(Tiếp theo và hết)
VÀI NÉT VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ
Trần Kiêm Đoàn
Một danh xưng đề nghị sửa lại : Danh xưng “THỪA THIÊN HUẾ”
Về phương diện địa dư và hành chánh, Huế là thị xã của tỉnh Thừa Thiên. Thừa Thiên có 8 quận (hay huyện): Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Có Thể chia Thừa Thiên ra làm 3 vùng văn hóa chính: Văn hóa nông nghiệp, văn hóa ngư nghiệp và văn hóa nương rẫy. Từ cách sống, cách ăn, cách mặc, cách nói, cách vui chơi hội hè đình đám thì cả ba vùng văn hóa Thừa Thiên có rất nhiều điểm chung, điển hình cho tính đại chúng của nền văn hoá làng xã Việt Nam.
Nếu chỉ đứng về mặt địa lý và cấu trúc thuần túy thì sự xác định biên giới của Huế phải đi từ nhỏ đến lớn: Đại Nội là giang sơn riêng của vua và triều đình gồm Hoàng thành và Tử cấm thành. Thành Nội là phần đất nằm trong phạm vi Kinh thành Huế bốn mặt thành giới hạn bởi cửa Đông Ba, cửa Chánh Tây, cửa Thượng Tứ, cửa Ngăn, cửa Hữu, cửa An Hoà… và cộng thêm dãi đất hẹp bao quanh Thành Nội mỗi bề từ 4 đến 7 cây số thường được xem là Thành Phố Huế. Từ cửa Ngọ Môn được coi như là trung tâm thành phố Huế, chỉ cần đi bộ khoảng một giờ đồng hồ tối đa là có thể đến một trong các “cột mốc” cuối cùng của Thành Phố Huế như: An Hoà, Bao Vinh, Bãi Dâu, Đập Đá, An Cựu, An Lăng, Long Thọ, Văn Thánh. Qua khỏi lằn ranh nầy là địa bàn thuộc về làng xã, quận huyện Thừa Thiên.
Người ở trong nội vi của thành Phố Huế thường tự coi mình là người Huế, còn người ở các vùng ngoài Huế là dân ruộng, dân biển, dân phường. Hay thậm chí là “dân nhà quê”! Ngược lại thì người làng quanh Huế cũng tự coi mình là “dân Quê” để phân biệt với người ở Huế là “dân Phố”, dân Dinh”!
Với người ngoài Huế thì Thừa Thiên hay Huế đều là Huế. Trong lĩnh vực địa lý và chính trị nội bộ địa phương thì có Thừa Thiên và Huế nhưng trong lĩnh vực nhân văn và nhân chủng thì không có sự phân biệt giữa Thừa Thiên và Huế. Trên bản đồ chỉ thấy Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Biên giới nhân văn của Huế được xác định rằng: Đông giáp Biển Đông, Tây giáp Trường Sơn, Nam giáp sông Mỹ Chánh, Bắc giáp đèo Hải Vân. Không có người nào là người Thừa Thiên và cũng không có văn hóa nào là văn hóa Thừa Thiên mà chỉ có NGƯỜI HUẾ và VĂN HOÁ HUẾ. Người Huế ở thành phố hay ở các quận huyện đều tự nhận diện mình là NGƯỜI HUẾ – Có thể thêm chi tiết phụ là người Huế ở vùng nào – chứ không một người Huế nào nói với một người xứ khác rằng: “Tôi là người Thừa Thiên”. Cũng thế, khi ra nước ngoài, người Việt tự nhận diện mình là “người Việt Nam” chứ không ai đi nói với một người Mỹ, người Nga rằng: “Tôi là người làng Hương Cần”; hay “Tôi là người Huế” cả!
Về mặt tâm lý, sự phân biệt Thừa Thiên và Huế trong quá khứ, vô hình chung đồng nghĩa với sự phân biệt Nhà Quê và Thành Phố. Sự phân biệt nầy là một cách nói khác của khái niệm “quê mùa lạc hậu” đối với “phố phường văn minh”!
Do hoàn cảnh lịch sử có sự xung đột gay gắt và do nhu cầu chiến thuật và chiến lược, sự phân ranh Thừa Thiên và Huế được thiết lập vì lý do hành chánh, quân sự nội tại của nó. Cũng như vì đời sống kinh tế khó khăn, mạng lưới giáo dục hạn chế, môi trường truyền thông lạc hậu, ngăn cách nên sự phân biệt QUÊ và TỈNH đã tồn tại trong suốt một chiều dài – khá dài – của lịch sử.
Tuy nhiên, trên thực tế thì xương sống và linh hồn của “văn minh” và văn hóa Huế lại nằm ở địa bàn Thừa Thiên. Sông Hương, con sông như mái tóc mây của Huế, từ nguồn đến biển quấn quít với Thừa Thiên, chỉ có một đọan rất ngắn chảy qua lòng thành phố Huế. Sông Bồ, sông Truồi, núi Kim Phụng, núi Thiên Thai, núi Truồi, đèo Hải Vân, biển Cảnh Dương, cửa Tư Dung, phá Tam Giang… là cảnh quang thiên nhiên làm nên xứ Huế cũng đều ở địa bàn Thừa Thiên. Cho đến lăng tẩm, đền đài, chùa chiền làm nền móng nhân văn và làm phong phú cho vẻ đẹp của Huế cũng thuộc về Thừa Thiên. Những món ăn tạo nên phong vị độc đáo nhất của Huế, những nghề nghiệp tạo nên phong thái kinh tế riêng bịêt của Huế cũng ở các làng quanh Huế. Và cốt lõi là con người xứ Huế, ngoại trừ dòng dõi vua chúa nhà Nguyễn Phúc tự nhận chánh quán của mình là “Gia Miêu, Ngoại Trang, Thanh Hoá”còn hầu như tất cả dân cư trong thành phố Huế đều có chánh quán của mình là các làng xã Thừa Thiên.
Nói tóm lại là sẽ không có một Huế thật sự là xứ Huế bây giờ nếu Huế chỉ là thị xã hành chánh Huế đứng độc lập hay tách rời Huế với Thừa Thiên. Cho nên, cái danh xưng “kép” THỪA THIÊN HUẾ chẳng những không nói lên được một hình ảnh của toàn cảnh xứ Huế đúng nghĩa, mà còn biểu tỏ một khuynh hướng gọi tên kệch cỡm, lỗi thời.
Với đà tiến hóa chung về mọi măt của đời sống ngày nay, người Huế nói chung khi đến định cư tại các nước Phương Tây hay ngay tại những địa phương bên ngoài Thừa Thiên Huế thì cái biên giới “nhà quê” và “thành phố” hoàn toàn không có lý do tồn tại. Ba tiêu chuẩn chính thường được dùng để phân biệt giữa “quê” và “tỉnh” là: Kinh tế, học vấn và lối sống. Các tiêu chí phân định đó đã bị thực tế vô hiệu hóa vì ra khỏi Huế, đặc biệt là ở Mỹ, những người Huế xuất thân từ các vùng địa lý Thừa Thiên không còn ở thế yếu kém về kinh tế, thế thấp hơn về học vấn và thế lam lũ hơn về lối sống so với người Huế xuất thân từ thành phố Huế như thời kỳ xưa cũ trên quê hương.
Do đó, trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tâm lý, giáo dục và sinh hoạt hội hè, hội đoàn và thân hữu, danh xưng nối kết “Thừa Thiên Huế” có thể tạo ra một tác dụng ngược lại, hàm chứa mặc cảm chia rẽ về cả thể và cả tính. Nhận xét của ông Tôn Thất Đường trong Báo Nhớ Huế, hội Huế Orleans, Xuân Giáp Thân 2004 là một nhận định rất thẵng thắn, trong năm qua đã được nhiều hội Huế cũng như đồng hương Huế và thân hữu đồng tình ủng hộ: “ Trong sinh hoạt cộng đồng thiên về tình cảm tương thân tương ái của Đồng hương Huế và Thân hữu, duy trì cụm từ ‘THỪA THIÊN HUẾ’ là duy trì một não trạng tiêu cực, một lề thói đối xử phân biệt đã lỗi thời và lạc hậu. Nó gây ra tâm lý kỳ thị, chia rẽ và mặc cảm hơn kém giữa nhà quê và thành phố hoàn toàn không đúng đắn. Ngoài ra nó còn bất chấp một hiện trạng đã bị thực tế bác bỏ và vượt qua từ lâu. Đó là sự thành công và chất lượng cuộc sống của người Huế hiện nay tùy thuộc vào tài năng, sức phấn đấu và bản chất của mỗi con người chứ không phụ thuộc vào gốc gác là Thừa Thiên hay Huế.” (Sđd. Tr. 72)
Nói đến văn hóa là nói đến một thực thể bao gồm ba mặt: Truyền thống, con người và lối sống. Chính cái mới, cái lạ, cái khác, cái độc đáo trội bật trong ba mặt nầy là chất liệu điển hình xây dựng bản sắc của văn hóa. Martin Almond trong loạt bài nhan đề The Vanishing Arctic (Bắc Cực Mù Khơi), nói về bản sắc văn hóa độc đáo của giống người Eskimo xứ tuyết vùng Bắc cực, nhận xét rằng: “ Một nền văn hóa thiếu bản sắc cũng giống như một đồng tuyết vùng bắc cực vắng bóng những vòm trốn tuyết kỳ lạ của người Eskimo. Những biển tuyết một màu trắng mênh mông nối nhau kéo dài đến vô tận, biết đâu và tìm đâu ra dấu vết của truyền thống, con người và lối sống…”
Đất nước Việt Nam có ba miền Bắc Trung Nam. Mỗi miền và mỗi điạ phương đều có một bản sắc văn hóa riêng. Văn hóa là câu chuyện truyền đời tính bằng thế kỷ. Từng thời đại, từng khuynh hướng và từng công trình nghiên cứu có một cách nhìn riêng về bản sắc văn hóa. Hà Nội, Huế, Sài Gòn… trong cái chung của truyền thống văn hóa dân tộc, vẫn có từng nét riêng. Mong rằng, những Đại Hội Văn Hóa như thế nầy là một dịp rất tốt để chúng ta cùng nhau nhìn về gia tài văn hóa dân tộc qua cái nhìn khám phá, tìm tòi, nối kết để văn hóa trở thành một nguồn suối sinh động có kế thừa và có tác dụng thực tiễn chứ văn hóa không phải chỉ là một câu chuyện thần tiên để kể hay một tượng đài hoang phế giữa thời gian.
(Trần Kiêm Đoàn)
Trích tham luận đã trình bày tại “DIỄN ĐÀN KHOA HỌC:
Tiếng Huế – Con Người Huế và Văn Hóa Huế”
Chuyên Đề III. Số 5. Ngày 14-6-2004
"Hương Giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu"