(Lưu, Nguyễn xin về, hai tiên nữ tống biệt)

Hai tiên nữ nói: Hai chàng nay đã nhớ đến quê hương mà muốn về, chúng tôi nghĩ giữ lại làm sao cho tiện! Vậy xin kính đưa ra tới cửa động này mà có nhời thưa rằng:

Hai chàng,
Bởi tiền thế nhiều phần phúc đức,
Nên ngày nay kết bạn tiên cung.
Nhưng nợ trần vướng vít gỡ chưa xong,
Xui cõi tục mơ mòng còn tưởng nhớ!
Nay đến lúc kẻ đi người ở,
Thôi từ nay vĩnh cách tràng ly.
Ngãi trăm năm còn một khúc ca thi,
Dâng quân tải để làm nghi tống biệt.

Ngâm: Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi!
   Nửa năm tiên cảnh,
   Một bước trần ai,
Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
   Đá mòn, rêu nhạt,
   Nước chảy, huê trôi,
Cái hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ đây xa cách mãi.
   Cửa động,
   Đầu non,
   Đường lối cũ,
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...


Bài thơ có lẽ được gợi hứng từ chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu du Thiên Thai trong Sưu thần ký của Can Bảo và truyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong U minh lục của Lưu Nghĩa Khánh, kể về việc hai chàng trai ở hạ giới là Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào núi hái thuốc rồi lạc bước đến một chốn tiên cảnh, kết duyên cùng hai tiên nữ. Nửa năm sống hạnh phúc ở cõi tiên không làm nguôi nỗi nhớ quê hương, hai người xin về thăm, nhưng các tiên nữ cố giữ lại, vì một khi đã rời khỏi Thiên Thai là không thể quay lại được nữa, song Lưu, Nguyễn vẫn kiên quyết quay về. Về tới nhà, hai chàng mới biết mình đã xa gia đình bảy đời, mọi cảnh vật đều trở nên xa lạ với họ. Hai người đành quay trở lại Thiên Thai, nhưng không thể tìm được lối vào tiên động nữa.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bài thơ này từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


[Thông tin 4 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Có một chút thắc mắc thôi ạ

Em không rõ lắm, nhưng vì em rất thích bài thơ này nên em nhớ rõ hồi lớp 11, em được học bài này. Em không bình nó đâu, vì em rất ghét bình những bài thơ mình thích. Tự nhiên thích, tự nhiên cảm, chứ không phải vì những lời bình văn vẻ.
Em thấy có một chỗ trong đây khác với bản em đã học và thuộc lòng hồi lớp 11:

Nửa năm tiên cảnh
Một phút trần ai

Trong bản mà em nhớ là:
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai

Nếu là theo em thì không thể là phút mà phải là bước mới đúng ạ. Ý kiến của em có sao không anh?

Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
64.17
Trả lời
Ảnh đại diện

Một bước...

Bài này trong "Thi nhân Việt Nam" ghi là "một bước".

Môn toả hoàng hôn,
Nguyệt tẩm mai hoa lãnh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Có lẽ là một bước

Hồi mình học cũng là một bước! Mà bài này mình học không biết bao lần rồi! Lại là bài mình thích nữa, thế thì sửa thành một bước nhé! :D

Em ngẩn ngơ ngắm khoảng trời chiều
Khoảng trời yên ả, nét phiêu diêu
Em lơ đãng vẽ anh lên đó
Vẽ cạnh tên anh, một chữ yêu
23.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Bài thơ Tống biệt

Hình như bài thơ này đăng thiếu hay sao ấy. Tôi còn nhớ là đã đọc bài thơ này ở đâu đó và có câu:
'Duyên trăm năm đứt đoạn
tình một thuở còn vương"
nằm ở gần cuối bài thơ.

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Thông tin thêm về bài “Tống biệt”

Tống biệt là một bài từ nổi tiếng của Tản Đà, được trích trong vở chèo Thiên Thai do Tản Đà sáng tác năm 1922. Nội dung vở diễn tích hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu đời Hán, nhân tết Đoan Ngọ (còn gọi là tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch), vào núi Thiên Thai (Chiết Giang, Trung Quốc) hái thuốc bị lạc lối về. Hai chàng bất ngờ gặp được tiên nữ, rồi kết làm vợ chồng. Sống hạnh phúc được nửa năm thì cả hai cùng nhớ quê muốn về thăm. Các tiên nữ cho biết đây là cõi tiên, đã về trần thì không thể trở lại, song vẫn không giữ được hai chàng. Lưu, Nguyễn về làng thấy quang cảnh khác xưa, thì ra họ đã xa nhà đến bảy đời. Buồn bã, hai chàng trở lại Thiên Thai, thì không còn thấy các tiên đâu nữa... Kể từ đấy, họ cũng đi đâu biệt tích.

Ở bài Tống biệt, tác giả chỉ nói đến cảnh chia biệt đầy lưu luyến của Lưu - Nguyễn với hai nàng tiên, để qua đó “thầm gửi gắm niềm thương tiếc của mình đối với cái đẹp không bao giờ trở lại”.

Tống biệt là bài từ khúc theo điệu Hoa phong lạc, rút từ vở chèo Thiên Thai, có thể coi là một bài toàn bích. Vì đây là vĩnh biệt (từ đây xa cách mãi), cho nên bài thơ có nhịp chân bước quyến luyến mà chậm rãi, dường như ung dung. Văn khí trong thơ thay đổi luôn, câu ngắn thì như nấc như nghẹn, câu dài thì như tiếng than não nuột của một cặp tình nhân chia tay nhau giữ cảnh trời đất mênh mông...

Giới thiệu bài thơ này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình: “Lá rơi - hình ảnh của lìa tan, của ly biệt... Người đi. Khách phàm trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng khuâng... Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữ Đào Nguyên trăng sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào tâm hiu hắt... Sực tỉnh rồi... còn đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy - huê trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời... đem đi mộng cũ của lòng ta... Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín. Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi... Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn thơ của tuổi mộng - Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ, để thắm mãi giữa đời...”

Nhà nghiên cứu Thạch Trung Giả phân tích: “Ngậm ngùi là nỗi buồn sâu xa thấm thía, tuy không mãnh liệt đốt xét lòng người nhưng dư vang bất tuyệt. Trong cuộc tiễn đưa, bốn người đã ngầm biết không bao giờ gặp lại nên tình cảm của họ lắng sâu như thiên cổ. ‘Nửa năm tiên cảnh/ Một bước trần ai...’ diễn tả nỗi bàng hoàng của người thấy cuộc vui qua mau như giấc mộng. Trần ai xuất từ kinh Phật ví cõi đời ô trộc và vô thường. Để rồi từ đó mạch thơ chuyển sang thơ ‘Đá mòn, rêu nhạt/Nước chảy, huê trôi’ cốt nói thêm rằng cuộc tan vỡ này không phải là ngẫu nhiên mà là theo định luật chung của vũ trụ. ‘Cái hạc” không những chỉ chiếc xe tiên mà còn ám tỷ hạnh phúc từ đây hoàn toàn mất hút. Tiếng ‘thơ thẩn’ như tả một người đi lẻ loi. ‘Bóng trăng’ có thể coi như là một linh hồn trầm tư cúi xuống chứng kiến nơi đã ghi dấu một cuộc tình duyên đẹp nhất và cũng bi thương nhất... Về mặt nghệ thuật, chữ dùng tinh vi, gợi cảm đến mức cuối cùng.”

GS. TS. Kiều Thu Hoạch nhận xét: “Đương nhiên, Tản Đà chưa phải là một nhà thơ mới như các nhà thơ mới lớp sau ông. Nhưng rõ ràng, ông là nhà thơ đã có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi, sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ. Trong thời buổi mà lối thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là mới, rất mới! Chính cái sự mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ ấy đã tạo nên ‘một giọng phóng túng riêng’ trong phong cách thơ Tản Đà.”


Tham khảo:
1. Thạch Trung Giả, Văn học phân tích toàn thư, NXB Lá Bối, Sài Gòn, tr. 511, 512 và 514
2. Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập 2), NXB Văn học, 1987
3. Nguyễn Hiến Lê, Luyện văn, NXB Văn hoá, 1998, tr. 240
4. Bùi Giáng, Giảng luận Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, NXB Văn học, 2001, tr.109
5. Kiều Thu Hoạch, Người mở đầu thơ Việt Nam hiện đại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Re

@huyenson: Câu: duyên trăm năm đứt đoạn. Tình một thuở còn hương.. là trong bài Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ đấy.

25.00
Trả lời