Việt Bắc trong nỗi nhớ của người ra đi được tái hiện theo ba phương diện: thiên nhiên với những địa danh cụ thể; những hoạt động kháng chiến; hoa và người. Và bao trùm lên là tình cảm gắn bó sâu nặng nghĩa tình với Việt Bắc.
Bắt đầu là nỗi nhớ da diết, nôn nao như là nhớ người yêu. Việt Bắc hiện ra với buổi chiều, với đêm trống, với bếp lửa, với núi, với nương, rừng nứa bờ tre, ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê. Một không gian rộng lớn và một thời gian dài với các mùa khác nhau (Ngòi Thia sông Đáy suối Lê vơi đầy), với các thời điểm khác nhau (chiều, sớm, khuya, đêm).
Rồi nỗi nhớ cụ thể hơn với kỉ niệm kháng chiến: người mẹ bẻ ngô, lớp học i tờ, đêm liên hoan, ngày tháng cơ quan. Việt Bắc hiện ra qua âm thanh đặc biệt của núi rừng:
Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều,
Chày đêm nện cối đều đều suối xa.
Nỗi nhớ tập trung vào hoa và người Việt Bắc. Đó là bông hoa chuối đỏ tươi nổi bật giữa màu xanh của rừng. Rồi một rừng hoa mơ nở trắng. Một rừng phách đổ vàng đầy tiếng ve kêu. Con người Việt Bắc nhìn thấy thấp thoáng qua dao cài thắt lưng nắng ánh trên đèo. Lại cũng là con người cụ thể với bàn tay khéo léo chuốt từng sợi giang. Và đậm nét có lẽ là cô em gái hái măng một mình với tiếng hát ân tình thuỷ chung.
Tất cả những nỗi nhớ ấy khi da diết, khi thấp thoáng, nhưng đọng lại nhất, ấn tượng nhất là tình người Việt Bắc, cái tình thể hiện bằng hành động giản dị nhường cơm sẻ áo:
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng
Trong khổ thơ từ nhớ được sử dụng rất nhiều. Nó là từ đứng đầu mỗi câu thơ: Nhớ gì.., Nhớ từng…, Nhớ người.., Nhớ sao…, Nhớ ai.. Nỗi nhớ cứ đầy mãi lên trong tâm trí người ra đi. Nhớ cảnh, nhớ hoa, nhớ người, nhớ kỉ niệm ngày tháng kháng chiến. Điều đó nói lên sự gắn bó sâu nặng của người đi với Việt Bắc.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)