Nhân Mùa vu lan báo hiếu, Nhật Lệ đọc được bài viết này( Chưa rõ tác giả) gửi vào trang này mọi người cùng xem nhé!
THÁNG BẢY, MÙA VU LAN BÁO HIẾU
Tháng bảy mùa thu còn chớm và bắt đầu những trận mưa ngâu, dù trời chỉ thoáng một chút heo mây nhè nhẹ. Ven đường những cánh phượng vỹ cuối cùng, đã mất đi màu hoa rực rỡ, tơi tả rơi rụng trên đôi bờ vai khô héo của đời.
"Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc " màu trời và nước mưa, mênh mông như dãi Ngân Hà, chứa đầy những giọt nước mắt, từ các cuộc tình trên cõi tiên, mà truyền thuyết cho là của Ngưu Lang và Chức Nữ.
Cho đến bây giờ đã mấy triệu năm qua, đố ai biết cô gái ấy mặc áo màu gì ? còn chàng chăn trâu họ Ngưu, tuy mang tiếng bất hạn, sinh ly tử biệt nhưng lại tràn đầy hạnh phúc vì có một người yêu ngàn đời chung thủy, khiến cho cả trần gian đều chung lòng ái mộ. Mùa thu cũng là mùa trái cây chín rộ, ổi, sấu, xoài, chuối và cốm vồng... bầy bán đầy trong những quán nước dọc đường, bên trong bà cụ nghiêng cánh liếp che mưa, đã thấy hồn run theo mùa ngâu, thứ mưa thập loại chúng sinh, thấp thoáng đầy bóng âm hồn, nhởn nhơ đợi chờ trần gian vong nhân xá tội.
Mưa ấy nước mắt ấy, ngoài những giọt mưa tình ái, còn là biển lệ trời thương của các trang hiếu tử, mà câu chuyện của Bồ Tát Mục Kiền Liên, xuống tận âm ty để tìm mẹ là Thanh Đề đang chịu cực hình vì tội buôn Thần bán Phật, khi còn sanh tiền. Nhờ tình mẫu tử thiên thu bất diệt, đã cảm động tới trời, nên mẹ ngài đã thoát khỏi cảnh A Tỳ địa ngục trầm luân, muôn đời vạn kiếp.
"Mục Liên dù đã hóa thân
Vì thương từ mẫu, muôn phần họa tai..'
Thật vậy, ngoại trừ đất đá và kẻ vô tri, còn vạn vật từ con người, muông thú cho tới cỏ cây, đều do Mẹ cưu mang và sanh thành. Cho nên nơi tâm tư của tất cả mọi người, trong tiềm thức siêu thế, mơ hồ hay hiện thực, hình ảnh Mẹ luôn vẫn trang đài, diễm tuyệt, đáng để ta tôn thờ và trìu mến, dù rằng ' công cha như núi Thái Sơn ' còn mẹ hiền, chỉ như ' chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau '.
Cho nên người đời ai cũng cần có mẹ, dù là trẻ thơ hay người trưởng thành. Những đứa trẻ mồ côi, cho dù có được người thân còn lại nưng chiều, nuôi dưỡng tử tế cho mấy, lớn lên cũng cảm thấy tâm hồn mòn héo, khô cằn. Bởi vậy, người đời đã viết : ' mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi me lót lá mà nằm '. Riêng người lớn tuổi, khi mất mẹ, cảm thấy chơi vơi như mất điểm tựa, nên cũng cô đơn lạc lõng như trẻ mồ côi. Tóm lại mẹ là nguồn gốc của mọi tình cảm yêu thương trên đời, cho ta biết thế nào là ngọt bùi ấm lạnh và nguồn thương yêu cao cả của kiếp nhân sinh. Tình mẹ bao la đã biến nữ hầu tước De Sévigné, một phụ nữ tầm thường, trở thành một nhà văn nữ nổi tiếng của Pháp, cách đây 300 năm, qua những bức thư bất hủ viết cho mẹ.
Tình mẫu tử bao la trùng hằng miên viễn, đã theo thời gian trở thành nguồn cảm hứng vô tận, như con thuyền bát nhã, đưa con người trần tục, đến gần các đấng từ mẫu, trong mọi tôn giáo lớn của hoàn cầu. Trong dòng lịch sử Hồng Lạc, chúng ta có Mẹ Âu Cơ, quốc mẫu của dân tộc Việt và được nối tiếp bởi một trái tim từ mẫu thời cận sử : Thái Hậu Từ Dũ, một trái tim nhân từ của các bà mẹ VN :
' Gió Động Đình mẹ ru con ngủ
trăng Tiền Đường ấp ủ năm canh
...bống bồng bông, bống bồng bông
võng đào mẹ bế con rồng cháu tiên …’ (ca dao )
Riêng trong tín ngưỡng bình dân , ta có Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở miền bắc và Mẫu Thiên Y A Na, dù phát nguồn từ Chiêm quốc, nhưng từ thế kỷ XVI trở về sau, đã được người Việt phụng thờ, mà Hội Điện Hòn Chén hay lễ Vía Mẹ hằng năm vào rằm tháng bảy tại Thừa Thiên, là một minh chứng. Ngoài ra, còn có Đức Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát của Phật Giáo và Đức Mẹ Đồng Trinh Maria trong Ki Tô Giáo…
Hằng năm, tại các nước Âu Mỹ đều cử hành long trọng ngày ' Nhớ Ơn Mẹ (The Mother's Day)' . Tại các nước Đông Nam Á theo Phật Giáo, vào ngày rằm tháng bảy âm lịch, đều cử hành long trọng Hội Vu Lan Bồn. Cả hai lễ hội trên, tuy hình thức có khác biệt nhưng vẫn chung nội dung với ý nghĩa ' vinh danh công ơn sinh thành dưỡng dục của từ mẫu '. Đây là một ngày lễ lớn và cũng là dịp để con cái tu nhơn tích đức, làm việc từ thiện trả ơn, báo hiếu cho cha mẹ mình, dù còn sống hay đã qua đời.
1.Ý Nghĩa của mẹ trong ngày lễ Vu lan:
Lễ Vu Lan, Tết Trung Nguyên hay Ngày Rằm Tháng Bảy Xá Tội Vong Nhân... đều là những nghi thức cúng bái của nhà Phật. Theo sử liệu cho biết, phong tục này đã có từ mấy ngàn năm về trước và đến nay, vẫn còn được tồn tại một cách tốt đẹp, trang trọng hầu hết tại các nước Đông Phương theo tam giáo : Nho-Lão và Phật. Trọng tâm cao siêu của ngày lễ này là để các tín đồ, vì trung tiên vong linh của tiền nhân, mà làm tròn đạo hiếu. Nghi thức Vu Lan Bồn theo nguyên ngữ của Phạn ngữ là ULAMBANA, có nghĩa là Cửu Đàn Huyền, mang ý nghĩa cứu độ siêu vớt cho tất cả chúng sanh, vì tội lỗi tiền kiếp, nên phải bị hành hạ khổ nhục trầm luân, treo ngược đầu tại các tầng địa ngục nơi âm phủ.
Theo hầu hết giáo lý của các tôn giáo hoàn cầu như Phật, KiTô, Bà La Môn và Hồi giáo, thì nhân sinh lúc sống làm chuyện ác đức, lăng loàn, phản dân, hại nước, hại người, buôn trời bán thánh... lúc chết, kẻ đó phải sa vào địa ngục, để đền lại các quà báo mà chính mình đả gieo trồng. Theo nhà Phật, cõi âm có tất cả 12 tầng hỏa ngục nhưng kinh khiếp nhất vẫn là Ngục A Tỳ, theo nguyên nghĩa của Phạn Ngữ, chỉ nơi chốn giam người, không bao giờ gián đoạn sự hành hạ. Ai đã bước vào đây rồi, thì đời đời kiếp, viễn miên không bao giờ được đầu thai trở lại kiếp người. Ngoài ra từng phút giây phải chịu ngàn muôn hình phạt khổ đau, không bút mực nào tả được, như truyện Quan Âm Thị Kính đã viết :
' Lại xem một ngục A Tỳ
Mấy tầng chông sắt, đen sì tối om '
Cũng trong học thuyết, ghi nơi Vu Lan Bồn kinh có kể chuyện Mục Kiền Liên, xuống điạ ngục cứu mẹ Theo Phật sử, Mục Kiền Liên Bồ Tát là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, tuy đã đắc thành chánh quả nhưng ngài vốn là một hiếu tử, nên lòng vẫn xót xa đau nhói, vì mẹ ruột là Thanh Đề, hiện đang bị quỷ sứ giam giữ hành tội tại ngục A Tỳ. Do trên, ngài đã khẩn cầu Đức Thế Tôn, cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng. Phật Tổ ưng chịu nhưng bắt Mục Liên khi xuống âm phủ cứu mẹ, đồng thời cũng phải giải thoát luôn các vong linh khác, đang bị giam giữa hành tội nơi địa ngục, nhân ngày cuối cùng kết thúc, kỳ an cư mùa hạ, nhằm ngày rằm tháng bảy âm lịch. Do ý nghĩa trên, hằng năm đúng vào ngày này, các tín đồ Phật Giáo đã lập hội Vu Lan Bồn. Tai Trung Hoa, thời Nam Bắc Triều, chính vua Lương Vũ Đế, là người đầu tiên khai Hội Vu Lan, kể từ khi Phật Giáo Đại Thừa được truyền từ Ấn Độ vào đất Tàu. Vu Lan Bồn ngoài việc bầy tiệc chay cúng dường Tăng, Ni, còn cử hành thêm Thủy Lục Đạo Tràng và Phóng Diêm Khẩu, để bố thí cho các oan hồn uổng tử, không thân nhân cúng quẩy thừa tự.
Theo truyền thuyết, Mục Liên đã nhờ bình bát và gậy phép của Phật Quan Âm để vượt qua các tầng địa ngục. Nhưng trên hết là do lòng hiếu tử đã làm cảm động tới Phật Trời, nên Bồ Tát chẳng những cưu được mẹ già mà còn giải thoát được những oan hồn uổng tử đang bị đọa đày nơi địa ngục. Nhân đó, Mục Liên xin mẹ thành tâm ăn năn sám hối, quyết lòng tu niệm để giải trừ nghiệp chướng tội lỗi đã trót gây ra. Nhờ vậy Thanh Đề sau này cũng đắc thành chánh quả. Ngoài ra trong ngày lễ Vu Lan, còn có tục cúng cháo và đốt vàng mã .
* Tục cúng cháo :
Trong ngày Tết Trung Nguyên nhằm Rằm Tháng Bảy, tại tư gia cũng như nơi đình chùa, ngoài cỗ bàn cúng Trời Phật, Thổ Công, Tổ Tiên... còn có tục cúng cháo cho các cô hồn , tử sĩ đang vất vưởng nơi cõi ta bà, không ai thờ phụng cúng tế, thật là thê thiết tội nghiệp. Theo tập tục cổ truyền, mâm cỗ cúng cô hồn , được đặt trước cửa nhà, chùa, đình, cầu quan, chợ búa hay bãi tha mạ. Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn, gồm có cháo hoa nấu bằng gạo, thêm cơm vắt thành nắm, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau và vàng mã. Tại các đình chùa, lễ cúng cháo được tổ chức qui mô hơn, có lập đàn tràng cầu siêu cho các vong linh, trước khi thí cháo. Tại đây, cháo được đựng trong các bồ đài lá mít, cắm dọc theo hai bên vệ đường dẫn vào lễ đài. Ngoài ra còn thêm một nồi cháo lớn, để trước sân chùa. Ở vùng quê Bắc Phần, khi cúng xong, đã có những người nghèo và bọn mục đồng chờ sẵn, xông vào giựt cháo. Tục này được gọi là Cướp Cháo, hiện vẫn còn thịnh hành tại các tỉnh Bắc Trung Phần và Bắc Việt. Cũng như tại miền quê Trung Hoạ
* Tục đốt vàng mã :
Tục này từ Trung Hoa truyền vào VN thời Bắc thuộc. Bên Tàu, thời xưa, trong ngày Lễ Vu Lan, người ta dùng bạch ngọc làm lễ vật, cúng đốt cho người chết. Về sau, thấy bạch ngọc quý hếm vá mắc mõ, người ta lại dùng tiền thật để thay thế. Số tiền này cũng được đốt bỏ sau khi đã cúng cho người chết. Trước sự phí phạm vô ích tai hại trên, vua Đường Minh Hoàng, ban lệnh dùng tiền giấy thay thế tiền thật, để cúng cho người cõi âm. Về sau, vào thời Ngũ Đại, trong ngày Lễ Vu Lan, ngoài việc đốt tiền giấy, còn thêm tục đốt vàng mã cho người đã khuất, gồm quần áo, đồ dùng, kể cả xe ngựa và nhà cửa. Lại còn có tục làm một chiếc giường ba chân bằng tre, để đựng các đồ cúng lễ. Tất cả đều được đốt bỏ, sau ngày lễ Vu Lan. Ngày nay tất cả các nước theo Phật giáo, hầu như đã bãi bỏ tục đốt vàng mả, hoặc chỉ đốt tượng trưng mà thôi, vì quá tốn kém.
2. Tình mẫu tử :
Ngày nay từ Âu sang Á và gần như ở đâu, cũng có những tượng đài , thơ văn, bài hát, tuồng kịch... để ca tụng công đức biển trời của người mẹ, mênh mông tám hướng như biển Thái Bình. Bởi Mẹ là nguồn ngọn của mọi tình thương trên cõi đời này. Mẹ cũng là một hình ảnh tuyệt diệu, diễm hằng, muôn trùng ngời sáng, không bao giờ có thể thay thế được. Ôi sung sướng thay cho những ai còn Mẹ và cũng tủi xót cho những người mất mẹ nửa đời, mỗi khi tưởng nhớ, chỉ còn lặng lẽ ước ao ngóng về xóm nhỏ, nơi nhũng bờ bụi khóm tre, ngàn năm lau lách sạt xào. Con đã bước qua hết hai phần đời, để được thắm thía rằng, chỉ có một nguồn suối tình thương mang tên Mẹ, là vĩnh cửu không bao giờ khô chảy.
Thực là cảm động biết bao, khi nhớ lại 'Tôi đi học' của Thanh Tịnh 'Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi, dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp..' hay nỗi nhớ mẹ của Lưu trọng Lư 'Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời, lúc người còn sống tôi lên mười, mỗi lần nắng mới reo ngoài nội, Áo đỏ người đưa trước dậu phơi..' hay giai thoại của Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm, trước sự hỗn láo của tên sứ Tàu, đã lấy Me VN , làm đề tài , khi bà ứng khẩu một câu đối trả đũa giặc :
'Nam canh nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh’ (một tấc đất ở nước Nam, không biết bao nhiêu người cầy )
'Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất’ (những người anh hùng bên Tàu, cũng từ chỗ đó mà ra)
Câu đối vừa thanh lại vừa tục, hàm ý rằng dù là ai chăng nửa, thì cũng do Mẹ sinh thành, không có người, thì chẳng bao giờ có con. Chẳng vậy mà nhà văn Pháp Edmon de Amacid, đã viết trong 'Tâm Hồn Cao Thượng', Hà Mai Anh dịch rằng :' Người Mẹ sẵn lòng , đem một năm hạnh phúc của mình, để đổi một giờ đau đớn cho con. Người Mẹ cũng sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh , để cứu sống con mình. Con ơi, suốt đời con, sẽ có những ngày buồn rầu đau thương, và cũng là chuỗi ngày sầu thảm nhất : Đó là ngày con mất mẹ'.
Giờ mới hiểu tại sao, có những đứa con, do hoàn cảnh mà phải tha phương, biệt xứ, lưu lạc quê người, lại là những kẻ khao khat tình mẫu tử, nhung nhớ kỷ niệm, dù rằng đó chỉ là những hình ảnh đơn sơ mộc mạc nơi chốn quê nghèo :
'Chiều chiều ra đứng ngõ sau
trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều
Mẹ ơi đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Ghe bầu trở lại về đông
Con gái theo chồng, bỏ mẹ ai nuôi ?
Đó là những câu ca dao hay nhất từ trước đến nay, đọc từ đầu đến cuối không tìm thấy một chữ nào thần bí hay cầu kỳ nhưng trong ý nghĩa và mùi vị, thì đượm thắm nồng nàn , khiến cho người ta phải đau khi nhớ và không cầm nổi nước mắt thương nhớ khi thực sự đối mặt với chiều buồn. Cũng cùng trong cái hình ảnh trên, người buồn hồn lại thêm buồn, khi nhà ai bên ngõ, bỗng dưng vô tình có tiếng gọi con, trong khi lưng trời, chiều tàn, đàn chim về tổ, ríu rít gọi nhau, làm cho nổi nhớ quay quắt không ngừng, khiến cho đứa con lạc bầy, bừng bừng nhớ mẹ, rưng rưng nhớ lúc nói láo tránh đòn, khi về nhà trễ vì ham chơi với bạn sau khi tan trường.
