Trang trong tổng số 4 trang (37 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vanachi

Mấy Lời Nói Đầu

Tập Hai này của Toàn tập hồi ký của tôi, đáng lẽ chỉ nên viết ra khi tôi có cơ hội đi thăm lại những nẻo đường cũ, gặp lại những bạn bè xưa, ôn lại những chuyện đã bị tro bụi phủ lên vì gần nửa thế kỷ chia rẽ giữa người Việt đã khiến cho những chuyện đẹp nhất của một thời kỳ lịch sử nào đó cũng dễ dàng trở thành những chuyện tuyên truyền chính trị. Nhưng ở vào cái tuổi 70 này, tôi không thể chờ đợi được nữa, bây giờ ngồi ở giữa Thị Trấn Giữa Đàng, nhớ được chuyện gì thì cứ viết ra, nếu có dăm ba nhầm lẫn to nhỏ nào đó về địa danh, tên người hay thứ tự của sự việc thì sẽ sửa sai sau.

Đã có nhiều các tác giả khác dùng ngòi bút tài hoa của mình để nói lên được những cái vĩ đại của Cách Mạng hay Kháng Chiến chống Pháp. Ớ đây, tôi xin phép không thần thánh hoá một giai đoạn lịch sử mà bất cứ người Việt Nam nào vào tuổi tôi cũng đều có đóng góp với vai trò rất bình thường của một công dân.

Trong tập hồi ký này, thản hoặc có sự biểu lộ tình cảm của tôi đối với người này người nọ, đối với sự việc đó, sự việc kia, xin bạn đọc hiểu cho đó là cảm súc thành thực của tôi 45 năm trước đây, lúc tôi còn "dễ khóc, dễ tin theo"... Đó không phải là "thái độ" hay "hành động" chính trị tôi còn nuôi cho tới khi đã đầu bạc răng long như lúc này. Hơn thế nữa, những tình cảm xa xưa đó cũng đã thay đổi cùng với tháng năm rồi.

Bởi vì âm nhạc luôn luôn có khả năng gợi nhớ, tôi chỉ mong mỏi những dính líu của tôi vào thời cuộc được kể ra trong tập hồi ký này có thể giúp cho những bạn yêu nhạc Việt Nam nói chung, yêu nhạc của tôi nói riêng, biết thêm được những động cơ nào khiến cho từng bản nhạc của tôi phải ra đời để rồi được hát lên hay được nghe thấy, được người đời nhớ lại hay bị quên đi... và nhờ đó mà những bài hát phản ánh một thời lại được hát lên một lần nữa chăng?

Tôi thành thực cám ơn những bạn cũ như Phạm Thanh Liêm, Trịnh Ngọc Hiền, Đỗ Xuân Hợp, Hoàng Xuân Yên, Đoàn Bính, Lê Văn-Vũ Bắc Tiến, Tạ Tỵ, Ngọc Bích, Phạm Nghệ, Hoài Trung-Phạm Đình Viêm, Đoàn Châu Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Hiền, Minh Đức-Hoài Trinh, Ngọc Khanh... và cám ơn vợ tôi, những chứng nhân như tôi của cái thời xa xôi đó, đã nhắc cho tôi nhớ lại nhiều sự việc tôi đã quên.

Thị Trấn Giữa Đàng

Midway City, California-ỤS.A.

Mùa Thu 1989
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 1

Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng...
(Văn Cao-Buồn Tàn Thu)



Vào đầu tháng 3 năm 1945, gánh hát Cải Lương với cái tên là "Đức Huy-Charlot Miều" đang trong thời gian ghé lại tỉnh lỵ Cà Mâu. Trên đường lưu diễn khởi sự từ thành phố Hải Phòng ở miền Bắc cách đây 2 năm, bây giờ gánh hát vào tới một tỉnh cực xa của miền Nam rồi. Coi như lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt.

Tôi vẫn giữ chân phó quản lý và còn giữ thêm vai trò của một người hát phụ diễn trong mục ca nhạc cải cách. Tôi cũng khá nổi tiếng vì trước tôi chưa có ai đem Tân Nhạc vào đại chúng cả. Tôi được sống hả hê một cuộc đời vô tư lự, nay đây mai đó. Rất bằng lòng với lối sống giang hồ ăn đường ngủ chợ này. Đi tới đâu cũng vậy, trong gánh hát, từ vợ chồng ông bầu, các đào kép, các nhạc sĩ tân hay cổ nhạc cho tới anh chị em lao công, tất cả mọi người đều ăn ngủ ở ngay trong rạp hát. Thường thường sau những đêm hát, ai cũng thích tìm chỗ ngủ tại những nơi được che khuất như ở sau những phông cảnh hay sau lớp cánh gà, hoặc ở dưới hai bên hông hí trường là nơi khán giả ít tiền thường đứng để coi hát. Nhưng về phần tôi, "phòng ngủ" bao giờ cũng là một cái ghế bố đặt ở ngay giữa sân khấu, là nơi rộng rãi và thoáng khí nhất.

Lúc đó là vào buổi trưa ngày mùng 10 tháng 3 và theo thông lệ, tôi còn đang muốn ngủ thêm thì tôi bị khua dậy bởi những tiếng ồn ào, loạn sì ngầu :

-- Nhật đảo chính mày ơi.

-- Đảo chính từ hôm qua lận. Toàn Quyền Decoux bị giam rồi.

-- Ơ± ngoài Bắc, nghe nói một số lính Tây trốn được sang Tầu mà...

--... Ở Saigon và các tỉnh... bị bắt hết cả rồi.

-- Nè, có chúng nó chạy được về Cà Mâu, đang đóng đầy ở trong thi.

xã đó. Đi coi chơi, chúng mày.

--- Đ... m... chắc hết đường chạy rồi...

Rạp hát ồn ào còn hơn cái chợ. Tôi quen với cái chuyện thích ăn to nói lớn của các bạn đồng nghiệp từ lâu rồi. Giới nghệ sĩ cải lương là những người rất nhàn rỗi. Suốt ngày không có việc gì làm, nếu không ngủ mê ngủ mệt là ngồi nói chuyện trên trời dưới biển. Vì luôn luôn phải đóng những vai trò, phần nhiều là những vai "anh hùng hào kiệt" cho nên kép hát đem luôn nhân vật ban đêm vào đời sống ban ngày. Chúng tôi có danh từ "sạo ke" dành cho những người đó.

Mọi người trong đoàn hát tranh nhau bình luận về thời cuộc. Ai cũng có vẻ hãnh diện trước sự kiện người da vàng đã đánh bại người da trắng. Ai cũng ngây thơ tin rằng với thuyết Đại Đông A³, từ nay trở đi Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên con đường tự do, độc lập và phú cường. Tôi cũng mừng thầm, nghĩ rằng: "Thế là thời nô lệ của Việt Nam đã cáo chung."

Kép Ba Hội người Huế, xưa nay vẫn là người ba hoa nhất ở trong đoàn hát, hô to qua cái miệng đầy răng vàng:

-- A lệ May cờ Nhật ngay.

Chị Miều, vợ của ông bầu Charlot Miều vội vàng lấy rổ kim chỉ ra và nhờ tôi vẽ cho chị cái mẫu rất dễ vẽ của lá cờ Nhật Bản, với hình tròn của mặt trời đỏ lửa trên một nền trắng tinh như tuyết. Tôi cũng được sự phụ giúp của anh Dần mặt rỗ, tính tình hoà nhã và là người được tôi rất quý mến. Cờ may xong, lại có vụ tranh nhau đem cờ ra cắm ở cổng rạp.

Nhưng không ai trong đoàn hát lại có thể ngờ được rằng thằng đánh trống người Việt gốc Miên tên là Giỏi ở trong ban nhạc lại là một thằng làm mật thám cho Tây (Hồi trước, chúng tôi quen gọi Pháp là Tây). Ngay sau đó, không biết thằng Giỏi đi báo Cảnh Sát từ lúc nào mà Ba Hội, anh Dần và tôi bị một lũ mật thám tới rạp hát còng tay lại và dẫn tới nhà tù của thành phố Cà Mâu, nhốt trong một phòng giam rất chật hẹp và bẩn thỉu. Không hiểu tại sao trong đoàn hát lại chỉ có ba đứa chúng tôi bị bắt mà thôi? Bà bầu đâu có bị bắt nhỉ?

Kép Ba Hội sợ xanh máu mặt :

-- Chết cha cả lũ rồi.

Anh Dần vẫn im lặng từ khi bị bắt. Bây giờ tôi mới thấy là mình ngu quá. Cái việc làm rất vô duyên là vẽ lá cờ Nhật cho bà bầu có thể đem tới một cái chết lảng xẹt:

-- Được đến đâu hay đến đó, cậu đừng lo...

Nói như vậy nhưng trong lòng rất lọ Từ ngày bỏ nhà ra đi khi mới 17 tuổi, làm đủ các thứ nghề trước khi được làm cái nghề hát rong mà mình rất ưa thích, chưa bao giờ tôi bị lâm nguy như bây giờ. Nghĩ tới mẹ, chỉ lo mẹ sẽ buồn nếu có điều gì không hay xẩy ra cho mình. Nghĩ tới cuộc đi suốt từ Bắc vào Nam. Nghĩ tới những thành phố mình vừa đi quạ Thích nhất là ở trong miền Nam này, thị xã nào cũng có một con sông lớn chẩy qua, chợ bao giờ cũng họp ở ngay bến sông và cạnh chợ thể nào cũng phải có một rạp hát. Người dân lúc nào cũng ăn no mà không cần mặc ấm. Ơ± cái xứ có mặt trời quanh năm này, mặc quần áo bà ba càng rộng càng mát. Nghĩ tới đêm hoà nhạc tài tử mới đây tại thị xã, từ chập tối cho tới gần sáng, mọi người chỉ đua nhau hát hết bài Vọng Cổ này tới bài Vọng Cổ khác. Không có ai hát bất cứ một điệu nào ngoài điệu Vọng Cổ, vậy mà nghe mãi không thấy chán. Nghĩ tới người đẹp răng vàng mà mình gặp trong buổi hoà nhạc đó. Nghĩ mà giận cho thằng mật thám tên là Giỏi. Ông ra khỏi nhà tù này thì ông giết mày. Có bị bắt giam mới thấy thấm thía cho số phận của người dân nhược tiểu da vàng sống dưới ách thống trị của dân da trắng. Trước kia dù ghét Tây, muốn đánh Tây, muốn nước mình có tự do và độc lập nhưng mình chỉ luôn luôn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Bây giờ thì được nếm mùi nhà tù thực dân rồi nhé. Thành "nhà chính trị" rồi nghe. Dù rằng chỉ là trò chơi chính trị bất đắc dĩ và đượm vị khôi hài. Tức nhất là nó đã bị Nhật đảo chính rồi mà nó còn nắm tính mệnh của mình ở trong taỵ Nghĩ tới nghĩ lui thì đã quá nửa đêm.

Có thể lúc đó đám lính Pháp còn đang hoảng hốt trong cơn rút lui và tinh thần của lũ đội xếp, mã tà Việt Nam rất là hoang mang cho nên ba đứa chúng tôi chưa bị đánh đập hay bị đem ra xử bắn thì lính Nhật đã tới bao vây thị xã Cà Mâu. Đám tàn quân Pháp bị tước khí giới và được lính Nhật dẫn đi. Lũ mã tà, đội xếp Việt Nam cũng trốn đi đâu hết cả rồi. Trong đêm khuya tối om và lặng lẽ, bỗng nhiên một tiểu đội lính Nhật Bản tới mở cửa nhà tù. Ba nhà "ái quốc" là chúng tôi vội vàng "arigato" nhắng nhít cả lên, rồi ù té chạy về rạp hát sau non một nửa ngày và già một nửa đêm hú vía.

Chuyện tôi bị Tây bắt này thật ra cũng chẳng có gì là đ ng kể so với những hành động chính trị của nhưng người làm cách mạng "thứ thiệt", nhưng tôi đã có lần nhận ra rằng cái biến cố chính trị (sic) vô duyên này là một dấu vết rất quý giá đối tôi. Ngọn lửa đấu tranh trong bất cứ một thanh niên Việt Nam nào cũng thường chỉ được âm ỷ ở trong lòng. Trước khi ngọn lửa chung là Cách Mạng lùa tới để giúp cho ngọn lửa của từng cá nhân bùng lên, tối thiểu cái vụ tôi bị Tây bắt cũng làm cho lòng tôi rồi đây, sẽ bắt lửa nhanh hơn.

Trong khi tôi vô tình dính líu vào vụ đảo chính như vậy, ở nhiều nơi trong nước có nhiều thanh niên tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp. Họ tích cực tham gia cuộc đảo chính. Tại Hà Nội, có những sinh viên như Trần Văn Nhung đi tiên phong trong đám lính Nhật tới đánh thành Cửa Bắc rồi bị bắn chết ngay trong phút đầu tiên của vụ đảo chính và Nguyễn Thiện Giám bị hi sinh trong một trường hợp khác. Ngày 11 tháng 3 năm 45, một buổi lễ truy điệu anh hùng tử sĩ hi sinh cho nền "thịnh vượng chung của Đại Đông A³" được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Dì ruột của Nguyễn Thiện Giám cùng với con gái tên là Phạm Thị Thái (sau này có tên nghệ sĩ là Thái Hằng) được mời tới dự lễ truy điệu.

