Nguồn gốc của phú!
Tác giả: nhunguyen @thuvienvietnam.comTrước khi chúng ta tìm hiểu nguồn gốc văn hoá của một dân tộc, Lịch sử bao giờ cũng là điểm khởi đầu để truy nguyên... Xin phép các bạn đôi dòng khái lược!
Ngược dòng lịch sử, chúng ta phải nhìn nhận rằng nền Văn Học Việt Nam ảnh hưởng Trung Hoa rất là sâu sắc trong các giai đoạn Bắc thuộc (Trung Hoa đô hộ), từ ngôn ngữ chữ viết đến văn chương...Khởi đầu từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 939, hơn 1000 năm lệ thuộc...Chúng ta học chữ Hán chẳng qua là giao thiệp tiếp xúc hàng ngày trong suốt thời gian bị đô hộ, đa phần các quan lại Trung Hoa tham tàn, nhũng lạm,chỉ biết vơ vét của cải và vàng bạc...Nhưng cũng có một thiểu số giúp đở dân Việt Nam, do đó chúng ta chỉ học hỏi được trong 3 thời kỳ: một là của Sỹ Nhiếp, hai là Tích Quang, Nhâm Diên và sau cùng là Triệu Ðà…
Cái học từ thời bắc thuộc trở đi cho đến thời Ngô Quyền chỉ là học...để giao tiếp truyền thông với người Tàu, không phải là cái học sâu sắc về mặt văn học.Do đó, chúng ta thật sự không có một tác phẩm Văn Học đồ sộ nào ngõ hầu biểu tượng tính đặc thù của một dân tộc nói chi là so sánh với nền Văn Học Trung Quốc thời bấy giờ. Và hơn nữa, địa hình của Việt Nam chỉ đến Hà Tỉnh là hết (không tới 1/3 diện tích Việt Nam ngày nay) dân số không có là bao, so với một đại quốc hùng cường là Trung Quốc...
Bắt đầu từ thời Ngô Quyền,với chiến công hiển hách qua trận Bạch Ðằng Giang, bắt sống Thái tử Hoằng Tháo của triều đình Nam Hán vào năm 939... đã chấm dứt nền đô hộ của Trung Hoa, tuyên bố nền Ðộc Lập Tự Chủ cuả dân tộc Việt Nam...
Trải qua bao kinh qua,bao thăng trầm,bao biến đổi trong biết bao lần quật khởi chống cường quyền lấn át từ phương Bắc, dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn với 4000 năm Văn hiến trải dài khắp mọi nẻo đường đất nước quê hương. Quá trình giữ nước và dựng nước của Tổ Tiên Việt Nam là một bản anh hùng ca bất tận trong nhân dáng Việt Nam.
Chúng ta đọc sử Việt... không khỏi ngậm ngùi cho kiếp nạn của Tổ Tiên, nhưng người viết cũng yêu cầu các bạn chớ quá bi quan về vấn đề 1000 năm bị đô hộ...Tự vì, xét lại các giai đoạn lịch sử Trung Quốc từ thời Chiến Quốc đến triều Thanh thì dân tộc Hán cũng bị đô hộ hơn 1000 năm bởi các sắc dân mà Trung Hoa cho là Man Ri Mọi Rợ từ phương Bắc:
• Rợ Sơn Nhung (Thiên An, Hà Bắc).
• Bạch Ðịch (Diên An, Thiểm Tây)
• Tây Nhung (Cam Túc, Thiểm Tây)
...nhiều vô kể,
Trong đời Xuân Thu 728-481 trước Tây Lịch, nhà Chu suy nhược, hơn 1000 chư hầu tự do phóng túng đánh chiếm lẩn nhau, một số chư hầu hoàn toàn mất lãnh địa cát cứ vào trong tay các rợ phương Bắc này thành nước Linh Chi (Sơn Nhung), Cô Trúc (Tây Nhung)...
Chư hầu cường mạnh chỉ có 12 nước, thường lấy cớ “ tôn Chu diệt rợ “để sai khiến thiên hạ làm minh chủ...
Nghĩa là,một số dân Tàu đả bị dân rợ phương Bắc đô hộ và thống trị một thời gian không ngắn trong giai đoạn Xuân Thu
Trong đời Chiến Quốc 403 – 256 trước Tây lịch, 7 nước đánh nhau liên miên lịch sử vì bất đồng chính kiến và quyền lợi, hết sức là loạn lạc, dân tình khốn khổ, chết vì đói chết vì bệnh dịch lại thêm cái đám Rợ phương Bắc, thường xuyên quấy phá.
Loạn lạc triền miên, dân rợ phương Bắc vẫn tràn trề nhiễu loạn, hễ triều đại vua chúa nào yếu là chúng không bỏ cơ hội từ thời Lục Triều, Ngủ Ðại cho đến cận kim.
Nổi tiếng nhất là rợ Khiết Ðan thời Ngủ Ðại và nhà Ðường, và thành lập một quốc gia tự trị trên lãnh thổ của con cháu Hoàng Ðế và Thần Nông gọi là Liêu Quốc...Liêu và Tây Hạ cứ tiếp tục nhủng lạm triều Tống hết sức mình...Liệu diệt bởi Ðại Kim thuộc bộ lạc Nữ Chân), thì triều Tống thêm phần ô nhục, vua Tống Hiếu Tông phải gọi Kim Chủ Ung là chú (là em của cha) và cứ hàng năm mà đóng tiền đóng bạc lẫn yêu sách. Triều Tống mạt thật là nhục nhả trong suốt 1115 – 1234 của nước Kim.
Hốt Tất Liệt lên ngôi thiên tử tạo nên nhà Nguyên 1279-1368 chăm nom dân Ðại Hán...
Kế là bộ lạc Nữ Chân sống lại lấy tên mới là Mãn Thanh, tràn vào Sơn Hải Quan, vượt Trường Thành...đem cái bím tóc tặng cho dân Hán từ đầu thế kỷ 17 (1660) cho đến giữa thế kỷ 20.
Nhưng, tất cả những sắc dân làm chủ cương vực Trung Hoa trong những thời đại đó: tất cả đều bị Hán Hóa, chỉ riêng Lạc Việt chúng ta bị chiếm đóng đô hộ cả 1000 năm vẫn...thản nhiên không phai nét một nụ cười, một miếng ăn, một tập tục.
Đó là niềm tự hào Bất Khuất của Tổ Tiên Lạc Việt!
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
Đằng giang tự cổ huyết do hồng
(cột đồng đến nay đã rêu xanh
sông Bặch đằng từ xưa máu còn đỏ )
Từ thời Ngô Quyền cho đến cuối đời nhà Tiền Lê (939 – 1009), nền Văn Học Việt Nam cũng vẫn chưa khởi sắc (nói gì là Phú), tự vì tình thế nhiểu nhương, dân tình loạn lạc, các vị vua chúa lên ngự vì phải tập trung quyền lực vào công việc chỉnh đốn nội an, dẹp loan bốn phương qua các cuộc tranh chấp quyền lực lẫn nhau...
Mãi cho đến cuối triều đại Tiền Lê,Lê Long Ðỉnh là một vị vua hoang dâm vô đạo, vô cùng tàn ác...không làm một điều gì chấn chỉnh hữu ích cho quốc gia trong trong cương vị của một vị Thiên Tử, nhưng lại làm một điều “ phi thường “ cho nền Văn Học Việt Nam.
Năm 1006, Lê Long Ðỉnh cử em là Long Xưởng với Chưởng thư ký Hoàng thanh Nhả đem bạch tê (tê giác trắng...?) sang cống nhà Tống và xin Tứ Thư Ngũ Kinh (Dịch, Thi, Thư,, Lễ, Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ) và Kinh Ðịa Tạng (kinh Phật chữ Phạn gọi là Xripitaka).Vua Tống ưng thuận....Tiếc rằng, bộ Nhạc kinh bị thiêu hũy trong ngọn lửa Tần Thĩ Hoàng...(Trung Quốc và Việt Nam chịu chung số phận thất thoát này!).
Hầu như trên thế giới, mọi nền văn học ít nhiều đều ảnh hưởng đến một trong 4 nền văn minh vĩ đại nhất của nhân loại (Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp và Ai Cập ) qua sự bang giao, cương vực gần gủi, trao đổi và thẩm định sao cho thích nghi nhu cầu nhân sinh của dân tộc đó mà tiến hoá hình thành bản sắc riêng rẻ qua những nền văn minh tối cổ. Việt Nam cũng không vụợt ngoài sự tiếp cận và ảnh hưởng các nền văn minh nhân loại.
Nguồn gốc của Phú :
Trong Văn Học Việt Nam, phú là một hình thức văn học đặc biệt có nhiều giá trị đáng để chúng ta lưu ý và quan tâm.
Theo Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Ðổng Chi:
Phú Việt Nam gồm có phú chữ Hán và phú chữ Nôm.
Phú chữ Hán:
Phú chữ Hán của Việt Nam rập khuôn mẫu theo phú Trung Quốc...Như vậy, trước tiên chúng ta hãy tìm hiễu phú Trung Quốc như thế nào...
Phú rất thịnh hành vào thời nhà Hán, là một loại văn có vần, là sự liên kết giữa thơ và văn xuôi.
Thi sĩ Ban Cố thời Ðông Hán cho rằng phú là một dòng của Cổ thi: Phú giả cổ thi chi lưu
詩 thi (13n) - Tự Ðiển Thiều Chữu
1: Thơ, văn có vần gọi là thơ.
2: Kinh thi.
Chữ “ thi “ dùng để chỉ chung cho các loại văn vần, bao gồm cả dân ca.
Phú bắt nguồn từ dân ca vì trong lời ca điệu hát của dân gian gọi là thể “ phong “. đây là cái mầm của phú. “ Phong “ dần dần biến thành “ Nhã “ và “ Nhã “ lại biến chuyễn dần thành “ Ly Tao “ (tức là điệu Sở Từ - là lời hát trong dân gian của người nước Sỡ). Trong Sỡ Từ có tả cảnh, tả tình, có phô trương, có đối thoại, lời lẽ kiều diễm, bóng bẫy...để người ta ngâm lên được, nên có vần có điệu gần như thơ. Đó là mầm mống tạo hình thức cho bố cục của Phú sau này.
Riêng về phần Nội dung thì là “ trực trần kỳ sự “ (nói thẳng điều mình muốn nói), thường là tả tâm sự và cảnh vật.
Người đầu tiên sở trường về Phú là Khuất Nguyên (340 trước CN) và Tống Ngọc (sau KN), cả hai đều là người nước Sở...
Thí dụ như:
Trích đoạn một phần của “ Thiên Ly Tao “ (Buồn Ly Biệt) của Khuất Nguyên.
Tứ ngọc cầu dĩ thừa ê hề, khạp ai phong dư thượng chinh
Triệu phát nhẫn ư Thương Ngô hề, tịch dư chí hồ Huyền Phố...
…Thời ái ái kỳ tương bãi hề, kết u lan nhi diên trữ
Thế hổn trọc nhi bất phân hề, ỷ Xương Hạp nhi vọng dư...
Nguyễn Hiến Lê trong Cổ Văn Trung Quốc, dịch nghĩa như sau:
Ta cưỡi con Ngọc Cầu, hoặc con Phượng Hoàng hề, vụt theo trận gió mà lên trời
Buổi sáng ta ra đi ở Thương Ngô hề, chiều ta tới Huyền Phố...
…Thời đại nào u ám như đã sẩm tối hề, ta kết những bông lan u nhả mà đứng lâu
Ðời hổn trọc, mà không biết phân biệt hề, thích che cái đẹp của người mà ghen ghét...
***Khuất Nguyên thời Chiến Quốc, người nước Sỡ, với những bài Thiệp Giang Phú, Hoài Sa Phú...nổi tiếng đã mở ra một kỷ nguyên văn học mới lạ đi song hành với Thi ca cổ phong thời bấy giờ...Thiên Ly Tao gồm có 370 câu vừa Thơ vừa Phú...diễn đạt lời than thở thống thiết của Khuất Nguyên trong thời đại lịch sử nhiễu nhương, mỗi câu mổi từ là tiếng thở dài đến ứa lệ trong suốt 370 câu và 2400 chữ... đã được xếp vào một trong những bộ kỳ thư có giá trị tuyệt đối trong văn học Trung Quốc..
Kết ý: Phú Trung Hoa bắt nguồn từ Sở Từ
Phú Trung Quốc bắt nguồn từ đó...Sau khi bình định đất nước, nhà Hán trong thời Hán Vũ Ðế rất là yêu chuộng thể loại thi ca này. Các thi sĩ thời bấy giờ như Ban Cố, Tư Mã Tương Như,Chu Mãi Thần, Lưu An, Ðông Phương Sóc v.v…rất nổi tiếng, và được vua Hán ưu đãi...
Thí dụ như:
Đời Hán thì có:
Ban Cố với bài Lưỡng Ðô Phú,
Tư Mã Tương Như với bài Tử Hư Phú trong lối tán tụng, phô trương.
Ðiếu Khuất Nguyên phú của Giả Nghị diễn đạt tình cảm thương tiếc.
Cam Tuyền Phú của Dương Hùng miêu tả hoa cỏ tươi tốt...
Ðời Nguỵ Tấn: thơ Ngũ Ngôn hình thành cùng với những bài phú trữ tình, đại biểu là Tả Tư với bài Tam Ðô Phú...
Ðời Ðường, phú rất thịnh hành cũng như thơ và cũng bắt buộc phải làm theo luật gọi là luật Ðường phú. Như bài Tiến Học Giải phú của Hàn Dũ...
Ðời Tống với bài Tiền Xích Bích phú của Tô Ðông Pha, bài Thu Thanh Phú của Âu Dương Vĩnh Thục...Thời này, phú đã tiến một bước khá dài từ hình thức cho đến nội dung...Và theo trào lưu của thời đại mà... thăng trầm từ đó.
Như vậy, có thể nói rằng, phú Trung Quốc bắt nguồn từ dân ca, được hình thành với những tác phẩm đầu tiên của Khuất Nguyên, Tống Ngọc thời Chiến Quốc, do sự kết hợp của Sỡ Tử và văn xuôi.
Phú thịnh hành nhất về triều Hán với tính cách phô trương duy mỹ...và đến triều Tống thì phú trở nên một thể loại văn học sâu sắc song hành với thi ca...mà thi hào Tô Ðông Pha, một trong Ðường Tống Bát Ðại Gia là đại biểu.
Khi mà Phú Trung Hoa đang phát triển từng bước một trên con đường văn học Trung Quốc thì lúc bấy giờ nước Việt Nam chúng ta còn...trong thời kỳ Bắc thuộc. Thành ra, có thể nói rằng Phú Chữ Hán của Việt Nam hoàn toàn ảnh hưỡng vào phú Trung Quốc từ nội dung cho đến cấu trúc...
Bài Phú cổ nhất của Việt Nam còn truyền lại là bài Bạch Vân Chiếu Xuân Hải Phú (Mậy trắng dọi biển xanh phú) của Khương Công Phụ (780 – 805).
Nhưng thân thế của Khương Công Phụ không xác định minh bạch...không biết là người Việt Nam hay quan lại nhà Ðường ?. Theo tập Khương Công Phụ sự trạng khảo của Nhữ Ðạm Trai soạn vào năm 1832 dưới thời Minh Mạng, thì ông nội của Khương Công Phụ là Khương Thần Dực ở Ái Châu, Thanh Hoá, nhưng đến đời cha thì gia đình sanh lập nghiệp ở Trung Hoa (???). Khương Công Phụ học thi đổ và làm quan tới chức Bình Chương Sự đời Ðường Ðức Tông, và bài phú này làm ở bên Trung Quốc, thì đương nhiên thuộc về văn học Trung Hoa...
Nhưng xét lại, thì trong thời Bắc thuộc, Trung Quốc bắt nước ta phải tiến người tài giỏi trong lục nghệ thì trường hợp của gia đình Khương Công Phụ có còn được xem là người Việt hay chăng ? Ðó là câu hỏi cần phải đặt ra...Tuy vậy, nguyên văn của bài Phú này trong bộ Uyên Giám và Văn Uyển Anh Hoa của Trung Quốc...
Mây trắng dọi biển xanh phú
Mây trắng ùn ùn, kéo la đà ở trên mặt biển xuân
Khoảng không sách bạch, tầng biếc trải trăng
Bóng sắp so le bao bọc chung quanh cõi nhật
Vẻ lồng lộng chập, rẽ chia cách nẻo cung trăng...
Sảng Ðình dịch - Theo Việt Nam Cổ Văn Học Sử của Nguyễn Ðổng Chi.
Mãi cho đến đời nhà Hậu Lý, phú bắt đầu xuất hiện nhưng không nổi tiếng cho lắm và đến nay không còn lưu truyền lại.Phải đợi đến thế kỷ thứ 13, suốt hơn 200 năm,nhà Trần, phú chữ Hán mới rõ nét và bắt đầu thịnh hành. Trong Kiến văn tiểu lục, mục Thiên chương, Lê Quý Ðôn đã phải khen phú đời Trần như sau:
“Ðời Trần có nhiều bài phú lạ kỳ, hùng vĩ, trôi chảy, tốt đẹp, bố cục và cách điệu thi gần như lối phú của đời Tống “
Bài Bạch Ðằng Giang Phú của Trương Hán Siêu tả lại trận chiến Bạch Ðằng Giang của Trần Hưng Ðạo, gợi lại cảnh chiến đấu oai hùng ngày xưa và nói lên những cảm xúc của tác giả, khiến người đọc thấy được cái vẻ đẹp hùng tráng của Tổ Quốc, phấn khởi và tự hào về Tổ Tiên và Ðất Nước..
Bạch Ðằng Giang Phú
Phú:
Khách có kẻ:
Chèo quế bơi trăng
Buồn mây trong gió
Sớm ngọn Tương kia
Chiều hang Vũ nọ
Vùng vẫy Giang, Hồ
Tiêu dao Ngô, Sỡ
Ði cho biết đây
Ði cho biết đó
Chằm Vân, Mộng chứa ở trong kho tư tưởng, đã biết bao nhiêu:
Mà cái chí khí tứ phương, vẫn còn hăm hở
Mới học thói Tử Trường
Bốn bể ngao du
Qua cửa Ðại Thần
Sang bến Ðông Triều
Ðến sông Bạch Ðằng
Ðủnh đỉnh phiếm chu
Trắng xoá sóng kình muôn dậm
Xanh rì dặng ác một màu
Nước trời lộn sắc
Phong cảnh vừa thu
Ngàn lau quạnh cõi
Bến lách đìu hiu
Giáo gãy đầy sông
Cốt khô đầy gò
Ngậm ngùi đứng lặng
Ngắm cuộc phù du
Thương kẻ anh hùng đâu vằng tá ?
Mà đâu đây vết vẫn còn lưu
Kìa kìa bên sông, lảo phủ người đâu ?
Lượng trong bụng ta, chừng có sở cầu
Hoặc gậy chống trước, hoặc thuyền bơi sau.
Vái tạ mà thưa rằng: Ðây là chỗ chiến địa của vua Trần bắt giặc Nguyên, và là nơi cố châu của vua Ngô phá quân Lưu đấy.
Ðương khi:
Muôn đội thuyền bày, hai quân giáo chỉ
Guơm tuốt sáng lòe, cờ bay đỏ khé
Tướng Bắc quân Nam
Ðôi bên đối lũy
Ðã nổi gió mà bay mây
Lại kinh thiên mà động địa
Kìa Nam Hán nó mưu sâu
Nọ Hồ Nguyên nó sức khoẻ
Nó bảo rằng: Phen này đạp đổ nước Nam, tưởng chừng cũng dễ.
May thay:
Trời giúp quân ta
Mây tan trận nó
Khác nào như quân Tào Tháo bị vỡ ở sông Xích Bích khi xưa.
Giặc Bồ Kiên bị tan ở bến Hợp Phì thuở nọ
Ấy cái nhục tầy trời của họ, há những một thời
Mà cái công tái tạo của ta, lưu danh thiên cổ
Tuy vậy, từ thuở có trời có đất, vẫn có giang san
Trời đất ra nơi hiểm trở
Người tính lấy cuộc tôn an
Hội nào bằng hội Mạnh Tân như vương sư họ Lã
Trận nào bằng trận Duy Thuỷ như quốc sĩ họ Hàn
Kìa trận Bạch Ðằng này mà đại thắng
Bởi chưng Ðại vuơng coi thế giặc nhàn
Tiếng thơm còn mãi
Bia miệng bao mòn
Nhớ ai sa giọt lệ
Hổ mình với nước non
Rồi vừa đi vừa hát rằng
Sông Ðằng một giải dài ghê
Luồng to sóng lớn dồn về bể Ðông
Trời Nam sinh kẻ anh hùng
Tăm kình yên lặng, non sông vững vàng
Khách lại nối mà hát rằng
Triều ta hai vị thánh nhân
Sông kia còn dấu tẩy trần giáp binh
Nghìn xưa gẫm cuộc thăng binh
Tại đâu đất hiểm, bởi minh đức cao
Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch
***Truơng Hán Siêu, tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Thành, tỉnh Ninh Bình. Ông được bổ Hàn lâm học sĩ năm 1308 và mất năm 1834. Ông làm quan dưới bốn triều vua: Trần Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, và Dụ Tông. Ông để lại:
Bạch Ðằng Giang Phú
Linh Tế tháp ký
Khai Nghiêm bi ký
***Bạch Ðằng Giang: sông Bạch Ðằng là một phụ lưu của sông Thái Bình, chảy qua tỉnh Quảng Yên và đổ ra cửa Nam Triệu. Ở đây, năm 939, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán, bắt sống thái tử Hoằng Tháo, con vua Hán Lưu Cung, bằng kế cấm cọc gỗ nhọn dưới sông. Hơn 300 năm sau, Trần Hưng Ðạo cũng diệt quân Nguyên bằng kế ấy...
Một số bài phú chữ Hán đời Trần được ghi chép lại trong cuốn Quần Hiền Phú Tập của Hoàng Sằn Phu năm 1414:
• Quan chu ngọc phú - Nguyễn Hữu Bật
• Bàn khê điếu hoàng phú - Trần Công Cận
• Trảm xà kiếm phú - Sư Hi Nhan
• Cần chính lân phú - Nguyễn Pháp
• Thiên thu kim giám phú - Phạm Ðình Khê
• Ngọc tỉnh liên phú - Mạc Ðỉnh Chi
• Bạch đằng giang phú - Trương Hán Siêu
• Thiên hưng chấn phú - Nguyễn Bá Thông
• Cảnh tỉnh phú – Ðào Sĩ Tích
• Diệp mã phi phú - Nguyễn Phi Khanh
• Thang bàn phú - Khuyết Danh
• Ðông hồ bút phú - Khuyết Danh.
Tiếp nối nhà Trần là nhà Hồ, chúng ta không có tài liệu nào minh bạch rõ ràng về Phú Chữ Hán trong triều đại này, có lẽ vì thời gian ngắn ngủi, và sự việc biến động trong nước liên tục và dân tình bất phục họ Hồ...
Cuộc khởi nghĩa cũa Lê Lợi, người anh hùng áo vải Lam Sơn, trong suốt 1o năm kháng chiến chống quân Minh đã giành lại độc lập cho nước nhà thoát khỏi ách bạo tàn của nhà Minh...Chém Trần Hợp ở Tuỵ Ðộng, vây hãm Ðông Ðô, buộc Vương Thông 2 lần xin hòa, phá tan 10 vạn quân giặc ở Chi Lăng, chém An Viễn Hầu Liễu Thăng (hổ tướng của Minh Thành Ðế) cầm tù Thôi Tụ, giam giữ Hoàng Phúc, đuổi Mộc Thạnh chạy ra khỏi Cao Lạng...
Bấy nhiêu đó được thể hiện trong bài Xương Giang Phú của Lý Tử Tấn, Chí Linh Sơn của Nguyễn Mộng Tuân và Nguyễn Trãi.
Phú Xương Giang
Trời đất khéo đặt
Non sông vốn thiêng
Nơi đây vũ công lừng lẫy
Giúp nên đất nước bình yên
Lạch thiên nhiên của trời Nam sẵn có
Mở thái bình cho đất Việt khắp miền
Ấy Xương giang, một sông hình đẹp
Mà dấu thơm, muôn đời còn truyền
Này xem:
Cồn cát rải rác
Bãi lau rườm rà
Ầm ập sóng vỗ
Dồn dập nước sa
Không sâu không nông
Dễ lội, dễ qua.
Một lá vượt sang, không hiểm như Cù Ðường Diễm Dự
Ném roi thẳng tới, không lo như Hắc Thủy Ðại Hà
Thời ấy:
Giặc Minh sang lấn
Lập trại, đấp thành
Chiếm giữ đất cát
Tàn hại sinh linh
Ðức Thái tổ ta:
Quân có một toán
Ðất có một thành
Thấy dân cực khổ
Ðộng mối thương tình
Bèn theo lòng trời
Bèn họp nghĩa binh
Những tướng tay chân, tâm phúc,
Thiếu chi Tín, Bố, Lương, Bình
Quân tới, khắp nơi theo phục
Nghe tin các nước hoan nghênh
Rồi:
Xương Giang phá trại
Ðông Quan hạ thành
Hẹn một phen quét sạch
Cho bốn cõi yên lành
Thế nhưng:
Bọn cuồng đồ kia,
Lại kéo tràn sang
Xe chạy từng lượt
Cờ bay từng hàng
Quân đông như kiến
Khoe bô hùng cường
Lấn cướp,phá phách,
Ðông dỡ, ngang tàng
Khiến cho con ếch giận tới phềnh bụng
Mà con bọ ngựa tức phải giơ càng
Bấy giờ:
Thần xui nên mưu chước
Trời giúp bậc khoan nhân
Sắp quân và kén tướng
Ðánh giặc để cứu dân,
Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường bội sức
Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân
Này Pha Lũy, Kê Lăng, trận nọ oai hùng đã dậy,
Lại Bình Than, Lộng Nhãn, trận kia thế mạnh khôn ngăn.
Sấm vang, chớp nhoáng
Ra quỉ, vào thần
Giặc kia mất vía
Phải tan nát dần
Kết quả đến:
Bắt Thôi Tụ, giết Liễu Thăng
Lý Khánh nộp mạng
Hoàng Phúc đầu hàng
Toán này xô nhau trở giáo
Toán kia bỏ chạy cùng đàng
Xương chất thành núi
Máu chẩy đầy hang
Bốn cõi mây mờ quét sạch
Giữa trời ánh sáng huy hoàng
Kìa trận Hợp Phì oanh liệt khi trước, trận Xích Bích toàn thắng khi xưa, sao được bằng đây vẻ vang
Than ôi!
Có đức, công mới lớn
Có người, đất mới linh
Giữ nước không cốt ở hiểm yếu
Giữ dân không cốt ở hùng binh
Lòng trời mà đã giúp
Sức người đâu dám tranh.
Vậy con sông này:
Nếu không gặp Thánh Tổ, sao được gọi là hiểm ?
Nếu không nhân chiến thắng, sao được truyền mãi danh ?
Ðó thật:
Dân mến người chí đức
Trời giúp bậc chí thành
Nay kính đặt theo mấy câu ca rằng:
Ðức nhà vua thịnh, non sông linh
Áo nhung một mảnh, võ công thành
Từ đây khắp cõi đều yên lành
Kéo nước Ngân Hà rửa giáp binh
Sông đây, đất ấy,
Muôn thuở thanh bình
Trịnh Ðình Rư dịch - Hoàng Việt thi văn tuyển.
***Lý Tử Tấn, người làng Triều Ðông, huyện Thượng Phúc, (nay là huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây) đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn nhà Hồ (1400). Ông theo Lê Lợi kháng chiến và giữ chức Văn cảo.
Ông để lại tập thơ Chuyết Am.
***Xương Giang: tên một thành trên bờ sông, ở xã Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Thương, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Trương Phụ sang đánh nước ta, có đóng quân tại thành này...Về sau bị Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Xí dùng phép độn thổ giáp binh chiếm được vào tháng 9-1427.
Từ đó Phú chữ Hán của Việt Nam tiếp tục phát triển về hình thức kết cấu ngôn từ ngày thêm điêu luyện hơn và nội dung truyền đạt tư tưởng trung quân ái quốc và tình cảm thiết tha với sự vật vây quanh, khen ngợi cổ vũ và phê bình đã kích trong lòng yêu nước sôi nổi nêu cao tinh thần ái quốc của con dân xứ Việt...
Thí dụ như:
Chí Linh Sơn Phú
…Vì bởi: biết thế địch, biết sức mình, khi thu hẹp, khi khuếch trương
Chờ thời hội chực khi thuận lợi,giấu oai hùng, nào để hở hang
Nằm gai chẳng quản, nếm mật là thường
Lo rửa thẹn xưa nghìn thuở, để phục đất cũ bốn phương....
Nguyễn Trãi.
• Bài Phú này ca ngợi núi Chí Linh, căn cứ địa kháng chiến của Lê Lợi, ở vùng Tây Bắc, tỉnh Thanh Hoá, thuộc huyện Lang Chánh, giáp giới biên thuỳ phía Ðông nước Ai Lao.
hoặc tả cảnh trình bày sự tình khuất tất nghiêm trang:
bài Ngọc Tỉnh Liên Phú
…Chẳng phải như đào trần lý tục,
chẳng phải như trúc lãnh mai gầy
Câu kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì
Gian Ðào Lịnh cúc đâu ví được
Vườn Linh Quân lan sá kể gì
Ấy là giống sen giếng Ngọc trên đầu núi Thái Hoa đây...
Mạc Ðỉnh Chi.
• Bài Phú này được làm lúc ông thi đỗ Trạng Nguyên, nhà vua thấy ông tướng xấu không muốn cho đỗ trạng, nên ông làm để tỏ ý....Thạch Trung Ẩn Ngọc! (giống sen là một thứ hoa quân tử, mọc ở giếng Ngọc...hình tượng cao qúi, tâm tình nghiêm trang...vì nước vì dân chớ há vì danh lợi!...mà vua xem thường!)
Quả nhiên sau này, ông đã không phụ lòng...
hoặc khích lệ tinh thần ái quốc như bài:
Lương Ngọc Danh Sơn Phú
Sao chẳng thấy đồng bào ta ở Á Châu
Anh hùng sôi nổi chí sĩ tranh đua
Cụ Nam Hải giữa trung châu cổ động
Chàng Ðông Sơn bên đường rộng khóc ù
Người đều biết xấu hổ
Ta sao không thẹn thò ?
Nhà yến tước khá nên vui gượng
Ðộng Bạch Lộc khen khéo bày trò...
…Bởi một thời làm sai chính sách
Ðể muôn đời cam chịu tai ương
Xem cái việc sở hành, tìm cái điều sở dục
Quân đội lấy gì hùng cường, tài chính lấy gì sung túc
Dân trí lấy gì mở mang, nhân tài lấy gì giáo dục
Than ôi đau xót thay!
dần dà cho đến ngày nay chịu điều khổ nhục....
Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp - Huỳnh Thúc Kháng
• Bài phú này do 3 ông Phan Chu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng làm năm 1905...Trên bước đường cổ động lòng yêu nước của mọi người, đi ngang qua Bình Ðịnh thì gặp kỳ thi tiểu thí để kiểm tra xem học sinh nào có học lực khá cho đi dự kỳ thi Hương năm sau.Ba ông trà trộn vào đám sĩ tử. Ðầu đề thi gồm có một bài thơ Chí thành thông thánh và một bài phú Lương ngọc danh sơn. Ba ông cùng làm một bài thơ và bài phú viết chung một quyển ký tên là Ðào Mộng Giác (mộng giác có nghĩa là tỉnh mộng). Bài của 3 ông không “ăn “ với tựa đề thi, mà chỉ gợi lòng yêu nước...tất nhiên 3 ông hỏng thi! Nhưng bài thơ Chí Thành Thông Thánh và nhất là bài phú Lương Ngọc Danh Sơn Phú thì...nổi tiếng khắp mọi miền đất nước trong giới học sinh và trí thức!
Dĩ nhiên, 3 ông phải trốn tránh trước sự truy tầm của chính quyền đương thời...
Sơ lược phú Chữ Hán trong Văn Học Việt Nam:
Như đã trình bày phần trên, phú chữ Hán của Việt Nam ngay từ lúc hình thành đã chịu nhiều thua sút so với phú Trung Quốc do từ những nguyên nhân chính sự bất an...Sau khi quốc gia ổn định, dân tình an cư...thì Phú chữ Hán bắt đầu xuất hiện vững vàng và tiến triển.Bắt đầu từ thời Hậu Lý còn phôi thai chập chững thì...đến đời Trần đã biến dạng, tỉ như loài bướm từ lớp ấu trùng xấu xí thành cánh bướm muôn màu rực rỡ...Không kém sút chút gì so với phú Trung Quốc thời cực thịnh... Mà lời bình luận của Học giả Lê Qúy Ðôn trong Kiến Văn tiểu lục ở phần trên: không chút gì là quá đáng thiên vị.
Và từ bước đường tiến hoá đó, Phú Chữ Hán vẫn tiếp tục duy trì và góp phần sâu sắc vào nền văn học Việt Nam...Ngày nay, số người biết Hán văn có lẽ không còn bao nhiêu nữa, và số người người tinh thâm Nho học lại càng hiếm hoi thêm...
Tuy thế, người viết cũng vẫn hy vọng vào tinh thần văn học của mọi người Việt sẽ mãi duy trì nền văn học đặc thù này.
Phú chữ Nôm:
Trước khi chúng ta tìm hiểu về Phú Chữ Nôm hay còn gọi là Phú Tiếng Việt, chúng ta cần phải tìm hiểu phần nào nguồn gốc của chữ nước ta.
Nguồn gốc của Việt Ngữ.
Nguồn gốc tiếng nói của một dân tộc lẽ dĩ nhiên phải gắn liền với nguồn gốc của dân tộc đó...
Có nhiều giả thuyết đưa ra xác định nguồn gốc xuất xứ của dân tộc Việt Nam. Nhưng chỉ có một giả thuyết là có mức độ khả tín khá cao do từ những nghiên cứu tìm tòi của các nhà khảo cổ, nhân chủng học và các học giả. Xin tóm lược sau đây:
Tổ tiên chúng ta nằm trong nhóm Bách Việt, sống rải rác bờ phía Nam sông Dương Tử (Trung Hoa), để tránh sự đồng hoá của Tàu nên đã tách rời ra khỏi nhóm Bách Việt. Ðó là nhóm Lạc Việt (Sử Trung Hoa và Việt Nam đều ghi lại sự kiện quan trọng này). Tổ tiên Lạc Việt chúng ta di cư xuống miền Nam...cho tới địa phận Bắc phần ngày nay...Tất cả chỉ là giả thuyết! Nhưng giả thuyết này được hầu hết các nhà nghiên cứu chấp nhận qua các dữ kiện Cổ Sử giữa đôi bên (Tàu và Việt Nam)
Và theo các nhà nhân chủng học và ngôn ngữ học thì xét về phong tục, lịch sử, cũng như ngôn ngữ, ta thấy người Việt Nam chúng ta có nhiều điểm giống với người Mường, một nhóm dân tộc thiểu số sống rải rác trên các triền nuí từ Ðà giang vào đến Thanh Nghệ. Các nhà khảo cứu cho rằng người Việt cùng một tông tổ với người Mường...
Ngưòi ta cho rằng: vào thời xa xưa trong cổ sử, để tránh nạn đồng hoá của Tàu, nhóm Lạc Việt đã đến định cư ở Bắc phần nước Việt Nam ngày nay. Nhóm Lạc Việt khi di cư đến đây đã định cư rải rác trên khắp miền đồng bằng hay thượng du Bắc phần. Người Mường sống cô lậu trên rừng nùi thương du nên rất là chậm tiến, ngược lại người Việt nhờ điều kiện sinh hoạt thuận lợi nên đã phát triển và biến đổi về mọi mặt...Thuyết này thoả thuận với huyền thoại Âu Cơ và Lạc Long Quân, sinh ra 100 trứng, 50 con xuống biểnvà 50 con lên rừng...
Xét về phần ngôn ngữ, thì hiện nay tiếng Mường có rất nhiều tiếng tương tự với Việt ngữ, có thể coi tiếng Mường là hình thức tiếng tối cổ của Lạc Việt tương đương...
Thí dụ như
: một, hai, ba, trời, đất, núi, sông, trâu, gà, tát nước vào ruộng, tằm ăn lá dâu...
Thì trong tiếng Mường là môc, hal,pa,tlỡy,tất,nủy, không, tlu,kã, tát dãk pao nã, thảm ăn lá tô…
Trích từ: Note linguistique our les Muong, BEFEO, T.5, trang 338 – 339 của A. Chéon.
Rất nhiều nhà nghiên cứu về ngôn ngữ học cũng có đồng quan điểm trên..
Như vậy, trước khi chúng ta bị Trung Hoa đô hộ 1000 năm, thì ngôn ngữ chúng ta dùng là tiếng Mường ngày nay...chớ không thể nào nói rằng: nước ta trước thời Bắc thuộc...không có ngôn ngữ diễn đạt!
• Lưu ý: Từ tất cả dự kiện trên để đi kết luận rằng: “ Tiếng Việt cổ xưa là tiếng Mường này nay “, là sự tìm tòi nghiên cứu tận tụy của các học giả, các nhà khảo cổ, dựa vào từng yếu tố quan hệ mà truy tầm lai lịch nguyên uỷ của dân tộc Việt Nam...mà các học giả Phạm Thế Ngữ, Nguyễn Ðổng Chi, Toan Ánh... ghi lại. Thì nơi đây, tuy rằng sơ lược lại, người viết cảm thấy học thuật còn kém cõi nên rất thành thật mong mỏi các vị trưởng bối chỉ điểm cho những điều thiếu sót hay sai lầm trong vấn đề nêu trên, một vấn đề cần có sự hợp lý chính xác...
Trong 1000 năm Bắc thuộc, học thuật, văn tự người Tàu tràn sang Giao Châu. Người mình học tiếng Tàu đế tiếp xúc kẻ chiến thắng, tất nhiên rằng tiếng nói của mình chịu nhiều ảnh hưởng người Trung Hoa...Bắt đầu 939, sau khi Ngô Quyền dành lại quyền tự trị của Việt Nam, chúng ta cũng vẫn dùng chữ Hán để làm văn tự quốc gia. Ta học chữ Hán, nhưng phát âm theo cách thức riêng của ta, và người Tàu không thể nào hiểu nối tiếng Hán Việt của người nước ta… Việc vay mượn chữ Hán để tạo ra những tiếng Việt ấy thường theo 2 cách sau đây:
• Một là đem nguyên những chữ Hán Việt âm mà Việt hoá.
Thí dụ: phong lưu, đài các, kính trọng, khinh bỉ, thiên địa, trần ai...
• Hai là phỏng theo những chữ Hán Việt âm mà đọc trệch (trại) ra một âm gần gũi để Việt hoá.
Thí dụ: bằng (do chữ bình – Hán) ; bia (bi), cầu (kiều), gần (cận), chay (trai), vái (bái) v.v…
Chữ Nôm có từ bao giờ ?
Ðây là một câu hỏi, chưa ai có đũ bằng chứng khẳng định có câu trả lời minh xác được...
Theo ông Nguyễn văn San, tự là Hải Du Tử, biệt hiệu Vân Ða cư sĩ, sống vào đời vua Tự Ðức, trong bộ Ðaị Nam Quốc Ngữ Quốc Văn Tùng Ký do ông soạn ra và Phan Văn Diêu chú thích...thì
…chữ Nôm có từ đời Sĩ Nhiếp (178 – 266) từ chữ Hán dựa vào 2 phương cách trên đặc ra chữ Nôm dùng để dịch những sách truyện Trung Hoa ra Việt ngữ mà dạy dân Giao Chỉ..
Theo nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký thì chữ Nôm có trước đời của Sĩ Nhiếp…
Thuyết cuối cùng, có phần phù hợp với 2 thuyết trên là theo Sử liệu Việt Nam chúng ta (bất cứ Sử Việt nào) đều có ghi chép rằng:
Vào năm 791, Phùng Hưng là người nước ta, nổi lên đánh quan Ðô Hộ Tàu và giữ việc cai trị trong ít lâu, ông được lòng dân và mọi người tôn ông là Bố Cái Ðại Vương...Hai chữ Bố Cái là tiếng Việt Nam thuần tuý, nếu như mà mọi người dân Giao Châu đem hai tiếng đó tôn vinh cho người chủ tễ trong nước thì chắc chắn rằng trong nước đã có chữ để viết hai từ: Bố Cái, và chữ đó nhất định là chữ Nôm của chúng ta...
Chữ Nôm dùng nhiều trong triều đại nhà Trần (1225 – 1398), ngoài Hàn Thuyên còn nhiều học giả khác dùng chữ Nôm như Nguyễn Sĩ Cố, Hồ Qúy Ly...Tập thơ kể chuyện Vương Tường (hay Chiêu Quân) do các văn nhân vô danh làm để chỉ trích vua Trần Anh Tông đem Huyền Trân công chúa gả cho vua Chiêm Thành.
Hơn nữa, người ta còn tìm thấy ở Hộ Thanh Sơn ở tỉnh Ninh Bình một tấm bia đề năm 1343 (Trần Dụ Tông, Thiệu Phong thứ 3) trên có khắc 20 tên làng bằng chữ Nôm, đó là một chứng tích khẳng định về chữ Nôm xưa còn truyền lại đến ngày nay...
Và riêng về chữ Quốc ngữ ra đời vào đầu thế kỷ thứ 17 do công trình của các vị linh mục Francesco de Pina, Gaspar d'Amaral, Antonio Barbosa và nhất là linh mục Alexandre De Rhodes cùng với một số các thầy phụ đạo Việt Nam góp ý trong các ngôn từ phản ánh địa phương tính. Linh mục Alexandre De Rhodes đã có công rất lớn trong việc góp phần sửa sang và hoàn chỉnh bộ chữ Quốc Ngữ mà chúng ta dùng ngày nay. Đặc biệt là ông đã dùng mẫu tự hiện đại (24 chữ cái) để biên soạn và ấn loát lần đầu tiên bộ từ điển Việt - Bồ - La (trong đó có phần về ngữ pháp tiếng Việt) và cuốn Phép giảng tám ngày. Về phương diện ngôn ngữ học thì cuốn diễn giảng vắn tắt về tiếng Việt Ngữ này (in chung trong từ điển) có thể được xem như công trình đầu tiên khảo cứu về ngữ pháp. Riêng quyển Phép giảng tám ngày có thể được coi như tác phẩm văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ, sử dụng lời văn tiếng nói bình dân hàng ngày của người Việt Nam trong thế kỷ thứ 17.
Tuy chữ Quốc ngữ của Alexandre De Rhodes năm 1651 trong cuốn từ điển Việt - Bồ - La đã khá hoàn chỉnh nhưng cũng phải chờ cuốn Tự điển Việt - Bồ - La (1772) ra đời, tức là 121 năm sau, với những cải cách quan trọng của Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine, gọi tắt là linh mục D!Adran, thì chữ Quốc ngữ mới có diện mạo giống như hệ thống chữ Việt mà chúng ta đang dùng hiện nay.
Ðôi phần sơ lược về tiến trình hình thành tiếng Nôm và tiếng Việt ngày nay, xin ngừng nơi đây để trở lại đề tài chính...
Văn chương chữ Nôm xuất hiện và lưu dụng từ thế kỷ 13 thì đây cũng là thời điểm bắt đầu của phú chữ Nôm. Khởi đầu là Hàn Thuyên bài “ Văn Tế Ngạc Ngư “...theo thể Ðường luật..., nhưng những bài Phú do Nguyễn Sĩ Cố sáng tác...đều thất lạc! Và trong đời Trần, chữ Nôm tuy rằng đã xuất hiện từ lâu vào thế kỷ thứ 8, nhưng vẫn chưa được quảng bá cho lắm, cho nên phú chữ Nôm chưa có điều kiện phát triển mạnh mẽ...
Văn Tế Ngạc Ngư
Ngạc ngư kia hởi! Mày có hay!
Biển đông rộng rãi là nơi mày!
Phú Lương đây thuộc về thánh vực
Lạc lối đâu mà lại tới đây ?
Há chẳng biết rằng nước Việt xưa,
Dân quen chài lưới chẳng tay vừa,
Đời Hùng vẽ mình, vua dạy bảo
Xuống nước giao long cũng phải chừa!
Thánh thần nối dõi bản triều nay
Dấy từ hải ấp ngôi trời thay
Vũ công lừng lẫy bốn phương tĩnh
Bể lặng sông trong mới có rày
Sài lang xa dấu dân cày cấy
Nhân vật đều yên đâu ở đấy
Ta vâng đế mệnh bảo cho mày,
Lại về bể đông mà vùng vẫy!
Trích từ Văn Tế cá sấu của Hàn Thuyên
Dưới đời Hồ Quý Ly, Hồ Tôn Thốc có soạn cuốn Phú học chỉ nam, và Nguyễn Phi Khanh (cha của Nguyễn Trải) cùng nhiều danh sĩ có làm bài phú Con Ngựa Lá để ca ngợi cảnh vật kỳ lạ của đất nước...
Phú Con Ngựa Lá
Có một vật chừ rất bé nhỏ. Ðua điều xảo chừ của tạo hoá ;
Rằng quái, rằng thiêng. Rằng kì, rằng lạ.
Hình đầu giống sâu. Thân toàn những lá.
Tra tròn giấy má sách xưa. Ðều chẳng một ai biết có.
Ðó chính là vật trên cây ở Sơn trang Kim Âu mà hoá thành con ngựa lá.
Xem nó:
Phô vẻ rậm rì, thơm phấn tốt lạ.
Trên lưng chừ liên tiếp nối xương, ngang bụng chừ lờ mờ in lốt.
Cái móng cái sừng. Ai cắt, ai lột.
Tưởng hồng hoang thuở xưa ; Giống long mã như một.
Ðược ghi lại trong Việt Nam Cổ Văn Học Sữ - Nguyễn Ðổng Chi.
Cuối đời nhà Trần, những cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Quý Khoách, Giản định Ðế đều đi đến thất bại...Do đó những bài phú Nôm có xu hướng ngậm ngùi, bi thương ; thương xót người chiến sĩ và căm thù quân xâm lược nhà Minh...(Bài văn tế của Trần Trùng Quang tặng Nguyễn Biễu)
Trong hai thế kỷ 16 và 17, phú tiếng Việt đã bắt đầu phát triển nhưng cũng không được mạnh mẽ cho lắm. Những bài phú nổi tiếng như:
Đại Đồng Phong Cảnh Phú: điển hình của thể phú tả cảnh tả tình, phép biền ngẫu liền lạc làm ý từ mạnh mẽ cuồn cuộn như từng lớp sóng chồng lên nhau tiếp nối...
Chưng xem:
I- Ðặc khí thiêng liêng. Nhiều nơi thanh lạ.
Non xuân sơn cao thấp triều tây. Sông Lôi Thủy quanh co nhiễu tả.
Ngàn Tây chìa cánh phượng, dựng thuở hư không
Thành nước uốn hình rồng, dài cùng dãy đá
Ðùn đùn non yên ngựa, mấy trượng khỏe thế kim thang.
Cuồn cuộn thác con voi, chín khúc bền hình quan tỏa.....
II- Thêm có:
Lâu đài kể nước. Hoa cỏ hướng dương
Thược dược khéo mười phần tươi tốt
Mẫu đơn khoe hết bực giàu sang
Hây hây ngõ hạnh, tường đào, quanh nhà Thái Tổ.
Thảy thảy đường hoè, dậm liễu, bóng gió thiều quang
Má hồng điểm thức yên chi đầy vườn hạnh, đầy vườn hạnh, xem bằng quốc sắc.
Quần lục đượm thêm mùi long não, dẫy tường lan, nức những thiên hương....
Nguyễn Hãng
Ðến thế kỷ thứ 18 đến thế kỷ 19, phú chữ Nôm bắt đầu phát triển mạnh mẽ cùng với sự hưng phấn của nền văn chương chữ Quốc ngữ. Cuộc phân chia Nam Bắc suy tàn theo liền với cuộc khởi nghĩa của 3 anh em Tây Sơn và thời kỳ lưu vong của Nguyễn Ánh...Ðã đem lại nhiều sinh khí cho phú chữ Nôm, thời kỳ hưng thịnh nhất trong văn học Việt Nam.
Bài Tụng Tây Hồ phú cũa Nguyễn Huy Lượng ca ngợi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đi liền với bài Chiến Tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái chê bai Tây Sơn cùng Nguyễn Huy Lượng so với nhà...vãn Lê thì chỉ là ngụy mà thôi...
Bài Bắc Sở Tự Tình Phú của Lê Quýnh: đau xót lưu luyến thương tiếc triều Lê mạt.
Bài Trương Lương Hầu Phú của Nguyễn Hữu Chỉnh: tự ví mình như Trương Lương đi tìm chân chúa
Bài Hàn Vương Tôn Phú của Ðặng Trần Thường: nổi niềm oán trách...vì bị vua ghét bỏ.
Bài Tài Tử Ða Cùng Phú của Cao Bá Quát...
Văn Tế Chíên Sĩ Trận Vong của Nguyễn Văn Thành
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh của Nguyễn Du...
v.v…
Thật là muôn màu muôn vẻ, mỗi bài Phú hầu như là một tuyệt phẩm của Văn chương, văn từ điêu luyện, ý tượng thâm sâu...
Hẳn nhiên rằng, những biến đổi của lịch sử của một quốc gia bao giờ cũng ảnh hưởng thật sâu sắc trong văn học của quốc gia đó...Thời nhiễu nhương 100 năm Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn bất tài nhu nhược, ký kết biết bao là hiệp ước bất bình đẳng, nhượng bộ bao chủ quyền quốc gia cho giặc Pháp... dân tình khổ sỡ biết là bao dưới ách thống trị của người Pháp...Tất nhiên, sự đè nén áp bức nào cũng có sự bộc khởi phản đối mãnh liệt của nó...Ngoài những cuộc khởi nghĩa kháng chiến dành lại độc lập một cách trực diện với quân thù, văn chương cũng góp phần quan trọng trong tiến trình tranh đấu, tất nhiên Phú thi cũng chẳng chịu thua kém gì so với những tác phẩm văn chương đương thời...
Bài Phú nổi tiếng nhất thời Pháp thuộc là bài:
Lương Ngọc Danh Sơn Phú do 3 nhà cách mạng Việt Nam sáng tác (Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng)...
Ngoài ra còn có những bài:
Hồ Gươm Phú, Dân Ngu Phú của Tú Mỡ - Nguyễn Trọng Luật.
Phú Ông Ðồ Nho của Bùi Huy Phồn...
Dương Liên Mạ Nguỵ Trung Hiền Phú (Khuyết Danh – ý mắng Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Ðộ làm tay sai cho Pháp truy diệt người yêu nước)...
Kết luận
Mục đích của bài viết này, người viết thiết tha trình bày cùng mọi người một thể loại văn chương trong nền văn học Việt Nam có cơ nguy…mai một!
Phú Thi đã trãi qua biết bao thăng trầm của lịch sử, được tổ tiên chúng ta hết lòng gầy dựng, tạo nên những áng văn tuyệt tác, so với văn học nước ngoài thật là không chịu bề sút kém...
Nay chúng ta đành để Phú Thi phó mặc với thời gian, bỏ lại sau lưng hay sao ? Qua từng các website, từng trang tạp chí...thi văn có chỗ đứng thật vững vàng, nếu không muốn nói là phong phú, thì tại sao chúng ta không đưa Phú Thi vào địa vị tương tự như thi ca để phát huy nét đẹp của nền Văn Học Việt Nam...
Xin nhớ cho rằng:” Không có sự việc nào khó khi mà chúng ta có quyết tâm! “
Mong lắm thay!
Tài liệu tham khảo:
Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển - Dương Quảng Hàm.
Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.
Quốc Văn Cụ Thể - Ưu Thiên Bùi Kỷ.
Việt Nam Văn Khảo – Phan Kế Bính.
Văn Học Phân Tích Toàn Thư - Thạch Trung Giả.
Văn Hoá Việt Nam, Những nét Ðại Cương - Toan Ánh.
Việt Nam Cổ Văn Học Sử - Nguyễn Ðổng Chi
Thi Ca Cổ Ðiển - Bảo Vân sưu tầm và chú thích.
Văn Học Ðời Lý - Ngô Tất Tố
Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên - Phạm Thế Ngữ
Kiến Văn Tiểu Lục - Lê Quí Ðôn.
Phú Việt Nam – Phong Châu Nguyễn Văn Phú.
Ðiạ Lý Việt Nam – Dân Tôi Nước Tôi - Nhiều Tác Giả...
Việt Sử Toàn Biên - Sử Gia Phạm Văn Sơn.
Sử Trung Hoa – Nguyễn Hiến Lê
Cổ Văn Trung Hoa - Nguyễn Hiến Lê.
Nguồn:
http://www.thuvienvietnam.com/ftopicp-27316.htmlLộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.