Trang trong tổng số 6 trang (51 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Một người bạn bình thường

Nguyễn thế Duyên đã viết:

-Anh nghĩ gì đấy?
Tháp giật mình bỗng thấy ngượng với những suy nghĩ của mình. Mấy ngày đêm khiến Tháp hốc hác hẳn và trầm tĩnh hơn. Lương nằm quay nghiêng hẳn người về phía Tháp, nét mặt bỗng tự nhiên đổi khác. Trong ánh mắt Lương lộ rõ vẻ hoang mang lo sợ. Biết Lương hiểu nhầm về những phút yên lặng của mình vừa rồi, Tháp cười nói
-Cái chân không còn gì đáng lo đâu.
-Anh nói thật chứ?
Lương nhìn xoáy vào mắt tháp.
-Thật.
Lương xoay sang nằm ngửa, luồn hai tay xuống dưới gáy nhìn trân trân lên mái lán Im lặng. Tiếng vo ve của mấy con muỗi len vào giữa hai người.
-Ông có vợ chưa?
-Chưa.


-Chắc yêu rồi chứ?.
-Cái đó thì có.
Lương cười với nụ cười tư lự. Tháp nhìn Lương thấy con mắt người thương binh bỗng sâu hơn. Chắc anh ta đang nghĩ về hạnh phúc. Tháp nghĩ thầm và thấy thương Lương. Không định mà Tháp buột ra một câu an ủi.
-Nghĩ cũng chẳng ích gì. Ối người cụt cả hai chân mà vẫn lấy được vợ.
Lương xoay hẳn người lại.
-Anh tưởng tôi đang lo nghĩ về chuyện vợ con à? -Lương cười lắc đầu. - Không phải đâu.  Tôi lại không hề nghĩ đến chuyện đó. Tôi đang nghĩ xem ngày mai , khi tôi về hậu phương tôi sẽ làm gì để sống.
-Tất cả thương binh trở về hậu phương họ đều chết?
-Không phải là sống mà là sống như thế nào.
Tháp tặc lưỡi
-Miễn sao còn sống là được.
Lương hơi nhỏm dậy hỏi Tháp bằng một giọng hơi sẵng.
-Anh cho thế nào là sống?
-Nghĩa là trái tim còn đập.
Lương lại nằm xuống. Lặng đi một lát, giọng anh bỗng trở nên xa xôi.
-Ra vậy. Anh đúng là con nhà y gốc. Còn tôi , tôi lại không nghĩ như thế. Trước khi nhập ngũ tôi là một kĩ sư địa chất. Tôi đã đi khắp nơi ở miền Bắc và tôi yêu nghề của tôi. Yêu những bí ẩn của những trái núi, những quả đồi suốt  đời im lặng. Sống mà làm gì khi mà mình bị gạt ra ngoài cuộc sống? -Lương dằn giọng. Tháp im lặng. Lương đã nói đúng cái điều mà hai ngày cô độc vừa qua anh đã nhận ra. - Đối với anh sống nghĩa là trái tim còn đập. Với tôi, sống có nghĩa là mình vẫn còn vị trí trong cuộc đời. –Hình như sợ Tháp không hiểu được điều mình nói, Lương nói thêm-Nghĩa là vẫn còn làm được một việc gì đó cho đời.
-Anh sẽ làm được gì trong nghề địa chất với cái chân cụt này?
-Được chứ. –Giọng Lương sổi nổi hẳn lên – Tôi không đi lộ trình được nữa, kể cũng đáng tiếc nhưng tôi vẫn còn khối việc để làm. Ngồi ở phòng thí nghiệm phân tích mẫu chẳng hạn.
-Thế nếu cái chân này không cứu được nữa thì ông tính sao? Ông sẽ tự tử à?
Tháp vỗ vỗ vào cái chân còn lại. Mặt Lương thoáng tối sầm.
-Cũng chẳng biết nữa.Tự tử à? Không đâu.Tìm lối thoát cho mình bằng mấy viên thuốc ngủ thì hèn quá. Mà tôi yêu đời lắm chứ. Những người lính chúng tôi yêu sự sống đến cái mức dám chết cho cái sống mình yêu. Chết! Kể cũng đáng sợ thật. Nhưng không có vị trí trong cuộc sống , trong đội ngũ còn đáng sợ hơn . Anh thấy không ? Chết với hi sinh khác hẳn nhau dù rằng cả hai trái tim đều ngừng đập. Thế cũng chưa đúng hẳn. Có khi trái tim còn đập đấy nhưng vẫn là chết. Đấy là lúc mình vẫn sống nhưng chỉ là một sự sống thừa. Lúc ấy sống trở thành một điều đáng sợ.
Lương ngừng lại nhìn Tháp. Đôi mắt sâu như một câu hỏi “Anh có thấy đúng như thế không?”. Tháp quay đi tránh không nhìn vào mắt Lương. Lương đã nói đúng cái điều lâu nay anh vẫn dấu kín. Như thế mới là sống. Từ trước đến nay mình chỉ tránh cho trái tim ngừng đập mà không tránh cái chết. Anh thầm nghĩ.
Bên ngoài, mặt trời sé nát những đám mây đen nặng trĩu đổ xuống một thác nắng. Luồng ánh sáng rực rỡ nhảy nhót trên những tán lá còn ướt đẫm vì mưa, trải ra những khoảng vàng trên mặt đất còn ướt sũng. Một tia sáng mảnh lọt qua mái lán rọi vào trong nhà như một sợi tơ vàng óng vừa được kéo ra từ nồi kén. Một con chim lên tiếng hót. Tiếng hót ngân nga uyển chuyển quyện vào tia nắng.
Lương nhìn ra ngoài cửa tư lự. Anh ta đang nghĩ gì?Cuộc đời có bao nhiêu điều đáng phải suy nghĩ nhất là khi người ta đã trở thành tàn phế. Hôm nay và ngày mai, công việc đã làm,sẽ làm và hạnh phúc.Anh ta còn phải nghĩ rất nhiều nhưng không có gì phải ân hận về một quãng đời đã qua của mình. Một người tàn phế về thể xác nhưng toàn vẹn về  tinh thần. Còn mình thì ngược lại.Trước mặt Tháp hiện lên dáng đi chập choạng của người thương binh bị anh làm đứt dây thần kinh định hướng và sự chăm sóc thầm lặng đến cay đắng của Thành. Người thương binh đó hiện đang ở đâu và làm gì? Và anh ta sẽ nghĩ gì về mình nếu như anh ta biết được sự việc đã diễn ra trên bàn mổ?. Cả anh chàng Lương này nữa. Nếu anh ta biết được sự việc đã xảy ra thì anh ta sẽ nghĩ gì?.
Tháp đặt tay lên vai Lương. Lương nắm lấy tay Tháp.
-Cám ơn anh đã giữ lại cho tôi cái chân. Chính anh là người đã cho tôi một vị trí trong cuộc đời.
-Đừng cám ơn tôi. Tôi…..
-Tôi biết , đây là công lao của cả tập thể nhưng trong đó anh là người chủ trì.
Mặt Tháp đỏ bừng rồi trầm hẳn xuống . Anh buồn bã lắc đầu.
-Không!  Chính tôi là người định cắt nốt cái chân của anh.-Lương rùng mình,buông rời cánh tay Tháp.Tháp nói tiếp bằng một giọng trầm, đau sót .—Nếu anh biết những gì xảy ra trên bàn mổ thì anh sẽ không cám ơn tôi đâu mà ngược lại anh còn căm giận tôi là khác. – Tháp lặng đi một lúc. Lương nhìn anh chằm chằm chờ đợi   --Tôi định cắt nốt cái chân của anh để cầu toàn, để giữ danh tiếng cho tôi. Tôi phải cám ơn anh. Hôm nay anh đã nói cho tôi hiểu thế nào mới là sống. Trước kia tôi cứ nghĩ “ Sống nghĩa là trái tim còn đập”. Tôi đã định giết chết anh nhưng anh Thành đã giữ tay tôi lại.Anh phải cám ơn anh thành. Anh ấy đã hai lần cứu sống anh, một lần dám đưa anh vượt sông giữa ban ngày, một lần dám quyết định giữ cái chân này lại.
-Từ trước đến giờ anh vẫn mổ cho thương binh với ý thức cầu toàn như vậy?
-Thế đấy
-Có nghĩa là anh đã giết chết nhiều người trước khi định giết chết tôi?
Tháp rùng mình. Câu Lương hỏi sao mà tàn nhẫn. Anh lặng lẽ gật đầu. Hai người lặng im một lúc lâu.
-Cuộc đời ai chẳng có sai lầm. Nhưng sai lầm của anh thật đáng sợ.
-Và còn đáng ghê tởm nữa.
Tháp nói thêm. Hai người lại lặng im. Nói được điều này với Lương, Tháp thấy lòng mình nhẹ hẳn.
-Dù sao anh cũng đã biết được điều ấy và cũng chưa có gì là muộn.
Tháp nhìn Lương  xúc động xen lẫn kinh ngạc. Những người lính, họ có thể độ lượng đến mức ấy sao?
                      *
               *             *
Đoạn phân tích tâm lý nhân vật này thật là hay!
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau  (tiếp)



-Máy bay đâ..â..ấy.
Sơn đứng ở dưới suối lấy tay làm loa gọi vọng lên nhà bếp. Anh nép hẳn vào bụi nứa mọc sát bên suối quay người về hướng có tiếng máy bay chăm chú quan sát. Sương mù bắt đầu tan. Những dảnh sương mù kéo dài uể oải, lười nhác trườn dưới đám lá rậm rủ nhau đi trốn những tia sáng của mặt trời. Những tia nắng sau khi đã khó nhọc băm nát biển sương mù dày đặc trong thung lũng lọt xuống đây chỉ còn là những chùm sáng nhỏ yếu ớt tụ lại thành từng vũng nắng ở những chỗ đã mỏng sương. Trong biển mù mông mênh không nhìn thấy máy bay, chỉ nghe tiếng động cơ vọng lại lắm khi bị nhầm với tiếng ô tô ngoài đường cái. Hai chiếc xương cá bay sát núi, luồn lách trong biển mù trông không khác gì hai con cá sộp lớn đang bơi trong làn nước đục trắng. Hai chiếc xương cá lúc hiện ra rất rõ, lúc lại mất hút trong những đám sương mù trôi bồng bềnh. Có lúc chúng rời hẳn dám sương mù bay ra chỗ quang phơi mình dưới luồng nắng.  Lúc ấy trông chúng gầy nhẳng, xương xẩu, mốc thếch. Chúng bay thằng sau, thằng trước. Thằng sau bay hơi cao hơn. Thằng trước bay sát ngọn cây soi mói tìm kiếm. Chỗ nào nghi ngờ là chúng cho máy bay ghé đít vào, dùng cánh quạt, quạt rạp những lùm cây để nhìn cho rõ.Trong lúc ấy thì một thằng bay cao hẳn lên, lượn tròn xung quanh vừa có ý đe dọa lại vừa có ý nhớn nhác đề phòng. Rồi chẳng hiểu bọn mù ấy có nhìn thấy cái gì không mà cũng cứ phóng xuống đấy dăm quả cối hay một quả rốc két rồi mới chịu bỏ đi chỗ khác. Chúng vừa có cái dáng hung hãn của một tên kẻ cướp, lại vừa có cái dáo dác, sợ sệt của một tên trộm chỉ sợ chủ nhà chợt tỉnh giấc.
Một cơn gió nổi lên trong thung lũng,quét sạch đi những đám mù mỏng cuối cùng. Bầu trời hiện lên rất trong, rất xanh và nắng ùa đến chiếm chỗ  những đám sương mù vừa rời khỏi. Một buổi sáng đẹp thế mà bị hai thằng xương cá quần nát. Tiếng máy bay gầm rú đến rức óc, thỉnh thoảng lại đế vào những loạt bốn mươi li khô khốc, dai dẳng đến khó chịu. Hai thằng xương cá đã lượn trên khu vực của ban. Sơn nhìn lên thấy chúng bay sát sạt ngay trên đầu mình, tưởng chỉ cần vươn tay là có  thể túm được hai thanh trượt dài dưới bụng chiếc máy bay. Một thằng Mỹ đứng gác chân lên cửa máy bay thò hẳn cái đầu ra bên ngoài. Cái mũ sắt sùm sụp che gần hết mặt nó, tay lăm lăm khẩu tiểu liên chĩa nòng xuống đất. Cả người nó đỏ gay như một con gà chọi. Cái mũ sắt làm khuôn mặt nó tối sầm, lạnh lùng , tàn ác.
Không khéo lộ mất. Không hiểu anh em đã đưa thương binh xuống hầm hết chưa? Mà sao cái lán một trống thế không biết. Thằng xương cá vừa vụt qua, Sơn luồn theo những gốc cây to chạy về nhà. Nó sẽ quay trở lại. Thằng xương cá là quần dai có tiếng. Sơn chạy vào trong nhà vớ lấy khẩu súng rồi chạy lên lán bất động. Ở đây thương binh đã được đưa hết xuống hầm. Ổn rồi. Sơn chạy sang nhà bếp, thấy Tín đang ngồi bên cửa hầm. khẩu súng đang dựa hẳn vào vai. Sơn ngó vào trong bếp. Lửa đã dập tắt chỉ còn một mẩu củi nhỏ khói còn bốc lên nghi ngút. Sơn bước vào trong bếp, vừa dập tắt mẩu củi còn bốc khói đã nghe thấy tiếng Tín gọi to.
-Anh Sơn ra hầm đi. Nó quay lại đấy.
Sơn xách súng nhẩy xuống cửa phụ của chiếc hầm. Anh quay lại bảo Tín.
-Tớ thằng trước. Cậu thằng sau. Nghe tớ hạ lệnh mới được bắn đấy.
Tín gật đầu. Hai thằng xương cá quay lại .Cây cối đổ rạp trong trận gió xoáy của bốn cái cánh quạt. Tiếng động cơ gầm đến lộng óc. Những bụi le, bụi nứa đổ rạp xuống đất kêu rôm rốp. Lá khô bay mù trời.. Tì cả người vào cửa hầm, khẩu AK bám chắc trên vai. Nòng súng rê theo chiếc máy bay đang lại gần. Ngon quá. Hai thằng xương cá không biết những bụi cây  bên dưới có những họng súng đang rình đợi. Chúng cứ thế rà sát ngọn cây phơi cái bụng mốc thếch ra trước các họng súng. Ngón tay Sơn từ từ kéo căng nấc cò thứ nhất. Cái tay đòi bắn nhưng cái đầu giữ lại. Bắn bây giờ trúng ngay, nhưng thằng thứ hai bay cao hơn chắc gì Tín đã bắn trúng. Bắn mà không trúng để nó gọi phản lực đến có mà om xương.Còn gần một trăm thương binh ở đây. Đọ súng bây giờ thật là bất lợi. Thằng xương cá cứ lượn đi lượn lại cuối cùng nó dừng lại trên đầu lán một. Mạch máu ở thái dương Sơn giật mạnh. Lộ rồi. Khẩu súng nằm rất im trên hai cánh tay ghì chắc. Nổ súng? Chưa ! một tị nữa may ra thì chưa làm sao. Thằng Mĩ ló ra rồi lại thụt ngay vào. Gần lắm. Sơn đọc được cả dòng chữ trên cái mũ sắt của nó. Thằng Mỹ nhô ra một lần nữa. Lần này nửa thân nó nhô hẳn ra ngoài. Khẩu súng trên tay nó chúc hẳn xuống đất. Bắn! Sơn đạp mạnh vào đất hô một tiếng đanh, sắc, xả cả một băng . Chiếc máy bay cứ hế rơi bịch xuống đất như một quả mít chín nẫu bị rụng. Tin chắc rằng mình đã bắn trúng, anh quay ngoắt nòng súng về phía chiếc thứ hai đã thấy nó chuệnh choạng cất lên, khói đen sì ra dưới bụng. Lúc này Sơn mới nghe thấy nhiều tiếng súng nổ dồn dập. Sơn nhẩy ra khỏi hầm chạy lại chỗ chiếc máy bay rơi. Nhiều người có súng, không súng cũng đang chạy lại đấy. Thằng lái đã chết. Thằng bắn súng bị văng ra ngoài. Cái mũ sắt của nó lăn lông lốc dưới đất. Chân bị gẫy không đứng lên được, thằng Mĩ cứ ngồi dưới đất lòng khòng dơ hai cánh tay lên trời nói bằng tiếng việt khá sõi.
-Tôi xin hàng. Xin hàng.
Lúc ngồi trên máy bay nó trông hùng hổ là thế. Lúc ấy Sơn đã tưởng nếu bắt được nó mình sẽ quật vào cái bộ mặt nhâng nháo ấy mấy báng súng. Thế mà bây giờ trông nó mới thảm hại làm sao.Đầu tóc nó bơ phờ. Người run như cầy sấy. Mắt nó lấm lét nhìn mọi người. Hai tay nó lòng khòng dơ lên cao run rẩy chẳng khác gì hai ống sậy trong cơn bão. Sơn căm gét nhất là bọn giặc lái. Bọn chúng cứ nhởn nhơ ở trên trời, chỗ nào cũng soi mói, tìm kiếm. Chúng trút bom, trút đạn nhưng tay chúng lại không bao giờ sờ đến khẩu súng. Chúng chỉ ấn nút, những cái nút bé tẹo, hiền lành. Sau cái động tác ấn nút nhìn như có vẻ vô tình ấy là bao nhiêu bom đạn được trút xuống. Rồi lập tức chúng vọt bay lên, không kịp nhìn những tội ác mà chúng đã gây ra. Không nhìn thấy tội ác của mình, lương tâm của chúng lại yên tâm ngủ kĩ. Chủ nhật chúng lại đi lễ nhà thờ. Trong những tội lỗi chúng xưng trước chúa không có cái tội ấn một cái nút . Với chúng, ấn ngón tay vào một cái nút cũng giống như ấn ngón tay vào phím dương cầm. Tất cả đều vô hại. Khi cái cò súng được thay bằng cái nút điện thì tội ác được tăng lên gấp nhiều lần nhưng cảm giác tội lỗi lại giảm đi cho những kẻ sử dụng.
Nhìn tên Mĩ đang chết khiếp trong sợ hãi, sự khỉnh bỉ dâng lên thay cho sự căm giận.. Bây giờ Sơn không thể quật vào bộ mặt tái mét vì sợ hãi của nó mấy cái báng súng mà chỉ có thể nhổ vào đấy một bãi nước bọt khinh bỉ, kinh tởm.
Mọi người xúm quanh tên Mĩ. Liên cũng bế bé Hải lách vào. Thằng bé mở to mắt nhìn thằng Mĩ  cứ như nó nhìn thấy một con khỉ đột. Những tiếng la hét giận dữ nổi lên tứ phía.
-Cho nó mấy báng súng.
Tiếng Tín the thé
-Dúi đầu nó vào bếp lửa.
-Trông nó run rẩy thảm hại chưa kìa.
-Thế mà lúc ngồi trên máy bay nó hung hăng phải biết.
Có người cầm một cây gậy định quật , Sơn đã kịp ngăn lại. Chỉ có thương binh là nhiều người còn giữ được bình tĩnh. Họ lặng thinh đứng từ xa nhìn vào rồi bỏ đi. Bắt tù binh đã nhiều, Mĩ không còn là vật kì lạ đối với họ.
Trường và Tín xốc tên Mĩ vào trong nhà hành chính băng cái chân lại cho nó. Thấy những cuộn băng đã dùng nhiều lần bắt đầu ngả sang mầu vàng ố. Tên Mĩ lắc đầu lia lịa, chỉ vào cuộn băng nói một câu gì đó chẳng ai hiểu.
-Nó nói cái gì thế? Tín hỏi
-Có thánh biết. Tớ có phải người Mĩ đâu. Còn mày, mày muốn gì?
Thằng Mĩ lại lấy tay chỉ vào mấy cuốn băng.
-À, chắc là nó chê băng bẩn. Bẩn cái mả mẹ mày. Ông cho mày mấy báng súng bây giờ.
Trường cáu tiết bắt đầu văng tục. Sơn cười.
-Ông làm như nó biết tiếng Việt ấy.
-Anh không thấy nó xin hàng leo lẻo đấy là gì.
-Nó chỉ biết mỗi câu xin hàng thôi. Câu hộ mệnh mà lại. Thôi ông lấy mấy cuốn băng mới băng cho nó.
-Lại còn băng mới nữa. Ông chiều nó quá thế- Trường kêu lên- Tôi thì tôi cho nó một phát đạn vào đầu.
-Thế mà bây giờ cho ông bắn , tôi cam đoan với ông rằng ông sẽ không dám bắn đâu
Trường im lặng. Sơn nói đúng. Cáu lên thì nói thế thôi chứ với thằng Mĩ này, một kẻ đã hạ vũ khí đầu hàng thì Trường vẫn thấy nó là một con người, một con người mang ít tính người nhất chứ không phải là một con thú. Trường mang băng mới đến. Tên Mĩ ngồi im cho anh băng. Anh lấy bông cồn rửa vết thương cho nó rồi gượng nhẹ băng lại. Anh làm tất cả những công việc đó một cách kiên nhẫn, tỉ mỉ và gượng nhẹ như đang cứu chữa cho một chiến sĩ của mình. Thằng Mỹ ngồi im. Có lẽ nó ngạc nhiên. Những nét sợ hãi trên bộ mặt đỏ gay của nó dần dần mất đi. Bao nhiêu thứ đã đầu độc nó để nó trở thành một con thú người. Bọn chỉ huy đã bảo với nó: “Bọn việt cộng dã man như thú dữ, bắt được lính Mĩ, bọn việt cộng sẽ giết chết ngay” và còn bao nhiêu điều bịa đặt khác. Người ta ấn vào tay nó khẩu súng và bảo nó đi bắn giết. Nó đã bắn giết và trong đầu nó luôn nghĩ rằng nó đã làm thế để bảo vệ  nước Mỹ. Trước khi sang Việt Nam, nó cũng có vợ con, ngày ngày đi làm sống một cách lương thiện như hàng triệu người Mỹ bình thường khác. Thế rồi người ta gọi nó nhập ngũ, ấn vào tay nó khẩu súng và nó bắt đầu  trở thành một kẻ giết người chuyên nghiệp
Cái chân đã băng xong. Thằng Mĩ ngồi im rồi đột nhiên nó bật khóc hu hu. Nhìn thằng Mĩ to lớn ngồi khóc vừa có một cái gì ngộ nghĩnh buồn cười, vừa có cái gì đáng để động tâm. Tấm lòng nhân hậu Việt nam đã thức tỉnh nó. Nó khóc. Nó còn biết khóc thế là tốt. Nước mắt sẽ rửa sạch tâm hồn nó, sẽ cho nó trở lại làm người.
Số phận chiếc máy bay thứ hai cũng chẳng hơn gì. Nó cất mình lên được một đoạn thì nổ tung. Chiếc máy bay lao xuống giữa nương lúa làm hỏng cả một vạt lúa lớn. Cả hai tên Mĩ trong chiếc máy bay đó đều chết. Xác hai chiếc máy bay đã cung cấp cho ban không biết bao nhiêu bát đĩa. Bốn hôm sau, nhà ăn tập thể của thương binh được dựng lên, Tín đã có đủ nồi xoong bát đĩa cho nhà ăn tập thể.
Sơn nhắc nhở mọi người chuẩn bị lại hầm hố, ngụy trang lại nhà cửa. Chúng sẽ còn mò đến nữa. Ai cũng nghĩ thế. Những khẩu súng được lau đi lau lại kĩ càng. Tất cả đã sẵn sàng. Một khí thế mới dấy lên từ sau ngày hai chiếc máy bay bị bắn rụng. Những người chỉ quen cầm sơ lanh nay cầm đến khẩu súng trong họ vừa có cái cảm giác lạ lẫm, bỡ ngỡ vừa có cái cảm giác phấn chấn trong lòng. Đạn đã lên nòng. Khẩu súng trong tay cựa quậy.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau (Tiếp)



Chương bốn

Liên ngồi ngay đầu nhà giặt băng bẩn. Băng thiếu, tất cả những cuộn băng đã dùng rồi phải giặt đi để dùng lại. Những cuộn băng dùng đi dùng lại nhiều lần đã trở nên vàng ố. Liên vục cả hai bàn tay vào chậu băng sát mạnh cố gắng tạo nên nên một chút bọt. Xà phòng hết, đã mấy tháng nay ngày nào Liên cũng phải đi mấy tiếng đồng hồ lấy quả Bồ hòn về thay cho xà phòng. Quả Bồ hòn giã nhỏ cho vào nồi đun lên lúc sôi thấy bọt sủi ngầu cả chậu thế mà lúc bỏ băng vào cấm thấy một chút bọt nào. Những cuộn băng chỗ thì mủ đã khô cứng đen sịt, chỗ mủ còn lầy nhầy, thối hoắc thoạt nhìn đã thấy ghê cả người. Còn ghê hơn nữa là các loại ruồi. Ruồi đủ loại. Những con nhặng to tướng, xanh biếc, người đầy lông lá trông đến gớm giếc, những con ruồi đen to nhỏ đủ cả tìm mọi cách lăn xả vào nồi băng. Có con quá đà rơi tõm xuống nồi nước bồ hòn cô lại phải lấy tay vớt nó ra.  Liên vò mạnh, mười đầu ngón tay nhăn nheo, nhợt nhạt vì ngâm nước quá lâu. Chậu nước bồ hòn đã chuyển thành mầu đen sỉn. Cầm một dải băng lên xem, cô thật sự không hài lòng khi thấy những vết mủ vẫn còn tạo nên những đường cong mờ khép kín ngoằn ngoèo.. Cô lại bỏ dải băng xuống giặt tiếp. Cô gái cứ mải miết vỏ sát. Đôi bàn tay đỏ lên. Những ngón tay nhăn nheo quắt lại, nhợt nhạt và đôi chân ngồi lâu đã bắt đầu tê cứng. Cô gái cứ ngồi giặt băng như vậy như không hề để ý đến mùi hôi thối nồng nặc xông ra từ những cuộn băng và đàn ruồi đang vo ve quanh mình.
Thương binh ngày một nhiều. Người thiếu, thuốc thiếu, băng thiếu. Thiếu đủ mọi thứ. Mùa mưa lại đến, nhiều khi băng giặt chưa khô đã phải cho vào nồi hấp để rồi lúc mang ra là một cuộn băng ướt nhèo. Vẫn cứ phải dùng nó để băng cho thương binh thôi. Biết làm sao được. Mọi người trong ban thay phiên nhau sấy băng từ sáng đến tối  rồi lại từ tối đến sáng vẫn không đủ băng khô để dùng. Mùa mưa, chỉ ba ngày không thay băng là mùi hôi đã xông lên không sao chịu nổi. Mà nào chỉ có băng bị ướt. Những chiến dịch đánh dài ngày như chiến dịch này có lúc băng ướt cũng không có mà dùng. Những chiếc màn của Sơn, của Tháp, của Thành lần lượt bị xé ra làm băng hết. Cả ban chỉ còn mỗi cái màn của Liên. Có lần Liên đã đưa nó ra nhưng Thành ngăn lại.
-Còn thằng Hải.
Thành chỉ nói có thế. Với Liên bao giờ anh cũng nói rất ngắn. Nhiều lúc câu nói cụt lủn như một mệnh lệnh. Anh chỉ nói với cô khi nào thật cần thiết. Nói xong anh gập cái màn lại rồi đi ngay. Hai người chưa bao giờ ngồi nói chuyện với nhau được lấy hai phút. Ngoài những lời nói về công việc, chưa bao giờ anh nói ra ngoài đề. Càng tốt!. Liên bây giờ thấy sợ những cuộc gặp mặt. Sợ những lời an ủi chân tình. Nó chỉ làm dấy lên nỗi khổ. Thà mọi người cứ im lặng. Liên cảm thấy sợ Thành hơn. Thành im lặng tránh gặp Liên. Anh thầm lặng chăm sóc Liên, chăm sóc bé Hải. Nhiều lúc cô thấy sợ sự chăm sóc ấy. Thành không nói nhưng sự chăm sóc của anh đã nói lên rất nhiều. Nó có lúc làm cô dội lên những cơn đau, có lúc lại làm cô lặng đi bồi hồi xúc động. Cách đây ba hôm, từ buồng tiêm trở về nhà Liên thấy một gói giấy báo đặt ngay ở đầu giường mình. Mở ra , cô thấy hai chiếc áo len trẻ con. Ôm hai chiếc áo vào ngực, người cô ấm hẳn. Cô biết đấy là áo của Thành. Chỉ có anh mới im lặng đến thế. Cô định mang hai chiếc áo trả lại cho anh. Sống tự lập quen rồi, cô không thể chịu nổi khi trong con mắt của mọi người cô là một cô gái mềm yếu, đang đau khổ cần được sự che chở của mọi người. Một lần ngồi nói chuyện với Nga, cô ngỏ ý muốn trả lại cho Thành hai chiếc áo.
-Sao chị lại như thế- Nga kêu lên-Chị làm thế anh Thành sẽ nghĩ về chị như thế nào?
-Mình không cần người khác rủ lòng thương mình. Mình không muốn lợi dụng lòng tốt của anh ấy.
-Chị mà biết anh ấy nói gì với em khi nhờ em đan hai chiếc áo ấy thì chị đã không nói như vậy
-Cô đan à?
-Em đan. Anh ấy còn nhờ em đưa áo cho chị mà đừng nói là áo của anh ấy. Anh ấy sợ chị không nhận. Anh ấy nghĩ về chị lung lắm. Bây giờ chị mà trả lại thì anh ấy chắc là sẽ rất khổ tâm. Mà sao chị cứ làm khổ anh ấy mãi thế?
Liên bỗng thoáng đỏ mặt
-Cô này ăn nói hay nhỉ. Tôi làm khổ gì người ta?
-Không làm khổ à? Anh ấy nói với em là chị mở cửa tâm hồn mình với tất cả mọi người nhưng lại đóng lại với anh ấy. Chị có thể nhận sự chăm sóc của tất cả mọi người nhưng với anh ấy thì không. Anh ấy đã nói đúng.
-Đúng là thế nào- Liên vặn lại.
-Chị chẳng định trả lại anh ấy hai chiếc áo này là gì. Chị làm thế vừa phụ lòng tốt của anh ấy, vừa phụ công đan của em. Biết thế em chẳng nhận đan cho anh ấy, vừa vất vả vừa mang tiếng.
Nga nói với cái vẻ hờn dỗi rất ngây thơ. Liên ôm lấy Nga im lặng. Biết nói thế nào đây cho Nga hiểu bây giờ? Chiếc áo len này là của Hà người yêu của Thành đan cho anh khi vào chiến trường. Bây giờ anh ấy lại phá nó ra đan cho thằng Hải, ở ngoài kia nếu cô gái có tên là Hà ấy mà biết thì sẽ gây phiền phức cho anh . Còn cả tiểu đoàn này nữa. Bây giờ chắc chẳng ai nói gì nhưng sau này biết đâu chẳng có lời ra tiếng vào. Đến lúc ấy mới thanh minh thì thanh minh làm sao được. Nên tránh trước là hơn.  Nhưng bây giờ trả lại anh ấy cũng rất khó. Lấy cớ gì đây mà trả? Anh ấy tốt với mẹ con mình quá. Một khi lòng tốt bị từ chối, anh ấy sẽ rất khổ tâm. Một người cả nghĩ như anh ấy sẽ bị dằn vặt. Có lẽ Nga nó nói đúng. Mình đã làm khổ anh ấy quá nhiều. Anh ấy đã phải nghĩ về mẹ con mình quá nhiều sau ca mổ đáng nhớ ấy. Mình cũng muốn gần anh ấy lắm. Nhiều lúc mình chỉ muốn gục vào ngực anh ấy để khóc cho thỏa, để nói với anh ấy nỗi khổ của mình như nói với một người anh trai. Ôi! Giá như mình có một người anh trai như anh ấy. Anh ấy là người mình có thể nói hết mọi chuyện.Thật tội. Anh ấy phải nghĩ về mình nhiều quá. Làm sao để anh ấy hiểu mình? Mình đâu có muốn lạnh tanh khi gặp anh ấy. Dưới kia anh Ngọc chắc sẽ yên lòng khi mình có những người bạn, người anh như thế.
Liên đứng dậy đi thay nước. Ngồi lâu, hai chân đã tê cứng. Cô phải ôm lấy cột nhà đứng im một lúc mới bước đi được. Băng đã sạch. Cô cẩn thận giũ thêm hai nước nữa rồi mới vắt kiệt những cuộn băng, bỏ vào chậu đi xuống bếp dược. Cô rũ băng xếp thành từng lớp lên những tấm phên đan thành hình mắt cáo đặt lên bếp bắt đầu sấy. Hơi nước từ những cuộn băng bốc lên mờ mờ. Cô rút bớt mấy thanh củi ra khỏi bếp cho ngọn lửa đừng to quá. Thỉnh thoảng cô lại dở những cuộn băng cho chóng khô rồi im lặng ngồi nhìn ngọn lửa. Củi ẩm, những làn khói xanh nhạt từ những mẩu củi cháy dở bốc lên tạo thành những đường ngoằn ngoèo trong không khí. Lên đến tấm phên, chúng bị lớp băng cản lại. Ngọn lửa lay lắt muốn tắt. Liên cúi xuống, ghé mặt vào sát bếp dùng hết sức thổi lửa. Ngọn lửa chỉ bừng lên được trong giây lát rồi lại tắt ngấm. Khói xộc vào mắt cay sè làm Liên ho sặc sụa. Cô bỏ ra ngoài cửa đứng một lúc rồi lại quay vào  thổi lửa. Nước mắt, nước mũi giàn dụa.
Trường đi qua thấy thế ghé vào thổi hộ. Ngọn lửa có lẽ sợ hai lá phổi to tướng của Trường nên lập tức bùng lên. Mặt Liên đỏ gay vì dùng quá sức. Cô tựa vào vách thở hổn hển. Trường nhìn Liên lắc đầu.
-Cô yếu quá rồi phải đi an dưỡng thôi.
Năm nay tiểu đoàn có chế độ cho những người yếu sức khỏe đi an dưỡng. Ban đề nghị cho Liên đi nhưng cô không đồng ý. Đang giữa chiến dịch, mọi người bận tối mắt tối mũi. Bỏ đi an dưỡng lúc này thật không đành lòng.Giữa cái lúc mọi người ai cũng cố để làm thêm được một việc gì đó thì mấy ông tiểu đoàn lại nghĩ đến chuyện đưa người đi an dưỡng. Thật kì cục.
-Em không đuổi gà được cho ban à?
-Ai khiến cô. Đuổi gà đã có thằng cu Hải. Cô cứ đi xem sao nào. Từ trước đến nay không có cô dễ chúng tôi bó tay cả đấy.
Trường cho thêm mấy thanh củi vào bếp, cời than cho ngọn lửa cháy to thêm. Nhổm người sờ lên trên tấm phên, thấy băng đã khô. Anh đứng dậy dỡ băng giúp Liên cuộn băng lại cho vào nồi hấp. Làm xong, Trường nhanh nhẹn bắc nồi hấp lên bếp, cho thêm mấy thanh củi nữa vào lò.
-Anh vừa nhận được thư của chị hả?
-Ừ
Mặt Trường bỗng sa sầm. Cô liếc nhìn trộm nét mặt của Trường và bắt đầu thấy lúng túng. Trường vừa nhận được hai lá thư nhà, một chiếc của vợ, một chiếc của đứa em gái. Đọc thư xong, anh lập tức sé phăng cả hai lá thư rồi cứ thế lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Sơn gợi chuyện mãi mà Trường vẫn chỉ lặng thinh.
-Ở nhà có chuyện gì đấy anh?
Cô rụt rè hỏi. Trường biết không thể nào dấu mãi mọi người. Vả lại với Liên anh cũng không muốn dấu. Cô là người kín đáo nên anh tin. Vả lại, chuyện này cũng chỉ có thể nói được với một người phụ nữ đã làm mẹ. Từ khi nhận được thư, Trường đâm hoang mang không biết nên giải quyết việc này thế nào cho phải. Trường vừa giận lại vừa thương vợ. Hai người lấy nhau đã tám năm nhưng ở với nhau vẻn vẹn chỉ có bẩy ngày trời rồi anh khoác ba lô đi biệt. Tám năm trời, người con gái nào chẳng phải lo nghĩ, tính toán cho hạnh phúc của mình. Phụ nữ lại vốn cả tin nhẹ dạ. Biết thế nhưng giận vẫn cứ giận. Giận thương lẫn lộn đến nghẹn thở, đến mất ngủ
-Chuyện gì à? Chuyện vợ tôi đi cải thiện thêm một thằng con chứ  còn chuyện gì nữa.
Nói xong Trường ngồi im. Liên bỗng thấy thương Trường quá. Ở đời ai cũng có một nỗi khổ nào đấy mà không nỗi khổ nào giống với nỗi khổ nào. Hồi Ngọc mới mất, chính anh đã đến an ủi cô rất nhiều và bây giờ đến lượt anh lại đang cần một lời an ủi. Anh đã tìm được lời an ủi cho Liên nhưng giờ đây anh không thể tìm được một lời an ủi cho chính mình.
-Bây giờ anh định như thế nào?
-Chẳng thế nào cả. Tôi sẽ bỏ.
Trường nói giọng giận dữ, dứt khoát. Liên nắm lấy tay áo anh năn nỉ.
-Anh đừng làm thế. Dù sao hai người cũng đã có với nhau một đứa con.
Trường im lặng. Bây giờ, đứa con là sợi dây duy nhất ràng buộc tình cảm của anh. Anh thương con. Anh không muốn nó trở thành một đứa trẻ không mẹ.
-Nhưng cô ta có thương thằng bé đâu.
-Anh tưởng thế thôi. Người mẹ nào không thương đứa con rứt ruột đẻ ra. Người vợ nào mà chẳng thương chồng.
-Thương! – Trường cười gằn- Tôi thấy ghê tởm tình thương ấy.
-Chẳng qua chị ấy chỉ một phút không giữ nổi mình mà trót dại. Anh hãy tha thứ cho chị ấy.
-Không phải bất cứ người con gái nào cũng trót dại. Sao bao nhiêu cô gái khác lại không trót dại như cô ta? Cô bảo tôi tha thứ. Tôi làm sao mà tha thứ được. Tôi vào đây gian khổ, thiếu thốn, ác liệt . Thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Từng ấy thứ tôi phải chịu đựng còn chưa đủ hay sao mà bây giờ còn bắt tôi phải suy nghĩ về cô ta nữa. Ở ngoài kia, cô ta phải chịu đựng những gì? Không gì cả. Thế mà có cái nhỏ nhất thì cô ta lại không chịu đựng nổi. Cô còn muốn tôi phải chịu đựng đến mức nào nữa đây?
-Anh nghĩ về phụ nữ chúng tôi đơn giản vậy à?-Thốt nhiên Liên bỗng nổi giận. Giọng cô đanh lại.- Anh tưởng trong cuộc chiến tranh này, phụ nữ chúng tôi không phải chịu đựng gì sao? Anh nhầm rồi. Chúng tôi phải chịu đựng gấp nhiều lần những thứ mà các anh đã chịu đựng. Các anh cầm súng ra tiền tuyến chịu đựng bom đạn , gian khổ, hi sinh nhưng rồi tất cả những thứ đó dần dần các anh sẽ quen đi. Tám năm trong chiến trường thử hỏi đã mấy lần các anh ngồi nghĩ đến vợ con? Có nhưng ít lắm. Nỗi nhớ của các anh chẳng qua cũng chỉ là những tia nắng quái chiều hôm gay gắt nhưng chỉ một lúc sau là vụt tắt. Còn chúng tôi, sau một ngày lao động mệt nhọc thay các anh nuôi dưỡng chăm sóc bố mẹ chồng, nuôi dạy các con, đêm về lại lo, lại nhớ. Con gái ai chẳng phải lo lắng cho hạnh phúc của mình. Thời buổi chiến tranh, có người vợ nào không tự hỏi liệu chồng mình còn hay mất. Đêm nằm nghe tiếng súng nổ lại lo đến thắt ruột. Ăn một bát cơm gạo mới nghĩ đến chồng mà miếng cơm nghẹn đắng. Lâu lâu, không nhận được lá thư của chồng lại lo. Anh tưởng chúng tôi quen được với sự chờ đợi, lo âu à? Không đâu . Sống giữa nhớ mong khắc khoải, lo lắng đến mòn mỏi làm sao mà quen được. Nếu quen được thì chúng tôi đã không lo lắng, không nhớ mong. Thế mà chúng tôi vẫn phải sống. Vẫn phải gánh vác công việc nhà chồng.Còn đàn ông các anh thì sao? Các anh cứ việc khoác ba lô ra đi chẳng phải lo nghĩ gì. Lâu lâu mới gửi được một lá thư về nhà hỏi thăm vợ được vài câu  rồi lại biệt tăm biệt tích. Thoảng hoặc có về nghỉ phép, bế con lên, thơm vào đôi má bụ bẫm của nó mà chẳng có một lời cám ơn vợ đã nuôi con cho mình. Các anh đâu biết đến những vất vả của vợ. Con các anh lớn lên bằng những âu lo, mất ngủ của chúng tôi đêm đêm. Phụ nữ chúng tôi cả lo nhưng chúng tôi không lo cho mình mà chỉ lo cho chồng cho con. Các anh có biết đến điều ấy không?
-Cô làm như đàn ông chúng tôi là những cục đất không bằng
-Tôi không nói các anh không suy nghĩ về gia đình. Nhưng các anh nghĩ ít hơn chúng tôi, những người vợ, người mẹ.
- Tôi không quen nói chỉ quen hành động.
-Kể cả hành động bỏ vợ?
Trường phác ra một cử chỉ tỏ ý phản đối nhưng Liên đã chặn ngay lại.
-Các anh đánh giặc thì rất giỏi. Các anh phải hi sinh rất nhiều . Điều đó thì chúng tôi biết. Nhưng tại sao những lúc phải đổ máu thì các anh không tiếc, không suy nghĩ. Các anh có thể hi sinh một cách dễ dàng nhưng khi tình cảm của mình bị tổn thương một chút thì các anh lại không thể chịu nổi. Tại sao thế?
-Vì chúng tôi chiến đấu cho hạnh phúc của chính mình. Còn cô ta, cô ta không nghĩ đến điều đó. Cô ta không bảo vệ cái mà chúng tôi đã bỏ xương máu ra để bảo vệ.
Liên nhìn Trường lặng lẽ. Một con người tươi mát , vui vẻ như thế lại hóa ra một con người toàn lửa. Lửa rực cháy trong tình yêu của anh. Con tim anh ngay cả trong những lúc đau khổ vẫn đầy lửa đỏ. Cô xuống giọng.
-Em không muốn bao che cho chị ấy. Chị ấy có lỗi với anh cái ấy thì đã rõ. Nhưng có phải anh không thể tha thứ? Không thể coi đó là một sự hi sinh nữa tiếp theo hàng trăm thứ mà anh đã hi sinh? Anh nghĩ mà xem. Bỏ nhau thì dễ. Giữ trọn vẹn tình cảm của đứa con mới là điều khó. Anh sẽ trả lời con anh thế nào  khi nó hỏi anh “Mẹ đâu”?
Trường cúi đầu không nói. Liên đã đánh trúng vào điểm yếu nhất trong tình cảm của anh. Giọng Liên vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng.
-Cái hạnh phúc cao cả nhất và cái vĩ đại nhất của người bố là hi sinh vì những đứa con của mình. Đây là cái lúc anh được –Giọng Liên nhấn mạnh vào tiếng “Được” – và phải hi sinh tình cảm của mình để giữ lấy hạnh phúc cho đứa bé. Hai người dù tình cảm không còn gì thì cũng phải bảo vệ lấy tình cảm cho đứa con. Mà chị ấy đã có gì là quá tệ đâu. Chị ấy chỉ mới chót dại lần đầu. Bỏ nhau có nghĩa là anh đã dồn chị ấy vào ngõ cụt mà rồi chính anh cũng sẽ phải day dứt.
-Thà như thế còn hơn sống với nhau mà nhìn nhau trong lòng lạnh giá. Sống như thế chỉ  làm cho cả hai người cùng khổ.
-Không phải thế. Anh đã mất đi một thứ rất quý giá. Nhưng anh sẽ được đền bù gấp hàng trăm, hàng ngàn lần thứ mà anh đã mất đi . Hai người sống với nhau vẫn sẽ rất hạnh phúc nếu như anh biết tha thứ và đủ dũng cảm để tha thứ.
-Cô nghĩ như thế à?
Trường trầm ngâm hỏi
-Không phải là nghĩ mà nhất định sẽ là như thế.
Liên khẳng định. Trường ngồi im cúi mặt nhìn xuống đất. Trong cơn đau nhưng anh vẫn rất tỉnh. Nhìn một người to lớn như Trường ngồi lặng đi trong cơn đau mà Liên bỗng thấy giận vợ Trường đến vô vùng. Sao chị ấy lại dại dột thế? Anh ấy nói thế thôi chứ anh ấy sẽ không bỏ vợ. Những người như anh ấy sẽ tỉnh lại rất nhanh sau cơn đau đến quằn quại.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau (Tiếp)



 Trời tối, Trăng thượng tuần mảnh dẻ uốn cong như lá lúa ở bầu trời đằng tây. Đêm không mưa, sao dầy chi chít. Những ngôi sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch của đêm. Sao trời hình như tụ hết về đây  từ từ nghiêng xuống những dãy núi đen sẫm. Qua những chỗ mở ra của tán lá rậm, những ngôi sao hắt xuống một ánh sáng xanh mờ nhạt, lung linh. Trên thảm sao đã chín vàng nhấp nháy là mảnh trăng. Trăng thượng tuần mảnh dẻ , e lệ như một cô gái đứng giữ một bầy trẻ sao tinh nghịch. Trăng thượng tuần trong, cong cong lả xuống ngọn cây. Đêm không mây, ánh trăng mờ nhạt làm bầu trời thêm cao thẳm. Trời đêm như bước vào vụ gặt. Những ngôi sao li ti vàng rực như những hạt lúa chắc mẩy vãi ra trên cánh đồng bầu trời mà mảnh trăng là một cái liềm đang gặt những ngôi sao vừa độ chín.
Đêm rất tĩnh. Gió khẽ thì thào với vòm lá rồi lặng đi nhẹ mơn trên ngực , trên mặt mọi người
Tất cả im lặng ngồi thành một vòng cung quanh người gẩy đàn. Người thương binh đặt cái chân bị thương lên thân đàn. Tay trái vuốt nhẹ lên cần đàn buông ra những âm thanh trong suốt mỏng mảnh. Tiếng đàn nương theo ánh trăng mờ sáng vương vấn trong lòng người nghe. Ôi! Một cánh đồng quê đang mùa gặt hái. Sau những giờ dưới trăng đập lúa là những phút rất lặng, rất yên cho tiếng đàn bầu mỏng manh bay lên. Tiếng đàn trộn lẫn với hương cau thơm mát lan ra khắp xóm. Tiếng gàu ai dưới đêm trăng tát nước thì thụp . Cối gạo nhà ai thao thức trong đêm. Cô gái nào cất lên một lời ca quan họ. Tiếng cô gái trong và ấm lạ. Tiếng hát rung lên theo tiếng láy mềm mại của cây đàn
                            Người về người có tái hồi
                   Yêu em đừng đứng đừng ngồi với ai
Câu hát ngân dài tha thiết, âm vang, thổn thức. Hát xong , cô gái ngồi im để cho tiếng đàn lắng xuống rất đậm rất sâu. Chàng trai ngồi nghe mà lòng sao xuyến. Cô gái mảnh dẻ, duyên dáng như khóm trúc dưới trăng đã nói lên tấm lòng mình bằng một câu hát bồi hồi tha thiết. Ai đã một lần nghe em hát thì làm sao có thể bỏ mà về. Làm sao có thể đứng ngồi cùng ai được nữa.
Tiếng đàn vút lên cao, rung lên run rẩy. Vòm trời thẳm lại. Tiếng đàn trải ra mênh mông. Chao ôi sao gần quá. Một cánh đồng quê yên ả. Một cánh cò bay lả chập chờn. Tiếng gàu ai tát nước dưới đêm trăng. Một tiếng ru con giữa trưa hè nắng lửa. Tất cả những cái đó bỗng hiện lên rất rõ, rất gần trong tiếng đàn sâu lắng. Xa những lũy tre xanh, xa cô gái dưới đêm trăng ngồi hát, người lính cầm súng bước vào những trận đánh. Ở đấy, bom đạn, gian khổ, những hi sinh làm anh cứ xa dần với những kỉ niệm thân thiết ngày xưa. Bỗng thấy rất xa những ngày mình đã sống. Đêm nay ngồi đây sau trận đánh, lại thấy quê hương hiện lên trong một tiếng đàn bầu. Đêm bỗng hóa sâu hơn. Trăng bỗng hóa trong hơn. Trăng sà xuống cho tiếng đàn dịu ngọt tan vào ánh trăng vàng.
Những người lính im lặng ngồi dịch lại gần nhau. Không ai yêu quê hương hơn những người cầm súng. Trong họ như trải ra một cánh đồng đầy nắng, câu quan họ đậm đà trải theo gió mênh mang. Cô gái hát câu quan họ lặng đứng nhìn về nơi súng nổ. Đêm không ngủ, mẹ nằm trăn trở lắng nghe. Một miền đồng quê rất xa có những cô Tấm hát dao duyên trong những ngày trẩy hội.
                              Qua cầu ngả nón trông cầu.
                      Cầu bao nhiêu nhịp lòng sầu bấy nhiêu.
Bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu nhịp cầu đã ngăn cách ta với miền quê ấy và trong ta đang thấy cô gái ngả chiếc nón quai thao ngơ ngẩn nhìn ra những nhịp cầu. Câu hát lắng lại rất sâu trong kí ức.
“Người ơi người ở đừng về” . Tiếng đàn rung lên thổn thức. Tiếng đàn nức nở chan chứa những giọt nước mắt yêu thương. Anh sẽ về với em, cô gái hát dao duyên và cấy lên mầu xanh của lúa. Dù anh có đi trăm miền đất lạ, có chịu trăm nghìn gian khổ thì lòng anh vẫn nhớ vẫn thương. Vẫn yêu em và yêu quê hương. Câu hát dao duyên vẫn ngân lên giữa những bài hành khúc. Nửa cuộc đời cầm súng là nửa cuộc đời sôi động nhất và cũng là nửa cuộc đời  ta thấy rất bình yên.
Trong khổ đau tự ngàn xưa cha ông ta đã tạo nên cây đàn bầu để rồi vào những đêm trăng, sau những buổi ra đồng người buông ra tiếng đàn cho nỗi khổ đau giảm bớt. Không biết than thở cùng ai nên người than thở cùng cây đàn thân thiết . Có phải vì thế mà tiếng đàn lắng sâu?
                           Trèo lên cây khế nửa ngày
                        Ai làm đau sót lòng mày khế ơi.
Ai làm lòng khế chua sót? Làm lòng người đắng cay? Tiếng đàn lúc đầy lúc vơi như những dòng nước mắt. Những đau khổ tan vào tiếng đàn tha thiết. Lòng người nhẹ đi sau những phút cùng cây đàn thở than.
Càng đau khổ , tình yêu càng cháy lửa. Cây đàn không chỉ than lên những tiếng than thống khổ mà còn thủ thỉ nói hộ tình người. Tiếng đàn ngân dài trầm bổng như ánh mắt người ta yêu xao động dưới trăng. Tiếng đàn láy lên những tiếng láy tinh tế đến vô cùng như tâm hồn cô gái đang run lên chờ đợi. Tiếng đàn dàn trải, lững lờ như dòng nước sông Cầu, dập dờn như sóng lúa, mênh mông như cánh cò rải nắng trên đồng.
Đã gần ba chục năm cây đàn đã quên hẳn đi những lời than khóc. Lòng người không còn chua sót. Tiếng đàn cũng không còn là dòng nước mắt đầy vơi. Ba chục năm nay, tiếng đàn trong và thanh như tình yêu cuộc đời. Sao xuyến bồi hồi như tình yêu đôi lứa.
Những người lính bị thương trong trậnđánh ngồi sít lại gần nhau. Lặng im . Tiếng đàn lắng sâu. Tiếng đàn vút lên rất cao rồi chậm chạp rơi xuống.
-Ôi! Nhớ quá.
Tất cả quay lại nhìn người vừa nói lặng lẽ đồng tình.
-Đánh nữa đi anh.
Một người khác lên tiếng dục. Người thương binh đánh đàn sực tỉnh. Bàn tay chai sạn vì  những đêm đào hầm tiền nhập, sứt sát vì dây kẽm gai, dây nâu nhẹ vuốt lên cần đàn. Một sợi tơ mong manh vương vào không gian , quấn vào nỗi nhớ. Quê hương là thế đó. Một câu quan họ. Một cánh đồng gặt dở. Một lũy tre làng muôn thủa yên vui. Một cánh cò bay lặng cuối chân trời. Tất cả đều là tình là nghĩa. Tất cả gộp lại thành hai tiếng quê hương. Quê hương! Sao rất xa mà lại rất gần. Trìu tượng quá mà vô cùng cụ thể.
Sơn ngồi lắng nghe tiếng đàn, thả mình về quá khứ. Quê Sơn chính đất quan họ. Những cô gái chít khăn mỏ quạ, má ửng đỏ, mắt long lanh duyên dáng cất lên tiếng hát làm say lòng người mời những chàng trai vào hội. Sau ngày hội là ngày cưới. Những tiếng hát dao duyên chấp chới trong ngày hội hóa thành những miếng trầu say nồng mời hai họ. Sơn lấy vợ trong trường hợp như thế. Chàng trai Phù ninh vì quá say mê giọng hát trong và ấm của cô gái Nội duệ mà theo cô về đến tận nhà. Quan họ vốn có lệ : Cô gái nào trong ngày hội mà làm chàng trai phải theo về đến tận nhà, cô gái đó nếu đã có chồng thì người chồng phải ra tiếp. Nếu chưa có chồng thì chính cô gái phải ra mời chàng trai lạ vào nhà. Cô gái mà Sơn theo về đến tận nhà đã phải ra tiếp anh. Anh đã ở lại đất cầu Lim ấy đúng một ngày và thấy lạ vì ở đấy cô gái nào cũng thùy mị, duyên dáng khác hẳn với cái câu đã làm cho các cô gái cầu Lim đã trở thành nổi tiếng “Gái Nội duệ cầu Lim”.
Cô gái ra tiếp Sơn hồi ấy bây giờ đã là vợ anh. Chín năm xa gia đình không biết bây giờ những ngày hội còn có mở? Những ngày đầu mới lấy vợ, hai người cứ quấn lấy nhau như một đôi cu gáy. Vợ cấy thửa ruộng này, chồng cày thửa ngay bên.Vợ cất lên tiếng hát, chồng nghĩ câu trả lời. Có lần mải nghe vợ hát, anh đã làm gãy cả bắp cày. Thế mà đã mười mấy năm trời. Cô gái e thẹn ngày xưa bây giờ đã trở thành người mẹ. Cô gái hay hát ngày xưa bây giờ không hát nữa. Xóm làng mở hội , cô ra nghe mà nhớ lại hồi con gái ngày xưa. Những tháng năm chờ đợi, lo âu in lên đuôi mắt cô gái những nếp nhăn mới. Cô thầm lặng đợi chờ đã chín năm nay.
Sơn bồi hồi. Tiếng đàn xốn sang day dứt. Chín năm trời, quê hương có bao nhiêu đổi khác. Nhưng dù thay đổi đến thế nào thì tiếng hát vẫn được giữ gìn. Sức mạnh của niềm tin đã giữ cho câu hát không bị mất đi trong bom đạn. Đêm nay đây câu quan họ lại cất lên giữa những người lính. Ngày mai họ lại sách súng lao vào chỗ đạn lửa mà không hề do dự. Quê hương chờ đợi họ  và họ phải sống sao cho trọn nghĩa với quê hương.
Quá nửa đêm, trăng đã lặn. Những ngôi sao chuyển từ mầu vàng sang mầu sáng bạc. Sương bắt đầu xuống nghe lành lạnh. Sơn đứng dậy nhắc mọi người.
     -Đi ngủ thôi
Không một ai trả lời Sơn.  Mọi người ngước nhìn lên. Một người nói.
-Nghe thêm một bài nữa đi anh Sơn – Người đó quay sang người gảy đàn-Ông chơi bài “Vì miền nam” được không?
Người thương binh đánh đàn gật đầu. Anh ta cúi xuống lên căng thêm dây đàn và tiếng đàn vang lên mạnh mẽ. Dòng âm thanh lúc dồn dập như thác đổ, lúc tắc nghẹn đau đớn. Lúc tiếng đàn lững lờ như những dòng kênh đêm ngày chở phù sa mải miết. Tiếng đàn da diết nhớ mong. Tiếng đàn gợi về những cánh rừng tràm đầy hoa trắng nhắc đến cánh rừng đước mênh mông, gọi về những dòng sông ghe thuyền trôi êm ả.
Từ lúc cây đàn chỉ biết cất lên những lời than thống khổ đến lúc cây đàn biết thét lên những lời phẫn nộ là cả một sự đổi thay. Dưới đôi tay người lính, cây đàn không chỉ biết yêu thương tha thiết mà còn biết căm giận sục sôi. Tiếng đàn rung lên, rầm rộ như bước chân những người ra trận. Giữa cái lúc âm thanh đang dồn dập, tiếng đàn bỗng tự nhiên lắng xuống chậm chạp trôi trên cảm xúc của người nghe như một nỗi đau mất mát. Rồi tiếng đàn bỗng vút lên, âm thanh chen chúc của một niềm vui vô tận. Chiến thắng. Đoạn kết của bản nhac, giai điệu lại quay về những nốt nhạc đầu tiên. Tiếng đàn kéo dài, chậm rãi, buông lắng. Tiếng đàn tựa như câu hò của cô gái lái đò trong những đêm trăng sáng. Tiếng hò lọc qua ánh trăng bàng bạc ướt đẫm sương đêm bay đến những nương dâu xanh biếc, trải ra trên sóng nước mênh mang. Tất cả ngồi im. Tiếng đàn rất mảnh, rất thẳm. Tiếng đàn tắt rồi mà âm thanh của nó vẫn còn vang vọng. Đến khi nào, tiếng đàn này lượn bay trên sóng nước Cửu long?
Ngày xưa vua Quang Trung mang quân ra Bắc, vào một đêm giáp tết Người bất chợt nghe một người lính gảy đàn. Có ai ngờ đâu một người anh hùng cả một đời chinh chiến, cả một đời chỉ quen nghe tiếng sắt thép chạm nhau lại bị tiếng đàn quyến rũ đến mê say. Người lính ngày xưa mang cây đàn bầu suốt từ nam ra bắc. Trong cái đêm giáp tết, người lính mang cây đàn ra cho tiếng đàn thánh thót ngân nga, cho lòng về nỗi nhớ để hôm sau tiến như thác đổ vào đánh chiếm Thăng Long.
Người lính hôm nay lại mang cây đàn từ Bắc vào nam. Dù người bắc hay người nam. Dù ở sông Cửu long hay sông Hồng đỏ lửa đâu chẳng là xứ sở. Cả nước chung một tiếng đàn bầu.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau (tiếp)

                                   *
                           *              *
Hợi tập tễnh đi cuối cùng trong đoàn người đi lấy gạo. Bỏ được cái gậy đi không Hợi mừng lắm mặc dù chân vẫn còn rất đau. Lúc bị thương anh thấy nó rất bình thường tưởng chỉ dăm bữa nửa tháng là có thể khoác gùi quay về đơn vị. Ai ngờ sáu tháng ròng rã vết thương vẫn không khỏi. Những ngày đầu còn phải chống nạng lò dò tập đi quanh nhà, mồ hôi toát ra, bắp thịt co rút lại đau nhức. Hợi kiên trì tập đi như thế suốt hai tháng, cuối cùng cái nạng le cũng được thay thế bằng cây gậy chống. Cái gậy ngay thẳng cứ thế kết bạn với Hợi từ bấy đến nay. Hôm nay bỏ được cây gậy đi không, Hợi mừng lắm. Anh quyết định chào mừng chiến công của mình bằng một buổi đi lấy gạo.
Chỉ có người bị cụt chân mới hiểu hết nỗi vui mừng sung sướng của người bỏ được cây nạng gỗ. Hàng mấy tháng trời, ăn, ngủ, ỉa, đái cùng một chỗ bất lực đến đau khổ khi người khác phải phục vụ mình. Những lúc chống nạng tập đi xung quanh nhà đau đến đổ mồ hôi hột, nhìn những người khác gùi hàng vượt dốc mà thấy thèm. Bộ quần áo mặc gần nửa tháng mà không dám thay ra vì sợ người khác phải đi giặt cho mình. Những lúc ấy ước mơ nhỏ lại và thiết thực. Giá như mình đi được dù chỉ là tập tễnh để lần xuống suối rửa cái mặt. Để tự tay mình giặt bộ quần áo của mình. Cuộc đời đánh giặc, đôi chân đã trở thành một gia tài. Đi suốt từ bắc vào Nam. Đi dọc chiều dài đất nước đã đi những bước chân mạnh mẽ của một người cầm súng thế mà nay lại từng bước tập đi. Bao giờ mới lại được bước đi trong đoàn quân trùng điệp, lại được chạy nhẩy nô đùa? Bao giờ? Bao giờ ? mới lại được cầm khẩu súng.
Hợi thấy thật sự sung sướng trong những bước đi đầu tiên hôm nay.
Đường đến kho phải vượt qua một cái dốc không cao nhưng dốc đứng. Leo lên được cái dốc đầu tiên, mắt Hợi đã hoa lên, thở dốc. Cái chân lâu ngày không đi đâm đổ đốn vừa mới leo được hai đoạn dốc đã rã rời. Vết thương tấy đỏ nhức nhối. Leo lên đến đỉnh, Hợi đã thấy Sơn đứng đợi mình. Sơn nhìn Hợi ái ngại.
-Hay anh quay về
Hợi ngồi phịch xuống một cái cây đổ đã mục, duỗi thẳng cái chân đau, lấy tay xoa bóp bắp chân phải một lúc sau mới trả lời Sơn.
-Tôi đi được
Sơn bỏ gùi ngồi xuống móc túi thuốc cuộn, cuộn một điếu rồi đưa gói thuốc cho Hợi. Mắt Hợi sáng lên. Anh đón lấy gói thuốc cuộn một điếu rõ to. Hợi rít một hơi dài đến lõm má rồi khoan khoái nhả từng tý khói một. Khói thuốc ra khỏi lá phổi của anh chàng nghiện đã mất hết mầu xanh. Mấy ngày hôm nay, anh chạy quanh mà chẳng kiếm được hơi thuốc nào. Chẳng bù cho những ngày còn đánh nhau, xuất kích về, trong gùi người nào cũng đầy thuốc thẳng. Cũng lạ cho cái đời thằng lính, lúc thì ăn đến no kềnh, đứng cũng khổ mà nằm cũng khổ. Lúc thì đói mấy ngày liền không lấy một hạt cơm. Thuốc hút cũng thế. Lúc thì hút lá tàu bay, lá sắn, lúc thì thuốc Battô mang ra mời cũng chẳng thèm hút cho. Bét cũng phải là Capstan không cũng là salem một gói có bốn điếu. Gặp lính phía sau, móc túi quần cho nhau cũng vài bao thuốc thẳng. Những lúc ấy chẳng ai nghĩ đến chuyện dành dụm cho những lúc hút lá sắn, lá tàu bay.
Mới hút được một nửa điếu, Hợi đã dập điếu thuốc hút dở, cẩn thận cất vào túi áo đứng dậy bảo Sơn.
-Ta đi thôi chứ.
Sơn khoác gùi lên vai đứng dậy. Thấy Hợi bước vội, Sơn khẽ nhắc.
-Cứ thong thả mà đi. Từ giờ đến trưa thế nào cũng về đến nhà. Chẳng việc gì mà vội.
Hợi dừng lại, đợi Sơn vượt lên ngang mình.
-Anh đi nhanh anh cứ đi trước đi không anh em họ đợi.
Sơn ngần ngại. Anh không muốn để cho Hợi đi một mình.
-Đã có anh Quyết đi trước rồi.
-Anh mà đợi tôi thì đến trưa mới tới. Anh cứ đi trước còn đong gạo cho anh em không lại muộn.
-Bỏ ông lại mà ông lăn quay ra đấy thì chết tôi à.
Hai người đến kho gạo, mọi người đã đóng gạo gần hết. Từ xa Sơn đã nghe thấy Quyết đang to tiếng với một người.
-Ăn thì khỏe như hùm mà đi lấy gạo thì mang mỗi cái ruột nghé.
Người thương binh cũng chẳng phải tay vừa.
-Tôi ăn của nhà anh đấy à? Mang ruột nghé là còn tốt đấy. Anh mà còn nói nữa lần sau tôi mang khăn mặt đi gói gạo cho anh coi.
Quyết mặt đỏ gay sừng sộ. Bàn tay to sù như lực sĩ của Quyết túm lấy ngực áo của người thương binh.
-Mày nói gì? Sơn lách vội qua đám người đang xúm quanh hai người bước vào gỡ tay Quyết ra. Giọng anh nhẹ nhàng nhưng kiên quyết.
-Định làm gì thế? Đồng chí Quyết.
Quyết buông người thương binh ra hậm hực.
-Nó nói ngang như cua ai mà chịu được.
Sơn nghiêm khắc.
-Đồng chí cứ đong gạo cho thương binh theo sức của họ.
Nói xong Sơn quay sang người thương binh mang cái túi ruột nghé.
-Còn ông, ông cũng phải cố lên một tý. Ai lại mang túi ruột nghé trong lúc mọi người ai cũng mang gùi.
Người thương binh đỏ mặt chống chế.
-Tôi không có gùi nên mới phải mang ruột nghé. Anh ấy làm như tôi ăn của nhà anh ấy không bằng.
Sơn cười, vỗ vai anh chàng giọng thân mật.
-Không có gùi sao ông không nói.- Sơn vẫy Hợi lại gần- Ông đưa cái túi cho ông Hợi, chân ông ấy còn đau. Ông lấy tạm cái gùi của ông ấy mà gùi.
Nhân viên ít, không đủ người để lấy gạo cho hơn một trăm thương binh ăn. Hội đồng quân nhân thương bệnh binh họp ra quyết định: Mỗi tuần, thương binh sẽ đi lấy gạo một ngày. Người đi lấy gạo sẽ do y sinh chỉ định. Từ ngày có nghị quyết đó nhân viên của ban cũng đỡ vất vả được một phần. nhưng lại nảy sinh nhiều chuyện làm Sơn đau đầu. Có người kì lấy gạo nào cũng đi. Một phần đi để rèn luyện, một phần vì thấy anh em trong ban quá vất vả. Nhưng cũng có người nằm viện ba bốn tháng trời mà không chịu đi lấy gạo một lần nào. Y sinh có cử đi thì viện ra đủ thứ để trốn tránh. Có người bị anh em nói nhiều ngượng cũng phải đi nhưng lại mang cái ruột nghé đựng chưa đầy năm gô gạo. Đi lấy gạo chủ yếu là để rèn luyện nên gạo mang tùy theo sức. Nhiều người vin vào điều đó mang rất ít nhìn ngứa cả mắt. Nói thì không được đành cứ phải im. Anh chàng này mang ruột nghé đi lấy gạo đã nhiều lần, trách gì Quyết chẳng cáu.
Lần đầu tiên đi lấy gạo, chưa có kinh nghiệm Sơn để cho thương binh tự lấy gạo mang về. Lần ấy lấy có bốn tạ gạo mà hao gần hai yến. Mấy hôm sau khi đi thăm các lán, Sơn bắt gặp một lán đang ca cóng dưới hầm. Anh lôi ra được gần một ruột nghé gạo. Bấy giờ Sơn mới bết gạo hao nhiều như thế là do đâu. Ca cóng, tụt tạt cũng vốn là sở trường của lính phía trước. Cũng từ đấy mới sinh ra chuyện đong gạo cho từng người ấy thế mà gạo vẫn cứ mất.
Sơn cầm cái túi ruột nghé đong vào đấy già nửa cái túi đưa cho Hợi. Thấy Hợi nhìn cái túi với ánh mắt ngần ngại, Sơn nói ngay.
-Chân ông còn đau, mang vừa vừa cái đã.
-Ai lại mang nửa cái ruột nghé. Đằng nào cũng một công đi. Anh cứ đong đầy vào.
-Lần sau, lần sau.
Sơn vừa nói vừa nhanh nhẹn đóng gạo vào gùi cho mọi người. Hợi khoác nửa ruột nghé gạo lên vai tranh thủ về trước. Đi được một quãng anh còn nghe thấy tiếng Sơn nói với người thương binh khi nãy
-Thêm một gô nữa nhé. Từ đây về nhà có xa gì.
Thương binh đã gùi gạo về hết, Sơn mở gùi của mình đóng gạo vào. Buộc gùi xong, anh đợi Quyết cùng về.
Quyết là y tá sừng sỏ nhất tiểu đoàn về tuổi quân, tuổi nghề tuổi chiến trường đồng thời cũng là người nổi tiếng bầy hầy, tụt tạt nhất viện. Quyết thuộc hạng người mà như Tháp nói “Loại có sạn trong đầu”. Anh ta từng thẳng thừng tuyên bố.
-Ở ban này tớ chỉ nể ông Sơn với ông Tháp một chút còn lại thì khinh hết, khinh hết.
Nói đến hai tiếng  “Khinh hết” môi Quyết chề ra, tay phải xua xua trước mặt tỏ ý khinh thật sự. Quyết còn nể Sơn với Tháp vì hai người đã vào chiến trường chín mười năm chẳng kém gì Quyết. Những người mới vào chiến trường như Thành thì anh coi thường ra mặt. Cả ban chẳng còn ai nói nổi Quyết. Lúc hứng lên, Quyết làm thục mạng chẳng ai bằng. Lúc đã không muốn làm thì trời cũng không dựng nổi anh ta ra khỏi cái võng. Tính Quyết ương ngạnh chẳng sợ bất cứ một ai. Quyết đã nổi tiếng khắp viện vì câu chuyện cái đài.
Dạo ấy ,Quyết đi lĩnh hàng quân y cho viện. Đến trưa, đoàn đi lấy hàng rẽ vào nghỉ nhờ chỗ quân của tỉnh đội. Quyết nhìn thấy một cái đài ba bóng loại tự lắp vứt lăn lóc ngoài sân. Có người lại lấy nó thay cho cái ghế ngồi. Thấy thế anh xin về, hí hoáy tháo lắp không hiểu làm sao cái đài lại nói được mới tài.  Cái đài một băng ậm ạch lúc nói được lúc mất nhưng dù sao vẫn hơn không. Mỗi tội nó ngốn pin quá mạnh nên nhiều lúc anh phải nhét nó vào ba lô vì không sao kiếm nổi pin. Được hai tháng, ở trên có lệnh thu đài. Quyết lên tiểu đoàn cãi nhau một trận om sòm, cuối cùng vẫn phải mang cái đài lên nộp vì Quyết chưa đủ tiêu chuẩn dùng đài. Quyết gỡ bóng, gỡ loa còn lại mang lên tiểu đoàn nộp và thề sống thề chết lúc xin được cái đài chỉ có thế. Mấy hôm sau, Quyết xin được một ít linh kiện của mấy tay cơ công mày mò lắp được một cái đài khác. Không có vỏ, Quyết nhét tất cả vào một cái ống bương đặt ngay ở đầu giường. Tiểu đoàn biết được gọi Quyết lên. Anh vác cái ống bương lên đặt ở bàn hỏi chính trị viên tiểu đoàn.
-Cái này các anh cũng gọi là cái đài à?
Quyết cũng là người bị anh em thương binh kêu ca nhiều nhất về thái độ phục vụ và nóng nẩy của mình.
Thấy Quyết buộc gùi xong, Sơn xốc gùi lên vai. Anh tiếc rẻ nhìn những hạt gạo vương vãi trên mặt đất. Ngần ngừ một lúc, Sơn bỏ gùi gạo xuống vun đám gạo vãi thành một đống hót vào túi mìn mang về.
_Anh lấy về làm gì?
Quyết ngạc nhiên hỏi
-Mang về cho gà
Sơn vừa trả lời vừa xốc gùi đứng dậy. Vượt qua hết cái dốc thứ hai, Sơn vẫn thấy Hợi tập tễnh vượt dốc. Đi ngang đến Hợi sơn đi chậm lại vừa đi vừa đợi. Hợi lấy tay áo lau những giọt mồ hôi trên trán bảo với Sơn.
-Anh gùi nặng cứ đi trước đi.
Quyết chẳng nói chẳng rằng bước lại nhấc túi gạo của Hợi bỏ lên vai mình. Hợi giằng túi gạo lại. Thấy thế Sơn tặc lưỡi bảo Quyết
-Thôi ông cứ về trước đi còn đong gạo cho anh em. Mình với ông Hợi sẽ về sau.
Quyết bước những bước dài bỏ hai người ở lại. Chẳng mấy chốc, anh đã khuất hẳn bên kia con dốc. Sơn hạ gùi xuống bảo Hợi.
-Ta nghỉ tý đã.
Hợi quẳng ruột nghé gạo xuống đất, vớ lấy cái mũ của Sơn quạt lấy quạt để.
-Tôi đi lấy gạo chỉ tổ thêm vất vả cho các anh.
-Chủ yếu là để cho ông rèn luyện mà.
Ngồi một lúc, chưa ráo mồ hôi Hợi đã vác túi gạo lên dục Sơn đi. Hai người vượt thêm mấy cái dốc lại ngồi nghỉ một lần nữa. Đoạn này đường bằng dễ đi nên Hợi đi có vẻ nhanh hơn. Sơn nhìn cái chân của Hợi lắc đầu.
-Thế mà hồi ấy tôi cứ tưởng cái chân sẽ bị cắt.
-Anh Tháp mà ở nhà thì cái chân của tôi đã bị cắt thật rồi.
Sơn hơi ngạc nhiên. Anh tưởng chỉ có nhân viên của ban mới biết được điều ấy của Tháp. Hóa ra Hợi cũng biết. mà chắc rằng nhiều người nữa cũng biết. Những người thương binh là những người đánh giá người thầy thuốc đúng nhất. Không có một cái gì dù lắt léo đến đâu có thể lọt qua nổi mắt họ. Dừng thấy họ cười đùa, nói chuyện thân mật với mình mà đã tưởng rằng mình như thế là tốt. Hợi vẫn cười với Tháp. Vẫn quý Tháp nhưng vẫn nhận xét về Tháp rất đúng và rất nghiêm khắc.
Về đến nhà hành chính Sơn đã nghe thấy tiếng Quyết oang oang dưới bếp.
-Tâm lán chín mười ba gô.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Đồ Nghệ

Nguyễn thế Duyên đã viết:

Mặt trận phía sau (Tiếp)

..."  Trời tối, Trăng thượng tuần mảnh dẻ uốn cong như lá lúa ở bầu trời đằng tây. Đêm không mưa, sao dầy chi chít. Những ngôi sao nhấp nháy như những con mắt tinh nghịch của đêm. Sao trời hình như tụ hết về đây  từ từ nghiêng xuống những dãy núi đen sẫm. Qua những chỗ mở ra của tán lá rậm, những ngôi sao hắt xuống một ánh sáng xanh mờ nhạt, lung linh. Trên thảm sao đã chín vàng nhấp nháy là mảnh trăng. Trăng thượng tuần mảnh dẻ , e lệ như một cô gái đứng giữ một bầy trẻ sao tinh nghịch. Trăng thượng tuần trong, cong cong lả xuống ngọn cây. Đêm không mây, ánh trăng mờ nhạt làm bầu trời thêm cao thẳm. Trời đêm như bước vào vụ gặt. Những ngôi sao li ti vàng rực như những hạt lúa chắc mẩy vãi ra trên cánh đồng bầu trời mà mảnh trăng là một cái liềm đang gặt những ngôi sao vừa độ chín.
Đêm rất tĩnh. Gió khẽ thì thào với vòm lá rồi lặng đi nhẹ mơn trên ngực , trên mặt mọi người..."
ĐN rất thích đoạn tả trăng và sao này của anh Duyên. Lâu rồi ít được đọc những đoạn văn vừa lãng mạn vừa tinh tế thế này...
ĐN muốn hỏi anh một chút: Chữ "giữ" mà ĐN tô đậm trong đoạn văn trên của anh là đúng ý anh  hay là ý anh định dùng chữ "giữa"? ĐN hỏi thế bởi cái thần của đoạn tả cảnh này sẽ có khác biệt nếu sử dụng "giữ" hoặc "giữa"...Mong anh không trách là đã...săm soi kỹ quá. Nhưng ĐN vốn rất thích các nhà văn ở điểm này: họ thường dùng từ rất "dụng công", rất "đắt".
...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Có gì để trách đâu hả bác đồ. Cám ơn bác đã săm soi nữa là khác. Có những người đọc nghiêm túc săm soi sẽ làm cho người viết phải nghiêm túc hơn mà.Rất cám ơn bác đồ. Từ tôi dùng đúng là từ giữ (Gìn giữ, trông coi) Bác đồ ạ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Chương Năm


Anh thân yêu!
Anh có nhớ Hà không? Còn Hà không ngày nào là không nhớ đến anh. Thế là Hà đã xa anh vừa tròn một năm. Quãng thời gian ấy với Hà sao mà dài và nặng nề quá.
Hà Nội bây giờ đang là mùa hè, quanh hồ Thiền Quang phượng đã nở đỏ. Hà đang được nghỉ hè. Phải xa các em học sinh, xa tiếng cười rộn rã, ngây thơ của lũ trẻ Hà lại thấy nhớ chúng và lại nhớ tới anh. Hai nỗi nhớ đè nặng xuống Hà làm cho Hà nhận thấy chiến tranh đã gõ cửa cuộc đời mình.
Anh! Chưa mùa hè nào Hà lại thấy vô vị và buồn tẻ như mùa hè này. Những mùa hè trước xa các em học sinh thì đã có anh bên cạnh. Không được nghe tiếng lũ trẻ cười đùa thì được nghe anh nói trong những đêm tâm sự. Hè này Hà phải xa tất cả. Vừa xa lũ trẻ vừa lại phải xa anh.
Đêm nay thứ bẩy, Hà ngồi nhà giở những lá thư anh ra đọc lại. Sao thư anh viết ngắn thế? Hà chỉ muốn những lá thư của anh dài ra đến vô tận để Hà đọc mãi không hết. Đọc lại những lá thư của anh Hà lại càng thấy thương anh. Hà chỉ muốn đến sống bên anh để được cùng anh san sẻ những buồn vui, lo lắng trong công tác. Để được gùi đỡ anh một đoạn đường dốc mưa trơn. Nhiều lúc nghĩ lại, Hà thấy tiếc tại sao ngày xưa mình lại đi Sư phạm? Giá như ngày xưa Hà học Y hay Dược có phải bây giờ Hà đã được sống bên anh. Thật buồn cười phải không anh? Lúc còn là học sinh Hà đâu đã biết đến anh, còn khi đã là cô sinh viên yêu anh , chúng ta đâu nghĩ đến có lúc phải xa nhau như bây giờ.
Nghĩ lại ngày xưa, chúng mình được sống bên nhau. Được chiều nhau, thế mà Hà lại luôn giận dỗi, thử thách anh, Hà lại thấy ân hận. Hồi ấy cả hai chúng ta đều còn trẻ con quá. Hạnh phúc ở ngay trong tay chúng ta thế mà chúng ta cứ tưởng nó ở rất xa, lại đi tìm nó trong những trò giận dỗi vừa ngây thơ vừa ấu trĩ. Bây giờ muốn được chiều anh, được chăm sóc anh, được nũng nịu anh thì anh đã đi xa. Rất xa. Bao giờ mới gặp lại?
Hà Nội bây giờ vẫn rất đông, chỉ có điều trẻ con đã đi sơ tán hết nên đường phố yên tĩnh hơn. Không có tiếng cười trẻ nhỏ , thành phố bỗng già đi và trở nên trầm tĩnh. Trên những dầm sắt cao vút của cầu Long Biên, người ta đặt lên đấy những khẩu trọng liên. Ở những vườn hoa, những ụ pháo được dựng lên những nòng pháo vươn thẳng lên trời chờ đợi . Hôm kia, Hà vừa đi đến chỗ các ụ pháo thì thành phố báo động. Nhìn những nòng pháo lặng lẽ quay một vòng cung dưới nắng và tiếng người chiến sĩ đo xa đọc khoảng cách những chiếc máy bay thù một cách đều đặn, Hà bỗng nhận thấy thành phố của chúng mình đã thay đổi. Hà nội của chúng ta vừa có cái trang nghiêm của mọt người lính sắp bước vào trận đánh vừa có cái náo nức sôi nổi của một thành phố công nghiêp trẻ trung. Những cô gái Hà nội vẫn tha thướt với những chiếc áo dài trong những ngày hội lớn nhưng bây giờ trong họ còn có cái dáng trầm tĩnh suy tư khi nhìn lên bầu trời qua khe ngắm của khẩu đại liên. Đêm Hà nội vừa có tiếng thầm thì của những đôi trai gái yêu nhau vừa có tiếng lách cách của những viên đạn lên nòng. Anh có biết không? Nhiều lúc Hà cũng không biết nên ví Hà nội của chúng ta thế nào cho đúng. Hà Nội của chúng ta là một cô gái dịu dàng duyên dáng hay là một dũng sĩ hiên ngang? Mà không! HàNội là một cô gái dũng sĩ là đúng nhất. Chỉ tiếc là Hà nội đã vắng đi tiếng nói líu lo của trẻ nhỏ. Có những chùm hoa phượng đỏ mà không có tiếng cười trẻ nhỏ làm mùa hè Hà Nội vắng lặng và oi bức đến không chịu nổi.
Hôm qua Hà đi qua trường Trưng Vương, những lớp học đóng kín cửa. Những gốc phượng già hoa nở rộ. Những cánh phượng rụng đầy gốc. Nhìn cảnh ấy Hà lại nhớ đến những em học sinh, lại nhớ lại cái thủa còn cắp sách đến trường. Giữa sân trường, mấy ụ pháo được dựng lên. Những khẩu pháo vươn cao nòng im lặng. Ánh mặt trời chiếu vào khẩu súng. Nòng súng ánh lên một tia sáng xanh lạnh. Mầu xanh nghiêm nghị ,lạnh lùng của thép trộn lẫn với mầu đỏ rực rỡ như đang cười của những chùm hoa phượng làm Hà xúc động đến nôn nao….
Hà nội bây giờ là thế đấy. Sao em lại hỏi anh “Có nhớ Hà Nội không?”Anh nhớ Hà nội đến cháy lòng. Nhớ Hà Nội da diết. Ở trong này, mỗi khi nghe tin bọn chúng ném bom Hà nội là đêm đến anh không sao ngủ được. Ở nơi ấy, mỗi mái nhà, góc phố, mỗi gốc cây, mỗi chùm hoa nhỏ đều gắn bó với anh bằng cả một quãng đời ấu thơ. Em nhắc đến trường Trưng vương, nhắc đến những cây phượng đỏ làm sống dậy trong anh cả một quá khứ xa xưa. Dưới mái trường ấy, dưới những chùm hoa đỏ rực ấy, anh đã lớn lên và sau đó cả em cũng lớn lên ở đấy. Mỗi lần giặc đánh phá Hà nội, anh đều tự hỏi “Liệu những cái đó bây giờ có còn không”. Chưa làm được gì cho Hà nội, lòng anh lại cuộn lên bao nhiêu câu hỏi. Trong những ngày này, ai cũng muốn làm được một việc gì đó cho Hà Nội để đêm đêm có thể yên lòng lắng nghe đài Hà Nội tố cáo kẻ thù.
Hà nội của em, của anh, của tất cả chúng ta. Sao anh lại không nhớ Hà nội khi mà ở nơi ấy có em đang sống. Nỗi nhớ Hà nội trong anh được trộn lẫn với nỗi nhớ em. Anh nhớ Hà nội bằng những kỉ niệm của riêng anh và bằng những kỉ niệm chung của hai chúng ta. Anh yêu Hà nội bằng cả lịch sử oai hùng từ ngàn xưa, bằng những chiến công vang dội hôm nay và bằng cả tình yêu em đến bỏng cháy.
….. “ Anh thân yêu. Khuya lắm rồi, đường phố đã vắng người. Nhiều nhà đã tắt đèn đi ngủ từ lâu. Ở nơi xa kia không hiểu bây giờ anh đang làm gì?
Ngoài này đang là mùa hè còn trong ấy đang là mùa mưa. Giữa cơn mưa tầm tã của núi rừng anh đang làm gì? Đang gùi hàng vượt dốc hay đang mổ trong những căn hầm mổ dã chiến chật hẹp và im lặng. Anh đang làm gì Hà không biết nhưng chắc chắn rằng anh không được ngồi để nhớ đến Hà, nhớ đến Hà nội của chúng ta..
Trường của Hà đã sơ tán về Hà Bắc. Đi sơ tán có khổ hơn nhưng Hà vẫn chịu được. Dù có khổ hơn nhiều lần thế này nữa thì Hà vẫn chịu được. Cái khổ Hà phải chịu hôm nay có đáng kể gì với những gian khổ mà anh và đồng đội anh đang phải chịu đựng.
Cứ hai tuần Hà lại về thăm nhà một lần. Cậu mợ anh vẫn rất khỏe. Các em đã đi sơ tán cả, anh đừng lo lắng gì.
Dạo này Hà có gầy hơn trước nhưng lại thấy khỏe lên. Đi sơ tán đời sống có khổ nhưng vui hơn. Hà được gần gũi học sinh hơn và làm Hà càng yêu hơn nghề cô gjáo của mình. Gần với những tâm hồn thơ trẻ, tiếng cười vô tư của các em Hà như thấy mình trẻ mãi. Nỗi nhớ anh, lo lắng về anh được những tiếng cười ấy làm tan đi. Gần gũi với các em, Hà thấy yêu cuộc đời hơn và thấy trách nhiệm của mình với các em thật nặng nề.
Năm nay học sinh phải đi sơ tán xa, có em gia đình khó khăn đã phải bỏ học. Anh có biết không? Thấy các em phải bỏ học Hà rất đau lòng. Bây giờ thì Hà hiểu: Cả cuộc đời Hà sẽ giành cho các em. Những em học sinh đội mũ rơm, mang bàn cá nhân sớm chiều theo Hà vào rừng học tập với Hà bây giờ là tất cả. Là niềm vui, là mục đích cuộc sống của Hà.
Những ngày sống sơ tán, những ngày sống xa anh đã giúp Hà lớn lên , cứng rắn lên rất nhiều. Nhìn lại quãng thời gian ngắn ngủi vừa qua, Hà không ngờ Hà lại trưởng thành đến như thế. Năm vừa rồi Hà cùng các em phát được gần hai héc ta nương trồng sắn. Bây giờ sắn đã lên xanh, nhìn những cây sắn do chính tay mình trồng trong Hà dậy lên một niềm vui khó nói. Thế là trong năm tới, các em sẽ đỡ được một phần. Năm tới các em đi học sẽ đông hơn. Hà sẽ cố gắng cùng các em tăng gia làm sao cho chi phí của gia đình các em chỉ còn lại già nửa. Chỉ có thế mới giữ các em ở lại với Hà…..
Em! Em lớn lên nhiều quá. Anh cũng đã phát nương. Anh rất hiểu những gì đã đến với em, một cô gái Hà Nội ,trong hai héc ta nương mà em và học sinh của em đã phát. Hà ơi! Sẽ còn rất nhiều những khó khăn sẽ đến với em nhưng anh tin chắc rằng em sẽ vượt qua tất cả. Cuộc chiến tranh này là một dịp để em hiểu thêm về em, về anh. Chính anh cũng thế, ngày xưa sống bên em mà anh không hiểu hết về em. Trong em anh chỉ nhìn thấy những nét dịu hiền, thùy mị, kín đáo của một người con gái. Anh chỉ nhìn thấy tình yêu tha thiết của em đối với riêng anh mà không thấy tình yêu của em với cuộc đời và với những em học sinh thân yêu của mình. Tình yêu của em rộng lớn hơn nhiều so với anh tưởng. Trong tình yêu rộng lớn đó em chỉ giành cho anh một phần rất nhỏ. Ngày xưa anh chỉ thấy em là cô gái dịu hiền mà không thấy em là một cô gái dũng cảm. Không thấy những khát vọng cháy bỏng trong em. Hà nội là một cô gái dũng sĩ. Đúng lắm em của anh. Và cả em nữa, em cũng là một cô gái dũng sĩ.
Cuộc sống gian khổ hôm nay đã khơi dậy trong ta biết bao những sức mạnh tiềm tàng mà chính chúng ta không hề biết.Chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn, chúng ta đã đi được một đoạn đường dài. Những phút dừng chân nghỉ, nhìn lại quãng đường đã qua của mình, ta lại thấy ngạc nhiên và tự hào. Ra ta là như vậy đấy.
….. “Anh của Hà. Một nhà thơ đã viết.
                           Khi buồn nghĩ lại thấy vui vui.
                          Khi vui nghĩ lại thấy bùi ngùi.
Những ngày sống bên anh, những ngày sống xa anh có bao nhiêu thứ khiến Hà lúc buồn lúc vui nhớ lại. Xa anh nhiều lúc Hà thấy buồn, thấy nhớ. Người ta bảo những ngày sống trong chờ đợi là những ngày sống khổ nhất . Đúng vậy đấy anh. Thời gian là một sự thử thách của tình yêu. Hà bây giờ mới thấm thía câu nói đó. Nhưng anh thân yêu ơi, chúng ta đâu có sợ khoảng cách và thời gian. Xa anh chỉ làm tình yêu của Hà thêm cháy lửa. Hà đã yêu anh, yêu đến trọn đời thì Hà đâu có sợ những tháng năm chờ đợi. Dù thế nào thì Hà cũng là của anh. Anh cứ yên tâm công tác cho tốt không phải lo lắng gì về tình yêu của Hà dành cho anh. Ngày mai ,khi mảnh đất này hết giặc Hà sẽ đón anh về, sẽ ngồi suốt đêm nghe anh kể về những ngày anh đã sống. Hà tin rằng anh sẽ xứng đáng với tình yêu của Hà, xứng đáng với thành phố chúng ta.
Khua lắm rồi. Hà đi ngủ đây. Hà chúc anh khỏe luôn luôn hoàn thành suất sắc nhiệm vụ. Anh cho Hà gửi lời hỏi thăm đến các anh cùng công tác với anh.
                                                                 Hà của anh.
Anh sẽ sống xứng đáng với Hà nội, xứng đáng với tình yêu của em. Em hãy đợi. Nhất định anh sẽ về. Em có tin như thế không? Còn anh thì anh tin. Anh sẽ sống, sẽ trở về với em. Anh tin em sẽ đợi. Những cô gái như em sẽ đủ dũng cảm để chờ đợi. Đủ sức mạnh để giữ cho ngọn lửa tình yêu cháy mãi dù có bao nhiêu năm trời xa cách.
Đợi anh. Anh sẽ về.
                                   *
                             *
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau (Tiếp)


Chương Năm

       *
                             *           *
Đấy là một buổi sáng mùa hè trời rất xanh. Tiếng nói cười râm ran của lũ trẻ lọt qua cánh cửa sổ mở tung bay vào trong gian phòng. Ngoài hồ, những chiếc thuyền hai chỗ ngồi nhẹ lướt trên mặt hồ phẳng lặng. Hai chiếc mái chèo dài ngoẵng là là bay sát mặt nước hồ trông thật đẹp mắt. Cô gái ngồi đầu mũi thuyền buông lơi bím tóc dày mượt trước ngực, thò tay xuống nước đùa nghịch với những lớp sóng dập dờn. Không hiểu thích thú gì mà cô gái bỗng cất tiếng cười. Tiếng cười trong trẻo lan trên mặt nước hồ khiến cho những người đang đi dạo phải dừng lại đưa mắt nhìn đôi trai gái. Tiếng cười lọt vào trong phòng ngưng đọng trong bốn bức tường, rót vào trong Thành một cảm giác vui vui. Gốc phượng trước nhà hoa nở đỏ ối. Những chùm hoa phượng rung rinh trước gió như những bàn tay nhỏ vẫy gọi vào hè. Những đàn chim sẻ cãi nhau chí chóe trong đám lá rậm rì. Gió thoáng mát, ẩm ướt mang theo vào trong nhà mùi thơm thanh khiết của những bông hoa ngọc lan vừa nở.
Thành ngồi bên bàn kê ngay cạnh cửa sổ chăm chú đọc một cuốn sách. Tiếng cười tươi trẻ của cô gái khiến anh bất giác rời mắt khỏi cuốn sách nhìn ra ngoài hồ. Hôm nay thật đẹp trời. Nắng sớm rãi trên đường phố một mầu vàng nhạt. Trời xanh biếc, thẳm cao. Trên nền xanh của bầu trời, những đám mây trắng nõn trôi lững lờ. Qua hồ, những đám mây như dừng cả lại in bóng xuống lòng hồ  cũng xanh như mầu xanh của bầu trời. Quanh hồ, trai gái đi dạo từng đôi. Gió thổi tung những mái tóc uốn như những đám mây bồng bềnh của những cô gái. Từ những mái tóc ấy ,thỉnh thoảg lại lóe lên những tia sáng mầu xanh, mầu hồng ngọc. Nắng như đọng lại trên những vòng tóc của những cô gái để cho từ những vòng tóc ấy lại phát ra những tia sáng huyền diệu trang điểm cho làn da trắng hồng, cho mái tóc xõa ngang vai thêm tha thướt. Trong hồ, nhiều chiếc thuyền đã buông xuôi phó mặc cho sóng nước. Trên thuyền, chàng trai ngồi bó gối nhìn cô gái đăm đăm. Cô gái ngồi im, mặt hơi cúi xuống, tay mâm mê bím tóc. Họ đang lặng im hay đang nói một câu chuyện gì lắng sâu?Cũng không ai biết. Khi yêu, thì lúc lặng im là lúc nói được nhiều nhất. Lặng im cũng có tiếng nói riêng của nó. Hiểu được tiếng nói ấy chỉ có những đôi trai gái đang yêu.
Trong sân, thằng Tuấn đang cùng lũ bạn của nó chúi đầu vào chuồng dế. Thỉnh thoảng lũ trẻ reo lên
-Chết này! Chết này!Đấy ! Đấy ! thấy chưa?
-A! Con của thằng Tuấn thua rồi.
Thành mỉm cười, cũng chẳng hiểu mình cười cái gì. Một niềm vui lâng lâng tràn ra. Thành kéo rèm cửa sổ chúi đầu vào trang sách.
-A! Chị Hà.
Tiếng thằng Tuấn reo lên ngoài sân. Tiếp theo là một tiếng con gái rất thanh.
-Chị Bích có nhà không Tuấn?
Thằng Tuấn nói líu ríu như một con chim. Nó chạy thốc vào trong nhà hớn hở khoe với Thành.
-Chị Hà đến đấy anh Thành ạ.
Thành nhìn đứa em trai mắt mơ màng. Câu chuyện cuốn sách đã đưa anh đi rất xa thực tại. Chưa kịp hỏi thằng em thì một cô gái đã bước vào trong nhà. Cô mỉm cười hỏi anh thay cho câu chào.
-Anh Thành mới về à?
-Ừ, anh vừa về tối hôm qua.
Thành để cuốn sách sang một bên đứng dậy.Cô gái rất tự nhiên ngồi xuống ghế, với tay cầm cuốn sách. Sự tự nhiên, giản dị của cô gái làm cái lúng túng ban đầu của anh biến mất. Cô ta là người rất thân quen với gia đình trừ mình. Anh thầm nhận xét.
Anh rót nước mời cô gái, thấy cô cầm cuốn sách mân mê liền hỏi
-Em đã đọc cuốn này chưa?
-Em đọc rồi.-Cô gái nói-Một cuốn sách thật hay. Thế mới là một cuộc đời.
-Thế cuộc đời như em không phải là một cuộc đời sao?
-Cũng là một cuộc đời nhưng là một cuộc đời không có gì để nói.
Cô gái xoay xoay cuốn sách trên tay, mắt nhìn vào bức ảnh trên tờ bìa. Trên tờ bìa, ảnh một người đàn ông cao lớn, lồng ngực vạm vỡ vươn như thách thức. Vòng xích sắt trên cổ tay người ấy như bé hẳn lại. Toàn bộ bức ảnh nổi bật trên mầu tím nhạt của tờ bìa
-“Con không phải là người. Con là một lưỡi dao găm”- Hà thoáng rùng mình.-Sao lại có người sống hoàn toàn bằng lí trí như thế? Đọc xong quyển sách này em lại cứ liên tưởng đến quyển “Viết dưới giá treo cổ” của Phu Sích. Hai con người sống ở hai thời đại khác hẳn nhau mà lại có nhiều cái giống nhau kì lạ. Đều yêu con người, yêu người yêu, yêu cuộc đời bằng khối óc minh mẫn chứ không chỉ bằng một trái tim rung cảm.
-Và em muốn trở thành một con người như thế?
-Không, Em không muốn trở thành một con người như thế-Hà lắc đầu, cô hất mạnh bím tóc ra đằng sau-Đời em gắn liền với bọn trẻ. Với chúng, em không thể là một lưỡi dao găm. Em chỉ có thể là một cô tiên hiền dịu. Nếu chỉ nhìn bọn trẻ bằng một lí trí lạnh lùng thì không thể dạy được chúng. Em chỉ muốn có một lí trí và một nghị lực như thế.
-Em là giáo viên à?
-Gần như thế thôi. Em đang học sư phạm. Một nghề buồn tẻ phải không anh?
-Sao lại buồn tẻ?
Thành vặn lại.
-Em cũng không biết nữa nhưng mọi người ai cũng nghĩ như thế.
Nghề nào cũng có cái hấp dẫn riêng của nó. Em đọc “ Bài ca sư phạm” rồi chứ? Ai bảo đấy không phải là một cuộc đời?
-Anh đã bao giờ tâm sự một cách nghiêm túc với bọn trẻ chưa?-Hà đột ngột hỏi Thành, Không đợi Thành trả lời, cô nói tiếp- Nếu anh tâm sự một cách nghiêm túc với bọn trẻ, anh sẽ thấy trong chúng có rất nhiều điều kì lạ. Một lần em hỏi chuyện một em về hoàn cảnh gia đình. Nó nói một câu gọn lỏn
-Bố mẹ em chết cả rồi
Em sững sờ hỏi nó
-Chết vì bom à?
-Vâng
Nó đáp lại bằng một tiếng vâng cộc lốc. Em im lặng siết chặt em đó vào lòng. Em chờ những giọt nước mắt. Nhưng không! Nó gục đầu vào em, rúc cái đầu vào ngực em và cười khúc khích. Em tưởng rằng trẻ con không biết đến đau thương và căm thù nhưng mấy hôm sau em mới biết mình đã lầm. Hôm đó người ta giải một tên phi công qua trường, chính em đó đã cầm một khúc tre to bằng cổ chân lao cả người và khúc tre vào tên Mĩ khiến cho nó khụy xuống. Em đó vùng ngay dậy, vớ lấy khúc tre định phang tiếp nhưng mọi người đã kịp giữ em ấy lại. Đứa bé vùng vẫy cố tìm cách thoát ra khỏi những bàn tay đang giữ nó. Thằng bé gào lên.
-Buông tôi ra! Chính nó đã giết chết bố mẹ tôi.
Em len vào , gỡ cái gậy ra khỏi tay nó. Nó ôm chầm lấy em cứ thế khóc nức nở.
Hà bỏ cuốn sách xuống bàn, đăm đăm nhìn vào một điểm vô hình trên tường. Thành im lặng nhìn cô gái đang ngồi đối diện với mình. Mặt cô gái trầm hẳn xuống. Mắt cô gái mờ đi, xa xăm. Cô gái đang suy nghĩ và nhớ lại tất cả những cảnh ấy. Một lúc sau, cô rời mắt khỏi bức tường quay sang Thành, đôi mắt cô rực sáng.
-Tâm hồn lũ trẻ lạ lùng như thế đấy. Nhiều khi soi mình vào tâm hồn trong sáng của bọn chúng em lại thấy ngượng. Em vẫn tự hỏi “ Liệu mình đã có đủ tư cách để dạy các em chưa?”. Em vừa đi thực tập ở Quảng ninh về. Nhìn các em đội mũ rơn, đi bộ sáu bảy cây số để đi học mà xúc động. Đi thực tập về em càng thêm yêu cái nghề này.
-Nghề y của bọn anh có câu “Lương y như từ mấu” .Có lẽ nghề giáo viên của bọn em cũng phải như vậy.
-Vâng, nghề dạy học cũng phải như vậy. Làm một cô giáo đơn thuần thì dễ nhưng làm người mẹ thứ hai của đứa trẻ mới khó. Làm sao để đứa trẻ yêu mình, tin mình. Có thể nói mọi chuyện với mình như với một người mẹ. –Hà ngừng lại một lúc rồi nói tiếp- Mà làm mẹ không cũng chưa đủ. Phải làm sao trở thành người bạn của chúng nữa. Cái đó càng khó. Yêu được tình yêu của lũ trẻ, vui được niềm vui của lũ trẻ đòi hỏi người giáo viên cũng phải luôn trẻ như thế. Người nào được lũ trẻ yêu và yêu được lũ trẻ người đó thật là hạnh phúc. –Hà dừng lại . Cô gái lắc đầu cười,-Thật khỉ sao em lại mang những chuyện vớ vẩn này ra nói với anh nhỉ? Mất hết buổi sáng của anh rồi còn gì.
-Không, em cứ nói đi. Anh lại rất muốn nghe những câu chuyện vớ vẩn này.
Lúc ấy thì Bích về. Hai cô gái lâu ngày mới gặp nhau thôi thì đủ mọi thứ chuyện. Được một lúc, Bích đứng dậy bảo với Hà.
-Mày ngồi chơi nói chuyện với anh Thành. Tao phải đi làm mớ cá không ươn mất. Trưa nay mày ở lại đây ăn cơm nhé.
Hà cũng đứng dậy
-Mày để tao ra làm với cho vui. Mày cứ làm tao như là khách ấy.
Bích cười, cô đưa mắt nhìn ông anh trai. Trong mắt bừng lên một ánh mắt ranh mãnh
-Thì tao cũng muốn mày trở thành người nhà lắm. Chỉ sợ mày không đồng ý thôi.
-Con nỡm.
Hà phát mạnh vào lưng Bích. Mặt đỏ bừng. Bích phá lên cười. Cả hai cùng chạy vù ra ngoài như hai con chim sẻ.
Thành khép cánh cửa lại,dở quyển sách ra xem tiếp. Câu chuyện lại hoàn toàn cuốn hút anh. Câu chuyện mở ra những cánh rừng Nam Mĩ trùng điệp , bí ẩn. Dòng sông Amadôn hùng vĩ như một con trăn khổng lồ uốn khúc bò trong những cánh rừng nguyên sinh chưa một dấu chân người. Trước mắt Thành như hiện ra những quán rượu ẩm thấp, bừa bộn với những người thủy thủ say rượu đang ngồi hát nghêu ngao. Cạnh đấy, một người mảnh khảnh, yếu ớt đứng bên lò than đang cháy rừng rực. Rồi cảnh cái chọc lò nóng đỏ vung tít trong tay một người thủy thủ vạm vỡ. Dưới đất, người thanh niên mảnh khảnh đang quằn quại vì trận đòn.
Có lẽ nào lại có một cuộc đời như thế? Thành nhìn qua cửa sổ tư lự.
Bên ngoài, nắng như nhẩy múa trên những chùm hoa phượng đỏ như lửa. Tiếng ve bỗng rộ lên khuấy động cái yên ả của một buổi trưa hè. Bình yên quá. Thành thực sự cảm thấy sung sướng khi dứt mình ra khỏi cuộc sống quằn quại, khổ ải như địa ngục của cuốn sách. Ở đây bầu trời vẫn trong vắt. chim vẫn hót, gió vẫn được ướp hương thơm của hoa ngọc lan.
Ngoài sân lũ trẻ đã biến đâu mất chỉ còn mấy chuồng dế vứt chỏng chơ dưới gốc bàng. Qua cánh cửa mở hé, tiếng Hà vọng vào nhà lúc to lúc nhỏ, có lúc lại gần như thì thầm.
“…Đan cô giơ cao trái tim. Trái tim bốc cháy rừng rực. Bóng tối run rẩy sợ hãi lẩn trốn vào nhữn tán cây rậm rạp. Trong ánh lửa rực sáng, mắt những con thú dữ trở nên xanh biếc. Chúng lùi dần, lùi dần.
Mọi người sửng sốt đứng nhìn trái tim bốc cháy như một ngọn đuốc Đan cô lao lên phía trước đoàn người. Anh thét lên.
-Hãy theo tôi
Bóng tối, rừng rậm đầm lầy chao đảo trong ánh lửa…..
-Về sau Đan cô có chết không hả chị Hà?
Một đứa trẻ nào đó hấp tấp hỏi chen vào. Không nghe thấy tiếng Hà trả lời. Ngoài sân im ắng một cách kì lạ.
Một cô gái yêu nghề và có tài thu hút tụi trẻ. Cô ta nhất định sẽ trở thành một người mẹ và một người bạn của những đứa học sinh của mình. Thành thầm nghĩ. Anh lắng tai nghe tiếp câu chuyện Hà kể nhưng không nghe thấy gì nữa. Tiếng một đứa trẻ khóc thút thít nghe rất rõ vọng vào trong phòng.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn thế Duyên

Mặt trận phía sau (Tiếp)




Càng ngày, Thành càng nhận thấy cô gái có khuôn mặt tròn trặn, có hai má lúm đồng tiền trông rất thơ trẻ có rất nhiều điều mới lạ. Thoạt mới gặp Hà, anh tưởng Hà cũng chỉ như những cô gái anh đã từng gặp. Một cô gái dịu dàng, hiền thục luôn luôn thỏa mãn, chấp nhận những gì đã đến với mình. Một cô gái nhẫn nại, chịu khó có thể chịu đựng được tất cả.
Càng ngày, những ý nghĩ ban đầu về Hà cứ mất dần. Quan niệm về cuộc sống của Hà không mới mẻ so với những cô gái cùng lứa tuổi nhưng mãnh liệt. Cô không hồ nghi cuộc đời nhưng không bao giờ thỏa mãn để chấp nhận tất cả những gì đã đến với mình. Hà tin. Tin một cách chắc chắn đến kì lạ vào mình, vào mọi người,vào tương lai. Những cái gì ngày mai sẽ đến sẽ là những cái tốt đẹp và cô gái tin rằng mình sẽ làm cho những cái đó tốt đẹp hơn. Thậm chí nhiều khi Thành thấy sợ niềm tin ấy. Nhất là niềm tin của cô với mọi người. Nói chuyện với bất kì một ai, Hà đều nhìn thẳng vào mặt người đó, mắt sáng rực như vừa tìm thấy được một điều gì mới lạ,thích thú. Đôi má lúm đồng tiền hiện lên với nụ cười như bỡ ngỡ làm Hà trông trở nên thơ trẻ. Những cái ấy đánh dấu một sự tin cậy của cô với người mình đang nói chuyện. Thành nhận thấy trong con mắt cháy rực, đôi lúm đồng tiền duyên dáng và nụ cười bỡ ngỡ ấy dáng dấp một sự cả tin nhẹ dạ. Anh cũng tự biết những nhận xét ấy của mình có pha vào đấy một chút ít sự ích kỉ của bản thân. Biết vậy nhưng anh vẫn không thể từ bỏ được ý nghĩ đó. Tình yêu là thứ duy nhất không thể san sẻ. Một lần anh đã hỏi Hà.
-Tại sao em có thể tin vào mọi người đến như thế?
-Sao lại không tin?-Hà ngạc nhiên nhìn Thành- Ngày xưa, sống giữa một xã hội đầy dẫy những bất công, lừa lọc mà Gooky vẫn còn thấy con người với tất cả những nét tốt đẹp nữa là em bây giờ.
-Anh không ngờ em lại chịu ảnh hưởng của Gooky lớn đến như thế. Nếu Gooky mà sống lại thì em chính là người để nhà văn phải tự hào.
Thành cười nói đùa. Anh thấy lúng túng và hơi ngượng trước câu trả lời đơn giản đến không ngờ của Hà.
-Không phải là em chịu ảnh hưởng của Gooky đâu mà đấy là đức tính một người giáo viên cần phải có. Anh nói em tin người cũng đúng nhưng không thật chính xác. Đúng hơn là em tin vào sự cải tạo và vươn lên của tất cả mọi người. Nếu không tin như thế thì sẽ không dạy được bọn trẻ. Đứa trẻ hôm nay là một đứa ăn cắp nhưng ngày mai nó có thể trở thành một anh hùng.
-Nếu qua tay em dạy dỗ.
Thành hỏi chen vào.Anh tin chắc câu hỏi của mình sẽ làm Hà lúng túng và ngượng. Nhưng không! Hà dừng lại một lúc như để suy nghĩ. Trong đêm, đôi mắt cô gái long lanh như hai đốm lửa.
-Vâng. Em cũng nghĩ như thế.
Cô chậm rãi trả lời Thành.  Anh giật mình nhìn Hà. Không! Ngồi với anh đây không phải là một cô gái luôn luôn chấp nhận và thỏa mãn với tất cả, mà là một cô gái có một tình yêu rực lửa và một niềm tin mãnh liệt. Tâm hồn cô ta như mặt biển ,lúc nào cũng cuộn sóng , sôi động nhưng nhìn từ xa người ta lại tưởng nó bình yên và phẳng lặng như mặt một tấm gương.
Trước khi đi chiến trường, Thành tranh thủ ghé về thăm nhà được một đêm. Đêm hôm đó, anh chỉ định nói chuyện với Hà trong một khoảng thời gian rất ngắn để giải quyết vấn đề tình cảm của mình cho trọn vẹn.
Đấy là một đêm rất lặng, rất sâu. Trời đầy sao. Những ngôi sao rời khỏi bầu trời lặn sâu xuống đáy nước. Im lặng. Không ai muốn nói trước. Thành nhìn xuống mặt nước vò nát đám lá anh cầm trên tay. Dù rằng đã hạ quyết tâm nhưng lúc này sao mà khó nói.
-Mai anh đi rồi à?
Cuối cùng Hà phải nói trước. Cô hỏi anh cái điều mà chính cô đã biết khiến lòng anh se lại. Phải chăng đến lúc này chính cô cũng vẫn không tin là ngày mai anh sẽ ra đi.? Mắt Hà sâu thẳm.
Mình còn để cô ta chịu cảnh này đến bao giờ nữa? Thành bực tức tự hỏi. Cái buồn không thể tránh khỏi của cô gái làm cho quyết tâm của Thành quay trở lại. Anh vo nắm lá đã nát nhừ thành một cục ném nó xuống dưới hồ.
-Ngày mai anh đi rồi.
-Vâng
Hà “Vâng” một tiếng rất nhẹ và vô nghĩa. Cô nhìn xuống mặt nước thẫn thờ.
-Hà ạ, ngày mai anh đi rồi, không biết bao giờ anh mới quay trở lại. Cũng có thể sẽ không bao giờ anh trở lại nữa.-Trong đêm nhưng anh vẫn thấy rõ Hà thoáng rùng mình. Anh không muốn ràng buộc cuộc đời em. Anh thấy tình cảm của chúng ta nên dừng lại ở đây. Từ nay anh sẽ coi em như một người em gái.
Thành nói nhanh, gấp, liền một mạch không dừng lại. Anh biết, bây giờ chỉ cần dừng lại một chút thôi là anh sẽ không đủ sức để nói hết câu nói của mình. Lúc ở nhà, anh tưởng mình sẽ nói được điều này một cách dễ dàng. Nhưng bây giờ, trước sự im lặng đau đớn, trước đôi mắt sâu thẳm và cái vẻ thẫn thờ của Hà, Thành bỗng nhận thấy điều mình sẽ nói thật là tàn nhẫn, khó nói. Mình vừa nói câu gì ấy nhỉ? Nói xong Thành bỗng thấy bàng hoàng kinh ngạc. Anh tự hỏi. Sao mình có thể nói như thế? Anh ân hận.
-Anh! Hà kêu lên khe khẽ. Tiếng kêu nghẹn lại trong cổ- Sao anh nhẫn tâm thế?
Cô xoay hẳn người lại phía Thành. Nhìn xoáy vào mắt anh. Trong con mắt cô gái bừng lên một tia lửa dữ dội. Thành hoảng sợ quay đi không dám nhìn vào đôi mắt ấy. Bao nhiêu can đảm dồn vào câu nói bỗng tan biến hết. Thành thấy thương Hà vô hạn và lại tự giận mình. Giận, thương trộn lẫn dâng lên đến nghẹn thở. Hà im lặng một lúc khá lâu. Cái im lặng nặng nề, ngột ngạt. Thành bỗng thấy sợ.Anh muốn kết thúc thật nhanh buổi nói chuyện. Chỉ cần Hà im lặng thêm một lúc nữa thôi thì anh sẽ không còn là anh bây giờ nữa. Anh sẽ ôm riết lấy Hà và sẽ nói “Hà ơi anh nói đùa đấy” hay một câu gì đó đại loại như thế để cho Hà cười. Để xua đi cái im lặng đáng sợ này. Mình nhẫn tâm quá. Đúng thế.
-Anh không muốn ràng buộc cuộc đời em hay anh không muốn ràng buộc cuộc đời anh? Anh nghĩ xem, em buồn vì ah phải đi xa còn chưa đủ hay sao mà anh còn muốn em phải đau khổ thêm nữa? tại sao anh lại phải tự làm khổ mình và làm khổ em như thế? Anh muốn được thanh thản trước khi đi chiến đấu hay anh không tin vào tình yêu của em?
Ngày xưa anh có nói : “ Với anh, hạnh phúc của tình yêu là được hi sinh cho người mình yêu được hạnh phúc” Phải chăng điều anh nói tối nay là xuất phát từ đấy? Nếu đúng vậy thì anh thật ích kỉ. Tại sao anh chỉ dành riêng cho mình quyền được hi sinh vì em mà lại tước bỏ đi quyền em được hi sinh vì anh? Anh tưởng làm như thế là anh đã hi sinh hạnh phúc của mình cho hạnh phúc của em sao? Không đâu. Làm thế chỉ làm cho em thêm đau khổ.
Lại những phút lặng im nữa nhưng sự nặng nề đã giảm bớt. Ánh mắt của Hà đã dịu lại. Những tia lửa dữ đội đã nguội đi theo từng lời cô nói. Lúc này, trong đôi mắt ấy chỉ còn lại những ánh mắt đằm thắm của một tình yêu tha thiết, của một suy nghĩ đã chín, đã sâu.
Việc nhà trọn mọi bề
Góp công dựng thôn quê
Việc đồng hợp tác xã
Gánh vác chẳng nề
Tiếng hát thanh thanh cao vút từ nhà “Thanh niên” dựng giữa hồ bay ra lan trong đêm bay lại chỗ hai người. Tiếng hát tươi vui, mạnh mẽ như niềm vui của người ra đi, như niềm tin của người ở lại. Nhà thah niên đèn điện sáng rực. Ánh sáng rọi qua cửa chiếu xuống mặt nước hồ đen thẫm tạo thành một dải sáng lấp loáng chao động theo những con sóng. Tiếng hát từ đấy dồn dập bay ra.
                                Nhớ, anh sẽ về!
Bài hát kết thúc một cách đột ngột, chắc nịch như một điều khẳng định. Tiếng vỗ tay rào rào, kéo dài. Người nghe đang đề nghị hát lại. Trong số những người ngồi nghe ca nhạc đêm nay có bao nhiêu người ngày mai sẽ từ biệt người thân lên đường ra trận? Trước lúc ra đi họ còn nghe ca nhạc để họ yêu hơn, tin hơn. Để cho niềm tin hóa thành sức mạnh. Họ ra đi thật nhẹ nhàng. Còn mình? Thật quẩn.
-Anh cứ yên tâm ra đi.-Hà nói tiếp, giọng trầm xuống khác hẳn với giọng nói hàng ngày- Em cũng không dám chắc em sẽ đợi được cho đến ngày anh trở về vì còn bao nhiêu cái ràng buộc cuộc đời một người con gái. Nhưng em sẽ đợi….
Hà dừng lại không nhìn Thành. Cô đăm đăm nhìn xuống mặt nước. Trên con đường trước mặt, một đoàn xe xích ầm ầm chạy qua. Tiếng động cơ gầm rú đến lộng óc. Trong ánh đèn pha sáng rực, những khẩu pháo kéo sau xe chao đảo lắc lư. Đoàn xe đã đi qua, thành phố lại yên tĩnh trở lại. Tiếng hát của cô diễn viên vút lên cao vời vợi. Tiếng hát tan lặng trong đêm tối. Dưới đáy hồ những vì sao nhấp nháy. Hà ngẩng lên. Giọng đằm sâu chua sót.
….Sau này anh về, nếu có sao thì anh hãy coi em như một người em gái của anh. Đấy không phải lỗi của em, cũng không phải lỗi của anh. Đấy là điều cả hai chúng ta đều không muốn. Còn bây giờ hãy cứ để cho tình cảm của chúng ta phát triển.
Hà nói ra điều này với giọng buồn buồn, chân thành khiến cho anh xúc động. Nghĩ như Hà chắc chắn còn có nhiều cô gái khác nhưng không phải cô gái nào cũng có thể nói thẳng ra được điều này trong đêm chia tay. Những đôi lứa phải xa nhau vì chiến tranh có rất nhiều nhưng đôi nào trong đêm chia tay người con gái cũng chỉ nói “ Em sẽ đợi”. Nhưng Hà của anh thì không thế. Cô nói thẳng ra một thực tế đau sót của tất cả những đôi lứa phải xa nhau trong những ngày này. Nhưng cũng chính sự thẳng thắn và chân thành của cô lại làm cho Thành thanh thản. Càng làm tình yêu của anh thêm tha thiết, nồng cháy. Và, thật là kì lạ, khi cô gái can đảm nói ra cái điều đáng lẽ phải dấu kín đi ấy thì lại là lúc anh tin. Tin đến mãnh liệt. Cô ta sẽ đợi.
Thành ôm chặt lấy Hà. Anh thì thầm vào tai cô . “Anh xin lỗi”. Cô nép sát vào người anh, vùi mặt vào lồng ngực anh. Nước mắt cô gái thấm qua làn vải mỏng ấm nóng.
Một năm đã trôi qua, trong một năm trời ấy em đã hiểu thế nào là chờ mong bằng cả nỗi nhớ mong khắc khoải, bằng những đêm không ngủ quay lại với những kỉ niệm ngày xưa. Những gì sẽ đến với tình yêu của em? Một năm qua em đã hiểu điều đó không chỉ bằng những cảm nghĩ, những linh cảm như những ngày đầu tiên nữa. Bây giờ em đã hiểu điều đó bằng những tiếng súng nổ, bằng những tờ giấy báo tử của những người xung quanh, bằng hạnh phúc của cả cuộc đời mình.
Một năm qua đi, sự chờ đợi trở nên nặng nề hơn, hi vọng trở nên mong manh hơn. Chính vì thế mà em mới nói “Em thấy chiến tranh gõ cửa cuộc đời mình”. Nhưng cũng chính lúc này em đã nói được câu ngày trước em không dám nói. Ngày xưa em “Không dám chắc sẽ chờ đợi được đến ngày anh trở về” Thì hôm nay em đã “ Yêu anh đến trọn đời”, đã “Mãi mãi là của anh”, đã “Không sợ khoảng cách và thời gian”.
Em ơi, một năm qua em đã lớn lên nhiều quá. Cái gì đã làm em lớn nhanh như vậy em của anh?
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 6 trang (51 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối