VIẾT VỀ HUẾ
(Hoàng hôn trên sông Hương - Ảnh: Nguyệt Thu)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Với tất cả mọi người, ai cũng thế, sau quê hương lớn là Tổ quốc Việt Nam, đều yêu và đều thích nói về quê hương nho nhỏ của mình, nơi đón tiếp mình từ lòng mẹ và cho mình những ấn tượng đầu tiên về thế giới. Hơn nữa, đó lại là một vùng đất hay được nhắc nhở và ngợi khen. Thực ra, sự nhắc nhở, ngợi khen về Huế qua những bài thơ, bài hát chắc làm cho khách phương xa lần đầu tới Huế không khỏi phần nào thất vọng, nhất là khi đặt chân xuống mặt đất Thừa Thiên vào lúc mười hai giờ trưa một ngày hè nắng gắt. Huế thiếu hẳn cái vẻ nhộn nhịp ào ào của những đô thị lớn: các cửa hàng có kích thước xem ra bé nhỏ, những ngã tư vắng vẻ và yên ả, hoàn toàn không có những dòng xe hơi và gắn máy chạy thành luồng. Cho đến nay, dù đang được xây dựng để phát triển thành một thành phố du lịch cỡ quốc tế, Huế cũng không hề là nơi ăn chơi xa xỉ và không có cái vẻ phô trương rực rỡ. Thành phố ấy không lộng lẫy hào nhoáng với người mới đến, với kẻ ghé qua, mà có cái sức thu hút lặng êm và thấm thía với những người ở lâu cùng nó.
Ảnh: NetCoDo)
Ngày còn nhỏ, tôi chưa nhận thức được điều đó. Càng lớn lên, tôi mới dần dần cảm thấy cái sức hút âm thầm của Huế. Nhiều khi, tôi ước được thành hoạ sỹ để vẽ lại thần thái của quê hương mình. Tôi muốn vẽ được cả thần thái, chứ không cần vẽ phong cảnh. Đã có rất nhiều bức tranh về lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, Đại Nội, chùa Thiên Mụ... Đó là những bức tranh đẹp. Nhưng không hiểu sao tôi không thấy rung động trước những cảnh vàng son đó. Ước gì tôi biết vẽ, tôi sẽ vẽ lại làn sương trên dòng sông Hương và con thuyền mảnh mai đang từ từ ló ra khỏi cái khối trắng mờ đang trùm lên nó; tôi sẽ vẽ những nhịp cầu cong cong nho nhỏ bắc qua sông An Cựu, giữa những lá trúc hai bên bờ, cơn gió hắt hiu và cả cái màu trời và nước mùa thu bàng bạc bao trùm lên tất cả; tôi sẽ vẽ cái màu nắng trong vắt lung linh lọc qua những cành sứ nhỏ đầy hoa trắng, vẽ cả mùi thơm ngây ngất và cả phản chiếu giữa màu hoa với màu áo trắng, màu nắng và cả màu mắt thiếu nữ; rồi biết đâu tôi sẽ vẽ cả tiếng chuông chùa thăm thẳm trong đêm im lặng... khi trong lòng tôi nhen nhóm cái ước mơ không bao giờ thành tựu ấy, thì tôi chợt hiểu ra rằng vẻ đẹp của Huế không dừng lại ở phong cảnh, mà là vẻ đẹp của cảnh tượng, đẹp trong từng khoảnh khắc, ở nới này hoặc nơi kia, lúc này hoặc lúc khác; cũng như cái duyên thầm của một cô gái lúc thì hiện ra ở ánh mắt nụ cười, lúc ở một câu nói hay một thoáng buồn vui; cái duyên ấy không chụp ảnh lại được mà chỉ nắm bắt được bằng tất cả tâm hồn. Tôi phục Hàn Mặc Tử khi ông viết bài thơ về thôn Vĩ Dạ "Mơ khách đường xa, khách đường xa. Áo em trắng quá nhìn không ra. Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà". Bài thơ không có một chữ mô tê răng rứa nào, cũng không nhắc gì đến sông Hương núi Ngự, mà sao bàng bạc đầy chất Huế như thế? Hàn Mặc Tử không phải người Huế, nhưng ông đối với Huế thực là người tri kỷ, ông đã nắm bắt được cái thần của Huế bằng tất cả tâm hồn của người yêu cái đẹp, yêu thơ.
Hoá ra ở thành phố ấy, tầm vóc cái đẹp không đo bằng chiều cao, chiều rộng mà ở chiều sâu, một chiều sâu của mấy trăm năm văn hoá. Người Huế hơi bảo thủ, tính bảo thủ này có cái hay mà cũng có cái dở, cái rất dở, nhưng biểu hiện rõ rệt nhất- và dễ thương nhất- của nó là chỗ ở đây những thói quen có được bảo tồn khá bền vững. Đã hàng trăm năm tiếp xúc với văn minh Tây phương mà cưới xin người ta vẫn chưa bỏ- và chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ- buồng cau, mâm trầu, đôi đèn, cặp lộng; ngày mới cưới, vợ chồng vẫn ăn chung đĩa muối, chén gừng để "tay nâng đĩa muối chén gừng, gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau". Đi mua củ gừng, người bán hàng đặt xuống đất cho mình nhặt, không dám trao tay, sợ trao cho nhau cay đắng. Mở hàng "mai xưa" cho ai, người vẫn cố chọn đồng tiền lành lặn tử tế để trả, người bán hàng vừa nhận tiền vừa xuýt xoa "The thía, lành vía tốt tiền, người hiền tiền tốt" cả người bán lẫn người mua đều chia sẻ một niềm phấn khởi, hy vọng một ngày mới buôn may bán đắt. Cho đến bây giờ, đến hăm ba tháng năm, người ta vẫn sửa soạn cỗ cúng để kỷ niệm ngày kinh đô thất thủ đã cách một thế kỷ; lúc nào trên mâm cúng cũng có đậu phụng, khoai luộc, cơm hoặc xôi nắm, là những thứ chuẩn bị cho người đi xa. Tựa hồ ta vẫn còn thấy lẩn quất mãi ở mấy cửa???
Trần Thuỳ Mai
(Rút trong tập "Tượng đài sông Hương", nhiều tác giả, NXB Trẻ 2004)
Nguồn:
http://www.hue.vnn.vn/vanhocthica/2005/10/108817/"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"