.
Chạng vạng cuộc đời, “Chạng vạng...” thơ
Cách đây mấy năm tôi gặp tác giả Phạm Ngọc San ở Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Ông giới thiệu với tôi đã từng tham gia quân đội, vào chiến trường miền Nam. Người gầy, ốm yếu do vết thương và di chứng chiến tranh để lại, song ông có nghị lực phi thường, hằng ngày làm thơ và vẽ, ngay cả khi trên giường bệnh. Các sáng tác thơ của ông đã được tập hợp in trong các tập “Vầng trăng trong mưa” (NXB Mỹ thuật, 2002), “Hoàng hôn không yên lặng” (NXB Văn học, 2008). Mới đây nhất, ông ra mắt tập thơ “Chạng vạng hoa đèn” (NXB Hội Nhà văn, 2011) gồm 54 bài, chủ yếu ông làm trong thời gian điều trị tại bệnh viện và giữa hai cơn đau.
Tôi nhớ có lần đã trao đổi với ông về một chữ trong bài thơ “Nhớ Tây bắc”. Bài thơ hay, song câu “Heo may xao xác hàng cây/Thu đi không để dấu giày thời gian”, tôi đề nghị thay chữ “giày” bằng “gầy”. Theo tôi, chữ “gầy” làm cho câu thơ thanh thoát hơn, thể hiện được phong cảnh đang miêu tả, ngữ cảnh của bài thơ; đồng thời nói được bước thời gian rất nhẹ, không để dấu vết mà vẫn hằn lên cuộc đời. Phạm Ngọc San tâm đắc với góp ý trên và bảo, thế hệ làm thơ chúng tôi vẫn còn tư duy cụ thể lắm. Ông hơn tôi hai giáp tuổi, đã là khoảng cách một thế hệ, song điều đó không quan trọng, mục tiêu là có thơ hay.
Cầm trên tay tập thơ “Chạng vạng hoa đèn” ông tặng, tôi nhận thấy niềm yêu thơ của Phạm Ngọc San sâu sắc và thủy chung nhường nào. Nhà thơ Phùng Quán từng viết “Có những lúc ngã lòng/tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn Phạm Ngọc San vịn vào câu thơ để chống chọi với bệnh tật. Vì thế, thơ của ông chân thật, tâm sáng, hồn hậu. Khi ở buổi chạng vạng cuộc đời, ông suy nghĩ về con đường đã qua, những bon chen được, mất; những giá trị thật ảo. Trải qua những biến đổi thăng trầm, cuối cùng con người ta cũng trở về nơi cần đến, cái bến cuối vĩnh hằng. Vậy thì khi sống làm sao để mỗi ngày thật ý nghĩa, bao dung, nhân ái, “người với người sống để yêu nhau”.
Thực tại là nguồn cảm hứng sáng tác thơ của Phạm Ngọc San, dù đó là thực tại nghiệt ngã. Ông có cái nhìn về sự yên bình trong so sánh giữa thời chiến tranh bom đạn và hòa bình: “Thuở bom đạn dội sớm trưa/Bình yên nhẹ giấc võng đưa ấm lòng/Bây giờ gió rít đồng không/Nghe như đạn réo bom rung chiến trường” (Yên bình). Đất nước hòa bình, nhưng chiến tranh chưa đi qua người lính, nó nằm trong những vết thương trên cơ thể và hằn trong ký ức con người. Phạm Ngọc San là thương binh nên ông mong: “Đồng xanh, bến nước thân thương/Gió đừng rít để quê hương yên bình”. Trái gió trở giời làm vết thương tái phát, lúc ấy người ta mới cảm nhận được chiến tranh khốc liệt thế nào. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng từng đề cập đến chiến tranh trong ngày hòa bình qua “Chị Hai Vui”. Bài thơ khiến mọi người xúc động, cảm thông sâu sắc khi người phụ nữ thường phải chịu đựng những trận đòn của chồng - người thương binh bị tâm thần gây nên khi mỗi lần trái gió, trở giời. Còn Phạm Ngọc San viết về nỗi đau, những vết thương chiến tranh hành hạ của những người đã từng đi qua cuộc chiến tranh, nay sống trong hòa bình.
Cũng mạch đề tài thương binh, trong bài “Khúc giao mùa”, Phạm Ngọc San viết những câu thơ làm xúc động người đọc: “Lối đi, lạc lối/Vấp vào ngày xanh/Lối về-quên nhớ/Sương muối mặn cành”. Tôi rưng rưng trong lòng khi đọc từng chữ, từng câu của Phạm Ngọc San viết về chiến tranh, như trong những bài “Hội nhập sẹo”, “Dấu lặng trên khuông nhạc”, “Rừng xanh một thuở”... Ông viết về chiến tranh thông qua người mẹ cụ thể của mình và cũng là của những người mẹ Việt Nam: “Chiến tranh mấy cuộc kéo dài/Gồng vai thay bố nơi ngoài chiến khu/Tay kim chỉ, miệng hát ru/Khêu đèn lụi bấc, trăng lu tảo tần” (Con dâng mẹ bát chè xanh).
Thơ viết ở buổi chạng vạng cuộc đời, nên Phạm Ngọc San có nhiều tâm sự. Ông nhìn lại hành trình sống, đã hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm công dân đối với gia đình, xã hội. Ông căn dặn từ vợ đến con trai, con gái “giấy rách phải giữ lấy lề”. Phạm Ngọc San trăn trở với những biến đổi làm mất đi vẻ đẹp văn hóa làng quê đã bao đời, từng gắn bó với bao người: “Nắng tãi bê tông nhòa mặt ngõ/Đồng xanh dự án khói bâng khuâng/Tìm đâu giếng nước, cây đa cổ/Ấm bụi tre làng lúc bão giông” (Phố làng). Vật đổi sao dời theo thời gian âu cũng là quy luật, song sự biến đổi lòng người mới là sự trăn trở nhất, ông phải thốt lên: “Phù vân giăng lối đỏ xanh/Phía sau xanh đỏ mong manh kiếp người” (Mong manh).
Phạm Ngọc San làm thơ lúc hoàng hôn cuộc đời, song không vì thế mà thơ ông thiếu đi sự lãng mạn. Trái tim nhạy cảm, đa cảm của ông mở ra nhiều hướng, thấm những giọt sương mai và đón ngọn gió xuân vào lòng. Ông bồi hồi khi thời khắc chuyển mùa, xao động trước heo may thu về. Những bài thơ Gọi mùa, Khúc mưa, Nụ hôn mưa trái mùa, Giọt nắng, Khúc hát dòng sông, Mùa thu tới, Nét thu quê... đậm chất trữ tình, nhẹ nhàng và sâu lắng. Đây là những câu thơ hay: “Rượu quê/một chén mơ màng/Về đi/trăng ủ tàng tàng men quê” (Đường heo may). “Nhấp nháy trong đêm sao ngà say/La đà sợ lạc mây ngại bay/Đáy chén lung linh, ôi bóng bạn/Uống bạn hay là uống bóng mây” (Đối ẩm)...
Phạm Ngọc San làm thơ để giãi bày lòng mình, nên câu thơ mộc mạc, chân chất, dường như không dụng kỹ thuật, ít được trau chuốt. Những bài thơ trong “Chạng vạng hoa đèn” chủ yếu viết trên giường bệnh, cho thấy tình yêu thơ và nghị lực chiến thắng bệnh tật của ông, thật trân trọng.
10-6-2012
Nguyễn Đình Xuân ...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..