Cuộc đảo chính này không có gì là gay cấn lắm, vì không có sự giao tranh dữ dội giữa hai Quân Đội Nhật và Pháp, nhưng sự giao thông trên toàn quốc bị đình trệ. Gánh hát Đức Huy-Charlot Miều muốn di chuyển từ Cà Mâu qua Rạch Giá nhưng vì còn lệnh giới nghiêm trong vụ đảo chính cho nên chưa có một hãng xe đò nào dám cho xe chạy cả. Nhờ sự quen biết với mấy người lính Nhật tới giải cứu, tôi bèn tới gặp họ để xin họ cho gánh hát đi nhờ trên những xe nhà binh tới địa điểm hát đã được định đoạt từ trước là thị xã Rạch Giá . Tôi trổ tài đem vài bài hát Nhật Bản mà tôi học lóm được từ trước như Shina No Yoru, Mori No và Kohan No Yado để hát cho lính Nhật nghe, do đó họ bằng lòng chở đoàn hát của chúng tôi đi từ Cà Mâu qua Rạch Giá. Mấy cô đào trong gánh hát xưa nay mê tôi rồi bây giờ còn phục tôi quá xá.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 2

Đói ở Thái Bình,
Đói tới Gia Lâm...
(Bàng Bá Lân)



Sau một thời gian đi hát tại vài tỉnh ở Cao Miên và ở Hậu Giang, khi gánh hát trở về đóng đô tại rạp Aristo ở Saigon vào giữa năm 1945, tôi bị sưng phổi và phải vào nằm nhà thương để điều trị. Khi đã bình phục, tôi quyết định từ giã gánh hát Đức Huy-Charlot Miều, gánh hát rong đã cho tôi cơ hội đi khắp mọi nơi trên đất nước và quan trọng nhất, đã cho tôi một thí điểm để đưa ra những bài Tân Nhạc đầu tiên của Việt Nam. Tôi nổi tiếng là nhờ gánh hát. Cám ơn vô cùng, ôi "Đức Huy-Charlot Miều". Tôi xách chiếc valy nhỏ bé và cây đàn guitare cũ kỹ tới ở nhờ nhà một người bạn là Phạm Xuân Thái ở số 13 đường Paul Bert trong khu Dakao (Tân Định). Phạm Xuân Thái là người Bắc vào sinh sống ở Saigon từ lâu, dáng người mảnh khảnh, ăn nói hoà nhã, tính tình dễ dãi và thích văn nghệ lắm. Anh lấy vợ làm nghề bán vải ở khu phố chung quanh Chợ Bến Thành, được vợ nuôi để... chẳng làm gì cả, dù đã có thời anh tấp tểnh làm một mục sư của đạo Tin Lành do đó anh nói tiếng Anh rất giỏi. Tôi quen với Phạm Xuân Thái từ ngày mới theo gánh hát vào Nam và sau một thời gian khá lâu, bây giờ chúng tôi mới gặp lại nhau. Phạm Xuân Thái ngay từ lúc này đã nuôi nhiều mộng làm chính trị và 10 năm sau, anh sẽ làm Bộ Trưởng Bộ Thông Tin trong Chính Phủ Ngô Đình Diệm. Lúc đó, anh lấy thêm một người vợ bé. Người này tên là Nguyễn Thị Thạnh và có thời là người tình của Tướng Nguyễn Bình trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ. Saigon sau ngày Nhật đảo chính không còn nhiều bóng dáng kiêu kỳ của những ông Tây bà Đầm đi lượn phố nữa nhưng bộ mặt của thành phố được mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông" này cũng không thay đổi gì mấy. Lúc đó Saigon chưa dính liền với Chợ Lớn và Gia Định. Ngồi trên xe điện đi từ Chợ Bến Thành vào tới bến Nancy, nhìn ra hai bên đường, thỉnh thoảng ta thấy có những khoảng đất trống với ít nhiều rác rưởi. Nhưng từ bến Nancy vào cho tới Chợ Lớn thì có khi là cả một cánh đồng hoang với bùn lầy nước đọng, ruồi muỗi bay đầy. Giữa Saigon và Gia Định còn có những ruộng lúa hay có những khu đất được dùng để đổ rác của Đô Thành. Dân số Saigon lúc đó chắc chưa tới một triệu người. Người Pháp vắng mặt ở phố phường nhưng lính Nhật đóng ở Saigon đông hơn lúc trước. Họ chiếm một vài khu trong thành phố, ngăn không cho ai qua lại, chiều chiều họ ra giữa đường chơi baseball là môn thể thao mà chúng tôi không thông thạo như môn đá bóng. Dân chúng còn được nếm mùi công lý tàn bạo của lính Nhật là kẻ cắp nào mà bị bắt quả tang là bị chặt tay ngay, khỏi cần phải đưa ra toà. Thế Chiến 2 gần tới hồi kết thúc nhưng tầu bay Mỹ vẫn tới thả bom. Hai phi cơ B.24 của Mỹ bị bắn rơi ở Đức Hoà, gần Saigon. Đời sống có vẻ khó khăn. Các bà nội trợ rên lên vì nhu yếu phẩm không những đã khan, còn lên giá đùng đùng. Tôi lấy lại được sức khoẻ sau những ngày nằm dưỡng bệnh. Sau khi nếm mùi "chính trị" ở Cà Mâu rồi, bây giờ tôi chú ý tới tình hình nước mình sau ngày mùng 9 tháng 3. Đọc báo thấy bài tuyên bố của đảng trưởng "Đảng Việt Nam A³i Quốc" là Hồ Nhựt Tân tôi thấy háo hức trong lòng vì những câu viết đầy hi vọng: " Trong vùng Đại- Đông-A³ mông mênh bát ngát, dưới ánh sáng lãnh đạo rực rỡ chói lọi của nước Đại-Nippon, dân tộc Việt Nam gồm có năng lực đầy đủ hi vọng sẽ kiến thiết một quốc gia đúng theo qui tắc công bằng và tự do". Tôi cũng thấy vui vui khi người cha đỡ đầu của tôi là thầy Trần Trọng Kim từ Singapore trở về nước để làm vị Thủ Tướng đầu tiên của Việt Nam. Tuy nhiên tôi không thấy trong dân chúng có một sự phấn khởi nào trước cái gọi là "độc lập-tự do trong Khối Đại Đông A³" này. Tôi còn thấy dường như chẳng có gì là thay đổi cả. Vua Bảo Đại được người Nhật đem món quà độc lập đến tận miệng nhưng ở Huế, Đại Sứ Nhật Yokohama giữ chức quyền Khâm Sứ thay thế cho Khâm Sứ Pháp. Ơ± miền Nam, qua viên quyền Thống Đốc Minoda, người Nhật thay thế Pháp, dùng người Việt làm tay sai. Do đó, khi có một anh bạn người Huế tên là Hoài rủ rê tôi vào làm việc trong một cơ quan mật vụ của người Nhật, tôi từ chối ngaỵ Chắc ông thầy đỡ đầu cũ của tôi là Trần Trọng Kim cũng sớm nhìn ra sự thực nên thầy sẽ rút lui ra khỏi chính trường một cách dễ dàng như lúc thầy nhận chức vụ Thủ Tướng sau ngày Nhật đảo chính.

Ơ± chung với Bộ Trưởng Thông Tin tương lai là Phạm Xuân Thái, nhờ ở những cuộc đàm đạo với anh ta, tôi được hiểu biết hơn về chính trị. Hiểu nhưng không mệ Tôi bắt đầu nghe đài Radio New Delhi và rất thích nhạc hiệu của Đài này. Đây là lần đầu tiên tôi có cái nhìn ra thế giới. Từ khi Thế Chiến 2 xẩy ra, dù có những biến chuyển chính trị rất lớn như Pháp bị thua trận, Nhật tiến vào Đông Dương, máy bay Mỹ thả bom ở Hải Phòng ngay khi tôi vừa gia nhập gánh hát Đức Huy-Charlot Miều ở hải cảng này... nhưng tôi vẫn sống dửng dưng trước thời cuộc. Bây giờ thì khác. Tôi theo rõi những sự việc xẩy ra ở trên thế giới và ở trong nước.

Tôi vẫn tiếp tục đi hát trên Đài Phát Thanh và một vài nơi khác. Nhờ được mời tham gia một buổi hát lấy tiền giúp nạn đói ở ngoài Bắc, tôi biết rõ hơn về cái chết của hai triệu đồng bào. Vào đầu năm đó, vì đi hát ở những miền rất hẻo lánh ở Hậu Giang, tôi không biết gì về nạn đói năm "t Dậu cả.

Tôi chỉ ngạc nhiên khi thấy ở nhiều nơi mà tôi tới hát, trước ngày Nhật đảo chính, tụi "Tây nhà đèn" cho đốt những lò máy biến điện bằng thóc chứ không phải bằng than. Khi mới trở về Saigon, có nhiều chuyện ở ngay trước mắt làm cho chuyện chết đói ở xa xôi bị nhạt mờ đi. Nhưng tới nay thì tôi biết là do âm mưu của Pháp trong năm 1944, bắt nông dân miền Bắc có bao nhiêu thóc là phải bán hết cho chính phủ để Pháp cung cấp gạo cho Nhật nuôi quân. Do đó mà nông dân miền Bắc không còn gạo dự trữ để ăn và hai triệu dân chết đói. Trong Nam thì thừa thóc gạo đến nỗi phải đốt đi nhưng Pháp không chở gạo ra tiếp tế cho dân ngoài Bắc.

Tôi không được nhìn thấy tận mắt đồng bào của tôi chết đói nhưng nghe kể lại cũng thấy rùng mình : ở một số tỉnh, trên đường quê cũng như trên hè phố -- và ngay ở Hà Nội -- cứ đi quá dăm ba chục thước là có vài ba cái xác nằm chồng chất lên nhau. Có người ngắc ngoải rồi còn cố ghé miệng ngoạm vào xác chết nằm bên ở cạnh để nhay miếng thịt. Nhay được rồi thì phát điên. Điều chua sót là trong khi cả Pháp lẫn Nhật gần như toa rập với nhau để cho hai triệu người mình chết đói thì người Tầu mại bản tích trữ gạo để bán cho người có tiền. Cho nên đã có câu ca dao của thời đó ghi lại chuyện này như sau:

Mấy năm thiếu gạo vì ai
Làm dân ta chết mất hai triệu người
Tầu cười (tích trữ gạo) Tây khóc (bị đảo chính) Nhật no
Việt Nam hết gạo, chết co đầy đường.

Tôi càng thêm căm thù cả Pháp lẫn Nhật, dù đã có lúc tôi mang ơn tiểu đội lính Nhật đã tới cứu tôi vào ngày 10 tháng 3 năm 1945. Tôi sẽ dễ dàng đón nhận những khẩu hiệu như "chống thực dân Pháp và phát xít Nhật". Tối thiểu thì tôi cũng thấy rằng một cuộc khởi nghĩa đánh cả Tây lẫn Nhật là một sự rửa hận cho hai triệu người chết đói.

Tuy không còn đi hát rong và đã ở một chỗ nhất định nhưng tôi cũng không có một liên lạc nào với gia đình của tôi ở ngoài Bắc trong đó tôi chỉ nhìn thấy một sự lạnh nhạt nơi mọi người, ngoài tình thương -- tôi nghĩ vậy -- rất câm nín của mẹ tôi. Từ khi bỏ nhà ra đi cho tới mùa Thu năm 1945 này, tôi chưa hề nhận được một lá thư nào của mẹ. Bây giờ, vào tuổi 24, sống tại một thành phố lớn nhất của một nước Việt Nam trên danh nghĩa đã được độc lập, tôi nóng lòng muốn làm một cái gì cho đất nước. Nhưng có lẽ cái chính phủ do người Nhật dựng lên với một thành phần toàn các nhà chính khách hơn là cách mạng và cái chính quyền của vị Khâm Sai ở miền Nam lúc đó là Nguyễn Văn Sâm không có một chính sách nào để vận động thanh niên tham gia vào việc nước. Nếu có một chương trình nào đó cho thanh niên thì chỉ là vài ba cuộc biểu tình để... cám ơn nước Nhật Bản đã giúp cho Việt Nam lật đổ Pháp. Thấy chính phủ Trần Trọng Kim đưa ra một chương trình gọi là "hưng quốc", nhưng khi nhìn lá cờ quẻ ly và nghe bản quốc ca Đăng Đàn Cung, tôi chẳng thấy rung động gì cả. Có lẽ vì lúc đó chưa có một người nào chết cho lá cờ và bài hát đó chăng?

Tôi sống rất cô đơn cho tới khi, cũng như mọi thanh niên cùng lớp tuổi, tôi bị lôi cuốn vào một cơn cuồng phong mà dường như tôi cũng đã chờ đợi từ lâu. Đó là một cuộc cách mạng thường được gọi tên là "Cách Mạng Tháng Tám".
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 3

Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu...