Rồi thì lưu lạc mười phương, cơ hàn đói lạnh, gian truân tù ngục, hận hờn thương tủi, chỉ một mình con gánh chịu, chính là lúc nước mắt lưng tròng, bang quơ tưởng tiếc, cái thời ngồi chờ mẹ về, để có những món quà của buổi chợ quê, mà mẹ luôn dành sẵn :
' cơm người khổ lắm mẹ ơi
không như cơm mẹ, chỉ ngồi xuống ăn '.
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Hôm nay,đọc Trannhuong.com thấy bài này phù hợp vói suy nghĩ, tâm trạng của mình, bèn "dinh" về trang này cho mọi người cùng xem
VU LAN ĐÃ ĐẾN VÀ CHÚT NGHĨ NGỢI
Nguyễn Vĩnh
Hôm nay vào Lễ Vu Lan, Rằm Tháng Bảy năm Canh Dần, 2010.
Xưa bé tôi chỉ biết đó là ngày lễ “Xá tội vong nhân”. Ngày ấy tôi nhớ nhất việc người ta cúng cháo lá đa lá đề để các linh hồn lang thang có một bữa ăn đạm bạc…
Nhưng lớn hơn, tôi biết thâm Vu Lan là lễ “báo hiếu mẹ cha”. Thực ra ở mức độ triết lý thì Vu Lan chính là một truyện triết lý về tu tâm rộng lớn cho con người ta, để nhìn sâu vào lòng mình mà định ra, mà cư xử sao cho đúng cho phải với ơn mẹ nghĩa cha như trời cao biển rộng.
Tôi nhớ “người thơ” nổi tiếng Nguyễn Duy có những câu thơ nao lòng người đọc là khi thi sĩ phác họa chân dung người mẹ của mình, và cũng là một người mẹ chung của Việt Nam ta (bài này tôi nhớ là bài “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” ông viết từ năm 1986}, có những câu tôi thuộc “láng máng”: “Mẹ ru cái lẽ ở đời / Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn… rồi nữa: “Lòng ta chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa”, và thi sĩ khẳng định: “Ta đi trọn kiếp con người / Cũng không đi hết những lời mẹ ru”… (nếu không chính xác, tôi xin lỗi tác giả). Như vậy đấy, nên những sự báo hiếu của người đời, của chúng ta thì biết bao giờ mới lấp đầy, mới trọn vẹn cho được cái ơn lớn lao kia của các bậc mẹ cha.
Vu Lan có người dẫn là âm của từ chữ Phạn “ullambana”, có nghĩa là “treo ngược”. Người Trung Quốc gọi là “đảo huyền”, vì vậy họ gọi lễ Vu Lan là “giải đảo huyền”, tức giải thoát khỏi treo ngược... Về câu chuyện xưa, chúng ta đều biết chuyện đại tăng Mục Kiền Liên xuống điạ ngục cứu mẹ. Theo Phật sử, Mục Kiền Liên Bồ Tát là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, tuy đã đắc thành chánh quả nhưng ngài vốn là một hiếu tử, nên lòng vẫn xót xa vì mẹ đẻ là Thanh Đề hiện đang bị quỷ sứ giam giữ hành tội tại ngục A Tỳ. Nên ngài đã khẩn cầu Đức Thế Tôn cứu vớt mẹ mình khỏi vòng nghiệp chướng. Phật Tổ cho phép nhưng bắt Mục Liên khi xuống âm phủ cứu me đồng thời cũng phải giải thoát luôn những vong linh khác đang bị giam cầm và hành tội nơi địa ngục. Đây cũng là ngày cuối mùa hạ, đúng vào dịp giữa tháng bảy âm lịch. Mục Kiền Liên đã nhờ gậy phép của Phật Quan Âm để vượt qua các tầng địa ngục. Và với lòng hiếu thảo vô biên đã làm cảm động Phật Trời, nên Bồ Tát Mục Kiền Liên chẳng những cứu được mẹ già mà còn giải thoát được những oan hồn đang bị đọa đày ở A Tỳ...
Cũng theo phong tục xa xưa trong ngày lễ Vu Lan, có tục cúng cháo và đốt vàng mã, xuất phát từ tình thương bao la với các vong hồn cô đơn tội nghiệp.
Chúng ta ngày nay đều vẫn có thể quan sát thấy tục cúng cháo nhân ngày xóa tội vong nhân. Trong ngày Rằm Tháng Bảy này tại nhà dân cũng như chốn chùa chiền, nhất là các vùng nông Bắc Bộ, ngoài bày mâm cỗ cúng Trời Phật cũng là cúng Tổ tiên, Thổ công Thổ địa còn có tục cúng cháo cho các cô hồn đang vất vưởng nơi cõi hư vô, không ai thờ phụng cúng tế.
Theo tập tục cổ truyền, mâm cỗ cúng cô hồn được đặt trước cửa nhà, chùa, cầu quán chợ búa hay bãi tha ma... Đồ cúng thường được bày trong một nia lớn, gồm có cháo hoa nấu bằng gạo, chút ít hoa quả, bánh kẹo, trầu cau và vàng mã. Tại chùa chiền lễ cúng cháo được tổ chức lớn hơn, đôi chỗ người ta lập đàn tràng để cầu siêu cho các vong linh trước khi thí cháo cho mọi người.
Ở quê tôi vùng Bắc Ninh, cháo hoa nấu xong được đựng trong các “bồ đài” làm từ các lá mít mà các bà vãi tự nguyện tự nguyện đến ngồi sắp xếp. Các mâm cỗ như thế được đặt dọc theo hai bên vệ đường dẫn vào ngôi chùa ven làng. Với các gia đình thì trên mâm cúng trước nhà thế nào cũng có vài ba bát nho nhỏ đựng cháo hoa... Ngoài ra ở chùa còn thêm một nồi cháo lớn đặt ngay trước sân chùa nơi mọi người dễ trông thấy.
Những năm tháng xưa tôi nhớ lại khi cúng cháo hoa xong, những người nghèo và trẻ chăn trâu như đã chực chờ sẵn từ bao giờ. Đến một thời khắc nào đấy, mọi người kia đồng loạt xông vào tranh giật cháo. Tục này gọi là "cướp cháo thí". Từ lâu hình như hoàn toàn biến mất cảnh tượng này.
Còn tục đốt vàng mã thì hình như cũng có từ xa xưa, chắc cũng truyền vào từ Trung Quốc hồi Bắc thuộc. Là bên Tàu thời xưa, trong ngày lễ Vu Lan người ta dùng bạch ngọc làm lễ vật, cúng đốt cho người chết. Về sau, thấy bạch ngọc quý hiếm người ta lại dùng tiền thật để thay thế. Số tiền này cũng được đốt bỏ sau khi đã cúng cho người chết. Trước sự phí phạm như thế, vua Đường Minh Hoàng ban lệnh dùng tiền giấy thay thế tiền thật để cúng cho người cõi âm. Về sau, vào thời Ngũ Đại, trong ngày Lễ Vu Lan, ngoài việc đốt tiền giấy, còn thêm tục đốt vàng mã cho người đã khuất, gồm quần áo, đồ dùng, kể cả xe ngựa và nhà cửa.
Có thời kỳ tôi nhớ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, hầu như tục đốt vàng đốt mã bị xóa sổ. Người sản xuất vàng mã bị cấm đoán, phát hiện hàng hóa này là bị tịch thu còn người làm ra thì bị giữ và “đả” cho thông suốt mới tha về... Nghĩ lại thấy ai oán cái thời ấy nhưng dù sao cũng có cái hay là hạn chế một việc làm phí phạm nếu quá lạm dụng...
Buồn thay vài chục năm lại đây, cùng với chủ trương kinh tế đổi mới, cuộc sống đôi lúc cảm thấy như bị "thị trường hóa" ráo riết, người ta rủng rỉnh đồng tiền, thì đốt vàng mã như lên ngôi trở lại. Việc này gây tốn kém một cách khó tưởng tượng! Nó vượt xa “hủ tục” này quy mô nhỏ bé ngày xưa. Mỗi năm "ông hỏa" thiêu đốt cả ngàn ngàn tấn giấy các loại, tiền bạc tính ra cả trăm tỉ đồng ra tro bụi.
Trước khi về nhà để viết Entry này, tôi chạy con xe máy thấy phố xá có nhiều người buôn bán, thì thấy vàng mã ùn ùn đưa ra các vỉa hè đốt cháy rực. Lửa rần rật liếm vào các cột điện, các gốc cây lớn. Nhìn mà xót thương những cái cây xanh chịu trận. Tịnh không thấy nhà nào cúng cháo cho cô hồn nữa (có thể chỉ còn ở chùa chiền) trong khi vàng mã đốt nhiều quá thể... Cái ý nghĩa Vu Lan, báo hiếu mẹ cha kia hình như đã biến thể đi mất rồi chăng?
Nguyễn Vĩnh
☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook