Báo Mỹ bình luận về giáo dục Việt NamBài đăng trên vnexpress ngày 28/6/2012
Anh Đào Quốc Huy và vợ là hai trong số những người "cắm rễ" bên ngoài cổng trường Thực Nghiệm lúc 3h sáng. Khi mặt trời lên, đám đông ùa vào, xô đổ cả cổng sắt, giẫm bồn hoa, chỉ để tranh suất mua hồ sơ vào học lớp một.
Trường tiểu học Thực nghiệm là một trong số những trường công hiếm hoi ở Việt Nam đi theo mô hình dạy học của Mỹ, thay vì cách dạy học thuộc lòng thường thấy. Khoảng 600 trẻ mẫu giáo trên khắp Hà Nội sẽ phải cạnh tranh nhau để giành 200 đơn xin học lớp một mùa thu này.
"Giống như chơi xổ số vậy", anh Huy, 35 tuổi, đi nộp hồ sơ cho con gái chia sẻ. "Chúng tôi cần phải gặp may".
Vụ chen lấn ở trường Thực nghiệm mới đây, chỉ gây ra một vài xô xát nhỏ và không ai bị bắt, nhưng lại phản ánh một vấn đề vốn là gánh nặng ở Việt Nam. Nền giáo dục nước nhà vẫn ở trong tình trạng trì trệ và lạc hậu, cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế. Và tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo hiện nay rơi vào tình trạng tuyệt vọng vì không thể thay đổi được tình hình.
Phụ huynh học sinh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm để vào mua đơn xin học ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà
Tại quốc gia từng theo Nho giáo đề cao giáo dục và thi cử, các trường học ở mọi cấp đều đối mặt với tình trạng gian lận, hối lộ và thiếu các nhà nghiên cứu cũng như các chương trình tiêu chuẩn thế giới. Kết quả là số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam theo học các trường tư có chương trình quốc tế và sau đó ra nước ngoài học cao đẳng, đại học, ngày càng tăng.
Dù thu nhập trung bình của người Việt Nam chỉ dừng ở mức 1.400 USD, năm ngoái vẫn có hơn 30.000 người Việt theo học ở các trường của nước ngoài. Việt Nam xếp thứ 5 về số du học sinh ở Australia và thứ 8 ở Mỹ, trên cả Mexico, Brazil và Pháp.
Số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ đã tăng gấp 7 lần kể từ con số 2.000 học sinh trong thập kỷ vừa qua. Hầu hết trong số gần 15.000 học sinh theo học ở Mỹ năm ngoái không đi theo diện học bổng của các trường danh tiếng, mà thay vào đó là ghi tên vào các trường cao đẳng cộng đồng với học phí do gia đình chi trả, theo Viện Giáo dục Quốc tế ở New York.
Không giống những trường đại học ở nước láng giềng Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo đã đi vào cải cách sâu rộng từ những năm 1980, các trường đại học ở Việt Nam vẫn chưa thể bắt kịp tốc độ với một thế giới đang toàn cầu hóa không ngừng, các chuyên gia nhận xét. Thay vào đó, giáo dục ở Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống quản lý tập trung kém hiệu quả và thiếu tư duy phê phán.
Hình mẫu giáo dục Việt Nam là “một cho tất cả” và vì thế các nhà lãnh đạo “cần hành động nhiều hơn để biến giáo dục trở thành một trong những tài sản của quốc gia”, Mai Thanh, một chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Hà Nội cho biết. “Tôi xem đó như một cơ hội bị bỏ lỡ”.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam vẫn ở mức 6%, dù là một trong những nước châu Á có tỷ lệ lạm phát cao nhất và nền kinh tế đang còng lưng gánh những công ty nhà nước trì trệ. Nhưng các nhà phân tích nhận định rằng khủng hoảng giáo dục sẽ khiến lực lượng lao động trong nước “cằn cỗi” và cản trở sự phát triển của quốc gia.
Intel, nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, vừa phải vật lộn để tuyển dụng được các nhân viên lành nghề cho cơ sở sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh, các nhà nghiên cứu từ trường Kennedy thuộc đại học Harvard cho biết.
Sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho hay “cơ sở hạ tầng nguồn nhân lực” của Việt Nam không hỗ trợ cho nhu cầu giáo dục đang tăng lên của quốc gia, trong khi các nhà nghiên cứu của Harvard nói rằng việc cải cách hệ thống giáo dục của Việt Nam đã bị “đóng băng” dù cho công cuộc cải cách và tự do hóa bắt đầu vào giữa những năm 1980.
Dù Việt Nam đã đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, tương đương một phần trăm trong tổng sản phẩm quốc nội, hơn so với nhiều nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình dương, vấn đề cốt lõi nằm ở quản lý kém chứ không do thiếu đầu tư.
“Chính phủ nhận thức sâu sắc rằng hầu hết người dân đều bất mãn đối với thực trạng giáo dục hiện nay, trong đó có cả lực lượng chính trị và kinh tế cũng như những người dân lao động bình thường”, Ben Wilkinson, đồng tác giả một báo cáo quan trọng năm 2008 và là phó giám đốc Chương trình Việt Nam của trường Kennedy ở TP. HCM nói. Ông thêm rằng vẫn còn quá sớm để nói về những hệ lụy của trào lưu học sinh Việt Nam đi du học nước ngoài đối với tương lai của đất nước.
Một vấn đề khác là thực trạng các bậc phụ huynh hối lộ cho giáo viên để con em được điểm cao và khiến bằng cấp trở nên tầm thường. Trong một báo cáo năm 2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Berlin đã kết luận rằng giáo dục là ngành tham nhũng thứ hai, sau ngành hành pháp, ở Việt Nam.
Truyền thông quốc gia thường xuyên đưa tin về những vụ bê bối liên quan đến giáo dục, trong đó vụ việc gây xôn xao gần đây nhất là việc giám thị ở một trường THPT dân lập tại tỉnh Bắc Giang ném đáp án cho các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Sau khi bị một thí sinh quay lại hành động gian lận này bằng camera, 6 giáo viên và cán bộ đã bị cách chức.
Đầu tháng này, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một điều luật cho phép các trường đại học tự quản nhiều hơn, nhưng các nhà cải cách giáo dục thì vẫn tỏ ra hoài nghi.
“Nhiều trường đại học chỉ quan tâm đến chuyện làm sao để tuyển dụng được nhiều sinh viên nhất”, đại biểu quốc hội Mỹ Hương cho biết. “Rồi các cử nhân sẽ đi về đâu? Liệu họ có thể tìm được công ăn việc làm không?”.
Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam vẫn đang loay hoay nghĩ xem làm thế nào để giúp con em họ học tập tốt trong một hệ thống trường lớp lạc hậu như thế. Một trong những giải pháp phổ biến là đăng ký vào các lớp học thêm ban đêm do các giáo viên trường công, những người có mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng (250 USD), giảng dạy. Không giống các quan chức cấp cao, hầu hết các gia đình ở Việt Nam không đủ tiền cho con em theo học ở các trường tư và đi du học.
Tuy nhiên, vợ chồng anh Đào Quốc Huy, những người đã đợi cả đêm cùng nhiều bậc cha mẹ khác bên ngoài cổng trường Thực nghiệm, vẫn còn may mắn hơn nhiều phụ huynh. Cô con gái 6 tuổi của anh mới đây đã đỗ vào một trường khác với học phí 870.000 đồng/tháng (40 USD), rẻ hơn 10 lần so với một số trường tư thục.
“Mọi người đều muốn cải cách giáo dục nhưng chẳng thể làm gì cả”, anh nói.
Anh Ngọc
Trên đời này, chuyện gì cũng có thể xẩy ra-Thái Thanh Tâm