Giai thoại Cao Bá Quát (1809 – 1855)
Cao Bá Quát tên chữ là Chu Thần, quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh là nhà thơ nổi tiếng ở thời Nguyễn. Đời bấy giờ thường vẫn gọi ông là “thánh Quát”. Bá Đạt và Bá Quát là anh em song sinh, Bá Đạt ra trước làm anh.Vì sinh đôi, sức khoẻ kém, nên hai ông quặt quẹo luôn, nhờ thuốc men săn sóc lắm nên sau 3 tuổi mới chắc là nuôi được. Lớn lên, cả hai đều thông minh đĩnh ngộ, mười hai tuổi đã làm đủ các thể văn. Văn Bá Đạt mực thước, văn Bá Quát hào hùng. Quát có tính ngông cuồng, tự phụ, thường nói:
“Tất cả có bốn bồ chữ thì tôi giữ hai bồ, anh tôi một bồ, còn một bồ mới đem chia cho thiên hạ”. Năm Minh Mạng XII, khoa Tân mão (1831) Quát đỗ cử nhân thứ hai trường Hà Nội, sau bộ Lễ xét lại, đánh xuống cuối bảng.
Ông có làm vài chức quan nhỏ, nhưng bản tính ngang tàng, thường tỏ thái độ bất bình đối với chế độ đương thời. Năm 1853, Cao Bá Quát đã trở thành một trong những người lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống lại triều đình; khởi nghĩa không thành công, Quát bị tử trận, con cháu đều bị Tự Đức bắt giết hết. Cũng có thuyết nói ông bị bắt giải về kinh và bị hành quyết.
Tương truyền ngay từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thần đồng, và cũng ngay từ nhỏ đã có những hành động “phản nghịch” táo bạo. Có rất nhiều giai thoại văn chương chung quanh cuộc đời ông.
1/ Thầy Lý bớt đi rồi : Nhân ở làng ông có đắp hai con voi chầu ở cửa đình đẹp lắm, nhưng mưa nắng dãi dầu, đôi voi ấy đã bị hư hoại.
Làng bèn bỏ tiền và giao cho lý trưởng trông nom việc đắp lại hai con voi khác. Khi voi đắp xong, một hôm ông ra đình chơi, thấy voi đắp đủ cả đầu,cả đuôi, cả tai, cả vòi, mà chỉ riêng cái “kia” thì không có, ông liền nảy ý, nhặt gạch non đề ngay lên bức tường đình một bài thơ nôm như sau:
Khen ai khéo khéo đắp đôi voi,
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi.
Chỉ có cái kia sao chẳng thấy?
Hay là thầy lý bớt đi rồi! Lý trưởng ra đình đọc thơ tức lắm, nhưng không biết ông cử ông tú nào đã nói móc mình như vậy. Sau có mấy đứa trẻ mách lẻo, hắn mới biết là của Cao Bá Quát. Không ngờ một thằng nhãi còn để chỏm mà đã ngỗ ngược đến thế, hắn đùng đùng vào nhà lôi ông ra để trị tội.
Nhưng khi giáp mặt thì Quát lại cãi bướng rằng:
- Tôi thấy voi không có cái ấy, vả lại nghe phương ngôn có câu rằng: "Chưa làm xã đã học ăn bớt", nên tôi vịnh bài thơ ấy chơi. Vậy chứ ông có ăn bớt đâu mà ông phải kệnh lòng!
Thế là lý trưởng đành cứng lưỡi, tưng hửng bỏ về không dám hạch sách gì nữa.
2/ Ở truồng xem vua: Một hôm Cao Bá Quát từ Bắc Ninh sang chơi Hà Nội. Bấy giờ Quát mới còn là một cậu học trò để chỏm, Quát thấy Hà thành có vẻ rộn rịp khác thường, hỏi ra mới biết là vua Minh Mệnh ngự giá Bắc thành, sắp đi thăm Hồ Tây và các thắng cảnh khác ở Thăng Long. Chờ đúng giờ “đạo ngự” đi đến Hồ Tây, thì Quát cởi truồng ra, giả vờ xăm xăm nhảy xuống hồ để tắm. Quan quân thấy vậy hoảng hốt, thét bắt trói lại. Càng bị trói, Quát càng gào to và giẫy giụa vùng chạy, gây một cảnh ồn ào hỗn độn bên bờ hồ. Vừa lúc đó, kiệu vua đi qua. Minh Mệnh nghe nói liền nảy ra một ý: Nhân dưới hồ nước trong, có nhiều đàn cá lội tung tăng đuổi bắt nhau, Minh Mệnh ra một vế đối:
Nước trong leo lẻo, cá đớp cá Và hứa với Quát đối được sẽ tha. Quát không cần nghĩ ngợi, liền tức cảnh việc mình bị trói, đối lại:
Trời nắng chang chang, người trói người! Minh Mệnh cả kinh và tức uất người lên, nhưng vì không muốn mang tiếng với người Bắc Hà trong dịp đầu tiên vua ra thăm đất Bắc, nên đành truyền lệnh cởi trói tha cho Cao Bá Quát.
