“NGƯỜI NHÀ QUÊ HỌ PHẠM”-SÂU LẮNG MỘT HỒN THƠ!
(Tiếp theo và hết)
Tôi từng đọc ở đâu đó câu nói: Tình yêu quê hương đất nước bắt nguồn từ tình yêu gia đình, làng xóm, yêu thiên nhiên tươi đẹp…Là hoạ sĩ, lại sinh ra, lớn lên trong gia đình cách mạng có truyền thống say mê âm nhạc, thơ của “Người nhà quê họ Phạm” hội tụ đủ tố chất “thi trung hữu hoạ”, “thi trung hữu nhạc”. Điều tôi tâm đắc khi đọc thơ anh là khi tả cảnh, thơ anh bao giờ cũng ngụ tình:
“Đa đoan chi mấy cao xanh
Heo may lại cướp giọt tình của mưa”
(Vầng trăng trong mưa)
“Khoảng khắc hôn hoàng
Dễ chìm trong xao lãng!
Rất ngắn thôi,
Sáng đẹp lung linh
Trước phút nghỉ ngơi
Cháy rực hết mình”.
(Khoảnh khắc hôn hoàng)
Là người con hiếu đễ, người chồng chung thuỷ, người cha, người ông yêu thương cháu con hết mực, Người nhà quê họ Phạm” còn là người bạn, người đồng chí chân chính – coi tình nghĩa trên tất cả:
“Ta đâu khát rượu,
Khát tri kỷ cùng ta…
Tri kỷ ơi! Nào hãy nâng lên
Trong im lặng có điều ta muốn nói…”
(Rượu)
Anh gửi niềm nhớ thương, đồng cảm với bạn bè nơi đất khách quê người:
“Ai Lao. Gió Lào
Trời Tây. Viễn xứ.
Mịt mù. Gió hú.
Lao Bảo. Đèo cao
Buồn nao nao
Đất khách
Đìu hiu. Lau lách
Rừng chiều…
Chạnh lòng. Thương nhớ
Linh thiêng,
Theo gió. Về đây!
Câu thơ,
Từ mắt,
Cay cay…”.
(Thơ gửi bạn)
Bài thơ kiệm lời, từ ngữ mộc mạc giản dị nhưng với cách xuống dòng, ngắt nhịp liên tục, người đọc cảm được tình cảm dồn nén, nấc nghẹn khi nhớ đến bạn bè viễn xứ trong từng câu chữ của “người nhà quê họ Phạm”.
Anh từng là nhà khoa học danh tiếng có nhiều năm học tập tại Liên Xô cũ, từng tham gia quân ngũ và bị nhiễm chất độc hoá học, bị thương nơi chiến trường… nhưng anh khiêm nhường không muốn nhắc đến vết sẹo của riêng mình:
“Vết sẹo ơi! Sao mi chai lên thế!
Những bàn tay đầy sẹo của mi đây
Cũng một thuở. Hình như, linh cảm thấy
Sự dịu dàng đau đớn chốn bàn tay…
Thôi đừng nhé, nhắc chi về quá khứ
Thịt da kia cũng thịt da này!
Bom đạn đã xa về dĩ vãng
Những bàn tay tiếp sức những bàn tay”.
(Hội nhập sẹo)
Nhân xem bộ phim “Hoa xương rồng trên cát”, anh liên tưởng:
“Những mảnh xương vụn nát,
Cùng đất và cát
Lẫn lộn vào nhau…
Chinh chiến qua lâu,
Bàng hoàng còn đó
Tôi nhớ,
Thời rực đỏ,
Thời lính trẻ,
Anh, tôi…
Biển cát lung linh hơi nóng ngút trời,
Hoa xương rồng đỏ thắm…
Có phải không?
Từ nơi xa thẳm
Anh hiện về đỏ rực không gian…
Nhắm mắt, tay đưa, nước mắt tuôn tràn,
Cố ôm ấp một bóng hình đồng đội”.
(Hoa xương rồng trên cát)
Chiến tranh đã qua, nhưng nỗi đau còn đó đâu chỉ là nỗi đau thế xác mà còn là những suy tư trăn trở không chỉ riêng mình:
“Bom đạn đã qua.
Vết thương vờ ngủ…
Ôi! Cái bình yên trong bão lửa
Hãy về, ru ngủ trái tim ta!
Cái thời khói lửa đã xa
Mà nghe gió rít ngỡ là chiến tranh.
Hiền hoá bến nước đồng xanh
Gió đừng rít để yên lành nước non”.
(Yên bình)
Hoà bình, dù mang bao vết thương trên mình, anh vẫn còn trái tim nồng ấm và khối óc mẫn tiệp để phấn đấu cho sự nghiệp khoa học và sự nghiệp giáo dục… Đến ngày nghỉ hưu, anh khiêm nhường giản dị trở về với cuộc sống đời thường như biết bao con dân nướcViệt, gắn bó với số phận muôn dân:
Là người tinh tế, nhạy cảm, thơ anh đau đáu nỗi buồn thương:
“Mưa giăng mắc nỗi buồn nhân thế
Mờ chân mây dâu bể đón đưa
Ai làm bão tố gió mưa
Đời chan nước mắt, héo dưa kiếp người”.
(Đau lòng lũ lụt miền Trung)
Anh buồn cho thế thái nhân tình “chạng vạng trong ngữ điệu lai căng”.
Trước hiện tượng tự nhiên bất bình thường gây nên những hệ luỵ buồn cho người nông dân, anh trở trăn suy ngẫm về những vấn đề thế sự:
“…Ngỡ ơn mưa móc nhặt thưa
Nơi thì nứt nẻ, chốn mưa trắng bờ
Thần nông nửa tỉnh nửa mơ
Mưa giăng lạc vụ, bơ vơ hạt buồn”
(Mây mượn gió tạo muôn kỳ ảo)
Thơ anh có nhiều bài buồn - nhưng đó là nỗi buồn lớn lao, buồn cho mọi người chứ không phải buồn cho “cái tôi” nhỏ bé của riêng mình - nỗi buồn ấy là nỗi buồn của con người có lương tâm và trách nhiệm với con người, với cuộc đời. Nỗi buồn ấy làm thanh lọc tâm hồn ta chứ không phải nỗi buồn bi quan, yếm thế. Suy ngẫm về những lối mòn từ “nếp tư duy” đến cả trong “giấc mộng” anh đau lắm:
“Lối mòn - phẳng đến nôn nao!”
Nhưng những “lối mòn” trì trệ ấy không ngăn cản được cái nhìn lạc quan, tin yêu say đắm cuộc đời gần gũi, thân quen:
“Cuối lối mòn - mùa xuân ơi, da diết làm sao!
Theo lối gió, hanh hao đường quen thuộc
Ta đi, cả trong mơ, không chùn bước
Cuối lối mòn, em - ánh lửa - xuân ơi!”
(Cuối lối mòn - mùa xuân ơi!)
Hoà niềm vui lãng mạn của anh, ta tin rằng các giá trị văn hoá hoá truyền thống vẫn trường tồn:
“Người xưa chắc hẳn về chơi Tết,
Mủm mỉm cười âm cả cõi dương”.
(Nhớ cụ Vũ Đình Liên)
“Dù là kẻ trần gian nơi thế tục,
Nhưng cõi lòng hướng về Trúc - Trúc ơi!”
(Ngắm tranh Trúc)
Cây trúc thẳng ngay là biểu tượng chi chí khí thanh tao của người quân tử. Phải chăng anh viết hoa chữ Trúc như một danh từ riêng để gửi gắm cái chí của mình?
Người nhà quê họ Phạm từng viết: “Ngoài nghiệp chính, thì văn chương và hội hoạ là người tri kỷ chân thành và trung thực nhất của đời mình”. Ngắm những bức tranh “Mẹ tôi”, “Tĩnh vật”, “Nắng sông Thương”. “Nắng chiều trên cảng than nhà máy Phan Đạm”, “tứ quý”,” “Trúc”, “Chiều thu ngoại ô Maskva”… và nhất là những bức tranh anh vẽ 10 năm trở lại đây, tôi luôn lặng người đi, thành kính, cảm động. Càng xúc động hơn khi biết đã nhiều năm nay, anh nằm một chỗ, buộc cây cọ vào tay để vẽ và đau đớn gõ từng con chữ lên bàn phím để làm thơ. Phải yêu đời đến thế nào, người thơ ấy mới viết được những câu thơ gan ruột như thế này:
“Bất động lâu mới hiểu
Ầm ỳ vọng đêm ngày
Tiếng đời ôi xa thế
Nặng trĩu mà nhẹ bay.”
Anh khao khát tình bạn- như khao khát được hít thở khí trời, giao hoà cùng thiên nhiên, vũ trụ:
“Lúc bạn bè ào đến
Căn phòng ngập gió mây
Đa tạ cùng bạn hữu
Mang trời đất vào đây”.
(Ấm nắng)
Ngắm tranh, thưởng thức thơ của “Người nhà quê họ Phạm”, tôi thấy mình thu được lợi lạc nhiều lắm - đó là lợi lạc về tinh thần vô giá mà những người viết chuyên nghiệp chưa chắc đã đem lại được cho mình, dẫu họ viết rất hay và có bài bản... Tôi muốn sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, bè bạn, với công việc và với chính bản thân mình khi còn chưa quá muộn. Dẫu thơ anh chưa phải là xuất chúng, nhưng những giá trị nhân bản về cái Chân - Thiện -Mĩ anh đem đến cho tôi là vô giá. Tôi biết: Với anh, thời gian quý hơn vàng. Anh đang chạy đua với thời gian để chiến thắng bệnh tật, để sống có ích hơn cho gia đình, bè bạn và cho cuộc đời như anh đã và đang sống như thế! Tình yêu quê hương đất nước của anh bắt nguồn từ tình yêu trong gia đình, làng xóm, yêu thiên nhiên, cây cỏ... Đó là động lực để anh cầm súng chiến đấu, là động lực thôi thúc anh vươn lên trở thành nhà khoa học sáng giá.
Trên diendanthivien.net, mọi người gọi anh là Pa Ven. Anh khiêm tốn nói: “Đừng so sánh tôi với Pa Ven”.
Phó Tiến sỹ - giáo sư Nguyễn Kim Thiết(nick: khitieu) – một người bạn đồng niên dạy tại Trường Đại học Bách khoa đã viết tặng anh bài thơ:
“Ngày ấy Pa Ven bị liệt
Bị liệt đâu còn cảm thấy đau
Tôi đau nhức nhối mình tôi biết
Chẳng dám so được với ai đâu”.
Và anh đã có một bài hoạ khiêm nhường và rất lạc quan yêu đời, yêu người:
“Nửa liệt, kém Pa Ven bại liệu?
Và đau, chắc như tôi đang đau?
Nhưng khi bạn hữu mang Xuân đến,
Cười sún cả răng, kém ai đâu?”
Người thương binh - nhà khoa học mang bút danh “Người nhà quê họ Phạm” còn có một bút danh khác cùng ý nghĩa là Phạm Thôn Nhân. Anh tên thật là Phạm Ngọc San - một bloger thân thương, giản dị, khiêm nhường của Làng Thơ bên Thi viện.net, blog tiengviet.net, blog spot.com… Đã bước qua cái tuổi “cổ lai hy”, với ba tập thơ “Vầng trăng trong mưa”, “Hoàng hôn không yên lặng” và “Chạng vạng hoa đèn”, thơ anh làm cho tôi thấm thía hơn bao giờ hết câu nói của cổ nhân: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”.Thơ anh như một “trái chín muộn”, trải qua bao dông bão cuộc đời, chắt chiu từ giọt sương mai, gom góp từ tia nắng ấm, lặng lẽ dâng tặng đời hương vị ngọt thơm...
Lai Châu, ngày 17 tháng 9 năm 2013
Bùi Thị Sơn
ƯỚC: vòng tay dài rộng bằng trời
Để ôm trọn vẹn muôn người mình yêu...