VÀI SUY NGHĨ KHI ĐỌC
“ ĐÁNH THỨC TRINH NGUYÊN”
Truyện ngắn của Võ Diệu Thanh
Võ Diệu Thanh là tác giả nữ trẻ chuyên viết truyện ngắn của vùng đất Phú Tân An Giang. Truyện Thanh tuy mới xuất hiện những năm gần đây nhưng cũng ít nhiều gây ấn tượng đối với bạn đọc. Nhân vật của Diệu Thanh phần lớn là những người chân chất hiền lành, chịu nhiều bất hạnh thua thiệt, hình ảnh của những con người cần cù chịu thương chịu khó của vùng đất phù sa châu thổ. “Đánh thức trinh nguyên” là một truyện ngắn với nội dung mang tính trãi nghiệm như tác giả đã nói. Cốt truyện không có những tình tiết gây cấn hay những mâu thuẩn gay gắt. Nhưng đầy tính khoan dung, lòng nhân hậu và sự cảm thông yêu thương đối với số phận con người.
Trong truyện nhân vật Tiểu Hồi là một bé gái bảy tuổi nghèo khó thiếu thốn, từ sức khỏe, đến quần áo để thay đổi hằng ngày, thèm thuồng món đồ chơi dù chỉ là những cọng thun xanh đỏ “Tiểu Hồi gầy còm trong bộ đồ nặng mùi hôi, đi tới đi lui nhặt mấy cọng lá sầu đâu bong thành những vòng nhỏ cở nắm tay, chơi thay dây thun, chơi một mình….Hôm nào chán, nó đứng từ xa nhìn tụi tôi chơi bún vòng bằng dây thun thật”. Một nỗi thèm thuồng rất bình thường nhưng Tiểu Hồi cũng không có được. Một con bé cô đơn, lẻ loi, không ai thèm làm bạn vì nó nghèo quá, dơ quá, hôi hám quá, nhưng nó cũng có một thời gian hạnh phúc khi mẹ nó còn sống, món cháo cóc với tình cảm nồng ấm yêu thương. Sự chăm chút cho đứa con gái bé nhỏ bất hạnh để cuối cùng bà mẹ cũng bỏ đứa con gái mà đi vì mớ lòng cóc có lẫn vào đó trứng cóc. Cuộc đời Tiểu Hồi bước sang một khúc quanh mới khi mẹ mất, sự khắc nghiệt của bà mẹ kế, và người bà ngoại ruột thịt tuy yêu thương đứa cháu ngoại côi cút nhưng lúc nào cũng lừ mắt “ Phải biết thân biết phận. Mày là đứa mồ côi”. Tiểu Hồi luôn biết thân biết phận nên “Suốt ngày nó lùi lủi bên ngoại học đươn lưới, bắt óc, mò cua, mót lúa”. Hình ảnh con bé ngồi bẹp xổ tất cả dây thun ra đất tỉ mẩn đếm từng sợi, cái đầu nghiêng nghiêng vẻ rát hài lòng khiến lòng người đọc đau xót rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến cảnh để có một niềm vui nho nhỏ như vậy nó đã chịu sự dày vò bỉ ổi của gã đàn ông vô nhân tính. Chính sự trao-nhận mà cón bé bảy tuổi cho là công bằng đó được nó bảo vệ một cách quyết liệt “ Mắt nó sòng sọc trợn tròn như có thể văng ra khỏi hóc và bắn thẳng vào mặt tôi”. Khi nhân vật “tôi “mắng nó “đồ ăn cắp” và giành lại cái mà nó đã đánh đổi được để có.
Truyện được kết cấu theo kiểu hiện tại- quá khứ - hiện tại không theo trình tự thời gian nhất định buộc người đọc phải suy nghĩ.
Đầu truyện tác giả giới thiệu nhân vật là một cô giáo tương lai Tiểu Hồi với những hành vi không đẹp mắt “…nó nhăn mặt lại hả to họng. Kẹo nhậm nhày giữa hai hàm răng sẫm màu hô hốc. Nó cho tay vào miệng dùng móng nạy chỗ kẹo, búng tứ tung, văng cả sang người tôi”. Một cử chỉ không cần giữ kẻ, một thái độ bất cần thể hiện được sự tổn thương hết sức lớn trong lòng cô bé, một sự mất niềm tin vào cuộc đời quá nhiều cái gian dối, lọc lừa. Rồi quay trở lại mười mấy năm trước đó là hình ảnh một bé Hồi nhếch nhác, dơ dáy, hôi hám với cuộc sống cay cực thèm nghe một lời êm ái, một cử chỉ nâng niu. Nghĩa là nó khao khát được yêu thương, được chăm chút , thèm nghe những lời ngọt ngào như muôn ngàn đứa trẻ khác trong cuộc đời này. Và gã đàn ông vô lại đó nắm bắt được tâm lí đứa trẻ, hắn đã “đến bên nó, vuốt ve nó, cho nó món đồ chơi mà nó hằng mơ ước…chỉ cần nó im lặng cho ông ta muốn làm gì làm” Với lứa tuổi vô tư hồn nhiên Tiểu Hồi nhận định “Nó thấy người đàn ông ấy tốt gấp trăm lần thằng con trai ông ta, cái thằng luôn chê nó ở dơ”. Và khi đã trưởng thành con bé ngày xưa đã cay đắng hiểu ra một điều “ Nó đã tự nguyện đổi chác với một cái giá rẻ mạt, rẻ hơn rác rưởi”.
Đứa con trai bây giờ mới được biết việc làm hèn hạ của ba mình ngày xưa, mới hiểu được vì sao nó ở nhà suốt buổi chiều mà Tiểu Hồi vào nhà lấy được chùm dây thun mà nó giấu chỗ rất khó tìm, nhớ lại ánh mắt ba nó ngày nào run rẩy lắm lét, lùa lia lịa đũa vào cái chén không cơm khi nó giựt được các cọng thun đem về! Nó đem đốt đi những tấm ảnh của ba nó như muốn đốt đi những lỗi lầm mà ba nó đã làm. Nó mua cho Tiểu Hồi những món quà tặng Tiểu Hồi như muốn cho cô tin rằng trong cuộc sống vẫn còn có những cái mà người ta cho đi là tình người chứ không phải là sự đổi trao. Kết thúc truyện là sự cảm thông của hai trẻ ,những việc gì qua đi thì không nên nhắc lại làm gì. Những trái tim biết yêu thương sẽ đem lại bao nhiêu ấm áp cho mọi người. Xây dựng nội dung Võ Diệu Thanh muốn nói với mọi người: trẻ con rất cần được quan tâm chăm sóc, sự dịu dàng ân cần của người lớn và đặc biệt là tình bạn giúp trẻ cân bằng được tâm lí tình cảm, sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng xâm hại. Cuộc sống dẫu có thế nào đi nữa thì nó vẫn đẹp! Vẫn đầy khoan dung và độ lượng. Đó là niềm tin vững chắc để con người phấn đấu không mệt mõi.
Võ Diệu Thanh xây dựng nhân vật của mình : một con bé nghèo khó bảy tuổi mà không thể tự lo được cho bản thân để luôn có “mùi nước đái khai ngấy, mùi bùn tanh rình”. Phải chăng sự nghèo khó, sự vất vã lo toan miếng ăn làm cho người lớn quên đi sự hiện diện của đứa bé, nhu cầu tình cảm, nhu cầu cuộc sống hầu như bị rút rĩa cạn kiệt đi. Rồi khi đã trở thành một cô sinh viên sư phạm được bạn bè nhắc nhở cái ăn, cái uống ,lời nói, cử chỉ… nó lại cười khì :“ Thùy mị duyên dáng đặng chi ? Làm đồ trang sức cho bọn chó chết là cùng chớ gì? Vết thương của mười mấy năm trước như chưa lành sẹo, nó mưng mủ âm ỉ trong lòng khiến một cô gái quên mất mình là nhà mô phạm, cô chửi toạt vào lủ chó chết đáng khinh, một sự mất niềm tin vào con người , vào cái tốt được thể hiên qua ngôn ngữ hành động, sự coi khinh, cô gái vẫn muốn thể hiện cái tôi của mình độc lập, ngang tàng. Vẫn “ăn mặc lôi thôi”; với “ nụ cười nham nhở, nên trên gương mặt cổi cằn đầy mụn nhọt, và cái sẹo như là cái mụn to nhất lồ lộ…”. Qua ngòi bút của Diệu Thanh con bé Tiểu Hồi gợi cho ta thấn dáng dấp của một Chí Phèo ngày cũ. Sự đau đớn cùng cực khiến con người chai sạn hẵn đi. Những ở phần gần cuối truyện con bé được miêu tả xấu xí ở trên thành một cô gái xinh đẹp nhờ những thức ăn trắng da dài tóc mà nhân vật Tôi thường xuyên mang đến như muốn bù đắp, chuộc lỗi thay cha mình. Con bé xấu xí thô lổ kia nay ra đường mấy bọn con trai dán mắt vào, các đồng nghiệp nam cũng đâm ra siêng năng đến trường cả ngày chủ nhật. Trong việc xây dựng nhân vật tác giả đã dùng phép mầu của cây bút mình biến con vịt xấu xí thành con thiên nga rực rỡ. .Phải chăng đó là kết hậu của chuyện cổ tích. Nhà văn đem đến cho cô gái tất cả những gì mà ngày trước Tiểu Hồi không hề có. Trong sư chọn lọc chi tiết ở phần giữa truyện sự xuất hiện của con gấu bông mà nhân vật Tôi trong truyện đưa cho đứa học trò nghịch ngợm nhất lớp để cho nó bớt quấy quả, sau đó lại nằm trên bàn cô giáo Tiểu Hồi để rồi khơi dòng ký ức cho Tiểu Hổi kể lại sự việc, là chi tiết chưa nhất quán với sự việc .Cách giải quyết vấn đề của tác giả khá dễ dãi: trước đây người cha dụ cô bé bằng những cọng thun xanh dỏ, bây giờ cậu bé bù đắp cho cô gái bằng cái áo đẹp, cái nón , cái kẹp thời trang, bằng những món ăn ngon…Phải chăng đó là tình người ?
Ý đồ xây dựng nội dung truyện thì rất tốt, đưa ra một nhân vật biết vượt lên số phận để khẳng định bản thân mình, biết hoàn thiện bản thân mình trở nên tốt đẹp. Đó là thành công của tác giả, một tấm lòng nhân hậu, một trái tim ấm áp khoan dung. Truyện truyền đạt một thông điệp mang tính nhân đạo sâu sắc và cũng rất tình người. Nhưng nếu như tác giả chăm chút hơn trong cách diễn đạt, trong sự thể hiện ngôn ngữ ,tính cách nhân vật hay yếu tố miêu tả, tránh quá cường điệu, tránh sử dụng những câu so sánh khập khểnh, chú ý lượt bớt những câu thừa làm tản mạn chủ đề. Tôi tin với cái tâm trong sáng của người cầm bút, với sư lao động miệt mài trong sáng tạo Diệu Thanh sẽ khắc phục được những nhược điểm và sẽ mang đến cho các bạn yêu văn chương nhiều truyện ngắn hay.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Hoàng Hạc Lâu - Thôi Hiệu)