3/ Khí phách ngang tàng: Một hôm Cao Bá Quát sang Hà thành chơi. Khi ngang qua nhà quan đốc học thấy bình văn liền đứng lại nghe. Câu nào được thì chẳng nói gì, hễ câu nào nghe dở lại chun mũi, lắc đầu, khạc nhổ tứ tung. Lính coi cửa thấy thế liền bắt vào trình quan. Quan cho là Quát khinh mình dốt, nổi giận đùng đùng, đập nghiên son xuống sập bắn tung toé, thét hỏi Quát.
Quát xưng là học trò, thấy bình văn thì đứng lại nghe chứ không làm gì nên tội cả. Viên quan hỏi học ai, thì Quát nói: “Học ông Trình ông Chu” (1).
Nghe anh học trò oắt con mà nói năng càn rở ngông ngạo, viên đốc học cả giận bảo:
-Sách có chữ “Tiên học lễ, hậu học văn” (trước học lễ phép rồi sau mới học văn chương). Nhà ngươi là học trò hẳn cũng biết điều đó, vậy mà lại còn có hành vi vô lễ. Bây giờ ta ra cho một vế đối, hễ ngươi đối được thì ta tha, bằng không thì phải đánh đòn. Rồi viên quan đọc rằng:
Nhĩ tiểu sinh hà xứ đáo lai, cảm thuyết Trình, Chu sự nghiệp? Nghĩa là: Mày là thằng trò oắt ở đâu đến đây, dám nói sự nghiệp ông Trình ông Chu ?
Quát thấy bị khinh thường thì tính khí ngang tàng bỗng nổi dậy, đối ngay rằng:
Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu, Thuấn quân dân! Nghĩa là: Ta chính bậc quân tử biết thời mà dấy, muốn làm vua dân đời Nghiêu, đời Thuấn!
Viên quan nghe Quát đối chọi chan chát, chịu là hay; lại thấy có khí phách lớn lao như vậy nên vội vàng thả cho Quát đi ngay.
(1) Trình Y Xuyên và Chu Hối Am, hai nhà đại nho đời Tống, từng chú thích các kinh truyện. Xưa ta học nho, đều theo các bản kinh truyện do Chu, Trình chú giải.
4/ Cao Bá Quát và Nguyễn Văn Siêu : Hồi Nguyễn Văn Siêu chưa đỗ đạt, nhà rất nghèo, thường mở lớp dạy học ở ngay nhà tại Hà Nội.
Một hôm Cao Bá Quát từ Bắc Ninh sang chơi Hà Nội, đi ngang một nhà nghe có tiếng bình văn, liền bước vào đứng xem. Quát thấy thầy đồ trẻ trạc chừng 24, 25 tuổi đang ngồi trên một cái chõng tre cũ kỹ xiêu vẹo, còn học trò ngồi ở giữa chiếu trải giữa sàn nhà. Quát lúc bấy giờ cũng chỉ mới chừng 16, 17 tuổi, đứng nghe thầy giảng một cách tò mò. Nguyễn Văn Siêu chợt
nhìn ra trông thấy, liền hỏi vọng:
- Anh kia đi đâu mà thơ thẩn thế?
Quát đáp:
- Tôi là học trò, xin vào học với thầy.
Siêu nói:
- Nếu đã là học trò thì hãy đối thử một vế đối đã nhé!
Rồi Siêu đọc:
Tiên sinh toạ tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót, két két. (Ông thầy ngồi trên cái chõng xiêu vẹo, nó kêu cót két mỗi khi thầy cựa quậy)
Quát đối ngay:
Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ. ( Học trò vào trong sân, đứng thẩn thơ, ngơ ngác nhìn )
Nguyễn Văn Siêu rất phục, hỏi ra mới biết là Cao Bá Quát người mà Siêu đã nghe đồn học giỏi từ lâu. Từ đó, hai người thường hay đi lại, đàm luận sách vở, thời thế với nhau, không mấy chốc trở thành đôi bạn tri âm mặc dù Siêu hơn Quát những tám, chín tuổi. Về sau, hai người cùng nổi tiếng văn ở kinh.
5/ Khóc mướn kiếm ăn: Có một lần Cao Bá Quát đi thăm bạn ở xa. Bạn đi vắng, ông phải trở về, bụng đói mà tiền thì đã hết nhẵn.
Đang đi lang thang thất thểu, chợt nghe gần đấy có kèn trống đám ma. Quát theo chừng lần tới nơi. Hỏi ra biết là đám tang một ông cụ già nhà khá giả. Quát liền bước vào nhà, thấy quan viên ngồi chật ních trong rạp; ở chính giữa rạp thấy có dăm bảy ông râu dài, ngồi chễm chệ trên chiếu cạp điều, đang ngất ngưởng nói chuyện chữ nghĩa; lại thấy hiếu chủ chắp tay bẩm báo chầu chực, nên Quát đoán là văn thân hào mục, hay cử tú gì đây.
Quát liền tới gần hiếu chủ nói:
- Tôi là khách qua đường, nghe nói cụ nhà phúc đức lắm, nay chẳng may cụ hai năm mươi về chầu Phật, bụng tôi lấy làm cảm động vô cùng. Nên xin được vào phúng cụ vài câu rồi đi.
Mấy vị ngồi chiếu cạp điều nghe Quát nói thế thì muốn lên mặt đàn anh, vừa rung đùi vuốt râu vừa hất hàm hỏi:
- Thế nhà thầy ở đâu qua đây? Làm nghề gì?
Quát thưa:
- Bẩm các quan, tôi ở làng bên đi dạy học về qua đây!
Các ông lại tranh nhau hỏi:
- Dạy học à? Thế đã thi cử khoa nào chưa?
Quát đáp:
- Bẩm cũng có theo đòi vài ba khoa, nhưng đều hỏng cả. Về nhà, văn dốt vũ dát nên đành phải đi gõ đầu trẻ!
Các quan viên lại hỏi luôn:
- Thế nhà thầy định phúng câu đối nôm hay đối chữ đấy?
Quát trả lời:
- Bẩm có mấy chữ đã dạy trẻ hết mất rồi, giờ chỉ dám xin làm nôm thôi ạ!
Các ông đàn anh được thể lại lên giọng:
- Ừ, thế thì làm đi rồi các cụ sẽ phủ chính cho!
Quát bèn hắng dặng rồi ngâm nga rằng:
Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thích nhẽ đâu mà khóc mướn?
Tưởng sự bách niên đùng nghĩ đến, động can tràng nên nỗi phải thương vay! Các quan viên nghe xong đều lè lưỡi thán phục, kéo ngay Quát lên chiếu cạp điều mời cùng đánh chén. Đến sau rượu đã ngà ngà, mấy ông cứ gạn hỏi mãi, Quát đành phải xưng tên thật. Thế là ông nào ông nấy giật mình thon thót, đứng vội dậy chắp tay xin lỗi Quát rối rít.
6/ Văn khóc vợ : Năm 24 tuổi, vợ họ Cao mất. Ông làm bài văn khóc vợ như sau:
Ô hô!
Nữ bất hạnh nhi vi tài tử phụ
Nam bất hạnh nhi vi hồng nhan phu.
Nhĩ kim nhị thập hữu nhất, nhất triêu thiên cổ,
Ngã kim nhị thập hữu tứ, tứ hải cửu chu.
Y! Hồng nhan bạc phận, tài tử vô duyên, duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù. Nghĩa:
( Than ôi!
Gái không may mới làm vợ kẻ tài tử
Trai không may mới làm chồng khách hồng nhan.
Mình nay hai mươi mốt, một sớm thình lình thiên cổ
Ta nay hai mươi bốn, bốn bể trôi nổi chín châu.
Hỡi ôi! Hông nhan bạc phận, tài tử vô duyên, chỉ có mình với ta như vậy ru! )
7/ Một câu đối, hai hoàn cảnh : Hồi đó Cao Bá Quát đang nghỉ ở nhà. Nhân dân quanh vùng thường rủ nhau đến xin câu đối về dán nhà, nhất là trong dịp tết.
Một hôm có hai người láng giềng cùng đến một lúc, chỉ trước sau mấy bước. Người đến trước là một anh làm nghề đóng áo quan. Người đến sau là một chị đang có chửa gần ngày sinh. Cao Bá Quát không phải nghĩ ngợi lâu, cầm bút viết vào rẻo giấy cho anh thợ áo quan:
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm THỌ,
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn ĐƯỜNG. Nghĩa là:
Trời thêm năm tháng, người thêm thọ,
Xuân khắp non sông, phúc chật nhà.
Cao khéo dùng hai chữ THỌ và ĐƯỜNG để nói đến cái quan tài, vì ngày xưa ta quen gọi cỗ quan tài là cỗ THỌ ĐƯỜNG.
Anh thợ nghe giảng rõ, vui mừng vái chào đi ra. Đến chị bụng chửa, Cao nhìn chị hóm hỉnh cười, rồi lấy mảnh giấy khác viết ngay:
Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm,
Xuân mãn càn khôn, phúc mãn. Nghĩa là:
Trời thêm năm tháng, người thêm,
Xuân đầy vũ trụ, phúc đầy.
Như vậy là Cao Bá Quát đã dùng lại câu đối đã nghĩ cho anh thợ áo quan hồi nãy, chỉ có bớt mỗi vế một chữ cuối. Nhưng như thế vẫn nói lên được rất rõ việc chị phụ nữ sắp đẻ (người thêm) và việc hiện tại trước mắt là chị đang có mang. Vì chữ PHÚC là hạnh phúc cũng trùng âm với chữ PHÚC là “bụng” (PHÚC mãn có nghĩa là bụng đầy, bụng to, tức là bụng có chửa).
8/ Thơ làm sau khi đi thi hội : Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường Hà Nội.Vào kinh thi hội, hỏng luôn mấy khoá. Khoá sau cùng, ông lại cố gắng lên đường, nhưng trong lòng đã chán nản, nên khi học trò tiễn đưa, ông có nói mấy lời tạm biệt đượm vẻ bùi ngùi:
Xa xa từ đất cũ
Thăm thẳm lên đường dài.
Ngoài thành trời lạnh lạnh
Lấm tấm hạt sương mai
Học trò tiễn ta đi
Bước theo không nỡ rời.
Nam nhi mà thế ư?
Nước mắt đầm đìa rơi...
Nhớ xưa ta đã từng
Đường xa rong ruổi hoài.
Chuyến này lại lẽo đẽo
Nào đã chắc hơn ai?
Vào đời có văn chương
Thì đem mà góp chơi
Đa tạ các học trò
Quyến luyến tình khôn phai... (Bản dịch của Trúc Khê)
Quả nhiên rồi lại hỏng. Ông nãn chí không muốn thi cử gì nữa, ngày ngày ngao du đây đó, lấy văn chương châm biếm bỡn cợt làm phương thuốc tiêu sầu.
9/ Câu thơ thi xã : Năm 1841 đời Thiệu Trị, Cao Bá Quát mới được vào kinh làm hành tẩu bộ Lễ. Tuy giữ chức nhỏ, nhưng vốn tính ngang tàng, ông chỉ trích khắp mọi người, từ kể cả các bậc đại thần cho đến vua.
Một hôm, có vị thân vương mời ông tới phủ uống rượu. Ông đến, đầu không đội khăn, mình chỉ mặc chiếc áo trắng dài. Thân vương đứng ra khoản đãi; khi rượu đã say, ông viết mấy câu rồi lẳng lặng ra về, chẳng chào ai cả:
Hữu khách thỉnh ẩm tửu,
Bất tri khách thị thuỳ.
Kim tịch thị hà tịch,
Thiên cao minh nguyệt tri. Lược dịch:
Có khách mời uống rượu,
Nào biết khách là ai.
Đêm nay đêm gì nhỉ,
Trời cao trăng sáng soi! Ở kinh bấy giờ, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương có mở ra Tùng Vân thi xã, tổ chức những cuộc thi thơ để kết nạp các bậc danh sĩ. Biết Quát hay chữ, Tuy Lý Vương thân đến mời Quát tham gia thi xã và đưa tập văn thơ của thi xã cho ông xem. Ông mở đọc qua loa, lấy tay bịt mủi rồi cầm bút đề lên ngoài bìa hai câu:
Ngán cho cái mũi vô duyên,
Câu thơ thi xã: con thuyền Nghệ An! Thuyền tỉnh Nghệ An thường dùng để chở nước mắm, nên nặng mùi! Vì Tuy Lý Vương biết bản tính ngang tàng của ông nên cũng không lấy làm giận.
(Còn tiếp)
---------------------
Viết theo: 1/
Giai thoại làng nho, Lãng Nhân, Nam Chi tùng thư xuất bản,
Sài Gòn, 1966
2/
Giai thoại văn chương Việt Nam, Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn học, Hà Nội 1988
3/
Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Nxb TP HCM tái bản, 1990