57
CỨ MÃI LÀ TÌNH NHÂN Giá chúng mình cứ mãi là tình nhân đi em!
Ta dắt nhau qua trọn cuộc tình thưở ấy
Em cứ mộng mơ, vô tư đến vậy
Để anh dại khờ, xốc nổi mộng liêu trai.
Chẳng sợ đêm về mang nỗi nhớ chia hai
Anh mượn câu thơ bắc cầu ô thước
Chẳng sợ trăng chia nửa vầng mộng ước
Mảnh kia ngủ rồi, đau đáu vẫn tìm nhau !
Giá mãi hồn nhiên cái thưở ban đầu
Như buổi hẹn anh vụng về, lóng ngóng
Biển ở xa, mà anh lòng dâng sóng
Em nũng nịu, dịu dàng như cát đợi bờ yêu …
***
Có lẽ thời gian làm chúng ta thay đổi nhiều
Ít dành cho nhau hơn những câu tình tứ
Có thể trong mắt em, anh-ông chồng vô tích sự
Lười việc nhà, biếng cả sự quan tâm.
Anh-ông chồng thích la cà, ham vui, vô tâm
Thường bỏ bữa mỗi chiều, quên nhắn lại
Chắng nhớ một người chưa ăn, nhẫn nại
Bên mâm cơm ngồi đợi bước chân về.
Anh-ông chồng kiệm lời khen hơn chê
Dễ chỉ trích, nhưng khó lời chia sẻ
Em nhiều lời hơn, dễ cau có, bắt bẻ
Cho nặng nề thêm những lúc giận hờn.
Có lẽ cuộc sống làm ta bớt mơ mộng hơn
Bớt dành cho nhau lời ngọt ngào như trước
Biết toan tính hơn bằng những điều rất thực
Câu yêu thương xưa, giờ lại hoá khô khan.
***
Giá như chúng mình cứ mãi là tình nhân
Để vẫn đẹp trong nhau, như thưở ấy…
Để Anh –
Sẽ không biết đời gập ghềnh đến vậy
Và Em –
Chẳng giấu vào đêm những tiếng thở dài.
Trần Trung
*
Ở đâu đó có câu nói đại ý rằng, Hạnh phúc là khi ta biết bằng lòng với những gì mình đang có, đang hưởng… Than ôi, mấy ai thực hiện được lời dạy đầy tính minh triết của thánh nhân: “Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc”! (dịch gọn là: Biết đủ tức là đủ!) Bởi bản chất của con người dính liền với một chữ THAM, mà lại thường là lòng tham vô đáy, nên triền miên khổ não hành hạ tâm lòng.
Chúng ta cùng lắng nghe tâm sự của một anh chồng qua CỨ MÃI LÀ TÌNH NHÂN của tác giả TRẦN TRUNG, rồi ngẫm xem thử đây có phải cũng là một dạng “tham” nào đó của lòng người hay không?
Dẫu “ván đã đóng thuyền”, thậm chí có thể đã có vài nhóc tì, nhưng anh chồng này trong một ngày xấu trời nào đó đã miên man thả hồn để mộng mơ về quãng đường tình xưa cũ khi khế ước hôn nhân chưa được tượng hình.
Giá chúng mình cứ mãi là tình nhân đi em!
Ta dắt nhau qua trọn cuộc tình thưở ấy
Em cứ mộng mơ, vô tư đến vậy
Để anh dại khờ, xốc nổi mộng liêu trai
Khi ta mộng hay mơ – dù nhìn về phía trước hay ngoái lại đàng sau – thì việc đó hiển lộ một điều rất thực rằng, ta không bằng lòng với cái hiện tại mình đang có, đang hưởng và đang mong muốn được thay đổi cuộc sống bằng một thực tại khác hơn – mà theo phép so sánh giản đơn đang diễn ra trong đầu là chắc chắn sẽ “ngon lành” hơn!
Chẳng sợ đêm về mang nỗi nhớ chia hai
Anh mượn câu thơ bắc cầu ô thước
Chẳng sợ trăng chia nửa vầng mộng ước
Mảnh kia ngủ rồi, đau đáu vẫn tìm nhau!
Những hình ảnh lãng mạn đầy chất thơ của những ngày yêu nhau chưa xa lắm cứ lượn lờ quyến luyến trong tâm tưởng chất chứa đầy những điệp từ “giá như…” đầy khát khao và nuối tiếc. Mà lạ chưa, những thứ ấy cả hai đã từng nếm qua, thử nghiệm ở những tháng ngày trao gởi yêu thương trong quá vãng vàng son tình tự buổi nào, tưởng chừng như chỉ mới hôm qua, chứ nào có phải là “đặc sản” xa lạ gì đâu!
Giá mãi hồn nhiên cái thưở ban đầu
Như buổi hẹn anh vụng về, lóng ngóng
Biển ở xa, mà anh lòng dâng sóng
Em nũng nịu, dịu dàng như cát đợi bờ yêu …
*****
Mà hiện tại cuộc sống vợ chồng như thế nào đến nổi khiến chàng ủ ê thở than não ruột đến thế?
Thật ra, không phải đám cưới xong là tự nhiên làm hai người đang yêu nhau thay đổi tâm tính như lời kể lể đầy than vãn của anh chồng. Tất cả bắt nguồn từ việc không được chuẩn bị kỹ tâm lý để cả hai chuyển từ giai đoạn Tình yêu qua cuộc sống Hôn nhân được trơn tru thuận lợi mà thôi. Bởi sự thật đơn giản rằng, cuộc Hôn nhân chưa bao giờ là một Tình yêu nối dài cả – dẫu Tình yêu đó đã từng là nền móng vững chắc để dẫn đến kết cuộc Hôn nhân này.
Vì sao lạ vậy?
Có lẽ thời gian làm chúng ta thay đổi nhiều
Ít dành cho nhau hơn những câu tình tứ
Có thể trong mắt em, anh-ông chồng vô tích sự
Lười việc nhà, biếng cả sự quan tâm
Khi đang yêu nhau, thường hai người sống tách rời nhau kiểu “nhà ai nấy ở”, một tuần hẹn hò gặp gỡ một vài lần gì đó và thời gian bên nhau cũng không nhiều. Cuộc gặp được chuẩn bị khá chu đáo, cả hai đối tác đều “biểu dương” tất cả những gì thế mạnh, ưu điểm và cái đẹp nhất của mình… cộng với thời gian hạn hẹp của buổi hẹn hò mà thời điểm đó lửa tình đang dâng cao ngất nên trái tim bỗng mù loà đi, không nhìn thấy nhiều thứ đang ẩn tàng phía sau của mỗi người.
Anh-ông chồng thích la cà, ham vui, vô tâm
Thường bỏ bữa mỗi chiều, quên nhắn lại
Chắng nhớ một người chưa ăn, nhẫn nại
Bên mâm cơm ngồi đợi bước chân về
Xấu che tốt khoe. Sau vài tuần trăng mật mặn nồng, dần dà những tật xấu của mỗi người hiện ra trước mắt nhau. Thật ra, không phải họ không muốn che, nhưng khổ nổi che không kín được nữa như thời còn yêu nhau vì rất nhiều nguyên do:
-Không một nghệ sỹ nào - dẫu là ưu tú - có thể đóng kịch mãi được trong cuộc sống đời thường của họ. Cứ sống bên nhau hàng ngày như thế, mọi thứ đều hiện ra mồn một trước mắt nhau – Tốt cũng như Xấu.
-Cao trào tình yêu dần qua khiến “thuỷ tinh thể của tim bớt dần sự mù loà”. Hệ quả là sự lãng mạn của tình yêu phai dần, thực tế cuộc sống hôn nhân rõ nét hơn. Mà thực tế thường là không đẹp bằng tưởng tượng!
Anh-ông chồng kiệm lời khen hơn chê
Dễ chỉ trích, nhưng khó lời chia sẻ
Em nhiều lời hơn, dễ cau có, bắt bẻ
Cho nặng nề thêm những lúc giận hờn
Nhưng cái nguy hiểm nhất khiến nhanh bào mòn tình yêu của vợ chồng chính là sự thiếu “tương kính” nhau. Sau khi kết hôn, ai cũng nghĩ người kia mặc nhiên là sở hữu vĩnh viễn của mình rồi nên không còn tâm lý dụng tâm, dụng công để giữ nhau cho khỏi mất nhau như ngày còn chưa cưới nữa.
Đàn ông độc thân thường có nhiều tật xấu trong thói quen và sinh hoạt thường nhật mà chỉ khi về sống chung người vợ mới thấy tường tận. Người phụ nữ thì nghĩ mình giờ đã là vợ rồi, trang điểm ăn mặc đâu cần trau chuốt như thuở còn yêu. Cả hai vô tình “phô diễn” ra nhiều tật xấu trước mắt nhau. Đó là chưa kể ai cũng nghĩ mình có “quyền” với người kia nên việc tranh cãi, chỉ trích, áp chế… nhau ngày càng mở rộng quy mô và tốc độ, trở nên nguy hiểm cho sự bền vững của Hạnh phúc gia đình.
Có lẽ cuộc sống làm ta bớt mơ mộng hơn
Bớt dành cho nhau lời ngọt ngào như trước
Biết toan tính hơn bằng những điều rất thực
Câu yêu thương xưa, giờ lại hoá khô khan.
Rồi gánh nặng áo cơm, trách nhiệm với con cái, ứng xử với họ hàng đôi bên, với xã hội… tạo nên nhiều áp lực cho cả hai. Đừng để xảy ra cảnh một trong hai người (hoặc có thể cả hai) “lạc đường” vào trong những giấc mơ nguy hiểm như vầy
Giá như chúng mình cứ mãi là tình nhân
Để vẫn đẹp trong nhau, như thưở ấy…
Để Anh –
Sẽ không biết đời gập ghềnh đến vậy
Và Em –
Chẳng giấu vào đêm những tiếng thở dài.
Bởi đó chính là mầm mống của việc ngoại tình – dẫu chỉ là ngoại tình trong tư
tưởng!
*****
Binh pháp Tôn Tử có nói đại ý rằng, Chiếm được thành rất dễ, giữ được thành mới cực kỳ khó. Chân lý này đúng trong việc dụng binh thì cũng chẳng sai trong việc duy trì tình yêu sau hôn nhân.
Có thể nuôi dưỡng tình yêu bằng nhiều cách, nhưng tiên quyết vẫn là sự cảm thông chân tình bằng việc đặt mình vào vị trí của người kia.
Hãy lưu ý trong cuộc sống vợ chồng, ngoài chữ TÌNH còn cần kèm theo một chữ NGHĨA nữa. Chính nhờ cái Nghĩa tào khang này mà xưa kia ông bà ta, dù đa số thành vợ chồng không bắt nguồn từ nền tảng tình yêu – như thời đại hôm nay – vẫn gắn bó keo sơn với nhau đến răng long tóc bạc da mồi...
HANSY