QUÊ NGOẠI NGÀY CUỐI NĂM
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã để lại cho đời “Khúc hát sông quê” nổi tiếng, và có lẽ nó còn nổi tiếng hơn nếu áp vào dòng sông quê ngoại tôi. Cũng như mọi năm, cứ đến rằm tháng Chạp là tôi lại trở về quê ngoại để giỗ bà ngoại và chạp mã. Năm nay cũng vậy, dù công việc cuối năm cũng rất bận rộn và điều kiện tài chính eo hẹp, nhưng tôi không thể không về dịp này trong một năm vừa chuẩn bị trôi qua. Cũng với làng Minh Lệ đó, mấy quãng đồng đó, dòng sông đó, những con đường như những sợi dây nối xóm này với xóm kia. Và xa xa ngoài cánh đồng vừa sạ, những ngọn heo may vẫn còn vắt vẻo trên những ngọn lúa non, những ngọn tre hiền hoà đến nao lòng, chờ đợi mấy ngày nữa là Tết đến.
Tôi đẩy cổng vào nhà, mới sáu giờ, mùa đông ở quê như vậy là còn sớm lắm, trời lại lạnh mà lay phay mưa. Cậu tôi bảo: mày ra sớm thế? Chết thật, thằng cháu cả năm về có lần mà cậu chào thân mật thế này thì còn đi đâu được. Thôi lo vào nhà nhanh lên để còn theo việc. Việc gì chứ? Việc đầu tiên của tôi mỗi khi về quê là phi ngay xuống chợ Mới. Chợ của làng tôi ngàn đời vẫn vậy, nhỏ như bàn tay với năm chục hàng quán là cùng. Mượn cái xe của ông anh (lão bảo nhớ đổ xăng - gớm, chạy cả đi cả về có 4 cây số) chạy băng qua cánh đồng lúa sạ non tơ, những lá lúa bé như que tăm ngóc đầu lên ngạc nhiên ngó thằng con xa quê về, tự hỏi sao lại có đứa nào mà đầu không mũ bảo hiểm, phong phanh áo sơ mi giữa trời gió lạnh, phóng xe đi như khùng thế?!
Tôi rảo bước vào khu chợ “tiểu yêu” trong trái tim mình bao nhiêu năm. Chợ nằm bên bờ sông, chìa chân ra ngâm bến ngày đêm, đón những con đò dịu dàng cập bến. Những con đò cũng nhẹ nhàng lắm chứ không đâm sầm vào bến đậu được, vì nó sẽ làm vỡ bờ mất. Chợ quê thật mong manh. Thấy người lạ vào chợ, mà lạ thật vì quanh năm chỉ được vào có vài lần, nên mấy mệ, mấy chị bán hàng mau mồm mau miệng mời chào: mua cho mệ đi chú ơi, mua cho ả với, chú mở hàng ả bán rẻ cho, chú đi chợ sớm rứa…. Choa, nghe ngọt lùi vậy thì biết ưu tiên ai bây giờ. Mà hàng quán sắp xếp cũng rất khoa học ẩm thực, mệ bán bánh tráng (bánh đa) ngồi cạnh mệ bán bánh đúc, bên cạnh bánh đúc là bánh chưng và bánh ít, rồi đến bánh rán, bánh dì, tiếp theo là bánh xèo, rồi đến giá trộn (để ăn bánh xèo). Vậy là lê la từ đầu hàng đến cuối hàng, các mệ, các chị tạo nên một quầy tiếp phẩm như buffet vậy.
Tôi mua năm tầng bánh rán, năm tầng bánh dì, thêm năm chục bánh ít, hai cân bánh xèo, hai chục bánh tráng, lại thêm một bọc giá trộn to tướng. Mấy tiền đây mệ ơi? Mệ nhẩm nhẩm cộng cộng một hồi: chú mua cả năm gian hàng hết ba trăm rưỡi. Dạ cháu đưa mệ bốn trăm. Để mệ thối năm trục (năm chục). Nghe mệ nói vậy, chị bán bánh chưng mau mồm mời: chú ơi, còn năm chục thì mua cho ả năm cái bánh chưng đi, cho chẵn bốn trăm cho rồi. Ừ thì mua, lấy năm cái bánh chưng gần năm cân nữa. Tội nghiệp thằng cháu đi theo xách mệt nghỉ, nó la oai oái: cậu ơi, cháu mỏi tay quá. Chị bánh ít xếp xếp lại cái rổ, nghe chừng chuẩn bị về. Chị bán xong rồi à? Còn chục cái nữa thôi chú, hôm ni may có chú mua nhiều, tui về để chiều đi chợ Quảng Hoà. Vậy đó, một rổ bánh được sáu chục cái, bán cả buổi sáng lãi được hai mươi nghìn. Với quê tôi vậy là tốt lắm rồi. Về thôi.
Hơn hai chục người bà con họ hàng đi xủi mã trên một con đò dọc sông. Con sông mùa đông nước xanh ngăn ngắt, những bờ cây hai bên bờ rủ bóng, phản chiếu nên một màu xanh sinh sôi đến kỳ lạ. Dòng sông như có trái tim không lồ đang đập bên dưới, nâng con thuyền lên như người mẹ bế đứa con vào lòng và cưng nựng rưng rưng. “Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con qua chớp bể, mưa nguồn”. Trên bờ cây là những đàn cò trắng phau đang im lìm ngủ để đợi nắng lên, nhưng nắng đâu giữa cái ngày đông lạnh giá này. Những chú cò như những nốt nhạc trắng bổng trầm điểm vào những khuông nhạc ngân lên nhẹ nhàng trong ngày giáp Tết. Thỉnh thoảng có con giật mình hạ xuống rồi lại tung cánh vẫy lên trời như khúc hát trầm xao xuyến bổng vút lên nốt thăng lai láng. Những con cò thuở ấu thơ của tôi còn lại đây chăng.
Tôi ngồi trong nhà cậu và lơ đễnh nhìn trời đất. Ủa, sao trước mặt nhà cậu lại lù lù một đống đất như quả núi thế này? À, đó là đất họ làm đường bê tông dư ra, nên mự xin để giữ lại làm đất vườn. Đất phù sa ngàn đời tốt lắm cháu à. May nhờ năm ngoái lụt to nên phù sa nguồn nó về, giờ họ làm đường đổ đi, mự mua chè xanh về nấu cho mấy chú làm đường uống, nhân tiện mự xin luôn, rứa là mấy chú cho hết. Mự người quê mà khôn gớm nhỉ, biết nịnh để xin cả núi đất kia đấy. Mà lại còn may nhờ lụt to nên được đóng phù sa. Thế năm ngoài lụt trôi hết đồ đạc vậy, cậu mự mất gì không? Mô cháu, giường tủ trôi ra mắc ngoài bụi tre, cậu ra kéo vô hết, còn cả nhà leo lên tra (gác mái) và nấu ăn trên đó nên có sợ chi mô, làng mình quen rứa rồi. Mự nói rồi cười nhâm nhẩm, nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ một đời như khoai, như lúa. Mự cũng đã bảy lăm rồi chứ trẻ trung gì nữa đâu.
Tết đã đến gần lắm rồi. Những âm hưởng từ cánh đồng xanh mạ, từ bốn xóm Bắc, Nam, Tây, Ga của làng Minh Lệ đã nói lên điều đó. Chỉ những làn hơi mát lạnh của tháng Chạp phả lên da đã cho ta cảm giác gai người đón Tết.
Năm mới sắp về với làng tôi.
Vô tình thu vắng lung linh nắng vàng