Việt Bắc là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu và cũng là một tác phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp. Sử dụng hình thức đối đáp như những khúc ca dao giao duyên truyền thống nhà thơ đã thể hiện rất thành công cảm xúc của người ra đi và người ở lại. Qua đó, một Việt Bắc vô cùng tươi đẹp, trong sáng, tràn đầy tình người đã được hiện lên. Mối tình quân dân thắm thiết và tấm lòng của người dân Việt Bắc với Cụ Hồ, với cách mạng đã được khẳng định.
Những nét chính trong trích đoạn
Việt Bắc:
– Tình quân dân gắn bó thể hiện ở cuộc chia tay đầy lưu luyến, nhớ lại những ngày cùng gian nan vất vả nhưng đầy niềm tin cách mạng (Từ đầu đến “Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”).
– Cuộc sống sinh hoạt và khung cảnh thiên nhiên Việt Bắc được hiện lên qua nỗi nhớ của nhân vật trữ tình với tư cách người ra đi (từ “Nhớ gì như nhớ người yêu” đến “Nhớ từ Cao Lạng nhớ sang Nhi Hà”). Qua nỗi nhớ ấy, cuộc sống sinh hoạt, thiên nhiên, con người Việt Bắc và những ngày cùng kháng chiến hiện lên sinh động và đáng yêu. Những câu thơ giàu chất nhạc hoạ và chứa chan cảm xúc trữ tình.
– Không khí chiến thắng tràn đầy niềm vui, tự hào, lời thề gắn bó thuỷ chung hai miền ngược xuôi (từ “Những đường Việt Bắc của ta” đến “Gửi dao miền ngược thêm trường các khu”).
– Khẳng định vị trí lịch sử của thủ đô gió ngàn – Việt Bắc đối với cách mạng (Khổ thơ cuối).
Bao trùm lên cả đoạn trích là tình cảm gắn bó của người ra đi với chiến khu Việt Bắc. Cách xưng hô “mình” và “ta” biến đổi vô cùng linh hoạt đã thể hiện được tình cảm tuy hai mà một của người cách mạng với Việt Bắc, giữa miền xuôi với miền ngược.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)