Phần 1: Ta và nhà ngươiBài thơ
Hành phương Nam của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính không chỉ có một phong cách rất lạ so với những bài thơ khác của ông, mà còn ghi dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhà thơ.
“Nhà ngươi” là ai?Nói bài thơ có phong cách lạ bởi người ta vốn quen với cái chất mộc mạc, mang phong vị ca dao trong thơ Nguyễn Bính, chẳng hạn:
Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
hoặc
Hồn anh như hoa cỏ may
Một hôm cả gió bám đầy áo em...
Cho nên khi gặp cái chất hào sảng, khí phách trong
Hành phương Nam thì người đọc cảm thấy bất ngờ, thú vị:
Đôi ta lưu lạc phương Nam này
Đã mấy mùa qua én nhạn bay
Xuân đến ngập trời hoa rượu nở
Riêng ta nhà ngươi buồn vậy thay...
Tôi thích nhất là những câu xưng hô “ta với nhà ngươi”:
Thế nhân mắt trắng như ngân nhũ
Ta với nhà ngươi cả tiếng cười...
...
Ngươi ơi, ngươi ơi hề ngươi ơi
...
Ngươi về bên ấy sao mà lạnh
Nhịp trúc ta về lạnh mấy mươi.
“Ta” thì đã hẳn là Nguyễn Bính, nhưng còn “nhà ngươi”?
Cách đây 15 năm, tôi có hỏi chị Hồng Cầu (con gái nhà thơ Nguyễn Bính): “Nhân vật được Nguyễn Bính gọi là “nhà ngươi” trong bài thơ
Hành phương Nam là ai?” Chị trả lời: “Là ông Hoàng Tấn đấy!”
Vài bữa sau, nhà thơ Kiên Giang dẫn tôi đến thăm nhà văn Hoàng Tấn. Ông sống đơn chiếc cùng với cô con gái ruột trong một căn hộ nhỏ nằm trên lầu hai cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh, TP. HCM). Nhà ông chật hẹp nhưng trông hệt như một... bảo tàng văn học. Những bài thơ của các thi hữu thân thiết, hoặc những bài báo (tranh ảnh) viết về họ, đều được ông cắt dán trang trọng kín những bức vách. Dạo đó, nhà thơ Kiên Giang đã qua ngưỡng “cổ lai hy”, Hoàng Tấn lớn tuổi hơn, độ ngoài tám mươi. Ấy vậy mà trí nhớ của cả hai lão thi nhân thật tuyệt vời. Gặp nhau họ chuyện vãn như... lân gặp pháo.
Hơn cả vợ và người tìnhNhà văn Hoàng Tấn và Nguyễn Bính thân nhau đến nỗi ông Hoàng Tấn “tự hào” rằng còn thân thiết hơn cả những người tình, những bà vợ của Nguyễn Bính. “Ồ, thế ra Nguyễn Bính đã xa tôi đúng 20 năm rồi ư? Một tia chớp thời gian. Hai thập niên vèo bay! Không, Nguyễn Bính vẫn còn đây, vẫn ở bên tôi ngày đêm tâm sự, cùng nhau xướng hoạ, ngâm vịnh, cùng nhau xẻ ngọt chia sầu. Trong phòng tôi, trên tường, di bút Nguyễn Bính còn đó. Những thư từ Nguyễn Bính viết cho tôi vẫn còn đây. Những bài thơ trong bản thảo của Nguyễn Bính tôi trân trọng giữ gìn cũng như gìn giữ những tấm ảnh của Bính chụp trong nhiều giai đoạn khác nhau. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mất Nguyễn Bính... Nếu tính đến nay (1986), tình bạn của chúng tôi kéo dài còn hai năm nữa là tròn nửa thế kỷ...” (trích
Nguyễn Bính - một vì sao sáng - Hoàng Tấn, NXB Đồng Nai, 1999).
Nhà văn Hoàng Tấn kể, khoảng năm 1939 ông vào Sài Gòn thử thời vận bằng cách dấn thân vào “trường văn, trận bút”. Khi đã có công việc ổn định, tháng 8.1943 ông gửi thư về Bắc rủ Nguyễn Bính, Trúc Đường (anh ruột Nguyễn Bính) và Thâm Tâm vào Nam để chuẩn bị cho “bộ khung” tờ Hạnh phúc (bộ mới) do Võ Tuấn Khanh làm chủ nhiệm sắp ra đời. Khoảng một tháng sau thì Nguyễn Bính xuất hiện ở Sài Gòn lần thứ hai (lần đầu Nguyễn Bính vô Nam vào những năm cuối thập niên 30, thế kỷ trước), cùng đi với ông không phải là Trúc Đường, Thâm Tâm mà là Tô Hoài và Vũ Trọng Can.
Ở Sài Gòn, Hoàng Tấn cùng với hai người bạn thuê một căn nhà lợp ngói, nằm trong một vườn cây ăn trái ở khu vực chợ Nancy (Nguyễn Văn Cừ hiện nay). Họ đón Nguyễn Bính về ở chung. Nguyễn Bính rất thích ngôi nhà này và đặt tên là “Lan Chi Viên”.
Từ đó, Lan Chi Viên trở thành câu lạc bộ Tao đàn, thường xuyên là nơi họp mặt của một bộ phận thuộc giới trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn thời bấy giờ với những cái tên: Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Khổng Dương, Nam Châu, Thiện Minh, Xuân Miễn, Ngân Hà, Nguyễn Đức Hinh... Ngoài ra còn có một số thân hữu, sinh viên học sinh yêu mến thi tài của Nguyễn Bính vẫn thường lui tới. Hồi đó, hầu như dân Sài Gòn đều ăn cơm tiệm cho tiện, khỏi phải củi lửa nồi niêu, đỡ tốn thời gian để còn làm việc. Cho nên, mỗi chủ nhật ở Lan Chi Viên đều tổ chức nấu cơm gia đình, họp mặt bạn bè trong không khí thơ văn ấm cúng. Những buổi như thế, việc bếp núc đều do Nguyễn Bính đảm trách. Không chỉ sành sõi trong việc nấu nướng (chính xác là làm “mồi” nhậu), Nguyễn Bính còn rất am hiểu về cách pha trà, chọn rượu... Những bữa cơm gia đình như thế thường kéo dài bất kể thời gian, miễn sao tửu lượng vẫn còn, thi hứng vẫn dào dạt và... tiền trong túi chưa cạn!
Riêng với Hoàng Tấn, Nguyễn Bính “phóng bút” (chữ của Hoàng Tấn) một bài thơ tặng bạn:
Trải bao nhiêu núi sông rồi
Đến đây lại vẫn hai người chúng ta
Con đò thì nhớ sông xa
Con người hỏi nhớ quê nhà bao nhiêu?
Cùng thơ và lại cùng nghèo
Thương nhau được mãi nên chiều được nhau
Rối lên, ôi những mái đầu
Sáng lên vô hạn, ôi màu mắt xanh
Ở đây cát bụi kinh thành
Giàu sang một bước, công danh một giờ
Anh em mình, một dòng thơ
Lấy chi ngoi được lên bờ vinh quang
Giữ cho trọn tấm lòng vàng
Võng đào tán tía nghênh ngang mặc người”
(bài Trải bao nhiêu núi sông rồi)
“Hai ta lưu lạc phương Nam này”, dù nổi tiếng như cồn song giữa chốn phồn hoa đô hội “giàu sang một bước, công danh một giờ”, Nguyễn Bính vẫn ân cần dặn dò bạn “giữ cho trọn tấm lòng vàng”...
Phần 2: Giai thoại ở Sài GònPhiêu bạt giữa chốn phồn hoa đô hội Sài Gòn mà cái nghèo luôn là bạn đồng hành, thế nên Nguyễn Bính lúc nào cũng cần tiền.
Tuy nhiên, không phải vì cần tiền mà đánh mất lòng tự trọng - Nguyễn Bính đã để lại trong lòng bạn bè nhiều giai thoại lý thú...
Chơi khăm trọc phúMột lần chủ nhiệm tờ
Dân báo thông qua Tế Xuyên (Léon Sanh) nhờ Nguyễn Bính làm một bài thơ để đăng trên số báo đặc biệt Xuân Giáp Thân. Bài thơ viết về một xóm nhỏ bên kia Cầu Kinh, nơi có khu nhà nghỉ nằm ven sông Sài Gòn của một “đại gia” họ Nguyễn (khu vực Thanh Đa ngày nay). Bài thơ của Nguyễn Bính mang tên
Xóm Dừa:
Lối đỏ như son tới Xóm Dừa
Ngang cầu điểm điểm giọt mưa thưa
Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá
Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?
Còn đây là khổ thơ cuối:
Ở lại kinh thành với bút nghiên
Đêm đêm quán trọ thức thi đèn
Làm thơ bán lẻ cho thiên hạ
Thiên hạ đem thơ đọ với tiền.
Ông chủ nhiệm tờ Dân Báo không thích hai câu cuối, nên nói với Tế Xuyên nhờ thi sĩ sửa lại. Nể bạn, Nguyễn Bính thay bằng:
Xót xa một sớm soi gương cũ
Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền!
Hai câu này cũng chưa làm ông chủ báo hài lòng, đề nghị sửa thêm lần nữa. Nguyễn Bính khước từ. Báo sắp lên khuôn, bài thơ đã được “rao” (quảng cáo) trước, thành thử Tế Xuyên phải năm lần bảy lượt làm thuyết khách. Cuối cùng thì bài thơ cũng được đăng báo, nằm ở vị trí trang trọng với hai câu cuối như sau:
Xót xa một sớm xoè năm ngón
Thấy chết lòng tay vệt trái tim.
Hai ngày sau khi báo phát hành, Nguyễn Bính đến toà soạn đòi nhuận bút (các báo hồi đó chưa có chế độ nhuận bút, chỉ có những cây bút nổi tiếng thì chủ báo mới bất đắc dĩ chi cho một khoản tiền khiêm tốn - NV). Ông chủ tờ
Dân báo bảo thủ quỹ trao cho Nguyễn Bính 10 đồng. Nguyễn Bính chê ít, không nhận.
Ông chủ giải thích: “Với các văn sĩ nổi tiếng, bài nào tôi trả cao nhất cũng chỉ tới 5 đồng. Riêng với ông, tôi có cảm tình đặc biệt...” Ông chủ báo chưa dứt lời thì Nguyễn Bính đã ném xấp tiền tung toé dưới đất rồi ung dung ra về trước sự kinh ngạc của nhiều người có mặt... Chiều hôm đó, Tế Xuyên tìm đến Lan Chi Viên, ân cần xin lỗi và trao cho Nguyễn Bính 50 đồng. Một trường hợp hy hữu trong làng báo Sài Gòn thời bấy giờ.
Sau khi báo đăng bài thơ
Xóm Dừa thì Nguyễn Bính rất được “đại gia” họ Nguyễn biệt đãi và thường mời thi sĩ đến khu nhà nghỉ ở Thanh Đa chơi. Trong một lần đến chơi như thế, Nguyễn Bính được chủ nhân biếu 500 đồng (giá vàng thời điểm này khoảng 60 đồng/lượng - NV).
Sau đó ít lâu, cô em họ của “đại gia” này phát biểu sao đó làm xôn xao làng báo và thương tổn đến danh dự nhà thơ. Nguyễn Bính nổi sung, tương ngay lên mặt báo:
Trọc phú ti toe bàn sách vở
Điếm già tấp tểnh nói văn chương
Chúng coi đồng bạc to hơn núi
Lại học đòi theo thói Mạnh Thường.
Anh em “Nguyễn đại gia” cay hơn ăn ớt.
Chưa hết, Nguyễn Bính còn thuê một lúc 3 chiếc xích lô: chiếc thứ nhất chở cái vali, chiếc thứ hai chở chồng sách báo và... đôi giày, còn Nguyễn Bính thì chễm chệ “ngự” trên chiếc thứ ba - cứ vòng qua, vòng lại hàng chục lần trước tư dinh của “Nguyễn đại gia” nằm trên đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng). Dân Sài Gòn đứng coi chật đường và cho đó là “một... kỳ quan!” (chữ của nhà văn Hoàng Tấn).
Tập thơ trị giá 5 lượng vàngNhà văn Hoàng Tấn kể: “Một hôm Nguyễn Bính hỏi tôi: Làm thế nào có tiền mà không... bẩn. Tôi bày kế cho Bính, Bính khen hay và bắt tay vào thực hiện. Vậy là Nguyễn Bính mua mực tàu, giấy hồng đào suốt ngày “rị mọ” nắn nót (chữ Nguyễn Bính rất đẹp). Năm hôm sau, người ta đọc được mẩu quảng cáo trên báo: “LỠ BƯỚC SANG NGANG - Tập thơ viết tay của thi sĩ Nguyễn Bính, để trong tủ kính lớn của hiệu sách Nguyễn Khánh Đàm ở đường Sabourain. Tập sách vô giá này, chúng tôi sẽ dành tặng cho người nào trả giá cao nhất. Bạn yêu thơ nào đoạt được cuốn sách này sẽ được tác giả viết lời đề tặng ở đầu cuốn sách với chữ ký và triện son”...
Cuối cùng, cuốn thơ viết tay thuộc về một nhà thầu khoán mê thơ tên Trần Sỹ Nghi với giá... 300 đồng (tương đương 5 lượng vàng thời bấy giờ). Trần Sỹ Nghi còn đặt tiệc chiêu đãi tại tư gia trên đường Duranton (Sương Nguyệt Anh bây giờ) với hơn 50 tân khách chỉ để thi sĩ ghi lời tặng và ký tên vào sách (triện son đã đóng sẵn). Bữa tiệc kéo dài đến quá nửa đêm, giúp vui còn có các nữ nghệ sĩ lần lượt ngâm ba bài trong tập Lỡ bước sang ngang... Sau này, gia đình Trần Sỹ Nghi sang Pháp sinh sống, tài sản khánh kiệt nhưng vẫn giữ cuốn thơ chép tay ấy như vật gia bảo”.
Trong tác phẩm
Giọt mật cho đời (NXB Văn hoá thông tin, 1994), tác giả Phạm Tường Hạnh kể rằng dạo đó trừ những tờ báo thân Pháp, được Pháp chi tiền thì tồn tại khá lâu, còn những tờ báo tư nhân đứng đắn “thọ” lắm cũng chỉ được dăm ba năm là đình bản.
Nổi tiếng như tờ
Phụ nữ tân văn mà cũng chỉ sống được hơn 4 năm. “Vậy mà có hôm Lê Tràng Kiều hỏi tôi (Phạm Tường Hạnh - NV): “Cậu nghĩ thế nào khi có bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bính đến nỗi đặt mua một lúc 20 năm báo?” Tôi cười nghĩ đất Sài Gòn này cũng không thiếu những kẻ lập dị, chơi ngông. Nhưng Lê Tràng Kiều nói tiếp: “Bọn mình nghĩ bà ta nhầm nên hỏi lại: Thưa bà, bà muốn mua 2 năm báo của chúng tôi? Người phụ nữ đó trả lời: Không, tôi đặt mua 20 năm để ủng hộ tờ báo tôi yêu thích. Mọi người trong toà soạn đều biết rằng đây là một độc giả đặc biệt yêu thích thơ Nguyễn Bính, cho nên ông chủ chỉ cho phép thu vào quỹ một năm báo, còn số tiền 19 năm báo kia bỏ vào phong bì cho người đưa tới nhà Nguyễn Bính”.
Khi Lê Tràng Kiều tiết lộ tên người phụ nữ “chịu chơi” ấy, Phạm Tường Hạnh mới biết đó chính là Loan - cô em bà con của mình, người đẹp phố Cầu Gỗ (Hà Nội), vợ của hoạ sĩ Nhan Chí. Chàng hoạ sĩ vốn quê vùng Xóm Thuốc (nay thuộc Gò Vấp, TP. HCM) ra Hà Nội học trường Mỹ thuật và ở trọ trong nhà cô Loan, một cô gái rất mê thơ Nguyễn Bính. Cô thuộc gần như tất cả những bài thơ của Nguyễn Bính và đọc chúng gần như suốt ngày. Rồi gia đình của Nhan Chí từ Sài Gòn ra Hà Nội xin cưới vợ cho con trai. Ngày Loan từ giã Hà Nội theo chồng vào Nam, cô đã làm cả nhà bật khóc khi vừa bước ra cửa bỗng quay lại, ôm chầm lấy mẹ nức nở:
Lần này con bước chân đi
Là con không hẹn lần về nữa đâu...
(Lỡ bước sang ngang)
Phần 3: “Từ gác Nam Phong đến thơ” Người xóm RẫyTrên bước đường giang hồ Nguyễn Bính đã đến tận Hà Tiên, mảnh đất thi ca vùng cực Nam với Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ ngày xưa, và sau đó là “cõi riêng” của cặp Đông Hồ - Mộng Tuyết.
Đối với một tâm hồn nhạy cảm, thích dịch chuyển, phiêu bạt như Nguyễn Bính thì việc “giẫm chân tại chỗ” - cho dù chỗ đó là Hà Nội hay Sài Gòn – mãi cũng “cuồng chân”. Cho nên khi nhận được thư của nhà thơ Đông Hồ từ Thạch Động Hà Tiên gửi lên, mời thi nhân làm một chuyến xuôi Nam tham quan Hà Tiên thập cảnh (tên một tập thơ ngâm vịnh của Mạc Thiên Tứ - NV), Nguyễn Bính mừng lắm. Các bạn thơ Hoàng Tấn, Lê Tràng Kiều gom góp lộ phí để chàng tức tốc lên đường.
Trong hồi ký
Để nhớ Nguyễn Bính - những ngày ghé bến Hà Tiên, nữ sĩ Mộng Tuyết kể lại (lược ghi): “Vào một buổi chiều mùa hạ năm 1944, tôi đang ngồi may trong Yiễm Yiễm thương điếm ở chợ Hà Tiên thì có một người khách lạ xách valy bước vào, ngập ngừng hỏi: “Có phải chị Tuyết không? Bính đây!”… Từ đó, anh Đông Hồ đã nhường Nam Phong tiểu các cho thi sĩ để chàng làm thơ. Anh còn bắt tôi cắt may cho chàng nghệ sĩ “khăn gói gió đưa” một bộ bà ba từ cây lụa Hà Đông mới từ Hà Nội gửi vào. Bính thích lắm! Một hôm Bính lật bên trong lá đỉnh vạt trước khoe với tôi: “Đố chị, mấy chữ này nghĩa là gì?” Tôi cầm vạt áo thấy có bốn chữ Khả Thuỷ Sơn Nhân viết bằng chữ Hán, thêu chỉ son. Tôi đoán không ra, hỏi anh Đông Hồ mới hiểu là Bính chiết tự 2 chữ Hà Tiên (Khả Thuỷ là chữ Hà, Sơn Nhân là chữ Tiên). Bính còn khoe “Ngọc thêu cho chú Bính đấy!” (Ngọc là cô cháu gái của Mộng Tuyết - NV).
Mỗi ngày, sau khi ăn sáng tại nhà anh Đông Hồ, Bính lại theo tôi ra Yiễm Yiễm thương điếm để “trông hàng cho chị”, để “nhìn chị may áo” và để “đi gửi thư cho chị”. Mỗi khi tôi viết thư xong, Bính giành đi bỏ vào thùng thư. Chiều chiều, tôi thường đạp xe từ cửa tiệm về nhà riêng ở xóm Rẫy. Từ ngày có Bính, Bính thường đi theo.
Đưa tôi về xóm Rẫy xong, Bính lại trở về nhà anh Đông Hồ để ăn cơm tối (lúc này, Đông Hồ vẫn đang là anh rể của Mộng Tuyết. Vợ của Đông Hồ mất sớm, Mộng Tuyết phải thay chị chăm sóc hai đứa trẻ, con của Đông Hồ. Phải sau đó 10 năm, họ mới chính thức thành vợ chồng - NV). Xong, lại rủ Đông Hồ ngược vào xóm Rẫy. Hôm nào Đông Hồ bận thì Nguyễn Bính một mình vào xóm Rẫy. Nhà ở xóm này cứ chạng vạng tối là đã khép cửa. Dưới ngọn đèn dầu dừa, cô cháu gái tên Ngọc của tôi đọc Tam quốc chí cho má tôi nghe, Bính cũng thường ngồi nghe ké. Nhiều lần Bính đến trễ, cửa đã cài then, Bính ngồi ngoài thềm cho đến tận khuya mới về mà không dám gọi cửa. Bính nói: “Ngồi trong đêm khuya, nghe trộm tiếng Ngọc đọc sách, cách một lần cửa đóng kín, cũng có cái thú vị riêng”.
Lúc này, Bính tiết lộ với chúng tôi là sẽ khởi thảo một truyện dài bằng thơ lục bát “dài hơn cả truyện Kiều!” Ở tỉnh nhỏ, hầu như nhà ai cũng đốt đèn dầu dừa, dầu cá... riêng trên Nam Phong tiểu các thì Đông Hồ dành cho Nguyễn Bính những ngọn hồng lạp để đêm đêm hồn thơ phát tiết. Mỗi đêm Bính viết được 4-5 trang lục bát. Sáng ra, đọc cho chúng tôi nghe rồi cùng nhau bình luận. Tết Đoan Ngọ, thấy tôi nấu nước cây thạch xương bồ để tắm gội, Bính rất thích 3 chữ “thạch xương bồ” bèn quyết định đặt tên đó cho tác phẩm đang viết của mình. Nhưng tác phẩm Thạch xương bồ chưa dài bằng... nửa truyện Kiều thì máu giang hồ nổi lên, Bính quyết định rời Hà Tiên dù chúng tôi hết sức níu giữ...”
Những ngày ở Hà Tiên, Nguyễn Bính không hoàn thành Thạch xương bồ, nhưng bù lại, ông đã âm thầm viết được một tuyệt tác - đó là trường ca Người xóm Rẫy, dành tặng chị Mộng Tuyết và… em Ngọc! Bài thơ không biết được làm xong từ lúc nào (trong thời gian Nguyễn Bính ở Hà Tiên). Nhà văn Hoàng Tấn kể, về lại Sài Gòn, giữa Lan Chi Viên, Nguyễn Bính mua 3 tờ giấy hồng điều, dán lại, dài thậm thượt và cũng lại “rị mọ” chép bài thơ
Hà Tiên - Người xóm Rẫy (độc vận) bằng mực tàu, bút lông:
Một mình làm khách gác Nam Phong
Giở Tam Quốc Chí đọc mê mải
Mơ xanh uống rượu luận anh hùng
Tóc bạc, ném nghiên tỏ khí khái
Mê gái, cửa thành giết bố nuôi
Thương người, đường hẻm thả giặc chạy...
Đó là những câu mở đầu của chương I (khá dài), toàn những điển tích trong truyện Tàu. Ly kỳ nhất là ở chương II, Nguyễn Bính tự thú mình đã yêu... Ngọc:
Cô cháu, Minh hương tuổi mười bảy
Mũi thẳng mi cong tóc mượt dài
Răng đều môi mọng ngực tròn mẩy
Gặp nhau chào nhau rồi quen nhau
Ngày một ngày hai thành luyến ái
Vườn xanh đốm nắng đổi dời luôn
Hai đứa trong vườn đùa ném trái
Dưới gốc ngửa mặt căng áo hoa
Trên cành trái sữa ném như vãi
Trái sữa không lăn vào áo hoa
Ngực tròn trái cứ ném trúng mãi
Vườn trăng cầm tay thương quá đi
Một ngày không gặp nhớ biết mấy
Thơ tôi nàng gối trên đầu giường
Đêm che ánh đèn đọc vụng mãi...
Tôi cười bảo chị: Gả cho tôi
Mộng Tuyết cười theo: Lấy thì lấy
Trao trâm tặng quạt ỡm ờ chi
Trai tài gái sắc vừa đôi đấy..
Rồi tôi khăn gói lại lên đường
Nàng ra bờ sông đứng khóc mãi
Tàu đi xa mấy dặm sông dài
Ngoảnh lại vẫn còn tay Ngọc vẫy
Người ở những mong ngày gặp nhau
Kẻ đi biết khó kỳ quay lại...
Đây chỉ là những đoạn trích, còn bài thơ thậm dài được tác giả treo giữa phòng khách, bên cạnh lư trầm luôn toả hương làm cho cả căn phòng luôn ngào ngạt khí thơ. Theo nhà văn Hoàng Tấn thì làm thơ theo thể độc vận mà lại là vận trắc (Rẫy) thì quả là công phu. Đoạn Bính và cô Ngọc chia tay, Hoàng Tấn đề nghị thêm vào hai câu:
Rặng liễu thương ai mà gầy mòn
Hàng cau nhớ ai mà vẫy vẫy.
Bính thích lắm, điền ngay vào nhưng cũng vẽ thêm một ngôi sao làm dấu và chú thích “thơ Hoàng Tấn” rất rạch ròi, sòng phẳng.
Phần 4: Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhauĐã hơn 60 năm nhưng những ấn tượng về Nguyễn Bính và buổi gặp gỡ đầu tiên ấy vẫn không phai trong trí nhớ của nhà thơ lão thành Kiên Giang.
Nhà thơ Kiên Giang - Hà Huy Hà là một trong rất ít văn nghệ sĩ ở phía Nam có duyên gặp gỡ và cận kề với “nhà thơ chân quê” Nguyễn Bính trong một thời gian khá dài.
Lưu lạc về Rạch GiáSố là vào khoảng năm 1946, cậu học trò Trương Khương Trinh đang học bậc trung học ở Rạch Giá (ông sinh năm 1929 tại Xẻo Đước, làng Đông Yên, huyện An Biên, do nạn cướp lộng hành nên phải tản cư về Rạch Giá). Một hôm có người bạn học tên Nguyễn Phi Long khoe: “Nhà thơ Nguyễn Bính đang ở xóm biển, sau đình Nguyễn Trung Trực”.
Vốn mê thơ văn, mà Nguyễn Bính lại là thần tượng của mình nên Trương Khương Trinh (sau đây xin gọi là Kiên Giang dù lúc đó ông chưa lấy nghệ danh này) quyết đi tìm.
Đến xóm biển, người ta chỉ cậu đến nhà ông quản thủ địa bộ tên N.Đ.L (ông này vốn người gốc miền Bắc, thấy “đồng hương” lưu lạc đến tận cái xứ chót biển phương Nam này nên đón về, cho ở nhờ). Hỏi người nhà ông Lý thì họ bảo: “Ông Bắc Kỳ đang ngủ ngoài đình”. Kiên Giang ra đình thờ Nguyễn Trung Trực (sau này mới nâng cấp thành đền thờ), lúc ấy đã hơn 9 giờ sáng mà thấy cảnh vật vắng hoe. Ông hỏi thăm một bà hàng nước xem có người nào dáng vẻ nho nhã như mình đã mường tượng không. Bà hàng nước chép miệng bảo: “Chẳng thấy nhà thơ nhà thẩn nào cả, chỉ có một anh hàn sĩ giống hệt “Trần Minh khố chuối” ngày nào, lật nóp nằm ngủ sau cửa đình. Chắc là ổng muốn xin Ngài báo mộng chi đó?”
Lúc này Kiên Giang mới nhìn kỹ, thấy một người vẫn còn nằm ngủ trong chiếc nóp. Đi quanh chiếc nóp một lúc, Kiên Giang đánh bạo đập dậy: “Ông ơi, tui nghe nói ông vừa tới đây, tui cũng là người làm thơ. Xin chào mừng ông!” Dụi mắt nhìn cậu học trò thiếu niên, câu đầu tiên của nhà thơ là “Có thuốc không?” Thời may, Kiên Giang cũng mới tập tành hút thuốc. Trong túi có bao Cotab còn sót lại hai điếu. Sau khi hút hết cả hai điếu thuốc, Nguyễn Bính xé vỏ bao thuốc lá và ghi liền vào đó 4 câu thơ tặng người bạn mới:
Có những dòng sông chảy rất mau
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.
Sau khi Nguyễn Bính cuốn chiếc nóp để vào một góc đình. Kiên Giang mới kịp ngắm trang phục của nhà thơ: quần soóc, chiếc áo sơ mi đã cũ, vạt sau dài hơn vạt trước. Nhà thơ đi xuống mé sông rửa mặt rồi kéo vạt áo sau lên lau. Kiên Giang thỏ thẻ mời nhà thơ đi thưởng thức cà phê Quảng Phát - ngay chợ Rạch Giá, gần tiệm thuốc tây Nguyễn Khoa Dai. Khi Kiên Giang hỏi sao nhà thơ không ở nhà ông Ng.Đ.L nữa? Nguyễn Bính cười buồn bảo rằng tại bà vợ ông này đẹp quá, mái tóc xoã dài cứ nằm trên võng ngâm thơ... Nguyễn Bính! Ông chồng phát ghen, có cử chỉ sao đó nên Nguyễn Bính buồn, bỏ ra ngoài đình ngủ. Kiên Giang sực nhớ cách đó không xa có căn nhà bỏ trống của một người coi giữ sân banh (sân bóng đá), nên đã cùng Nguyễn Bính đi tìm người này điều đình để nhà thơ có chỗ trú thân.
Mộc Kiều Trang và 2 tâm hồn thơ...và bây giờ
Vậy là căn nhà bỏ hoang đã lâu ngày nay được hai thầy trò ra sức sửa sang lại cho có vẻ tươm tất. Trước nhà có con mương nhỏ với chiếc cầu gỗ bắc vào khoảng sân đóng đầy rêu, Nguyễn Bính đặt tên “giang sơn” của mình là “Mộc Kiều Trang”. Ở trong nhà có một bộ ngựa - sau này vừa là chỗ ngủ, vừa là bàn viết và cũng là bàn nhậu của hai hồn thơ. Sau nhà có một chái bếp, cỏ ô rô, cóc kèn mọc chen vào kẽ vách, Kiên Giang tính dọn sạch cỏ nhưng Nguyễn Bính cản: “Để vậy cho... hoang dã!”
Dạo đó, bà mẹ của Kiên Giang làm nghề bán mắm cá đồng trong nhà lồng chợ Rạch Giá. Bà không thể ngờ rằng cậu quý tử vẫn rình mỗi lần bà rời khỏi quầy là thọc tay vào “thó” mấy đồng để mua thức ăn, gạo thì xúc ở nhà để “tiếp tế” cho ông thầy. Nguyễn Bính không biết ăn mắm như dân Nam Bộ, nhưng rượu đế thì uống tì tì! Khi chỗ ở đã tạm ổn định, Nguyễn Bính viết mấy câu thơ dán trước cửa:
Từ dạo về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
Những phường phú quý xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.
Chữ Nguyễn Bính rất đẹp, ông thường chép lại những bài thơ cũ của mình dán đầy lên vách:
Ở đây ngày lại qua ngày
Nhà không mở cửa mưa đầy tuần trăng
hoặc bài Những người của ngày mai:
Quê các anh ở miền Bắc xa xôi
Bước chân đi đã biết mấy năm rồi
Xa chiếc cầu ao, xa mái rạ
Cô gái làng gội tóc nước hương nhu...
Quê anh ở miền Trung bát ngát
Bãi cát vàng bờ biển uốn quanh co...
Dưới mái Mộc Kiều Trang chỉ có hai thầy trò nhưng mỗi bữa ăn thường kéo dài hai, ba tiếng. Vừa ăn vừa đàm đạo chuyện văn chương, chuyện kháng chiến...
Bài thơ Tiền và lá của Kiên Giang cũng được sáng tác trong dịp này (cho nên văn phong cũng bị ảnh hưởng Nguyễn Bính ít nhiều - NV). Trò đọc cho thầy nghe, thầy khen nhưng sửa lại vài chỗ, như ở câu “Tiền không là lá em ơi/Tiền là giấy bạc của đời phồn hoa”, Nguyễn Bính sửa lại “Tiền là giấy bạc của đời in ra”, rồi ở câu cuối: “Chợ đời họp một mình tôi. Phiên chiều” được sửa là “Chợ đời họp một mình tôi vui gì!”...
Tình nghĩa thầy trò ở Mộc Kiều Trang chỉ kéo dài mấy tháng, khi Kiên Giang trở về xóm Xẻo Đước (làng Đông Yên) chở lúa gạo cho gia đình cũng là lúc phong trào “Nam kỳ tự trị” của Nguyễn Văn Thinh đang lúc cao trào, họ tuyên truyền “Đả đảo Bắc kỳ” một cách quá khích. Mấy ngày sau, khi Kiên Giang trở lại Rạch Giá thì hay tin Nguyễn Bính bị bắt giam ở bót Giếng Nước gần Trường con trai (Nam học đường), ông có mua xôi và thuốc lá hiệu Mélia tiếp tế cho thầy. Khoảng nửa tháng sau Nguyễn Bính được thả, ông buồn rầu nói với Kiên Giang: “Chắc là anh phải xa em thôi”. Rồi Nguyễn Bính âm thầm vào chiến khu. Ít lâu sau, Kiên Giang nghe nói Nguyễn Bính đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Lần gặp cuối cùng giữa hai thầy trò là ở xóm Nước Trong (Khu 9), Kiên Giang đãi thầy một bữa thịt gà, do mình “cải thiện” được!
Năm 1956, Kiên Giang lên Sài Gòn làm “thầy cò” (sửa mo-rát) cho báo
Tiếng chuông, hàng xóm có một “ông cò” thứ thiệt (cảnh sát) hay hoạnh hoẹ. Tức mình, Kiên Giang cũng dán bài thơ của Nguyễn Bính trước cổng:
Từ dạo về đây sống rất nghèo
Bạn bè chỉ có gió trăng theo
và chữa lại:
Những thằng bất nghĩa xin đừng đến
Hãy để thềm ta xanh sắc rêu...
Phần 5: Người “nghệ sĩ chiến binh” Đồng Tháp MườiNăm 1943, Nguyễn Bính và một số bạn bè văn nghệ từ miền Bắc đã “thâm nhập” vào làng báo Sài Gòn. Hai năm sau, Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Nguyễn Bính có mặt trong đoàn người khởi nghĩa.
Nguyễn Oanh chinh phục Nguyễn BínhTừ một nhà thơ diễm tình lãng mạn, điều gì đã khiến Nguyễn Bính chuyển hướng: dùng ngòi bút của mình để đấu tranh, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc?
Thời điểm Nguyễn Bính có mặt ở Sài Gòn, với tên tuổi đã vang danh khắp nước, tác giả của
Lỡ bước sang ngang luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của mọi người. Quanh Nguyễn Bính ngoài những bạn thơ, những độc giả yêu mến thơ ông còn có những tay trọc phú, những chính khách săn đón thi nhân ra cái điều ta đây cũng biết “chiêu hiền, đãi sĩ”. Đặc biệt trong số những người thường lui tới với Nguyễn Bính có Nguyễn Oanh (Tư Oanh) đang hoạt động bí mật (phụ trách tuyên truyền của Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định). Dần dần, Nguyễn Oanh chiếm được cảm tình của Nguyễn Bính. Khi đã có thể nhỏ to tâm sự với nhau, Nguyễn Oanh thường phân tích thời cuộc cho Nguyễn Bính nghe: chiến tranh thế giới đang đến hồi căng thẳng, ở Việt Nam, phát xít Nhật nhảy vào hất cẳng thực dân Pháp. Nhân dân ta một cổ mấy tròng: Pháp, Nhật, địa chủ, phong kiến. “Thanh niên bây giờ nên làm một cái gì đó giúp ích cho phong trào, Lưu Hữu Phước đã có những bài hát hừng hực khí thế
Lên đàng,
Tiếng gọi thanh niên... Không lẽ tài thơ như Nguyễn Bính mà cứ quanh quẩn mãi với những bài thơ yêu đương và những ly sầu...”
Nguyễn Bính cũng nhận thức được điều này, nhưng để có sự chuyển hướng sáng tác không dễ chút nào. Để có cảm hứng sáng tác với đề tài hoà nhập cùng thời cuộc, Nguyễn Bính đã có một cuộc “hành hương” về những địa danh đã gắn liền với tên tuổi của các lãnh tụ khởi nghĩa, những sĩ phu yêu nước: Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... Ở đây, Nguyễn Bính được các thân hào, nhân sĩ Nam Kỳ tiếp đón ân cần, nhờ đó ông nhập cuộc được ngay vào khí thế sôi nổi của miền Nam trong những ngày chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa...
Đi theo tiếng gọi của Tổ quốcTrong tác phẩm Giọt mật cho đời, nhà văn Phạm Tường Hạnh viết: “Đêm 24.8.1945 Nguyễn Bính đã cùng theo với phong trào của thị xã Mỹ Tho, bằng các loại xe buýt, xe con, xuồng, ghe, ca-nô, trực chỉ Sài Gòn cùng các địa phương khác. Đúng 5 giờ sáng ngày 25.8.1945, cách mạng chiếm lĩnh tất cả các mặt đường, các công sở, đã giành được thắng lợi cuối cùng cho địa bàn cực kỳ quan trọng ở Nam Bộ này... Tôi đã trông thấy cái miệng cười rộng mở của anh cùng với hai tay giương cao ngọn cờ phất phới như chưa bao giờ sung sướng như vậy... Ngày 23.9.1945, cuộc kháng chiến Nam Bộ bùng nổ. Chúng tôi bặt tin về Nguyễn Bính. Nhiều anh em viết thư, nhắn gửi nhau cần tìm bằng được Nguyễn Bính, đưa anh ra chiến khu. Đó không phải chỉ riêng vì tình cảm bạn bè mà thấy anh là tài năng của đất nước...”.
Nguyễn Bính đi đâu?
Thì ra sau khi giành thắng lợi ở Sài Gòn, Nguyễn Bính được các cán bộ nòng cốt ở Mỹ Tho (bác sĩ Dương Tấn Tươi, nhà thơ Bảo Định Giang...) đưa về để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa ở quê hương Thủ Khoa Huân. Nhưng rồi Pháp tái chiếm Sài Gòn và đánh lan qua các vùng khác. Chiến sự diễn ra ác liệt khắp nơi... Nguyễn Bính đứt liên lạc với tổ chức liền đi về Hà Tiên ở nhà của nhà thơ Đông Hồ. Được ít lâu thì gia đình Đông Hồ chạy tản cư ngược lên Sài Gòn, Nguyễn Bính không đi theo mà tìm về Rạch Giá, rồi tình cờ gặp gỡ tạo nên mối duyên thơ với Kiên Giang - Hà Huy Hà (giai đoạn Nguyễn Bính ở với nhà thơ Đông Hồ cũng như gặp gỡ Kiên Giang chúng tôi đã đề cập ở những bài trước).
Như đã nói ở trên, Nguyễn Bính đi đến đâu cũng tạo được sự chú ý của dân sở tại. Ở Rạch Giá, ông được Mặt trận Việt Minh tỉnh mời nói chuyện trước công chúng về thơ văn chống ngoại xâm của tiền nhân. Ông đã ngâm sang sảng những áng văn của Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu... rồi người ta yêu cầu tác giả Lỡ bước sang ngang đọc thơ của chính mình và ông đã ngâm: “Thà rằng chết giữa chiến trường/Còn hơn chết ở trên giường thê nhi”. Hai câu thơ này nhanh chóng lan truyền, trở thành câu hò mênh mang trên sông nước Nam Bộ.
Sau buổi đọc thơ, Mặt trận Việt Minh tỉnh Rạch Giá mời ông về làm công việc thường trực cơ quan chuyên lo văn thư. Những công văn, chỉ thị của cấp trên, nếu có kèm theo những nhận xét, ý kiến chỉ đạo thì Nguyễn Bính lại “chuyển” sang văn vần (thơ), chẳng hạn một tờ giấy báo tử được gửi đến bà mẹ có con là chiến sĩ vừa hy sinh:
Đêm đêm mẹ đốt cây hương ngát
Mẹ khấn đôi lời con có nghe
Vì nước bỏ mình là bất tử
Xưa nay chinh chiến mấy ai về.
Bà con lối xóm, các cụ phụ lão đến chia buồn cùng gia đình ai cũng nhẩm đọc bài thơ và xuýt xoa khen ngợi. Câu cuối tuy là dịch từ một câu thơ Đường (Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi), nhưng vẫn là một bài thơ hay, hợp thời hợp cảnh. Bà mẹ có con hy sinh cũng cảm thấy tự hào. Tờ giấy báo tử bằng thơ được lồng khung treo trang trọng trên bàn thờ cùng với di ảnh liệt sĩ.
Khi Pháp chiếm được Cần Thơ rồi đánh xuống Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên... Nguyễn Bính theo cơ quan vào chiến khu Đồng Tháp Mười và trở thành người “nghệ sĩ chiến binh” thuộc Tiểu ban Tuyên Văn - Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Khu 8. Tiểu ban này do nhà thơ Bảo Định Giang phụ trách chuyên lo bài vở cho tờ báo
Tổ quốc, Nguyễn Bính là cây bút chủ lực về mảng thơ của tờ báo này. Như cá gặp nước, thơ của Nguyễn Bính thoả sức vùng vẫy trên tờ
Tổ quốc, không phải là những bài thơ ngắn mà là những trường ca:
Bảy trăm ngàn mẫu đất
Sớt chia bốn tỉnh miền Nam
Khăng khít biên thuỳ Chùa Tháp
Nằm trong tay trái Cửu Long Giang…
Kể từ khi
Đặt chân lên đất nước này
Giặc Pháp giở trò xâm lược
Ngậm hờn vong quốc
Tháp Mười chung oán hận với non sông…
(Đồng Tháp Mười)
Giặc Pháp và bọn bồi bút tay sai luôn tìm cách lôi kéo Nguyễn Bính từ bỏ kháng chiến về Sài Gòn với những hứa hẹn hấp dẫn, nhưng Nguyễn Bính vẫn son sắt đi theo cách mạng. Để trả lời chúng, ông viết trường ca Những dòng tâm huyết, kể ra những tội ác của giặc Pháp, cuối mỗi đoạn kể tội là một câu hỏi: “...Đất nước nhục như thế/ Anh ngồi yên sao đành?” Ông còn viết trường ca Hương kể tội giặc Pháp bắt bớ, hãm hiếp phụ nữ. Hai tập trường ca sau được in trên giấy tốt, bìa đẹp gửi thẳng về Sài Gòn thay cho câu trả lời của Nguyễn Bính...
Phần 6: Từ Tiểu đoàn 307 đến Áo đêm trăngGiữa chiến khu Đồng Tháp Mười, Nguyễn Bính đã sáng tác nhiều tác phẩm tâm huyết phục vụ kháng chiến, trong đó có bài thơ
Tiểu đoàn 307 và vở kịch
Áo đêm trăng.
Những ngày đầu kháng Pháp, đoàn quân “nóp với giáo mang trên vai” tuy còn sơ khai nhưng đã làm nên những trận đánh vang dội: Tháp Mười, Mộc Hoá, La Bang... Đó là niềm cảm hứng để Nguyễn Bính sáng tác bài thơ
Tiểu đoàn 307:
Ai đã từng qua Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sông trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn
Tiếng Tiểu đoàn Ba trăm lẻ bảy
Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy
Cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi…
Đoàn quân lẻ bảy
Kể từ hôm ấy
Đánh đâu được đấy
Oai hùng biết mấy…
Bài thơ được đăng trên báo
Tổ quốc của Bộ tư lệnh Khu 8 và mau chóng được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Rồi tiếng hát Quốc Hương đã đem
Tiểu đoàn 307 đi khắp sông nước Nam Bộ tạo thành một khí thế tiến công dũng mãnh cho toàn lực lượng kháng chiến ở miền Nam (đến bây giờ, bài hát đã tròm trèm 60 tuổi nhưng vẫn được nhiều thế hệ hát vang với tất cả niềm tự hào). Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí đã rất thành công ở bài hát này, tên tuổi của anh cũng theo bài hát mau chóng được nhiều người biết đến. Riêng về đơn ca, ai cũng phải thừa nhận chỉ có ca sĩ Quốc Hương là trình bày bài
Tiểu đoàn 307 đạt nhất, có “lửa” nhất. Quốc Hương vừa là ca sĩ vừa là nhạc sĩ sáng tác (các ca khúc tiêu biểu:
Tầm Vu,
Du kích Long Phú,
Đoàn người đi tòng quân...) nên rất nhạy bén khi bắt được cái thần của bài hát. Suốt mấy thập niên,
Tiểu đoàn 307 luôn là bài hát “tủ” của Quốc Hương. Nó theo anh từ đồng bằng đến miệt biển, từ rừng núi đến các đô thị và ra cả nước ngoài...
Ở chiến khu Đồng Tháp Mười, Nguyễn Bính không chỉ làm thơ mà còn viết kịch. Vở kịch thơ
Áo đêm trăng đã đưa tên tuổi ông lan khắp chiến khu. Trong tác phẩm Nguyễn Bính - Một vì sao, nhà văn Hoàng Tấn kể: “Ít hôm sau, chúng tôi được may mắn tham gia buổi lễ phong quân hàm cho trung tướng Nguyễn Bình, được cử hành trọng thể giữa chiến khu Đồng Tháp Mười do các đồng chí cao cấp lãnh đạo Khu và Trung ương Cục chủ trì. Một điều đáng chú ý là tham dự buổi lễ đáng ghi nhớ này còn có một số học sinh, sinh viên trí thức và nhà văn, nhà báo ở ngoài Sài Gòn, vượt qua đồn bót địch để vào bưng... Điều đặc biệt thứ hai là ta cho quan ba Claude Bastien - Trưởng đồn Mộc Hoá bị quân ta bắt sống khi tiêu diệt đồn này, cùng tham dự. Xét thấy trong khi bị giam giữ, tên này đã biết nhìn nhận ra chân lý và biết hối cải nên y sẽ được ta phóng thích. Sau phần lễ chính thức là phần văn nghệ do Bảo Định Giang điều khiển. Mở đầu, đoàn quân nhạc cử bài
Tiểu đoàn 307, sau đó là đồng ca. Bài thơ
Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Bính được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí trích đoạn phổ nhạc lần đầu tiên ra mắt khán giả. Điều khiến mọi người xem chăm chú và thích thú là tham gia đồng diễn có một số lính Pháp và lê dương bỏ hàng ngũ địch chiến đấu bên ta... Sau những bài hát, bản nhạc có xen kẽ tiết mục ngâm thơ và độc tấu là vở kịch thơ
Áo đêm trăng - “cái đinh” của đêm văn nghệ.
Đây là một sáng tác mới, còn chưa ráo mực của Nguyễn Bính. Ngoài các nhân vật phụ, hai nhân vật chính là cô nữ cứu thương và người yêu của mình là anh bộ đội. Chiếc áo cô may tặng anh cho bớt lạnh khi xông pha trận mạc, là nội dung chính của vở kịch. Nguyễn Bính - tác giả thủ vai chính, còn nhà văn Đoàn Giỏi thì giả gái, đóng vai người nữ cứu thương. Dạo ấy tác giả của Đất rừng phương Nam đang ở tuổi đôi mươi, đẹp trai nên khi giả gái trên sân khấu ai cũng nhầm là phụ nữ thiệt, chỉ đến lúc Đoàn Giỏi cất tiếng ngâm bài Tống biệt thì thiên hạ mới vỡ ra... Đêm liên hoan lễ phong cấp hàm cho trung tướng Nguyễn Bình ấy kéo dài mãi tới gần sáng. Xuồng ghe tới tấp ra về, đèn đuốc sáng rực một góc trời ken dày kênh Dương Văn Dương và các nẻo kênh rạch khác quanh co. Người ta không ngớt xôn xao, bàn tán về
Tiểu đoàn 307 và kịch thơ
Áo đêm trăng trên đường về...”.
Cố Tổng bí thư Lê Duẩn cũng là một người yêu mến thơ Nguyễn Bính. Trong hồi ký của nhà cách mạng Trần Bạch Đằng có đoạn viết: “... Một lần Tây càn quét Đồng Tháp Mười, cơ quan di chuyển. Tôi (Trần Bạch Đằng) được phân công đi cùng với anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) trên chiếc xuồng ba lá. Tôi bơi lái, anh Ba bơi mũi. Xuất phát từ xã Nhơn Hoà Lập xuôi theo kênh Dương Văn Dương ra sông Vàm Cỏ Tây. Đường xa bơi đêm để quên mệt, tôi đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Anh Ba bảo tôi đọc to một chút. Anh vừa bơi vừa nghe, thỉnh thoảng lại bình: “Hay!”... Rồi đến nơi an toàn, mặc dù gần sáng, anh bảo tôi đọc lại lần nữa. Anh gật gù: “Tay Nguyễn Bính này giỏi thật!”.
Đoàn Giỏi và Nguyễn Bính có rất nhiều kỷ niệm trong kháng chiến cũng như lúc cùng tập kết ra Bắc. Đáng kể nhất là bài thơ Nguyễn Bính mừng tác giả
Đất rừng phương Nam lấy vợ trên đất Bắc (khoảng 10 năm sau dạo cùng sống, cùng viết và cùng chiến đấu ở Khu 8). Bài thơ có tên là
Tuyệt tác ghi ngày 19.1.1958:
Cánh chim rời phương Nam
Xây tổ cành phía Bắc
Sông núi còn đôi miền
Nhân duyên đà thống nhất!...
Đây đó dù muôn dặm
Trong ngoài đều một lòng
Son sắt ngày thêm thắm
Mừng riêng mà vui chung
Gái đầu lòng xin đặt
Tên cháu là Hiền Lương
Trai đầu lòng xin đặt
Tên cháu là Trường Sơn!...
Kề vai nhau đấu tranh
Cho đến ngày thắng lợi
Chị về thăm quê anh
Cháu về thăm quê nội!...
Tình nghĩa càng vuông tròn
Bắc Nam càng khắng khít
Cung đàn càng véo von
Lời văn càng thắm thiết!…
Hạnh phúc vang lời thơ
Ái ân lừng điệu nhạc
Biển chung thuỷ tràn bờ
Tình yêu thành tuyệt tác!...
Phần 7: Bến đậu cho cánh chim giang hồNăm 1947, sau khi chia tay Kiên Giang - Hà Huy Hà, Nguyễn Bính vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia kháng chiến. Ở đây ông được nhà thơ Bảo Định Giang, lúc đó là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Khu 8 biệt đãi.
Nguyễn Bính cũng có xuồng cà-rèm theo tiêu chuẩn “sĩ quan”, có cần vụ chèo chống. Nguyễn Bính còn được cấp một chiếc mùng to đùng để có thể ngồi trong đó “an tâm sáng tác” (muỗi Đồng Tháp Mười vo ve như... sáo thổi!). Bạn bè văn nghệ cũng có thêm nhiều người mới: Đoàn Giỏi, Truy Phong, Nguyễn Hải Trừng, Đào Anh Kha, Việt Ánh, Rum Bảo Việt, Phan Trác Hiệu... Không khí sáng tác cũng như tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật trong chiến khu thật sôi nổi...
Năm 1951, Trung ương Cục miền Nam có tổ chức một lớp tập huấn văn nghệ lấy tên là Lớp văn nghệ khoá Lê Trần tại Đồng Cùng, rừng U Minh (Khu 9). Lê Trần là nhạc sĩ, tác giả ca khúc Tiến binh (đã hy sinh trước đó). Lớp học quy tụ hầu hết văn nghệ sĩ yêu nước miền Nam. Nguyễn Bính cũng được mời tham gia khoá học này, và ông vui mừng gặp lại nhiều bạn bè thân thiết từng chia ngọt, sẻ bùi dạo còn làm báo ở Sài Gòn: Hoàng Tấn, Thanh Bình, Hoàng Phố và cả cậu học trò Kiên Giang - Hà Huy Hà... rồi thêm cả những Diệp Minh Tuyền, Thái Đức, Sơn Nam, Khương Mễ, Mai Lộc... Lớp văn nghệ Lê Trần được phiên chế thành các tiểu đội theo các loại hình nghệ thuật: Văn, Thơ, Nhạc, Hoạ, Điện ảnh... Ban Điều hành gồm: Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Trần Văn Lắm... Trưởng ban điều hành là Lưu Quý Kỳ. Nguyễn Bính thuộc phiên chế tiểu đội Thơ cùng với Hoàng Tấn, Thanh Bình, Truy Phong, Hoàng Phố... Điều oái oăm là cậu học trò cũ của Nguyễn Bính là Kiên Giang được đề bạt làm tiểu đội trưởng nên “cu cậu” nhiều lúc lâm vào thế lúng túng, không biết phải phê bình, “xử lý” ông thầy vốn “lắm tài, nhiều tật” của mình ra sao. Tuy nhiên theo Hoàng Tấn thì “Sau gần bốn tháng đăng đẵng, lớp học đã kết thúc bằng một cuộc liên hoan sôi nổi. Không ai quên được Chi Lăng, Dương Tử Giang và nhất là Hoàng Phố đã đóng góp những tiết mục cười tưởng bay được cả mái lá trong buổi chia tay này.
Phải ghi nhận với tính buông thả, phóng khoáng vốn có từ lâu, Nguyễn Bính đã tự khuôn mình vào kỷ luật theo đuổi đến cùng khoá học này là một cố gắng” (Nguyễn Bính - một vì sao sáng).
Thế nhưng có một giai thoại vui là trước đó ít hôm, Nguyễn Bính rủ rỉ, rù rì với Hoàng Tấn: “Mình đã ngoài 30 tuổi rồi, sống lẻ loi mãi cũng buồn. Mình tính khoảng 2 tháng nữa sẽ... cưới vợ!” Hoàng Tấn ớ ra, chuyện... động trời chứ chẳng chơi! Cánh chim giang hồ đã tới lúc mỏi cánh rồi, nhưng “bến đậu” là đâu? Cô dâu là ai? Anh em trong tiểu đội Thơ nghe Hoàng Tấn rỉ tai, ai nấy đều xôn xao, thắc mắc. Cuối cùng, nhân một đêm trước lúc tiểu đội Thơ chia tay, một cuộc chất vấn, trêu chọc nhau bằng thơ giữa Nguyễn Bính và các thi hữu đã diễn ra, để bây giờ trở thành giai thoại:
Thanh Bình (bắn “phát pháo mở đầu”, hỏi Nguyễn Bính):
- Phải chăng ông sắp tuyên hôn?
Truy Phong (bồi tiếp):
- Bạc tiền không có vợ con nỗi gì?
Nguyễn Bính (thản nhiên):
- Bạc tiền không có cần chi
Miễn yêu chung thuỷ việc gì cũng xong.
Hoàng Phố:
- Rằng xong thì Bính dối lòng
Thuốc không có hút thì hòng cưới ai?
Nguyễn Bính (phản ứng):
- Các anh nghĩ thế là sai
Theo “Đời sống mới”, tiền tài kể chi!
Nguyễn Hải Trừng (ở tiểu đội Hoạ sang chơi, góp ý):
- Đứng trong thực tế mà suy
Bạc tiền không có lấy gì tiếp tân?
Nguyễn Bính (bực bội):
- Đã mang tiếng bạn bè thân
Đến chơi đâu phải cầu ăn cho nhiều?
Hoàng Phố (nói khích):
- Bạn bè là chỗ thân yêu
Ít ra cũng phải... một heo, mới vừa.
Nguyễn Bính (trả đũa):
- Tưởng rằng tình bạn thiết tha
Ai ngờ lại hoá “bạn gà, bạn heo”!
Hoàng Tấn (phê phán):
- Bính ơi, xin chớ đặt điều
Bạn người, ai lại: bạn heo bao giờ?
Nguyễn Bính (chưa nguôi giận):
- Bạn người uống rượu ngâm thơ
Bạn... heo nên mới ngồi chờ thịt heo!
Thanh Bình (lại chọc):
- Ông đừng vin cớ ông nghèo
Đơm chuyện, đặt điều nói xấu bạn thơ!
Nguyễn Bính (đắc chí):
- Nào ai xuyên tạc bao giờ
Biết mình đuối lý thì thua cho rồi!
Hoàng Tấn (giả lả):
- Chuyện ăn là chuyện lôi thôi
Hoàng Phố (lái sang chuyện khác):
- Nay xin gác lại, hỏi chơi chuyện này
Vợ ông con cái nhà ai
Có phải lạc loài nên mới đụng ông?
Nguyễn Bính (trừng mắt):
- Con ai cũng giống cũng dòng
Lạc loài đâu phải là không ra gì?
Biết bao nhiêu phận nữ nhi
Cấm cung mà cũng thị phi tiếng đồn.
Truy Phong (đế vô):
- Cây có cội, nước có nguồn
Hoàng Phố (châm chọc):
- Lạc loài ắt gái chẳng còn tiết trinh
Nguyễn Bính (chỉ vào mọi người):
- Tại sao câu nệ chữ trinh
Các ông phong kiến cùng mình chẳng sai...
Chẳng biết câu chuyện “đấu khẩu bằng thơ” này kết thúc như thế nào nhưng chuyện Nguyễn Bính cưới vợ là có thật.
Trong tác phẩm Nguyễn Bính - một vì sao sáng, Hoàng Tấn kể lại: “Ít lâu sau Nguyễn Bính cưới vợ. Năm đó Bính đã 34 tuổi rồi. Sau hơn một thập niên vung vãi ân tình khắp nơi, cánh chim trời ấy đã xây tổ ấm. Bạn bè đồng chí ai cũng mừng cho Nguyễn Bính. Hôn lễ được cử hành khá đông vui. Lưu Quý Kỳ làm chủ hôn. Đối tượng trăm năm của Bính là chị Hồng Châu, một phụ nữ cứu quốc nổi tiếng đảm đang và thuộc thơ, thuộc rất nhiều thơ của tác giả Lỡ bước sang ngang. Sau khi cưới vợ, Bính xin phép tổ chức cho ra ngoài mở hiệu sách lấy tên là hiệu sách Nhân Dân ở ngay Huyện Sử. Mến yêu và ủng hộ nhà thơ, các NXB và các cơ quan báo chí kháng chiến:
Nhân dân,
Cứu quốc,
Lá lúa,
Vì Chúa - Vì Tổ quốc... vui lòng rót sách báo cho Bính, bán xong mới thanh toán tiền sau.
Năm 1954, sau chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng rồi hiệp định Genève được ký kết, Nguyễn Bính được lệnh tập kết ra Bắc trên một trong những chuyến tàu đầu tiên. Buổi tiễn đưa, Nguyễn Bính đã viết: “Xã Vĩnh Bình cờ bay đỏ chói/ Sông Chắc Băng vang dội tiếng tàu/ Câu hò, giọng hát chen nhau/ Đoàn quân tập kết Cà Mau lên đường... Con đi cho má dặn dò/ Gởi lời kính chúc Cụ Hồ muôn năm/ Con đi luôn nhớ miền Nam/ Ráng xây lực lượng vài năm trở về... Má ơi con dám quên đâu/ Con xin thề đúng như câu má thề/ Nghìn năm gian khổ chẳng nề/ Má chờ con nhé, con về má ơi...”
Nhưng rồi Nguyễn Bính đã chẳng có dịp trở về miền Nam như ông đã khao khát. Hơn mười năm sau đó, ông đã vĩnh biệt chúng ta đúng vào giao thừa xuân Bính Ngọ (nhằm ngày 20.1.1966).
Phần 8: Sao đêm chung sáng chẳng chia miềnNăm 1954, từ vùng kháng chiến U Minh Thượng (Cà Mau) Nguyễn Bính được lệnh tập kết ra Bắc. Từ đó, thơ Nguyễn Bính “bặt âm vô tín” trên thi đàn miền Nam, thế nhưng nhiều người yêu thơ ông vẫn tìm mọi cách để đọc!
Hiệp định Geneve, chia đôi đất nước. Nguyễn Bính theo tàu tập kết ra Bắc (thực chất là trở về cố hương, sau 11 năm “hành phương Nam”), để lại người vợ trẻ và đứa con mới chào đời. Ánh mắt của người vợ trẻ bồng con nhìn theo chồng trên bến tàu buổi tiễn đưa luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi trong cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính. Nỗi ám ảnh này đã hiện diện trong nhiều bài thơ của ông (
Gởi người vợ miền Nam,
Đêm sao sáng...). Tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, giới văn nghệ miền Nam dù rất muốn cũng không thể thưởng thức những sáng tác của văn nghệ sĩ miền Bắc. Riêng với trường hợp Nguyễn Bính thì cách vài năm sau khi nhà thơ từ trần (Tết Bính Ngọ, 1966 - NV) một nhóm ký giả Sài Gòn có ý định thực hiện một chuyên đề về Nguyễn Bính nhưng rất hiếm tư liệu, nhất là những sáng tác của ông sau 1954. Trong cuốn
Sài Gòn vang bóng (NXB TP.HCM, 2001) tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang kể rằng: “Chúng tôi phải nhờ đến bác sĩ Nguyễn Trần Huân - một nhà nghiên cứu văn học và khoa học sống tại Pháp, mua hộ những cuốn sách viết về văn học kháng chiến bằng tiếng Pháp, xuất bản tại Paris. Dùng tài liệu ngoại ngữ có cái thuận lợi là tránh bị cảnh sát và thông tin của chế độ Sài Gòn làm khó, nhưng cũng có cái bất lợi là những bài thơ được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp thế nào cũng có sự sai biệt ít nhiều vì “tam sao thất bản”.
Bài thơ Đêm sao sáng của Nguyễn Bính được nhóm của Lý Nhân Phan Thứ Lang sử dụng nằm trong trường hợp này. Bài thơ được dịch giả P.V chuyển qua Pháp ngữ với tựa đề
Nuit étoilé (in trong cuốn
Anthologie de la poésie Vietnamienne do NXB W.E.F.R ấn hành ở Paris năm 1969. Bản dịch như sau:
Les étoiles, dans leur progressive montée
Donnent plus de profondeur au firmament
Le Fleuve d’Argent dévoile ses rives froides
Où se trouve le Pont bâti par les corbeaux...
Cherchant en vain le chapeau du Génie des Moissons
Je vois un Canard nageant dans l’espace
L’Étoiles du Soir me rappelled tes doux yeux
Au moment du départ, tout hucmectés de larmes...
La Constellation Polaire, de son plus vif éclat
Brille magnifiquement dans un coin du ciel
Toi, au Sud du dix-septième parallèle
Combien d’années tu passai à la contempler!...
Les étoiles innombrables et scintillantes
Eclairent notre patrie sans la diviser
Le ciel oublie parfois de se parer d’ étoiles:
It n’y a pas de nuit où je ne pense à toi.
(12 Janvier, 1959)
Có được bài thơ này, nhóm của ông Lý Nhân Phan Thứ Lang bèn nhờ nhà thơ Lê Vĩnh Thọ dịch ngược trở lại tiếng Việt, và đây là
Đêm sao sáng của Nguyễn Bính được ông Lê Vĩnh Thọ dịch từ tiếng Pháp qua tiếng Việt:
Những vì sao càng tiến lên cao
Bầu trời càng rõ vẻ thâm sâu
Ngân Hà để lộ đôi bờ lạnh
Ô Thước còn kia một nhịp cầu...
Nữ Thần Nông tìm hoài không thấy
Anh nhìn con Vịt lội sông Ngân
Sao Hôm như mắt em hiền dịu
Đẫm lệ hôm nao lúc biệt hành...
Long lanh rực rỡ một phương trời
Bắc Đẩu, chòm sao sáng tuyệt vời
Bao năm em ngắm! Em bên đó
Phương Nam bờ vĩ tuyến ngăn đôi...
Vô số vì sao đang lấp lánh
Soi chung quê mẹ cả hai miền
Trời còn có đêm không sao sáng
Anh chẳng đêm nào không nhớ em.
Khi đăng lên báo, nhóm chủ trương chỉ chú thích là do ông Lê Vĩnh Thọ nhớ đại khái theo nguyên tác, không dám ghi rõ xuất xứ là dịch từ bản tiếng Pháp vì sợ Bộ Thông tin của chế độ Sài Gòn đục bỏ.
Sau khi đất nước thống nhất (1975), ông Lý Nhân Phan Thứ Lang đã tìm mua được cuốn
Đêm sao sáng của Nguyễn Bính (NXB Hà Nội, 1962), trong đó có bài thơ
Đêm sao sáng với nguyên tác như sau:
Đêm hiện dần lên những chấm sao
Lòng trời đang thấp bỗng nhiên cao
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?...
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu...
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi...
Sao đặc trời sao sáng suốt đêm
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
Trời còn có bữa sao quên mọc
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
Quả là... chuyện hy hữu, một bài thơ của tác giả trong nước mà người trong nước muốn đọc lại phải trải qua một “quá trình nhiêu khê” dịch qua, dịch lại từ tài liệu do người ở nước ngoài cung cấp...
Thật may là “trình độ dịch” của nhà thơ Lê Vĩnh Thọ đã tỏ ra “có nghề” khi chuyển tải xuất sắc từ nội dung đến ý và tứ của tác giả với người đọc. Đây cũng là chuyện “xưa nay hiếm” trong làng văn Việt Nam.
Phần 9: Những vần thơ về chị TrúcTrong nhiều bài thơ, đặc biệt là những bài sáng tác trên bước đường phiêu bạt ở phương Nam, Nguyễn Bính đã trút nỗi niềm tâm sự của mình với quê nhà, với “chị Trúc”. Vậy chị Trúc là ai?
Người tình, người mẹ, người em gái nhỏ trong thơ xưa nay không thiếu. Trong khi đó, ngay từ những bài đầu tiên và sau này suốt cuộc đời thơ, Nguyễn Bính đã giới thiệu “chị Trúc” một cách thiết tha, đằm thắm.
Ba bài thơ trong tập
Lỡ bước sang ngang năm 1938 đều có ghi “Tặng chị Trúc”. Sau này chị Trúc cũng là người được Nguyễn Bính gửi gắm tâm sự trong những ngày hành phương Nam qua một số bài thơ như:
Trăm câu một vần,
Xuân tha hương,
Xuân vẫn tha hương... Chẳng hạn:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi chị một em, em một chị
Giời làm xa cách mấy con sông
...Tết này, ô thế mà vui chán
Những một mình em uống rượu hồng
Rượu say nhớ chị hồi con gái
Thương chị từ khi chị lấy chồng...
(bài Xuân tha hương)
Trong hồi ký Để nhớ Nguyễn Bính - những ngày ghé bến Hà Tiên, nữ sĩ Mộng Tuyết cũng đã viết: “...Bính thường quấn quýt bên tôi như một chú em ngoan ngoãn. Bính kể chuyện Hà Nội, chuyện giang hồ, chuyện “chị Trúc - người chị tinh thần đã an ủi Bính trong những lúc buồn nản” và hứa xem tôi như một người chị tinh thần thứ hai...”
Theo nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn - người anh bà con cô cậu và là bạn thân của Nguyễn Bính - thì Nguyễn Bính mồ côi mẹ lúc mới 3 tháng tuổi. Trên Nguyễn Bính là hai người anh: Nguyễn Mạnh Phác và Nguyễn Ngọc Thu - không có người chị ruột nào. Tuy nhiên trong tác phẩm Nguyễn Bính và tôi, tác giả Bùi Hạnh Cẩn đã dành hẳn một chương Những bài thơ về chị Trúc để “giải mã” về nhân vật nữ vừa rất thật mà cũng rất bí hiểm này.
Chị Trúc tên thật là Lê N. Th. (ông Cẩn viết tắt như thế) - một người phụ nữ đẹp nổi tiếng ở Hà Đông vào những năm 1930-1940. Nhà có một hiệu ảnh nhưng anh chồng lại vướng vào nghiện ngập, hút sách suốt ngày cứ nằm co quắp bên bàn đèn để một mình chị vợ phải lo toan, gánh vác việc gia đình. Cho nên cũng dễ hiểu khi người thiếu phụ một con này gặp gỡ và đem lòng yêu Nguyễn Mạnh Phác (anh cả của Nguyễn Bính) - lúc đó đang dạy học và làm văn nghệ (viết kịch, viết báo, làm thơ...) ở thị xã Hà Đông. Vì là mối tình thầm lén nên chị Th. được những người trong cuộc gọi là “Trúc”. Yêu thương người tình nên chị Trúc cũng quý mến và rất chiều Nguyễn Bính, coi như em. Ngược lại, Nguyễn Bính cũng rất tôn trọng và cảm thông với cảnh ngộ ấy nên đã làm nhiều bài thơ chia sẻ nỗi niềm với chị Trúc.
Một bữa, nhà văn Lê Văn Trương về Hà Đông thăm bạn bè và mời Nguyễn Mạnh Phác viết cho báo Ích hữu do mình phụ trách. Đến lúc này thì Nguyễn Mạnh Phác cần có một bút hiệu. Theo lời ông thân sinh của Bùi Hạnh Cẩn (anh ruột của mẹ Nguyễn Bính - NV) thì bà thân của họ Nguyễn đã “đẻ rơi” Mạnh Phác ngoài đường lộ. Do vậy, Mạnh Phác còn có tên gọi ở nhà là “cu Đường”. Thế là họ bèn lấy tên “người em văn nghệ” của Mạnh Phác (cô Trúc) gắn với tên... cu Đường, thành bút hiệu là Trúc Đường (sau này Trúc Đường là nhà viết kịch nổi tiếng ở miền Bắc). Từ đó Trúc Đường thôi dạy học, lên Hà Nội làm báo Ích hữu rồi làm ở nhà in Lê Cường, mối tình với chị Trúc càng thêm thắm thiết.
Nhưng một hôm, chị Trúc đang ngồi đan áo tặng Trúc Đường thì hay tin nhà in Lê Cường vừa xuất bản tập thơ của một tác giả nữ do chính Trúc Đường biên tập. Người đẹp Hà Đông liền nổi máu “sư tử Hà Đông”, vứt chiếc áo đan dở sang một bên và tuyên bố không thèm gặp Trúc Đường nữa. Nguyễn Bính nghe chuyện rất buồn, gửi cho chị Trúc một bài thơ nhằm thanh minh cho anh trai:
...Người ấy yêu thương chị nhất đời
Trọ qua đêm ấy song người ấy
Với chị đêm nào cũng nhớ thương...
Chị hãy nghe lời em bé đây
Hết buồn, hết khóc từ hôm nay
Vui lên chị ạ rồi đan áo
Em thấy cây vườn sắc lá thay...
(Gửi chị Trúc)
Nhưng những lời thơ thiết tha, khẩn khoản ấy không ngăn được dòng nước mắt cũng như sự ghen hờn của người thiếu phụ. Nguyễn Bính lại gửi tiếp cho chị Trúc nhưng lời thơ thống thiết:
Em thấy hình như chị khóc luôn
Mấy ngày môi chị biệt ly son
Buồn không trang điểm, buồn không nói
Ai đã làm cho chị Trúc buồn?...
Em hỏi vì sao? Chị lặng yên
Để lời em hỏi chịu vô duyên
Nhưng rồi chị kể loanh quanh mãi
Em mới hay rằng chị đã ghen
(Chị đã ghen)
Những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ trước, trong không khí ngột ngạt của Đệ nhị Thế chiến sắp tràn tới Đông Dương thì những văn thi sĩ miền Bắc lại có phong trào “giang hồ vặt”, thích phiêu bạt, dịch chuyển. Nguyễn Bính cũng đã tỏ ra giận hờn, trách cứ Bùi Hạnh Cẩn khi ông anh bà con của mình “giang hồ bỏ cuộc nửa chừng”:
Tháng ngày lần lữa trôi qua
Gió Đông Nam vắng nghĩ mà buồn tênh
Nằm bên sông Mã xứ Thanh
Tôi buồn khi biết thuyền anh quay về
(Gửi Bùi Hạnh Cẩn)
Năm 1943, mấy nhà thơ, nhà văn trẻ Nguyễn Bính, Tô Hoài, Vũ Trọng Can từ Bắc vào miền Trung, vô Nam rồi lại trở ra. Thời kỳ này, Mạnh Phác và chị Trúc luôn gửi tiền vào Huế “tiếp sức” cho cậu em vốn nghèo mà lại khoái đi giang hồ. Đó cũng là giai đoạn Nguyễn Bính viết
Xuân tha hương và
Xuân vẫn tha hương:
...Vườn nhà tết đến hoa còn nở?
Chị gửi cho em một cành hồng
(Tha hương chẳng gặp người tri kỷ
Một cánh hoa tươi đỡ lạnh lòng...)
Không hiểu vì sao hai đứa lại
Chung lưng làm một chuyến đi đày
Mai đây bỏ Huế rồi quên Huế
Quên được làm sao bữa rượu này...
(Xuân tha hương)
và:
Đêm ba mươi tết quê người cũng
Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương
Chị ạ, em không người nước Sở
Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương
Đất khách tình dâng nhoà mắt lệ
Ôi nhà, ôi chị... ôi quê hương
(Xuân vẫn tha hương)
Chị Trúc chỉ là một hình bóng thoáng qua trong đời thơ Nguyễn Bính nhưng đã được nhà thơ trân trọng, tôn thờ đến hết đời. Ông mồ côi mẹ từ lúc còn ẵm ngửa, thiếu thốn tình mẫu tử lại không có chị, có em gái nào. Thế nên chị Trúc dù không có chút quan hệ huyết thống nhưng lại rất thân thiết, gần gũi trong tâm hồn hết sức nhạy cảm của nhà thơ.
Phần 10: Ngày Nguyễn Bính ra điHầu như ai cũng biết Nguyễn Bính ra đi vào một ngày giáp Tết Bính Ngọ (1966), chính xác là ngày 29 Tết (tháng chạp này không có ngày 30). Tuy nhiên, kể về cái chết của ông thì mỗi người nói một kiểu, không thống nhất.
Vội vã ra điDưới đây, chúng tôi xin dẫn theo nhà văn Vũ Bão, người bạn thân thiết với Nguyễn Bính ở Ty Văn hoá Hà Nam.
Sau khi tờ
Trăm hoa do Nguyễn Bính thực hiện ở Hà Nội đình bản, Nguyễn Bính bị “thất sủng”, trôi dạt về quê Hà Nam. Ở đây ông chơi thân với nhà văn Vũ Bão. Vũ Bão kể:
Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung tên là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc Đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt, anh rất yêu thích thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty Văn hoá Hà Nam họp, Tân Thanh lại khẩn khoản mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi. Được cái cô Sang - vợ Tân Thanh - là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà là cô tiếp đón niềm nở, cố lo cho được bữa cơm để chồng tiếp đãi mấy ông anh văn nghệ chứ không hề có một thái độ, cử chỉ tỏ ra phiền hà.
Khi Nguyễn Bính được Ty Văn hoá Hà Nam phân phối một chiếc xe đạp, ông bòn mót mãi cũng chưa đủ nửa số tiền, vợ chồng Tân Thanh đã sốt sắng góp giúp khoản tiền còn lại. Có xe đạp, chỉ cần khoảng nửa tiếng là Nguyễn Bính đã có thể về thăm vợ con (bà Lai - NV) đang sơ tán ở Đại Hoàng. Nhưng bản tính của Nguyễn Bính là thích có bạn tâm sự, cho nên dạo làm ở Ty Văn hoá, cứ hết giờ hành chánh là Nguyễn Bính đạp xe về thôn Mạc Hạ chơi với vợ chồng Tân Thanh. Đối với tôi, vợ chồng Tân Thanh cũng sẵn sàng cho vay tiền mua nhà. Nguyễn Bính thường hay nói với vợ chồng Tân Thanh: “Tôi đến với hai cô chú là vì cái tình. Tôi coi Hứa (Tân Thanh) như thằng em ruột tôi, coi cô như là em dâu nên tôi mới về đây”. Người ta đồn thổi Nguyễn Bính ưa về Mạc Hạ là vì... có Tân Thanh cung phụng rượu chè! Thực ra, Tân Thanh không biết uống rượu. Mỗi lần về Mạc Hạ, hai anh em chuyện trò cho đến tận khuya mới đi ngủ...
Tết Bính Ngọ 1966 - Tết thời chiến nên toà soạn báo dành cho tôi một chế độ riêng: Ba ngày Tết, tôi xuống các đại đội pháo cao xạ ăn Tết với lính, toà soạn coi đó là 3 ngày đi công tác. Mùng 4 Tết tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó... 10 giờ ngày mùng 4 Tết, tôi tới nhà Tân Thanh ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe đạp vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: “Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi!”. Tôi đứng sững lại: “Ai nói với cô?”. Cô Sang nói tiếp: “Tuần trước, bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện 3 ngày, sức khoẻ hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi.
Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về tận Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn Tết cùng chúng em... Sáng sớm 30 (*), nhà em tính sang chỗ hàng xóm chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác, nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi “Tân Thanh!” Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống bên gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện gấp. Y sĩ khám cho bác ấy xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra bưu điện huyện gọi điện báo tin cho bác Trúc Đường và Ty Văn hoá... Em phải qua chỗ chia thịt lợn với hàng xóm. Cầm suất thịt về em càng thương bác Bính, bác đã đi rồi, ba mươi Tết, bác đã nhìn thấy miếng thịt nào đâu, đã ăn được miếng dồi, miếng tiết nào đâu mà bác đã vội vã ra đi...
Điềm báoTrong cuốn Giai thoại Nguyễn Bính, nhà văn Vũ Nam kể: “Cuối năm 1965, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 200 ngày sinh Nguyễn Du - người mà Nguyễn Bính vốn coi như “tổ sư” của mình trong lĩnh vực làm thơ (Nguyễn Bính chẳng phục nhà thơ nào, chỉ trừ... Nguyễn Du!), báo Xuân năm Bính Ngọ ra số đặc biệt với nhiều bài vở về Nguyễn Du (1966). Hôm duyệt bài báo Tết, Nguyễn Bính cười thật tươi, tay cầm một xấp giấy mỏng, khoe: “Chỉ trong một đêm, tôi đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền”.
Nguyễn Bính không cho ai xem mà chờ cho đến lúc đông đủ anh em mới trịnh trọng giở những trang giấy được viết thật công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga:
KÍNH TẶNG CỤ NGUYỄN DU VÀ TRUYỆN KIỀU:
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương
Khen rằng đáng giá Thịnh Đường
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai
Gẫm câu người ấy, báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui cũng tại lòng này
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây.
Cả hội đồng duyệt bài số báo Tết hôm ấy, ai cũng lặng người. Bài tập Kiều tuy là để tặng cụ Tiên Điền nhưng nghe sao như tâm sự của Nguyễn Bính đang muốn... tổng kết đời thơ của mình, để lại chút gì cho ngày sau. Ai cũng bảo tập Kiều này nghe như “có điềm báo trước”. Nguyễn Bính cười trừ: “Các ông mê tín! Cứ hay là được rồi. Tôi xin nộp bài này. Một câu một chữ không sửa!”.
Còn nhà văn Chu Lai thuật lại: “Mùng sáu tháng giêng ta, tôi lên Hội Nhà văn thông báo về việc anh Bính mất. Gặp Tô Hoài, cùng ngậm ngùi nói chuyện về người bạn mới mất. Sau đó, tôi tìm đến nhà Trần Lê Văn. Nghe tin Bính mất, Trần Lê Văn tròn xoe mắt kinh ngạc: “Bính chết thật ư? Bao giờ?”. “Ba mươi Tết, trước giao thừa” (*). Trần Lê Văn bỗng xịu mặt, đấm vào đùi bình bịch: “Biết mà! Biết mà! Chết trước mồng một, đã lường thấy từ bao giờ”. Tôi gặng hỏi: “Sao anh lại nói vậy?”. Trần Lê Văn nói như gắt: “Ô kìa! Năm mới tháng giêng mồng một Tết. Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”, rồi “... Giờ đây chín vạn bông hoa nở/Riêng có tình ta khép lại thôi” (**). Nó để mùa xuân nguyên vẹn cho người. Nó đi mà”. Tôi sực nhớ bài tập Kiều Lời lời lệ sa máu rỏ đăng trân trọng trong số báo Tết. Ôi, thương quá! Chẳng lẽ trong thơ có quỷ, có ma thật chăng?!”...
* Có sự nhầm lẫn về ngày mất của Nguyễn Bính trong các tư liệu này.
** Nhạc xuân - thơ Nguyễn Bính.
Hà Đình Nguyên (báo Thanh niên, 3-2010)