Sống sáng tạoNhìn cuộc sống bằng chính mắt mình
SGTT.VN - Cô gái trẻ im lặng, cầm và ngắm nhìn sợi dây màu xanh. Cô nâng nó lên, đặt nó xuống, làm nó rơi trong không trung hay nhắm mắt lại sờ nắn sợi dây. Xung quanh cô có hơn chục bạn trẻ khác cũng đang làm những việc như vậy với những đồ vật khác nhau. Hoá ra các bạn này đang thực hiện bài tập cảm nhận đồ vật trong khoá học có tên “Sống sáng tạo” tại Life Art.
Thạc sĩ Phan Ý Ly, người sáng lập Life Art
Được thành lập mới chỉ gần sáu tháng, các khoá học mà Life Art tổ chức tại 56 Nguyễn Khuyến – Hà Nội đã thu hút số lượng khá đông học viên. Không máy chiếu, không thuyết trình, không văn bản hay hội thảo… những buổi sinh hoạt của Life Art giống như những buổi thực hành nghệ thuật. “Nghệ thuật hỗ trợ phát triển cộng đồng không dạy bạn cách vẽ đẹp, múa hay, diễn kịch giỏi, nhưng chúng tôi, những điều phối viên, sẽ giúp các bạn sử dụng các bài tập là các phương pháp nghệ thuật trên để khai phá và hiển thị cảm xúc bên trong mỗi người” – Phan Ý Ly cho biết.
Gần 20 người khuyết tật nhiều độ tuổi ngồi quây quần trong một buổi sinh hoạt của dự án Tôi đang thực hiện tại Life Art. Họ đang thực hiện một bài tập mà với người bình thường đã khó chứ chưa nói tới người khuyết tật. Đó là bài tập dùng bất cứ bộ phận nào của cơ thể viết tên mình trong không khí. “Đây là một bài tập của nghệ thuật múa. Nó giúp chúng ta khám phá những bộ phận trên cơ thể và thay đổi tư duy quen thuộc, đi phải bằng chân, cầm bằng tay, để tự phát hiện ra cái đẹp trong những chuyển động không bình thường của cơ thể”. Áp dụng với người bình thường, bài tập này khiến chúng ta thăng hoa với chính cơ thể mình. Với những người khuyết tật, bài tập này giúp họ đối diện và thậm chí có thể đối thoại với sự không may mắn của mình.
Người được coi là cha đẻ của phương pháp nghệ thuật hỗ trợ phát triển cộng đồng là nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng người Brazil – Augusto Boal (1931 – 2009). Từ những năm 1960, ông đã đưa ra phương pháp sử dụng hình thức sân khấu để giúp giai cấp bị trị tự tin nói lên tiếng nói phản kháng của mình. Giờ đây phương pháp này đã phát triển đến mức độ mà có lẽ chính Boal sinh thời cũng không tưởng tượng nổi. Và ngoài việc áp dụng trong chính trị, nó đi sâu hơn vào đời sống xã hội giúp con người hiểu được mình, tìm ra giải pháp cho những vấn đề trong cuộc sống và đặc biệt là biết khơi mở đời sống cảm xúc, tâm hồn của cá nhân để sống tốt và sống tử tế hơn.
Năm 2006 cái tên Phan Ý Ly được nhiều tờ báo nói tới với dự án Cuộc đời của tôi – quan điểm của tôi giành giải đúp của ngân hàng Thế giới trong Ngày sáng tạo Việt Nam. Từ đó tới nay, chị đã theo đuổi phương pháp nghệ thuật hỗ trợ phát triển cộng đồng trên cả hai phương diện nghiên cứu và thực tế. Chị hoàn tất chương trình thạc sĩ chuyên ngành trên tại Anh Quốc và làm hai bộ phim về cộng đồng người nghèo ở Kibera, Nam Phi và 19 hộ dân đang sống tại bãi giữa sông Hồng. Và đến tháng 7.2010, Ly thực hiện được ước mơ của mình: đưa Life Art vào hoạt động. “Quy tắc lớn nhất của Life Art là: mỗi cá nhân là người chủ của chính mình và nhìn cuộc sống bằng đôi mắt của mình”.
Câu chuyện xảy ra cách đây hai tháng, vì tính chất của nó xin được giấu tên nhân vật. Một điều phối viên của Life Art đồng thời là giáo viên tiểu học, đã thử áp dụng bài tập kể lại nỗi sợ hãi của bản thân bằng hình thức thực hiện một tiểu phẩm kịch với những con rối cho các em học sinh lớp ba mà cô đang dạy. Rất bất ngờ, cô giáo trẻ phát hiện nỗi sợ chung của gần như cả lớp là bị cô giáo chủ nhiệm đánh vào mu bàn tay. Đây lại là lớp học điển hình của nhà trường và cô giáo chủ nhiệm là một giáo viên uy tín. Chính vì thế khi cô giáo trẻ báo cáo sự việc với thầy hiệu trưởng, phương pháp và kết quả cô phát hiện ra đã bị coi là chuyện nhảm nhí. Chỉ khi chính các em học sinh kể ra câu chuyện của mình bằng kịch, ban phụ huynh của lớp học đã vào cuộc và xác định đúng là trong nhiều năm, cô giáo chủ nhiệm đã tạo ra một nỗi sợ hãi ghê gớm cho con em mình.
Ấn tượng lớn nhất khi tìm hiểu về Life Art là căn phòng rộng được sơn đen tứ phía và sử dụng rất ít ánh sáng tại đây. Căn phòng chính là nơi diễn ra các buổi sinh hoạt của Life Art với tên gọi Blackbox – chiếc hộp đen. Mới bước vào, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi lạ lẫm và có phần tối tăm. Nhưng chỉ cần hai ngọn đèn chiếu từ trần nhà đủ khiến cảm giác đó được thay thế hoàn toàn bằng sự thích thú và an tâm không dễ lý giải. “Blackbox thực ra là một hình thức sân khấu ra đời tại Mỹ bởi một nghệ sĩ múa nghèo. Vì không có tiền để bước chân vào sân khấu lớn, ông đã về sơn đen toàn bộ bốn bức tường gara nhà mình và lắp đèn trên trần thành sân khấu biểu diễn và sau đó ông mời cả các nghệ sĩ nghèo khác tới biểu diễn cùng mình một cách hoàn toàn tự do” – Phan Ý Ly giải thích.
Giờ đây trên thế giới, trường đào tạo nghệ thuật nào cũng phải có một sân khấu Blackbox như biểu tượng của giá trị cốt lõi của nghệ thuật, là hướng tới con người và vì con người. Đó là nơi mọi khoảng cách giữa khán giả và nghệ sĩ, giữa nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên, giữa nghệ thuật hay và dở... bị phá bỏ hoàn toàn.
Dung P.ảnh:
AF
Một chủ đề cho khoá học dành cho phụ huynh và trẻ em từ 5 – 12 tuổi cùng tham gia: “Bạn có giàu vốn sống hơn trẻ lên năm?” Đây là khoá học đang có số lượng gia đình đăng ký khá đông. Bởi đối tượng thích thú nhất với các buổi thực hành nghệ thuật tại Life Art chính là trẻ em. Nhưng đối tượng “học” được nhiều nhất lại chính là các bậc phụ huynh.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)