Thế Lữ



Khi tôi vừa lớn lên và có chút hiểu biết về người mình và về nước mình thì cũng như tất cả các thiếu niên khác, tôi vừa ghét Tây vừa sợ Tây. Các bà mẹ ngày xưa hay có lối doa. con: "Mày không ngoan, tao gọi ông Tây đến bắt đi bây giờ. " Như đã nói trong đoạn hồi ký về tuổi ấu thơ, khi tôi mới lên 10, tôi biết tới hành động anh dũng của cụ Đề Thám hay thán phục thái độ của liệt sĩ Nguyễn Thái Học và dù còn bé bỏng, tôi mơ ước trở thành những con người chọc trời khuấy nước như người hùng Yên Thế và vị lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Tới khi tôi mấp mé vào tuổi trưởng thành và đọc những truyện của Nhất Linh trong đó có những nhân vật như Loan và Dũng thì tôi mơ được theo gót chân anh ra chốn hải hồ để đem chí bình sinh dãi nắng mưa... Tôi cũng biết mong manh về những chuyện "bôn ba hải ngoại" của những người như Cường Để, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn A³i Quốc... và biết sơ sơ là bố tôi cũng bị Tây bắt vì có dính líu tới vụ Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong gia đình, tôi biết đại khái là thằng cháu bằng tuổi tôi tên là Viện, con anh Tư ở phố Hàng Đường, có làm chính trị. Nhưng thằng này khinh mình hay sao mà mỗi lần mình gợi chuyện thì nó lại lảng đi. Có thể nó muốn giữ bí mật, sợ lộ ra thì sẽ bị Pháp bắt chăng?

Rồi tôi rời ghế nhà trường và rời bỏ Hà Nội để đi mưu sinh ở Moncay, Bắc Giang, Hưng Yên hay Kiến An bằng đủ các thứ nghề như thợ rèn, thợ cầy, thầy giáo, thư ký toà án... Ở đâu cũng chỉ ở trong một thời gian rất ngắn ngủi. Sau đó tôi lang thang đi theo gánh hát rong và cũng không bao giờ ở lại một nơi nào quá hai hay ba tuần lễ. Không ở đâu lâu nên không có thời gian để kết bạn hay để được kết nạp vào một tổ chức chống Pháp nào đó. Bị bắt giam ở Cà Mâu cùng với hai anh kép hát Cải Lương vào giờ thứ 25 của cuộc đảo chính là một biến cố" tôi không chờ đợi.

Trong những năm tôi đi theo gánh hát rong như thế, ở miền Bắc đã sùng sục nổi lên một không khí cách mạng vì ngay khi Thế Chiến 2 mới khởi đầu, "mẫu quốc Pháp" bị thua trận ở chính quốc và mất uy tín ở những thuộc địa rồi. Quyền uy của thực dân trong ba nước Đông Pháp bị mất dần vào tay Nhật từ 1940 cho tới khi bị mất luôn vào ngày mùng 9 tháng 3, năm 1945. Nếu những cuộc khởi nghĩa trước đây của các nhóm Cần Vương, Văn Thân, Đông Du và Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại thì một cuộc khởi nghĩa nào đó trong lúc này sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Nạn đói năm "t Dậu vừa qua còn là một hoàn cảnh rất thuận lợi để cho Cách Mạng bột phát nhanh hơn. Đó là những giác ngộ của tôi vào đầu mùa Thu năm 45 này khi ngồi nói chuyện chính trị với Phạm Xuân Thái ở căn nhà số 13 đường Paul Bert, Dakao.

Vào mùng 6 và mùng 8 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử san bằng hai thành phố lớn ở Nhật Bản. Đài New Delhi loan tin Nhật đầu hàng. Coi như Thế Chiến 2 chấm dứt. Thủ Tướng Trần Trông Kim xin từ chức nhưng được mời giữ chức xử lý thường vụ cho tới khi có chính phủ mới.

Thế Chiến 2 tới hồi kết thúc với sự bại trận của Nhật Bản sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasakị Tình hình Việt Nam biến chuyển ngay lập tức với sự từ chức của chánh phủ Trần Trọng Kim. Tại Saigon một số đoàn thể gồm có Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hoà Hảo, Cao Đài, Tịnh Độ Cư Sĩ, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong vội vàng họp nhau lại để thành lập một tổ chức chính trị gọi tên là "Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất" để đáp ứng với tình thế mới. Thành phố Saigon có vẻ tấp nập hơn trước. Ai cũng thấy bồi hồi trong lòng. Tôi thấy mình ngứa chân ngứa tay quá rồi...

... Người đẩy tôi vào hành động lúc đó là Nguyễn Duy Hinh, một ký giả và chủ báo rất quen biết của Miền Nam sau này. Nguyễn Duy Hinh thường tới gặp Phạm Xuân Thái, do đó chúng tôi quen nhau. Trước đây Nguyễn Duy Hinh là người có nhiệt tình đối với cuộc đảo chính ngày mùng 9 tháng 3 của Quân Đội Nhật và bây giờ anh là một thành viên của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Thấy tôi muốn hoạt động, anh ấy giới thiệu tôi với những người trong Đảng Dân Chủ đang nằm vùng trong tổ chức Thanh Niên Tiền Phong như Phạm Ngọc Thạch, Kiều Công Cung. Tôi trở thành một đoàn viên của Thanh Niên Tiền Phong. Hoạt động của tôi lúc đầu chỉ là công tác văn nghệ. Tôi được phái đi dạy cho các thanh niên, các học sinh hát bài Tiếng Gọi Sinh Viên bây giờ được đổi tên là Tiếng Gọi Thanh Niên.Trước đây, khi vừa ở Lục Tỉnh trở về Saigon, tôi được Trần Văn Khê đưa tôi tới gặp Lưu Hữu Phước là một trong ba chủ nhân của một cửa hàng bán bản nhạc ở đường Bonard với bảng hiệu là Hoàng-Mai-Lưu (do ba cái tên Hoàng [Huỳnh] Văn Tiễng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước). Có lần tôi và Khê được kéo tới ăn cơm cùng với ba anh bạn này trong một bữa cơm gia đình tại Gia Định. Bây giờ tôi mới biết hô là đảng viên Đảng Dân Chủ và đang hoạt động trong tổ chức Thanh Niên Tiền Phong. Ba người này có ba vóc dáng khác nhau. Huỳnh Văn Tiễng gầy nhom, Lưu Hữu Phước béo phị và chỉ có Mai Văn Bộ là không béo, không gầy.

Trong khi ở trong Nam, nhân việc Nhật Bản vừa bị thua trận và đầu hàng Quân Đội Đồng Minh, một mặt trận thống nhất các đoàn thể quốc gia với mục tiêu chống Pháp vừa được thành lập thì ở ngoài Bắc cũng đã có từ lâu một mặt trận khác lấy tên là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt-Minh).

Vào đầu tháng 8, 1945, ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, tôi nghe tin từ Hà Nội đưa vào: Một mặt trận chính trị mang cái tên là "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh" đứng ra kêu gọi dân chúng làm cuộc tổng khởi nghĩa. Mặt Trận này không chỉ kêu gọi chống Pháp mà thôi, còn huy động toàn dân chống luôn cả Nhật Bản nữa. Chống Pháp thì dễ rồi, vì làm gì còn quyền lực của Pháp ở Việt Nam nữa. Nhưng chống Nhật thì hơi khó đấy. Trong cái thành phố Saigon diễm lệ này, tôi thấy sự có mặt của Quân Đội Nhật Bản hãy còn ghê gớm quá, tuy lúc này họ là đoàn quân bại trận trong Thế Chiến 2 rồi. Ngay chính tôi lúc đó vẫn còn đang đi hát tại một khiêu vũ trường và vẫn phải gân cổ hát những bài Nhật như Shina No Yoru, Sakura...

Nhưng tôi rất chú ý tới hoạt động của tổ chức được gọi là "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh" này vì đây là lần đầu tiên tôi được nghe những danh từ rất quyến rũ như "tổng khởi nghĩa", "đội võ trang tuyên truyền", "chiến khu", "cứu quốc"... Cùng với mọi người, tôi còn nghe nhiều tin đồn, nào là Mặt Trận đã được dân chúng ở ngoài Bắc tham gia nhiệt liệt, nào là Mặt Trận còn được quốc tế ủng hộ nữa. Ngay cái tên gọi tắt là "Việt Minh", đối với tôi cũng có vẻ hấp dẫn hơn những cái tên dài lòng thòng của các tổ chức chính trị khác.

Tới ngày 19 tháng 8 thì có tin Cách Mạng do Việt-Minh lãnh đạo đã thành công ở ngoài Bắc. Sau này người ta tường thuật cuộc diễn tiến của cuộc tổng khởi nghĩa như sau:

Vào ngày 17 tháng 8, sau khi Nhật đầu hàng, tình hình chính trị đã đổi mới, tướng Mac Arthur được cử làm Tổng Tư Lệnh Đồng Minh ở Thái Bình Dương, tướng Leclerc được De Gaulle phong cho chức Tư Lệnh Quân Đội Pháp ở Đông Dương.

Sau khi Nhật đầu hàng, Quân Đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ Toàn Quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 9, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà Hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh. Hai ngày sau, tức là 19 tháng 8, Việt Minh đích thân đứng ra tổ một cuộc mít tinh khổng lồ cũng ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau đó đoàn người biểu tình kéo đến bao vây Bắc Bộ Phủ. Ông Khâm Sai Phan Kế Toại đầu hàng ngaỵ Coi như cướp được quyền hành chánh rồi, đoàn người kéo luôn qua trại Khố Xanh ở đường Đồng Khánh để cướp quyền quân sự. Một ngàn lính Bảo An ở trong trại không kháng cự. Cờ quẻ ly được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên.

Thế là cuộc tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội. Một Ủy Ban Nhân Dân được thành lập ngay hôm đó. Đồng thời tại nhiều địa phương, các đoàn võ trang tuyên truyền được gọi là "Dân Quân Giải Phóng" cũng tới chiếm chính quyền trong tay các tỉnh trưởng hay quận trưởng của một chính phủ mà ông Thủ Tướng là Trần Trọng Kim đã từ chức.

Ngày 20 tháng 8 tại Hà Nội, Việt Minh chiếm Đài Phát Thanh Vô Tuyến Điện ở Bạch Mai, cho phát thanh những tin tức liên quan tới cuộc Cách Mạng. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau -- tức là 22 tháng 8 -- tại Saigon, tổ chức Thanh Niên Tiền Phong trong đó tôi là một đoàn viên, tuyên bố gia nhập Mặt Trận Việt Minh ngay.

Ngày 23, qua luồng sóng 32 thước của Đài Phát Thanh Hà Nội, tôi nghe tin Chính Phủ Lâm Thời được thành lập với những cái tên lạ hoắc như Hồ Chí Minh và quen thuộc như Võ Nguyên Giáp, thầy học cũ của tôi.

Ngày 24, trong buổi lễ thoái vị tại Huế, vua Bảo Đại trao kiếm vàng và ấn ngọc cho đại diện của Chính Phủ Lâm Thời là Trần Huy Liệu và tuyên bố một câu bất hủ: "Thà làm dân một nước tự do còn hơn là vua một nước nô lệ".

Sau khi Thanh Niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập Mặt Trận Việt Minh, không chần chừ, tôi hăng hái xung phong vào đội Võ Trang Tuyên Truyền. Trong thành phố có truyền đơn của "Ủy ban Cứu Quốc" hô hào dân chúng đoàn kết để chống Pháp và Nhật. Cùng với các thanh niên khác, tôi được giao cho việc phát truyền đơn này ở khu vực Dakao. Ngoài ra tôi cũng nhận được lệnh đi vận động các văn nghệ sĩ như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Võ Đức Thu -- bây giờ được phong cho cái tên là "Văn Nghệ Sĩ Cứu Quốc" -- hăng hái tham dự vào vụ được gọi là "cướp chính quyền" vào ngày 25 tháng 8 tại Saigon. Đây là một cuộc mít tinh rất lớn trong đó có đầy đủ mọi thành phần dân chúng trong xã hội. Cuộc biểu tình này không phải làm công việc cướp quyền hành chánh hay cướp quyền quân sự gì cả, vì mọi sự coi như đã an bài sau những biến cố xẩy ra tại Hà Nội và Huế trong mấy ngày quạ Cuộc mít tinh chỉ có mục đích ủng hộ một ủy ban hành chánh lâm thời được thành lập tại Saigon với cái tên gọi tắt là "Lâm Ủy", do Trần Văn Giầu làm chủ tịch.

Sau đó, vào ngày mùng 2 tháng 9, cùng với một số anh em khác, chúng tôi lại làm một cuộc vận động lớn, kêu gọi mọi người trong thành phố Saigon-Chợ Lớn đi dự lễ Độc Lập. Chưa bao giờ tôi thấy người ta đổ xô ra đường một cách đông đảo như thế. Có tới hơn nửa triệu người, nghĩa là hầu hết dân số của thành phố này, bao gồm đầy đủ trẻ già lớn bé, không thiếu một thành phần xã hội nào cả, đứng chật ních trên đường nhựa, trên vỉa hè và trong công viên trong khu vực suốt từ cổng Dinh Norodom cho tới Sở Thú và lan ra những con đường chung quanh, dưới một rừng biểu ngữ có những khẩu hiệu được vẽ bằng chữ vàng trên nền vải đỏ. Đông đến độ có người ngất sỉu và phải chở đi bệnh viện cứu cấp. Cuộc biểu tình vĩ đại đang diễn ra trong vòng trật tự thì xẩy ra một cuộc bạo động mà nạn nhân là một số người Pháp -- hình như -- chót dại khiêu khích đám biểu tình vĩ đại này. Dù đầu hàng Đồng Minh rồi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về an ninh, Quân Đội Nhật Bản phải phái một toán Hiến Binh tới để vãn hồi trật tự.

Saigon có được gần một tháng sống trong cơn sốt vỡ dạ Đây cũng là lúc mà dân chúng của thành phố cùng với cả nước làm một việc mà tôi gọi là "mở cửa đi ra đường" cũng như về sau ta thấy hiện tượng cả nước "bỏ nhà lên đường đi Kháng chiến" vào cuối năm 1946. Tất cả mọi người kéo nhau ra phố, trao đổi với nhau những chuyện đồn đại về Cách Mạng. Dân chúng nghe được những tin tức từ Hà Nội đưa vào, toàn là những tin hứng khởi. Tin Hồ Chí Minh ra mắt dân chúng ở bãi Cột Cờ, tuyên bố Việt Nam độc lập, hô các lời thề chống Pháp: không làm việc, không đi lính, không tiếp tế cho Pháp. Thấy được ảnh ông Hồ mặc quần đùi đi giép Nhật ngồi cạnh Võ Nguyên Giáp mặc bộ đồ Tây nát nhầu. Nghe cả tin ở Hà Nội có tổ chức Tuần Lễ Vàng để có tiền mua súng đạn vân vân... Dân chúng càng nức lòng khi thấy chế độ hương chính được bãi bỏ, các Ủy Ban Nhân Dân ở mỗi xã được thành lập, chính quyền bây giờ thực sự Ở trong tay nhân dân, ai cũng hăng hái gia nhập tổ chức gọi là Dân Quân Giải Phóng hay Cứu Quốc. Saigon biến thành một thành phố quân sự với rất nhiều các toán người vác súng gỗ, chân đi không đều, miệng hô không ngưng nghỉ:

Một hai. Một hai.

Nào anh em ta

Cùng nhau xông pha... lên đường.

Kiếm nguồn tươi sáng

Một hai, Một hai...

Vui thiệt là vui!

Cuộc đời của tôi đang vui tươi trong không khí đang náo nức của những ngày đầu Cách Mạng như vậy thì vào ngày 12 tháng 9, tôi thấy có những chiếc máy bay lớn của Anh Cát Lợi bay tới vùng Tân Sơn Nhất và thả ra những toán quân nhẩy dù. Dân chúng ở trong nhà đổ xô ra ngoài phố để coi một biến cố mà người ta chỉ thấy ở trong phim chiếu bóng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt một cuộc nhẩy dù. Rồi tôi thấy những chuyến xe nhà binh chở lính nhẩy dù đó chạy qua mặt tôi. Những người lính của nước Anh Cát Lợi tới Saigon để giải giới Quân Đội Nhật Bản phần nhiều là lính "n Độ thuộc Anh. Lẫn lộn trong đám quân nhẩy dù này, có nhiều toán lính Pháp. Những lính Pháp này đem một lá cờ tam tài tới cắm lên nóc của Phủ Toàn Quyền cũ (tức là Dinh Norodom). Mặc dù lá cờ Pháp chỉ thấp thoáng tung bay tại đó trong có vài giờ đồng hồ mà thôi nhưng nó làm cho dân chúng Saigon náo động cả lên. Một cuộc bạo động nữa lại xẩy ra với sự lùng bắt, đánh đập và giết chóc những người mà dân chúng gọi là "Việt Gian", đa số là những người Pháp lai.

Vì thấy người Anh giúp cho lính Pháp trở lại Saigon, ngày 17 tháng 9, Ủy Ban Nam Bộ ra lênh tổng đình công để gây rắc rối cho Quân Đội Anh. Rồi tới những vụ giàn xếp không đi tới đâu giữa Việt Minh và tướng Anh Gracey, kết cục là vào ngày 22 tháng 9, tướng Gracey ra lệnh giới nghiêm. Trong đêm 23, lính Pháp theo chân lính Anh vào Việt Nam cùng với lính Pháp vừa được Nhật thả ra, tới chiếm đóng một vài công sở và bây giờ thì lá cờ tam tài đã được chính thức cắm lên trên nóc những công sở đó như để khiêu khích toàn thể dân chúng Saigon Chợ Lớn.

Sau khi thấy rõ việc viên tướng người Anh Cát Lợi là Gracey giúp cho Pháp trở lại Việt Nam, Ủy ban Nam Bộ ra lệnh tổng đình công. Tướng Gracey phản ứng bằng cách ra lệnh giới nghiêm rồi giúp cho lính Pháp tới chiếm một vài công sở tại Saigon. Vào ngày 24 tháng 9, Ủy Ban Nam Bộ cũng phản ứng lại một cách quyết liệt : điện nước trong thành phố bị cúp, phi cảng Tân Sơn Nhất bị tấn công, chợ Bến Thành bị đốt và thê thảm nhất là đã xẩy ra một vụ tấn công vào Cité Hérault ở Tân Định là nơi cư trú của Pháp Kiều với khoảng 200 người bị giết chết, 100 người bị bắt mang đi. Lúc đó tôi cư ngụ trong khu Tân Định nên tôi chứng kiến vụ thảm sát này từ đầu tới cuối. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy tận mắt con người giết con người. Tôi thấy những người xưa nay hiền lành như những người láng giềng của tôi kia, sao hôm nay họ lại có thể phanh thây uống máu quân thù một cách dễ dàng như vậy? Tôi thấy được một chân lý : chỉ cần thù hận được nuôi dưỡng cho thật nhiều là con người có đủ can đảm để giết con người không một chút thương sót. Và mối thù của người dân thuộc địa đối với thực dân Pháp thì vào nằm sâu ở trong đ áy lòng của người Việt Nam trong tám mươi năm rồi. Sau đó, tôi còn được thấy những người như Bửu Dương phụ trách Mật Vụ Ở Tân Bình khoe là đã mổ bụng và cho mò tôm những người mà họ nghi là Việt Gian.

Thời kỳ khủng bố ở nước ta khởi sự từ những ngày này.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 4

Này thanh niên ơi.
Đứng lên đáp lời sông núi...
(Lưu Hữu Phước)



Qua tới đầu tháng 10 năm 1945 thì tình hình càng ngày càng trở nên xấu xa giữa Ủy Ban Nam Bộ và Quân Đội Anh. Với sự đồng ý của Anh, tướng Leclerc cùng với viện binh Pháp tới Saigon vào ngày mùng 5 -- ngày sinh thứ 24 của tôi.

Ngày hôm sau, ngày mùng 6, các đoàn quân Leclerc đổ bộ tại Vũng Tầu. Ngày mùng 9, Quân Đội Pháp chiếm Tây Ninh. Ngày mùng 10, Ủy Ban Nhân Dân Nam Bộ kêu gọi dân chúng tản cư ra khỏi thành phố. Ngày 11 tháng 10, Tướng Gracey buộc chính quyền cách mạng phải rời khỏi Toà Đô Chính và Dinh Gia Long.

Ngày 12 tháng 10, Quân Anh và quân "n Độ thuộc Anh, có lính Pháp đi theo, tới đóng ở Gia Định. Vào lúc bình minh của ngày này, khi tôi vừa ngủ dậy và hé cửa nhìn ra đường thì thấy lính Pháp vác súng đứng đầy ở ngã tư Dakao và ở trên Cầu Bông. Thành phố hằng ngày có tiếng xe chạy ồn ào, tiếng guốc gõ vang trên hè phố và những tiếng rao hàng véo von như tiếng hát, bây giờ thành phố im lặng như tờ... Quân Đội Pháp đã làm chủ Saigon.

Tôi chia tay với Phạm Xuân Thái rồi lẳng lặng mở cửa ra đi, không mang theo bất cứ một hành lý nào cả, lội sông qua vùng Phú Nhuận. Tới đó tôi gia nhập nhóm dân quân và được phát cho cái gậy tầm vông để ra đứng gác ở phía cầu Kiệu. Dân chúng ở đây có vẻ nháo nhác, lo âu. Nhưng ai lo chuyện di tản thì cứ việc di tản. Ai ở trong tổ chức Dân Quân thì đều xuống đường hết.

Dân quân Phú Nhuận lúc bấy giờ là những ai? Là anh thầu khoán quần áo chỉnh tề, chân đi ghệt và đeo gươm Nhật Bản. Là cậu học sinh mặc quần đùi cầm súng bắn chim. Là anh thợ mộc có cửa hàng ở ngay dốc cầu Kiệu, tay cầm lựu đạn. Là chị phụ nữ cứu thương trước đây là cô đầu Phú Nhuận. Là dân nghèo ở trong ngõ hẻm tay cầm gậy tầm vông... Đám dân quân như thế này thì làm sao mà ngăn được sức tiến của lính Lê Dương? Cho nên khi xe tăng Pháp vượt qua cầu Kiệu thì chúng tôi lùi dần. Và tan hàng một cách dễ dàng.

Tôi chen chúc trong đ m người chạy loạn, ra tới Xóm Gà. Từ đó tôi chạy ra Gò Vấp. Tới lúc này thì không còn ai thấy Ủy Ban Nam Bộ Ở đâu cả. Nghe đâu các anh em trong khu vực Tân Bình của tôi đang họp ở Toà Bố thì quân Pháp tới, mạnh ai nấy chạy. Các lãnh tụ Thanh Niên Tiền Phong cũng biến luôn. Tôi mất liên lạc với tất cả những người đã cùng tôi hoạt động trong những ngày quạ Tôi lẳng lặng đi trong đám đông trên con đường quê chật chội người đi bộ và hàng trăm cỗ xe bò đủ kiểu trên đó chất đầy những đồ đạc của người di tản, từ cái chổi cùn tới cái giẻ rách. Khổ tâm hơn nữa là gặp phải hàng ngàn con dê do người "n Độ nuôi để bán sữa, bây giờ đang được ông chủ lùa đi trên con đường chạy loạn khiến cho sự giao thông bị kẹt cứng. Tới Gò Vấp, bước vào chợ để uống ly cà phê, tôi bỗng gặp một người mà tôi quen biết trong thời gian chúng tôi cùng nhau "cướp chính quyền" (!) ở Saigon. Đó là Phạm Thanh Liêm. Vào năm 89 này, anh ta đã trên 70 tuổi và đang sống ở Santa Ana, California. Lúc tôi gặp Phạm Thanh Liêm ở Gò Vấp thì anh ta đang là Phó Chủ Tịch Hành Chánh kiêm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Gia Định. Sau khi hỏi thăm tình trạng cá nhân của tôi, Phạm Thanh Liêm mời tôi vào làm việc với Ủy Ban Kháng Chiến. Lúc đó tôi cũng hết hăng hái rồi và bỗng nhiên tôi nhớ nhà vô kể. Thấy tôi từ chối và ngỏ ý muốn trở ra Hà Nội thì Phạm Thanh Liêm ký cho tôi một giấy chứng minh thư, chứng nhận tôi là ủy viên liên lạc của Ủy Ban Kháng Chiến Tỉnh Gia Định để tôi ra Bắc mà không bị phiền nhiễu ở dọc đường...

... Giã từ miền Nam nóng bỏng, trên đường ra phía Bắc, tôi đi qua những đồn điền cao su lúc này trở thành vô chủ vì người Pháp bỏ đồn điền ra đi ngay từ khi Cách Mạng nổi lên ở Saigon. Tại Biên Hoà, tôi gặp một cậu em có giọng hát khá hay, tên là Lưu văn Giáp. Cậu này thấy tôi ra Hà Nội thì đòi đi theo. Hai anh em tôi đi bộ ra tới gần Phan Rang thì có xe lửa. Chúng tôi không phải lội bộ nữa rồi. Hai anh em vào nhà ga mua vé đi Nha Trang. Suốt dọc đường trở ra miền Bắc, chúng tôi đều ghé lại các thành phố lớn. Đi tới đâu, tôi cũng thấy có sự đổi mới trong đời sống của nhân dân.

Nha Trang tuy chưa mất hết vẻ thơ mộng của một nơi nghỉ m t nhưng đường phố bây giờ đông người hơn dưới thời Pháp thuộc. Ngoài bãi biển, tại những nơi trước đây chỉ dành riêng cho Tây Đầm tắm, nay có đầy những gánh hàng rong bán đồ nhậu.

Tới Quảng Ngãi, tôi muốn gặp lại một người bạn nhạc sĩ tên là Trình. Hồi gánh hát của tôi ngừng lại tại đây vào năm1943, anh ta tặng tôi một bài tango rất hay với những câu ca mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ:

Đàn ai xa vắng?

Hồn ai khóc trong đêm trường.

Đường tơ ai buông?

Trong đêm rền khóc...

Nhưng nhạc sĩ Trình đã chết rồi. Cùng với cha mẹ và anh chị em, anh ta bị cán bộ Ở Quảng Ngãi thủ tiêu chỉ vì gia đình này thuộc thành phần quan lại. Lúc Cách Mạng mới nổi lên, có nhiều người đã bị giết tại nơi nổi tiếng là khát máu này. Ngoài những người ở địa phương ra còn có cả những người từ phương xa đi qua tỉnh này, ví dụ Tạ Thu Thâu, một chính trị gia hoạt động cho "đệ tứ quốc tế" (troskist), trong chuyến hành trình từ Saigon ra miền Bắc của ông.

Tại Tourane (Đà Nẵng) tôi là khách của Bác Sĩ Trần Đình Nam, người đã tham gia Chính Phủ Trần Trọng Kim. Bác sĩ là người rất am tường về Tuồng Cổ, tức là Hát Bộ. Tôi được nghe bác sĩ giảng cho nghe về cụ Đào Tấn và về sau, khi tôi thực hiện cho Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia dưới thời Ngô Đình Diệm một cuốn phim về Hát Bộ Bình Định, thì tôi liên tưởng tới bác sĩ Trần Đình Nam.

Tại Huế, không khí cách mạng rộn ràng hẳn lên với những cuộc biểu tình liên tiếp, nhưng ở trên dòng sông Hương vẫn còn những con đò đưa khách như thường. Các bạn nhạc sĩ của tôi như Văn Giảng, Ngô Ganh đang hoạt động rất tích cực trong các đoàn thể ở địa phương.

Tới bất cứ tỉnh nào chúng tôi cũng đều được mời tới tham dự những buổi sinh hoạt văn nghệ do thanh niên, sinh viên tổ chức. Lưu văn Giáp cùng tôi hát đôi bài Hòn Vọng Phu của Lê Thương là bài hát mới nhất lúc bấy giờ. Nhờ vụ hát đôi này, chúng tôi được mời ăn mời uống linh đình. Khoái chí quá, Lưu văn Giáp bèn đổi tên là Phạm Vinh, coi như là em của Phạm Duỵ Khi ra tới Hà Nội, tôi có nhiều lần tới ở trong gia đình người mẹ nuôi của Lưu Văn Giáp -- mà Giáp gọi là bầm -- để biết thêm lối sống của một gia đình tiểu thương ở trong thành phố, chuyên say gạo làm bột để bán cho gia đình có trẻ con vừa thôi sữa.

Thế là sau khi lãng đãng đặt chân ở khắp mọi nơi suốt dọc con đường từ Bắc vào Nam với một đoàn hát rong, bây giờ tôi lại được hối hả đi thêm một lần nữa trên "con đường cái quan". Lần đi trên con đường xuyên Việt này cũng chưa phải là lần đi cuối cùng. Trước khi vẽ ra vai trò của một lữ khách trong một bản trường ca nói về chiều dài của đất nước và của dân tộc, tôi còn đi qua đi lại trên con đường lịch sử này tối thiểu là năm lần nữa.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 5

Ta là gươm tráng sĩ thời xưa
Bên mình chàng hiên ngang một thưở...
(Gươm Tráng sĩ)



Sau một thời gian xa Hà Nội khá lâu, vào giữa mùa Thu năm 1945 tôi mới gặp lại thành đô, hiện giờ là một nơi bừng bừng không khí Cách Mạng. Trời Thu Hà Nội trong trí nhớ của tôi thường là Trời Thu của bà Tương Phố, ảm đạm một mầu, với :

Gió Thu hiu hắt thêm sầu lòng em

Trăng Thu bóng ngả bên thềm

Tình Thu ai để duyên em bẽ bàng.

Bây giờ, trong mùa Thu Cách Mạng, Hà Nội ngặp lụt trong mầu sắc của cờ đỏ sao vàng. Còn lâu lắm người ta mới có cái cảm giác ê chề của Trần Dần khi bước đi không thấy phố thấy nhà... chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ. Vào tháng 10 năm 1945 này, tôi chỉ thấy mầu đỏ làm đẹp thêm cho những đám rêu xanh trên nền gạch ngói.

Tôi có nhiều lý do để lạc quan. Trước hết, sau mấy năm xa Hà Nội để sống cuộc đời một hòn đá lăn không bị rêu bám, bây giờ tôi là một kẻ đãng tử đang trở lại chiếc nôi ấm cúng của mình. Tôi quen biết Hà Nội từ tấm bé, thuộc từng mái nhà, góc phố, chứng kiến mọi biến đổi của thành phố qua từng mùa. Mùa Xuân ẩm ướt như rửa sạch phố xá và lòng người. Mùa Hè có tiếng ve sầu ru tôi ngủ ngày. Mùa Thu -- Ôi mùa Thu -- tôi là con chim ra sân sưởi nắng hanh vàng. Mùa Đông lạnh căm, tôi là con sâu nằm yên trong tổ. Bất cứ một người Hà Nội nào khi đi xa và nhớ nhung thành đô yêu dấu thì cũng đều có thể thấy ở trong lòng một sự ảm đạm một mầu nhưng khi người đó trở về gặp lại Hồ Gươm thì sẽ không còn mang cái nhìn hay trí nhớ của bà Tương Phố nữa. Mầu đỏ của Cách Mạng quả có đem lại cho Hà Nội một màu sắc khác xưa, nhưng đối với tôi, nó không ngăn tôi tìm lại những vẻ thi vị xa xưa của đất Thăng Long cổ kính. Dường như nó còn làm cho tôi thêm hứng khởi nữa. Tôi có gần hai năm đi học vẽ ở trường Mỹ Thuật và mầu sắc cũng nhiều khi đập vào mắt tôi để bắt tim tôi đập nhanh hay đập chậm. Rất có thể vào những ngày Tết, mầu đỏ trên những câu đối dán ở cổng nhà hay ở trên tường làm cho Hà nội thêm phần rực rỡ. Bây giờ, trong ngày về của tôi, trời đang vào Thu mà tôi nghe ra cảnh Tết.

Khi tôi ra đi, Hà Nội còn nằm trong không khí lãng mạn. Bây giờ tôi gặp lại một Hà Nội thủ đô Cách Mạng. Khi trước, nhất là vào mùa Thu, thiên hạ thích ở trong nhà. Bây giờ ai cũng muốn ra đường. Tinh thần "xuống đường" đó sẽ được thể hiện trong một bài hát của Nguyễn Đình Thi, Bài Hát Của Người Hà Nội:

Hà Nội vui sao

Những cửa đầu ôv Đđây ô Chợ Dừa,

Kia ô Cầu Rền,

Làn áo xanh nâu

Hà Nội tươi thắm.

Sống vui phố hè

Bồi hồi chàng trai

Những đôi mắt nào...

Hoà mình vào bước chân rộn rã của mọi người, tôi lang thang cả ngày trên hè phố thân yêu. Sau ngày bị bắt ở Cà Mâu vào ngày Nhật đảo chính và tưởng mình là một "chính khách" (sic) tôi có vẻ hơi thích chính trị, nhưng bây giờ ra tới Hà Nội tôi không bị chính trị làm tôi loá mắt. Tôi lơ là với chính trị đến độ không đi bỏ phiếu vào ngày Tổng Tuyển Cử. Trái lại tôi rất chú ý tới giới làm văn học nghệ thuật và theo rõi sinh hoạt của giới này. Với một tầm vóc lớn hơn công tác mà tôi làm ở Saigon cách đây hai tháng, tôi thấy văn nghệ sĩ ở Hà Nội được huy động để gia nhập một cách đông đảo vào những tổ chức cũng vẫn được gọi là "Văn Nghệ Sĩ Cứu Quốc". Từ trước tới nay, tuy có khá nhiều nhóm văn hoá như Tự Lực Văn Đoàn, Hàn Thuyên, Tân Dân, Tri Tân, Thanh Nghi... nhưng các văn nghệ sĩ trong từng nhóm chỉ hay sinh hoạt với nhau thôi. Đời sống của văn nghệ sĩ tuy không dám nói là trụy lạc nhưng đại đa số các nhà văn đều hút thuốc phiện. Ngôi thứ trong làng văn nghệ cũng rõ rệt. Trong ngành khác thì tôi không biết ra sao chứ trong ngành nhạc thì có các tay chơi nhạc classique rồi tỏ vẻ khinh bỉ những người không học nhạc cổ điển, tôi đã có lần gọi họ là "nhạc phiệt". Trong xã hội Việt Nam trước đây, nhà văn, nhà thơ có thể không bị nguyền rủa, nhưng người đi hát vẫn còn bị gán cho danh từ "xướng ca vô loài". Bây giờ Cách Mạng đã tới. Chúng tôi được nghe những lời rất ngon ngọt như: Nghệ sĩ là kiến trúc sư của linh hồn và được kể cho biết những giai thoại như : Khi quân lính của Hít-Le qua xâm chiếm Nga Sô Viết, nhà văn Ilya Erhinbourg được đánh giá như một sư đoàn thiện chiến...

Nghe hấp dẫn quá nhỉ.

Gặp lại những thằng bạn cũ, ngày trước chỉ biết sống rất nhàn hạ (oisif), đàn ca tối ngày -- chúng tôi thường gọi đùa nhau là oisiteau de luxe -- bây giờ tôi thấy chúng nó có vẻ bận bịu và đi đứng ăn nói rất là quan trọng. Chúng tôi không đả động tới chuyện gái nữa, chỉ thích nói chuyện với nhau về vũ khí như súng Pạc khoọc của Tầu, súng Colt của ME°ỹ, súng Sten của Anh... Cứ như là những nhà quân sự chuyên nghiệp.

Nguyễn Xuân Khoát xưa kia tôi thường đứng trên hè nhà hàng Taverne Royale ở trước mặt Hồ Gươm để nghe anh đánh đàn giải trí cho người Pháp, bây giờ được tôn vinh là người anh cả của làng âm nhạc. Ngày đầu tiên được đứng gần anh, tôi thấy anh có dáng dấp của tài tử phim hài hước Stan Laurel, thường đóng vai ngờ nghệch bên anh hề mập mạp Oliver Hardỵ Anh Khoát rất vui tính, còn có vẻ hơi nghịch ngợm là khác, anh đặt tên cho các con toàn bằng tên các dấu nhạc như "Pha" hay "Son". Ngày xưa tôi đã ngả nón trước việc anh ghi lại bằng nốt nhạc những bản Hát Chèo đăng trên báo Ngày Naỵ Bây giờ tôi lại khâm phục thêm khi thấy anh phổ nhạc những câu ca dao cổ như Con Voi, Con Mèo Mà Trèo Cây Cau... thành những bài hát có điệu bộ, nghe rất ngộ nghĩnh. Tôi còn nhớ lúc đó tôi được hân hạnh cắp cặp cho anh đi về bãi Phúc Xá -- là nơi anh ở -- để trao đổi ý kiến về việc bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền. Tôi mải mê nghe anh nói chuyện và mớ tài liệu của anh rớt xuống đường từ lúc nào tôi cũng không hay.

Văn Cao đã bỏ Hải Phòng lên sống tại Hà Nội rồi. Xa nhau đã lâu, bây giờ tôi thấy nó không còn nhút nhát như những ngày kết bạn với tôi ở thành phố hải cảng vào năm 1943. Hồi đó nó vừa mới bị mất việc ở Nha Thương Cảng chỉ vì không chịu được cái hống h ch của xếp Tây và đang sống với người anh ruột ở một nhà máy bơm nước. Tôi tới chơi với nó mà hai thằng không nói chuyện gì với nhau được cả vì tiếng bơm nước quá ồn ào, phải kéo nhau ra ngồi trên ghế đá công viên. Lúc đó, nó nổi danh vì những bản nhạc thanh niên và hướng đạo nhưng nếu có ai hỏi nó có phải là nhạc sĩ Văn Cao hay không thì không hiểu vì sao nó cứ trả lời là không. Bây giờ thì khác, nó tự tin, nó hoạt bát... nó trở thành một thứ anh hùng sau khi đi theo Cách Mạng và được thu dụng vào ban m sát của Việt Minh để -- hình như -- bắn chết một tên tay sai của Nhật là Đỗ Đức Phin. Còn được Việt Minh nhờ soạn ra cho Mặt Trận một bài hát tuyên truyền là bài Tiến Quân Cạ Tại Hà Nội, nó ở chung với một cán bộ Việt Minh tên là Vũ Qúy trên một căn gác ở Khâm Thiên. Ở đây nó viết bài thơ Chiếc Xe Xác Trên Phường Dạ Lạc khi xẩy ra nạn đói đầu năm "t Dậu. Ngoài mấy bài Buồn Tàn Thu, Cung Đàn Xưa... mà tôi đem đi hát trong mấy năm trời trên sân khấu Đức Huy-Charlot Miều và bài Tiến Quân Ca mà tôi mới biết gần đây, bây giờ gặp lại Văn Cao, tôi được biết thêm hai bài mới của nó là Thiên Thai và Trương Chị Văn Cao thật là một con người tài hoa. Nhạc tình của nó hay, nhạc hùng của nó cũng hay không kém. Nó còn tung ra những bản nhạc hùng khác như Chiến Sĩ Việt Nam, Không Quân Việt Nam, Công Nhân Việt Nam... và khi nó soạn thêm bài Chiến Sĩ Hải Quân thì tôi được hân hạnh đóng góp vào bài này. Cũng như vào hai bài hát lãng mạn khác là Suối Mơ và Bến Xuân, bài thứ hai này lại vì "lý do cách mạng" mà được sửa đổi thành Đàn Chim Việt. Cũng nên biết rằng những bài hát đầu tiên của Văn Cao, về phần lời ca, còn có thêm sự phụ giúp rất hữu hiệu của một thằng bạn khác là Đỗ Hữu I³ch. Thằng này có cô em gái rất đẹp tên là Yến mà tôi rất mê.

Trước đây, tại Hà Nội, tôi là một con số không to tướng, nhưng sau mấy năm đi theo gánh hát và là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên Đài Radio-Indochine ở Saigon, bây giờ tôi nổi tiếng, các nhạc sĩ ở Hà Thành "chịu chơi" với tôi rồi. Nguyễn Đình Phúc ở Phố Hàng Than, vừa là tay kéo violoncelle vừa là hoa. sĩ vẽ tranh phố xá không thua gì Bùi Xuân Phái, là người tôi tới chơi hằng ngày. Bài Lời Du Tử của anh do tôi hát lần đầu tiên tại một phòng trà và vì tôi ưa nói tục nên tôi thường gọi đùa là Lời Du Tử, Cung Đàn Huyền Diệu khiến cho tác giả tức lắm. Tôi còn được gặp những nhạc sĩ đã tạo ra nền Tân Nhạc như Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Chung, Lê Yên để tỏ lòng ngưỡng mô...

... Một ngày lạnh và rất nên thơ, cùng với Văn Cao, tôi được kéo đi tham dự Đại Hội Văn Hoá được tổ chức tại trường Cao Đẳng, có Chủ Tịch Hồ Chí Minh tới đọc diễn văn khai mạc. Bây giờ thì tôi biết ông ta là Nguyễn A³i Quốc. Lần đầu tiên tôi gặp một người tự đặt cho mình cái biệt danh là "yêu nước" và cái tên đó đã từng đi vào huyền thoại của những đứa bé sinh ra và lớn lên dưới chế độ thực dân như tôi. Gần đây, sự thành công của cuộc Cách Mạng do ông lãnh đạo cũng như những hành tung bí mật và sự thay tên đổi họ của ông làm cho ông trở thành một nhân vật rất huyền hoặc đối với tôi. Lúc còn bé, khi đọc truyện Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, tôi cứ hình dung ra ông Nguyễn Hải Thần hay ông Nguyễn A³i Quốc là nhân vật Hải Vân ở trong truyện. Bây giờ nhân vật đó đứng trước mặt tôi, với đôi mắt như thôi miên người nhìn, với tiếng nói dễ làm siêu lòng người nghe, với cử chỉ rất thân mật của một người cha, bởi vì tôi sinh ra là đứa trẻ mồ côi bố cho nên bây giờ nhìn ông, xin thú thật là tôi rất cảm động. Rơm rớm nước mắt.

Trong buổi lễ khai mạc này, tôi cũng rất sung sướng được nhìn thấy những thần tượng văn nghệ của tôi. Nhưng tôi lấy làm lạ, tự hỏi thầm tại sao nhóm Tự Lực Văn Đoàn lại vắng mặt? Cách Mạng do Việt Minh khởi xướng được toàn dân ủng hộ rồi mà. Tại sao trong văn nghệ sĩ lại có sự chia rẽ? Tôi còn được thấy, ngay trong buổi lễ này, sự chống đối của một người sau này sẽ trở thành bạn thân của tôi là nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh.

ông Chủ Tịch Nhà Nước đọc diễn văn xong thì ra về và văn nghệ sĩ bắt đầu khai hội. Tôi và Văn Cao, lúc đó mới chỉ là "nhãi ranh văn nghệ" dù cả hai thằng đều có thành tích trong ngành của mình, được xếp ngồi tít ở hàng ghế cao nhất trong giảng đường. Cả hai thằng mầm non văn nghệ này cũng chẳng chú trọng gì đến diễn trình của cuộc khai hội và tới những người vừa được bầu làm nhân viên của Ban Chấp Hành như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận... Nhưng tới khi một thi sĩ đóng vai trò "cán bộ văn nghệ" là Xuân Diệu đứng lên nói về một vấn đề gì đó và khởi đầu bằng câu:

-- Thưa các đồng chí...

... thì tôi thấy một người gầy gò có cái cổ rất cao đang ngồi ở những hàng ghế đầu bỗng đứng phắt lên :

-- Tôi không phải là đồng chí của các anh.

Người đó là Nguyễn Đức Quỳnh. Xuân Diệu chỉ có vẻ hơi lúng túng một chút rồi nhà thơ này gay gắt trả lời:

-- Chúng tôi không cần những đồng chí như anh.

Tôi không nhớ là sau đó Nguyễn Đức Quỳnh có bỏ Đại Hội ra về hay không nhưng ngay từ lúc những huyền thoại về Cách Mạng, về Mặt Trận Việt Minh hãy còn xanh mướt, trong buổi họp văn ho đầu tiên này, Thái độ sát phạt giữa người ở trong và ở ngoài Mặt Trận làm cho tôi suy nghĩ. Lúc đó, tôi chưa hiểu được mối thù không đội trời chung giữa những người đi theo "đệ tam quốc tế" (bolchevik) và những người đi theo "đệ tứ quốc tế" (trostkist).

Sau khi chứng kiến một sự bất hoà xẩy ra ở Đại Hội Văn Hoá như vậy, tôi còn thấy thêm một bộ mặt khác nữa của chia rẽ là sự tranh chấp giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đồng Minh Hội. Tôi thường tới Khu Quan Thánh để đọc tờ báo Thiết Thực do Khái Hưng làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và để nghe những bài diễn thuyết nẩy lửa của nhóm chống đối. Tôi còn được nghe những câu hát của bài Tiến Quân Ca được nhóm chống đối sửa đổi:

Đoàn Quân Việt Minh đi

Chung lòng bán nước...

Trước đây, bài hát này cũng đã được dân chúng sửa lời để chế diễu đoàn quân Trung Hoa khi qua Việt Nam để tước khí giới Quân Đội Nhật Bản:

Đoàn Quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế?

Bước chân phù lê trên đường gập gềnh xa.

Dần dà, tôi chứng kiến thêm những mâu thuẫn giữa các đảng phái nhưng tôi không còn lấy làm lạ nữa. Tôi thấy được sự tranh chấp ôn hoà (hay mánh khoé?) giữa Việt Minh và các đảng phái khác như việc ông Hồ mời các lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội tham gia Chính Phủ và Quốc Hội. Tôi cũng thấy được sự tranh chấp bạo động như vụ bắt cóc rồi giết nhau ở phố ôn Như Hầu hay là vụ Việt Minh tiêu diệt các đảng phái ở các tỉnh. Tôi có bạn bè ở cả hai bên đối nghịch nhau. Đã có lần tôi che chở cho một thằng bạn đi theo Quốc Dân Đảng tới trốn ở nhà tôi trong khi nó đang bị Việt Minh ruồng bắt. Nhưng bây giờ tôi hiểu được những gì mà nhà văn Jean Paul Sartre sẽ viết ra trong cuốn Les Mains Sales. Làm chính trị là phải "bẩn tay". Ngụ ngôn La Fontaine đã nói: la raison du plus fort est toujours la meilleurẹ Tục ngữ ta còn có câu: được làm vua, thua làm giặc. Tôi chán chính trị là thế.

Tôi cũng nhìn thấy rõ trong ván bài tranh đua nắm chính quyền này, phe nào thắng phe nào rồi. Trước đây, trong thời gian 5 tháng ở Saigon sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trên chính trường Việt Nam, tôi thấy những người nằm trong các đoàn thể quốc gia như Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt... dự định bắt Trần Văn Giầu và nhóm Việt Minh nhưng nhà cách mạng lão thành là Dương Văn Giáo không đồng ý vì muốn giữ tình đoàn kết. Sau ngày 2 tháng 9, 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, thấy nguy cho tính mạng, Dương Văn Giáo bỏ Saigon định chạy qua Thái Lan thì bị giết chết ở dọc đường. Còn bây giờ, tại Hà Nội, trong cuộc tranh đua giữa Việt Minh và các đoàn thể quốc gia, người dân chỉ cần nhìn vào những sự việc rất bề ngoài như đem ông Nguyễn Hải Thần ra so sánh với Hồ Chí Minh, thì thấy một người đã quên tiếng Việt và nghiện thuốc phiện, một người tỏ ra muốn thay đổi lối viết quốc ngữ (dùng chữ Z thay chữ D, chữ K thay chữ C) và đóng rất giỏi vai trò một ông già ái quốc. Nếu đi sâu vào bề trong và biết được những mưu mô của Việt Minh trong việc vờ giải tán Đảng Cộng Sản, đẩy Việt Quốc vào việc ký kết với Pháp vân vân... thì lại càng thấy ai sẽ thắng ai sẽ bại ngay.

Nhưng biết là biết vậy mà thôi, vì trò chính trị lọc lừa và đổ máu, đó là trò chơi của người khác, tôi thích làm văn nghệ hơn là làm chính trị. Ngay từ lúc này cho tới mãi mãi về sau, tôi quyết tâm là không bao giờ tham dự vào các cuộc chơi đó cả.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 6

Thiên Thai
Chúng em xin dâng chàng
Hai "trái đào thơm"...
(nhại Văn Cao)



Lúc đó, tôi rất nhớ sân khấu. May thay ở Hà Nội đang có phong trào đi nghe nhạc ở phòng trà. Những phòng trà đầu tiên của thời đại là: Quán Nghệ Sĩ ở đường Bờ Hồ, do tay violonist số một là Nguyễn Văn Giệp điều khiển. Có nam ca sĩ Mai Khanh thường tới hát bài Bên Hồ Liễu. Nữ ca sĩ Bùi Thị Thái, người vợ tương lai của ông Quản Liên, Trưởng ban Quân Nhạc Lính Khố Xanh thì chuyên hát bài Con Chim Lạc Bạn. Thỉnh thoảng có Dương Thiệu Tước tới đánh guitare hawaienne và có Thẩm Oánh tới để làm xướng ngôn viên.

Ở phố Hàng Bông, có Phòng Trà Thăng Long với các nhạc sĩ Đỗ Thế Phiệt, Nguyễn Khắc Cung, Lương Ngọc Châu, Vũ Anh Thường. Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo. Trong đám nam ca sĩ lúc đó, tôi cho rằng Kim Tiêu là người hát hay nhất. Trong khi tôi còn vác bài Buồn Tàn Thu đi lưu diễn ở trong Nam thì ở Hà Nội, chính nhờ ở giọng hát của Kim Tiêu mà những bài Thiên Thai, Trương Chi của Văn Cao được nổi tiếng.

Một thằng bạn của tôi tên là Đặng Trần Vận mở ra ở phố Hàng Gai một phòng trà lấy tên là "Thiên Thai", cái tên được đặt ra như vậy là vì tất cả dân chúng lúc đó đang ở trong tầm ảnh hưởng của bài hát rất trữ tình của Văn Cao. Đây là nơi tôi được các nhạc sĩ Trần Quang Trường được đặt tên là "Schubert giả", Đỗ Lệnh Tâm được gọi là Tâm "Xì" vì da đen như củ súng, và em là Đỗ Lệnh Kiên... đệm đàn cho tôi hát. Cũng tại phòng trà này, tôi lăng xê giọng hát phái nữ hay nhất của lúc đó là Thương Huyền. Nàng là người tình chớp nhoáng mới đây của tôi. Tên thật của Nàng là Thường. Tôi đặt tên cho Nàng một cách rất giản dị, theo lối đánh vần "thương huyền thường". Tôi dạy cho Thương Huyền hát bài Trào Lòng, một bài ca nhờ ở giọng hát trong trẻo của cô ca sĩ rất đa tình này mà trở thành nổi tiếng. Thương Huyền có nụ cười và hàm răng như hoa nở. Tính tình thuộc loại bạt mạng, bất cần đời. Trong buổi tiếp tân các văn nghệ sĩ tham dự Đại Hội Văn Hoá tổ chức tại nhà của hoa. sĩ Phạm Văn Đôn trên đường Halais, ở dưới nhà, trong "không khí cách mạng", người ta ngâm thơ và ca hát, ở trên lầu, bất cần mọi người, tôi và Thương Huyền yêu nhau thắm thiết. Về sau chúng tôi còn gặp lại nhau nhiều lần trong kháng chiến.

Đồng thời, tôi cũng có một cuộc sống tạm bợ với một người tình khác đang làm nghề vũ nữ ở nhà hàng khiêu vũ Tabarin tên là Định. Hà Nội lúc đó có hai vũ nữ đẹp là Định và Thơm. Cả hai đều mê nhạc sĩ. Nàng Định ở với tôi còn nàng Thơm, lai Pháp thì lấy Đỗ Thiều, nhạc sĩ chuyên về clarinettẹ Vũ nữ Định đẹp một cách lộng lẫy, trông như con gái nhà lành. Hơn thế nữa, trông như con nhà quyền quý. Cô vũ nữ có đôi bàn tay rất mọng này lại là con người có tính đồng bóng. Vừa mới ngủ với người tình trong đêm, sáng ra lại trợn mắt hỏi : "Anh là ai?" Tôi soạn cho cô vũ nữ tàng tàng này một bài hát lấy tên là Tình Kỹ Nữ:

Đêm nay đôi người khách giang hồ

Gặp nhau tình trăng nước...

