Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trần Trọng Kim
Đăng bởi tôn tiền tử vào 27/11/2024 08:54
Nói về thơ Hán văn thì có thơ Đường là hơn cả, tình tứ tao nhã, ý nghĩa sâu xa, có thể nuôi được cái khí hạo nhiên của người ta, tức là di dưỡng được cái tính tình cao thượng và chân chính.
Ta dùng văn thơ mà nuôi cái khí hạo nhiên cũng như giồng cây, thường nhật cứ bón tưới, rồi để tự nhiên cây mọc lên tươi tốt, có hoa, có trái. Đó là cái học hàm dưỡng của người đời xưa mà ngày nay có người cho là vô ích. Chẳng qua là người ta hiểu lầm cái nghĩa chữ “học”. “Học” có hai nghĩa: một là học để gây nuôi cái nhân cách đặc biệt, đem cái tinh thần và cái tình cảm con người thoát ra ngoài những điều hèn hạ mà đi vào con đường cao khiết, thanh nhã. Hai là học để chuyên tập một nghề nào cho sành mà ứng dụng ở đời. Có lẽ ngày nay người ta bỏ quên cái nghĩa thứ nhất, mà chỉ chú trọng ở cái nghĩa thứ hai, cho nên thấy cái gì không có lợi ngay thì cho là vô ích.
Ta nên biết rằng trong người ta bao giờ cũng có hai phần: một phần người và một phần vật cùng đi đôi với nhau, điều hoà với nhau. Hễ để phần người át phần vật quá độ, thì người không đủ sức mà làm mọi việc; hễ để phần vật át phần người quá độ thì sự hành vi của ta thành ra đê hạ, mất cả phẩm giá, như thế là bỏ mất cái bình hành, mất sự điều hoà, rất cần cho người hoàn toàn ngay chính.
Vậy trong sự học, có một phần rất quan trọng là việc gây cái tinh thần sáng suốt và mạnh mẽ, nuôi cái tình cảm thuần hậu và thanh nhã. Cái học ấy phải phí nhiều thì giờ, phải mất nhiều công phu, mới có hiệu quả. Nếu nói rằng học cái gì mà không thấy có hiệu quả ngay thì không nên học, nói như thế, khác nào người nước Tống đời xưa giồng lúa, thấy cây lúa mọc chậm đem rút ngọn lúa lên, thành ra lúa chết cả. Ta nên nhớ lời Mạnh Tử nói về sự nuôi cái khí hạo nhiên rằng: “Thị tập nghĩa sở sinh giả, phi nghĩa tập nhi thủ chi dã” 是集義所生者,非義襲而取之也 nghĩa là cứ thường theo đạo nghĩa mà làm để nuôi cái khí hạo nhiên, rồi khi ấy tự nó sinh nở ra, chứ không phải lấy cái nghĩa mà bất thình lình chụp lấy khí ấy được. Hiểu rõ nghĩa câu ấy, thì hiểu cái giá trị sự học hàm dưỡng của cổ nhân.
Những bài thơ Đường tựa như những đồ chơi làm bằng ngọc bằng ngà, chạm trổ rất tinh xảo, trau giồi bóng bảy, càng ngắm càng thấy đẹp, chơi bao lâu cũng không thấy chán. Những thơ ấy lại có nhiều tình sâu ý cao, ngâm nga tiêu khiển và ngẫm nghĩ kỹ, thật là lợi cho tính tình biết bao.
Bình nhật tôi hay xem thơ mà ít khi làm thơ. Tôi cho làm thơ cũng như đánh đàn, không có cảm khái, không có cao hứng thì dù đánh đúng cung đúng điệu, đàn vẫn không hay. Đánh đàn không hay thì không đánh. Chỉ vì phải khi gặp bước gian nan, tôi ra ở Chiêu Nam đảo (Tân Gia Ba) đứng trong cái hoàn cảnh éo le, tâm tình sầu muộn, lại bị những nỗi đoạn trường chua xót, tôi mới lấy thi văn cổ nhân ra xem và chọn lấy những bài có tình tứ hay, đem dịch ra các lối thơ Việt văn đề làm chỗ tiêu khiển, vả cũng nhờ việc làm ấy mà tôi khuây khoả được bao nhiêu nỗi đau buồn khổ não. Thế mới biết văn thơ thật bổ ích cho tinh thần của ta vậy.
*
Tập Đường thi này, khi tôi ở Chiêu Nam đảo về, mới dịch được có 120 bài. Sau khi thôi làm việc ở Huế, tôi ra ngụ ở làng Vĩ Dạ gần Huế, được ít lâu về Hà Nội, lại phải tránh loạn chạy sang Tàu, rồi về Saigon. Trong nhưng lúc phải nay đây mai đó như thế, tôi lại đem Đường thi ra dịch thêm được 216 bài nữa, gồm tất cả là 336 bài.
Dịch thơ nọ ra thơ kia, khó nhất là đừng bỏ sót những ý nghĩa, cốt yếu và đừng làm mất cái thần câu thơ trong nguyên văn. Tôi lại cố tìm tiếng, tìm vần, để cho câu văn dịch không mất vẻ thơ.
Tôi theo cái nguyên tắc ấy mà dịch tập Đường thi này, chia ra làm ba mục. Mục thứ nhất nói về thơ cổ phong, có 35 bài ngũ ngôn, 23 bài thất ngôn; mục thứ hai nói về thơ luật, có 76 bài ngũ ngôn, 67 bài thất ngôn; mục thứ ba nói về thơ tuyệt cú, có 67 bài ngũ ngôn tuyệt cú, 68 bài thất ngôn tuyệt cú.
Những thi nhân có thơ trích ra ở trong sách này đều xếp đặt trước sau theo các thời đại. Ngày xưa người ta chia Đường thi ra làm bốn thời kỳ, gọi là Sơ Đường, Thịnh Đường, Trung Đường và Vãn Đường. Sau lại có người thu lại làm ba thời kỳ, là Sơ Đường, Thịnh Đường và Vãn Đường. Dù chia làm bốn hay làm ba thời kỳ, chẳng qua là lấy khí phách và thể cách của thi văn làm chừng, chứ không phải là cái giới hạn nhất định.
Thơ mà hay là cốt ở tình và văn. Cổ nhân đã nói: “Tình sinh vu văn, văn sinh vu tình”, nghĩa là tình sinh ra ở văn, văn sinh ra ở tình. Tình và văn dồi dào cả hai là thơ Thịnh Đường, tình không đủ mà văn có thừa là thơ Vãn Đường. Thấy rõ chỗ hơn kém ấy và biết rõ cái tài khí và thanh điệu của các thi nhân đời Đường là một điều rất hệ trọng và rất có thú vị trong sự xem thơ Đường.
Làm một việc trước hết là để tiêu khiển, mà nhân đó lại làm hẩy rõ cái diện mục thì văn đời Đường, tưởng cùng không phải là vô ích cho văn học vậy.