Đọc nhiều nhất
Thích nhất
Mới nhất
Tạo ngày 21/08/2010 20:24 bởi
tducchau, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 21/08/2010 21:25 bởi
tducchau “Tôi không dám đảm nhận trọng trách giới thiệu tập thơ của thầy Tuệ Sĩ và bản dịch sang tiếng Pháp của Dominique de Miscault. Muốn làm công việc này cần nhiều điều kiện mà tôi không có. Tôi không phải là một Phật tử, lại không phải là một nhà tu, cũng không phải là nhà thơ hay một dịch giả chuyên nghiệp. Tuy tôi biết danh Thầy Tuệ Sĩ từ lâu, nhưng chỉ được diện kiến Thầy chưa đầy một năm, tôi không có dịp biết rõ không gian nơi Thầy Tuệ Sĩ sống, chưa có dịp trao đổi với Thầy về những suy tư, cảm nghĩ của Thầy. Tôi chỉ biết Thầy là một vị cao tăng đã viết và dịch nhiều sách về Phật giáo, và được nghe danh Thầy là một thi sĩ, mà những câu thơ đầy Thiền vị đã được Cố Thi sĩ Bùi Giáng ca ngợi hết lời. Chỉ đọc hai câu thơ đầu trong bài “Không đề” mà đã “khiếp vía, mất ăn, mất ngủ”! Thầy là một nhà thơ “nói rất ít, mà nói rất nhiều”, “Đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu?”. Ngày 17/8/2009 Giáo sư Đặng Tiến dạy Việt Văn tại trường đại học Paris 7 (jussieu), nổi danh là một nhà phê bình văn chương thi phú, đã viết một bài rất hay để giới thiệu tập thơ này về hình thức và nội dung trên trang nhà Da Màu. Giáo sư Đặng Tiến cho rằng việc cho ra đời tập thơ là một việc rất quý, vì từ trước đến nay người yêu thơ ít có dịp đọc nhiều bài thơ của Thầy Tuệ Sĩ. Hôm nay nhà xuất bản đã “đưa đoá lan rừng ra ánh sáng” và chúng ta có cảm giác như chợt thấy “vừng trăng ra khỏi đám mây”, như hưởng “mùi thơm bông sứ chợt thoảng vào vườn khuya”. Tôi rất tâm đắc với những điều nhận xét, phân tích của Giáo sư.
Tôi có dịp chiêm ngưỡng bút pháp của Thầy trong cách viết chữ thảo, lại được thưởng thức cạnh Thầy một chén trà thơm. Và trong hai lần gặp gỡ, đã nhận thấy nơi Thầy một người nhã nhặn, khiêm tốn, sâu sắc. Sau khi được Thầy tặng cho tập thơ này, tôi lại khám phá ra Thầy là một người yêu âm nhạc, lại biết đàn (piano, violon, guitar), ngang qua những tiếng nhạc cảm nhận được suy tư của Thầy về cuộc đời, về sự hoà hợp giữa thiên nhiên và tình cảm con người và tôi đã đi theo cuộc phiêu du huyền bí của Thầy.
Từ hạ giới, Thầy không lên mà về Thiên đình:
Từ đó ta trở về Thiên đình
Một màu xanh mù toả vô biên
Thầy tiếp tục:
Ta bay theo đốm lửa lập loè
Chập chờn trên hoang mạc mùa hè.
Rồi Thầy trở về Hạ giới:
Thăm thẳm chòm sao Chức Nữ
Heo hút đường về
Lại tiếp:
Rồi đi biệt để hờn trên đỉnh gió
Trong chuyến đi, nhiều lúc Thầy tự hỏi mình đang ở đâu?
Ta ở đâu
Cánh mỏng phù du
Cuộc phiêu du có khi đi theo hương trà, trang sách, nhứt là đi theo tiếng đờn như tiếng ve mùa hạ:
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà dội cả đại dương.
Có khi đi chân vào khe núi:
Vội bước gập ghềnh khe núi
Vơi mòn triền đá chân chim
Có lúc đi theo con kiến:
Theo chân kiến
Luồn qua cụm cỏ
Bóng âm u
Thế giới chập chùng
Và theo mùi hương của nguyệt quế:
Lên cao mãi
Đường mây khép chặt
Để xoi mòn
Ảo tượng thiện chân
Có thể lúc ấy đi bằng đôi cánh, nên khi nghe nhạc:
Nghe khúc điệu rộn ràn đôi cánh mỏi
Cũng có luc đi qua chiến trường:
Chiến binh và cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương
Đạo sĩ đã từng “soi hình bên suối”, hay “chơi vơi đỉnh thác”, có lúc đứng nhìn “mặt hồ im ánh nước chập chờn”. Đã thấy bóng hình một người mà thi sĩ “nhớ mênh mông đôi mắt giả từ” và không thể “quên đâu con mắt giữa đêm”. Một hình bóng mơ hồ như một “công nương bỏ quên chút hờn trên dấu lặng”, một người không ở trên trần gian, mà “trên đài cao em ngự mấy tầng”…
Khi dây đàn chợt đứt, thấy “bóng ma đêm như thật”, lúc “hương tan trên dấu lặng”, thấy “mặt đất rung ma quỷ rộn phương trời”. Mỗi lần gặp dấu lặng người nhạc sĩ xúc cảm có lẽ nhiều hơn khi nhìn thấy những nốt nhạc trên bản nhạc, khi thấy dấu thăng thì “âm đàn trĩu nặng”, khi đàn nhiều thì “rát đầu tay nốt nhạc triền miên”, khi đánh những nốt nhạc kết thúc thì “chuỗi cadence day dứt ngón tay” và “ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng”, khi đàn phím trắng phím đen trộn nhau thì “đen trắng đuổi nhau thành ảo tưởng”, khi gặp “dấu lặng tròn xoe” thì “ta gửi đó ưu phiền năm tháng”. Có lúc “hương tan trên dấu lặng” nghe “giai điệu tròn lung linh”, có lúc “chút hơi thở mong manh trên dấu lặng” thì không nghe chi cả “đêm huyền vi giai điệu không lời”.
Trong cả tập thơ thường mang mác một nỗi buồn “bóng sao đêm dài vời vợi, thật hay hư chiều nhỏ ưu phiền”, “ấn sâu xuống ưu phiền trên phím trắng”, “ta gửi đó ưu phiền năm tháng”, “tay buồn vuốt mãi tờ hương rã”, “giai điệu cổ thống buồn u uất”, “ta sống lại trên nỗi buồn ám khói”, “giăng mộ cổ mưa chiều hoen ngấn lệ”…
Cuối cùng, khi gặp một mộ cổ thì thấy như là một tượng đài huyền sử:
Giăng mộ cổ
mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ
Sau cuộc phiêu du huyền thoại, có lẽ Thầy chưa tìm được những gì Thầy muốn gặp, nên khi xếp tập thơ ta có cảm giác như là “chưa đi đến nơi, chưa về đến chốn”.
Lời thơ mang màu sắc huyền bí mênh mông, chất Thiền vị nhiều hơn thi vị, nhưng người đọc bị hấp dẫn từ đầu đến cuối bằng nội dung và hình thức, có cảm giác không rời được bước chân Thầy. Tôi không phân tích tập thơ này, nhưng chỉ nói qua cảm giác của bản thân, của một người không phải là thi sĩ, một người nghiên cứu âm nhạc mà yêu thơ.
Ngoài lời thơ của Thầy Tuệ Sĩ, bản dịch tiếng Pháp của Dimonique de Miscault còn làm cho tôi thêm phần thích thú vì những chữ dịch chẳng những chính xác mà còn gợi lên được những hình ảnh đẹp và tư tưởng Thiền.
Đặc biệt một từ “vô biên” (infini) mà khi dịch câu:
Cánh chim bạt ngàn, từ quảng vô biên
Thành là:
Au delà des sommets, un oiseau plane
Entre deux notes l’intervalle est infini
Nhưng đến câu
Một màu xanh mù toả vô biên
Lerre bleue s’étend à perte de vue
Chữ vô biên của quảng nhạc thì thuộc về tai nghe, nhưng vô biên của màu xanh thì thuộc về mắt thấy.
Bà dùng danh từ rất chính xác:
Dịp tim ngừng trống trải thời gian
Nếu chữ trống trải mà dịch thành chữ “vide” thì không trật…
Nhưng lại không lột tả được tư tưởng Thiền là trong cái trống trải vẫn tồn tại mọi điều, tuy nghĩ là “không” mà vẫn hiện hữu “có”.
Nên dịch là:
Le coeur s’arrête dans la “vaculté” dutemps. Chữ đó thường được dùng để dịch chữ “không” trong ngôn ngữ Phật giáo.
Nhiều khi Bà không dịch theo cách “trực dịch” mà “ý dịch”:
Cánh mỏng phù du
Trực dịch: “les ailes fragiles de l’éphémère”
Ý dịch: “Mes ailes sont aussi fragiles que calles de l’éphémère”
Văn phong giản dị, bản dịch đi sát lời thơ cũng tạo nên một cảm giác phiêu diêu. Phần minh hoạ chụp Thầy ngồi trước đàn Piano… xem qua nửa hư nửa thực. Mỗi bức ảnh như một bức hoạ, trong đó phần “hiện thực” pha trộn hài hoá với màu sắc có phong cách trừu tượng. Tác giả cho rằng những bức ảnh đó là một “biểu tượng tình cảm” (expresison graphique) theo cụm từ Đặng Tiến đã dùng.
Lời thơ, ý thơ đầy Thiền vị, bản dịch chính xác, giản dị, và giàu thi vị, hình ảnh lộng lẩy như những bức tranh, sắp xếp rất hài hoà nghệ thuật, lại in trên loại giấy tuyệt đẹp, làm cho tập thơ này trở thành một “nghệ phẩm” toàn diện, cũng như điệp khúc từ những phím dương cầm đang mênh mang bát ngát trải dài trên những ngón tay.”
Nguồn: Bài Thuyết trình GSTS. Trần Văn Khê nói về tập thơ “Những điệp khúc cho dương cầm” của Thầy Tuệ Sĩ, ngày 27/9/2009 tại khách sạn Legend (2A-4A Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM).
“Tôi không dám đảm nhận trọng trách giới thiệu tập thơ của thầy Tuệ Sĩ và bản dịch sang tiếng Pháp của Dominique de Miscault. Muốn làm công việc này cần nhiều điều kiện mà tôi không có. Tôi không phải là một Phật tử, lại không phải là một nhà tu, cũng không phải là nhà thơ hay một dịch giả chuyên nghiệp. Tuy tôi biết danh Thầy Tuệ Sĩ từ lâu, nhưng chỉ được diện kiến Thầy chưa đầy một năm, tôi không có dịp biết rõ không gian nơi Thầy Tuệ Sĩ sống, chưa có dịp trao đổi với Thầy về những suy tư, cảm nghĩ của Thầy. Tôi chỉ biết Thầy là một vị cao tăng đã viết và dịch nhiều sách về Phật giáo, và được nghe danh Thầy là một thi sĩ, mà những câu thơ đầy Thiền vị đã được Cố Thi sĩ Bùi Giáng ca ngợi hết lời. Chỉ đọc hai câu thơ đầu trong bài “Không đề” mà đã “khiếp vía, mất ăn, mất ngủ”! Thầy là một nhà…