(tiếp theo)
Từ ngoài Thành bước vào cửa Thượng Tứ, nếu bạn rẽ về phía tay phải, đi theo con đường bao quanh một đám cỏ hình bầu dục mịn màng, xanh mướt, bạn sẽ đến cửa Tam quan của Tam Tòa. Bốn mặt Tam Toà đều có tường gạch. Cửa Tam quan là cửa chính, ngoài ra còn hai cửa nữa, một trông ra đường Thượng Tứ và một trông ra đường Âm Hồn. Mỗi lần dân chúng có điều uất ức thường đến đây đánh ba hồi trống. Quan Đô Sát sẽ ra tận nơi nhận đơn từ khiếu nại, kêu oan.
Qua những vần thơ tả xứ Huế, chắc bạn còn nhớ câu nhắc đến Tam Tòa:
Tháp bảy từng Thánh Miếu, Chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Từ cửa Tam quan đi dọc theo bên hông Tam Tòa rồi rẽ trái, bạn sẽ đi trên con đường Âm Hồn, dẫn bạn tới Miếu Âm Hồn, nơi thờ những vong linh vất vưởng không ai tế tự. Ngôi miếu âm u lạnh lẽo, phảng phất hương khói do Bác Phó Rợ là Phó lý trong làng, ở ngay sau lưng miếu, sang đây đốt nhang mỗi ngày. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng năm Âm lịch mới có người lui tới tấp nập, cúng tế những oan hồn, tử sĩ bỏ mình trong trận chiến kinh hoàng của ngày Thất thủ Kinh đô (1885). Ngày quân dân ta quyết sống chết với quân Pháp xâm lăng.
Qua khỏi cửa Thượng Tứ, nếu bạn không rẽ phải, không rẽ trái, muốn tiếp tục đi trên con đường Thượng Tứ (đường Đinh Bộ Lĩnh) thẳng tắp, xa tít, hai bên trồng toàn nhãn Huế, cây cao bóng mát, cho trái thơm ngọt về mùa Hè, bạn sẽ gặp cửa thứ hai của Tam Tòa bên phải và Quốc Sử Quán bên trái. Bốn mặt Quốc Sử Quán đều có tường bao bọc, đây là nơi biên tập quốc sử, luật lệ và địa dư của nước ta. Trên đường đi đôi khi bạn thấy một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo dài gấm chữ Thọ sang trọng, quần trắng thẳng nếp, đầu đội khăn đóng đen nháy, chân đi giày tây bóng loáng, giống hệt một vị quan trong triều đình, vẻ mặt tư lự, đăm chiêu như đang suy nghĩ việc gì quan trọng lắm. Bạn không ngờ ông ta là người mất trí. Nếu bạn vui vẻ hỏi: "Chào cậu Cả, bữa ni Cậu đi mô mà ăn mặc lịch sự rứả" tức thì cậu Cả đưa ngón tay lên miệng xuỵt xuỵt mấy tiếng, điệu bộ bí mật rồi trả lời: "Vua mời vô Triều họp chuyện cơ mật" hay "Bữa ni vua kêu vô Đại Nội để ban yến, tránh dùm chút, trể giờ rồị" Ban Yến tức mời vào dự tiệc. Đám trẻ con thường thích trêu ghẹo cậu Cả. Thấy bóng cậu Cả từ đàng xa, chúng đứng chờ với tư thế sẵn sàng chạy vì biết sắp bị rượt. Cậu Cả đến gần, cả nhóm đồng loạt la to "Cậu Cả điên, cậu Cả điên", tức thì cậu cả rượt cho lũ trẻ chạy dài. Cậu vừa đuổi vừa lẩm bẩm chưởi, đến lúc mệt nhoài mới dừng lại thở, nắm tay hăm dọa đám trẻ tinh nghịch. Con người này ở đâu bên hữu ngạn sông Hương, tuy điên mà hiền, không hề phá phách hay gây thiệt hại cho ai nên không bị nhốt vào nhà thương điên, ngày ngày tự do ra vào Kinh Thành hoặc dạo khắp phố Huế, luôn luôn tưởng tượng mình được vua mời, vua kêu nhưng đã lần nào bước chân vào Hoàng Cung chưa thì không ai biết.
Đi khỏi Tam Tòa là đường Tôn Nhơn cắt ngang đường Thượng Tứ. Rẽ về phía trái bạn sẽ gặp Tôn Nhơn Phủ, một cơ quan lo về mọi việc của Hoàng tộc, rồi đến cửa Hiển Nhơn thật đẹp. Vòm cửa Tam quan, nóc cửa đều có hình rồng, phụng, hoa lá đắp nổi bằng nhiều mảnh sứ kiểu, đủ màu sắc, tươi sáng. Tốp thợ xây cất đã đập vỡ vô số tô, dĩa, chén kiểu xưa, chọn từng mảnh đẹp nhất chắp gắn cho ăn khớp thành những hình sáng bóng, đẹp mắt. Đây là một trong bốn cửa dẫn vào Hoàng Thành, Đại Nội, vào chốn thâm cung bí sử của các vua triều Nguyễn.
Từ ngả tư Thượng Tứ, Tôn Nhơn nếu rẽ tay phải đi bên hông của Tam Tòa xuống phía Thành, hai bên đường toàn nhà cửa các quan, các cu : Cụ Hường, cụ Thị, quan Tham, quan Phán, quan Đốc, thầy Thông, thầy Trợ... Nhà nào cũng có vườn rộng bao bọc bởi hàng rào chè tàu hay bông cẩn, cắt xén ngay ngắn đẹp mắt. Trong vườn trồng cây ăn trái : ổi, nhãn, xoài, mít, mãng cầu, đu đủ và các thứ rau xanh tươi. Con đường này có nhiều nhà quan hơn tất cả các đường khác trong Thành Nội.
Hồi còn nhỏ, chiều chiều, hai chị em tôi hay ra trước ngõ chờ Mạ về. Mỗi lần thấy chiếc xe kéo ló dạng đầu đường Tôn Nhơn, tôi hy vọng trên xe có Mạ. Phần nhiều xe đến ngả tư đã quẹo sang lối khác. Một vài xe đi ngang qua trước mặt hai chị em tôi rồi đi thẳng. Mạ tôi mở tiệm buôn bán với các dì em Mạ ngoài phố. Lâu lâu Mạ mới về sớm một lần. Sướng nhất là hôm nào ra ngõ, đón được xe Mạ về. Xe vừa dừng, hai chị em vội vã leo lên ngồi hai bên Mạ, đua nhau lục quà để ăn. Mạ cho chú kéo xe thêm vài xu, chở ba mẹ con đi một vòng quanh xóm rồi mới trở về nhà.
Vài ba năm sau, chúng tôi lớn thêm ít tuổi mới nhận ra được con đường Tôn Nhơn khác biệt với các con đường chung quanh rất nhiều. Vui nhộn nhất là những đêm trăng sáng, từ các anh các chị lớn cho đến đám trẻ con lau chau như chúng tôi, họp nhau mỗi nhóm vài ba người, dạo chơi trên đường. Đôi lúc ngưng cười, ngưng nói để cùng thưởng thức tiếng hát ngọt ngào của các chị, tiếng đàn vĩ cầm, Tây ban cầm tuyệt vời của các anh trình diễn dưới trăng, trong vườn.
Đường Tôn Nhơn, cũng là con đường đi và về của cụ Ngáo, người đao phủ xứ Huế, thỉnh thoảng Triều đình thuê ra pháp trường chém đầu các tử tội. Cụ Ngáo còn có nghề bắt chó, làm thịt chó, nhà ở phía dưới Thành. Từ sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, nếu bạn nghe tiếng chó sủa vang là biết chắc cụ Ngáo đang lửng thửng đi trên đường.
Mặt luôn lầm lì không nói, áo quần lem luốc, vai mang đồ nghề bắt chó, gồm một ống lồ ô dài thông suốt với sợi dây thòng lọng xuyên qua. Cụ vác đứng trên vai như lính bồng súng đi duyệt binh, mặc kệ đàn chó vừa sủa vừa gầm gừ, cụ bước chân cao, chân thấp, vì hai chân không bằng nhau, đi qua đường Tôn Nhơn, rẽ ra phía cửa Thượng Tứ. Không biết cụ đi đâu cả ngày, đến chiều, cụ theo con đường cũ, từ ngoài cửa Thượng Tứ vào, rồi rẽ xuống đường Tôn Nhơn để về nhà. Đàn chó lại đua nhau tuôn ra đường sủa vang theo bước chân của con người kỳ lạ này, vai vác ống lồ ô bắt chó, nằm ngang, phía sau lưng cột lủng lẳng một con chó mập ú đã làm thịt sạch sẽ, trắng phau. Cụ bắt chó chạy rong ngoài đường, ghé bến Thương Bạc làm thịt xong xuôi mới đem về để ăn và để bán. Nhiều người nói vì ăn quá nhiều thịt chó nên trên người cụ Ngáo lúc nào cũng nặng mùi chó. Cụ đi đến đâu, đàn chó đánh hơi được mùi của đồng loại nên sủa vang rền.
Trẻ con trong Thành Nội ít sợ cụ Ngáo nên thường phá ông ta bằng mấy câu có vần có điệu:
Xách bót tờ phơi
Đi chơi cụ Ngáo
Ăn cháo không tiền
Cổi liền áo ra ...
Dù biết bầy con nít muốn chọc ghẹo mình, cụ Ngáo vẫn bước đi trên đường tỉnh bơ như không nghe, không thấy.
Các ông bà già ở Huế còn kể hồi nhà cách mạng chống Pháp Trần Cao Vân và các đồng chí của ông ta bị bắt đem xử chém ở An Hoà, phía Tây Bắc Thành Nội Huế. Lúc bấy giờ vua Duy Tân cũng bị bắt. Sợ nguy hiểm đến tính mạng của vua, ông Trần Cao Vân viết thơ vào tờ giấy quyến (loại giấy trắng mỏng dùng để vấn thuốc hút), cho Thượng thư Bộ Học là cụ Hồ Đắc Trung, đại ý nhận mọi việc xảy ra đều do chính ông và ông Thái Phiên chủ mưu, yêu cầu ông Hồ Đắc Trung cứu vua, rồi đưa cho cụ Ngáo. Trong thơ còn có 2 câu :
Trung là ai ? nghĩa là ai ? Cân đai võng lọng là ai ? nỡ để cô thần tử nghiệt.
Trời còn đó, đất còn đó, xã tắc còn đó, miễn cho Thánh Thượng sinh toàn.
Cụ Ngáo nghe nói giao giấy tận tay cho quan Thượng Thư Bộ Học để lo cứu vua là nhận ngay. Người dân xứ Huế lúc bấy giờ đều thương mến, cảm phục vua Duy Tân, một vị vua trẻ tuổi, vì đại nghĩa đã hy sinh cả ngai vàng để lo cho toàn dân, cương quyết không chấp nhận chính quyền bảo hộ của người Pháp.
"Mở cửa nhìn Trăng - Trăng tái mặt
Khép phòng đốt Nến - Nến rơi châu"