PV: Anh có thể kể lại một kỷ niệm đáng nhớ gắn với "Khúc hát trái tim"?
Nhà thơ Hữu Việt: Tôi còn nhớ đã đọc trong blog của nick dongvy, người mẹ đã viết một cái entry Quà sinh nhật cho con thế này:
"Đã lâu tôi không mua một tập thơ nào. Hôm nay là sinh nhật Thuyên. 3 tuổi. Quà sinh nhật của mẹ là một tập thơ, mặc dù con chưa đọc được chữ nào cả. Tôi cũng sẽ không đọc cho Thuyên nghe vì con chưa thể hiểu. Nhưng một ngày nào đó, tôi sẽ kể con nghe về món quà này. Một ngày nào đó, tôi sẽ trao cho Thuyên món quà sinh nhật này.
Con hãy sống yêu thương, chia sẻ, hãy biết lắng nghe những "khúc hát của trái tim" con, hãy cố gắng thấu hiểu những nỗi đau có thể hiện hữu trong cõi người, và hãy sử dụng hết những khả năng mà Thượng đế có thể ban cho, để sống một cuộc đời hữu ích.
Nhưng hãy nhớ rằng, vào ngày sinh nhật một tuổi của con, mẹ đã không mong con biết đi và biết nói sớm hơn những đứa trẻ khác. Vào ngày sinh nhật ba tuổi của con, mẹ đã không mong con biết đọc chữ và làm thơ như một thần đồng.
Mẹ cầm trên tay cuốn sách tuyệt vời của Mattie, và chỉ ước mong con của mẹ sống khỏe mạnh và hạnh phúc, từng ngày một trong suốt cuộc đời dài."
(link:
http://blog.360.yahoo.com...k1Xc-?cq=1&p=353)Với tôi đây cũng là món quà cho công việc dịch thuật của mình. Bởi vì hình như, thơ của Mattie đã và sẽ mang lại cho các em thiếu nhi Việt Nam một cái gì đó.
PV: Được biết, trước "Khúc hát trái tim", anh đã từng đoạt giải dịch thơ. Anh có thể nói rõ hơn?
Nhà thơ Hữu Việt: Lâu rồi. Tôi có tham gia một cuộc thi dịch thơ do tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn tổ chức và được giải A. Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhà thơ Bằng Việt, đánh giá cao sự phá cách trong bản dịch của tôi, lấy cái thần thái là chính, chứ không phải sự bám sát ngôn từ. Đó là bài thơ Topol (Cây dương) của nhà thơ Nga Rubtsov. Vào mùa hè, cây topol phát tán nhưng chùm bông bay đầy trời. "Lìa cành chiếc lá bông bay/ Cho hay cái lẽ xưa nay của trời/ Nếu em thương lá mồ côi/ Sao không xót chút tình tôi dịu dàng...". Một cảnh tượng rất đẹp mà tôi còn nhớ mãi mùa hè từ hồi học ở Nga. Nói cái này để thấy là nếu mình cảm nhận bài thơ bằng những cái gì mà mình được nhìn thấy tận mắt thì tự nhiên sẽ có lợi thế, giúp mình dịch ra được cái thần thái của bài thơ. Tôi nghĩ, hồi đó, Ban Giám khảo cũng đánh giá tôi ở cách cảm nhận riêng về bài thơ và sự truyền tải cái thần thái của nó. Chứ tôi nghĩ mình dịch cũng bình thường như mọi người thôi.
Giải thưởng về văn học dịch năm nay của Hội Nhà văn Việt Nam trao cho bản dịch "Khúc hát trái tim" khiến tôi khá bất ngờ. Trong thị trường sách dịch đồ sộ hiện nay, có rất nhiều tác phẩm hay, được dịch một cách công phu bởi những dịch giả tên tuổi. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi trả lời phỏng vấn có nói rằng, trao giải cho tập thơ dịch này vì: "gu thẩm mỹ của người dịch rất tốt. Tập thơ hiện đại, mở ra tư duy thơ mới. Tập thơ có tác động kích thích về sự đổi mới thơ ca hiện nay." Có lẽ bản dịch tập thơ được giải vì đáp ứng được tiêu chí trao giải của Hội Nhà văn năm nay. Thế thôi.
PV: Sau giải thưởng này, anh có dự định đi sâu hơn vào lĩnh vực dịch văn học, đặc biệt là dịch thơ không?
Nhà thơ Hữu Việt: Tôi không có dự định gì cả. Tôi vẫn sẽ làm những việc mà tôi đang làm. Còn đến một lúc nào đó gặp được tác phẩm hay và thấy thích thì tôi sẽ dịch. Thực ra tôi vẫn thường dịch thơ, nhưng chỉ dịch cho mình thôi.
PV: Vậy, ngược lại, anh có ý định dịch thơ của anh ra tiếng nước ngoài?
Nhà thơ Hữu Việt: Rất khó. Theo tôi biết, ngay cả các nhà văn biết tiếng ngoại ngữ tốt hầu hết đều phải nhờ các dịch giả khi dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài. Khi tham dự một chương trình viết văn ở Mỹ, tôi cũng đã nhờ một người bạn là Việt kiều Canada chuyển ngữ giúp một số bài thơ của mình. Theo tôi, để đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, trong một thế giới cởi mở và có độ tương tác lớn thế này, cách tốt nhất là nên thu hút các nhà văn Việt kiều cùng hợp tác trong việc chuyển ngữ. Tôi tin là các nhà văn Việt kiều luôn sẵn lòng quảng bá văn học Việt Nam ra với thế giới.
PV: Nhưng đó mới chỉ là cái phương tiện để đưa văn thơ của Việt Nam ra thế giới. Còn việc liệu nó có được người nước ngoài đón nhận không, và có đứng vững được ở nước ngoài không nữa. Anh nghĩ gì về việc này?
Nhà thơ Hữu Việt: Dịch là một việc, các nhà xuất bản và bạn đọc nước ngoài có đón nhận tác phẩm văn học của ta hay không lại là việc khác. Cái này tuân theo quy luật thị trường, bỏ qua yếu tố thị trường thì sẽ khó thành công. Khi các nước muốn đưa văn học của họ vào Việt Nam, họ đã có những quỹ hỗ trợ cho việc dịch thuật và in ấn. Có thể kể đến các quỹ của Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch, Nga… Người in sách phải tính toán đến yếu tố thị trường, người đọc sách lại tìm đọc sách thời thượng. Trong khi để giới thiệu, quảng bá một nền văn học thì phải mang đến cho người đọc cái nhìn tổng thể, nghĩa là sẽ có những cuốn sách không tuân theo quy luật thị trường. Vì vậy, Nhà nước cần có nguồn tài chính (thông qua các quỹ), có các dự án đầu tư nghiêm túc cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài. Làm từng bước, trong một thời gian dài thì hy vọng đến lúc nào đó, thế giới sẽ có sự tiếp cận đầy đủ nền văn học của chúng ta.
PV: Nhưng cũng theo “logic thị trường” mà anh vừa nói, thì tư nhân đóng vai trò quan trọng trong thị trường ấy, họ sẽ tự tìm đến với những tác phẩm hay, phù hợp với gu đọc sách của độc giả nước ngoài. Như vậy, sự thiếu vắng sách của Việt Nam trên thị trường sách quốc tế phải chăng là do mình chưa có nhiều tác phẩm được đánh giá cao?
Nhà thơ Hữu Việt: Đúng là đa số tư nhân chỉ chọn những cuốn sách bán chạy, sinh lời nhiều. Những sách không bán được thì họ không chọn. Ở Việt Nam cũng vậy thôi. Người ta chỉ dịch những cuốn sách bán chạy mà độc giả Việt Nam sẽ đón đọc. Nhưng, không nên căn cứ vào đó mà cho rằng văn học Việt Nam không có độc giả ở nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh đến cái lộ trình, để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, điều cần nhất là tập hợp được trí tuệ của người Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới và phải có sự hỗ trợ, đầu tư về tài chính cho những người làm công việc này.
Đừng tự vấn là mình chưa có các tác phẩm hay ở tầm quốc tế. Trên thế giới cũng không có nhiều lắm các trung tâm văn học lớn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Vì vậy, hãy cố gắng làm những gì thuộc phạm vi của mình trong việc quảng bá văn học của chúng ta ra với thế giới.
Vâng, văn học không thể và không bao giờ giống với các sản phẩm tiêu dùng khác, nó cần được chăm sóc đặc biệt và giới thiệu trong một tổng thể. Có thể cần rất nhiều thời gian để dựng nên một diện mạo đầy đủ về văn học Việt Nam khi đưa ra thế giới. Nhưng đó và việc cần thiết phải làm và cần được đầu tư lâu dài. Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Việt về những tâm sự cởi mở anh dành cho độc giả báo Tổ Quốc.
BẠCH DƯƠNG (thực hiện)
Nguồn:
http://www.toquoc.gov.vn/vietnam/viewNew.asp?newsId=31099&rd=20071105sr5351&zoneId=70Báo Điện tử Tổ Quốc.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."