18. NHÀ VĂN ĐỖ CHUTiểu sử:
Tên thật: Chu Bá Bình
Sinh năm: 1944
Nơi sinh: Việt Yên - Bắc Giang
Thể loại: truyện ngắn
Các tác phẩm:
Hương cỏ mật (1963)
Phù sa (1966)
Tháng hai (1969)
Trung du (1969)
Họa mi đang hót
Vòm trời quen thuộc (1969)
Đám cháy trước mặt (1970)
Gió qua thung lũng (1971)
Mảnh vườn xưa hoang vắng (1989)
Những chân trời của các anh (1990)
Một loài chim trên sóng
Giới thiệu một tác phẩm:
Hương cỏ mật Ngay trong cuộc sống bình dị của mỗi người, cái bất ngờ cũng vẫn thường tìm tới. Đối với Tuân, việc thầy anh lấy cô giáo Nhâm quả là chuyện quá bất ngờ. Mới sáu tháng trước đây, khi anh còn là cậu học sinh lớp mười thì quan hệ giữa anh và cô giáo Nhâm hoàn toàn chỉ là quan hệ thầy trò. Nhưng bây giờ thì… khác nhiều rồi. Tuân rời ghế nhà trường đi làm lính nghĩa vụ được non năm tháng thì thầy anh và cô giáo Nhâm tuyên bố xây dựng với nhau. Về sau, trong những lúc rỗi rãi anh vẫn thường suy nghĩ chuyện này. Và anh cảm thấy cái bất ngờ nào đến với người ta cũng không hề đột ngột, không hề tình cờ mà nó đến dần dà, im lặng, chắc chắn. Chính vì thế mới có chuyện như chuyện của thầy anh và cô giáo Nhâm.
Tuân chỉ thực sự biết mặt thầy anh từ sau ngày hoà bình lập lại mấy tháng. Một chiều, cậu bé Tuân đứng ở đầu xóm mải nhìn mặt trời đỏ ối đang chìm xuống phía sau núi Voi làng mình thì có một anh bộ đội bước tới. Vai anh bộ đội khoác ba lô, bên hông có cả súng lục cẩn thận. Anh bộ đội ấy hỏi thăm vào nhà cụ phó Huy. Tuân trố mắt nhìn lên một lúc rồi lúng búng trả lời:
- Cụ phó Huy là nhà em, là ông em đấy.
Thế rồi Tuân mừng rỡ chạy lên trứơc, dẫn anh bộ đội đeo súng lục ấy về nhà. Anh bộ đội ngậm ngùi nhìn thằng bé nét mặt đang rạng rỡ hẳn lên kia, khẽ hỏi:
- Làm sao… bị cụt tay? Máy bay bắn à?
Tuân ngớ người nhìn lại anh bộ đội một lát rồi như sực nhớ ra, cậu bé cười phá lên:
- Không, có cụt đâu!
Rồi cậu ta lấy cánh tay phải đang đút trong túi, vén vạt áo lên ngậm vào miệng, thong thả cởi những vòng dây chuối đang buộc chặt cánh tay trái vào người. Thọc cánh tay “cụt” vào ống áo rồi Tuân giơ cả hai tay lên vừa phân bua, vừa khoe:
- Ở xóm em, chỉ em giả làm thương binh tài nhất. Buộc ép cánh tay vào sườn như thế, không đứa nào nhìn thấy tay mình khuỳnh khuỳnh trong áo nữa.
Anh bộ đội nhếch mép cười mà lại như muốn khóc, ôm lấy Tuân và không nói gì nữa. Vào tới sân, Tuân gọi to:
- Ông ơi, có anh bộ đội!
Rồi cậu bé tụt lại phía sau, bẽn lẽn. Anh bộ đội cứ để nguyên ba lô trên vai, cúi đầu để khỏi cộc vào mái rạ, bước vào. Đứng im nhìn ông cụ đang ngồi trên phản một lát, bằng một giọng ồ ồ, anh nói:
- Ông vẫn khoẻ!
Ông cụ đặt chiếc xe điếu lên đùi, ngửa mặt nhìn hồi lâu:
- Ai thế?
- Con, Huy đây! Thầy không nhận ra con ư?
Ông cụ kêu “trời ơi” rồi hấp tấp đứng dậy, đỡ ba lô cho con trai, lính quýnh dìu anh ngồi xuống phản. Cụ nói ta mà nghe như tắc ở cổ họng:
- Thằng Tuân đâu? Bố mày về đây! - Rồi cụ hạ thấp giọng - Mười mấy năm xa cách còn gì nữa, bố con không nhận ra nhau là phải.
Tuân ngồi dựa lưng vào chiếc cột ở cửa ra vào, mắt trân trân nhìn bố. Ừ, chỉ có cái sẹo bên hàm là khác trong chiếc ảnh ngày xưa của u thôi, cũng già hơn trong ảnh một chút, thế mà mình không nhận ra ngay từ ngoài xóm. Huy đưa mắt nhìn qua gian nhà mới dựng một lượt rồi hai bố con anh cứ thế ngồi bên nhau. Trong những lúc gặp gỡ kì lạ như thế này, nếu là người lớn, người ta dễ dàng qua được những phút ngỡ ngàng xa lạ mà làm quen với nhau, còn đối với một đứa trẻ, nhất là những đứa trẻ đã lớn như con mình, thân mật được với nhau ngay thật khó lắm. Huy biết vậy.
NXB Văn học, 2004
Có ai còn nhớ kẻ xích lô
Lãng mạng phong lưu thích đưa đò
Tóc bạc râu dài chừ thấm mệt
Nhìn thấy cháu đẹp chẳng dám ho ... he ... he