Cũng vì đêm đêm tôi phải đưa đón nàng "kỵ nữ" (người Hà Nội gọi vũ nữ dancing là cavalière) cho nên tôi soạn ra một bài ca xã hội đầu tiên của thời đại là bài Tiếng Bước Trên Đường Khuya trong đó tôi mô tả những người sống về đêm và có một đoạn "nhạc không lời" nhái lại tiếng kêu đường của người hành khất:

Con lạy ông con lạy bà làm ơn cứu giúp.

Con lạy ông con lạy bà cứu vớt thân con.

Khốn nạn thân con.

Khốn nạn thân con.

. . . . . . . ..

Mỗi lần nghe lại bài này, tôi nhớ Hà Nội ban đêm vô kể. Nàng vũ nữ Định sau này không có một tương lai êm đềm hay sáng lạn như tôi tưởng. Nàng chết trong cảnh nghèo nàn tại một thành phố rất hoa lệ là Saigon vào thời thịnh nhất của nền Cộng Hoà thứ nhất, tức là vào năm 1960. Chết vì bệnh ho lao.

Trong chuyến trở ra Bắc này, ngoại trừ khi phải chứng kiến cuộc tranh chấp giữa các đảng phái, tôi chỉ thấy vui và vui. Vui vì thấy giới văn nghệ sĩ bắt đầu được trọng vọng. Vui vì gặp lại thành đô yêu dấu, gặp lại bạn cũ. Vui vì có những người tình mới mẻ. Nhưng vui nhất là gặp mẹ. Bây giờ mẹ tôi không còn ở với anh Nhượng đang làm nghề thầy giáo ở Thái Nguyên nữa và về ở với anh Khiêm và người chị lớn của tôi, lấy chồng là Tham Tá Đinh Mạnh Triết, ở đường Carreau Hà Nội. Dù tôi rất xung khắc với anh ruột và anh rể -- đã từng là nguyên nhân để tôi bỏ nhà ra đi từ năm tôi 17 tuổi -- nhưng vì tôi muốn ở gần mẹ cho nên tôi cũng vui vẻ đến ở chung với hai ông anh, lúc này bớt kiêu ngạo vì bị Cách Mạng lật nhào xuống rồi. Tôi rất mừng khi thấy mẹ tôi còn mạnh khoẻ và không còn phải lo lắng cho tôi nữa. Lúc đó tôi nổi danh rồi, đi hát ra tiền rồi, không còn bị mang tiếng là "xướng ca vô loài" nữa. Nhưng mãi tới bây giờ tôi mới được biết rằng người chị dâu của tôi, vợ của anh Nhượng đã chết vì bệnh thương hàn khi chị ấy còn rất trẻ. Chị ấy chết trong lúc tôi đang sống loanh quanh ở miền Nam và cũng chẳng có ai trong gia đình biết tôi ở đâu để mà báo tin buồn. Trước khi lấy anh tôi, người con gái Hưng Yên có một vẻ đẹp rất thùy mị tên là Sâm này cũng quen biết tôi và cũng có vài ba lần nhận được ở tôi dăm ba lá thư tình cho tới khi nàng về làm dâu của gia đình thì tôi chấm dứt mơ mộng.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 7

Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ...
(Chinh Phụ Ca)



Trong một Hà Nội rất vui vì những sinh hoạt văn nghệ do chính quyền chủ trương hay do tư nhân đảm trách như vậy thì tình hình chính trị Ở trong nước thay đổi.

Qua tới năm 1946 tình hình có vẻ gay go hơn lúc Cách Mạng mới thành công. Từ Saigon, Pháp mở rộng được vùng chúng chiếm đóng. Ông Hồ Chí Minh gửi Nguyễn Bình vào Nam để chỉ huy cuộc chiến tranh du kích lúc đó được gọi là "Kháng Chiến Nam Bộ". Tướng Leclerc cho tầu chiến chở đầy quân lính ra đậu ở Vịnh Bắc Việt với sự đe doa. đổ bộ vào miền Bắc để thay thế Quân Đội Tưởng Giới Thạch đã làm xong nhiệm vụ tước khí giới Nhật Bản và đang từ từ rút quân về Tầu. Để tránh một cuộc chiến tranh trên toàn quốc, ngày mùng 6 tháng 3 năm đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bằng lòng ký với Pháp một Hiệp Định Sơ Bộ. Lính Pháp kéo vào miền Bắc, đóng quân ở một số tỉnh lỵ. Rồi Pháp và Việt Nam còn mở ra những Hội Nghị Ở Dalat (tháng 4 và tháng 5, 45) và Hội Nghị Fontainebleau tháng 7 và tháng 9, 45) để cố tìm ra giải pháp hoà bình.

Sống trong một Hà Nội bị nung nấu bởi thời cuộc như vậy, tôi vẫn nhớ tôi là người có vinh dự hiện diện ở miền Nam khi tiếng súng Nam bộ đầu tiên nổ lên để chống lại cuộc tái xâm lăng của quân viễn chinh Pháp.

Dù khi đó tôi chỉ là một anh dân quân cầm gậy tầm vông đứng gác ở Cầu Kiệu hay một anh du kích vô danh ở Gò Vấp sau đó, chạy giặc nhiều hơn là đánh giặc. Tuy xa miền Nam, tôi vẫn luôn luôn theo rõi tình hình ở trong đó. Tôi rất thù ghét những kẻ theo Tây để lập ra Nam Kỳ Quốc như Nguyễn Văn Thinh chẳng hạn. Ngứa mắt vì sự có mặt của lính Pháp ở trên đường phố Hà Nội, tôi còn cho rằng nhóm chống đối kết tội Việt Minh "bán nước" là đúng. Tôi bực mình khi thấy những lính Pháp mà mình đã chống lại họ cách đây không lâu bây giờ lại được Chính Phủ cho đóng quân ở đây, có biết đâu rằng làm chính trị là phải gian manh, Việt Minh hoà hoãn với Pháp để rảnh tay tiêu diệt các đảng đối lập.

Rồi ngẫu nhiên tôi gặp lại Phạm Thanh Liêm, chủ tịch U±y Ban Kháng Chiến Gia Định, người đã ký cho tôi cái chứng minh thư để tôi ra Bắc. Phạm Thanh Liêm từ một chiến khu ở miền Nam trở ra Hà Nội để báo cáo tình hình Nam Bộ với Trung Ương. Gặp tôi, sau những chuyện hàn huyên thông thường, anh nói:

-- Cậu thích "zô" lại trong Nam để kháng chiến không?

-- Zô thì zô.

Tôi nhận lời ngay vì hai lý do: một là tôi sốt ruột vì cái tình hình ở đây chẳng ra ngô ra khoai gì cả; hai là tôi coi như mắc nợ với Phạm Thanh Liêm khi cầm trong tay cái chứng minh thư công nhận mình là U±y Viên liên lạc và bây giờ thì tôi cần phải trả cái nợ này.

Khi Phạm Thanh Liêm ra Bắc thì được Trung Ương mời giữ chức Giám Đốc Trường Quân Chính ở Bạch Mai. Nhưng anh ta không nhận và chỉ muốn xin thêm cán bộ để tiếp tục trở vào Nam chiến đấu. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đồng ý và cho anh ấy toàn quyền chọn người vào học một lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tôi là người đầu tiên mà Phạm Thanh Liêm chọn để vào học trong lớp này. Trại học là Trại Lính Khố Xanh cũ. Trại trưởng là Thiếu Tá Lê Hiến Mai -- mà chúng tôi sẽ gọi là Lê Mái Hiên vì hàm răng rất vẩu của ông -- có giảng viên như Lý Ban, người của Đảng Cộng Sản Tầu được cử qua giúp Việt Minh và tới dạy chúng tôi về quân sự. Các giảng viên khác như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giầu, Dương Đức Hiền thì tới dạy về chính trị. Tôi còn nhớ Dương Đức Hiền nói nhiều đến nỗi xùi cả bọt mép. Thầy Võ Nguyên Giáp thì vẫn nói rất hay giống như khi thầy dạy tôi về môn Sử- Địa ở trường Thăng Long trước đây. Sau một tháng huấn luyện, mỗi đứa trong chúng tôi được phát một bộ quần áo cán bộ với một chiếc mũ ca-lô có đính huy hiệu sao vàng. Lúc đó chưa có nón cối và dép râu.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 8

Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến...
(Xuất Quân)



Vào mùa Xuân 1946, một chuyến xe lửa xuyên Việt đưa 13 anh thanh niên Hà Nội đi làm người hùng của thời đại. Đó là An Ngọc Phi, Nguyễn Huy Thọ, Kiểm, Thiệp, Chất, Công... và những người mà tôi đã quên tên.

Chỉ mấy tháng sau đó, trong toán người được gọi là "Đoàn Cán Bộ 13" này, chỉ còn vài mạng sống sót. Bây giờ tôi còn nhớ được mặt Thọ, cậu cán bộ Việt Minh có nét mặt như con gái và có giọng hát hay, đó là nhờ Phạm Thanh Liêm có bức ảnh của anh tạ Về sau Thọ làm Tham Mưu Trưởng cho một Khu Trưởng ở Nam Bộ rồi chết vì bệnh lao. Nguyễn Thúc Công, một hoa. sĩ hiền lành là một đồng chí luôn luôn ở gần tôi trong những công tác thông tin và tiếp vận. Trong đoàn còn có một anh cán bộ tên là Chất về sau làm nghề chụp ảnh dạo ở trên đường Catinat, sau bao nhiêu năm tháng trôi qua, sau bao nhiêu biến thiên lịch sử, mỗi lần gặp tôi lại như là muốn khóc.

Thế nhưng vào lúc khởi hành của cuộc Nam Tiến này, chúng tôi vui lắm. Trên tầu hoả, được đồng bào đi cùng chuyến tầu rất quý mến và tiếp tế đồ ăn lu bù, chúng tôi hát vang những bài như Chiến Sĩ Hải Quân, bài hát được soạn ra khi Quân Đội Việt Nam chưa có một cái ca nô hay một chiếc thuyền buồm nào cả. Hay hát bài Không Quân Việt Nam nhưng rồi sẽ phải đi bộ dài dài sau khi tầu hoa? ì ạch tới được nhà ga cuối cùng là Nha Trang. Thật là lãng mạn. Tôi cũng nổi hứng soạn ngay khi còn đang ngồi trên chuyến xe lửa này một hành khúc là bài Xuất Quân:

Ngày bao hùng binh tiến lên

Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến

Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành...

Về sau, mỗi lần hát hay nghe lại bài này, tôi đều thấy những người bạn trong đoàn cán bộ 13 này hiện hồn ra trước mắt tôi...

... Vào tới quá Nha Trang, chúng tôi phải xuống tầu để đi bộ vì đường xe lửa bị phá hủy. Suốt dọc dường từ đó vào tới chiến khu Nam Bộ, chúng tôi đi qua những xóm dừa đã trở thành điêu tàn không phải vì quân Pháp tới đánh phá mà vì dân chúng tuân theo triệt để chính sách "tiêu thổ kháng chiến". Trước đây, khi đi theo gánh hát, tôi chỉ nhìn thấy khía cạnh no ấm và vui chơi của dân chúng miền Nam. Bây giờ, lòng tôi se lại khi thấy cảnh vườn hoang nhà nát và cảnh nghèo đói của dân quê ở nơi miền Nam đã khởi sự có khói lửa rồi. Chúng tôi phải sống tự túc vì đồng bào ở đây nghèo quá, không có thể tiếp tế gạo cho cán bộ được nữa. Nhiều ngày tôi chỉ ăn toàn đu đủ, khi đi đại tiện thấy phân vàng khè, sợ quá. Có lần anh em bắt được một con chó và đem luộc để ăn. Tôi thà nhịn đói...

Tôi được gửi về chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu dưới quyền chỉ huy của Trịnh Ngọc Hiền, nguyên Tư Lệnh "Thân Binh", một bộ phận quân sự trước đây lo việc bảo vệ Nam Bộ Phủ. Sau khi Saigon bị Pháp chiếm, Trịnh Ngọc Hiền đem quân ra lập chiến khu ở miền Đông Nam Bộ này. Bộ chỉ huy được đặt ở vùng Đất Đỏ. Tôi được giao phó nhiệm vụ thông tin, liên lạc và tiếp vận, trực thuộc Đại úy (tự phong) Nguyễn Ngọc Kỳ. Lực lượng kháng chiến tại khu Miền Đông Nam Bộ lúc đó còn mang tên là "Chi Đội Giải Phóng Quân", gồm một số người đi lính cho Pháp trước đây -- gọi là lính "thủ hộ" -- phần nhiều đã hơi có tuổi và có gia đình rồi. Cựu công chức như kỹ sư Công Chánh, phó giám đốc Bệnh Viện, giáo viên trường Tiểu Học... cũng tham gia vào tổ chức giải phóng quân này. Thương gia giầu có cũng bỏ Saigon để đi ra chiến khụ Đông đảo nhất là sinh viên, học sinh, con cháu anh em của những hạng người vừa kể. Nói tóm lại là đủ mọi tầng lớp giai cấp trong xã hội. Đặc biệt là có một sĩ quan Nhật Bản, từ một trại tù binh ở Vũng Tầu, bỏ trốn qua vùng kháng chiến, gia nhập Chi Đội Giải Phóng Quân và là người độc nhất biỦêt sử dụng khẩu súng liên thanh duy nhất của chi đội.

Ban Tham Mưu của Chi đội trước hết đóng ở thị xã Bà Rịa. Bị Pháp tấn công và chiếm tỉnh lỵ là rời đi Long Điền. Bị Pháp tới đánh nữa là lùi qua Đất Đỏ. Cuối cùng, khi Pháp đã chiếm hoàn toàn thị xã Bà Rịa và những đường giao thông chính ở chung quanh thành phố thì ban chỉ huy rời đi Xuyên Mộc. Khi còn ở tại một quận lỵ hay ở trong một làng nào đó thì có nơi ăn chốn ngủ là nhà đồng bào, nhưng khi ra tới Xuyên Mộc, tất cả mọi người phải sống ở ngoài trời, ăn ngủ ở ngay trong rừng. Lính giải phóng quân được phân tán đi đóng ở các nơi được gọi là "các điểm chiến lược" của tỉnh Bà Rịa này. Dù lúc đó Pháp tổ chức được tại những nơi chiếm đóng một số người làm tai mắt cho họ gọi là ban "hội tề" nhưng các ban hội tề này không hoàn toàn theo Pháp, chúng tôi vẫn có thể vào vùng Pháp chiếm để mua gạo, thực phẩm đem lên chiến khụ Gọi là chiến khu nhưng thực sự cả ban Tham Mưu cũng như các tổ binh lính đều luôn luôn di động, không bao giờ ở một nơi nào nhất định cả. Trừ thời gian bị truy nã riết quá, ban Tham Mưu phải leo lên đóng ở trên núi Mây Tào, một nơi cao nằm ở giữa ba tỉnh Biên Hoà, Bà Rịa, Phan Thiết. Ở đây phong cảnh đẹp như trong bức tranh Tầu, sau những đêm đi công tác về, tôi thường nằm ngủ ngày bên cạnh một con suối nhỏ.

Tôi không thể nào quên được những địa danh như Cầu Cỏ May, nơi chúng tôi đụng độ với lính Chà Và đội nón chóp, như Nước Nhì, Bình Ba, Long Điền, Đất Đỏ nơi tôi đi vô, đi ra như đi chợ (thật là đúng nghĩa) để làm công tác thông tin và tiếp vận. Và như Phước Bửu, một làng đánh cá nằm ở giữa Long Hải và Cù My, nơi tôi đã tới hát cho binh lính nghe vào đêm giao thừa của Tết Bính Tuất (1946).

Còn nhớ những lúc nằm cạnh thằng hoa. sĩ Công trên chiếc xe bò chở gạo, lọc cọc đi từ một cái chợ nhỏ leo lên chiến khu Mây Tào, cảnh đêm trăng trong khu rừng Đất Đỏ giống như cảnh quái dị trên một tinh cầu nào đó. Tại sao mầu trăng ở đây không trong xanh mà lại đỏ ngầu như mầu máu?

Còn nhớ trại huấn chính An Nhứt có Huỳnh Tấn Phát gầy gò cao ngẳng từ Hà Nội trở vào Nam đem theo những huấn thị của Trung Ương. Cũng có lúc tôi trút bỏ bộ quần áo cán bộ, giả dạng làm người Tầu, mặc áo khách quần đen ra chợ Long Điền nghe tin tức. Có lần tôi và thằng hoa. sĩ Công đang đi trên đường nhựa để trở về chiến khu thì thấy xe tăng Pháp ở xa chạy tới. Không kịp chạy vào rừng, chúng tôi vội vàng chui xuống nấp trong ống cống xi măng chôn ở dưới một cái cầu nhỏ. Nằm trong đó, nghe tiếng xe tăng chạy rầm rầm trên đầu, tôi cũng thấy rờn rợn.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vanachi

Chương 9

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng...
(Chiến Sỹ Vô Danh)



Trong khoảng thời gian mấy tháng ở trong chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu này, tôi có được đầy đủ những niềm vui, nỗi buồn của một thanh niên tự nguyện tham gia vào một cuộc chiến đấu chung. Lúc đó, không cứ gì Mặt Trận Việt Minh hay ông Hồ Chí Minh, bất cứ một Mặt Trận nào, bất cứ một lãnh tụ nào cũng có thể đẩy chúng tôi vào cuộc chiến. Còn có thể nói hơi ngoa là chúng tôi đòi được đi đánh Tây. Và riêng tôi thì chắc chắn là tôi không bị kích thích bởi bất cứ một chủ nghĩa hay bất cứ một tham vọng nào cả. Không nhân danh một giai cấp, không ham muốn địa vị chỉ huy như đội trưởng hay chính trị viên, tôi chỉ có một tình yêu nước được nuôi dưỡng từ khi còn bé và bây giờ được dịp thể hiện mối tình đó ra một cách rất cụ thể. Không phải chỉ hô to: Đi là đi chiến đấu. Đi là đi chiến thắng. mà muốn đem thân xác, đem tính mạng của mình ra để tỏ tình. Chỉ muốn làm một người tuổi trẻ vô danh trong một cuộc chiến đấu chỉ có một danh nghĩa rất giản dị: đánh Tây, cứu nước. Trong ý nghĩ đó, tôi soạn bài Chiến Sĩ Vô Danh:

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn
Trên khu đồi nương&& Im trong chiều buông.
. . . . . . . . && Gươm anh linh đã bao lần vấy máu

Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình.

Tham gia cuộc kháng chiến Nam Bộ này, tôi còn được biết thế nào là sự gian khổ của một người tay không đi chiến đấu. So với vũ khí của lính viễn chinh Pháp, chúng tôi chẳng có gì để có thể thắng họ được. Pháp chiếm đóng hầu hết các tỉnh ở miền Hậu Giang và mạnh mẽ tiến ra miền Đông. A³p dụng du kích chiến, chúng tôi làm chậm bước tiến của quân Pháp. Tôi tham dự hai cuộc phục kích, trong tay chỉ có khẩu mousqueton. Có lần chúng tôi bắt được một tù binh Pháp rất trẻ. Tôi ái ngại nhìn anh ta khi được dẫn đi, nói rằng đem về giam tại một nơi an toàn khu nào đó. Chắc bị thủ tiêu quá.

Quân Pháp nắm được các con lộ thì tiến vào rừng làm những cuộc tảo thanh. Chúng tôi lùi dần từ Đất Đỏ, Xuyên Mộc lùi tới biên giới của ba tỉnh Biên Hoà-Bà Rịa-Phan Thiết và lên đóng quân ở trên núi Mây Tào. Bây giờ, chúng tôi lại từ đó lùi ra Mũi Né và theo dọc bờ biển lùi ra tới Phan Rang. Đội viên cứ chết dần mà quân số thì không được bổ xung gì cả.

Tôi chứng kiến những cái chết âm thầm và thảm khốc của các đồng đội. Những xác bạn, có những xác đã mất đầu vì lính Pháp (chắc gốc Phi Châu) chặt cổ mang đi hay vì thú rừng tha đi, chỉ được vội vàng vùi nông trong một khu rừng không tên không tuổi. Để không ai quên được những xác không đầu đó, tôi đã soạn bài Nợ Xương Máu :

Ai nghe không sa trường lên tiếng hú

Tiếng lầm than, những tiếng người đời quên&& Đi lang thang tiếng cười vang rú&& Xác không đầu nào kia?

Lúc đó, tôi cũng ý thức được vũ khí để đánh Tây còn có thể là văn nghệ. Là thơ, là văn, là họa, là nhạc, là kịch. Trong trường hợp ở cái chiến khu cứ bị co dần là chiến khu miền Đông của tôi lúc này, làm gì có được nhà văn, nhà thơ, họa sĩ hay đội kịch đi theo? Chỉ có tôi để trang bị vũ khí tinh thần cho anh em bằng những bài hát yêu nước. Hơn thế nữa, tôi làm luôn công việc dân vận bằng âm nhạc nữa. Ngoài nhiệm vụ thông tin, liên lạc, tiếp vận, tôi là cán bộ văn nghệ độc nhất của chiến khu.

Làm sao quên được những đêm trong khu rừng miền Đông, có ngọn lửa chập chờn soi những khuôn mặt trẻ măng, có tôi hát những bài Nhớ Chiến Khu, Côn Đảo... những bài hát trước đây tôi chỉ hát để mua vui cho thính giả tại những phòng trà Hà Nội và bây giờ bài hát mới thực sự có sự sống.

Nhớ tới bãi biển đêm trăng khi tôi hát bài Chiến Sĩ Hải Quân cho dân chài ở Mũi Né nghe. Thật là chuyện khôi hài vì bài hát "lính thủy hào hoa" này nói tới chuyện ra đi không vương thê nhi đâu có phù hợp với hoàn cảnh thực tế? Vậy mà dân chài Mũi Né vẫn khoái những câu:

Toán chiến sĩ Hải Quân ra khơi hôm nay

Bờ nước Nam... && Cũng ở trên một bãi biển, lần này là bãi biển ở gần Phan Rang, sống tại nhà của đồng bào có cô con gái rất xinh, bởi vì bây giờ -- than ôi -- tôi cần phải giữ "đạo đức cách mạng" cho nên tôi chỉ soạn ra một bài hát rất dụt dè là bài Cây Đàn Bỏ Quên bịa ra chuyện tôi đến chơi tại nhà cô em rồi ra về mới nhớ rằng quên cây đàn:

Hôm sau tôi đến nhà em
Cây đàn nằm đó nhưng em đâu rồi?
Bông hoa trên phím tươi cười

Người tiên tặng đoá hoa đời xinh xinh.&& Rồi tôi còn thắc mắc không biết cô gái -- hay người đời -- yêu tôi hay chỉ yêu nhạc của tôi mà thôi? Câu hỏi còn theo tôi tới già:

Người ơi tôi thường hay muốn biết
Yêu tôi hay yêu đàn?

Mới đây gặp lại Hoàng Xuân Yên tức Hoàng Xuyên, hiện nay là Hội Trưởng Hội Cao Niên ở San Jose, California. Anh này nhắc tới cái buổi gặp tôi ở Đất Đỏ thuộc chiến khu Bà Rịa-Vũng Tầu. Vào lúc Cách Mạng thành công ở Saigon Hoàng Xuân Yên làm Ủy Viên Cảnh Sát trong ỵUy Ban Hành Chánh Tỉnh Gia Định. Cũng bị Pháp đánh bật ra khỏi Nam Bộ, trên đường trở ra Bắc, anh ta gặp tôi đang công tác ở Đất Đỏ. Lúc đó không hiểu tại sao mà chúng tôi lại hát cho Hoàng Xuân Yên nghe lời ca nhại bài Tiến Quân Ca như sau:

Đoàn quân Việt gian (?) đi sao mà chướng thế
Bước không đều nghênh ngang trên đường vào Nam
Cờ không có...

Phải công nhận lúc đó chúng tôi rất tếu. Có lẽ lúc đó chúng tôi không thần thánh hoá vấn đề đánh Tây lắm đâu. Vẫn trưởng thành trong khói lửa, vẫn học hỏi để trở thành con người mới trong xã hội mới nhưng vẫn vui nhộn. Chúng tôi mới có 25 tuổi thôi mà.

Hội Nghị Fontainebleau tan rã. Phái Đoàn Việt Nam bỏ ra về. Ban đêm Hồ Chí Minh tới nhà riêng của Bộ Trưởng Marius Moutet để ký bản Tạm Ước. Ở Hà Nội, Quốc Hội để nghe thuyết trình về Tạm Ước này. Lệnh ngưng bắn được ban hành ở Nam Bộ.

Cho tới đầu mùa Thu năm 46, đúng vào lúc có lệnh ngưng bắn, tôi bị thương nhẹ Ở cánh tay và được phép đi Nha Trang để lên xe lửa về Bắc. Tôi ngừng chân ở Huế và ngồi chép ra 2 bài hát mà tôi đã có ở trong đầu khi còn ở trong chiến khu Nam Bộ. Một là Chinh Phụ Ca, nói tới ngày trở về của một chinh nhân:

Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.

Hai là Thu Chiến Trường. Bài này được soạn ra trong mùa Thu chinh chiến đầu tiên của đời mình, tôi đi chơi trong khu rừng Đất Đỏ miền Đông. Chân tôi đạp trên những xác lá vàng khô và bỗng nhiên tôi chú ý lắng tai nghe tiếng lá sột soạt dưới chân mình. Thấy được sự sống và sự chết, thấy được chiến tranh và hoà bình, thấy được tình yêu và hận thù:

Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hoà cho muôn chúng ta.
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 4 trang (37 bài viết)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối