Chiếc nón kỳ diệu cho người khiếm thị
TT - TS Nguyễn Bá Hải, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đã cùng các học trò chế tạo chiếc nón giúp người khiếm thị di chuyển vừa đưa vào dùng thử.
Bà Dương Thị Thanh Lan dùng thử thiết bị trợ giúp di chuyển - Ảnh: Hồng Nhung
Những lần đi thăm Hội Người mù quận Thủ Đức (TP.HCM) và Trung tâm Hỗ trợ trẻ em khiếm thị đã khiến TS Nguyễn Bá Hải trăn trở. Làm gì để giúp đỡ họ?
Ba năm nghiên cứuMày mò tìm hiểu thiết bị trợ giúp người khiếm thị đã có trên thế giới, TS Hải thấy có gậy dò đường gắn cảm biến, xe lăn gắn cảm biến, áo mặc rung động, thiết bị gắn cảm biến rung động trên đầu... So sánh các ưu khuyết điểm của các thiết bị này, TS Hải thấy các thiết bị nhìn đất, áo mặc rung động sẽ gây khó khăn cho người khiếm thị xử lý tình huống và thiết bị gắn trên đầu có cảm biến rung động còn ít được nghiên cứu và giá thành cao.
Thầy Hải đưa ra ý tưởng, hướng nghiên cứu cho các học trò như một đề toán mở. Mất ba năm nghiên cứu, tính toán ở phòng thí nghiệm cơ điện tử ôtô, các sinh viên Tuyên, Long, Toàn, Hiếu, Tưởng (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đã bắt tay vào chế tạo và chỉ trong ba tháng, thiết bị hỗ trợ người khiếm thị có hình dáng như chiếc nón bảo hiểm đã hoàn thành và được mang đến cho các hội viên Hội Người mù quận Thủ Đức dùng thử. “Ao ước sẽ được dùng thiết bị này” là bày tỏ của những người khiếm thị sau khi dùng thử thiết bị.
Thiết bị trợ giúp người khiếm thị được nhóm nghiên cứu đặt tên là SPKT Eye, có hình dạng như một vành nón bảo hiểm. Hiện tại đang trong giai đoạn thử nghiệm nên thiết bị được nối với một bình ắcquy nhỏ đựng trong chiếc balô để người dùng đeo trên lưng. Tuy nhiên, khi đã đi vào sản xuất, bình ắcquy này sẽ được thay thế bởi một cục pin sạc nhỏ và chiếc nón sẽ chỉ nặng khoảng 300gr.
“Đôi mắt” của người khiếm thịPhía trước nón gắn một cảm biến laser để xác định vật cản. Khi sử dụng, người dùng sẽ lắc nhẹ đầu để tia laser của cảm biến quét vật cản trong khoảng cách từ 50cm đến 3m.
Bằng công nghệ chuyển thông tin thị giác thành thông tin xúc giác, khi cảm biến quét thấy vật cản trước mặt, hệ thống sẽ xử lý và chuyển thành tín hiệu rung nhẹ trên nón ở vị trí ngay giữa trán người dùng. Đến gần vật cản thì tín hiệu rung mạnh hơn và nếu chuyển hướng về phía khác không có vật cản, tín hiệu rung sẽ tắt.
Theo sinh viên Nguyễn Thành Tuyên, trưởng nhóm nghiên cứu, khó khăn nhất của quá trình nghiên cứu là khâu lập trình xử lý động cơ làm sao cho việc quét nhận dạng vật cản chuyển thành tín hiệu rung thật nhanh đến người sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Thảo, hội phó Hội Người mù quận Thủ Đức, cho biết khi đeo thiết bị đi ra đường bà cảm thấy an tâm và vững tin hơn bởi mỗi khi gặp vật cản thiết bị sẽ rung nhẹ để thông báo cho bà nhận biết. Vật cản ở xa thì rung nhẹ, càng đến gần sẽ rung mạnh hơn để giúp người khiếm thị dễ phán đoán các chướng ngại vật trên đường để tránh.
Theo TS Nguyễn Bá Hải, anh chỉ đưa ra ý tưởng và hướng dẫn các sinh viên giải quyết. “Bài toán lập trình tuy khó nhưng các sinh viên đã giải quyết tốt. Mong muốn sắp tới là sẽ gắn vào nón thêm camera, thiết bị định vị GPS và xử lý tín hiệu bằng nhận dạng ảnh rồi chuyển thành giọng nói để giúp người khiếm thị biết họ đang đi trên đường nào, qua số nhà nào, bên cạnh là quán phở hay tiệm cắt tóc... để người khiếm thị dễ dàng tìm đường đi” - TS Hải chia sẻ.
TS Hải cho biết thêm chi phí nghiên cứu thiết bị SPKT Eye đến giai đoạn này khoảng 20 triệu đồng, tuy nhiên sau khi hoàn chỉnh và sản xuất đại trà giá thành sẽ giảm hơn một nửa. Đây là một nghiên cứu do thầy và trò tự bỏ tiền túi ra làm, tuy vậy nhóm sẽ cố gắng chế tạo và tặng hai chiếc đầu tiên cho người khiếm thị nào có nhu cầu sử dụng.
Chỉ riêng ở Thủ Đức, số người khiếm thị thống kê được đã là 700 người, nếu tính ở 24 quận huyện ở TP.HCM và cả nước, số người khiếm thị sẽ rất lớn, nếu sản phẩm này được sản xuất đại trà và cung cấp cho người khiếm thị với giá vừa phải, sẽ là nhịp cầu giúp họ hòa nhập gần hơn với cộng đồng và san sẻ bớt những khó khăn của họ.
Thiết bị đã được chính những người khiếm thị dùng thử và đánh giá, nhưng để đi vào sản xuất đại trà giúp mỗi người khiếm thị trên cả nước được có thêm đôi mắt thứ hai thì chỉ có nhiệt tình và chất xám của riêng thầy và trò Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM e rằng chưa đủ. Đó là nỗi canh cánh bên lòng của TS Hải.
HỒNG NHUNGMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)