Từ đêm dày áp bức
Người thợ trong lao khổ
Kiếp phu phen xơ xác
Vệt roi lằn máu đỏ
Cõng than bằng lưng trần

Người đi trong lầm than
Thành trái tim bất khuất
Đồng tâm và kỉ luật
Ngọn lửa đã bùng lên

Người nối người như thác
Chuyển lay cả đất trời
Ba vạn người chung sức
Dậy sóng một ban mai

Đất nước nhoè bóng giặc
Gông xiềng cần đập tan
Xưởng máy và tầng than
Đã giăng thành luỹ thép

Trái tim người thợ mỏ
Sức sống của cần lao
Xoá đêm dầy nô lệ
Biển sóng cũng dâng trào
Người làm chủ tài nguyên
Vẫn đồng tâm kỉ luật
Xốn xang và tất bật
Chung lưng dựng cơ đồ


Từ đêm 12-11, xuất phát từ khu mỏ Cẩm Phả đến chiều ngày 28-11-1936, sau 17 ngày đêm với tinh thần đấu tranh bền bỉ, liên tục và quyết liệt, cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ diễn ra trên phạm vi toàn khu mỏ (từ Mông Dương đến Mạo Khê) đã giành thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa chính trị, là một bước ngoặt rất lớn trong công cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản ở vùng Mỏ. Là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936-1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật và đồng tâm”, về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ. Chính vì thế ngày 12-11-1936 đã đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống của công nhân mỏ được duy trì, tôn tạo thành giá trị tinh thần bất khuất, anh hùng của người vùng Mỏ. Với ý nghĩa đó, dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công nhân mỏ, tháng 11-1996, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định công nhận xếp hạng Ngã tư đường lên mỏ Đeo Nai tại trung tâm thành phố Cẩm Phả, nơi được xác nhận là mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày ấy là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích này, tập đoàn công nghiệp Vinacomin đã phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, thành phố Cẩm Phả xây dựng thành Quảng trường 12-11 và tượng đài công nhân mỏ.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]