết tha thứ cho nhau, bỏ qua cho nhau và thương yêu nhau trong tình thương chân thật, có như vậy con người mới hoàn toàn hạnh phúc. LeIend Easter Wood có lần đã nói :"Muốn đạt được hạnh phúc trong gia đình, muốn có một người bạn đời lý tưởng, việc đó không quan trọng bằng tự hỏi chính mình đã là người lý tưởng chưa?".

Cuối cùng, hạnh phúc là sự chọn lựa và hạnh phúc đến hay không đến đều do bạn quan niệm thế nào về nó. Nhưng điều đặc biệt là bạn phải biết nắm bắt nó kịp thời lúc nó xuất hiện, tựa như một quả bóng đang dập dềnh trên biển trời trong xanh.
                                                  
LINH LAN

(Theo Glamour và Readers Digest 7/1993)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

SAI LẦM LỚN NHẤT CỦA ĐỜI TÔI
HAROLD S. KUSHNER
Đàn ông chúng ta thường say mê danh vọng và đánh mất những gì trong cuộc đua chen vì danh vọng. Hãy nghe lời tâm sự của một giáo sĩ rất thành đạt về sự nuối tiếc của ông khi đã muộn màng ….



  Tôi có đủ lý do để hài lòng về cuộc đời tốt đẹp của mình. Tôi cưới Suzette đã 31 năm và được 2 đứa con tuyệt vời. Tôi là một giáo sĩ thành đạt, được kính trọng. Chúng tôi có một căn nhà đẹp và tiền bạc để đi chơi đây đó.
        Nhưng nếu tôi có thể thay đổi thứ gì, thì đó chính là những năm tháng tôi lao đầu vào công việc mà quên đi sự mong mỏi, những nhu cầu của vợ và con. Như phần lớn đàn ông, tôi đặt công việc, nghề nghiệp lên hàng đầu. Công việc chính là “người đàn bà thứ hai” đã tước đoạt thời gian và sức lực mà đáng ra tôi phải dành cho gia đình. Một đoạn trong bài thánh ca khi còn trẻ tôi thường hát vào buổi tối đã khuyến cáo mọi người về vấn đề gia đình của họ như sau : ”Họ bảo tôi giữ các vườn nho, nhưng vườn nho của chính tôi tôi lại không giữ được”.

        Suzette luôn nói rằng tôi đã phạm sai lầm, bọn trẻ cần và muốn có sự quan tâm của tôi. Hơn nữa, thật chẳng công bằng tí nào khi dồn hết trách nhiệm chăm sóc bọn trẻ, từ những viên thuốc tới những câu chuyện cổ tích bên giường ngủ, lên vai cô ấy. Lẽ ra tôi phải cùng vợ chia sẻ những năm tháng kỳ diệu khi bọn trẻ đang khôn lớn. Cáu kỉnh, tôi giảng giải với cô ấy là tôi liên miên ở cơ quan không phải vì ở đó vui thú hơn ở nhà. Đó là một công việc nặng nề và vô vị. Hơn nữa, tôi đi làm là vì cô ấy và bọn trẻ. Đọc chuyện cổ tích bên giường ngủ đâu phải là cách duy nhất bày tỏ lòng yêu thương. Cho bọn trẻ ăn uống no đủ, quần áo ấm, một mái nhà đẹp, ai học ở trường tốt cũng là cách biểu thị tình thương yêu.

        Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra mình đã dành quá nhiều tâm tư và sức lực cho công việc. Tôi đã tự phủ nhận mình qua công việc. Tôi ước gì mình nghe lời Suzette sớm hơn. Gần đây tôi có đọc một bài báo về hội chứng ”Lạy Chúa, đó là ngày thứ hai”, về xu hướng nhiều người mong chờ ngày làm việc vì chán ngấy những ngày nghỉ cuối tuần tại nhà. Thực tế, nhiều người tin rằng việc kiếm tiền là đáng giá hơn việc rèn luyện tâm hồn con người, làm việc với người khác hơn là vui thú với con cái. Tôi cũng như họ, đã hiểu sai ý nghĩa của sự thành đạt.

        Khi còn trẻ, tôi không chỉ lừa dối gia đình mà còn tự lừa dối mình. Tôi cảm thấy tức tối khi những giáo sĩ khác có giáo đoàn lớn hơn hoặc thu hút nhiều người đến với họ hơn. Thay vì vui mừng cho thành công của họ, nhận ra họ và tôi cùng phục vụ cho một mục đích, thì tôi lại chỉ thấy rằng thành công của họ đã chứng tỏ sự yếu kém của tôi.

        Tôi đã từng nghe một ca sĩ hát dân ca về người cha của mình : “Trong tất cả những người tôi yêu, tôi biết cha tôi ít nhất”. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là  : Đúng, tôi có thể nói như vậy về cha tôi. Và phản ứng tiếp theo của tôi là : Liệu bọn trẻ có nói về mình như vậy không?

        Dường như sự kiện này xảy ra với phần lớn đàn ông chúng ta. Chúng ta khẳng định bản thân mình qua việc tìm kiếm quyền lực, chứ không phải bằng các mối liên hệ nhân tính. Theo truyền thống, xã hội đã huấn luyện đàn ông thích nghi với sự ganh đua, cạnh tranh và không phù hợp với những tình cảm thân mật. Mặt khác, phụ nữ đã bị đẩy sang cực đối lập. Song ngày nay, phụ nữ đã tham gia công tác xã hội ngày càng nhiều, Họ cũng lao vào cuộc ganh đua mạnh mẽ không kém gì nam giới. Họ cảm thấy bán bất động sản lý thú hơn việc thay tã lót. Phụ nữ đã tiến bộ hơn nhiều. Cuộc đời đâu chỉ có sự chiến thắng mà còn có cả sự chia sẻ và thương yêu.

         Không phải đến 50 tuổi tôi mới nhận ra vợ tôi nói đúng. Song tôi đã không chịu thay đổi trong những lúc sáng suốt. Tôi cũng không chịu thay đổi sau cái chết vì bệnh hiểm nghèo của đứa con trai Arson 14 tuổi. Tôi đổi thay vì đơn giản là tôi đã già hơn. Tôi ngạc nhiên tột độ cảm thấy tự do, từ bỏ những tham vọng thời trẻ của mình. Mặc dù đã quá muộn để tìm lại những năm tháng của thời mới cưới, thời mới làm cha. Tôi biết một số kẻ thật đáng thương khi ở tuổi 40 họ nói với cậu con trai rằng : “Bố đã dành thời gian cho công việc quá nhiều, sai lầm rất lớn con ạ ! Từ giờ trở đi, bố sẽ quan tâm đến các con nhiều hơn”, thì chỉ được cậu thiếu niên đáp lại : “Vâng, thưa bố, điều đó thật tốt đẹp, song con đã có những kế hoạch khác !”. Bạn có thể làm gì để sửa chữa những hối tiếc nửa đời người như vậy? Hãy thử hỏi một công chức già hơn bạn khoảng 10-15 tuổi rằng : “Ông ước sẽ làm lại gì khi ở tuổi tôi?” Câu trả lời nhất định sẽ là : “Tôi muốn ở nhà nhiều hơn để không đánh mất địa vị của người cha !”.

        Peter Lynch, một nhà đầu tư nổi tiếng đã làm cả phố Wall kinh ngạc vào năm 1990 khi ông từ bỏ công việc kinh doanh 14 giờ một ngày với hàng triệu đô la lợi nhuận, để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Ông nói : “Với con gái tôi, tôi có thể đi dạo phố, đi chơi trong công viên, trượt băng. Trước kia tôi ít khi có dịp làm như vậy. Song chưa quá muộn để làm lại từ đầu”. Ông tin tưởng mình đã làm đúng. Ông nói : “Tôi chưa hề biết một người đàn ông nào lúc lâm chung lại ước ao rằng mình phải dành nhiều thời gian cho công việc hơn nữa. Tôi chỉ biết những người luôn ước ao tìm lại những phút giây hạnh phúc gia đình đã vuột mất mà thôi”


Bùi Quang Vinh       
( Theo Reader’s Digest )
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

    “CON LÀ QUYỂN TỪ ĐIỂN NHỎ CỦA BỐ”        
Bố tôi bị điếc, mặc dù vậy chính người đã dạy tôi cách lắng nghe.


Khi bố trở về là lập tức nhà rộn lên những tiếng cười  giòn giã. Bố mạnh mẽ và điển trai với mái tóc đen dày gợn    sóng    hay phủ loà xoà xuống đôi mắt đen tươi cười. Khi bố tôi hôn tôi, tôi hay đẩy hàng ria mép cứng của bố ra khỏi lớp da mịn màng của tôi. Đôi tay dày và gai cứng của bố tôi thường dậy mùi thơm dìu dịu của lông ngựa ở xưởng nhồi đệm bông.

Bố là Benjamin. Nhưng đối với tôi, đó là Bố Ben, còn đối với mọi người – đơn giản là Benny.
Bố tôi , cũng như mẹ tôi, đều điếc. Vì thế tôi lớn lên trong hai thế giới, một thế giới thu hẹp của riêng mình và thế giới tiếng động bên ngoài. Tôi rất thân thiết với sự tĩnh lặng và cả ngôn ngữ của nó.

Mẹ tôi bị điếc bẩm sinh. Còn bố, vào năm hai tuổi. Người bị mắc chứng viêm tuỷ cột sống. Đến gần tuổi đi học, khả năng nghe của người càng giảm và cuối cùng mất hẳn, ngay cả những hồi ức về âm thanh cũng không còn.

Hồi đó bố tôi là một cậu bé sáng dạ, nhưng trí thông minh của người đã bị nhốt kín. Bị mất hẳn ngôn ngữ, vào lứa tuổi mà trẻ con bắt đầu chơi với vần và âm, bố tôi đã bị tách hẳn khỏi trí tuệ của mình. Với thời gian, các giác quan của bố trở nên sắc sảo nhưng vẫn không thể bù đắp được những mất mát từ thủa ấu thơ. Bố tôi không thể theo dõi được dòng chảy của từ ngữ, hàng này sang hàng khác, trang này sang trang khác.

Mặc dù vậy, Bố Ben vẫn không hề nản chí. Người đã biến nỗi đau thành sự khôi hài.   “hãy biết cách cười cuộc sống. Điêù đó giúp con người dễ chịu đựng hơn trong lúc gian truân" .

Vào một buổi tối khi mẹ cho tôi một ít tiền để gọi điện thoại cho bố ở xưởng nhồi đệm bông, tôi đã bắt đầu hiểu một cách chua chát về sự sợ hài hước mà bố tôi thường nói.
Tôi quay số và bảo người đàn ông vừa cầm máy. “Cháu muốn chuyển lời nhắn đến ông Sidransky”.“Tôi không biết ông Sidransky nào cả - giọng ông ta bực dọc. “Đó là bố cháu, tên Ben. Bố cháu bị điếc” – Tôi giải thích.“Ồ bé con , cháu muốn nói đến Gã Khờ chứ gì! Sao không nói ngay?”.Tôi không nhớ được phần còn lại của mẩu đối thoại. Chỉ trừ chữ “Gã Khờ” cứ ong ong trong đầu tôi.

Suốt thời thơ ấu tôi đã từng nghe mọi người bảo cha mẹ tôi câm và điếc. Tôi luôn đau khổ và giải thích với mọi người rằng họ chỉ điếc, không hề bị câm và cũng chẳng khù khờ.

Tôi tuyệt vọng và giận điên người lên. Ngày hôm sau tôi hỏi bố : “Tại sao bố  lại để họ gọi mình là “gã khờ”? Bố là người thông minh và tên của bố là Benjamin”. Nhưng bố tôi chỉ mỉm cười buồn bã : “Đúng vậy con ạ. Bố biết bố không phải là một” Gã  Khờ”, và thế là đủ rồi” Trong thế giới  của những người bất hạnh, bị khoá chặt trong sự câm lặng nặng nề, bố tự hài lòng với chính mình. Nhưng tôi thì không !. Nhìn thấy sự tức giận của tôi, bố tôi bảo : “Con đừng buồn. Mỗi ngày bố sẽ cố hoàn thiện đầu óc mình, mỗi ngày bố sẽ học thêm những từ ngữ mới, và con, Ruth bé bỏng của bố, con sẽ là cô giáo ! Con là cuốn từ điển của bố”.
Tôi ôm choàng lấy người.Từ lúc đó, sự tức giận lẫn xấu hổ đã kết tụ trong tôi một quyết tâm. Tôi đọc từ điển mỗi ngày, hấp thụ ngôn ngữ và giảng lại từng chữ cho bố tôi. Bằng cách này, bố đã đánh thức trong tôi một khát khao cháy bỏng đối với ngôn từ.

“Bố sẽ bảo cho con biết”, bố ra dấu và kéo ghế lại gần tôi. “Ngôn ngữ luôn sống động, nó như một con người, như một dòng sông. Ngôn ngữ luôn biến động. Đừng bao giờ nói  rằng con đã biết một ngôn ngữ!”. Bố tôi hiểu ngôn ngữ theo một cách mà tôi chẳng bao giờ hiểu được. Nó reo vui trong chính tâm hồn nồng nhiệt của bố.

Tuy nhiên kiến thức không phải là điều duy nhất mà bố tôi tìm kiếm. Chính phương pháp, chứ không phải là kết quả, đã làm bố mê say. Bố dạy tôi một nghệ thuật đặt những câu hỏi. Nếu tôi không hiểu lời giải đáp của thầy giáo, bố cho là tôi đã hiểu sai.
“Con thông minh hơn thầy giáo! Vậy con hãy hỏi một câu khác và hãy chắc chắn rằng lần này thầy sẽ hiểu những gì con muốn hỏi”. Lần này tôi trở nên rất khéo léo và tự tin trong giao tiếp.

Rồi đến một ngày, những giấc mơ của tôi hứng chịu một sự phản bội phũ phàng. Bố bảo tôi : “Vào đại học không phải là điều quan trọng đối với con gái. Bố đã làm lụng vất vả. Bố đã mệt mỏi. Đã đến lúc con cũng phải làm việc để phụ giúp gia đình”.

Tôi nhìn bố trân trối, không quan tâm và cũng không hiểu được những gánh nặng mà bố phải mang. Tôi hẳn đã phải gào lên : “Con muốn vào đại học. Con muốn trở thành một con người”. Nhưng tôi lẳng lặng quay lưng và chạy trốn. Tôi đến nhà bạn gái Julia và ở đây đến tối mịt. Mẹ đi tìm tôi .“Con muốn học. Con muốn trở thành một cô giáo”. Tôi nức nở“Chúng ta sẽ giải thích với bố sau . Bố rất ân hận”.

Khi chúng tôi chậm rãi trở về nhà, bố bước lại gần tôi. Bố ra dấu : “Đừng giận Bố Ben. Bố yêu con, Ruth bé bỏng của bố. Con sẽ đến trường. Bố sẽ đi với con, và con sẽ lại dạy bố, phải không con yêu ? “

Những năm tháng ở trường đại học trôi qua tuyệt vời. Khi tôi trở về nhà, bố tôi, vẫn thường đòi hỏi ở tôi một trí óc tìm tòi, thường nói : “Nào hôm nay con đã hỏi giáo sư những gì ?”.

Vào một buổi chiều tôi vui sướng chạy ào về nhà. “Con đã thắng một giải thưởng mẹ ơi !”. Tôi ra hiệu : “Con đã đạt được một chiếc chìa khoá vàng cho công trình nghiên cứu của mình : Phi Beta Kappa “. Tôi đánh vần từng chữ Hy Lạp cho mẹ. Mẹ con tôi nhìn thấy trong đáy mắt nhau những nụ cười rạng rỡ. “Con đã học hành vất vả bao năm tháng. Mẹ tự hào về con, Ruth ạ !”. Mẹ nâng mặt tôi trong đôi tay ấm áp và âu yếm hôn tôi.

Khi bố tôi xuất hiện trên ngưỡng cửa, không kìm giữ được niềm hạnh phúc của mình, mẹ kéo ngay bố vào phòng khách. “Ben, em có một sự ngạc nhiên cho anh đây”. Bố tôi thật sự hạnh phúc, bố hét lên bằng cái giọng ồm ồm của mình, đôi tay vung vẩy. “Chúng ta thật may mắn ! Nói lại cho bố biết tên của cái hội cao quý ấy đi nào !”. Chúng tôi cùng cười, và bố xoa đầu tôi trìu mến. Chỉ đến lúc đó tôi mới nhận ra rằng mình không hề dạy bố. Chính bố đã dạy tôi. Chính bố đã dắt tôi vào cuộc chinh phục đỉnh cao ngôn ngữ. Chính bố đã dạy tôi cách sống thẳng thắn, cẩn trọng, ; cách lắng nghe bằng mắt và cách hỏi bằng miệng của chính mình.

Từ trong câm lặng, bố đã chỉ cho tôi sức mạnh huyền vĩ của ngôn từ.


Theo Reader’ s Digest
,
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Quế Hằng

Chào chị PHL những bài viết của chị thật bổ ích. QH đã đoc chưa kỹ lắm. nhưng thấy nhiều bổ ích. Sẽ rất cần những  bài như thế này. Mỗi người có một khả năng, chúng ta giao lưu với nhau. chúng ta học tập và phát huy những khả năng của mình phải ko chị. Chúc chị vui và hạnh phúc.
Tình anh đẹp như giấc mơ thi sỹ
Em ngỡ ngàng tưởng mình sống trong thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

@ Quế Hằng : Cám ơn bạn ghé thăm! Nhưng không phải bài viết của mình đâu, mà chỉ là có công sưu tầm thôi. Chiều qua vui quá QH ạ!
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
     

SỰ TINH TẾ CỦA TÂM HỒN


 
                             ELIZABETHBYRD

Cách đây một năm, trong chuyến sang thăm Ecosse, tôi có một người phụ nữ bạn đường lớn tuổi, gầy ốm, vốn là chủ trại. Bà bảo rằng tôi đi về phương bắc vào giữa mùa đông lạnh lẽo thế này thật là gay go. Ở đấy thời tiết hết sức khó chịu.

Tôi trả lời rằng tôi không ngại gì bão tố vì phải sưu tầm ít nhiều tư liệu cần thiết để hoàn thành cuốn tiểu thuyết lịch sử, muốn được gặp gỡ chuỵên trò với những người dân sống ở miền quê, làm quen với những truyền thuyết của họ cùng với những phong tục bản xứ hình như không mấy thay đổi , qua bốn thế kỷ.

Bà chủ trại mời tôi nghỉ đêm tại nhà bà:
-Nhà không được lớn, nhưng bà nghỉ lại ở đây sẽ ấm áp hơn. Tôicũng hân hạnh được bà ghé lại, vì tôi cảm thấy cô độc trong lúc chồng tôi   vắng nhà.

Mưa như trút nước khi tôi đến được căn nhà nhỏ bé của bà xây bằng những tảng đá lớn, trên một sườn đồi lộng gió. Bầy chó chăn cừu sủa vang đón tiếp chúng tôi. Tôi bước vào một phòng khách bày biện nghèo nàn nhưng rất sạch sẽ. Bỗng các ngọn đèn nhấp nháy rồi tắt, bà chủ trại thở dài :
-Cúp điện rồi!

Bà thắp nến và nhóm lửa thì có tiếng gọi cửa. Bà đến mở cửa cho một cậu bé, giúp bỏ áo choàng và chiếc mũ nồi đẫm nước. Đứa trẻ đến gần lò sưởi, tôi nhìn qua ánh lửa sáng thấy em tuổi khoảng mười hai, và là một kẻ tật nguyền. Sau khi đã được nghỉ mệt, em nói:
-Ba cháu muốn gọi điện cho bà, nhưng đường dây đã bị cắt. Cháu đến xem bà có bình yên không.
-Cảm ơn cháu, John.

Bà chủ nhà giới thiệu cho mọi người quen biết nhau. Cuồng phong mỗi lúc mỗi mạnh, đập vào những cánh cửa. Tôi nói:
-Tôi yêu bão tố trong cơn lồng lộn, và thích những giờ phút như thế ngồi nhìn ngọn lửa sáng rực trong lò,
Bé John hỏi tôi:
-Bà không sợ sao?
Tôi vừa định nói là "không", nhưng bà chủ trại - một người phụ nữ vững chắc, rõ ràng chẳng biết sợ là gì - vôi vàng trả lời, như đáp ứng lại những gì mà mọi đứa trẻ ước mơ nghe thấy:
-Dĩ nhiên là thấy sợ chứ. Nhưng bây giờ thì đã có được người đàn ông ở trong nhà rồi.

Một phút im lặng, rồi em bé nói: -Để cháu đi xem cửa ngõ đóng kỹ chưa.
Và khập khiễng từng bước, em rời khỏi phòng vẻ ít nhiều quan trọng.

Sự kiện ấy đã làm tôi xúc động, nó tiếp tục ám ảnh tôi suốt nhiều tuần lễ. Tại sao tôi không tìm thấy, như bà chủ trại, một câu trả lời khôn ngoan và đầy trìu mến cho cậu hỏi của em bé?. Và bao nhiêu lần rồi, trong cuộc đời mình, lòng ích kỉ ngăn cản tôi thấy được những sở cầu của người thiên hạ?

Có lẽ tấm lòng của tôi ngủ yên trong nhiều năm rồi, và lần này nó thức dậy, cảm thấy ước vọng lớn lao đuổi bắt thời gian đã mất, trong đó có cả một sự hiếu kỳ nhiệt thành. Do phép màu nhiệm nào mà bà chủ trại đã biến đứa bé tật nguyền thành một con người tự tin như thế? Lòng tốt của bà phải chăng khởi phát từ một bản năng hay từ một sự suy nghĩ? Phải chăng đó là trắc ẩn , là khôn khéo, hay tổng hợp những điều đó? Tôi bỗng nhớ lại thành ngữ mà một triết gia, trong đám bạn hữu của tôi, đã dùng để chỉ hình thức quảng đại như thế, và ông gọi đó là SỰ TINH TẾ CỦA TÂM HỒN.

Nhớ lại, tôi hiểu rằng mình đã từng đã nhiều lần được con người có khiếu ấy cứu đỡ , mình đã cảm động trước một câu nói hay một hành vi thiện ý. Và biết bao lần mẹ tôi cũng đã hành động như thế, khi tôi còn nhỏ và dễ xúc động, bà đã dùng một cử chỉ tế nhị để cho tôi thấy ý nghĩa quý  báu của phẩm giá con người.

Khi tôi lên bảy, một hôm mẹ tôi chuẩn bị chu đáo tiệc trà thết đãi những người bạn thân. Muốn phụ giúp mẹ, tôi đã hái một bó bồ công anh đem đến cho bà. Biết bao người mẹ, sau khi cám ơn con gái của mình, hẳn đã vứt hoa cỏ ấy trong hũ đựng sữa tồi tàn nào đấy, rồi dẹp xuống bếp. Mẹ tôi thì đem đoá hoa đáng thương cắm vào chiếc bình đẹp nhất, đặt trên chiếc đàn dương cầm , giữa hai cây đèn nhiều ngọn khá lớn. Bà cũng tự nén không muốn õng ẹo giải thích cho bạn bè rằng đấy là hoa của cháu bé Betty. Ngày nay, nhìn những bông hoa được trưng bày trong các cuộc họp, tôi nhớ đến niềm kiêu hãnh ngày xưa, khi tôi nhìn thấy những cành hoa dại của mình lại được ưu ái hơn những đoá hồng.

Sự tính tế nơi tâm hồn khởi phát từ mối cảm thông sâu sắc đối với xúc động tha nhân. Khi tôi còn nhỏ, anh tôi đã dạy tôi về điều đó trong một vũ hội. Một cô gái không có gì nổi bật, thẹn thùng ngồi nép mình trong góc phòng. Cảm động trước sự khốn khổ của cô gái đó, anh tôi đến mời cô nhảy và sự kỳ diệu đã xảy ra :cô tìm được sự tự tin, cảm thấy phấn khởi và khá xinh đẹp. Rồi một người khác lại đến mời cô, và cô vui nhảy trọn đêm ấy.

Kiểu lịch sự như thế giúp những liên hệ giữa người thành mật thiết hơn  Trong đời sống vợ chồng, nó đem lại màu sơn mới để cuộc sống chung càng thêm tươi đẹp. Một bà bạn tôi kể lại, ngày bà ở tuổi 40 bà bị suy sụp tinh thần. Ở thời đại đó, con người bị tác động bởi nhiều âu lo xã hội nên không đánh giá được đúng ni tấc mọi việc. Bạn tôi nhìn tương lai rất đen tối, và tự buồn thảm với mình. Buổi sáng hôm ấy, cùng dùng điểm tâm với chồng, bà cố nén lại nỗi buồn nhưng khi người chồng đi làm thì bà ngồi khóc. Buổi chiều khi người chồng về, bà hơi bình tĩnh nhưng không nguôi buồn. Sau khi ăn tối, người chồng bảo vợ:
-Em vào xem các món quà.

Họ vẫn thường mua cho nhau những quà thiết dụng, người vợ nghĩ hẳn chồng mình đã mua cái máy hút bụi mà họ ao ước lâu nay. Nhưng chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy đôi giày cườm thật đẹp và một áo ngủ tuyệt vời. Chị đã kể tiếp:
-Anh ấy không nói lý do của sự lựa chọn, điều đó quả không cần thiết. Tôi biết anh ấy muốn nói gì rồi. Hẳn anh muốn tôi hiểu rằng tôi vẫn xinh đẹp, tôi vẫn đáng yêu, đáng quý. Và điều sung sướng là tôi tin tưởng như thế.

Một tấm lòng tinh tế luôn tìm được cách để tự biểu lộ. Tôi có nghe nói đến một em bé cô độc, gắn bó kì lạ với một món đò chơi của mình, là con gấu nhỏ làm bằng bông vải tồi tàn, một mắt. Hôm em phải đến bệnh viện chữa trị cuống họng, em vẫn ôm chặt món đồ chơi ấy vào lòng. Khi bác sĩ giải phẫu đến, cô y tá đưa tay toan gỡ món đồ chơi ra khỏi tay em bé thì vị bác sĩ nói rất nghiêm chỉnh: -Cứ để yên con gấu đây. Chúng ta còn phải chăm sóc đến nó.

Khi bé tỉnh lại, em thấy con gấu nằm lọt ở tròng lòng gối, và con mắt chột đã được băng bó kỹ lưỡng bởi một bàn tay bậc thầy.

Có biết bao cơ hội để ta thể hiện lòng tinh tế ấy. Một hôm tôi đi chợ với chị bạn và chị để ý đến một em bé trai chừng 8 tuổi phụ giúp người cha bán các mặt hàng rau cải tạp nhạp . Em có vẻ rất tự hào khi bán một mớ bông cải cho bà khách, và chờ bà trả tiền, nhưng bà khách này chẳng để ý gì đến em lại đưa tiền cho người cha, khiến em bé thật bối rối. Bà bạn của tôi thầm nghĩ:"Mình phải nâng đỡ tinh thần chú bé". Rồi bà gọi em, chọn những rau quả, bỏ vào giỏ mình và mặc dầu bà có thể tính toán song đã đưa tờ bạc lớn để cho em bé thối lại. Em phải để mất ít phút nghĩ thầm trong óc, rồi với khuôn mặt rạng rỡ, em trả lại đúng số tiền còn thừa. Bà bạn tôi nói: -Cám ơn cháu nhiều. Thật cô không thể tính nhanh được như cháu vậy.

Vừa liếc nhìn sang cha mình, cậu bé trả lời: -Ồ thưa bà, việc này khó khăn gì đâu.

Nhưng trên thực tế, đó là việc lớn đối với em bé. Và tất nhiên, cả bốn chúng tôi đều cùng cười,do niềm vui từ chuyện nhỏ ấy gây ra.

Người bạn triết gia của tôi nói:
-Kẻ có tấm lòng tinh tế nương nhẹ thể giá của người đối thoại và làm củng cố thêm thể giá đó, như vậy nhân cách kẻ ấy càng được phát triển. Nếu buổi chiều về, bạn thấy đứa con của bạn chạy đến nói cho bạn biết, với vẻ quan trọng:"Má biết chuyện gì xảy ra ở ngã tư chưa?" thì dẫu biết rõ, lòng tinh tế buộc bạn phải tự ngăn lại để nghe con mình kể lể sự việc. Nếu bạn lỡ nói:"Má biết chuyện ấy cách đây có trên cả tiếng đồng hồ" thì điều đó có nghĩa rằng tấm lòng của bạn chỉ chứa đầy bạn mà thôi.


(St)
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.

MÓN QUÀ CỦA BỐ


GARY ALLENSLEDGE


Pooch là con chó cái  lai của bố, to lớn, vui tính và có hai tai cụp. Trên bộ lông trắng và ngắn điểm các chấm nâu giống các tay hề, và nó khá cao nên mũi nó có thể chạm mũi tôi. Bố tôi yêu con Pooch vì những hứa hẹn không đâu. Tôi chỉ thấy toàn là phiền phức.

Pooch vụng về như một con bò đực và thân mật một cách quá đáng – tôi luôn tránh và vặn người vì những chiếc hôn của nó. Nó hơn tôi những 10 kg, và đôi khi đẩy tôi ngã kềnh ra. Là đứa bé tám tuổi, tôi thấy đó là thái độ khó coi và hợm hĩnh.

Mùa hè năm đó tôi được chỉ định chăm sóc cho con Pooch vì bố phải đi miền núi hằng tuần, nơi bố có vườn cây lấy gỗ 200 mẫu và một trại cưa bên con sông Russian thuộc bờ biển phía bắc California. Mẹ tôi và tôi ở nhà vì mẹ không muốn tôi  “lớn lên trong cô độc và man ri mọi rợ trong rừng”.

Bố đội một chiếc nón màu nâu cũ, một vành nón trễ xuống tận mắt, bố có cái nhìn gay gắt : “Đừng - trả - lời – tôi” của Humphrey Bogart trong phim “High Sierra”. Tôi không sợ bố lấy một tí.

“Con phải nghe lời mẹ”, mỗi sáng thứ hai bố răn tôi trước khi ra đi.
“Vâng thưa ngài”.
“Nhớ tưới cỏ mỗi ngày, cắt cỏ mỗi thứ tư”.
“Vâng thưa ngài”.
“Và con Pooch cần một ít bánh vụn, loại bánh ngon và tập cho nó chạy mỗi sáng và chiều”. Chạy với Pooch giống như bị kéo đi bởi một chiếc xe hủ lô đứt thắng.

“Con là người đàn ông của gia đình, hiểu không?”. Tôi nói tôi hiểu, nhưng thực ra tôi không thể tưởng tượng làm thế nào mà lại là một người đàn ông trong gia đình khi phải tiêu phí thời gian quý giá mùa hè để chăm sóc sân cỏ, nuôi con chó mặt mẹt tham lam.

         VA CHẠM
Con Pooch hầu như làm hết mọi hết việc trong việc tiễn bố, nó nhảy chung quanh chân bố, đuôi vẫy như một sơi dây to quất vào cột cờ, cuống quýt, rên rỉ tạm biệt. Bố quỳ xuống nhận những chiếc hôn và gãi tai nó. Tôi nghĩ thật gớm ghiếc khi bị con chó miệng đầy rãi hôn như thế.

Những ngày đó bố và tôi nhìn nhau từ hai bờ vịnh. Khoảng cách yên lặng khó chịu. Nam giới đã tự mâu thuẫn nhau ngay cả trong những vấn đề đơn giản của tâm hồn như yêu và ghét. Từ thuở thơ ấu, bố đã chóng khôn lớn và chai lì, tự lập thân trên đường đời, không khi nào ngửa tay xin ai lấy một xu. Bố đã lưu lạc từ Oklahom đến California, gặp và cưới mẹ khi bố mới 18. rồi bị gọi nhập ngũ.

Sau khi bố chuyển đi Saipan, Thái Bình Dương được vài tháng thì tôi chào đời và tôi lớn lên quen thói được nuông chiều bởi mẹ, bà ngoại và nửa tá cô dì. Khi tôi sắp lên ba thì bố trở về, làm gián đoạn sự hư thân của tôi.

        MÂU THUẪN

Trong chừng mực nào đó bố và tôi đã không đáp ứng được lòng mong đợi lẫn nhau. Bố muốn có 1 đứa con trai rắn rỏi biết săn bắn và câu cá, trong khi đó tôi lại là con mọt sách thích được ngồi lên đùi và nghe bố đọc. Bố muốn tôi chăm sóc cho con Pooch để dạy tôi biết trách nhiệm. Tôi chống đối lại thử thách đó.

Bố nói lúc nào bố có thời gian bố sẽ huấn luyện con Pooch. Nhưng có một lần bố dẫn con Pooch đi săn vịt trời, nó trở về với cái đuôi cụp và bộ mặt thiểu não thảm hại. Hình như khi nghe tiếng nổ đầu tiên, con Pooch đã sụp xuống run rẩy và kêu lên ư ử.

Tuy nhiên bố vẫn không bỏ ý định dạy con Pooch. Bố hãnh diện : “Con chó đó cực kỳ thông minh, tất cả những gì tôi phải làm là dạy cho nó biết bình tĩnh và kỷ luật”.

Pooch sống trong một cái cũi rộng làm bằng gỗ tạp, gần chuồng gà. Tôi không ưa phải đi ra mảnh đất đầy phân đó để cho nó ăn. Mỗi buổi sáng, tôi rón rén chui vào chiếc cũi để lấy  dĩa nước khi nó ngủ. Mà nó có khi nào ngủ, thế là nó nhảy lên, một chân đặt trên đĩa, một  bàn chân để lên ngực tôi.

Hiển nhiên là nó phóng ra khỏi chiếc cũi trước khi tôi kịp đóng lại. Vì con Pooch yêu thích được tự do hơn mọi thứ ở đời. Sau đó là một màn đuổi bắt 10 phút trong vườn. Lạy Chúa, nó chạy nhanh làm sao! Đôi khi nó phóng qua hàng rào, sang số “ de” để phóng trở lại. Cứ thế nó tiếp tục chạy, lưỡi thè ra, đuôi thẳng như một mũi tên cho đến lúc hết hơi. Khó mà kính trọng một con chó ngu ngốc như thế!

LÚC KHÓ KHĂN

Bố về nhà mệt mỏi và nóng nảy. Tôi có cảm giác mơ hồ đó là vấn đề tiền bạc và nhà máy cưa không làm ra lãi. Một buổi tối chủ nhật, bố mẹ buồn rầu ngồi bên bàn ăn với một chồng hoá đơn màu vàng và cuốn chỉ phiếu màu đen ở trước mặt.

Cuối tháng tám, bố mang mẹ con tôi lên miền núi để nghỉ mát. Vì không có cách nào để mang con Pooch đi xa, bố gửi nó lại cho một người bạn săn bắn của ông, một người có cái tên nghe quê mùa là Claggert. Nhà ông Llaggert cũ kỹ, có chiếc cổng xiêu vẹo và một đàn con nít chân không. Đứa bé nhất độ một tuổi rưỡi và chân nó hình như có tật, nằm trong một cái thùng gỗ trong khi những đứa bé khác chơi chung quanh. Mặc dầu không muốn nhìn thằng bé đó, tôi vẫn không thể nào  không tò mò liếc trộm nó một chút. Claggert buộc con Pooch vào sợi dây phơi quần áo để nó có thể chạy đi chạy lại. Bố và tôi ra đi. Thật khó mà chịu nổi khi nghe những tiếng hú tang tóc của nó lúc chúng tôi quay đi.

Thời gian nghỉ mát của tôi không vui vẻ gì vì bố quá bận không dẫn tôi đi bơi hay câu cá được, và đêm về, nằm dưới lớp chăn lông, tôi có thể nghe bố mẹ nói thì thầm về “Những phí tổn triền miên” và ngành nông nghiệp đòi “cắt giảm”.

Những ngày đó tôi nhớ bạn bè và tôi ước có con pooch gần tôi. Ít ra tôi cũng có thể chạy lên chạy xuống đường mòn với nó và cùng nhau đuổi sóc bắt nai. Sau hai tuần chúng tôi chuẩn bị về nhà.

Khi bố và tôi lái xe trở lại gia đình Claggert, tất cả nhà ra cổng đón. Bà Claggert đang ẵm đứa bé với đôi chân tật nguyền. Ông Claggert bước tới với đứa con trai, nó đang cầm sợi dây buộc cổ con Pooch.

“Chào Bill”, Claggert nói. Ông ta làm ra vẻ tự nhiên nhưng đôi mắt lẩn tránh chúng tôi. Trong khi bố tôi nói chuyện tôi lại vỗ đầu con Pooch. Nó vẫy đuôi và liếm tay tôi. Nhưng với tính cách khác thường, nó ngồi im lễ phép, hình như họ đã dạy nó vài khuôn phép. Thằng bé đang cầm dây nhìn tôi mỉm cười.

“Con chó khá hay”. Claggert đang nói : “Đám trẻ thích nó lắm, thông minh, biết tha mồi và làm mọi thứ. Thằng Bobbie đây dạy nó kéo xe chở thằng út  tôi đi chơi”.

- Bố nói : “Vâng, sẽ là một con chó săn giỏi khi tôi có thời gian dạy nó”.
Claggert tằng hắng lấy giọng : “Anh bill, có khi nào anh định bán con chó không?”.
-“ Không, chưa khi nào”.
- “Tôi trả cho anh 50 đôla”.
Tôi ngạc nhiên, 50 đôla là số tiền ngoài sức tưởng tượng. Bỗng nhiên tôi sợ bố tôi sẽ nhận lời, xét về hoàn cảnh khó khăn ở trại cưa. Con Pooch là một phần tử của gia đình và bạn sẽ không bao giờ bán gia đình.

Bố tôi nói : “Không , nó chỉ là một con chó cái lai mà thôi anh à”.
- “100 đôla”.
Cái gia đình nghèo xơ xác này lấy đâu ra 100 đôla. Có điều gì không ổn đây. Tôi thấy mặt bố hằn lên kỳ lạ : “Tôi không muốn đổi nó lấy bất cứ cái gì “. Bố nói thẳng và gay gắt : “Tôi chỉ muốn con chó của tôi”.

- “Đưa con chó lại đây, Boobie” Claggert nói và đuổi con ông ta vào cổng. Khi bố tôi cố giằng  lấy sợi dây, ông ta không bỏ ra. “Nếu phải đánh nhau với anh vì con chó này, tôi cũng phải làm, anh Bill ạ ! Tôi phải giữ con chó lại”.

Bố tôi nhìn Claggert như nhìn một con rắn mà bố tôi mới đá phải. Đôi tay bố tôi nắm chặt : “Tôi đã bảo anh, con chó đó không phải để bán ! Anh nghe rõ chứ”.

Claggert năn nỉ : “Tôi không thể đưa nó cho anh được, vợ tôi và đám trẻ sẽ không để tôi làm như vậy”. Mặt ông ta đau khổ : “Anh biết đó, thằng út của tôi có tật ở chân, vợ tôi đặt nó ngồi trên chiếc mền đằng kia để đám trẻ trông chừng. Hôm đó lũ trẻ mải chơi để nó bò ra đường. Khi vợ tôi nhìn ra cửa sổ nhà bếp thấy thằng út đang ở trên mặt đường và một chiếc xe hơi đang phóng nhanh về phía nó. Bà ấy thét lên. Con Pooch phóng qua hàng rào, cắn mép quần thằng bé kéo nó vào lề đường cùng lúc chiếc xe do một tên say rượu chạy qua đúng chỗ thằng bé tôi mới nằm”.

Claggert đằng hắng : “Pooch đã cứu nó thoát chết”. Claggert nhìn bố tôi với con mắt cầu khẩn : “Chúng tôi yêu con chó đó. Mỗi đêm vợ tôi dọn  chỗ cho nó ngủ trong phòng. Chúng tôi sẽ chăm sóc nó cho đến khi nó già. Anh Bill, tôi sẽ trả anh bất cứ giá nào”.

Bố tôi yên lặng , chờ đợi rồi bỏ sợi dây ra : “Này, tôi đã bảo anh tôi không bán con chó”. Bố tôi cúi xuống thoa tai và mũi con Pooch : “Tôi tặng nó cho anh đó”.

Claggert thở phào nhẹ nhõm, ôm chặt tay bố. Ông ta nhìn về phía gia đình mình gật đầu và mỉm cười.
- “Đi con. Bố bảo tôi và bắt đầu đi xuống con đường mòn ra xe. Tôi khóc nức nở : “Sao bố cho nó đi ? Nó là của bố mà”. Nhưng tôi lại nghĩ : “Nó là của con ! Con nuôi và tắm cho nó. Con dẫn nó đi chơi !”.

Bố ôm tôi đặt lên đầu xe : “Nghe này con trai, không có sinh vật nào trên đời mà con có thể níu kéo được, trừ khi con yêu thương và chăm sóc nó. những người kia yêu nó hơn bố, theo lẽ phải, con pooch phải thuộc về họ”.

- “Họ không yêu thương nó hơn con”, tôi thầm nghĩ, nhưng đã quá trễ.
Bố nói : “Nào, hãy quảng đại. Bố biết con đang nghĩ gì”. Bố mở cửa xe và kéo tôi lên ngồi băng trước.
“Vâng thưa ngài”.
Tôi cố cầm nước mắt. Bố mở máy và làm một cử chỉ hiếm hoi. Bố quàng vai tôi và ghì sát vào ngực ông trên suốt đoạn đường.

Mùa thu năm đó, để nuôi sống gia đình, bố phải bỏ vườn cây và trại cưa, đi làm việc trong nhà máy giấy, một việc mà bố tôi từng chối bỏ.

Nhưng tôi đã học hỏi một điều quan trọng từ bố . Quan trọng hơn bài học về sự thua lỗ. Bố tôi đã cho tôi thấy rằng trong một thế giới đầy bất trắc, rủi ro, một người cần phải hy sinh và cố gắng như thế nào để giữ gìn được phẩm giá và bảo bọc cho những người mình yêu dấu.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Thái Thanh Tâm

Phượng Hoàng ơi ! Đêm qua mình mới làm được đoạn trên bài thơ để trả lời quoc quyen. Nay làm nốt đoạn dưới thành cả bài. Mình gửi để bạn đọc nốt không nó dở mồm ra:

KHÔNG CÓ GÌ

Mến tặng những người tự sản, tự tiêu thơ ngoài kế hoạch nhà nước.

Cũng chẳng có gì để phải thương
Vui chơi đã thích, cũng là thường
Chuyện này mình đã quen từ trẻ
Cứ diễn hoài đến mức ẩm ương

Bây giờ rỗi rãi biết làm chi
Buôn bán thì không-chẳng biết gì
Giết người? Gan bé hơn chuột nhắt
Giết thời gian ! Là chính lúc ni

Làm thơ. Dễ giết thời gian lắm
Mà thời gian chẳng của anh nào
Chẳng ai ngăn, chẳng ai cấm cả
Ngày, tháng, năm...sợ chạy ào ào

Người chân cứng thì đi trèo núi
Ai dẻo người thì xuống biển bơi
Người giầu có đắm vào ma túy
Mình nghèo lõ đít vẽ thơ chơi

Cũng chỉ là ghép vài con chữ dại
Lúc đại ngôn xưng thơ phú cho oai
Mấy ông thi sĩ mà nghe phải
Bọt mép sùi ra, mắt trợn ngược hoài

Thơ cũng như món trà với tửu
Uống một mình nó chẳng thế nào
Hay hay dở dở thì chưa biết
Có nhời ra, nó mới chịu... vào

Lại nữa hôm rồi lên Phật tổ
Ngài cười cười: Cho = nhận, nhận= cho
Anh giầu khắp nơi đi 2 hào công đức
Mình nghèo chữ mỏng giám so đo ?

Vì lẽ đó, mới gửi thơ đi biếu
Có kể gì một chút trò chơi
Thiên hạ cũng hàng ngàn hàng vạn
Dở hay, hay dở thế mới đời

Vợ mình bảo mình hâm tỷ độ
Ừ mình hâm. Khổ tý mình thôi
Lão giời hâm trên ba bẩy độ
Làm toàn dân khốn khổ khôn nguôi...

HN 8/7/2010-TTT
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Phượng Hoàng _Lửa

.
@bác T.T.T: Cảm ơn bác lại ghé thăm, hôm qua em đi Nam Định ,tối mới về,mấy hôm nay Hà Nội đỡ nắng rồi, bác về nhà thôi!.
"Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại"
______________________________________
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 41 trang (410 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối