Lê Đại (1875-1951 [1]), tự: Siêu Tùng, hiệu: Từ Long; là chí sĩ yêu nước và là nhà thơ Việt Nam ở đầu thế kỷ 20.
Ông sinh tại làng Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội).
Cha ông là Tú Kép Thịnh Hào [2]. Thuở nhỏ, Lê Đại từng học với Thám hoa Vũ Phạm Hàm, đỗ đầu xứ, nhưng thi Hương mấy lần đều không đỗ.
Năm 1906, ông gia nhập Hội Duy Tân và phong trào Đông Du. Năm 1907, nhận lời mời của Lương Văn Can, ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục và tham gia Ban Tu thư của trường. Sau khi trường bị đóng cửa, ông vẫn tiếp tục dạy riêng một vài lớp học tại hiệu Đồng Lợi tế ở phố Hàng Bồ (Hà Nội).
Năm 1908, vì liên quan đến vụ Hà Thành đầu độc, Lê Đại cùng Vũ Hoành, Nguyễn Quyền bị nhà cầm quyền Pháp kết án chung thân đày ra Côn Đảo.
Tuy nhiên, sau 17 năm lao tù khổ sở, đến 1925 [3] Lê Đại được phóng thích. Ông trở lại Hà Nội, mở cửa hiệu chuyên viết thuê đối, trướng dưới bút hiệu Từ Long. Khoảng 2 năm sau, thì mẹ ông mất.
Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lê Đại cùng gia đình tản cư về Sơn Tây, đến cuối năm 1947 mới trở về Hà Nội. Ông lại ngồi viết thuê, làm thơ, và cộng tác trong Ban Văn chương của Việt Nam văn hoá hiệp hội.
Ngày 16 tháng 11 năm 1951, Lê Đại mất tại Hà Nội, thọ 76 tuổi.
Tác phẩmLê Đại đã biên soạn nhiều sách dùng làm tài liệu giảng dạy và tuyên truyền. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có:
-
Quốc văn độc bản (Sách học của quốc văn)
-
Nam quốc giai sự (Việc hay nước Nam)
-
Quốc văn giáo khoa thư (Sách giáo khoa quốc văn)
-
Luân lý giáo khoa thư (sách giáo khoa luân lý)
Ngoài ra, ông dịch sách báo chữ Hán ra tiếng Việt, trong đó có bài dịch Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu sang thể thơ song thất lục bát là thành công nhất. Tác phẩm đã được Đông Kinh nghĩa thục in và phổ biến rộng rãi trong toàn quốc.
Năm 1939, Huỳnh Thúc Kháng chọn một số bài thơ của ông giới thiệu trong
Thi tù tùng thoại (nhà in Tiếng Dân, 1939).
Năm 2001, Chương Thâu - Tôn Long tập hợp được khoảng 100 bài của ông và đã giới thiệu trong cuốn Lê Đại, con người và thơ văn do NXB Văn hoá - Thông tin ấn hành năm 2001.
Nhìn chung, Lê Đại là một trong những người “giỏi quốc văn, những tay bút lưu loát, hùng hồn, chan chứa nhiệt tình cách mạng” (GS. Đặng Thai Mai).
Chú thích:
[1] Chép theo Từ điển văn học (bộ mới). Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920) ghi Lê Đại mất năm 1952.
[2] Từ điển văn học (bộ mới) không ghi tên thật, chỉ cho biết vì thi đỗ tú tài hai lần nên người đời gọi ông như thế.
[3] Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế biên soạn. NXB Khoa học Xã hội, 1992) ghi 1926.
Sách tham khảo:
- Nguyễn Huệ Chi, mục từ Lê Đại trong Từ điển Văn học (bộ mới). NXB Thế giới, 2004.
- Nhiều người soạn, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (1858-1920), quyển 2. NXB Văn Học, 1985.