Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 08/09/2020 13:01, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi ThiThat Pham vào 10/07/2021 15:38, số lượt xem: 252

(Kính tặng hai mẹ liệt sĩ trong Đường về)

Trải bao kiêng khem suốt kì thai nghén
Ấp ủ đợi anh trọn vẹn dáng hình
Chịu những cơn đau xé ruột một mình
Mẹ cho anh thấy trời cao đất cả.

Cuộc đời mẹ nhiều gian nan vất vả
Dù biết bao ngày thiếu áo đói cơm
Vẫn dành cho anh dòng sữa ngọt thơm
Chắt lọc từ những củ khoai lát sắn.

Rồi những khi anh ốm đau sài sắng
Hằng đêm dài mẹ thức trắng chăm lo
Mẹ dõi theo từng đổi thay rất nhỏ
Mong anh vuông tròn qua tháng qua năm.

Anh lớn lên khi có nạn ngoại xâm
Vì Tổ quốc anh xung phong nhập ngũ
Tuổi còn thiếu và cân còn chưa đủ
Mẹ gạt nỗi niềm thương nhớ tiễn anh.

Biết rằng chiến tranh sống chết mong manh
Mẹ giấu lắng lo vấn vương sớm tối
Nhân niềm vui với thư anh viết vội
Từ chiến trường không địa chỉ để hồi âm.

Mẹ cứ chờ anh, lặng lẽ âm thầm...
Đến một ngày mưa rét giữa mùa đông
Nước mắt cạn khô, đau đớn tột cùng
Mẹ đón anh trong quốc kì phủ kín.

Ôi đời mẹ, một chuỗi dài dồn nén,
Những nỗi niềm không thể sẻ chia!
Tâm tư cho khúc ruột bị cắt lìa
Mẹ thổ lộ mỗi lần thăm mộ chí

Tóc bạc chăm cho đầu xanh yên nghỉ!
Nhưng chiến tranh nào hết cảnh trớ trêu
Tin đến mùa đông buốt giá một buổi chiều:
Người mẹ đón không phải là con mẹ.

Bởi chiến tranh, bởi lẫn nhầm... Có thể
Bởi có nhiều người khác họ trùng tên...
Mẹ thương anh giấc ngủ chẳng được yên
Xót cảnh mộ bị bới đào khai quật…

Với người mẹ chung nỗi đau con mất:
“Cho dù đây không phải đúng con tôi
Nhưng nó đã về đây với tôi rồi
Nó là con tôi dù mang họ khác.

“Hai đứa cùng độ tuổi xuân trai tráng
Đã xả thân cho đất nước thanh bình
Tôi với bà là mẹ có công sinh
Ta coi nó là con chung, bà nhé!“

Hai người mẹ tuổi tám mươi có lẻ
Lặng lẽ ôm nhau, nước mắt chan hoà
Một hình ảnh đáng khắc vào bia đá
Biểu tượng tận cùng của một nỗi đau!

Hai mẹ già đã thấu hiểu lòng nhau
Nhưng nỗi đau biết bao giờ nguôi vợi!

Tháng 7/2019. Cảm tác sau khi xem phim phóng sự Đường về của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư.