Nói về thi pháp Nguyễn Bính tức là nói về một dòng thơ không thi pháp. Nguyễn Bính đã vô hiệu hoá tất cả những quy luật về thi ca từ trước đến giờ. Bởi tất cả những lý thuyết về thơ, đại loại như: ngôn ngữ thơ phải là một thứ ngôn ngữ độc đáo phi thường, thoát khỏi phạm vi của lời nói hàng ngày. Nhà thơ phải bóp méo ngôn ngữ thông dụng bằng những thủ pháp ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ... để đạt tới ngôn ngữ thơ, mà mỗi chữ phải có một giá trị riêng biệt, khác với công dụng của nó trong ngôn ngữ hàng ngày v.v... Nói khác đi, thơ phải là những câu với lời lẽ trác tuyệt như thơ Ôn Như Hầu: “Trải vách quế gió vàng hiu hắt / Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng”.

Tất cả những nguyên tắc ngôn ngữ thơ ấy đối với Nguyễn Bính đều vô dụng. Thơ Nguyễn Bính chính là tiếng nói hàng ngày, là ngôn ngữ chúng ta thường dùng để nói chuyện với nhau, không có gì khác cả, Thơ Nguyễn Bính là lời mẹ dỗ con gái trong buồng, trước khi nhà trai đến đón dâu:
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không
Nín đi mặc áo ra chào họ
Rõ quý con tôi các chị trông

Ương ương dở dở quá đi thôi
Cô có còn thương đến chúng tôi
Thì đứng lên nào, lau nước mắt
Mình cô làm khổ bấy nhiêu người

Này áo đồng lầm quần lĩnh tía
Này gương này lược này hoa tai
Muốn gì tôi sắm cho cô đủ
Nào đã thua ai đã kém ai
(Người mẹ)
Thơ Nguyễn Bính là lời người dì thủ thỉ dặn dò cháu gái trong đêm tân hôn:
Dì em khe khẽ tai em dặn:
Như thế...từ nay...cháu nhớ chưa?

Chết nhỉ! Đêm nay ngủ với chồng
Trời ơi! Gió lạnh! Gớm mùa đông
Lặng yên níu áo dì em lại
Ngủ nốt đêm nay có được không?
(Giọt nến hồng, 35)
Thơ Nguyễn Bính là lời cha thi sĩ, tha thiết khuyên con gái:
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ!
Nghèo lắm con ơi! Bạc lắm con!
(Oan nghiệt)
Từ Nguyễn Du, chưa ai viết được những lời thơ đối thoại thần tình như vậy.

Cái kinh nghiệm sống, kinh nghiệm đời ấy, Nguyễn Bính lấy từ đâu? Làm sao một cậu thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi đã có thể nằm trong da thịt và tâm hồn người đàn bà hôn nhân ngang trái, để viết nên những hàng:
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng... nhắm mắt... cau mày... cực chưa?
(Lỡ bước sang ngang)
Nguyễn Bính không chỉ dừng lại ở ngang trái. Nhà thơ hai mươi tuổi ấy đã đi hết trọn đời người và đã viết những câu thơ tiên tri cho định mệnh của chính mình:
Bao nhiêu đau khổ ngần này tuổi
Chết cũng không non yểu nỗi gì
(Giối giăng)
*

Cho nên, sự độc đáo nhất của Nguyễn Bính là ông đã khuynh đảo tất cả những lý thuyết về ngữ học văn thơ từ trước đến giờ: thứ lý thuyết phân biệt giữa văn thơ và lời nói thông thường. Ông dùng ngôn ngữ hàng ngày để làm thơ, và thơ ông thường là một câu chuyện, ông kể lại những chuyện tầm thường nhất, ví dụ chuyện hai chiếc lá bàng rụng:
Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn
Hôm nay lá thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi! Chiếc lá cuối cùng là đây
(Cây bàng cuối thu)
Chỉ là câu chuyện hai chiếc là vàng rụng, với những lời lẽ mộc mạc nhất, nhà thơ đã tạo nên một không gian chia lìa, một đời hoang lạnh, một tình yêu chớm nở giữa lá và người, trước khi lá kia nhắm mắt Lìa cành theo gió lá luồn qua song, người đã Hai tay ôm lá vào lòng.

Trong những trang cuối của tập Lỡ bước sang ngang, bài Chuyến tàu đêm đứng riêng một cõi. Chuyến tàu đêm là một chuyến tàu siêu thực, là tác phẩm đặc biệt của Nguyễn Bính ra khỏi quỹ đạo ngâm khúc và truyện nôm:
Gió lạnh, nghe chừng đêm thấy sâu
Mà con đò mộng đã sang đâu!
Qua song, một chuyến tàu đêm chạy
Một chuyến tàu đêm chảy rất mau

Những ánh đèn phai tựa nắng tà
Toa này toa khác nối liền toa
Chập chờn như một con giời lớn
Như một oan hồn hiển hiện ra

Tàu chạy hình như để chở buồn
Chở người đi nhớ kẻ về thương
Nâng bao nhiêu gót chân xinh đẹp
Tàu chạy đêm nay có lạc đường
...
Tàu biết bây giờ chạy đến đâu?
Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu
Bỏ đây một chiếc tàu kiêng đỗ
Chở một toa tim nặng oán sầu
Bài thơ tả một chuyến tàu đi trong mơ, đi trong tâm linh, trong cô đơn hoang lạnh và không dừng lại ở ga hồn người chờ đợi. Tính chất siêu thực không đến từ thủ pháp ghép chữ lạ như những nhà thơ khác vẫn làm, mà đến từ những chữ rất bình thường như “tàu đêm” “chảy”, “chập chờn như một con giời lớn”. Sự lộng lẫy ma quái của “con giời” ẩn chứa tất cả các thể lỏng, thể đặc, sự thay đổi hình hài, biến thiên màu sắc, tạo ra cái ghê rợm trầm uất của một con tàu ma “chở một toa tim nặng oán sầu”. Tiếc rằng nhiều bản in đã sửa “con giời” thành “con dơi”, chứng tỏ người sửa không hiểu gì về thi ca.

Nỗi đau nơi Nguyễn Bính đã nhập vào ngũ tạng nó không phải là nỗi đau lãng mạn, mà đã trở thành nỗi đau nội tâm và ý thức. Rồi bài Quán lạnh vẫn tác giả là cậu thanh niên hai mươi tuổi ấy dẫn chúng ta đến một hội ngộ bất ngờ khác:
Mùa thu đến chậm như chưa đến
Lá vội rơi theo gió vội vàng
Sương đã dâng lên, chiều lắng xuống
Bến đò đã tắt chuyến sang ngang

Đem theo cát bụi đường xa lại
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài
Hơi lạnh đầm đìa trong quán lạnh
Người ta đóng giở chiếc quan tài
(Quán lạnh)
Trên cuộc đời không nguôi lữ thứ, quán là nhà, lạnh là bạn.

Nhà thơ tráng sĩ hạnh ngộ với chiếc quan tài, với nỗi chết giữa đường.

Nguyễn Bính nhỏ lệ khô bằng những gieo âm bất ngờ “Mùa thu đến chậm như chưa đến”. Tại sao lại “như” ở đây? Ở chỗ không ngờ nhất? Rồi đến “lá vội rơi theo gió vội vàng”. Lại nữa, hai lần vội, lá vội và gió vội. Tiếp theo là “Hơi lạnh đầm đìa trong quán lạnh”, lại thêm hai lần lạnh. Tất cả những bất ngờ, không chờ, không đợi ấy, dội lên không gian hoang vắng của “bến đò đã tắt chuyến sang ngang”, dẫn đến bất ngờ cuối cùng là nỗi chết: “người ta đóng giở chiếc quan tài”.

Những buồn, lạnh, vội, tạm, gặp nhau trong cái quán này. Quán của niềm đau và nỗi chết. Thi sĩ như cái quan tài phiêu lưu, lang bạt, nay chỗ này mai chỗ khác, một cái chết lưu vong, cái chết lữ thú, cái chết lạc loài, không chốn đỗ:
Sáng mai xuôi ngược về đâu nhỉ
Nào biết về đâu kẻ ngược xuôi
(Ngược xuôi)

Thuỵ Khuê

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]