第一景-重明遠照

擎天直聳絳空中,
三堞巍峨達四聰。
璀璨雲霞蒸綺檻,
晶營日月瞰雕櫳。
千方風景常光朗,
萬里山河盡會通。
精一危微思燭隱,
高明悠久道欽崇。

 

Đệ nhất cảnh - Trùng minh viễn chiếu

Kình thiên trực tủng giáng không trung,
Tam điệp nguy nga đạt tứ thông.
Thôi xán vân hà chưng ỷ hạm,
Tinh dinh nhật nguyệt khám điêu lung.
Thiên phương phong cảnh thường quang lãng,
Vạn lý sơn hà tận hội thông.
Tinh nhất nguy vichúc ẩn,
Cao minh du cửu đạo khâm sùng.

 

Dịch nghĩa

Lầu màu đỏ rực thẳng vút lên không trung
Ba tầng to lớn trải rộng khắp bốn phía
Những lan can ở hiên lầu vẽ hình ráng mây sáng lóng lánh
Những cửa sổ chạm trổ sáng tỏ dưới ánh mặt trăng, mặt trời
Phong cảnh bao la chung quanh thường quang đãng
(Ở lầu) có thể thấy suốt non ngàn dặm xung quanh
Phải giữ lấy đạo tinh nhất nguy vi để soi đến chỗ khốn khó của người dân
Đó là đạo sang suốt cao xa lâu dài đáng khâm phục (như chốn lầu cao vút này)


Lời dẫn: “Minh Viễn lâu: Tam tằng trắc lực, tứ vọng linh lung. Nam bắc đông tây chỉ cố giai trừ cảnh sắc, phi tiềm động thực hối quy song hạm phong quang. Chiêu yêu tinh túc chi văn chương, tổng lãm sơn hà chi cẩm tú.” 明遠樓:三層崱屴,四望玲瓏。南北東西指顧階除景色,飛潛動植匯歸窗檻風光。招邀星宿之文章,總攬山河之錦繡。 (Lầu Minh Viễn: Ba tầng chót vót, bốn phía lung linh. Trước thềm bốn mặt nam bắc đông tây tràn đầy cảnh sắc, ngoài song trước sau điểu ngư hoa cỏ hội tụ thiên nhiên. Thu hút tinh hoa tinh tú, tụ hội gấm vóc sơn hà.)

Trùng minh chỉ mặt trăng và mặt trời. Trong Kinh dịch ở quẻ Ly có câu “Trùng minh dĩ lệ vu chính”. Từ ý nghĩa này, người xưa lấy hai chữ “Minh Viễn” đặt tên cho lầu. “Trùng minh viễn chiếu” có nghĩa là mặt trời mặt trăng ở xa đều chiếu về. Trong bài “Minh Viễn hà quan” (Ở lầu Minh Viễn nhìn ra xa) của vua Thiệu Trị trong “Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập” cũng có câu: “Nhật nguyệt lưỡng luân quy chỉ cố” (Hai vàng nhật nguyệt cùng chầu lại).

Lầu Minh Viễn là một công trình kiến trúc quan trọng trong hệ thống cung điện ở Tử Cấm Thành ngày xưa. Một số tư liệu của triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí đều đề cập đến toà nhà lầu nổi tiếng một thời này. Đây là bài thơ vua Thiệu Trị dùng để ca ngợi giá trị nghệ thuật của nó.

Các tư liệu không cho biết rõ chức năng của toà nhà lầu ấy, chỉ có sách Đại Nam nhất thống chí nói đây là một “ngự lâu” nghĩa là lầu của vua. Như vậy, chúng ta có thể hiểu công trình kiến trúc cao tầng này là nơi vua lên ngắm cảnh hóng mát. Sách Đại Nam thực lục ghi rằng lầu Minh Viễn được xây dựng vào tháng 6 năm 1827 dưới thời Minh Mạng và chỉ thi công trong hơn một tháng là xong. Triều đình đã giao cho hai ông Trần Văn Tín và Nguyễn Văn Trọng đứng ra điều khiển công việc xây dựng. Lực lượng thi công là lính và thợ của triều đình. Sau khi làm xong, họ được nhà vua thưởng áo quần và tiền bạc. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ mô tả nền của lầu Minh Viễn cao 1 trượng 1 tấc (khoảng 4m), chung quanh có lan can bằng gạch hoa, mặt nam của nền xây 3 hệ thống bậc cấp, còn mặt bắc chỉ xây một hệ thống. Lầu gồm 3 tầng, cao 2 trượng 7 thước (khoảng 10,8m). Kiến trúc tầng dưới gồm 3 gian 2 chái. Mái lầu lợp ngói ông hoàng lưu ly. Giữa nóc tầng ba có đính một viên ngọc châu. Phía bắc của lầu, ở bên trái và bên phải, dựng hai cột cờ. Từ hai bên nền lầu có thể đi ra khỏi mặt sau Tử Cấm Thành bằng cửa Tường Loan ở bên trái và cửa Nghi Phụng ở bên phải. Như vậy, đỉnh của toà nhà lầu này cao đến gần 15m so với mặt đất. Theo lời mô tả trên đây về kích thước, hình dáng, kết cấu và vật liệu xây dựng của lầu Minh Viễn, chúng ta thấy nó có vẻ tương tự như Hiểu Lâm các hiện nay ở khu vực Thế Miếu trong hoàng thành Huế. Tuy nhiên, lầu Minh Viễn đã bị triệt giải vào năm 1876. Có lẽ sau gần nửa thế kỷ, kể từ ngày xây dựng (1827-1876), nó đã bị xuống cấp trầm trọng. Bấy giờ, triều đình Tự Đức lại lâm vào tình trạng rất khó khăn về nhiều mặt, nên không thể đầu tư kinh phí để trùng tu công trình kiến trúc này. Phần nền của toà lầu đã bị bỏ không cho đến 31 năm sau.

Vào năm 1913, dưới thời Duy Tân, triều đình cho xây dựng lên trên đó là một cái lầu khác theo kiểu mới, gọi là lầu Du Cửu. Đến năm 1916, dưới thời Khải Định, lầu Du Cửu được đổi tên thành lầu Kiến Trung. Năm 1921, vua Khải Định thấy lầu này chật hẹp nên ra lệnh cho Bộ Công xây dựng một toà nhà lầu khác rộng hơn, theo kiểu thức pha trộn Âu - Á (cũng gọi là lầu Kiến Trung), để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của nhà vua. Công trình xây dựng bằng bê tông này được thi công từ năm 1921 đến năm 1923 mới hoàn tất. Dù được làm bằng bê tông, lầu Kiến Trung cũng bị phá huỷ vào tháng 2 năm 1947. Ngày nay, tại vị trí của lầu Kiến Trung xưa vẫn còn hầu như nguyên vẹn phần nền móng.

Nhìn chung, công trình kiến trúc này đã thay hình đổi dạng đến 3 lần, nhưng nhờ bài thơ này mà hậu thế biết được có một toà nhà lầu bằng gỗ mang giá trị nghệ thuật cao đã từng xuất hiện và nổi tiếng một thời trong lịch sử kiến trúc của cố đô Huế.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Vĩnh Cao

Chống trời cao vút giữa không trung
Bốn phía nguy nga mái chập chùng
Cột thếp sáng ngời màu vân vũ
Cửa son rưc rỡ ánh linh lung
Cảnh sắc bốn bề thường xán lạn
Sơn hà vạn dặm mãi cùng thông
Thầm nghĩ ở cao cần rõ đạo
Cao mà bền vững dáng tôn sùng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
14.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Chống trời lầu đỏ rực lên không,
Trải rộng ba tầng bốn phía thông.
Mây nước hài hoà in lóng lánh,
Trăng trời xán lạn toả mênh mông.
Bốn phương quang đãng, bày phong cảnh,
Ngàn dặm nguyên hình, tỏ núi sông.
Giữ trọn đạo hiền soi khốn khó,
Như lầu cao vút giữa không trung.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời