BẢN HỦI
Truyện ngắn của Phùng Hải Yến
Khi Xoàn giơ tay lên góc trái của bảng để ghi sĩ số lớp, cô cảm giác hụt hẫng ở ngón cái và ngón trỏ. Đảo mắt nhìn xuống, Xoàn hét lên: cô nhìn thấy những ngón tay búp măng cùn cụt ở đầu móng. Những mẩu thịt ton hon đang run rẩy cố nắm thật chắc viên phấn. Xoàn tức tưởi chạy khỏi lớp, bỏ lại phía sau ánh mắt tròn xoe ngạc nhiên của học sinh. Xoàn lao vào nhà bếp tìm con dao, hai nhát cứa vào ngón trỏ làm máu nhuộm đỏ mắt Xoàn, nhưng cô không thấy đau.
Ánh mắt ráo hoảnh, Xoàn lặng lẽ bước vào căn phòng nhỏ với những đồ đạc giản đơn. Lặng lẽ thay chiếc áo trắng mà trước khi ra trường cô đã mua để mặc trong cuộc hẹn với bạn trai. Mới đó mà đã như lâu lắm. Hiện cô ở cách thành phố gần một ngàn ki lô mét tính cả bằng đường xe và đường đi bộ. Thời còn là một nữ sinh sư phạm, cô đâu biết có những bản nhỏ cheo leo vách núi như nơi cô được cử đến dạy. Xoàn khẽ nằm xuống giường, nước mắt ứ tràn qua má. Cái lưng còng của mẹ; dáng ngồi hút thuốc lào, xóc tổ tôm của cha; cái quần xộc xệch của thằng em út; dáng con trâu với cái cày liêu xiêu trong nắng chiều đồng quê… ùa vào tâm khảm cô. Lại cả ngày Xoàn chia tay với người yêu khi anh nhận quyết định ở lại thành phố. Sự khác biệt về gia cảnh khiến anh không đủ can đảm níu giữ cô, còn lòng tự trọng, tự ti của một cô gái nhà quê đưa chân cô theo hướng khác. Cứ thế, Xoàn nhớ lại hai mươi ba năm cuộc đời mình. Một cách quả quyết, cô liếc con dao cực sắc vào động mạch tay…
***
- Xoàn, Xoàn, con gái gì mà ngủ trưa cũng ú ớ, dậy đi chứ? Mồ hôi tứa khắp mặt này!
Xoàn ngồi bật dậy, ngơ ngác, rồi vội vã ôm chầm lấy chị Nhung:
- Không, không, chị ơi, em sợ lắm, trong mơ em cũng thấy mình bị lây hủi.
- Giữ mồm giữ miệng chứ. Chuyện cái Hoa xuống bản mua gà đen về bồi bổ cho chồng ốm rồi bị lây hủi làm mày sợ chứ gì? Ai cũng nghĩ như mày khéo cả trường này phải giải tán. Những đứa trẻ không bị hủi cũng thất học vì bản hủi này mất.
Xoàn lặng im, tay vân vê tà áo. Sự sợ hãi trong giấc mơ còn lẩn khuất ở đâu đó, nhưng cô không dám nói gì nữa. Bản hủi ở khá xa trung tâm xã, bước chân đầu tiên của cô tới đây, chị Nhung cảnh báo:
- Trông cũng xinh đấy! Nhưng em ạ, ở đây yêu cũng khó chứ đừng nói đến chuyện lập gia đình.
Lúc ấy, Xoàn chẳng hiểu chị nói gì. Hai chị em ở chung trong căn phòng tập thể của trường. Dần dà, trong mắt Xoàn, chị Nhung giống như người chị cả, chị Nhung sắc sảo; chị Nhung yêu thương trẻ nhỏ trót sinh ra trong bản hủi, chị Nhung không chấp nhận số phận bằng cách yêu qua quýt, lấy chồng tạm bợ. Chị Nhung bảo:
- Ở lâu mày khắc hiểu.
Chỉ trong tháng đầu, Xoàn nhanh chóng quen với các anh chị dạy học cùng trường. Xoàn đặc biệt ấn tượng với chị Mai – cô gái dong dỏng có nước da sáng, đôi mắt nâu và khuôn miệng chín mọng ở phòng kế bên. Chị Mai dạy môn mỹ thuật và âm nhạc, “đã từng muốn mình là một diễn viên múa” - chị nhoẻn nụ cười chết người khi nói về mơ ước của mình. Hôm Xoàn sang phòng chị xin dầu gió xoa vào những vết đỏ loét trên chân, nghe Xoàn than thở, chị nhắc:
- Xứ này là xứ độc, bị ruồi vàng đốt phải vài ba năm mới lặn hoặc “đóng dấu” nham nhở sẹo trên chân đấy!
Chị Mai không dọa. Sau tháng đầu tiên dạy học Xoàn đã cất cả những cái áo sơ mi ngắn tay, những chiếc quần lửng gối. Có lúc đang đêm, Xoàn bật dậy, mở cái hòm gỗ, hay tay mân mê những bộ đồ không có cơ hội mặc cho đến khi tiếng càu nhàu của chị Nhung cất lên Xoàn mới lên giường ngủ tiếp. Trong mơ, Xoàn thấy mình mặc váy ngắn, tung tăng giày cao gót dạo phố cùng người yêu…
Sáng sớm, khi tiếng gà chưa tan, Xoàn trở dậy mặc chiếc áo sơ mi tay dài, quần dài đến gót chân xuống bản gọi học sinh đến lớp. Đó cũng là khoảng thời gian thử thách đáng sợ nhất trong ngày của Xoàn. Gọi là bản hủi vì không có gia đình nào không có người hủi. Cũng không biết bản ấy đã hình thành từ bao giờ, tuy không bị ai xa lánh nhưng bản ở cách xã những mấy cánh rừng, mấy con suối; bản chứa nhiều ánh mắt trẻ thơ ngơ ngác không hiểu sao ngón tay, ngón chân của cha mẹ chúng lại rụng như lá cây cơm nguội bên suối. Đến nhà học sinh nào Xoàn cũng được mời đến ngồi cạnh bếp lửa, Xoàn thật khó để quen với những gương mặt thiếu lông mày lông mi, chi chít nốt sần củ trên thịt da của những người trong bản. Khi cùng lũ trẻ tới trường với những tiết học bắt đầu muộn, Xoàn mới khẽ rùng mình.
Kỳ lạ là các cô, cậu bé sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị hủi lại rất lành lặn, mắt đứa nào đứa nấy trong veo, ánh nhìn lanh lợi; bàn tay bàn chân đủ ngón đủ móng tuy sần chai vì lao động sớm. Khi vuốt ve tay chúng, Xoàn thường nhớ đến cu Tí nhà mình. Những đứa trẻ nói giọng ngọng lơ ngọng líu với Xoàn. Ở gần chúng, Xoàn cũng bập bẹ học tiếng của dân tộc Mảng, hỏi cách dệt váy thổ cẩm, ăn thử món rau sắn và rêu mà chúng hớn hở mang đến làm quà cho cô giáo.
Điểm duy nhất Xoàn không thích ở chị Mai là khi có những anh chàng cán bộ người Kinh ở xã hoặc ở huyện xuống. Lúc ấy, ánh mắt chị sáng long lanh, hai má hồng rực, chị thường rủ Xoàn đi cùng sang nhà trưởng bản. Hai tay chị liên tục vuốt tóc, mắt liếc dọc liếc ngang. Xoàn đem chuyện về kể với chị Nhung, chị Nhung cười xòa:
- “Gái phải hơi giai… ” thôi kệ nó, con gái phơi phới mà rơi vào vùng này cũng chẳng biết làm sao. Cái Mai nó không yêu bộ đội biên phòng để cố mà bắt cưới như cái Huyền, không chịu lấy thằng trai Mảng khỏe như con ngựa đực, thì nó… cứ lả lơi thế thôi!
Trong giọng nói giả bộ lơ lớ của chị, Xoàn trở lại cảm giác ăn quả me tròn trên rừng, chát chua và có phần cay đắng. Những đêm chị Mai đưa khách về, Xoàn cố ngủ mà không ngủ nổi, bên kia giường, chị Nhung cũng trở trăn, lật mình, thở dài. Những người ấy cứ đến lại cứ đi, Xoàn thấy lạ vì chị Mai không cần có cảm tình với họ, cũng chẳng biết họ có luyến lưu nhiều với mình hay không. Dần dà, Xoàn cũng không hay nói chuyện với chị nữa, không chỉ mình Xoàn, dường như ở trường này ai cũng ác cảm ngấm ngầm không nói ra được, không đồng tình với cách sống của chị Mai.
Đó là một buổi chiều đông giá, chị Huyền tóc tai xoã sượi lảo đảo chạy lên con dốc có ngôi trường nhỏ, trên tay bế đứa con gái chưa tròn bốn tuổi, chị gào thét điên cuồng. Cả khu tập thể nhỏ bé chợt nhốn nháo. Hỏi ra mới biết anh Thành chồng chị sau chuyến tuần tra biên giới về bỗng thấy nước mũi chảy nhiều, giọng nói khản đặc. Ban đầu chị tưởng anh bị xoang nên mua thuốc cho anh uống, sau rồi thấy tay chân anh dần co quắp, đoán đó là dấu hiệu của bệnh hủi nên chị sợ hãi chạy bổ ra khỏi nhà, mang theo đứa con chị yêu hơn chính mình. Chị chỉ mong đưa nó ra khỏi bản càng nhanh càng tốt. Chị không thể tưởng tượng người chồng mới hôm qua đầu ấp tay kề với mình sẽ dần bị trụi mi trụi tóc, rụng tay rụng chân. “Bốp” – cái tát của chị Nhung bất ngờ quá nên không ai kịp ngăn lại:
- Mày nghĩ thế nào mà định mang con đi, vợ chồng gắn với nhau không chỉ vì tình mà còn vì nghĩa đấy! Hồi mới lên người ta bảo mày bị ma nhập vì khắp người nổi da rắn. Thằng Lanh là học sinh lớn nhất của cái trường này, nó thấy cô giáo khổ quá nên lần mò lên núi đá kiếm lá thuốc giã đắp cho đến khi đỏ thịt đỏ da thì mày quay sang có bầu để lừa anh chàng bộ đội biên phòng cưới. Nay lại bạc bẽo vậy mà được sao? Nói cho mày biết, bệnh phong không dễ lây vậy đâu, những đứa trẻ học ở đây có mấy đứa bị lây hả? Hôm nay là cuối tuần nên học sinh về hết, chứ hình ảnh một cô giáo thế này thì mất mặt quá!
Chị Huyền chết sững, Xoàn cũng chết sững. Trong lòng Xoàn dậy sóng, sợ hãi cúi mặt trước tuổi bốn mươi của chị Nhung. Khi ấy, Xoàn tự rủa mình hèn nhát khi bất đồ nghĩ đến việc bỏ trốn khỏi nơi tai họa luôn rình rập này.
Anh Vàng đến bản khi Xoàn vẫn còn hoang mang bởi chuyện của chị Huyền dù chị đã mang con trở về nhà, chăm sóc chồng tận tình trong đợt nghỉ phép, nghe tin sau đó anh khoác ba lô lên đồn biên phòng và ở miết trên ấy. Chị Huyền lên lớp giảng toán cho học sinh với đôi mắt rười rượi ngẫm suy, thằng Lanh thi thoảng len lén nhìn và thấy mắt cô Huyền đỏ hoe, rần rật nước mắt.
Xoàn quen anh Vàng ở ngoài suối, khi anh hỏi đường đến trường. Mắt một mí, mũi khoằm và môi mỏng – khuôn mặt tròn vo của anh chẳng ăn nhập gì với đường nét trên đó. Qua câu chuyện dọc đường về, Xoàn biết anh là cán bộ Phòng Lao động Thương binh Xã hội của huyện. Ngoài giọng nói ngọng nghịu gây mất cảm tình với Xoàn ngay từ đầu, khi trò chuyện, Xoàn còn không dám nhìn thẳng vào mặt anh vì sợ trí tưởng tượng của cô giáo dạy văn sẽ khiến cô phá lên cười vô ý tứ. Chị Mai xoay xoay cái gương tròn trên tay:
- Ba mươi hai tuổi, dân tộc Hmông thì đã làm sao, người ta làm ở huyện đấy!
Sau hôm đầu làm quen, Vàng mời Xoàn đi chơi. Ra bờ suối, đang hỏi chuyện gia đình, anh bảo:
- Chờ anh một lát.
Không chờ Xoàn trả lời, anh phóng vào lùm cây gần đó, quay lưng lại phía Xoàn “giải quyết”. Cái lưng của anh to và thô đập vào mắt Xoàn, đêm miền núi vắng lặng nên từ tiếng kéo phéc mô tuya đến tiếng khạc đờm trong cổ họng đều đập vào tai Xoàn. Choáng váng vì hành động phản cảm ấy nhưng Xoàn vẫn cố giữ phép lịch sự để không nhăn mặt bỏ về. Hôm sau, Xoàn cố ý tránh mặt anh ta, soạn giáo án và đi ngủ thật sớm.
Nửa đêm, tiếng rú thất kinh của người đàn ông vang từ phòng bên cạnh làm Xoàn tỉnh giấc, chị Nhung và Xoàn chạy bổ sang phòng chị Mai. Chị Mai ngước cái nhìn bị thương vào khoảng trống trước mặt, hai bàn chân buông thõng, những ngón chân ngun ngủn đã cụt hết móng, anh Vàng vơ vội cái chăn đắp lên tấm thân trần như nhộng, ấp úng:
- Thật là kinh khủng, cô ta…
Xoàn lặng đi khi thấy ánh mắt tê dại của chị Mai, ánh mắt ấy mãi còn ám ảnh Xoàn. Ánh mắt không thấy lại được vì ngay hôm sau chị đã biến mất, trên bàn lưu lại một lá thư:
“Mọi người mãi mãi không hiểu được sự kinh khiếp của em trong những ngày đầu mang căn bệnh này. Những giấc mơ què cụt khiến em thèm cảm giác được làm mẹ, có một đứa con dù với bất kỳ ai để khi chết đi rồi vẫn biết có một phần của mình còn tồn tại trên đời. Em tin là con em sẽ khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến lớp chúng ta. Em sẽ dạy nó học vẽ học nhạc, ngón chân nó sẽ có đầy đủ móng, lông mi rất cong, lông mày rất rậm, ngón tay nó búp măng và nó có thể múa…”
Những dòng thư của chị còn dài và ứa nước mắt. Khoảng trời trước mặt Xoàn sụp vỡ ở tuổi hai tư trưởng thành.
***
- Qua khúc cua tay áo này là bản ấy sẽ xa tít trong quá khứ, em đừng có khóc đến sưng cả mắt như thế chứ?
Xoàn nhìn Vàng, ánh mắt của anh ta kéo dài vệt chỉ, tia mắt rắn lạnh lẽo. Hình ảnh chị Mai nhàu nát chết bên nắm lá ngón không khiến anh ta nghĩ anh ta chính là một phần nguyên nhân ư? Chắc trước khi chết chị đã đau đớn đứt gan đứt ruột, đứt cả nghĩ suy, đứt niềm hy vọng? Xoàn xót đau nhìn chiếc xe lăn dần qua khúc cua.
- Dừng lại, tôi xuống.
Người lái xe gằn giọng:
- Vàng, cậu lại làm chuyện gì thế này? Xe của cơ quan cần về đúng giờ để còn xuống tỉnh dự hội nghị.
Tuy nói thế nhưng chiếc xe cũng dần khựng lại,. Xoàn kéo nắm chốt, nhảy xuống, cô xách túi hành lý chạy ngược về phía con đường bụi mù, đằng sau là tiếng của Vàng:
- Cô điên rồi, cô sẽ hối hận, đời cô sẽ chìm trong cái bản hủi ấy.
Xoàn không nghe thấy bất kỳ lời nào của gã đàn ông ném theo, khoảng trời trước cô là những ánh mắt học trò lung linh, chấp chới. Những ánh mắt như cánh bướm, nó sặc sỡ đủ màu, nó sẽ bay xa và sẽ bay cao…
P.H.Y
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...